Hôm nay,  

Nói Chuyện Nầy Nọ Về Một Số Từ Hơi Xưa

20/07/201200:00:00(Xem: 12283)
(Bài nói chuyện tại Viện Việt Học, ngày July 15, 2012 trong chương trình Hội Thảo Bảo Tồn Tiếng Việt ở Hải Ngoại.)

Trong chủ đề chánh Bảo Tồn Tiếng Việt Ở Hải Ngoại, tôi xin nói chuyện, thiệt là nhẹ nhàng, nằm trong đề tài nho nhỏ: Nói chuyện nầy nọ về một số từ hơi xưa, hơi khó hiểu. Mục đích là cung cấp một số kiến giải về nghĩa của vài từ vốn còn mơ hồ đối với những người từ 5 mươi, 6 mươi trở xuống, cuối bài sẽ có vài gợi ý về tự điển để phụ huynh có công cụ tương đối tin tưởng được, dùng để giải thích những từ kho khó khi bạn bè, con cái hỏi mình.

Mở hàng, xin kể một chuyện vui vui để giải thích từ láu cá.

Một cô gái phóng xe rất nhanh. Cảnh sát xa lộ đuổi theo cô nàng một đoạn đường dài mới bắt được. Hỏi bằng lái cô nói mình không có. Hỏi thẻ chủ quyền xe cô nói xe mình mới ăn cắp mấy ngày. Kêu mở cóp xe cô nói có thứ ông không nên coi, đó là thi thể một người tình phản bội tôi mới giết bỏ vào đó tính đem đi thủ tiêu, kêu cô mở hộp đựng giấy tờ lặt vặt cô nói không nên vì có súng đã lên đạn sẵn trong đó, và khi tôi cầm súng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Người cảnh sát lùi lại kêu gọi nhiều xe khác đến bao vây xe cô gái. Đèn đỏ xanh chớp chớp nghẹt một khu đường.

Sau nhiều thủ tục an ninh, người trưởng toán thấy không có gì khả nghi: giấy tờ xe đầy đủ, bằng lái chưa bao giờ vi phạm… mới hỏi cô gái:

Sao ông cảnh sát kia nói là cô không có bằng lái, xe ăn cắp, chứa súng và có thi thể người bị giết, v.v...

Vậy thì chắc ông ta cũng nói với ông là tôi chạy xe quá tốc lực nữa chắc? Cô gái nhỏ nhẹ, ngây thơ nói trong tiếng thở dài.

Nghe chuyện nầy chắc ai cũng buột miệng: Láu cá!

Vậy láu cá là gì?

Láu: ham (như láu ăn, đái láu); ham giành giật. Ở đây là ham và khôn ngoan trong việc tranh giành như tụi hàng cá. Lanh lợi về mặt lém lỉnh như hàng cá hàng tôm. Nhắc thêm. Hàng cá hàng tôm/hàng tôm hàng cá là những người nói năng hổn hào, trơ tráo hay ồn ào gây sự…

Từ một kỷ niệm thời thơ ấu nghèo khổ nhắc đến chữ xào bần, xà bần.

Lúc đó, từ năm 1950 đến năm 1954, ở Sàigòn, chỗ tôi ở là khu chợ Cầu Ông Lãnh. Mỗi chiều chiều có một bà xồn xồn gánh hai đầu gióng hai so-ong bự chảng đầy nhóc đủ thứ thập vật thức ăn thừa do nhà hàng Tây hay trại lính Tây gì đó bỏ ra. Ý chừng bà ta được tụi ba nhê cho nên đem về bán lại cho người dân nghèo lao động ăn mót. Bà ta, không biết có lọc bỏ bớt xương, da hay tăm, giấy gì hay không, nhưng nấu lại nóng hổi, hơi lên thơm phức cũng quyến rủ cả góc chợ. Thiên hạ bu quanh mua món gọi là xào bần nầy về ăn với cơm, với bún, húp rột rột, ai cũng gật đầu khen ngon cũng nghĩ rằng bổ dưỡng. Cũng có cánh gà, đuôi cá, đùi gà, miếng thịt thỏ, củ khoai tây, lá ô-rô, khoanh cà-rốt, vạt ớt chuông, ăn cũng bắt cơm lắm. Tôi còn nhớ Bà Sáu Mập ở chợ bữa nào cũng nhắc, cũng lấy cái tô lớn để sẵn chờ gánh xào bần tới.

