Hôm nay,  

Tự Sửa Để Thay Đổi Cuộc Sống

15/05/201200:00:00(Xem: 13103)
Nhân dịp Đại Lễ Phật Đản 2556 vào Ngày Rằm Tháng Tư âm lịch, tức là ngày 5/5/2012 dương lịch, năm nay, chúng ta hãy thử Tìm Hiểu, thực sự Học và Hành về Những Lời Dạy của Đức Phật Thích Ca, để có thể chủ động thay đổi cuộc sống cá nhân, gia đình, quyến thuộc, hàng xóm, nơi làm việc, cộng đồng địa phương, và xã hội chung quanh... được thanh tịnh hơn, tốt đẹp hơn, và hạnh phúc hơn. Bởi vì sau cùng, ai cũng muốn được kính trọng, nâng đỡ, ủng hộ, bảo bọc, thương yêu, và hạnh phúc. Tuy nhiên, được hay không là tùy theo Luật Nhân Quả, một định luật tự nhiên, không do Phật Giáo đặt ra; nhưng Phật Học dựa trên định luật Nhân Quả này. Trước hết:

A) MƯỜI NGHIỆP LÀNH (THẬP THIỆN NGHIỆP) Là Gì?

1. KHÔNG SÁT SINH: Từ bi, không sát hại, lại phóng sanh; sẽ được khỏe mạnh, trường thọ.

2. KHÔNG TRỘM CẮP: Ngay thẳng, tự kiềm chế lòng tham, dù nơi đông người hoặc chỉ mình biết, không lấy của người; sẽ được giàu sang, an ổn.

3. KHÔNG TÀ DÂM: Trong sạch, không quan hệ bất chính; sẽ được xinh đẹp, hạnh phúc.

4. KHÔNG NÓI DỐI: Chân thật, không: dối gạt, bất tín, phản bội; sẽ được uy thế, tiếng tăm.

5. KHÔNG THÊU DỆT: Trung thực, không: xảo ngôn, thủ đoạn; sẽ được mọi người kính mến.

6. KHÔNG ĐÂM THỌC: Hòa hợp, không: nói lời ly gián, trước mặt im lặng, sau lưng rỉ tai nói xấu; thì sẽ được nhiều người ủng hộ.

7. KHÔNG NÓI THÔ ÁC: Lời lẽ hòa nhã, không cay nghiệt, không thô tục; sẽ được cao sang.

8. KHÔNG XAN THAM: Rộng rãi thí xả theo khả năng, dù gặp khó khăn hoặc bị tiểu nhân ganh ghét, phá hại thiện nghiệp; sẽ được vô lượng PHƯỚC BÁO!

9. KHÔNG SÂN HẬN: Niệm Phật, Giữ Tâm từ hòa, nhẫn nại; sẽ được vô lượng DUYÊN LÀNH!

10. KHÔNG SI MÊ: Hằng ngày, Sáng Suốt, Siêng Năng trong học hỏi, nghiên cứu, ý nghĩ và hành động, Tỉnh Giác trước mọi cám dỗ; sẽ được vô lượng TRÍ TUỆ!

hoa_sen_can_tu

Hoa sen, một biểu tượng của Phật Giáo.
Người nào nguyện giữ được 10 điều này trọn đời, thì Chư Phật hoan hỷ, Thánh Chúng reo mừng. Hiện đời được an vui, khi mất sẽ được sanh lên cõi trời. Nếu thường niệm A Di Đà Phật và Nguyện Vãng Sanh thì khi lâm chung, Tây phương tam thánh cùng chư thánh chúng sẽ tiếp dẫn Tâm Thức để vãng sanh vào Cực Lạc thế giới ở phương Tây, thoát khỏi sự luân hồi đau khổ từ muôn kiếp của Sinh Tử, Tử Sanh... Nhưng để quyết được vãng sanh, ngoài việc thực hành Thập Thiện nói trên, mỗi người cần phải Phát Bồ Đề Tâm, Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu, và Tôn Kính Sư Trưởng.

