Hôm nay,  

Nước Mỹ Mùa Thi

08/05/201200:00:00(Xem: 8861)
Mùa này phượng đang nở đỏ bên trời Việt Nam, báo hiệu sắp tới ngày thi và bãi trường cũng gần kề. Bên Mỹ không có nhiều phượng nhưng hoa học trò đang nở ở vài nơi. Phượng đỏ Hawaii, phượng tím Florida, phượng vàng Texas.

Thời gian cuối tháng Tư và đầu tháng Năm cũng là mùa thi ở Mỹ, từ cấp 1 lên đến bậc đại học. Cấp 1 đến cấp 3 đang thi lượng định trình độ. Các đại học sắp có những bài thi cuối học kì để kết thúc một niên học, sau đó sinh viên tốt nghiệp hay về nhà nghỉ hè.

Nước Mỹ không có chương trình giáo dục toàn quốc và cũng không có kì thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển đại học tổ chức cùng một lúc khắp nơi. Chính sách giáo dục là do từng tiểu bang quyết định cho từng địa phương.

Sau nhiều cải tổ hệ thống giáo dục K-12, tức mẫu giáo đến lớp 12, từ thời Tổng thống Ronald Reagan (1981-1989), đến nay một chương trình giáo dục toàn quốc mới được soạn thảo, đang được các tiểu bang phê chuẩn và hy vọng sẽ được chấp thuận trong vài năm tới.

Với luật giáo dục “No Child Left Behind” do Tổng thống George W. Bush (Ông Bush con) ban hành năm 2001 đặt chú trọng hơn đến việc khảo sát học lực học sinh trên toàn quốc, lúc này là thời khắc của những kì thi từ cấp 1 đến lớp 11 với các môn học toán, Anh ngữ, khoa học và lịch sử, quan trọng nhất là toán và đọc viết Anh ngữ. Thời biểu thi do từng trường sắp xếp, thường trong khoảng giữa tháng Tư đến giữa tháng Năm. Ở bang California kì thi này có tên CST và điểm kết quả sẽ không ghi trong học bạ, không ảnh hưởng đến bảng điểm GPA của học sinh.

Điểm của kì thi CST không phải là quyết định để các em được lên lớp hay phải ở lại vì cách xếp lớp dựa vào tuổi của học sinh hơn là trình độ. Vì thế một em 13 tuổi là học lớp 7, cấp 2. Nhưng học sinh lớp 7 có em đã học đại số 1 với giải phương trình bậc nhất, bậc hai; có em còn học cộng trừ nhân chia phân số. Lên cấp 3 cũng thế. Học sinh lớp 12 có em học đến điểm động học, em nào kém toán chỉ học xong đại số 2, chẳng phải học lượng giác hay lớp toán cao hơn mà vẫn tốt nghiệp trung học.

buivanphu_20120507_nuocmymuathi_h01_hoaphuong_medium

Phượng nở báo hiệu mùa thi (ảnh Bùi Văn Phú)
Trước đây California không có kì thi CAHSEE (California High School Exit Exam), là tên gọi tắt của thi tốt nghiệp trung học. Hơn một thập niên qua các trường cấp ba đã phải tổ chức kì thi này chỉ gồm hai phần là toán và Anh ngữ, đọc và viết luận, trình độ lớp 10. Học sinh có thể lấy bài thi CAHSEE bắt đầu vào cuối năm lớp 10. Nếu không đạt đủ điểm có thể thi lại nhiều lần cho đến khi đậu với điểm tối thiểu 350/450 cho mỗi môn thì mới được cấp bằng tốt nghiệp. Với những thay đổi trong chính sách giáo dục, học sinh ở các bang khác hiện nay cũng phải qua kì thi tương tự như thế để tốt nghiệp cấp 3.

Còn các kì thi khảo sát trình độ do luật “No Child Left Behind” đưa ra, California có thi CST (California Standards Tests), Texas thi TAKS (Texas Assessment of Knowledge and Skills). Kết quả là để giúp giới chức có số liệu nghiên cứu và đưa ra những đề nghị cải cách giáo dục, tuyển chọn, huấn luyện và giám định giáo chức nhằm giúp cho học sinh tiến bộ hơn.

