Hôm nay,  

Một Chuyến Về

08/05/201200:00:00(Xem: 9198)
Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi chọn chữ “VỀ” để đặt trong tựa đề của bài viết.

Đây là chuyến về lần thứ năm từ khi tôi rời Việt Nam sang Mỹ, nhưng là chuyến đầu tiên kết hợp về thăm Hà Nội, nơi tôi đã được sinh ra, sau đó chẳng biết gì về nơi đó cả - Saigon mới là nơi tôi khôn lớn, trưởng thành và bước vào cuộc sống - Mặc nhiên, cả Hà Nội lẫn Saigon đối với tôi đều mênh mang tha thiết nặng tình. Tôi không muốn đem lên bàn cân để phân định hai cái khối tình trong tôi đối với Saigon – Hà Nội.

SAIGON

Saigon cuối tháng Ba, nóng như điên với dòng xe khủng hoảng - Khủng hoảng về số lượng lưu thông và cả về luật lệ lưu thông. Tôi không đem so sánh luật lệ giao thông của xứ sở này với xứ sở khác. Tôi muốn nói đến cái luật giao thông căn bản của một xã hội có căn bản, đó là những căn bản đầu tiên nhà trường đã dạy trong những giờ công dân giáo dục thời còn bé, trên cùng một lãnh tổ là mảnh đất nước tôi, mà tôi thiết nghĩ, những bộ luật về giao thông căn bản ấy, không có gì thay đổi .

Sự khủng hoảng giao thông vì số lượng người tứ xứ đổ về Saigon sinh sống quá đông? Do quan tâm chưa đúng mức của chính quyền địa phương, hoặc chính quyền đã bất lực truớc số dân nhập cư vượt múc? – Sinh hoạt phí quá mắc mỏ so với đồng luơng rẻ rúng, để phải chạy vạy kiếm thêm ? – Sự căng thẳng tranh giành đất sống vuợt lên trên lòng tuân thủ luật pháp? …Vì những đó, đưa đến kỷ luật xã hội chộn rộn mất đi nguyên tắc, cũng là lẽ thông thường. Cộng thêm với giả vờ quên, cái tắc trách về lòng tự trọng tối thiểu, còn ung nhọt tối đa trong dòng văn hoá thiếu tự tin suốt mấy mươi năm, của một xã hội với thể chế lúc nào cũng gượng gạo say men chiến thắng. Cái chiến thắng bất ngờ không tưởng!

Dọc bên đường, các khu dân phố được phân định chi chit, bằng những tấm bảng xanh blue chữ trắng giăng ngang đầu ngõ: KHU PHỐ VĂN HOÁ 5,7,8 ..vv gì đó ... Những tấm biển đập ngay vào mắt với dáng vẻ dài dòng “dư thừa văn hoá”. Tôi chạnh nghĩ đến sự mặc cảm lớn, thường dẫn đến cái luôn luôn phải giải thich, phô trương là che dấu, là khỏa lấp tự ti yếu kém – Nếu văn hoá là một tự nhiên ắt có, thì đâu cần lập đi lập lại ở mỗi đầu khu phố một cách không cần thiết đến dư thừa !?

Nhưng mặc cho Saigon thay đổi, rất thay đổi, tôi vẫn cố giữ Saigon trong tôi không đổi - Nơi tôi đã đi mòn những bước chân, có cả thơ mộng thênh thang, lẫn có cả lao đao, vội vàng tất bật. Nơi lưng áo tôi đã rịn đổ những giọt mồ hôi loang trong màu của nắng, chan dòng nuớc mắt của một thời cả hạnh phúc chen lẫn bi thương - Tóm lại quên mọi thứ, để nỗi lòng, lẫn cho buớc chân về của tôi được nhẹ .

Như trong một đoạn thơ cách đây tám năm về thăm nhà tôi đã viết :

Sau tám năm nắng Saigon vẫn thế
Vẫn sắc vàng trong vắt y nguyên
Nắng ơi, dừng lại bên thềm
Cho tôi nhặt lấy, vãi mềm trong tay.