B) PHÁT BỒ ĐỀ TÂM: Theo Kinh Hoa Nghiêm, “Quên mất Tâm Bồ Đề mà làm các thiện pháp, là hành động của ma”. Vì thiếu suy nghĩ, nhiều khi ta tưởng mình đang làm việc thiện nhưng thực ra làm việc bất thiện, gây tổn hại nhiều hơn lợi ích. Đã có nhưng lỡ quên còn làm sái, nếu chưa Phát Bồ Đề Tâm thì hậu quả ra sao? Vậy muốn học Phật, trước hết phải Phát Tâm Bồ Đề. Nhưng Tâm có 8 tướng trạng khác nhau cần được nhận biết, là: Tà, Chánh, Chân, Ngụy, Đại, Tiểu, Thiên, Viên.

1. Tà: Có người tu (tại chùa hoặc tại gia) nhưng chẳng xét Tâm mình (ít quán sát Nội Tâm). Ham danh lợi, ưa dục lạc, chỉ cầu quả vui tương lai, mà không cầu Giải Thoát đời đời, để cứu mình cứu người, theo Lời Phật Dạy.

2. Chánh: (Ngược với Tà), không ham danh lợi, chẳng thiết quả vui tạm thời, giữ Tâm Thanh Tịnh, chỉ mong Giải Thoát, tu hành thành Phật, cứu độ sinh linh.

3. Chân: Nghe Phật pháp cao siêu nhưng không thoái chí, chán sợ. Thấy con người thô ác, bạc bẽo, phản bội, vô ơn, vô trí, nhưng không lùi bước. Quyết trèo núi học, băng rừng giáo hóa, theo gương can trường của Như Lai mà phổ biến giáo pháp hữu ích. Phát Tâm như vậy là Chân (cầu thành Phật Đạo, độ thoát chúng sinh).

4. Ngụy: Có tội - không ăn năn; có lỗi - che đậy, không nhận lỗi và không sửa lỗi; kết bè phái, bảo nhau tiếp tục làm tội lỗi, mặt dày dạn, không xấu hổ. Ngoài sạch, trong dơ; trước siêng, sau lười. Tâm tuy tốt, nhưng phần lớn bị danh lợi thúc đẩy. Ngôn hạnh tuy hay, nhưng vô ích và khó bền vì bị nghiệp xấu lấn át. Phát Tâm như vậy đích thực là Ngụy.

5. Đại: Người Đời và Sinh Vật hết khổ, nguyện ta mới hết. Đạo Bồ Đề thành, nguyện ta mới thành. Phát Tâm như vậy là Đại.

6. Tiểu: Biết xem ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới) như tù ngục, nhìn Sanh Tử như oan gia. Nhưng chỉ muốn tu học để tự cứu, không muốn cứu người. Phát Tâm như vậy là Tiểu.

7. Thiên: Thấy có người và vật cần được giúp, ở ngoài Tâm mình; nguyện hóa độ họ thành Phật Đạo, nhưng không quên được công đức của mình và sự thấy biết của mình. Phát Tâm như vậy là Thiên (thiên lệch).

8. Viên: Nếu biết tự tánh là Bản Tính Tự Tâm của con người mình (tầm thường, có xấu có tốt) thì nguyện học và hành Phật Pháp để tự độ thoát. Nếu biết tự tánh còn là Tự Tánh Chân Như, là Phật Tánh (vô thượng, giác ngộ, thanh tịnh) thì nguyện tự giác, tự tu, thành Phật Đạo (tự phát giác tội lỗi của chính mình, tự sửa đổi hằng ngày, và thề nguyền học thành Pháp Phật vô thượng - bằng cách mài giũa dần dần cái vỏ xấu bên ngoài từ tâm tính thô lậu nhỏ-nhen của con người, để phát lộ ánh quang minh quảng-đại của chân-như Phật Tánh bên trong). Đem tâm hư không phát nguyện hư không; hành và chứng quả hư không; cũng không có sự chứng hư không nào có thể đắc được... (Đại ý là cần nguyện phát triển Tâm Quảng Đại, tròn đầy, viên mãn, không thiên lệch.)

Sau khi xét biết một cách sáng tỏ 8 loại Phát Tâm trên đây, người học Phật sẽ biết rõ nên loại bỏ 4 loại Tâm đã phát: Bỏ Tà, bỏ Ngụy, bỏ Tiểu, bỏ Thiên. Và giữ lấy 4 loại Tâm cần phát: Theo Chính, theo Chân, theo Đại, theo Viên. Phát Tâm như vậy mới gọi là Phát Tâm Bồ Đề chân chính.