Danh từ xào bần sau đó chuyển thành một thứ gì hổ lốn, nát nhừ, không giá trị nguyên thủy nữa và dần dần tiếng nói bị rớt âm /n/ thành xà bần, chỉ đất đá vụn do chuyện phá đập nhà cửa mà có. Tiếng xào bần bị mất vì nay không còn những gánh xào bần nữa. Có thể là những xóm lao động đã khá hơn chăng?

Trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc có một chữ nghĩ rằng nên nói cho rõ:

Nhớ linh xưa:

Cui cúc làm ăn, toan lo nghèo khó.

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung, chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ.

Việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Ngoài những chữ kho khó như trướng nhung (chốn trận mạc), làng bộ (làng xóm), tập khiên (tập dùng cái mộc để đở gươm giáo, nghĩa bóng là tập chiến đấu, sửa soạn trận mạc…) chữ đáng nói là cui cúc mà có nhiều sách viết là côi cúc vì hai chữ cui và côi đều viết bằng một chữ Nôm.

Côi cúc ??: Mồ côi, sống đơn lẽ, lẽ loi, không ai phù trợ.

Cui cúc ??: Lam lủ làm ăn, bộ cơ khổ, quạnh hiu.

Ông Trương Vĩnh Ký có đăng bài Vè nằm dỏ trong tập Miscellannées của ông. Khi chỉ nghe cái tựa ta không thể nào hiểu nỗi. Đọc, lật tự điển xưa mới biết dỏ: nhà canh trong làng, như chữ điếm. Nằm dỏ là tham gia việc canh phòng trong làng. Chữ nầy mất đi vì sinh hoạt đổi thay. Đọc kỷ bài nầy ta thấy ông Trưong Vĩnh Ký cũng chống Tây, cũng phàn nàn Tây chớ không phải theo nịnh Tây như nhiều người nghĩ.

Dĩ nhiên ở hải ngoại nầy không cần biết đến những từ ngữ đã quá xưa chỉ thấy trong sách vỡ, nay không còn thông dụng nữa ngay ở chính trong nước. Chẳng hạn như rạc ràng (tù rạc, tù đày, ngục tù, nhà ngục, phòng giam. Cầm tù giam ở rạc ràng/ Chẳng cho nó tới khải đàn trong cung. Thơ Nam Kinh Bắc Kinh), con mái (cung nữ), làn đan (nói cách vô phép, người dưới mà nói chuyện thẳng với người trên trước, quyền thế), bát ngát (buồn bã, xin nhấn mạnh nghĩa xưa nầy)...

Nhưng bậc làm cha mẹ cũng nên biết một số từ để có thể giúp con cái khi cần thiết. Chẳng hạn như câu hát ru em bắt đầu bằng nhóm chữ ví dầu. Ví dầu tình bậu muốn thôi. Tình anh muốn nữa bậu thôi sao đành. Ví dầu cá bóng kho tiêu. Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm… Bỏ lướt qua chữ bậu vốn dễ hiểu bắt nguồn từ chữ bậu bạn, sau trở thành người thân, người thương, người yêu. Ta cần biết rằng chữ ví dầu, dầu mà, nghĩa xưa là nếu mà. Đồng nghĩa với nó là Ví thử: Ví thử khi trước Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng lỡ dịp ma chay, quan lại công bằng, thì…

(Bản dịch Bài tựa Truyện Kiều của Đoàn Tư Thuật mà báo Nam Phong đăng nhằm là của Đoàn Quỳ, vì ông Quý cầm bản dịch đến tòa soạn Nam Phong, báo Tri Tân có đính chánh vụ sai lầm nầy).

