Hôm nay,  

Tình Si Và Tình Dục Trong Tiểu Thuyết Kim Dung

05/10/201200:00:00(Xem: 10279)
1* Mở bài

Tiểu thuyến Kim Dung không còn nằm trong phạm vi của người Trung Hoa ở Đài Loan, Hồng Kông, mà trở thành một hiện tượng mang tính quốc tế, vì nó được chào đón ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đa số người Việt Nam đều biết đến và say mê những tiểu thuyết của Kim Dung qua sách báo và phim ảnh.

Ngoài võ công của các môn phái, tiểu thuyết Kim Dung còn thể hiện những khía cạnh của tình yêu qua 15 bộ tiểu thuyết, gần giống như toàn bộ tình yêu trong cuộc sống thực tế ngoài đời.

Tình gia đình, tình tuyệt vọng, tình hận, tình ghen, tình tội lỗi, tình thù, tình mộng, tình đồng tính, tình dục và tình si được thể hiện qua những nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung.

Bài nầy, nói đến hai thứ tình gây ấn tượng nhất là tình si của Đoàn Dự và tình dục của Vi Tiểu Bảo.

Sự đam mê của tình si rất mãnh liệt, hướng tới một đối tượng duy nhất và làm khô héo những thứ tình khác. Đam mê cũng có thể đưa đến tình tội lỗi. Tiểu thuyết Kim Dung có những “ông thần si tình” mà đại biểu là nhân vật Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ.

Về tình dục thì nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký là một điển hình.

2* Đoàn Dự “ông thần si tình” trong tiểu thuyết Kim Dung

Sở dĩ gọi là “ông thần” vì mức độ si tình quá cao, vượt hẳn bình thường, đam mê đến nổi xem si tình như một tôn giáo, mà đối tượng là giáo chủ. Hai nhân vật si tình thượng thừa phải kể đến là Đoàn Dự và Du Thản Chi trong Thiên Long Bát Bộ.

2.1. Nói sơ về Thiên Long Bát Bộ

Thiên Long Bát Bộ được sáng tác năm 1963, khởi đăng trên Minh Báo Hồng Kông và Nam Dương Thương báo, Singapore, từ ngày 3-9-1963. Bộ chuyện dài 3,000 trang, 50 hồi, đăng liên tục 4 năm. Đây là tác phẩm dài nhất của Kim Dung.

Những nhân vật chính là: Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc, Vương Ngọc Yến, A Châu, A Tử, Mộ Dung Phục, Du Thản Chi, Cưu Ma Trí, Đinh Xuân Thu, Đoàn Chính Thuần, Mộ Dung Bác…

Cái tựa đề “Thiên Long Bát Bộ” xuất phát từ kinh Phật, đó là 8 loài, không phải là người, nhưng có sức mạnh hơn người, là: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, ATu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gia. Tám loài nầy do Thiên, Long đứng đầu nên gọi là Thiên Long Bát Bộ.

2.2. Đoàn Dự

Đoàn Dự là con của Đoàn Chính Thuần và vương phi Đao Bạch Phượng, bác của Đoàn Dự là Đoàn Chính Minh tức Bảo Định Đế, vua nước Đại Lý. Ông nầy tu hành, trường chay, không vợ con, và ngôi vua sau cùng sẽ về tay Đoàn Dự, nhưng anh chàng nầy không thích làm vua, mà thích ngao du sơn thủy, phiêu bạt giang hồ, kết bạn bốn phương với anh hùng trong thiên hạ. Đoàn Dự đa tình và si tình trước sắc đẹp của Vương Ngọc Yến.

2.3. Lăng Ba Vi Bộ

Trên đường đến Vạn Kiếp Cốc để cứu Chung Linh, Đoàn Dự lạc vào cấm địa của phái Vô Lượng Kiếm, rơi xuống vực thẳm, may mắn bám vào một cành cây tùng nên sống sót. Lọt vào một thạch động của núi Vô Lượng, là nơi mà chưởng môn phái Tiêu Dao là Vô Nhai Tử, trước kia đã từng sống với người yêu. Đòan Dự sững sờ trước một pho tượng tuyệt mỹ, hình một giai nhân tuyệt sắc, lớn bằng người thật.

