Hôm nay,  

Nhớ Vũ Cao Hiến

29/05/201200:00:00(Xem: 8148)
Quá khứ luôn luôn là một gánh nặng không dễ dàng rũ bỏ, dù người ta có cố gắng đến đâu. Nhất là thứ quá khứ dính liền với những chặng đường khổ nhục của một đời người, dính liền với những người một thời mình chia sẻ nhiều thứ. Quên không được thì đành phải nhớ. Mỗi khi có dịp, nỗi nhớ như vết thương chưa lành, lại tấy mủ, sưng mọng, làm đau nhức. Và mất ngủ.

Trong bóng tối của đêm, ngòai hồn ma bóng quế dật dờ, còn có những khuôn mặt người tình, bằng hữu, nhất là những người đã vội bỏ cuộc chơi lạc bước vào miền miên viễn chiêm bao. Một trong những khuôn mặt mà tôi nhớ nhất trong những đêm mất ngủ nghĩ về ngày tháng tù đày là Vũ Cao Hiến.

Thực ra, tôi biết Hiến (chứ không quen) từ trước khi đi tù. Năm 1972, lúc tôi còn thụ huấn tại trường ĐH/CTCT/Đà Lạt, Hiến là SVSQ khóa 23 Võ Bị. Anh qua trường tôi hát giúp vui trong một buổi nhạc hội . Đó là một giọng hát khiến tôi khó quên. Bài hát Hiến hát đêm đó cũng khó quên: Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy. Đời sinh viên sĩ quan với những kỷ luật khe khắt của quân trường, dù rất muốn nhưng tôi không có dịp để làm quen người sinh viên võ bị có giọng hát tuyệt vời ấy.

9 năm sau, tôi gặp lại Hiến trong nhà tù trại cải tạo Vĩnh Quang, thuộc tỉnh Vĩnh Phú, miền trung du Bắc Việt. Trại có hai khu : Vĩnh Quang A và Vình Quang B. Trại A gồm phần lớn an ninh tình báo, chiến tranh chính trị. Trại B gồm phần lớn các sĩ quan tác chiến ở các binh chủng dữ dằn : Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân. Tôi ( CTCT) ở A . Hiến ( BĐQ) ở B. Dịp Tết 1981, Ban văn nghệ trại VQ A thiếu người do một số đã được thả, nên bổ sung thêm một số có khả năng đàn hát ở trại VQ B. Khi ấy, Hiến đang bị biệt giam vì “ tội “ hát và phổ biến “ nhạc phản động “. Chúng tôi đề nghị ưu tiên Vũ Cao Hiến và một số anh em khác từ trại B ra trại A để bổ sung vào ban văn nghệ. Ra tới trại A, chàng sĩ quan BĐQ trắng trẻo thư sinh xanh như tàu lá vì nằm biệt giam lâu ngày và kiệt sức vì thiếu ăn. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản được chàng nhanh chóng chinh phục anh em tù trại VQ A, như anh bạn tù Trần Lê Việt , một tác gỉa tù khúc đã viết “Trong nhóm tăng cường này, nổi bật là Vũ Cao Hiến. Cũng như Đào Đức Hùng tôi nhắc đến ở trên, Hiến là một giọng ca hay nhất tôi gặp trong tù, không điêu luyện như Hùng nhưng lại nhẹ nhàng đơn sơ dễ đến với người nghe. Anh cũng là tác giả của nhiều bài tù khúc được anh em ưa thích, lại được chuyển đến bằng giọng ca truyền cảm của chính tác gỉa, nên tác động của những bài nhạc ấy của Hiến rất lớn. Cuộc đời của Hiến kết thúc một cách buồn thảm. Sau khi ra tù một thời gian ngắn, anh vượt biên và bỏ xác trên đường, để lại bao thương cảm cho bạn bè.. . “ ( Trần Lê Việt : Những hình bóng cũ ).( http://t-van.net/?p=4240)
vu_cao_hien_tuong_niem_tu_khuc__1__medium
Vũ Cao Hiến hát Tù Khúc.
Năm đó, chúng tôi đã thực hiện được một chương trình văn nghệ để đời trước khi chính thức rã đám kẻ lên tàu vào Nam , kẻ lên xe qua Nam Hà. Với chủ đề “ Mùa Xuân và Quê Hương “, chúng tôi lập lờ những bài hát cũ của miền Nam 1975 với những bài hát sau này phổ biến ở Sài Gòn của một số nhạc sĩ trẻ miền Nam qua những lời dẫn giải cũng lập lờ không kém. Cán bộ trại khen hay, nhưng “ cao quá, khó hiểu “, anh em tù thì hoàn tòan thỏa mãn. Vũ Cao Hiến góp phần mình thật xuất sắc với bài Tình Quê Hương của Đan Thọ phổ thơ Phan Lạc Tuyên. Anh hát hay đến độ cán bộ trại dù thắc mắc về nguồn gốc bài hát nhưng ngần ngừ không dám hỏi sợ Hiến không chịu hát nữa.

