Hôm nay,  

Hư Thực Về “Thành Quả” Của TT Obama

25/09/201200:00:00(Xem: 14704)
...tại sao bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton bị liệng giầy và cà chua khi bà đến Ai Cập tháng Bẩy,..

Theo truyền thống chính trị Mỹ, đại hội đảng là nơi để các tổng thống đương nhiệm báo cáo với quốc dân về thành quả bốn năm đầu của mình, để kêu gọi cử tri tiếp tục tin tưởng, cho mình thêm 4 năm nữa để hoàn tất những gì đã hứa hẹn với cử tri.

Tại đại hội đảng Dân Chủ vừa qua tại Charlotte, TT Obama phá lệ, đọc bài diễn văn thật dài, nhưng hầu như không đả động gì đến thành quả 4 năm qua, ngoại trừ dĩ nhiên, kể công vụ giết Bin Laden. Gần hết bài diễn văn được dành cho những... hứa hẹn mới. Truyền thông phe ta diễn giải dzùm là tổng thống là người lãnh đạo, cần khiêm tốn, không nên vỗ ngực khoe những chuyện điều hành tầm thường, mà phải lãnh đạo quần chúng bằng viễn kiến, hình ảnh của tương lai, hướng đi của đất nước, v.v...Đại khái phải nói những chuyện vĩ đại như hạ thủy triều và hàn gắn địa cầu. Chứ không nên nói những chuyện tầm thường như số người thất nghiệp, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 1% hay 2%, …

Đó chỉ là... ngụy biện cao cấp. Sự thật đáng nản chí là TT Obama không có bao nhiêu thành quả để khoe, chứ không phải vì khiêm tốn. Chỉ cần nhìn vào cách tổng thống không ngừng dành công và kể công giết Bin Laden thì sẽ thấy ông không khiêm tốn lắm khi có chuyện khoe.

Ta hãy xét lại thành quả của TT Obama. Chỉ nhìn chuyện lớn, không kể chuyện chi tiết.

PTT Biden là người lớn tiếng khoe thành tích của chính quyền Obama-Biden nhiều nhất. Ông đã tóm lược thành tích bằng một câu ngắn gọn, giúp thiên hạ dễ nhớ cũng như giúp truyền hình và báo chí chạy tít lớn: “Osama dead, GM alive!”. Ý muốn nhắc đến chuyện chính quyền Obama đã giết được Bin Laden, và cứu sống được hãng xe General Motors.

Tại đại hội đảng tại Charlotte, một diễn giả khai triển câu nói của PTT Biden đã phát biểu: “Vâng, bây giờ chúng ta khá hơn bốn năm trước vì Osama Bin Laden đã chết, chúng ta an toàn hơn”. Thực tế, Bin Laden từ sau 9/11 đã trốn chui trốn nhủi như chuột cống và chẳng còn điều khiển được nhóm khủng bố nào. Dù vậy, mỗi khi ta đi vào phi trường là vẫn phải cởi giầy dép, giây nịt quần, đứng trước máy dò người, dang chân dơ tay để máy chiếu nhìn thông suốt qua quần áo. Ai xài đồ giả, đồ thật đều không thoát khỏi nụ cười của mấy anh an ninh phi trường. Giết được Bin Laden là một thành quả quan trọng nhưng chưa đủ làm cho chúng ta an toàn hơn. Con rắn Al Qaeda đã mọc thêm không biết bao nhiêu đầu trong mấy năm qua.

Có thể nào cái chết của Bin Laden chưa thay đổi được chuyện phòng ngừa khủng bố nội bộ, nhưng đã có kết quả khả quan trong chính sách đối ngoại, giúp Mỹ hoá giải được ảnh hưởng bài Mỹ trong các nước Ả Rập Hồi Giáo, và tê liệt Al Qaeda rồi?