Chính sách này dựa vào điểm thi để đánh giá trình độ học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đã bị nghiệp đoàn giáo chức cùng nhiều tổ chức giáo dục phản đối nên sau đó đã có những thay đổi. Tổng thống Barack Obama năm 2010 đưa ra đề nghị cải cách giáo dục qua sáng kiến “Race to the Top” là những bổ sung cho luật “No Child Left Behind”.

Dù có những cải cách giáo dục trong hơn ba thập niên qua, nhưng nhìn chung trình độ toán và khoa học của học sinh trung học Mỹ hiện vẫn thấp hơn các nước phát triển ở Tây Âu và ở Nam Hàn, Singapore.

Trong khi học sinh các lớp đang thi khảo sát trình độ, lúc này không phải là thời gian thi vào đại học của học sinh lớp 12 vì các em đã thi SAT, ACT từ nửa năm trước. Các em giờ đang chuẩn bị thi các lớp AP, tức Advance Placement, hay ôn tập cho bài thi cuối học kì.

Những em nộp đơn vào đại học thì lúc này đã có thư báo được nhận hay không. Tại bang California, theo đẳng cấp giáo dục có 10 trường University of California (UC) là cao nhất, sau đến 20 trường California State University (CSU) rồi đến 110 đại học cộng đồng (community college). Bên cạnh đó là hàng chục đại học tư. Nếu không vào được một đại học có trình độ cử nhân hay cao hơn thì đại học cộng đồng là nơi sẵn sàng đón sinh viên mọi lứa tuổi, mọi trình độ sau khi rời bậc trung học. Nếu cố gắng học giỏi ở đó, sau hai năm sinh viên cũng có cơ hội chuyển lên các trường của hệ thống UC hay CSU để lấy bằng cử nhân hay tiến cao hơn trên đường theo đuổi sự học.

buivanphu_20120507_nuocmymuathi_h02_finalexams_medium

Mùa này sinh viên đang chuẩn bị cho những bài thi cuối học kì (ảnh Bùi Văn Phú)
Để được nhận vào các đại học danh tiếng, học sinh lớp 12 đã phải thi một hay tất cả những bài thi SAT, SAT-2, ACT từ nhiều tháng trước. Đây là những bài thi mang tính toàn quốc do College Board tổ chức nhiều lần một năm cho học sinh lớp 11 và 12.

Đại học Harvard chỉ nhận 6% số sinh viên nộp đơn. Harvard đòi học sinh phải thi SAT và ACT có phần viết cùng SAT-2 với ba môn chuyên. Những em được nhận nằm trong số 10% có điểm học bạ GPA cao nhất từ trường cấp ba đã theo học, đạt điểm SAT từ 2080 đến 2370 trên tổng số 2400 và điểm ACT từ 31 đến 35 trên tổng số 36. Với số điểm cao như thế, những học sinh này nằm trong số 1% hoặc 2% thí sinh đạt điểm thi cao nhất.

Còn Đại học U.C. Berkeley, học sinh được nhận vào phải đạt điểm SAT trong khoảng từ 1930 đến 2260 và bảng điểm học cấp ba phải từ 3.88 đến 4.35. Niên học vừa qua có 47 nghìn học sinh nộp đơn và Đại học Berkeley nhận khoảng 15 nghìn, nhưng cuối cùng chỉ có khoảng 5 nghìn quyết định chọn theo học tại đây.

Tại sao điểm học bạ GPA (Grade Point Average) của học sinh có thể hơn 4.0 trong mức thang thông thường với điểm A=4, B=3, C=2, D=1? Đó là vì các em đã lấy những lớp AP có thang điểm cao hơn, với A=5, B=4, C=3.

Ngày nay muốn được nhận vào các trường danh tiếng, học sinh cấp ba thường phải lấy những lớp AP (Advance Placement) là những lớp cao cấp, như AP Sinh học, AP Anh ngữ, AP Vật lí, AP Hoá, AP Sử, AP Ngoại ngữ là những lớp với trình độ chuyên sâu hơn lớp thường và có bảng điểm cao hơn nên một học sinh có thể đạt điểm trung bình hơn 4.0.