C) HIẾU DƯỠNG PHỤ MẪU:

Theo đạo lý con người và với truyền thống của dân tộc Việt Nam, con cháu phải hiếu thảo với ông bà và cha mẹ. Ngoài việc bảo nhau kính trọng, lễ phép (đi về phải thưa gửi, hỏi han, nói năng nhẹ nhàng, không trợn mắt, lớn tiếng, nhiếc mắng, lời lẽ nặng nhẹ, xỏ xiên...); phụng dưỡng ông bà, cha mẹ về vật chất (chỗ ở thoải mái, ăn mặc theo mùa ấm lạnh, chăm sóc khi đau ốm, chia xẻ và an ủi khi vui buồn...); các con cháu cần khuyên ông bà, cha mẹ, hãy nương tựa Tam Bảo, thực hành Thập Thiện, niệm Phật A Di Đà, hằng ngày phát nguyện sẽ sinh về Cực Lạc thế giới của Phật A Di Đà khi bỏ thân này, để đời đời thoát khỏi kẻ thù Sinh Tử, học Phật và thành Phật, cứu giúp muôn loài - bao gồm con cháu, họ hàng, thân hữu...

Cần nhớ: Một câu Niệm Phật với Tâm Thành có vô lượng công đức, và Niệm Phật nghĩa là có thể Niệm Ra Tiếng hoặc Niệm Thầm trong ý nghĩ, trong tâm, tùy lúc, tùy nơi... rất tiện lợi; già trẻ, ai cũng làm được. Cho nên pháp môn Niệm Phật được xem là phương pháp dễ thành tựu nhất, trong thời Mạt Pháp khó khăn hiện nay.

D) KÍNH TRỌNG SƯ TRƯỞNG:

Cha mẹ tuy sinh ra thân thể ta và nuôi dưỡng ta trưởng thành, nhưng nếu không có Sư- Trưởng Thế Gian dạy bảo, thì ta không biết lễ nghĩa, phong tục, không biết cách cư xử theo đạo đức, phải trái, vậy khác gì cầm thú. Lại không biết ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nhất là ở hải ngoại, sẽ dần dần mất gốc. Làm người mà không biết nguồn gốc của mình, như: “Cây có cội, nước có nguồn”, thì mình là ai? (who are you?) và từ đâu đến? (where are you from?)... Đã chưa biết xấu hổ, lại còn tự đắc, vọng ngoại, khinh chê Tiếng Mẹ và Văn Hóa Dân Tộc thì quả thật đáng thương, đáng tội, cho kẻ vô minh.

Hơn nữa, nếu không có Sư Trưởng Xuất Thế hướng dẫn thì không biết và không hiểu Phật Pháp, tương đồng phàm phu. Đức Phật Thích Ca đã nói: “Thân người khó được, Phật Pháp khó được nghe.” – “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn.” Không phải ai cũng được thân người trọn vẹn và có cơ duyên may mắn được gặp, hấp thụ, lắng nghe, và tin hiểu Phật Pháp, một cách đúng đắn. Nhờ biết, tin, học và hành theo Lời Phật Dạy, con người có thể thức tỉnh, từ bỏ nghiệp chướng sâu nặng từ nhiều kiếp quá khứ, cương quyết tự sửa mình và giúp sửa đổi người thân trong kiếp sống hiện tại; từ đó mang lại hạnh phúc trong gia đình, hòa hợp trong một tập thể, thành công cho một tổ chức, bình an cho đất nước và xã hội. Một quốc gia mạnh nhưng hiếu chiến, ác độc, là một quốc nạn bi thảm cho người dân trong nước đó, và là mối đe dọa cho cộng đồng thế giới... Rõ ràng, phúc lợi của chúng ta liên hệ lẫn nhau. Phải quan sát, nhận xét, chỉnh đốn cho nhau thì mới sống còn trong An Vui lâu dài. Ích kỷ, hoặc vô tâm, vô trí, “sao cũng được”, không quan tâm đến sự an nguy và vui buồn của người yếu thế, mặc kệ ai bị đàn áp bóc lột, bị tra tấn trong tù, bị đánh giết ngay ở các đồn công an VC, miễn “nhà ta sung sướng là đủ”, như kiểu đa số dân thị thành giàu có về vật chất nhưng quá nghèo về tri thức và tâm linh, ở quốc nội Việt Nam hiện tại, cũng là một hiện trạng của Tiểu Tâm và sự vô minh về Phát Bồ Đề Tâm.