Vọt: Cây roi, roi vọt. Đây là một danh từ chớ không phải từ lái hay tiếng đệm. Nó trở thành khó hiểu vì đã mất đi trong tiếng nói hằng ngày, chỉ còn trong câu tục ngữ: Thương con cho voi cho vọt. Ghét con cho ngọt cho bùi.Sầu riêng: Chẳng phải là mùi nó nặng đối với một số người khiến nên kẻ không thưởng thức được thì ôm mối sầu riêng khó chịu, tiếng sầu riêng chỉ là đọc trại âm của tiếng durian, hay tương tợ gì đó của Mã Lai do ông Petrus Ký, đem loại trái nầy từ Penang về trồng ở quê hương ông là Cái Mơn của tỉnh Vãng Luông.

Rùa Hành Chánh: Câu nói của ông Phó TT /TVHương. Không phải rùa thôi mà là rùa lật ngữa, chỉ sự quá chậm của nền hành chánh thời trước 1975. Cũng nên mở ngoặc để nói rằng chậm là do thủ tục chớ không phải chậm cố ý để hỏi thủ tục đầu tiên như ngày nay.

Xin nói thêm một hai chuyện vui vui.

Chuyện cơm gan. Cách đây gần 50 năm có một Giáo Sư Trung Học mới ra trường, được bổ về Sóc Trăng dạy. Quê ông ở Quảng Ngãi nên tiếng địa phương không rành. Trưa ra quán ăn cơm. Cô gái dọn bàn giới thiệu cơm gà, cơm cá kho, cơm gan. Ông chọn cơm gan. Dĩa cơm bưng ra không thấy miếng gan nào, ông hỏi mới được biết mình hiểu lầm do cách phát âm của người vùng nầy… đó là cơm rang tức cơm chiên.

Thưa Thầy vú em đau. Cũng ông thầy đó. Một hôm vô lớp, cô học trò hai tám xuân xanh lên nói giọng thiệt bình thường, đến thầy cũng ngạc nhiên. Thưa thầy cho em mai nghỉ, vú em đau em phải ở nhà. Ông thầy phì cười đến nỗi phải bước ra khỏi lớp để cười. Sau đó mới hiểu rằng cô ta không phải nói toạt móng heo một chuyện không nên nói rõ ràng mà cô ta nói theo từ địa phương, vú em tức là má em ở nhà.

Chưng hửng: Thằng Bĩ và thằng Cực nghe nói như vậy thì chưng hửng nên mặt nhìn nhau, rồi hỏi rằng: (Mạng Nhà Nghèo của Nguyễn Bửu Mọc). Chưng hửng tức ngạc nhiên quá độ, ngạc nhiên tới xửng người.

Ứ hự: Giang sơn một gánh giửa đồng / Thiền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng? Chuyện của Nguyễn Công Trứ. Người phụ nữ nhắc lại câu nầy là nói ngày xưa mình đã tặc lưỡi cho qua lề, chịu đựng chứ không thiệt sự bằng lòng chuyện gì Nguyễn công Trứ đã làm với cô.

Ừ hử: Nó khi dễ tui, nói nó không ừ hử gì hết. Tiếng phàn nàn là câu nói của mình không được trả lời trả vốn gì hết.

Ê hề: Quán rằng thịt cá hê hề. Khô lân chả phụng bốn bề thiếu chi. Ê hề tức quá nhiều, quá dư.

Ơ hờ: Tôi rất thích hai chữ nầy tôi đã dùng trong bài viết về nhà văn NMG. Một cử chỉ có làm nhưng không chú ý, chẳng tha thiết khi làm.

Thế chưng: Đặt cọc, làm của tin. Chữ thế nầy có nghĩa là thay, đổi cho, đỡ cho. Tiền thế chưng là tiền nộp cho quan làm của tin. Thay cho (HTC, 2, 1886). Nên nhớ chữ nầy có /g/ đi sau.

Chữ chưng thường bị coi là tiếng đệm, không có nghĩa: Bài Sư Tử Về Già của Nguyễn Văn Vĩnh dịch truyện ngụ ngôn của LaFontaine:

Sư tử trên rừng ai cũng sợ, Lúc tuổi già ngồi nhớ oai xưa
Khóc than than phận già nua, Vì chưng ta yếu bây giờ chúng khinh.

