Hôm nay,  

Cây Trái Quê Nhà

21/07/201200:00:00(Xem: 16392)
“Chúng ta đi mang theo quê hương” là chủ đề của một chương trình ca nhạc do Trung tâm Thúy Nga thực hiện đã nói lên tâm tình và sinh hoạt văn hoá của người Việt xa xứ qua những màn ca vũ nhạc kịch. Tôi rất thích DVD này và khi có dịp thường xem lại để nhớ về quê cũ, để thấy đường đi Hạ Long đẹp nào có thua gì đường lên Yosemite hay Lake Tahoe ở đất California.

Đó là quê hương bỏ lại, còn khi rời quê hương ra đi chúng ta đã mang theo được những gì? Từ cơn hoảng loạn 30-4-1975 cho đến những bí mật và kinh hoàng của vượt biên, vượt biển thì còn gì bên mình để mang theo? Có chăng chỉ là kỉ niệm trong kí ức và nỗi nhớ nhung bất tận.

Ba mươi bảy năm trước, lịch sử cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ mở ra với các trại tị nạn ở California, Arkansas, Florida và Pennsylvania. Trong phim Green Dragon (Rồng Xanh) của đạo diễn Timothy Linh Bùi với không gian là trại tị nạn Camp Pendleton ở miền nam California vào thời điểm năm 1975, trong đó có hình ảnh một vị tướng Việt Nam Cộng hoà sống buồn bã trong trại nên ông chỉ gõ mõ tụng kinh và lo vun tưới cây ớt trồng bên cạnh lều, mong nó đơm hoa kết trái.

Hình ảnh cây ớt là biểu tượng của một nét văn hoá Việt còn đọng lại trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cùng với nhiều thứ rau cỏ, cây trái khác của quê hương. Đến nhà của một người Việt, giầu hay nghèo, đơn sơ hay sang trọng cũng thường thấy sân sau có chút đất để ương trồng vài thứ cây ăn trái hay các loại rau, từ lá mơ đến húng quế, húng nhũi đến ớt chỉ thiên; từ ổi đến roi, nhãn, thanh long. Có nhà còn trồng được mít, na.
buivanphu_20120719_caytraiquenha_h01_mangcut
Thập niên 1980 tác giả tìm được măng cụt ở chợ bên Thái Lan. (ảnh Bùi Văn Phú)
Bốn chục năm trước rất ít có những loại cây trái đó trong vườn nhà người Việt tại Hoa Kỳ.

Hoa quả Mỹ là cam vàng và táo đỏ, hai món ăn tráng miệng có trong các bữa ăn tị nạn vào thời điểm năm 1975 và là những loại trái cây người Việt ai cũng thích.

Khi mới đến trại tị nạn được ăn một quả táo, quả cam lúc đó sao ngon ơi là ngon. Ở trại Pendleton, một số người thấy trái cây ngon nên xếp hàng nhiều lần để lấy đem về lều, cho dù ban điều hành trại đã có những thông báo cho biết việc mang thức ăn vào trong lều có thể là mồi hấp dẫn cho rắn, chuột, sóc kéo đến.

Nhưng cây trái xứ Mỹ không chỉ có thế. Bước vào đời sống mới, đi siêu thị mới thấy táo có nhiều loại: táo đỏ, táo xanh, táo vàng, táo có vân và có loại mềm, loại cứng cùng nhiều thứ trái cây khác trong siêu thị trông cũng thật hấp dẫn: những chùm nho đỏ, nho xanh, những trái mận, trái mơ ngày xưa mơ ước được ăn, nay tràn đầy trên quầy. Ăn nhiều rồi có những lựa chọn: chỉ thích táo đỏ thơm ngọt, chê táo xanh dày vỏ và chua, chỉ thích nho cam không hột.

Khu xóm ở Mỹ nhiều nhà trồng mận đỏ, mùa hè sai trái nhưng chẳng ai hái ăn mà để chín rụng đầy sân nhơ nhớp chất ngọt. Đi ngang xin vào hái, chủ nhà cho ngay. Thế là có cả rổ mà không tốn tiền mua.
buivanphu_20120719_caytraiquenha_h02_naphichau
Na trong vườn nhà người quen ở Togo, châu Phi. (ảnh Bùi Văn Phú)
Sau này còn đi hái trái ở những vườn cây, vào ăn không phải trả tiền. Ăn đến ngán nên nhiều loại cây trái không còn sức hấp dẫn hay ngon miệng nữa.

Khi đã ngán cam nho táo là lúc bắt đầu nhớ cây trái quê nhà. Nhớ quả na, trái vú sữa. Nhớ chôm chôm, mãng cầu. Thèm một trái măng cụt, trái sa-cu-chê, múi mít, miếng ổi xá lị hay lát xoài tượng. Nhớ đến thèm mà không tìm ra ở đâu bán. Có chăng ít trái vải, mít, nhãn đóng hộp nhập cảng từ Thái Lan với chất ngọt của đường lấn át hết cả hương vị.