Và hôm nay, nắng Saigon dù có gắt gỏng hơn, có nhiều khói bụi và âm thanh có ồn ã chói chan hơn, tôi vẫn thầm thỉ nói với nắng Saigon như đoạn thơ vừa kể.

Tôi không về Saigon với tâm trạng của người du khách. Tôi không về Saigon để du lịch, tiêu pha. Không xúng xính trong bộ áo kiều bào mà nay ai cũng biết đã trở nên lạc hậu, “xưa rồi Diễm ơi”, hòng đón bắt những suýt xoa khen tặng muộn màng vô bổ. Không hãnh tiến để chực chờ so sánh với những bạn đồng niên trong tự mãn, trong chủ quan như một số người cứ cho bản thân mình là may mắn. Cũng không hào hứng mua bán, rộn ràng, tung tăng thu mua hàng hóa bằng đồng đô la Mỹ. Người Saigon bây giờ ai nghèo thì vẫn nghèo không kể, còn ai kia giàu có, có lẽ tiền đô la còn hơn hẳn Việt Kiều…. Và chuyện chính trị, quan điểm, lập trường này nọ, cũng xin không đề cập ở bài viết này.

Tôi thu xếp về, vì may mắn trời cho còn sức khỏe để về, về để trang trải tình cảm trên những tình thân còn ở lại. Tình thân đó, là anh em máu mủ ruột rà, là bạn bè, bằng hữu, là đồng nghiệp cũ, là láng giềng xưa… trong đó có cả ngưòi láng giềng không cùng chiến tuyến, có một thời lúc còn ở lại chưa đi, đã cùng tôi tâm tình, chia ngọt bùi, đắng cay, truân chuyên, nghèo khó.

Tôi không lầm lẫn trong quan điểm và chính kiến, nhưng con người với con người, cần sống chan hòa, tùy duyên san sẻ.

Và tôi đã hòa nhập vào dòng sống của Saigon hôm nay, trongtự nhiên không bỡ ngỡ. 

Tôi chẳng trầm trồ về cái se sua, náo nhiệt nơi thị tứ, chẳng ngạc nhiên về những dãy phố, con đường.Sự đô thị hóa những khu trung tâm hoặc ngoại thành, biến ngoại ô thành quận lị,là tiến trình nới rộng vòng đai đô thị. Nó nằm trong thay đổi tất nhiên của xã hội loài người, mà thời gian là yếu tố bắt buộc phải vận hành theo qui trình sống. Tốt hay xấu việc ấy được ghi vào sách sử.

Có xã hội con người nào, dừng mãi một chỗ đâu!?

Còn ngôn ngữ, văn hóa, phong hóa, và cả về tiến độ văn minh nữa, tất cả đổi thay, tùy thuộc và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dòng thác sống, qua chủ trương điều hành của chính quyền đương nhiệm. Nó thuộc về tiến trình đối thoại văn hóa và giao lưu ngôn ngữ. Bàn bạc về nó sẽ có nhiều mâu thuẫn.

Ra đi, tôi chỉ biết mình may mắn có cơ hội chọn lựa ra đi. Tôi không đem cái phuơng cách sống ở xứ người để so đo dèm xiểm cách sống của những nguời dân trong nước, dù biết rằng chính quyền VN đã kéo lùi sự tiến bộ của đất nước VN mất hơn một phần ba thế kỷ. Từ ngữ địa phương khi người địa phương dùng. Đó là trào lưu ngôn ngữ. Thích thì dùng,không thích hợp, hay bất hợp lý,thì không sử dụng.

Và chuyện người ở lại chọn lựa sự ở lại, hay không hoặc chưa có điều kiện đi, điều ấy cũng không cần cân nhắc đến - Mỗi đất sống một phong thổ, mỗi nơi một giao lưu, mỗi nơi mỗi cho tôi mỗi cảm nhận và mỗi nỗi niềm rung cảm từ con tim còn biết đập.

