Hôm nay,  

Phóng tác từ sự kiện có thật: Tiếng Vọng Nhân Quyền ngày 23 tháng Tư 1977 trong số 4 Phan Đăng Lưu

26/04/201200:00:00(Xem: 9793)

tran_danh_san___trieu_ba_thiep___ly_kien_truc_ok-large-contentTrần Danh San, Triệu Bá Thiệp, Lý Kiến Trúc...

Lý Kiến Trúc

Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam

(Gởi đến những nhân vật trong truyện vớí lòng ngưỡng mộ)

A. BỐI CẢNH:

1. Thời gian: Tháng 4 năm 1977.

2. Không gian: Ngày và đêm.

B. ĐỊA ĐIỂM và DẤU TÍCH:

Sàigòn, thủ đô miền nam Việt Namtừ năm 1954, sau 30/4/1975đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Uỷ ban Quân quản thay thế cho Tòa Đô chánh; Dinh Độc Lập cũ treo Cờ Vàng ba sọc Đỏ đổi tên là Dinh Thống Nhất được treo cờ MTGPMN Xanh đỏ Sao vàng, rồi đổi lại Cờ đỏ Sao vàng.

Sàigon quá nhiều dấu tích trong lịch sử. Tuy nhiên trong khúc phim này chỉ ghi lại một vài chỗ liên quan như Nhà thờ Đức Bà Sàigòn, Bưu Điện Sàigòn, Đại lộ Thống Nhất, Công viên và công trường Kennedy, Tổng nha Cảnh sát, Tòa án Sàigòn; ngoài ra còn có toà Tỉnh trưởng Gia Định cũ, trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn cũ, số 4 Phan Đăng Lưu mới (Trung tâm Thẩm vấn tù nhân Chính trị), Hội Việt Mỹ cũ, Hội Văn nghệ Giải phóng mới, Đại học xá Minh Mạng cũ; Trường nữ trung học Gia Long cũ; Trường nữ trung học Trưng Vương cũ; villa số 4 đường Hồng Thập Tự cũ; đoàn người mít tinh mới, các băng rôn, biểu ngữ và rất đặc biệt: các khu chợ trời mới mọc lên như nấm, v.v… là những dấu tích và địa điểm cũ và mới trong câu truyện phóng tác này.

C. NHÂN VẬT:

1. Nhân vật thật chính diện (tên thật trong truyện): 

- Trần Danh San, Triệu Bá Thiệp, Nguyễn Hữu Giao, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hữu Doãn, Trần Nhật Tân, Vũ Hùng Cương, Vũ Đăng Dung, Phạm Biểu Tâm, Huỳnh Thành Vị, Nguyễn Văn Điệp, Hà Quốc Trung, v.v… và một số sinh viên học sinh.

2. Nhân vật phụ chính diện (cải tên trong truyện):

- Duyệt Dương, Dũng Phạm, Cường Nguyễn, Việt Ngô, Bang Trịnh, Trừng Nguyễn, v.v…

3. Nhân vật thật trong tù (tên thật trong truyện): 

Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Vàng, Trần Văn Tuyên, Ngô Khắc Tỉnh, Nguyễn Xuân Oánh, Hồ Hữu Tường, Võ Long Triều, Đoàn Viết Hoạt, Vũ Quốc Thông, Thích Thiện Minh, Doãn Quốc Sỹ, Đinh Quang Anh Thái, Trần Danh San, Triệu Bá Thiệp, Nguyễn Hữu Giao, Nguyễn Quý Anh, Vũ Đăng Dung, Phạm Biểu Tâm, Huỳnh Thành Vị, Trần Nhật Tân, Vũ Hùng Cương, Trần Dạ Từ, Hoàng Hải Thủy nằm “phơi rốn” bắt rệp, v.v..

4. Nhân vật thật tuẫn tiết trong tù (tên thật trong truyện): 

Nguyễn Văn Điệp, Hà Quốc Trung.

5. Nhân vật phản diện (cải tên trong truyện): 

- Các nhân vật lãnh đạo đảng CSVN và MTGPMN: Duẩn Lê, Thọ Mai; Kiệt Võ, Văn Trà, Định Nguyễn, Hoa Quỳnh, Thượng tá Ba Phận, v.v…

- Quản giáo, sĩ quan chấp pháp, cai tù, v,v.

6. Nhân vật phụ minh họa: 

- Các luật sư chế độ Sàigòn trong bộ áo luật sư cũ.

- Các văn nghệ sĩ cũ sinh hoạt ở miền nam.

- Thanh niên nam nữ Sàigòn trước 1975.

- Vài phụ nữ sau 30/4/1975.

- Dân chúng mua bán ở chợ trời.

- Tổ dân phố nam phụ lão ấu.

- Sĩ quan, công chức chế độ VNCH trong các trại cải tạo.

- Tù nhân trong các “cát xô”.