Lòng sinh ngưỡng mộ và tôn kính sắc đẹp tuyệt trần, bất giác cảm kích, sụp lạy bức tượng một ngàn cái, bất chợt phát hiện được hai bộ bí pháp là Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công. Theo lời chỉ dẫn ghi trong cẩm nang, Đoàn Dự tìm đến Lan Hoàng Phúc Địa, nơi tàng trữ võ công của các môn phái trong thiên hạ, nhưng khi vào thì “thư viện” trống rổng, bí kíp võ công đã bị mang về Mạn Đà Sơn Trang của nhà Mộ Dung và Vương phu nhân, do đó Vương Ngọc Yến và Mộ Dung Phục mới có dịp học võ công của nhiều môn phái, nên xử dụng được ngón đòn gậy ông đập lưng ông.

Sau 3 ngày luyện tập, Đoàn Dự có thể xử dụng được Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công, nhưng chưa đến mức thành thạo.

Lăng Ba Vi Bộ là phép né tránh đòn của đối phương, sự di chuyển thân hình tạo ra một ảnh ảo khiến đối phương đánh vào ảnh ảo nên Đoàn Dự thoát thân được. Bắc Minh Thần Công cũng giống như Hấp tinh đại pháp, là thu hút nội lực của đối phương qua nội lực của mình.

Một hôm, tình cờ Đoàn Dự nuốt chửng một con rít cực độc và một con cóc đỏ siêu độc. Hai con vật đệ nhất độc giúp Đoàn Dự gia tăng công lực đến mức thượng thừa và có khả năng đề kháng vạn thứ độc trên đời.

3* Vương Ngọc Yến

Vương Ngọc Yến là một thiếu nữ hoàn hảo từ dung mạo đến trí tuệ và lai lịch. Nhan sắc của cô làm cho Đoàn Dự mê mẩn tâm thần, ngẩn ngơ như mất hồn mất vía ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên tại Mạn Đà Sơn Trang, khi Cưu Ma Trí bắt ép Đoàn Dự, đưa đến gặp Mộ Dung Phục.

Vương Ngọc Yến rất thông minh, thuộc lòng mọi kinh sách võ thuật trong thiên hạ mà phái Tiêu Dao đã thu thập và lưu trữ ở Lan Hoàng Phúc Địa trong thạch động ở núi Vô Lượng. Nhờ đó, mà cô giúp người anh họ Mộ Dung Phục trở nên nổi tiếng sánh với vô địch đương thời là Kiều Phong. Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung.

Cái khuyết điểm của Vương Ngọc Yến là yêu say đắm biểu huynh Mộ Dung Phục, người đã gạt bỏ tình yêu nam nữ qua một bên, để thực hiện giấc mộng đế vương, khôi phục ngai vàng nước Đại Yên.

Trớ trêu thay, Đoàn Dự lại si mê Vương Ngọc Yến và quyết tâm theo đuổi một mối tình xem chừng như tuyệt vọng. Biết Ngọc Yến tha thiết yêu người anh họ, nhưng Đoàn Dự vẫn tìm mọi cách theo tò tò, bám đuôi người đẹp trên đường dong ruỗi khắp nơi đi tìm Mộ Dung Phục.

Vương Ngọc Yến có nét đẹp giống bức tượng “Thần tiên tỷ tỷ” mà Đoàn Dự đã gặp ở thạch động. Bức tượng đó là hình người yêu của chưởng môn phái Tiêu Dao, Vô Nhai Tử, bà là mẹ của Vương phu nhân, tức là bà ngoại của Vương Ngọc Yến.

4* Mộ Dung Phục

4.1. Thân thế Mộ Dung Phục

Mộ Dung Phục là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, thông minh. Ngoài võ công riêng còn có thủ đoạn dùng những chiêu thức sở trường của các môn phái để đánh hạ những môn phái đó, gọi là lấy “gậy ông đập lưng ông”. (Dỉ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân).