Tôi đạp xe trở lại căn nhà cũ ở đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định nay gọi là Bình Thạnh. Chiếc xe đạp mini cũ rich của chị dâu tôi. Con đường HHT nay được mở rộng hơn xưa. Qua đền thờ Hai Bà Trưng đã trùng tu lại, quẹo vào con ngõ nhỏ, cái ngõ cong cong dẫn tôi đứng trước căn nhà cũ, tấm biển địa chỉ xanh dương vẫn mang số 29/16, bao nhiêu ký ức ngơ ngẩn ùa về. Màu nắng trưa đã xế, vài người trong xóm đưa mắt nhìn tôi xa lạ. Người cũ chẳng gặp ai. Cả xóm trưa, còn say giấc ngủ.

…Tôi hình dung lại mảnh sân trước với cây bông gòn cổ thụ chỉa đầy gai nhọn. Giậu tóc tiên xanh um hoa đỏ li ti. Một gốc mai già. Một cây bưởi con con tôi trồng vào dịp tết. Cái mái ngói rêu xanh, hoang liêu cũ kỹ… nay chủ mới đã xây lầu sát ra tận cổng rào. Nhìn quanh, những rẻo đất lồi lõm lô nhô quanh đấy, ngôi mả đá ong nâu đỏ, những cây mận roi, trái rơi đồm độp vào những trưa hè, cái giếng đầy nước cho cả xóm dùng …. Nay tất cả đã đuợc xây dựng thành những nhà hai ba tầng san sát!!

Biển xanh lấp thành ruộng dâu. Ôi dâu bể chùng chùng xa hút.

Tần ngần bấm vài tấm hình, chụp cái bảng số nhà nay của người ta. Tôi quay ra, đạp xe với vòng quay thơ thẩn. Mọi sự là dĩ vãng, dĩ vãng của một thời xa xăm hoang vắng, não nề.

Tôi thầm hỏỉ mình còn có thể quay về cái xóm nhỏ ấy đuợc bao nhiêu lần nữa, để bâng khuâng trăn trở, để lại khơi dậy những tháng ngày gian nan còn nằm trong ký ức của một thời thanh xuân dạo ấy, một thời của nhiều ấp ủ ước mơ, hoang mang chao đảo, và vô cùng cô độc.

Dòng xe trên đường về vẫn chảy, dòng người lao cực nhanh về phía trước.

Xuôi theo tốc độ đó, tôi cảm nhận sự sống ồ ạt đến kinh hoàng. Tàn nhẫn nhất có lẽ dành cho kẻ lấp lửng quay lưng ngoảnh nhìn trở lại, là tôi. Một nỗi nhớ ngầy ngật như cơn sốt đang quay quắt trong trái tim của kẻ nặng tình…. Bỗng trong một thoáng, tôi thấy mình hạnh phúc! Cái hạnh phúc rưng rưng của người hãy còn quá khứ, tức là trong tâm tư vẫn có một chốn để đi về. Nó hơn hẳn những người đã mất hẳn, hoặc mặc nhiên vùi chôn quá khứ, quá khứ lạc loài ấy thật bơ vơ tội nghiệp!

HÀ NỘI 

Sau mấy ngày đây đó, bêu nắng Saigon đại khái là như thế.

Mấy anh em bàn nhau một chuyến cùng về thăm Hà Nội.

Non ba tiếng, máy bay đáp xuống phi trường Nội Bài.

Trời đã tối, người tài xế Taxi do cô em họ giới thiệu, đã có mặt ở phi trường, gọi liên lạc để đón chúng tôi, gồm: anh tôi, tôi, chị tôi + chồng của chị, và đưa về một khách sạn đã được người cháu họ ở cùng địa phương đặt sẵn - Khách sạn Bình Minh, tọa lạc trên phố Ngọc Khánh, gần đường Giảng Võ.

Hà Nội tôi chưa bao giờ biết, nhưng Hà Nội vẫn cho tôi cảm giác thân quen, lơ lửng nhẹ nhàng. Có lẽ Hà Nội vẫn nằm trong trí tưởng, một phần qua sách vở, một phần tôi nhớ lại một truyện ngắn đã viết hồi năm ngoái, đã mượn bối cảnh Hà Nội để tiểu thuyết hóa cho một chuyện tình dang dở. Phần khác nhờ thời tiết se se dìu dịu khác hẳn với mấy hôm cháy nắng ở Saigon, cộng thêm cái nỗi niềm, cái lao xao tâm lý của kẻ cuối đời được lênh đênh quay về nơi mình đã sinh ra, qua những chắt chiu kỷ niệm đến thuộc lòng, hoàn toàn do mẹ kể.