TT Obama đầu năm nay đã dõng dạc tuyên bố “một trong những chuyện tôi tự hào nhất trong ba năm nhiệm chức là đã khôi phục lại được sự nể trọng Mỹ trên khắp thế giới”. Câu tuyên bố này đã được không ít nhà báo phe ta hùa theo và thổi phồng, tung hô tài lãnh đạo tuyệt thế của TT Obama.

Chỉ vài tuần trước ngày bầu cử, câu nói đã có tác dụng tương tự như câu “Công tác hoàn tất” -Mission accomplished- của TT Bush mà truyền thông phe ta đã xúm lại sỉ vả vì huênh hoang vỗ ngực quá sớm. Lò thuốc súng Trung Đông nổ bùng, xối nước lạnh lên câu vỗ ngực đình đám của TT Obama và những tâng bốc của các đệ tử. Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ, thế giới lại chống Mỹ mạnh bạo như bây giờ, kể cả dưới thời TT Johnson khi cả thế giới cấp tiến chống chuyện Mỹ tham chiến tại Việt Nam, hay dưới thời TT Bush khi ông đánh Afghanistan và Iraq. Cái “nể trọng” mà TT Obama quảng bá được thể hiện bằng những hình ảnh hàng ngàn người biểu tình phá tòa đại sứ, giết đại sứ, giẫm chân lên hình TT Obama, và đốt cờ Mỹ tại hơn hai chục nước Trung Đông, Á Châu, Âu Châu, và Phi Châu.

Đáng nói hơn nữa là biến cố tại Benghazi. Ngay từ đầu, chính quyền Obama loan tin hàng ngàn người đã biểu tình trước tòa lãnh sự và trong cơn hỗn loạn đó, lựu đạn đã được quăng vào gây nên hỏa hoạn, giết chết Đại Sứ và ba người Mỹ khác. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc tuyên bố không có chuyện khủng bố tấn công, và chuyện xẩy ra đúng ngày 9 tháng 11 chỉ là tình cờ. Bà đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice giải thích thêm: không phải là khủng bố, hay dân Hồi Giáo chống chính sách của TT Obama mà chỉ là quần chúng phẫn nộ biểu tình tự phát đốt phá tòa lãnh sự vì chống cuốn phim bôi bác Tiên Tri Mohamed.

Quan điểm chính thức này đi ngược lại lời tuyên bố của TT Libya khi ông này khẳng định cuộc tập kích đã được kế hoạch hoá từ lâu, có thể do Al Qaeda xách động và điều động, và ông đã báo động chính phủ Mỹ ba ngày trước rồi.

Một tuần sau, ngày 19 tháng 9, Giám Đốc Trung Tâm Chống Khủng Bố Matt Olsen xác nhận trước quốc hội đây là một tấn công của khủng bố, nhưng có thể là tình cờ chứ không phải kế hoạch trước. Làm như thể vào đúng ngày 9/11, các tay khủng bố đi lang thang với súng bắn lựu đạn, tình cờ đi ngang qua toà lãnh sự nên bắn đại vào, chết ông Đại Sứ? Ai muốn tin tùy hỷ.

Cuối cùng, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đành chính thức nhận đây là khủng bố tấn công trong khi TT Obama vẫn nói quanh co “còn trong vòng điều tra”.

Một ngày sau, trong bất ngờ hoàn toàn, đài CBS và thông tấn Reuters cùng loan tin không hề có biểu tình nào của dân chúng trước tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi hết. Quân khủng bố đã có kế hoạch từ trước, rồi đến bắn lựu đạn thẳng vào đây. Dân chúng chỉ bu lại xem sau khi lãnh sự quán đã bị bắn cháy.