Ngay từ nhỏ, Mộ Dung Phục phải mang cái trách nhiệm khôi phục ngai vàng nước Đại Yên. Một cậu bé cốt cách thanh tú nhưng không có một tuổi thơ vô tư hạnh phúc, mà phải gánh lấy cái trách nhiệm quá nặng nề trên vai, vượt ra ngoài sức người, vì những ảo vọng của cha ông.

Trách nhiệm chính trị nặng nề khiến Mộ Dung Phục phải ngoảnh mặt với tình yêu của cô em họ vô cùng thông minh và xinh đẹp, Vương Ngọc Yến.

Trong trái tim, giấc mộng đế vương chiếm hết chỗ, không còn cho tình yêu.

Người Đông phương cho rằng tình yêu nam nữ, gia đình vợ con, cản trở khách anh hùng dựng đại nghiệp “nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”.

Nhưng nếu điều hòa được “hồng nhan” với “đại nghiệp”, dung hợp được “thiên hạ” với “mỹ nhân” thì mới đích thực là bản sắc tài hoa của anh hùng.

Vì thế mà Mộ Dung Phục không thể bay cao được như con rồng, con phượng, vì thiếu trí tuệ vô song và thông minh tuyệt đỉnh, là một kho tàng võ thuật của Vương Ngọc Yến, cho nên, Mộ Dung Phục từng bước, như con trùng lún sâu vào ảo vọng và trở nên thân tàn ma dại. Mộ Dung Phục xuất hiện như một hung thần gây khiếp đảm trong thiên hạ, nhưng sau những thủ đoạn hèn hạ đã lộ chân tướng là một kẻ bại trận, tầm thường, đầu tóc xổ xuống rối tung, áo quần lếch thếch của một người điên khùng mất trí.

4.2. “Gậy ông đập lưng ông” gây kinh hoàng võ lâm

Trước khi con người bằng xương bằng thịt của Mộ Dung Phục xuất hiện, thì thủ đoạn “gậy ông đập lưng ông” của nhà Mộ Dung Cô Tô đã gây kinh hồn khiếp vía trên chốn giang hồ. Những câu chuyện được thêu dệt, thổi phồng, đồn đại, làm cho Mộ Dung Cô Tô trở thành một nhân vật thần thông quảng đại, đã thấu triệt và tinh thông những tuyệt kỹ võ thuật trong thiên hạ.

Trước tiên, nhà sư Tuệ Chân vượt đường xa vạn dặm đến nước Đại Lý để báo tin Huyền Bi đại sư, trên đường từ Thiếu Lâm tự đến Đại Lý, bị đánh chết tại chùa Thân Giới, vì chính tuyệt kỹ Đại Vi Đà Chủ của mình. Tin tức từ đó vang khắp bốn phương.

Rồi Hoàng Mi đại sư kể lại câu chuyện bản thân bị một chàng trai trẻ đánh bại bởi chính tuyệt kỹ Kim Cương Chỉ của mình. Kế đó, Kim Toán Bàn Thôi Bách Tuyền kể chuyện mình bị một cặp nam nữ thanh niên dùng con toán đánh ngay vào huyệt đạo trên cơ thể, khiến cho tay cao thủ phái Thục Ngưu nầy phải mai danh ẩn tích, đổi tên thành Hoắc tiên sinh, vào làm kẻ hầu hạ chuyên lo chuyện tạp dịch trong cung điện nước Đại Lý, làm chỗ lánh nạn an toàn tránh họa sát thân.

Lạc Thị tam hùng đất Hà Bắc chuyên dùng phi trùy thì chết về phi trùy. Chương Hư đạo nhân thường dùng thủ đọan chặt tay chân địch nhân để hành hạ, thì cuối cùng thì chết vì thủ đoạn đó.

Những cái chết bí ẩn của các cao thủ, chết bởi chính tuyệt kỹ của mình, đã phủ trùm lên võ lâm một không khí khủng bố kinh hồn, và nhà Mộ Dung Cô Tô được thêu dệt thành những nhân vật thần thông quảng đại, am tường tất cả những tuyệt học võ thuật trong thiên hạ.