Trong tâm tư thuần khiết ấy, tôi không muốn tách bạch Hà Nôi ngày xưa trong sách và Hà Nội thực tế hôm nay đã hoàn toàn đổi khác, để không làm tan đi một hoài niệm tạm cho là tinh khiết đang vo lại trong đầu.

Hà Nội với giọng nói không mềm như giọng của Saigon. Cái khách sáo tuy đã có giảm đi nhiều nét thanh lịch, so với người xưa, nhưng vẫn là khách sáo. Đấy là nét cố hữu đặc thù của dân Hà Nội. Và chúng ta rất dễ dàng phân biệt âm thanh của người Hà Nội lớn tuổi cũ, với Hà Nội trẻ bây giờ.

Đến Hà Nội vào cuối ngày, cũng là cái duyên, nó vô tình tạo cho không gian Hà Nội có vẻ thư thả hơn so với không gian dồn dập xô đẩy của Saigon gắt nắng, dù người ta cứ luôn miệng nhủ: Hà Nội chẳng thế đâu, cũng xô bồ chen chúc chẳng thua kém Saigon!

Thôi khoan cứ mặc Hà Nội xô bồ hay không cái đã.

Chúng tôi ổn định phòng trọ ở khách sạn Bình Minh 2. Một khách sạn vào loại nhỏ, trung trung, mà hôm trả phòng đã lưu lại trong chúng tôi chút cảm tình tuy mơ hồ, nhưng dễ chịu. Chính cái nhỏ gọn của khách sạn đã mang cái không khí có tính gia đình hơn là cứng ngắc trong nguyên tắc chốn đầu tư thương mại của thương trường. Âu cũng là cái duyên hay hay của chuyến đi này.

Đứa cháu họ sống ở Hà Nội, đã lấy phòng sẵn cho chúng tôi theo yêu cầu từ qua điện thoại, đã tới thăm chúng tôi ngay buổi tối đầu tiên tại phòng trọ, nó cứ phàn nàn tại sao không về ở nhà mà phải thuê phòng. Anh em chúng tôi chỉ cười cho qua chuyện.

Hôm sau mấy anh em đón Taxi trực chỉ Gia Lâm, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là quê nội của chúng tôi.

Làng quê đã không còn lũy tre, đình làng gì nữa. Các người thân trong giòng tộc, kẻ còn người mất. Những bà con còn lại, đa phần khá giả. Các thân, sơ, nghe tin, đã tụ họp đón tiếp chúng tôi hỉ hả vui vầy, gặp nhau đông đủ, lại nhân dịp rơi trúng vào ngày giỗ kị của một người em họ con nhà chú.

Về ăn giỗ để thấy hình ảnh giỗ chạp nơi làng quê và sự quan hệ rất câu nệ trong nề nếp cũ. Nó có cái hay là duy trì nghiêm chỉnh cái hình thức về vai vế vị trí trong giòng tộc, dù thực tế cũng có vài trăn trở và xăm xoi cay đắng mâu thuẫn bất bình. “Giấy rách giữ lấy lề” vẫn là một trong những khách khí đáng ghi của người miền Bắc.

Dự xong bữa giỗ, chúng tôi được một người cháu khác, đánh xe đưa sang thăm quê ngoại. Làng Đông Anh, là Hội Phụ ngày xưa, có chiều nhu thuận hơn trong bước đuờng về. Con đường dẫn vào làng tuy cũng đã đô thị hóa, nhưng còn rơi rớt chút cảnh sắc thư nhàn trên con đường đất chạy dài với mươi cụm tre dọc theo cái đầm vãi nắng.

Quê ngoại trở về, không gian chùng thấp, yên lặng đến u buồn.

Tôi nhớ đến người bác anh ruột của mẹ, một ngày nào xa lắm đã vào đến Saigon sau cuộc chiến 1975. Lần ấy bác chỉ còn có thể xót xa nhỏ lệ trước ngôi mộ của người em gái, là mẹ của chúng tôi, bà đã mất tại Saigon, sáu tháng trước ngày Saigon thất thủ về tay chính quyền phương Bắc.