Nếu tin này đúng thì toàn bộ những tin tức về biểu tình do chính phủ Mỹ loan báo và lời giải thích của bà Rice chỉ là … phịa? Chỉ có biểu tình ở Ai Cập thôi, ở Libya không có biểu tình mà chỉ có khủng bố tấn công, bắn chết Đại Sứ, nhưng chính quyền Obama muốn khỏa lấp sự thất bại của sách lược Hồi giáo và các biện pháp chống khủng bố lỏng lẻo, nên đã phiạ ra tin dân chúng biểu tình bạo động chống một cuốn phim. Tất cả chỉ là một tính toán chối bỏ sự thật để bảo vệ thành tích “Bin Laden chết, Mỹ an toàn hơn” và sự chểnh mảng trong việc phòng ngừa khủng bố trong ngày 9-11.

Việc đổ thừa biến cố Benghazi lên khúc phim chống Tiên Tri không giải thích được chuyện tại sao bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton bị liệng giầy và cà chua khi bà đến Ai Cập tháng Bẩy, khi cuốn phim chống Hồi Giáo chưa được quay. Cũng không giải thích được kết quả thăm dò mới đây của báo USA Today cho thấy 79% dân Ai Cập có quan điểm chống Mỹ. Dưới thời ông cao bồi Bush, tỷ lệ chống Mỹ tại Ai Cập là 69%. Tính trung bình của sáu nước Ả Rập, tỷ lệ hậu thuẫn TT Obama là 15%, xấp xỉ bằng nửa con số thời Bush.

Câu chuyện Benghazi cũng cho thấy chủ đích khỏa lấp tin tức của chính quyền Obama. Trong thời buổi internet này mà còn sử dụng phù phép bóp méo sự thật kiểu này thì quả là rất tài tử và đáng thất vọng.


Vế thứ hai trong khẩu hiệu của PTT Biden, “GM alive” cũng phải xét lại.

PTT Biden khoe chính quyền Obama đã can thiệp để cứu sống GM, cứu được cả triệu nhân công khỏi mất việc, trong khi Cộng Hòa và TĐ Romney chủ trương chống lại, muốn để cho GM phá sản.

Trước hết, phải nhìn vào quá trình việc cứu GM. Hãng xe này bắt đầu lỗ lã bạc tỷ từ 2005, với số lỗ leo thang từ 10 tỷ năm 2005, lên gần 40 tỷ năm 2007. Đầu tháng Mười Một 2008, GM thông báo sẽ phá sản nếu không cải nợ với ngân hàng được và nếu không nhận được tiền vốn bơm từ ngoài vào. Đầu tháng Chạp, GM điều trần trước quốc hội để xin Nhà Nước cứu trợ. Cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện do đảng Dân Chủ nắm đa số đều bác bỏ chuyện cứu giúp. Trước nguy cơ cạn tiền mặt của GM, TT Bush ký sắc lệnh cho GM vay khẩn cấp hơn 13 tỷ, và bắt GM phải đệ nạp một kế hoạch phục hồi công ty cuối tháng Ba 2009. Cuối tháng Hai, sau khi tân TT Obama nhậm chức, GM đệ nạp kế hoạch đó, nhưng bị TT Obama bác ngày 30 tháng 3, không cứu. Ông quyết định để GM khai phá sản. GM khai phá sản ngày 1 tháng 6, 2009. TT Obama khi đó mới can thiệp, tại cơ cấu GM bằng xóa bỏ hết cổ phần hiện hữu, phát hành cổ phần mới với Nhà Nước chiếm 60% đổi lại với 50 tỷ vốn. (Những dữ kiện lịch sử về việc cứu GM đều có thể truy cứu từ Google.)

Những sự kiện trên cho thấy chính quốc hội do Dân Chủ kiểm soát (trong đó có ba thượng nghị sĩ Obama, Biden và Hillary Clinton) và sau đó chính TT Obama là những người đã từ chối cứu nguy GM, cố tình để GM khai phá sản, để Nhà Nước có cơ hội nhẩy vào làm sở hữu chủ lớn nhất của GM. TT Bush chính là người giúp GM khỏi phá sản khi ông cho GM vay 13 tỷ sau khi quốc hội Dân Chủ chống cứu nguy và trước khi TT Obama nhậm chức. Người đầu tiên nhẩy vào cứu, do đó, cái công cứu GM, chính là TT Bush. Kể công TT Obama cứu GM là viết lại lịch sử.