5* Mối tình của Đoàn Dự đối với Vương Ngọc Yến

Đoàn Dự yêu Vương Ngọc Yến đến độ si mê, yêu chỉ để yêu, để thoả lòng khát khao tôn thờ vẻ đẹp, để phục vụ giai nhân. Dù nhiều lần bị từ chối và xua đuổi, nhưng Đoàn Dự cứ lẽo đẽo, bám đuôi mỹ nhân, dong ruỗi khắp giang hồ như một người tùy tùng, chỉ mong được người đẹp ban cho một nụ cười, một ánh mắt là mãn nguyện. Thậm chí giữa rừng đao núi kiếm của quân Tây Hạ tại đại hội Cái bang ở rừng Hạnh, Đoàn Dự cũng dặn rằng: “Vương cô nương, nếu gặp nguy nan, xin cho tiểu sinh được cõng cô nương chạy trốn nhé”.

Và Đoàn Dự đã thật sự cõng Vương Ngọc Yến chạy trốn khi cô nầy bị trúng độc của quân Tây Hạ. Đoàn Dự cứ tò tò đi theo Vương Ngọc Yến và trái tim đau nhói như dao đâm mỗi khi thấy người đẹp liếc mắt đưa tình trao đổi lời lẻ ngọt nào với người anh họ là Mộ Dung Phục.

Đoàn Dự say mê Vương Ngọc Yến, nhưng cô ta lại say mê người anh họ và người biểu huynh nầy lại say mê ngai vàng của nước Đại Yên.

Mộ Dung Phục đã tàn nhẩn đánh đổ mối tình của Vương Ngọc Yến khi anh ta quyết định dự thi kén rể, mong cưới cho được công chúa Tây Hạ, mục đích mượn sức nhà vợ để khôi phục ngai vàng nước Đại Yên.

Dã tâm được thực hiện, là Mộ Dung Phục lừa bắt Đoàn Dự ném xuống giếng sâu, để loại một đối thủ trong việc tranh tài chọn rể của Tây Hạ. Vì bị từ chối phủ phàng, tàn nhẩn, trong cơn đau khổ tuyệt vọng, Vương Ngọc Yến nhảy xuống giếng tự tử.

Vương Ngọc Yến bất tĩnh. Khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong lòng của Đoàn Dự. Định mệnh đã đưa họ về với nhau trong tình yêu, và đôi trai tài gái sắc nguyện suốt đời sống bên nhau.

6* Thảm kịch trong gia đình Đoàn Chính Thuần

Đoàn Chính Thuần là khách đa tình, có nhiều cuộc tình vụng trộm, nhiều con rơi con rớt. Rồi Đoàn Dự vô cùng đau khổ, không còn muốn sống nữa khi khám phá ra Vương Ngọc Yến là em cùng cha khác mẹ với mình.

Kim Dung đã cho gia đình họ Đoàn sum họp nhau trong một thảm cảnh thương đau, khi bị Mộ Dung Phục khống chế vì đã bị trúng độc của hắn.

Vương phi Đao Bạch Phượng mẹ của Đoàn Dự. Vương Lan Hoa (Vương phu nhân) mẹ của Vương Ngọc Yến, Cam Bảo Bảo là mẹ của Chung Linh, Tần Hồng Miên là mẹ của Mộc Uyển Thanh, Nguyễn Tinh Trúc là mẹ của A Châu và A Tử. Tất cả những cô gái đã yêu Đoàn Dự đều là em cùng cha khác mẹ với anh ta.

Mộ Dung Phục ép buộc Đoàn Chính Thuần phải ngường ngôi lại cho cha nuôi của hắn là đệ nhất ác Đoàn Diên Khánh, từ đó hắn sẽ lên làm vua nước Đại Lý. Vì Đoàn Chính Thuần từ chối, nên Mộ Dung Phục đã giết chết các tình nhân và vợ của Đoàn Chính Thuần, bao gồm Vương phu nhân là người cô đã từng nuôi dưỡng hắn từ nhỏ. Đoàn Chính Thuần tự tử chết theo những người yêu.

Trước khi tắt thở, Đao Bạch Phượng tiết lộ cho Đoàn Dự biết rằng anh ta không phải là con ruột của Doàn Chính Thuần, mà là con của Đoàn Diên Khánh. Sự việc xảy ra là, do bà ta quá ghen nên trả thù chồng bằng cách “ông ăn chả, bà ăn nem” cho bỏ ghét, chớ không thương yêu gì Đoàn Diên Khánh cả.