Đứng trước bài vị bác trong căn nhà tổ, tôi quặn nhớ hình ảnh gặp bác chỉ một lần trước ngày đi Mỹ.

Thời gian luống vô tình. Tình thân không ngoại lệ. Thế là cho đến chết, bác và mẹ chúng tôi, chưa bao giờ hội ngộ từ sau cuộc di cư chia đôi đất nước 1954.

Chúng tôi chia tay căn nhà của bác, sang thăm gia đình người anh họ đã già, anh Quyền ngoại tám muởi, gọi mẹ tôi bằng cô. Ngôi nhà anh khang trang, bề thế. Tình cảm của anh chan hoà, gói trọn không gian thân thiết khi anh ngồi chậm rãi, nhắp ngụm trà, từ tốn nhắc lại tất cả, rất chi tiết những kỷ niệm về từng người trong gia đình anh em chúng tôi từ thuở thiếu thời, thơ ấu. Giọng anh hiền hòa rõ rệt, óc anh minh mẫn. Chị Quyền vợ anh là hình ảnh một cụ bà mẫu mực ngày xưa, nhỏ nhẹ, khiêm cung, mỏng mày hay hạt. Những con của anh, vai cháu của chúng tôi, linh hoạt trong xử thế, đã tạo ngay một vòng đai ấm áp thân tình, và đã cho chúng tôi mang theo cảm giác êm đềm ấy trong suốt những ngày sau đó. Xin cám ơn các cháu, những người con đã thành nhân và thành đạt của anh chị Quyền đáng mến.

Sau một vòng thăm quê nội, cùng các em cháu nhang khói mồ mả tổ tiên, các tiền nhân trong họ tộc. Và vòng thăm quê ngoại.

Chúng tôi quay về khách sạn Bình Minh. Sáng sáng mấy anh em dắt nhau băng qua bên đường ăn phở - phở bò, gà 25.000$/ một tô. Quán phở trang trí nhẹ nhàng, có cây cầu nhỏ, có cây bưởi giữa sân, lơ lửng treo quả giả, nhìn cũng vui vui. Vị phở khá ngon, ăn được. Sau đó là cùng nhau thăm thú, rong choi Ba Muơi Sáu phố phường.

Những phố hàng Ngang, hàng Đào, hàng Điếu, hàng Chiếu, hang Giấy, hàng Đường…. nhộp nhịp người ta mua bán. Các hàng hoá bày bán đã không tuyệt đối đúng hẳn là các mặt hàng mang tên con phố nữa .

Trôi theo những bước chân qua từng con phố, Hà Nội hình như không còn thuần hậu như trong chuyện kể, cái duy nhất còn sót lại là sự chanh chua cố hữu, cộng thêm cái âm thanh chan chát của người Hà Nội mới bây giờ. Chỉ thoảng hoặc mới tiếp cận một vài âm thanh lịch lãm đúng giọng Hà Nội trầm ấm của Năm Cửa Ô xưa rớt lại.

Đó là đổi mới, là phát huy hay là mất mát? Cũng xin không mổ xẻ ở bài này.

Anh em chúng tôi rủ nhau đi hồ Tây. Mua vé qua cầu, 20.000 đồng một vé, nhà thủy tạ vang bóng của một thời, với làn nuớc lăn tăn gợn gió, lung linh soi bóng mây trời. 

Trong miếu thờ, một ông đồ, không già không trẻ, ngồi gác bút, ế ẩm chẳng ai nhờ viết. Ông không có bộ râu dài, không ngồi chống tay thảo câu đối như trong hình vẽ của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, hay Tân Quốc Văn…. Mà khổ nỗi, cái hình ảnh ông đồ già trong sách đã trở thành thói quen nằm trong trí tưởng, khiến cho ông đồ tưổi trạc ương ương hôm nay nơi văn miếu, trở nên trơ trẽn, nhạt nhòa không rõ nét.

Ra khỏi Hồ Gươm. Rảo quanh hồ, mua một ít đồ lưu niệm.

Bốn anh em, vừa đi vừa mút Kem Cây Bờ Hồ, ngon tuyệt !!