Thật ra, cả TT Obama lẫn TĐ Romney đều chấp nhận để GM phá sản. Khác biệt là TT Obama để GM phá sản để có dịp cho Nhà Nước can thiệp, lấy tiền thuế của dân ra cứu các đại gia, trong khi TĐ Romney chấp nhận phá sản rồi để hãng này tự cứu qua vận hành kinh tế thị trường mà không cần tiền thuế của dân như trường hợp hai hãng máy bay United Airlines và American Airlines.

Có thể nào nói rằng Nhà Nước can thiệp sẽ hiệu quả hơn là để thị trường giải quyết không? Sự thật là hai hãng máy bay trên cho đến giờ vẫn hoạt động và vẫn là những hãng máy bay lớn nhất thế giới. Trong khi đó thì GM lại có triển vọng phá sản nữa trong năm tới, nghiã là theo mô thức Obama, Nhà Nước sẽ có dịp bơm thêm vài chục tỷ tiền thuế để cứu đại gia GM một lần nữa.

Thị phần của GM ngày càng nhỏ đi so với các hãng xe Nhật và Đại Hàn, vì xe GM vẫn chưa bán được nhiều, phẩm chất vẫn chưa tăng trong khi giá cả vẫn chưa giảm. Trị giá cổ phiếu GM đang rớt ào ào, mất gần 40% trong hai năm qua. GM đã trả một phần vốn vay cho Nhà Nước. Hiện giờ Nhà Nước còn khoảng 25 tỷ đô đầu tư trong GM. Nhà Nước còn giữ 500 triệu cổ phần, trị giá thị trường là 20 đô một cổ phần, tức là giá thị trường của vốn Nhà Nước là khoảng 10 tỷ. So với đầu tư 25 tỷ còn lại, coi như Nhà Nước đã lỗ 15 tỷ.

Nôm na ra, GM không “alive” mà đang ngáp ngáp, sắp sửa chết lại. Cho dù không chết đi nữa thì Nhà Nước cũng đang lỗ 15 tỷ. Một thành quả không có gì đáng khoe với những người đang đóng thuế cho Nhà Nước tiêu xài.

Một thành quả khác mà phe ủng hộ TT Obama nhắc nhiều. Đó là chuyện kích cầu kinh tế, thường gọi là stimulus.

Trên căn bản, kích cầu ở đây có nghiã là Nhà Nước bơm tiền vào kinh tế để kích động sản xuất và tạo công ăn việc làm. Một cách gián tiếp như miễn hay giảm thuế, hay trực tiếp như Nhà Nước tài trợ các dự án, từ công trình nghiên cứu của một đại học, đến xây đường xá, cầu cống.

Đầu năm 2009, TT Obama bơm hơn 700 tỷ kích cầu. Rồi cũng bơm tiền vào kinh tế qua những chi tiêu xả láng của Nhà Nước, đưa đến mức công nợ tăng gần 6.000 tỷ trong chưa tới bốn năm. Rồi đến ba đợt bơm tiền gián tiếp được gọi bằng một danh từ hỏa mù mà ít người hiểu là gì, “Quantitative Easing” hay là QE.

Một cách thật sơ xài, trong kinh tế thị trường, Nhà Nước điều khiển kinh tế qua mức cung cầu tiền tệ, bằng cách thay đổi lãi xuất của tiền Nhà Nước cho khu vực tư vay. Ví dụ giảm lãi xuất Nhà Nước khiến các ngân hàng tư có thể vay Nhà Nước dễ hơn để cho khách hàng vay lại nhiều hơn. Trong mấy năm qua, lãi xuất Nhà Nước đã giảm đến mức gần con số không, tức là không thể hạ được nữa. Nhà Nước chỉ còn cách bơm tiền qua việc mua lại một số tích sản của ngân hàng chẳng hạn, như là mua lại công khố phiếu, hay mua lại những giấy nợ của ngân hàng cho khách hàng vay. Nhà Nước thành chủ nợ, trong khi ngân hàng có tiền mặt để cho khách hàng vay mượn nữa, kích cầu kinh tế. Việc mua lại tích sản được gọi là phương thức “quantitative easing”. Tất cả là ba đợt, với đợt cuối cùng QE3 trong tháng Chín này, tổng cộng hơn một ngàn tỷ.

