Hôm nay,  

3 Năm Cuộc Chiến Chống ‘thánh Chiến’

23/09/200400:00:00(Xem: 13535)

Đây là cuộc thánh chiến của những người Hồi Giáo cực đoan hay chỉ đơn giản là một cuộc Thế Chiến mới để chống làn sóng khủng bố"
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do và ông Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài sôi động này như sau.
Bài diễn văn của Tổng Thống Mỹ George W. Bush đọc trứơc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho thấy Hoa Kỳ vẫn quyết tâm đi đến thắng lợi bằng mọi giá, trong cuộc chiến chống khủng bố tòan cầu. Ngựơc lại tình hình tại Iraq và Afghanistan cùng một số quốc gia châu Á cũng phản ảnh quyết tâm tiêu diệt Hoa Kỳ của những người Hồi giáo cực đoan trong mạng khủng bố tòan cầu al-Qaeda. Sau những quan điểm của Tổng Thống Hoa Kỳ trình bày trước thế giới, chúng tôi tìm hiểu thêm vấn đề qua giới phân tích thời cuộc quốc tế. Hôm nay Việt-Long trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, tác giả quen thuộc trong mục Diễn Đàn kinh tế của chúng ta. Học giả Nguyễn Xuân Nghĩa cũng là bỉnh bút chính trị của nhật báo Việt báo ở California.
Hỏi: Thưa ông, ba năm sau vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001, mà người Mỹ hay gọi tắt là vụ 9-11, ông từng nhận định với tư cách một bỉnh bút chính trị của tờ Việt Báo xuất bản tại California, rằng Hoa Kỳ có thắng trên mặt trận chống khủng bố, nhưng dư luận lại cứ tưởng như chưa, hoặc thậm chí còn thua. Vì sao lại có nghịch lý ấy"
-- Trước hết, ta phải minh định mục tiêu từ đó minh định ngôn từ cho đúng đắn. Nghịch lý sở dĩ xảy ra vì chính quyền Hoa Kỳ thiếu chính xác trong sự minh định ấy. Vụ khủng bố 9-11 đã mở màn cho cuộc chiến đến nay vẫn bị gọi tắt, và gọi sai, là "cuộc chiến chống khủng bố". Thực ra, đây là cuộc chiến của Hoa Kỳ chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhân danh "Thánh Chiến Hồi giáo Islamic Jihad" mà thi hành biện pháp khủng bố. Đứng đầu và có uy thế nhất trong các nhóm Thánh Chiến đó là al Qaeda.
Khủng bố chỉ là phương pháp, chứ không là mục tiêu của al-Qaeda. Hoa Kỳ sai lầm trong khái niệm đó, ít ra, nhìn từ phía dư luận, nếu không phải là từ phía chính quyền.
Hỏi: Như vậy, mục tiêu của al Qaeda và các nhóm tự mệnh danh Thánh Chiến đó là gì"
-- Giới lãnh đạo Thánh Chiến Hồi giáo - Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri, sáng lập viên al Qaeda - là những kẻ ác nhưng không mù quáng đòi giết tối đa dân Mỹ cho hả giận rồi thôi. Họ muốn thành lập một Đế quốc Hồi giáo toàn cầu, do đạo Hồi cai trị theo giáo luật của họ. Trở ngại chính cho ước mơ đó là các nước Hồi giáo họ gọi là phản đạo lại hợp tác với các chế độ theo Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, hay Ấn độ giáo.
Giấc mơ xoá bỏ trật tự nhục nhã này bằng cách lật đổ các chế độ Hồi giáo thối nát đòi hỏi một đòn quyết liệt đánh vào cái hậu phương phản đạo của họ là Hoa Kỳ. Họ nghĩ Hoa Kỳ suy đồi về đạo đức và suy nhược về ý chí, nên thắng Mỹ không khó. Nói vắn tắt, Hoa Kỳ chỉ là "diện", là phụ, các chế độ Hồi giáo kia mới là "điểm", là chính.
Theo nhãn quan al Qaeda, kháng chiến quân Mujahideen đã đánh bại Liên bang Xô viết tại Afghanistan, khiến Liên xô tan rã. Nếu Hoa Kỳ cũng gặp số phận đó, các chế độ Hồi giáo phản đạo sẽ tiêu vong, và Đế quốc Hồi giáo sẽ thành hình.