Lời trối trăn sau cùng là, những những người con gái đã yêu Đoàn Dự không phải là anh em ruột, mà theo tập quán của nước Đại Lý thì họ có thể kết hôn với nhau, mặc dù hai người cha cùng họ Đoàn. Cuối cùng, Đoàn Dự có ba vợ, là Vương Ngọc Yến, Mộc Uyển Thanh và Chung Linh.

Đoàn Dự là trường hợp hiếm có, vua si tình Du Thản Chi thì không được cái diễm phúc đó. Du Thản Chi yêu mê mệt A Tử đến nổi bị hành hạ, ruồng rẫy mà vẫn một mực yêu thương, chấp nhận hy sinh mọi thứ cốt để làm vui lòng người mình yêu. Si mê đến cuồng dại. Tự nguyện chịu bị hành hạ làm trò chơi để A Tử mua vui. Hy sinh chịu làm vật thí nghiệm cho A Tử luyện độc chưởng, thậm chí tự móc mắt trao tặng mỹ nhân. Và tàn nhẩn nhất là khi A Tử tự móc mắt trả lại để chính mắt Du Thản Chi chứng kiến cảnh đau lòng, là A Tử âu yếm ôm vào lòng xác của Kiều Phong rồi nhảy xuống vực thẳm.

Ở đời sao lại có người phụ nữ độc ác đến thế? Sao lại cũng có người thanh niên dại gái đến thế? Hết nước nói.

7* Tình dục trong tiểu thuyết Kim Dung

Nhân vật Vi Tiểu Bảo thể hiện rõ nét tình dục trong tiểu thuyết của Kim Dung.

7.1. Vài nét về Vi Tiểu Bảo
7.1.1. Tiểu sử

Vi Tiểu Bảo là nhân vật chính trong tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung.

Vi Tiểu Bảo sinh vào khoảng năm Thuận Trị thứ 13 (1656), tại một kỷ viện tên Lệ Xuân Viện ở thành Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Mẹ là Vi Xuân Phương, một gái mãi dâm chuyên nghiệp.

Năm 13 tuổi, trải qua một cuộc phiêu lưu mạo hiểm từ thành Dương Châu đến Bắc Kinh, rồi bị bắt cóc vào Tử Cấm Thành, đội lốt thái giám tên Tiểu Quế Tử sau khi giết chết tên tiểu thái giám nầy.

Một hôm, tình cờ gặp hoàng đế trẻ tuổi Khang Hy và trở thành đôi bạn trẻ chí thân.

Vi Tiểu Bảo xuất thân và sống ở hai nơi gian trá nhất là động mãi dâm và hoàng cung, nên về mặt khôn ngoan, gian xảo hơn hẳn người thường. Gian nhưng không ác, xảo trá nhưng trọng nghĩa khí, tham ô nhưng không tiếc của, ăn chia song phẳng, không biết chữ, không biết võ công, thường nói tục và chửi thề…

7.1.2. Những chức vụ

Nhờ miệng lưỡi và tài nịnh hót, bản thân cũng đã lập được công trạng nên việc thăng quan tiến chức không ngừng. Từ Tổng Quản thái giám Ngự Trừu phòng, đến Đô thống chánh Hoàng kỳ, sứ giả tứ hôn Vân Nam, đại sứ đi xây dựng Trung Liệt đường ở Dương Châu, Phó trụ trì chùa Thiếu Lâm, chánh trụ trì chùa Ngũ Đài Sơn, Tư lịnh mặt trận đánh Thần Long giáo, Bá tước kiêm Tư lịnh đánh quân La Sát, Công tước xứ Lộc Đỉnh (Lộc Đỉnh công).

Là một đại quan nhà Thanh mà trong quá trình công tác đã hoạt động gián điệp “ba mang”, giữ chức vụ quan trọng trong hai tổ chức tạo phản chống triều đình Mãn Thanh. Đó là Hương chủ Mộc Thanh đường của Thiên Địa hội (Phản Thanh phục Minh) và chức Bạch Long sứ của Thần Long giáo, một tổ chức chống triều đình ở Liêu Đông.