Con ngựa đến đá mình một móng/ Chó rừng vào hả họng cắn chơi.
Bài ca gì đó nói về Sóc Trăng có chữ bài hát Lâm thol, không phải lâm thôn.

Về chữ Sóc Trăng, không phải xứ có sóc nhảy ra khi có mùa trăng mà là tiếng Miên gì đó có âm gần giống như sóc trăng, rồi người ta Việt hóa nó. Ta không cần giải thích như các học giả nó là từ âm gì, nghĩa gì, chỉ cần nói vậy cho con cái biết là đủ.

Sẵn đây cũng nói thêm là ta nên dạy con em mình nói tiếng Việt cho đúng, tôi thấy hiện giờ ở Việt Nam người ta bắt chước giọng của người Bắc cai trị nói âm /tr/ bằng âm /ch/ rất hại, nghe chói tai.

Chợ Đũi: Nguyên là địa điểm xưa để bán đũi, một thứ tơ nhám, không mịn, to sợi, dùng để dệt hàng rẻ tiền. Người ta thường viết lầm bằng đuổi. Chợ nầy ở góc Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ngày trước, nơi Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 1963, mấy năm gần đây Chợ Đũi đã biến mất theo thời gian.

Tin cá: Ngư thư bất kiến bại quân hoàn. Ngô Thế Lân. Xưa người ta cho tin tức quan trọng cần đem về triều đình bằng một cái hộp có chạm hình con cá chép, để lấy hên.

Cái kia: Khen ai khéo đắp đôi voi/ Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi/ Còn cái kia sao chẳng thấy/ Hay là Lý Trưởng nuốt đi rồi? Người lớn đọc bài thơ, không cần ai cắt nghĩa cũng biết cái kia là cái gì. Tác giả không muốn nói rõ ràng thôi.

Tóc rẽ ngôi. Thơ Hồ Văn Hảo, bài Ly Biệt:

Đây còn những dấu chân mềm xinh xắn, Đây còn hơi ấm dịu trên ghế ngồi,
Đây dư hương của làn tóc rẽ ngôi, Và đây nữa dư âm lời trong suốt.

Tóc rẽ ngôi: Phân tóc ra thành cái đường. Người Nam xưa nói rẽ tóc. Tôi không biết chữ ngôi nầy là từ đâu ra, nghĩa gì chỉ biết nghĩa của nhóm từ tóc rẻ ngôi hay đường ngôi mà thôi. Có thể nào chữ ngôi chỉ chỗ cao nhất chăng, như ngôi nhà, ngôi vua chẳng hạn.

Cũng của thi sĩ Hồ Văn Hảo, bài Thế Là Đủ:

Tôi muốn nắm một bàn tay măng búp, /Cảm tình tôi chép lại mấy vần thơ,
Bắt gặp nhau vào những phút không ngờ,/Môi uốn nét, và lời oanh ngâm sẽ.

Ngón tay măng búp hay búp măng là ngón tay thon thả, như tay của mấy cô, mấy chị trong phòng nầy. Măng đây không là măng tre mà là non nớt, trẻ, mới ra đời. Như chữ lông măng, tức lông tơ. Măng dại, măng sữa, tức trẻ dại, non nớt.

Vài chữ có nguồn từ tiếng Triều Châu: Tùa hia, tùa khang (ông Huình Tịnh Của đọc là tòa khang).

Bánh bía, bánh bẻn, hủ tiếu, xíu mại, thiểm xấm, hia, chệt, xẩm, chế, tửng, nứng (anh rễ)…. Những tiếng nầy ta hiểu nếu có giao tiếp với người Tiều hay những người Việt sống trong những vùng tứ Sóc Trăng trở về miệt dưới.

Ngồi trên nóc tủ: Gần đây trong giới ưa chuyển những gì hay hay trên Internet có chuyển với nhau hai câu thơ thấm thía như sau:

Chúng ta rồi cũng sẽ già, Ngồi trên nóc tủ ngắm gà khỏa thân.