Chúng tôi mỗi nguời đang tự thả hồn trôi vào cõi của riêng mình.

Nắng rất nhẹ. Thêm một ngày rất đẹp với tiết trời ấm áp thanh xuân..

Tối hôm ấy, “tranh thủ” thì giờ còn ở chơi Hà Nội, chúng tôi đến thăm gia đình người chị bà con bên ngoại với ông chồng một thời chức sắc, nay đã hồi hưu - Ông ngồi đó với thể lực suy tàn, nhưng vẫn cố giữ dáng vẻ còn phong độ. Ông ca cẩm cực đoan những dư âm vàng son còn đọng lại trong trí nhớ, thái độ phô trương thoả mãn, còn sặc mùi quyền lực của một kẻ có quá trình thụ hưởng nhiều ân sủng trong guồng máy võ biền. Một hiện tượng xem ra lố bịch, âu cũng thường tình, của những kẻ đã bị giống như con ngựa thồ bịt che hai bên mắt, chỉ biết cắm đầu thấy thẳng một đường thôi.

Chúng tôi nhìn nhau, lờ đi cái lẽ tầm thường, đáng thương, cực kỳ vô nghĩa ấy. Vài tách trà, một ít trái nhãn khô, dăm quả chuối….. Chúng tôi không muốn đem chính kiến, lập trường, trộn vào huyết thống bà con, để buổi thăm viếng được coi như trọn vẹn và chia tay nhau được diễn ra trong đúng mức cầm chừng.

Hôm cuối cùng, chia tay Hà Nội. Trả phòng khách sạn sớm hơn qui định. Bữa cơm trưa chiêu đãi sau cùng cuả gia đình đứa cháu đã lấy phòng hôm mới đến, đứa cháu là con của người em dâu nhà chú, chồng đã chết. Người em dâu nhà chú đã gói ghém: Trà, Cốm, và Ô mai Hà Nội gửi gấm chúng tôi trong ánh mắt buồn . Và cũng đứa cháu con người em dâu này, lái xe đưa chúng tôi đi xem một vòng những mở mang của Hà Nội, truớc khi đưa chúng tôi đến Nội Bài.

Tình thân bày tỏ, cho nhau quyến luyến, ai cũng hiểu chẳng biết bao giờ gặp lại.

Xin cám ơn những người thân đã hoan hỉ trong suốt những thời khắc chúng tôi về quê Nội, Ngoại. Xin Tạm biệt.

Chuyến bay non ba tiếng, đưa chúng tôi trở lại Tân Sơn Nhất, Saigon.

Một cuộc đi chơi chung, mà cả mấy anh em cùng nghĩ khó có lần như thế nữa!!

BẾN TRE

Người cháu trai lái xe chở bố nó (anh tôi) và các cô chú về thăm một chị họ nội,con nhà bác. Chị xa gia đình một thân lập nghiệp từ khi rất trẻ tại khu chợ Ba Vát Bến Tre. Nay chị ngót tám mươi, mà khi gặp lại, chị chỉ già đi thôi, nhưng vẫn nhanh nhẩu như ngày tháng cũ. Vẫn cái cười mộc mạc hiền lành, tự nhiên hồn hậu, chị khiến tôi quên bẵng đã mấy mươi năm chị em quá lâu không gặp, quên luôn cả cái màu thời gian đang trải trên tóc của tất cả mấy chị em đang gặp lại nhau nhắc chuyện cuộc đời.

Vào cuộc hàn huyên, chị đãi ngay mỗi người một quả dừa chặt từ cây nhà xuống. Chị huyên thuyên nhắc lại tình nhà và rưng rưng hồi tưởng thời niên thiếu qua một vòng quay già hơn nửa thế kỷ. Chị chẳng quên một kỷ niệm xa xưa nào của gia đình, với một chút bùi ngùi vì đã lìa gia đình rất sớm.