Hỏi: Và theo ông thì al Qaeda đã tiến đến đâu trong mục tiêu chiến lược này sau ba năm giao chiến"
-- Mục tiêu chiến lược của al Qaeda là vụ khủng bố 9-11 phải mở màn cho sự sụp đổ đồng loạt của các nước Hồi giáo. Mục tiêu đó không thành. Vụ khủng bố không dẫn tới tổng nổi dậy làm tan rã các chế độ Hồi giáo thân Tây phương, hoặc khiến các chế độ này phải ngả theo đường lối cực đoan của al Qaeda. Ngược lại, hầu hết đều có thái độ cứng rắn hơn với Thánh Chiến, hoặc thân thiện hơn với Hoa Kỳ. Điển hình tuần qua là Mỹ bãi bỏ hẳn lệnh cấm vận với Lybia và Syria bắt đầu nói đến việc rút quân khỏi Lebanon.
Chính al-Zawahiri và cả bin Laden từ cuối năm ngoái đã than phiền sự thể ấy, và hứa hẹn tiếp tục đấu tranh, có thể là dưới hình thức khác, kể cả đấu tranh chính trị và kinh tế.
Khách quan mà nói, al Qaeda không đạt mục tiêu chiến lược và còn gặp nhiều trở ngại vì ác cảm của thế giới. Nhưng, khách quan là chuyện không có, nếu ta nhìn về phía Hoa Kỳ.
Hỏi: Vâng, nói về Hoa Kỳ, mục tiêu của Mỹ trong trận chiến này là gì"
-- Vấn đề ở đây là cách phân định trận thế và mục tiêu. Nếu lãnh đạo Mỹ xác định mục tiêu cuộc chiến là phá vỡ chiến lược của al Qaeda, tức là ngăn ngừa sự sụp đổ hàng loạt của các nước Hồi giáo, thì Hoa Kỳ coi như đã thắng keo đầu. Khốn nỗi, Hoa Kỳ lại định nghĩa cuộc chiến là "chống khủng bố", với hàm ý là chống bọn khủng bố - thuộc bất cứ lực lượng nào - lại có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ, thì rõ là ba năm sau vụ 9-11, Hoa Kỳ chưa đạt mục tiêu. Họ lầm lẫn mục tiêu chiến lược với hoạt động chiến thuật chống khủng bố.


Hỏi: Ông vui lòng giải thích rõ hơn về điều gọi là thắng về chiến lược mà tưởng thua vì nhận thức về chiến thuật "
-- Trong các trận chiến cổ điển, như sau khi Hoa Kỳ tham chiến với Phát xít Nhật hay Đức quốc xã, lãnh thổ Mỹ không bị tấn công. Trong cuộc chiến ngày nay, tình hình đổi khác vì dù đạt thắng lợi đến mấy về an ninh và tình báo, là hoạt động chiến thuật, Hoa Kỳ không hoàn toàn ngăn được đòn tấn công phá hoại của al Qaeda vào lãnh thổ Mỹ nên vẫn cứ phải báo động. Vả lại, quy luật về tình báo luôn luôn là "thắng thì im, thua thì chịu". Đâm ra, đối phương bị thất bại về chiến lược mà dân Mỹ không thấy Mỹ là chiến thắng, lại vì có báo động mà nghĩ rằng chính quyền chưa thành công. Các đối thủ chính trị kết luận tiếp, rằng Mỹ chưa thắng tức là thua!
Đã vậy, lại còn Iraq, một phần cục bộ của cuộc chiến nhưng che khuất mọi khía cạnh khác, nhất là trong một năm tranh cử.
Hỏi: Vâng, tất nhiên ta phải nói về chiến sự Iraq trong cả mặt trận rộng lớn này. Iraq liên hệ ra sao với chuyện chống Thánh Chiến"
-- Sau vụ khủng bố 9-11, Mỹ hiểu ra tính toàn cầu và toàn diện của cuộc chiến và lập tức trả đòn al Qaeda bằng cách tấn công và lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan.
Sau khi Taliban bị lật đổ mà al Qaeda vẫn còn thì từ tháng Hai năm 2002, Mỹ tính đến bước kế tiếp là phải tiêu diệt cơ sở và tiềm năng al Qaeda trên toàn cầu, trước hết là tại Trung Đông. Nếu al Qaeda muốn gây chấn động trong thế giới Hồi giáo thì Mỹ phải có một chứng minh tâm lý trái ngược, và nơi tạo ra chấn động ấy là ổ kiến lửa Iraq, quốc gia đang bị thế giới lên án, có chế độ đáng ghét nhưng cũng dễ lật đổ nhất. Và Mỹ đã lật đổ.
Điều khó hiểu là trong ngần ấy lý luận giải thích chiến dịch Iraq, chính quyền Bush chọn lý do võ khí tàn sát, hoặc nguy cơ bị Saddam Hussein sử dụng võ khí tàn sát. Nếu thực sự có nguy cơ ấy thì Mỹ đã không mất thời giờ vận động quốc tế và báo trước cả năm, từ tháng Ba năm 2002, trước khi khai chiến vào tháng Ba năm 2003. Rốt cuộc lại không tìm ra võ khí gì đáng sợ vì chế độ Saddam đã có cả một năm để hủy diệt hoặc che giấu.