Nếu ông bà, cha mẹ biết Phật Pháp chân chính và dạy bảo cho con cháu, để cùng thực hành và cùng giải thoát khi hết duyên nghiệp với cõi đời tạm bợ nầy, thì ông bà, cha mẹ cũng chính là Sư Trưởng Xuất Thế của con cháu. Nếu ông bà, cha mẹ thường dạy tiếng nói và văn hóa dân tộc, kèm theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tính, cho con cháu, thì ông bà, cha mẹ, cũng là Sư Trưởng Thế Gian của con cháu. Nền giáo dục Nhân Bản của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở Miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, đã dạy học sinh Đạo Đức Làm Người và Lễ Nghĩa của dân tộc Việt, chứ nhà trường Việt Cộng (VC) sau năm 1975 chỉ truyền dạy lý thuyết vô sản và đấu tranh giai cấp của ngoại bang Nga Sô và Tầu Cộng, đã hơn 37 năm, tính đến năm nay, 2012. Hậu quả là đa số (không phải tất cả) người lớn và tuổi trẻ trong nước bị vong thân (thoái hóa về nhân cách, vô lễ, thô tục, bất lịch sự, hoặc hèn nhát, đánh mất lương tri) và trở nên vong bản (không biết trọng nguồn gốc, không quý người Việt cùng dòng giống) nên sinh ra vọng ngoại (chỉ kính nể người ngoại quốc, nhất là người da trắng). Một số những người Việt này khi xuất ngoại, mang theo ra hải ngoại các tính xấu lâu năm nói trên, từ trong xã hội VC, gây ảnh hưởng tiêu cực vào các cộng đồng địa phương mà họ đến sinh sống.

Đ) RÚT KINH NGHIỆM VÀ SỬA ĐỔI:

Bổn phận của những người Việt chân chính, dù sống trong nước hoặc ở hải ngoại, là phải dạy con cháu, càng sớm càng tốt, cho hiểu lịch sử của nước Việt, nhất là ý nghĩa của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam suốt 25 năm (1950-1975): giữa người Miền Nam Tự Do muốn bảo vệ bờ cõi Dân Chủ và Nhân Quyền của họ, chống lại sự xâm lăng tàn bạo và bất hợp pháp của Đảng Cộng Sản Bắc Việt, vốn là chư hầu của Nga Tầu. Cũng dạy con cháu học Tiếng Việt, gìn giữ các giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc Việt từ ngàn xưa, và tránh xa người xấu với các thói xấu: không giữ vệ sinh và trật tự công cộng, thất lễ, vô ân với người tốt, bất tín với người ngay, không giữ lời hứa, không thành thật nhận lỗi và không xin lỗi khi có lỗi, không biết hổ thẹn, thiếu tư cách, nịnh trên ép dưới, cư xử kém văn hóa, vong bản, và vọng ngoại không đúng chỗ, đúng cách.

Ngoài ra, để gìn giữ văn hóa Việt và đào tạo tương lai cho dân tộc, ông bà, cha mẹ Việt cần dạy con cháu biết kính trọng và có lễ nghĩa với thầy cô. Ngược lại, thầy cô cần nhắc nhở học sinh thực hành hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Một khi có sự hổ tương giáo dục hai chiều của gia đình và trường học như vậy, con cháu sẽ có chỗ nương tựa tinh thần vững chắc, có gương tốt noi theo để trở thành con ngoan, cháu hiền, và là công dân tốt cho xã hội. Trái lại, trong môi trường sống lừa bịp và tàn ác của xã hội Việt Cộng hiện nay, đa số người lớn cạn nhân tâm, giới trẻ thiếu gương tốt để sống theo mẫu mực làm người lương thiện. Hằng ngày, các em chỉ nhìn thấy toàn cảnh người và người lừa dối, lường gạt và bóc lột lẫn nhau, nên theo thời gian cũng bị nhập nhiễm. Các em lớn lên và bị nhồi sọ với ý muốn ích kỷ “lo học, kiếm tiền, cho mình và gia đình mình hưởng thụ; ai chết mặc ai, nhất là đừng nói và làm chính trị” theo lối dạy phi nhân để cai trị dân của VC ở quốc nội.