Nhìn chị để thấy một quá khứ trôi nổi gian truân. Nét thời gian đã trôi nhanh qua tuổi thanh xuân của chị, để hôm nay hằn sâu dưới nếp da của một người già tám chục. Với tuổi chị, là dắn dỏi, minh mẫn, tinh anh, nhanh nhẩu. Giọng nói mang âm hưởng cứng hơi lơ lớ nhưng không pha trộn. Chị giữ lại cái âm Bắc của cội rễ gia đình. Và dùng từ ngữ đặc miền Nam của quê chồng chị.

Bữa cơm gia đình thịnh soạn, tiếp các em và cháu. Chị bao giờ cũng xởi lởi và hậu hĩnh với mọi ngưòi thân.

Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi kéo ra thăm vườn nhà chị. Cây vú sữa già với những quả cuối mùa vẫn ngọt, rồi mận roi, măng cụt… xung quanh là chuối và những ngọn dừa vi vút của xứ Bến Tre.

Vùng miền tây giờ đây mở mang sầm uất, xe chạy trên những cầu xa lộ rộng rãi phẳng phiu đẹp mắt, chứ không còn đi phà qua “bắc” dập dềnh trôi nổi như xưa.

Nhìn chị hoan hỉ cười vui nước mắt, trong giọng nói nghẹn ngào pha chút hồi tưởng xót xa. Tôi bâng khuâng hiểu: Ai cũng có những giây phút lưu đày trong quá khứ, dù quá khứ có chập chùng diệu, vợi xa tít mù khơi!!

Chị đang mở lại những trang quá khứ, trân trọng một cách thật thà. Không bạc bẽo làm nhòa những vết tích đã qua trong nghèo khó, chẳng thăng hoa trưởng giả hàm hồ, an nhiên chia sẻ và nói thật với các em về cả cái phong lưu hiện có, sung túc nhờ may mắn trời cho. Chị khiêm tốn hơn so với một số người thích thăng hoa hiện tại, vẽ vời để ảo mộng cho một hiện tại bình thường, mưu cầu thỏa cái ta tự kỷ trong hạnh phúc nửa vời, qua những lời trầm trồ xoa xuýt của chung quanh - Chị đã sống thật hơn những người sống ảo. Con cái, rể dâu của chị quây quần làm ăn phát đạt và luơng thiện. Hậu vận chị nở nang như ngôi nhà nở hậu, như nụ cười hề hà dung dị, bình dân.

Chị tiễn chúng tôi ra xe, với quầy dừa nặng trĩu, một nách sầu riêng chín vàng, một túi mận roi đỏ chót vườn nhà, và bịch xoài mua bên vườn hàng xóm.

Từ giã Bến Tre, chào chị và các con của chị.

Chúng tôi trở về nhà Saigon, để hưởng nốt những ngày ở Saigon trước khi về Mỹ.

Cũng là một chuyến thăm nhà như bao lần khác, nhưng thời gian về lần này dài hơn để có thể đi thăm người thân thêm được nơi này nơi nọ nơi kia. Xin ghi lại cảm xúc thật trong tôi, qua một chuyến về.

Cám ơn Saigon, cám ơn Hà Nội, Bến Tre. Cám ơn anh tôi, tuổi đã cao, không ngại đường xa mệt nhọc, đã thu xếp thời gian, sức khỏe, chiều theo nguyện vọng, cùng đi với hai người em gái, và người em rể, đã trở về thăm anh từ Mỹ. Đưa dẫn các em đi thăm mọi người, mọi chỗ, mọi nơi. Rồi trở về nguồn cội, nhìn lại quê xưa còn đó nhưng khuất nẻo trùng trùng, chẳng biết bao giờ có lại - Một chuyến đi chung của mấy anh em, vui, hi hữu, đầy ý nghĩa cho phần cuối cuộc đời.

Chuyến đi lý thú, mà nghĩ mãi, Vẫn tên cho bài viết là MỘT CHUYẾN VỀ.
Nguyễn thị Mắt Nâu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
19/07/2007. Em hy vọng tất cả mọi người hãy nhớ lấy hôm nay mà kể từ đây em sẽ gọi là NGÀY DÂN HẬN. Và cũng xin thưa với tất cả các Đảng viên Cộng sản
Hai Tổng thống Bush và Musharraf đang ngờ, đang chờ, đang nhờ nhau" Sau khi một số Nghị sĩ Cộng Hoà bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược Iraq
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.