Kể từ đó, ban ngày Vũ Cao Hiến “ phải “ xách đàn (tự chế) đi hát cho cán bộ nghe những bản nhạc vàng, ban đêm anh cũng lại ôm đàn hát tù khúc cho anh em chúng tôi gậm nhấm nỗi buồn, nỗi hận. Anh Đỗ Xuân Tê, một cựu tù Vĩnh Quang, đã viết về nhạc của Vũ Cao Hiến “dòng sáng tác của VCH nặng về ngẫu hứng, anh tự để cho cảm xúc tuôn trào, không gò bó khuôn sáo theo ước lệ và nếu để ý lời nhạc gần như được ghi lại và chuyển tải dưới dạng như kể lể thở than về những hoài niệm một thời, những ước mơ một thuở, lòng có bi phẫn nhưng óc vẫn lạc quan, tình huống có đắng cay nhưng chí khí vẫn hào hùng, dù có đau thương nhưng sẵn sàng chấp nhận. Hình như trong tâm tư người lính trẻ có sự chuẩn bị đối diện với những rình rập không tên, những thách thức của số phận và bằng sức mạnh của tâm linh tôi phục anh ở chỗ trong lúc cố vượt thoát những oái oăm của một thời xã hội nhiễu nhương, quyết không sống chung (nhưng vẫn khoan nhượng thứ tha) cho những kẻ có tâm địa thù dai sau ngày tàn cuộc . . . “ (Đỗ Xuân Tê : Vũ Cao Hiến với 13 Tù khúc khó quên). (http://t-van.net/?p=6194)


Tháng 5 năm 1981, tôi và Trần Lê Việt lên tàu vào Nam, tiếp tục đời tù đày ở trại Z30A, Xuân Lộc. Vũ Cao Hiến và một số anh em khác ở lại, tưởng sẽ được về. Một năm sau gặp lại Vũ Cao Hiến ở Z30A Xuân Lộc, chúng tôi mới biết chỉ có một số được thả, số còn lại bị đưa về Nam Hà, trong số đó có Hiến.

Gần cuối năm 1983, tôi có tên trong danh sách cho về. Trần Lê Việt và Vũ Cao Hiến phải chờ vài tháng sau nữa mới nối gót tôi. Vũ Cao Hiến có một người vợ . . . chưa cưới, sau 9 năm vẫn chung thủy chờ anh. Hiến nhờ tôi đến nhà tập cho nàng hát những tù khúc của chàng để thêm vững lòng chờ đợi. Tôi hoan hỉ làm tròn trách nhiệm với bạn, dù nhà nàng ở rất xa nhà tôi và tôi không có một phương tiện đi lại nào ngòai . . . đôi chân khẳng khiu của mình.
vu_cao_hien_tuong_niem_tu_khuc_medium
Tưởng niệm. Tranh: Trần Thanh Châu.
Ngày Vũ Cao Hiến được thả về, tôi không biết, cũng không được gặp. Cuộc sống sau tù đầy gian nan quá, bấp bênh quá, không có thì giờ cho những “ buổi chiều về hát tình ca buồn nhất “ . Vả lại, Sài Gòn mênh mông xô bồ xô bộn, bạn bè gặp nhau trên đường chỉ kịp nói câu chào hỏi rồi đường ai nấy hối hả đi. Tôi không biết sau ngày ra tù, Hiến có còn cầm đàn được không và những bài hát mà tôi tập cho người vợ chưa cưới của anh thuộc được đến đâu. Một lần, gặp Hiến và mấy người bạn ở một quán cà phê khu Ngã Ba Ông Tạ, chúng tôi chỉ có thể chào hỏi nhau vài câu vì không khí quán quá ồn ào để có thể nói được những chuyện tâm tình như ngày còn ở trong tù. Nhìn vẻ mặt hốc hác của Hiến, tôi biết rằng cuộc sống cũng chẳng ưu đãi anh hơn tôi là bao.