Nói trắng ra, những số tiền bơm vào để kích cầu rất lớn, xấp xỉ hơn 8.000 tỷ trong bốn năm. Nhưng kết quả chẳng có gì ghê gớm. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn ì ạch khoảng 1%-2% từ bốn năm nay, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ngất ngư trên 8%. Càng bơm tiền thì lại càng chứng minh kế hoạch kích cầu sai lầm và thất bại.

Về chuyện thất nghiệp, TT Obam dọa nếu không cho ông 700 tỷ kích cầu, thất nghiệp sẽ leo lên 8%. Thực tế Nhà Nước đã bơm hơn 8.000 tỷ mà thất nghiệp lại chưa bao giờ xuống dưới 8%. Điều khôi hài là bây giờ các kinh tế gia cấp tiến đổi giọng, nói rằng nếu không có stimulus thì tỷ lệ thấp nghiệp đã lên tới 12% rồi. Theo lý luận này thì nếu chẳng may tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20% thì TT Obama vẫn có thể nói “nếu không nhờ tài của tôi thì thất nghiệp đã lên tới 30% rồi”. Nghiã là trong bất cứ trường hợp nào, TT Obama cũng vẫn là thiên tài hết. Cứ so sánh với chuyện giả tưởng là xong.

Một cựu khoa trưởng đại học Harvard, ông Joseph Nye, đã bênh vực TT Obama: “Những cố gắng của ông chưa thành công hoàn toàn, nhưng ông đã giúp tránh được những kết quả tệ hại hơn”. Hình như tất cả những người muốn bênh vực TT Obama đều có cùng một lý luận: so sánh những thành quả tệ hại thực với những kết quả giả tưởng xấu hơn, để kết luận là TT Obama tài giỏi. Kiểu như một anh học trò đứng chót lớp về giải thích với bố mẹ “như vậy con đã giỏi lắm rồi, con đã tránh được chuyện tệ hại hơn như bị đuổi khỏi trường rồi, bố mẹ ơi”.