Có 6 Cách Sửa Lỗi Hữu Hiệu: Theo ông Viên Liễu Phàm, người Trung Hoa, 1) Phát Tâm Xấu Hổ: Vì nếu không biết xấu hổ thì sẽ phóng túng làm càn. 2) Khởi Tâm Thận Trọng Và Lo Sợ: Vì ta có thể giấu tội lỗi với mọi người và qua mặt pháp luật, nhưng Chư Thiên Hộ Pháp bên cạnh ta, thấy biết tất cả. Họ thấu rõ lòng dạ ta và mỗi Khởi Tâm Động-Niệm của ta, lẽ nào ta cứ lập lại tội mà không biết sợ? Nhưng khi đối diện gần cái Chết, nếu thống thiết khởi Niệm Thiện, ăn năn tỉnh ngộ và sửa đổi lỗi lầm, thì có thể rửa sạch tội. Song hằng ngày, không được ỷ lại (có thể được tha tội) mà thường phạm lỗi, vì tội sẽ nặng hơn. Cần nhớ là khi chết, mọi thứ mọi việc mọi người đều bỏ lại, chỉ Tội và Nghiệp đi theo ta, như hình với bóng, để ta nhận chịu kết quả ở kiếp sau. Vậy phải biết sợ mà tránh lỗi hằng ngày. 3) Khởi Tâm Dũng Mãnh Mà Sửa Lỗi: Phải lập chí kiên quyết để sửa lỗi vừa mới làm, không do dự, dễ dãi, hẹn mai mốt, lần lữa... đến ngày chết. Xem lỗi nhỏ như gai đâm vào thịt, phải nhổ ra ngay. Vả lại, nhận lỗi, xin lỗi, và sửa lỗi, đổi tà ác thành chánh thiện, thường được tha thứ và lợi ích, sao lại không làm? Lý do thông thường là vì người ta chấp ngã, bám chặt “cái tôi”, xem “cái tôi” lớn quá, trong khi Phật Giáo đã xác định “cái tôi” là giả, không thật, vì nó thay đổi với các pháp, theo thời gian và qua sự luân hồi nhiều kiếp ở những nơi khác nhau.

Vì vậy, ông Viên Liễu Phàm khuyên ta hãy buông bỏ “cái tôi”, cái giả, theo chân tâm, giữ thiện pháp, bằng cách cương quyết sửa tội lỗi ngay, qua 3 góc độ khác: 1) Từ Thực Tế Mà Sửa Đổi – Ví dụ lần trước rủ rê bạn xấu cùng phe nhóm, triệt hạ uy danh người hiền, lần này không làm nữa. Tức là tự chấm dứt lỗi, sau khi đã phạm trên thực tế, song mầm mống lỗi vẫn còn trong tâm, có thể tái phạm, mạnh mẽ hơn, khi có cơ hội lần sau. Cho nên, phải: 2) Dựa Vào Đạo Lý Mà Sửa Đổi - Ví dụ người chồng uống rượu say hoặc chơi cờ bạc, hết tiền, về nhà đánh mắng vợ con, bị vợ con thù hận tránh xa, hoặc gọi cảnh sát đến nhà, hoặc xin Trát Tòa bắt buộc người chồng, người cha không được đến gần vợ con nữa. Khi thức tỉnh, thay vì tức giận, người chồng dùng đạo lý tự xét: Vợ con vốn là người thân yêu, nay trở nên xa cách oán thù, là vì mình ích kỷ ham vui, cư xử vũ phu bạo ngược với họ, như kẻ cướp. Nay nhớ đến Đạo Đức Làm Người, nhất định từ bỏ thói quen cờ bạc, rượu chè, trở lại trách nhiệm của người chồng, người cha có nhân tâm, để phục hồi hạnh phúc gia đình. 3) Từ Tâm Niệm Mà Sửa Đổi - Chúng ta tạo vô số tội khác nhau nhưng tất cả đều từ Tâm Niệm mà ra. Vậy mỗi một ác niệm phát ra cần được ta ý thức và diệt trừ ngay, trước khi ác niệm ấy bị thể hiện thành lời nói và hành động, để làm hại người khác. Ta cần sáng suốt khởi Niệm Lành, giữ Chánh Niệm hằng ngày, thì tà niệm không thể phát, tâm ta được thanh tịnh. Vậy phương pháp cao minh nhất vẫn là TU TÂM để sửa lỗi.