7.1.3. Gia đình Vi Tiểu Bảo

Vi Tiểu Bảo có 7 vợ là những thiếu nữ tuyệt sắc thuộc con nhà quyền quý. A Kha, (con gái của Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên), Kiến Ninh công chúa, Mộc Kiếm Bình (quận chúa Mộc Vương Phủ thời nhà Minh), Tăng Nhu (con gái của một thủ lãnh kháng Thanh), Phương Di, Tô Thuyên (vợ của Hồng giáo chủ Thần Long giáo) và Song Nhi (tỳ nữ).

Vi Tiểu Bảo có 3 con, 2 trai một gái. Trong đó, con ruột là Vi Song Song (với Kiến Ninh công chúa), con trai Vi Hổ Đầu (con của A Kha và Trịnh Khắc Sản), Vi Đông Trùy (con của Tô Thuyên bị nghi ngờ có cha là những thanh niên trong Thần Long giáo).

7.2. Những hành động Dâm ô Vi Tiểu Bảo

Vi Tiểu Bảo là một nhân vật dâm đảng nổi tiếng với những hành động dâm ô, cưỡng bức, sàm sở đối với phụ nữ.

7.2.1. Đối với Kiến Ninh công chúa

Lúc 14 tuổi, khi làm bạn với vua Khang Hy, Vi Tiểu Bảo quen biết với Kiến Ninh công chúa, 13 tuổi. Lợi dụng khung cảnh vắng vẻ của cung Khôn Ninh, Tiểu Bảo bắt trói công chúa lại, cởi áo ra, miệng nói lời tục tĩu, tay thì sờ soạn làm trò bỉ ổi.

7.2.2. Đối với quận chúa Mộc Kiếm Bình

Mộc Kiếm Bình là quận chúa của Mộc Vương phủ thời nhà Minh, bị người của Thiên Địa Hội bắt đưa vào hoàng cung cho Vi Tiểu Bảo canh giữ. Cũng với những hành động đã thực hiện với Kiến Ninh, Vi Tiểu Bảo sờ soạn trên thân thể cô gái và vẽ hình con rùa trên má cô ta. Xuất thân từ kỷ viện, tức là động mãi dâm, cho nên mới 14 tuổi mà Tiểu Bảo quen thói dâm ô đối với trẻ vị thành niên.

Vi Tiểu Bảo luôn luôn giữ bên mình tập Cung Xuân đồ gồm 4 tấm, vẽ hình phụ nữ khỏa thân và cảnh nam nữ quan hệ tình dục, để giải trí. Vi Tiểu Bảo đã tặng tập hình đó cho Tổng quản Thị vệ Đa Long, khiến cho hắn mãi mê ngắm nghía mất cảnh giác, nên Tiểu Bảo thừa lúc cho bộ hạ tráo đổi tử tù để cứu người bạn là Mao Thập Bát.

7.2.3. Dâm tặc Vi Tiểu Bảo

Vi Tiểu Bảo được cử vào chùa Thiếu Lâm học làm nhà sư để chuẩn bị lên giữ chức phương trượng chùa Ngũ Đài Sơn, bảo vệ Hoàng đế Thuận Trị đang ẩn tu trên đó. Ở Thiếu Lâm tự, với pháp danh Hối Minh thiền sư, phó chủ trì, trong bộ áo nhà sư, Vi Tiểu Bảo chọc gái giữa đường, dê đạo lộ, tán tỉnh và giở trò sàm sở với A Kha, đệ tử của Bạch Y nữ hiệp, nguyên là Trường Bình công chúa, đã bị vua cha là Sùng Chính nhà Minh, chặt đứt một tay.

Tiểu Bảo bị mắng nhiều lần là dâm tặc, nhưng cố tình theo đuổi quyết chiếm cho được, trong khi A Kha mê công tử Trịnh Khắc Sản, thuộc dòng dõi nhà Minh chạy ra Đài Loan.