Bầu cử tổng thống là chuyện quan trọng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ta cần bình tâm nhìn rõ điểm và diện, đừng bị chi phối bởi những đả kích vớ vẩn trong mùa bầu cử, những câu nói hớ vô nghiã, hay những hứa hẹn viễn vông. (23-9-12)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
26/09/201220:09:20
Khách
Bài viết hay qúa song thật tiếc vì ở California nên theo tiên đoán thì 55 phiếu cử tri đoàn đều theo Dân Chủ, phải chi ở Texas thì cả 38 phiếu đều cho Cộng Hòa, ứng cử viên nào được 270 thì là tổng thống (đúng ngọ 12 giờ trưa ngày 20 tháng 1 năm 2013) cho bốn năm .
26/09/201213:44:55
Khách
Nếu dảng Cộng Hoà nắm quyền thì ông sẻ nói là nhờ ơn đảng CH nên dân Mỷ tránh được khủng bố trong suốt 4 năm qua. Nhưng vì dảng Dân Chủ nắm quyền, nên ông nói là dù Obama có giết Bin Ladin thật, nhưng dân Mỷ vản phải cởi giầy khi bưởc qua phi trường.
Ông Vủ Linh ơi, ông có dám viết là nếu đảng Công Hoà đắc cử năm nay, dân Mỷ sẻ không còn chịu cảnh phải cởi giầy khi bước đến phi trường nửa hay không. Xin thách ông đó. Còn nếu CH không làm được thì tại sao dùng nó làm đề tài đả phá đảng DC ?? Không biết ông có lợi lộc gì không khi viết những bài đầy thiên kiến nay.
27/09/201204:40:04
Khách
Bài viết hay và đầy những dữ kiện xác thực. Tác giả quên kễ những "thành tựu" sau đây:
46 triệu người huởng food stamps, cao nhất trong lịch sử Mỹ, 15% dân Mỹ đang ở dưới mức nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cả nước vẫn trên 8%, chính phủ Mỹ nợ gần 16 ngàn tỷ, vậy mà bộ máy tuyên truyền của Obama và đảng Dân Chủ vẫn rêu rao này kia.
Chưa hề thấy TT nào gây chia rẽ như Obama. Bây giờ người quá khích rât nhiều cả về cấp tiến lẫn bảo thủ, ít người trung dung như trước. Tất cả những lời hứa hẹn khi ra tranh cử TT của Obama đã làm được gì ? Obama chỉ biết đổ lỗi cho TT Bush mà không chịu nhìn nhận là mình bất tài. Obama là tổng thống của nước Mỹ chứ không phải TT của riêng các nghiệp đoàn lao động, của những kẻ cấp tiến quá khích, của Wall Street ..vv.. Obama đã từng tuyên bố là nếu sau 3 năm mà kinh tế không phục hồi thì ông không đáng cho dân Mỹ tín nhiệm, vậy thì sao bây giờ lại ồn ào ra tranh cử? Obama là người đầu tiên tuyên bố là hy vọng sẽ có được 1 tỷ đô la để tranh cử. Vậy thì tiền đó ở đâu ra, do các gia đình bị siết nhà bị nợ nần cho sao? Hay do các nghiệp đoàn lao động được đặc quyền như trường hợp của GM, hay các tay tư bản gộc tung tiền vào để có cơ hội kiếm chác qua những mối làm ăn có lợi sau này, hay một chân trong nội các? (xem thêm tại http://www.cbsnews.com/8301-503544_162-20071271-503544.html)
Người ta tiên đoán Obama sẽ làm thêm nhiệm kỳ 2 vì dân Mỹ đen sẽ bầu cho Obama, dân Mễ cũng cũng hầu hết như vậy, dân gốc Á và Mỹ trắng thì nếu một nửa bầu cho Dân Chủ, nửa kia cho Cộng Hòa thì Obama sẽ thắng. Ai cũng có một lá phiếu, nhưng xem ra thì những thành trì Dân Chủ như Cali, Oregon, New York, Massachusetts ...v.v... sẽ vẫn bầu cho DC bất kể một Obama bết bát. Buồn thật.
26/09/201222:38:41
Khách
tròi ơi , nói như vậy thì còn gì đấng tiên tri cứư thế cuã tôi đây
26/09/201202:21:01
Khách
Nhân định của tác giả về những thành quả của tt Obama với những dẫn chứng cụ thể, rất chính xác, cám ơn tác giả đã bỏ công sức tìm tòi những dữ kiện thật để bảo vệ cho quan điểm của mình . Những người ba hoa, khoác lác, "mồm miệng đỡ chân tay", chỉ châm bẩm cướp công người khác như tt đương nhiệm của chúng ta thì làm sao họ có thể thương ai hơn chính bản thân của họ, vậy làm sao mà mong họ sẽ hết lòng vì dân, vì nước!!! xây dựng thì khó chứ phá chỉ trong tích tắc, cái cách điều hành ăn tàn phá hại này chảng biết sẽ dẫn nước Mỹ đi về đâu???Muốn làm từ thiện thì cũng phải có tiền, còn không chỉ có cách đi ăn cướp của người này rồi cho người nọ, cái kiểu của tt Obama giống như VN ta có câu "của người phúc ta".
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.