Nhưng sửa đổi tội lỗi cần có Trợ Duyên để dễ thành công: 1) Đó chính là người hiền, bạn tốt, người trí thức hướng thượng, những vị xả thân giúp cộng đồng, đất nước, hoặc phục vụ cho một lý tưởng vị tha... với Tâm Thanh Tịnh. Vậy, nên:

- Thân cận với người có nhiều thiện pháp, chánh tâm, có nhiều điều tốt, ít điều xấu... để mang lại cho mình lợi ích, phát triển, và an lạc lâu dài.

- Không nên thân cận với người có nhiều ác pháp, ngụy tâm, có nhiều điều xấu, ít điều tốt... để tránh cho mình những bất lợi, thoái hóa, phiền não lâu dài.

2) Sám Hối - trước hình tượng Phật, Bồ Tát, bàn thờ gia tiên, ông bà, cha mẹ... xin chứng minh Lòng Thành biết ăn năn tội lỗi. Rất nhiều người đã chứng nghiệm với cách sám hối 7 ngày, 14 ngày, 1-3 tháng, và lòng họ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng...

Tiếp tục về Phật Giáo, PG thường được chia làm 3 thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp. Chúng ta đang ở trong thời Mạt Pháp (khoảng 2000 năm sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt) tức là thời khó khăn nhất. Do ít sửa đổi từ các kiếp quá khứ, nhiều người thời Mạt Pháp nhiễm tập khí sâu nặng, chấp ngã, ngang bướng, hung dữ, ít tu tâm, hướng thiện, chỉ lo danh lợi. Đức Phật đã báo trước: “Có những kẻ theo đạo ta nhưng phỉ báng ta”. Họ là “Phật tử” nhưng lười nhác, ít tìm hiểu, ít đọc tụng kinh sách Phật, ít làm theo lời Phật dạy, lại theo tà sư, tà đạo nhiều hơn. Tà sư giảng đạo sai lầm, nhiều như cát biển, và tuy hiếm gặp nhưng nếu dụng công tìm, ta vẫn gặp được chân sư. Thêm nữa, Phật Pháp suy yếu một phần do thiếu người có kiến thức, có lòng với Phật Pháp, truyền giảng và giải thích ý nghĩa đúng đắn của Kinh Phật. Vì vậy, Hòa Thượng Tịnh Không đã kêu gọi phải cấp thiết đào tạo nhân tài hoằng pháp và đây là một công đức lớn cần thực hiện. Ngài còn nói rằng: “Con người cách đây khoảng 40 năm tốt hơn ngày nay. Người xưa có thể muốn lợi mình nhưng ít hại người. Còn người ngày nay thì tự tư tự lợi, thường làm những việc lợi mình, hại người, bất tín, bất nghĩa, lừa gạt lẫn nhau... Thế giới loạn động... Cho nên Phát Bồ Đề Tâm là việc cấp thiết, để làm lợi ích lớn cho chúng sinh.” (Bài Thuyết Pháp về Nhận Thức Phật Giáo của Hòa Thượng Tịnh Không, Phần 4, ở Úc Châu, năm 1996.)