Chữ già xưa có nghĩa là chết, trong thơ Phạm Công Cúc Hoa thấy dùng từ già với nghĩa chết nhiều lần, gần đây độ hơn nữa thế kỷ tôi còn nghe dì tôi nói luôn. Cái hay của câu thơ nầy là đem cái tếu duyên dáng vào trong một điều nhận xét bi thiết, chán chường.

Chữ mỉa, mỉa mai: Con oanh học nói trên cành mỉa mai. Con oanh học nói, giống tiếng người lắm lắm. Sắc tài vừa kém vừa phai. Sử kinh chẳng biết, mỉa hình con dân. (Thơ Nam Kinh Bắc Kinh)

Và còn biết bao nhiêu nữa, nói cả đời không hết, học cả đời không thông. Chữ nghĩa khó khăn cần phải học quá nhiều, không dám kéo dài thêm, chỉ xin làm vui quí bạn bằng bài sau đây cũng lượm từ Int. Có nhiều điều thú vị từ chữ nghĩa: Có chữ của nước ngoài như ga lăng, như mát xa/mát gần. (Chưa đi chưa biết mát xa/ Đi rồi mới biết thiệt ra mát gần.)

Chồng là một đấng anh hào
Là duyên, là nợ trời trao cho mình
Chồng là trụ cột gia đình
“Ba đồng một mớ” ta rinh về nhà
Chồng là Bố của con ta
“To đầu mà dại” đến già chưa khôn
Chồng là loài sống bằng cơm
Lại ham món phở, bia ôm vỉa hè
Chồng là một gã lái xe
Uống nhiều, hút lắm, lè phè ngày đêm
Chồng là anh của nhiều em
Ga lăng nên hễ có tiền là vung
Chồng là cái thế anh hùng
Mát xa, sàn nhảy vẫy vùng khắp nơi
Chồng là hào kiệt trên đời
Vợ mình thì sợ, vợ người thì yêu
Chồng là quân tử hạng siêu
Cứ ai phái yếu là chiều, là thương
Chồng là một gã ương ương
Bỏ đi thì tội, phải vương cả đời!
(Sưu tầm trên Internet)

Lời Kết: Những phưong tiện để giải thích từ khó:

1. Âm từ tiếng ngoại quốc, trong đó có tiếng Miên, Triều Châu, Tiếng Pháp, tiếng Anh. Trường hợp nầy ta dùng bửu bối: Tầm nguyên Tự Điển Việt Nam của GS Lê Ngọc Trụ, di cảo in ra với sự tăng bổ của người cháu là thầy Trần Thượng Thủ, một GS từng dạy ở trường Petrus Ký Saigon.

2. Những từ xưa quá, cở 2, 3 trăm năm có bửu bối: Đại Nam Quốc Âm Tự Vị. Tự điển nầy cho tới nay chưa có quyển nào qua mặt được. Có thể dùng bản trên mạng của NVS trên website namkyluctinh.org hay trangnhahoaihuong.org. Chữ nghĩa của 6, 7 mươi năm gần đây, nghĩa là hơi xưa xưa thì dung bộ Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ hay Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, in ở Hà Nội ngày trước. Về tự điển xưa có quyển in năm 1890 của Đô Đốc Aubaret khi người Pháp mới đến VN, chữ xưa tương đối cũng bộn bộn, hiện thấy nhiều trên mạng.

3. Nếu các em đó ngại dùng các loại tự điển nầy thì dùng tạm các tự điển như Việt Anh, Việt Pháp, các từ khó hiểu cũng được giải thích bằng những từ tương đương bằng ngôn ngữ ở nhà trường của các em. Nên khuyến khích các em dùng cách nầy hay các từ điển trên mạng.

4. Tránh cắt nghĩa đùi (Như trường hợp Sốc Trăng là xứ có nhiều sóc nhảy ra nô đùa khi có mùa trăng, Cần Thơ là xứ người dân thích làm thơ, đọc xách….).