Hỏi: Thế theo ông dự đoán thì tình hình sẽ ra sao, ba năm sau vụ 9-11"
-- Chính quyền Bush hiển nhiên là có chủ đích và kế hoạch tinh vi với khu vực Trung Đông trong đó có Iraq, nhưng gặp thất bại tình báo về cả al Qaeda lẫn Iraq nên chưa diệt được đầu não của Thánh Chiến và bị bất ngờ trước sự kháng cự đa diện tại Iraq. Những thất bại như vậy đều có thể thấy trong mọi cuộc chiến, ở mọi nơi.
Về chiến lược, Mỹ đã thắng, và phải giải quyết nốt các vấn đề chiến thuật. Nhằm chứng minh là Hoa Kỳ có ý chí chiến đấu lâu dài, và dám đánh thẳng vào ổ kiến lửa Iraq để làm gương, chính quyền Bush phải hoàn tất việc ổn định và phát huy dân chủ trong thế giới Hồi giáo, trước tiên là tại Afghanistan và Iraq. Ông Bush vừa tái khẳng định điều này trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào sáng Thứ Ba trong một bài diễn văn đầy lập luận lý tưởng của cánh tả nhưng hàm chứa những tính toán quyết liệt của cánh hữu.
Hỏi: Câu hỏi cuối, ông nghĩ sao về vấn đề an ninh đối với kết quả bầu cử tại Mỹ"
-- Dự báo chính trị tại Mỹ luôn luôn là điều khó vì sự bồng bột của dư luận. Nhưng, lần đầu tiên từ Thế chiến II vấn đề an ninh lại được dân Mỹ coi là quan trọng nhất, hơn cả kinh tế, cho nên với tất cả những khiếm khuyết đã nói, ông Bush vẫn thắng.
Một phần cũng nhờ ông gặp đối thủ quá kém.
Nghị sĩ John Kerry được đề cử không vì khả năng bản thân mà vì làn sóng thiên tả, chống Bush và phản chiến trong đa số đảng viên cơ sở của đảng Dân chủ. Nhưng họ không đủ phiếu đưa ông lên làm Tổng thống. Vì vậy, Kerry phải có lập trường với khủng bố và sau nhiều do dự bất nhất, tuần qua, ông lui về lập trường phản chiến và muốn sớm rút khỏi Iraq mà không có kế hoạch nào rõ ràng hơn ông Bush. Ông Kerry sẽ thất cử thê thảm, như George McGovern năm 1972, dù năm đó Mỹ đã chuẩn bị rút khỏi Việt Nam. Thực ra, nhiều nước cứ chửi Mỹ nhưng lại sợ Mỹ thua và dù ghét ông Bush cũng vẫn sợ ông Kerry mà thắng là Mỹ lại có lập trường thiếu dứt khoát với khủng bố.
Điều bất ngờ là qua mùng ba tháng 11, Hoa Kỳ sẽ có một tổng thống không cần tranh cử. Nếu thắng, ông Bush có bốn năm tự do. Nếu bại, ông có hơn hai tháng tự do. Là người có quyết tâm đến độ bướng bỉnh hoặc liễu lĩnh, nói theo các đối thủ chính trị, thì ngay trong thời gian tới, Tổng thống Bush dám có loại quyết định khó lường với cuộc chiến chống khủng bố, một vấn đề ông cho là còn quan trọng hơn kết quả bầu cử. Vì vậy, sau khi nín thở theo dõi bầu cử, người ta sẽ còn nín thở theo dõi trận kế tiếp của cuộc chiến chống Thánh Chiến, một cuộc chiến trường kỳ và phức tạp hơn nhận thức của dư luận.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thật không có năm nào nhộn nhịp như cuối năm 2007, khi mà báo chí, đài phát thanh, các chương trình TV phát hình, các báo trên liên mạng
Điện thoại reo liên hồi, những người ở rất xa, vừa biết tin giờ chót có Đêm Thắp nến Tưởng niệm 40 năm
Trong niềm hân hoan chào đón một mùa Xuân mới, các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông HK
Khi nhìn sâu vào một trái cam, không cần ánh sáng của khoa học, ta cũng có thể thấy rõ trái cam được làm bởi rất nhiều điều kiện như là: đất, nước, gió, mây
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo  thông báo: Phòng mạch Bác Sĩ tại 3610 W. First ST, # G Santa Ana, CA 92703 khám bịnh cho toa miễn phí giúp đồng đạo
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.