7.2.4. Vi Tiểu Bảo cưỡng dâm một lúc sáu phụ nữ

Khi được vua Khang Hy cử về Dương Châu xây dựng toà nhà Trung Liệt, Vi Tiểu Bảo mang theo 4 cô gái là Tăng Nhu, Phương Di, Mộc Kiếm Bình và Song Nhi. Tiểu Bảo đổ thuốc mê vào rượu cho A Kha và Tô Thuyên cùng 4 cô gái đi theo uống vào, lợi dụng những người nầy nửa tỉnh nửa mê, Tiểu Bảo chất 6 người lên một cái giường lớn, miệng hát bài Thập Bát mô, cưỡng dâm tất cả 6 phụ nữ đó. Thập Bát mô là bài hát của dân làng chơi mô tả thân thể trần truồng của phụ nữ.

7.2.5. Vi Tiểu Bảo gian dâm với công chúa Kiến Ninh

Khi được vua Khang Hy cử làm sứ giả đưa công chúa Kiến Ninh, 15 tuổi, xuống Vân Nam kết hôn với con trai của Ngô Tam Quế là Ngô Ứng Hùng. Vi Tiểu Bảo lợi dụng đường xa, dọc đường dựng lên những hành cung để cho công chúa nghỉ ngơi. Tiểu Bảo đuổi hết đám thị vệ vào phòng riêng, rồi cùng công chúa quan hệ tình dục nhiều lần. Công chúa cũng yêu thích Vi Tiểu Bảo. Hậu quả động trời là công chúa đã dàn cảnh để cắt cái của quý của Ngô Ứng Hùng, và đã mang thai trước khi về làm vợ của người đàn ông không còn bửu bối, nên chả làm ăn gì được cả.

Tiểu Bảo là thái giám giả, nên đã làm những chuyện động trời mà nhiều người không nghĩ tới được.

Trong một lần sang Nga, Tiểu Bảo cũng giở bản chất dâm đãng sở trường ra hành lạc với công chúa Sa Hoàng là Tô Phi Á (Sophia).

Ngoài Vi Tiểu Bảo ra, nhân vật dâm đảng trong tiểu thuyết Kim Dung còn có Âu Dương công tử, con của Tây Độc Âu Dương Phong ở Bạch Đà Sơn, Tây Vực. Công tử nầy chuyên bắt gái đẹp về hành lạc.

Lại còn có tên dâm tặc Điền Bá Quang, hắn có khinh công tuyệt đỉnh, chạy nhanh như bay, có danh hiệu là Vạn Lý Độc Hành Điền Bá Quang. Ban đầu, Điền Bá Quang nổi tiếng là một tên dâm tặc, chuyên bắt cóc hãm hiếp phụ nữ, cướp của giết người. Hắn xử dụng tài tình khoái đao, nên có tên gọi đầy đủ là Thái hoa Dâm tặc Giang dương đại đạo Khoái đao Điền Bá Quang.

Sau bị Bất Giới hoà thượng cấy “sinh tử phù” vào bộ đồ lòng nên bữu bối trở nên bất khả cục cựa, chả còn làm ăn gì được nữa. Điền Bá Quang bị ép phải đi tu và phải nhận ni cô Nghi Lâm của phái Hằng Sơn làm sư phụ.

8* Kết

Qua những nhân vật trong tiểu thuyết, Kim Dung đã thể hiện những khía cạnh của tình yêu, gần giống như bên ngoài thực tế cuộc đời. Tình gia đình của Tạ Tốn Kim Mao Sư Vương, tình đồng tính của Đông Phương Bất Bại với Dương Lê Đình trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tình hận của Quách Phù, con gái của Quách Tĩnh - Hoàng Dung, đã chặt đứt cánh tay của Dương Quá, trong Thần Điêu Đại Hiệp. Tình thù của Chu Chỉ Nhược, trong Cô Gái Đồ Long, tình tội lỗi của Tây Độc Âu Dương Phong với người chị dâu, sinh ra dâm tặc Âu Dương Công Tử, tình vô duyên của Lão Ngoan Đồng với vương phi Anh Cô nước Đại Lý.

Và cuối cùng, Lý Mạc Sầu phải đặt câu hỏi: “Tình là cái chi chi?” trước khi nhảy xuống vực thẳm.

Trúc Giang
Minnesota tháng 10 năm 2012

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.