Sau nhiều năm xa quê, cây trái quê nhà tôi tìm lại được lần đầu tiên ở những nơi rất xa lạ. Na, mãng cầu, đu đủ tận bên châu Phi. Soài, mít, nhãn, me, ổi ở Thái Lan hay Singapore.

Hai chục năm trước thấy trái vải tươi ở Mỹ lần đầu tiên trong một nhà hàng ăn bao bụng ở Las Vegas. Thế là tha hồ ăn. Lúc đó xem ra quý lắm. Bây giờ trái vải Trung Quốc tràn ngập các siêu thị Á đông.

Có dịp về lại quê cũ, tìm ăn những loại hoa quả mình thích và thấy hương vị đã khác đi. Những múi mít nhỏ và ướt, không to và giòn như mít Thái. Sầu riêng không thơm ngon như hàng từ nước lân bang. Có hai loại cây trái ở Sài Gòn còn hấp dẫn với tôi là na và vú sữa. Trái vú sữa có lẽ là đặc sản rất riêng của Việt Nam vì đi qua nhiều nơi trên thế giới tôi chưa thấy ở đâu có loại trái này. Cây vú sữa có lẽ là nét đặc trưng của miệt vườn Việt Nam vì thế bưu điện có phát hành tem thơ với hình ông Hồ Chí Minh tưới cây này.
buivanphu_20120719_caytraiquenha_h03_nadonglanh
Ngày nay ở California có na đông lạnh nhập từ Việt Nam. Ba trái giá 6 đô 49 xu. Đắt, nhưng ăn cho bớt thèm bớt nhớ. (ảnh Bùi Văn Phú)
Ngày nay ở Mỹ không thiếu các loại cây trái quê nhà, nhưng là sản phẩm từ Thái Lan, Nam Mỹ hoặc được trồng ngay trên đất Hoa Kỳ. Hương vị xem ra còn đậm đà hơn. Chôm chôm, sầu riêng, mít, măng cụt giờ thường thấy bán trong các chợ Việt ở Little Saigon.

Hôm rồi đi chơi nam California, nghe một người bạn kể ở đó có một gia đình Việt trồng được nhiều thứ cây trong vườn sau nhà, đặc biệt có cây na với rất nhiều quả, có trái nặng cả kí-lô, dai và thơm ngọt do được cải giống giữa na châu Á và na Brazil.

Nghe kể chuyện cây trái quê nhà trong vườn ở Mỹ tôi nhớ đến câu chuyện quả cam Bố Hạ. Theo truyền khẩu thì cây cam trồng ở đất Bố Hạ mới ra trái ngon ngọt, đem đi xứ khác trồng là thành cam chua.

Ngày nay như đã ngược lại. Cây trái trồng ở quê nhà không thơm ngon lắm. Những hạt giống Việt được ươm trồng nơi đất tốt như California, Florida đã sinh ra nhiều hoa trái thơm ngon.

Cũng như con người Việt Nam. Rời quê hương ra đi, tìm được đất lành nên phát sinh ra nhiều nhân tài.

© 2012 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có những mối nhục dùng gươm mà rửa Có những thương đau rồi sẽ mờ phai Có những cắt chia, mai mốt nối dài Có những phẫn nộ, tương lai sẽ tỏa
Tối nay tôi cùng Minh Bình, bác Diệu Phụng, Diệu Phượng, Diệu Thuận và Đức Trang Nghiêm đến tụng kinh Dược Sư cho Viên Bảo Mỹ.
Mấy ngày qua trên Internet đã có nhiều hình ảnh và tin tức về các cuộc biểu tình của thanh niên Hà Nội, thanh niên Sài Gòn, xuống đường phản đối Trung Cộng
Thư này được viết cho những người trẻ, những trí thức văn nghệ sĩ và tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào.
Trong những ngày tháng qua, có những con người quên ăn quên ngủ nóng lòng hướng về miền Trung, nơi mà thiên tai hàng năm vẫn không tha
New Orleans được dân Việt gọi là Ngọc Lân, thủ đô nhạc Jazz với những đại hội và những nhạc sĩ tên tuổi cỡ Louis Amstrong, Bessie Smith, Duke Ellington
Vũ khí tang vật xuất hiện trong hành lý ký gởi qua đường hàng không quốc tế là một trong những yếu tố tội phạm quan trọng liên quan đến nhiều lãnh vực
Trong những ngày qua, người Việt khắp năm châu đang theo dõi và tán thưởng những hành động can đảm, đượm tinh thần quốc gia dân tộc
Cụ Trần Trọng Kim, một nhà giáo lỗi lạc, một học giả danh tiếng và cũng là vị Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam, đã viết trong bộ sử “Việt Nam Sử Lược”
Viết tặng các bạn sinh viên tham gia cuộc biểu tình trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung quốc ngày 09 tháng 12 năm 2007.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.