Sau đó, qua vài người bạn, tôi biết tin Hiến đã vượt biên. Bẵng đi một thời gian sau nữa, nghe tin anh đã bị mất tích. Mất tích như thế nào, tôi không biết. Lúc ấy, Sài Gòn sôi động với chương trình HO, cựu tù cải tạo được đi định cư ở Mỹ. Vũ Cao Hiến đã không chờ đợi được, hay nói như anh Đỗ Xuân Tê “quyết không sống chung với những kẻ có tâm địa thù dai“. Và tôi , mải mê với những dự định làm lại đời mình khi cầm được tờ giấy xuất cảnh trên tay, quên bẵng hết mọi sự, cả khuôn mặt người bạn tù xấu số vừa ra khỏi trần gian này trong lúc vượt biển tìm tự do.

Tháng 2 năm 2005, có dịp đi San Jose giới thiệu sách của một người bạn tù, tôi gặp lại Ngọc Phi , nhà thơ hiền lành , bạn tù nhiều năm tại Vĩnh Quang. Phi khoe tôi một đĩa nhạc 13 bài tù khúc của Vũ Cao Hiến, do Đinh Quốc Trực ở Pháp thực hiện để tưởng nhớ Vũ Cao Hiến. Sau khi làm xong, Đinh Quốc Trực cũng lặng lẽ ra đi. Khi trang T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện chuyên mục Tù Khúc, tôi đã được Ngọc Phi gởi cho một bản sao nhạc Vũ Cao Hiến. Trần Lê Việt cũng đưa cho tôi hai CD nhạc tù khúc, trong đó có vài bài nhạc của Vũ Cao Hiến do Trần Gia Tỏan hát. Trần Gia Tỏan nay cũng đã là người thiên cổ.

Thế là những dấu vết cuối cùng liên quan đến những bài tù khúc của Vũ Cao Hiến đã biến mất khỏi trần gian buồn bã này. Có còn chăng là những hồi ức về anh, về Đinh Quốc Trực, về Trần Gia Tỏan đọng lại ở những trái tim gìa nua của những bạn bè còn sống. Tôi không biết, người vợ chưa cưới năm nào của Vũ Cao Hiến có còn sống ở đâu đó, một mình hay với một người nào, hạnh phúc hay sầu khổ, hay có thể “ may mắn hơn “ đã nắm tay cùng anh đi xuống biển trong cuộc chạy trốn tìm tự do năm xưa . Và những cô em gái trẻ trung xinh đẹp của Vũ Cao Hiến ngày tôi vừa ra khỏi trại tù được gặp gỡ, bây giờ họ ở đâu, làm gì, có còn nhớ chút nào đến những người bạn của anh mình nay đã trở thành những ông già nặng trĩu cặp kính lão không còn tương lai để tha thiết nên chỉ đêm đêm ôm quá khứ mà hỏi “ bạn bè ơi sao cứ bỏ ta đi “.

Biết làm sao khác hơn được. Tiếng vọng chiến tranh chưa mất hẳn mà tiếng vọng tù đày vẫn mãi âm u khiến cổ họng đắng ngắt mỗi khi nghe lại điệu nhạc tù năm xưa .

Vậy mà tôi lại lựa chọn chính mình làm công việc sưu tập, ghi chép , kiểm chứng những điệu nhạc buốt lòng ấy .

Liệu người chết có còn cảm giác để vui lòng ? hay cũng chỉ là an ủi người sống ?

T.Vấn
Lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2012
http://t-van.net/

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.