Nhưng đối với một học sinh gốc châu Á, dù có GPA và điểm thi cao thì chưa chắc đã được một đại học danh tiếng nhận vào. Để đạt ước mơ trên đường học vấn, một học sinh gốc Á còn phải vượt trội hơn nữa.

Tạp chí giáo dục Chronicle of Higher Education ngày 29-4-2012 có bài của Jonathan Zimmerman, giáo sư sử và giáo dục tại Đại học New York, viết về những bất lợi cho học sinh gốc Á hiện nay và so sánh điều này như đã xảy ra với người gốc Do Thái nửa thế kỉ trước. Trong bài viết "Asian-Americans, the New Jews on Campus" (Mỹ gốc Á, người Do Thái mới trong khuôn viên đại học) có trích dẫn một nghiên cứu của nhà xã hội học Thomas J. Espenshade thuộc Đại học Princeton cho biết nếu mọi thứ khác coi như bằng nhau thì học sinh gốc châu Á cần phải có 140 điểm SAT cao hơn học sinh da trắng để được nhận vào một trường danh tiếng. Bài báo cũng nhắc đến sự thiếu vắng trí thức Mỹ gốc Á trong vai trò lãnh đạo các đại học danh tiếng, dù những nơi đó có đông sinh viên gốc Á.

buivanphu_20120507_nuocmymuathi_h03_ucberkeley_medium

Đại học Berkeley ở California có đông sinh viên gốc Á theo học (ảnh Bùi Văn Phú)
Đây là một số liệu đáng quan tâm. Vì như thế học sinh và trí thức gốc Á có được đối xử đồng đều hay không?

Thực tế qua những năm dạy học, tôi đã thấy nhiều học sinh Việt có điểm SAT trên 2100 và GPA trên 4.0 nhưng không vào được Đại học Berkeley, một trong những trường hàng đầu của Hoa Kỳ. Đại học này từng có viện trưởng gốc Á từ năm 1990 đến 1997 là cố Giáo sư Chang-lin Tien (1935-2002) và hiện có số sinh viên gốc Á chiếm tỉ lệ khá cao.

Theo số liệu từ đại học này, niên học 2011-12 đã có 42.1% học sinh gốc Á được nhận vào năm thứ nhất, trong số này 3.2% là gốc Việt, cao nhất là gốc Hoa 21.1%. Trong khi số sinh viên da trắng được nhận là 27.1%. Cũng trong niên học vừa qua, trong tổng số gần 26 nghìn sinh viên ban cử nhân tại Đại học Berkeley, số sinh viên gốc Á chiếm 38.5%.

© 2012 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập hôm 17 vừa qua không được dư luận Hoa Kỳ chú ý, nên dư luận ít thấy sự hình thành của một "trật tự mới
Sở dĩ có tên "Thứ Ba Đen"  vì  ngày Thứ Ba, 20 Tháng 11, 2007 Hội Đồng Thành Phố San Jose đã họp
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 là một cuộc bầu cử đầy màu sắc . Cho đến hạ tuần tháng 2/2008 nghĩa là còn 9 tháng nữa
Sáng ngày 20 tháng 1 năm 2008 tức ngày 14 tháng 2 năm Mậu Tí vừa qua, một buổi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, toàn vẹn lãnh thổ
Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ (ĐDC) đang tiến tới một tình trạng chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ.  Trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước kia
Đề tài tôi nói hôm nay rất bình dân. Người đời việc ít quan trọng dồn hết tâm lực lo, việc tối quan trọng lại lơ là.  Tất cả chúng ta có mặt trên thế gian này
Đầu năm 2001, sau khi thôi việc tại Tạp chí Cộng sản, tôi có dịp gặp gỡ làm quen với các nhà đấu tranh Dân chủ, trong đó có Cụ Hoàng Minh Chính
Sau đây là toàn văn Tâm Thư Đạo Tình Của Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Bản văn ký ngaỳ 15-2-2008, gửi từ Tổ Đình Từ Quang, Canada
Năm 1973, Hiệp Định Paris được bốn phe ký kết, chấm dứt sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, mặc dù cuộc chiến vẫn tiếp tục thêm hai năm nữa
Ngày hôm nay, 16-2-2008, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã chính thức gởi một văn thư đến Ông Thẩm Phán Michael Chertoff
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.