Nhưng Việc Lợi Ích Lớn Là Việc Gì? Là Việc Làm Lợi Ích Lớn Cho Số Đông. Như một chính phủ biết thương dân thì phải bảo vệ quyền tư sản ruộng đất của dân và lo dẫn thủy nhập điền cho nông dân làm ruộng (nhưng Đảng Cộng Sản VN thì cướp đất và ruộng của dân Miền Bắc đã trên 60 năm nay). Còn phải xây trường học, thư viện, bệnh viện, đắp đê phòng lũ lụt, xây cầu, sửa đường cho xe cộ lưu thông, tiện lợi cho việc đi lại của dân cư, quyên tiền, giúp cơm ăn áo mặc cho những người đói khổ và không được cứu giúp... (Sau năm 1975, các chiến sĩ, thương binh VNCH và con cháu, các tù nhân chính trị và gia đình của họ, ở trong nước, bị công an VC cô lập, khinh bỉ và mạt sát, kỳ thị đối xử, ngăn cản mọi sự tiếp xúc và giúp đỡ họ, để họ chết dần mòn.) “Khi có cơ hội làm những việc lợi ích lớn trên, phải khuyên bảo mọi người đồng lòng góp sức, góp tiền, để cùng hoàn thành. Cho dù có người phỉ báng, xúc phạm, ta cũng không nên sợ những lời đàm tiếu đó mà không dám làm. Ta cũng không nên vì sợ hiềm nghi, cực khổ, người khác ganh ghét, mà từ chối không làm.” (Nguyên tác của Ông Viên Liễu Phàm, Đời Nhà Minh, Trung Hoa, 1368-1644, Trang 120, Bản Dịch Làm Chủ Vận Mệnh.) Lời giáo huấn này có từ xưa (thế kỷ thứ 14-17) nhưng vẫn đúng với thời nay (thế kỷ thứ 21), chứng tỏ đa số con người không mấy thay đổi, dù sau một thời gian luân hồi sanh tử lâu dài... do thói quen xấu lừng lẫy.

E) KẾT LUẬN: Tóm lại, ta phải Học và Hành theo Lời Phật Dạy, không chỉ nói suông, vì Phật Pháp là nền Giáo Dục Thực Hành, cơ bản, và khai phóng của nhân sinh. Làm Mười Điều Lành, Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu, Kính Trọng Sư Trưởng, Phát Bồ Đề Tâm, Từ Tâm Bất Sát, và Niệm Phật để cầu giải thoát, thành Phật (như Phật, bình đẳng, vô giai cấp, không phải là kẻ hầu của Phật), để cứu mình, độ người, báo ơn cha mẹ, sư trưởng, tha nhân... vì mọi người đều thọ ân và mang ân lẫn nhau trong những kiếp sống liên tục từ quá khứ đến hiện tại. Lại nữa, đúng như nhà hiền triết Hy Lạp Heraclitus đã nhận định: “Bạn không thể bước hai lần trong một dòng sông.” – “You cannot step twice into the same river.” Mọi sự, mọi người, mọi vui buồn, khen chê, thành bại, thương ghét, gặp gỡ hoặc cách xa, hạnh phúc hay đau khổ ... chỉ là những kết quả tạm thời bởi các nhân duyên nối kết ở đời này, tất cả ... như dòng nước vẫn trôi đi sẽ không trở lại... Điều quan trọng là khi còn tạm thời hội tụ trong quán trọ cuộc đời ngắn ngủi này: Hãy can đảm và kiên trì trong việc tự sửa mình - để thay đổi cuộc sống, cho mình và những người xung quanh, được sống hữu ích, lợi mình lợi người, và có ý nghĩa hơn.

Lễ Phật Đản 2556, Rằm Tháng Tư âm lịch, năm Nhâm Thìn 2012

GS TRẦN THỦY TIÊN – M.A. in SOCIOLOGY

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- http://my.opera.com/amymai/blog/show.dml/3233958
- KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ của Đại Sư Tỉnh Am, tái xuất bản năm 2007, in ở Taiwan.
- Bài Thuyết Pháp “NHẬN THỨC PHẬT GIÁO”, Phần 4, của Pháp Sư Tịnh Không, Úc Châu, năm 1996.
- Làm Chủ Vận Mệnh, dịch từ nguyên tác của Viên Liễu Phàm, đời Nhà Minh, Trung Hoa, in ở Taiwan, Tháng Tư, Năm 2007.
- Nguồn Cội Đời Sống Người Hiền Lương – Sư Hộ Pháp, Xuất Bản năm 2001.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.