5. Những từ không có trong tự điển thì ta dùng suy luận, tìm tòi ý nghĩa, hỏi bạn bè trong lúc trà dư tửu hậu vì càng ngày người ta càng sáng tác ra những chữ mới những người làm tự điển chưa kịp cho vào. bởi vì ngôn ngữ nào cũng có tính tạo tiếng mới của nó.

6. Làm giàu kho tàng ngôn ngữ Việt trong đầu óc của mình không gì bằng lật lật ra đọc quyển Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn vì chữ nào cũng có vài câu thơ minh chứng, từ đó ta có thể hiểu rõ ràng nghĩa của từ mình cần tìm, với cái lợi là biết thêm những câu thơ chứa những từ đó.

Tóm lại, bão tồn tiếng Việt cần nhiều công sức và ý chí, không thể tự nhiên mà hiểu biết được sự phong phú của tiếng ta. Không đọc sách báo, không dung từ điển, chẳng để ý đến từ mới…bất quá chỉ là biết được đủ để giao tiếp hằng ngày, còn nhiều hơn nữa, cao kỳ hơn nữa thì…. đành dựa cột mà nghe.

Đáng lý bài nầy chấm dứt ở đây, nhưng chợt nhớ đến một bài thơ truyền miệng của thi sĩ lỡ thời Tạ Ký có một chữ mà ngày nay không còn nữa, bài thơ buồn man mác của người thuộc phe thất trận sau 1975 cũng cần nên ghi lại như một sự biết ơn người thi sĩ lỡ làng:

Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu,Mượn vui bè bạn sống qua ngày.
Đoạn trường hơn cả thân ca kỷ. Cơm áo làm quên chuyện nước mây.
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng. Bên quán ngờ đâu gặp lại mầy.
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ, Thì xin hãy cạn chục ly đầy.
Quàng vai tìm chút dư hương cũ, Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay.
Nhắc đến những thằng nay đã chết, Những thằng đang sống kiếp trâu cày.
Bạn ơi, nước mắt mình tuôn đấy, Ngồi nhậu bên đường, ta khóc đây.
(Tạ Ký_ Sầu Ở Lại)

Xin cám ơn quí vị đã nghe một bài nói chuyện bắt quàng mà tôi cố ý sử dụng để không làm cho người nghe phải ngáp vắn ngáp dài.

Nguyễn Văn Sâm
(Victorville, July 12, 2010)

Viết thêm:

Hôm 15 tháng 07, sau phần thuyết trình có mấy câu hỏi đáng chú ý, và câu trả lời của diễn giả, xin ghi vô đây.

1. Cách tạo từ mới nên theo phương thức nào? Thông thường thì hai từ Hán Việt nên theo văn phạm Hán, Những cách cấu tạo một chữ Hán và một chữ thuần Việt như siêu thịt, diêu nạt, đệ nhất thát, xi măng hóa… còn trong giai đoạn thí nghiệm, chúng được dùng luôn hay không, và được mọi người vui vẻ chấp nhận hay không chưa thể nói được.

2. Nhà văn Hồ Hữu Tường, khi viết trên báo Hòa Đồng có dung từ trả nũa. Ông có lầm với trả đũa hay không? Thưa không. Trả nũa là làm cho lợi gang hành động thực hiện vì giận làm cho đã nư. Trả đũa là đánh trả lại, ăn miếng trả miếng.

3. Trong Chinh Phụ ngâm có câu: Đêm trăng nầy nghỉ mát nơi nao. Nghĩ mát hay nghĩ mắt? Phải coi chữ Nôm mới biết được, mát bộ thủy, mắt bộ mục. Sau khi về nhà, tôi coi lại bản Nôm thì là bộ thủy. Nếu phiên âm theo triệt để bản Nôm thì là nghỉ mát. Nhưng bản chữ Hán thì: Minh nguyệt tri quân hà xứ túc. Đêm trăng nầy biết chàng nghỉ ở đâu?

Vậy thì mát, mắt hay mác (cây giáo) đều có thể có khả năng là câu trả lời vì người xưa viết chữ Nôm không tuân thủ triệt để âm mà họ muốn viết.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.