C. VẬT DỤNG:

- Loa phóng thanh.

- Tài liệu. 

- Xe Molotova, xe jeep Nga, Mỹ.

- Súng AK47. Sắc cốt. Súng K59.

- Trang phục: áo dài hoa, quần áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo, v,v…

- Súng M16, nón sắt, ba lô, bốt đờ sô, quân phục VNCH, v,v…

Vài hàng phi lộ của tác giả:

Chủ Nhật 15 tháng Tư, 2011, tại một nhà hàng ở Tp Westminster, Orange County, California, cựu Luật sư Trần Danh San và cựu Luật sư Triệu Bá Thiệp đã tổ chức buổi tiệc nhỏ trong vòng thân hữu. Thư mời ghi: “để cùng nhau nhớ lại các kỷ niệm đấu tranh”.

Một kỷ niệm đấu tranh đã đi vào lịch sử, đó là chữ ký của 17 người trong bản “Tuyên Ngôn của Những Người Việt Nam Khốn Cùng”. Trong niềm xúc động rưng rưng,( tay vẫn không quên ly rượu đỏ), Ls Trần Danh San đọc lại, đọc thuộc lòng, bản “Tuyên Ngôn” viết từ ba mươi bốn năm trước. Chính San, chính miệng San đã dõng dạc tuyên đọc bản tuyên ngôn trong giây phút ra mắt lẫy lừng ngay trước cửa nhà thờ Đức Bà Sàigon vào sáng ngày 23 tháng Tư năm 1977, tức là sau 2 năm ngày bộ đội miền Bắc “giải phóng toàn bộ miền nam VN”.

Lập tức, 17nhân vật ký vào bản tuyên ngôn bị công an tóm trọn vẹn, ngay tại chỗ. Từ tháng 5, 1975, hầu hết “ngụy quân ngụy quyền” đều “tự nguyện” hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Quân quản “tập trung an toàn” trong hàng chục trại quân đội cũ, gọi là trại cải tạo. (như căn cứ Trảng Lớn – Tây Ninh chứa khoảng ai ba chục ngàn người). Nhà giàu, nhà kinh doanh, nhà liên quan đến bộ máy chế độ VNCH “được” cổ động đi vùng kinh tế mới. Trí thức, văn nghệ sĩ “được học tập” ba ngày trong các cơ quan mới, kể cả 17 ông rắp tâm viết bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền cho Những Người Cùng Khổ”.

17 ông này là ai? Họ là những người vượt qua được cái sợ, cái đói, cái bạo lực của chuyên chính vô sản. Họ can đảm nói lên, viết lên, quyền sống của con người và khởi xướng đầu tiên cho phong trào đấu tranh cho nhân quyền; đấu tranh cho quyền sống cho ra sống của người dân Việt Namsau hai năm “giải phóng”. Nội hàm của bản Tuyên Ngôn trải rộng xa hơn nữa, quyền tự do tư tưởng của chính con người trong guồng máy cộng sản. 

Tất cả những chữ ký “lừng lẫy dự lễ ra mắt” đều bị bắt tại hiện trường trước của nhà thờ Đức Bà. Không ai thoát vào đâu được.

Án cho Ls Trần Danh San: 10 năm khổ sai và biệt giam. Các án tù khác cho các “đồng chí” của ông San, ông Thiệp nặng nề không kém. Vì không chịu nhục, hai kẻ sĩ của thời đại đi vào bất tử bằng cách tuẫn tiết trong tù. Đó là Kiến trúc sư Nguyễn Văn Điệp và Giáo sư Hà Quốc Trung.

34 năm sau, tiệc rượu ở Quận Cam vui thì có vui, nhưng ray rứt cho tình trạng nhân quyền và tự do tư tưởng của VN hiện nay. Rượu đỏ liên tục rót mời nhau. Có thân hữu nói: nếu không có buổi tiệc này nhắc lại bởi chính hai người trong cuộc là Ls Trần Danh San và Ls Triệu Bá Thiệp, thì có lẽ bản Tuyên Ngôn đã chôn vùi theo quá khứ! Vậy thì quá khứ có nên quên đi không? có nên dựng lại không?

Những cánh tay giơ cao ly vang đỏ mừng hai cựu tù nhân còn sống, rượu đỏ chiêu linh người đi vắng từ lâu. 

Nhà báo đàn em vinh hạnh được mời đến nâng ly cùng với các thế hệ nhân quyền đàn anh, lòng ngẫm nghĩ biết lấy gì đền đáp! Biết bao nhiêu sự dấn thân, sự hy sinh quên mình của những tâm hồn yêu nước chân chính. (Dù yêu nước đứng ở phía bại trận hay ở phía thắng trận như cuộc “Civil War” của nước Mỹ).

Truyện dưới đây không phải là một tư liệu lịch sử, cũng không phải là thiên ký sự, nó được phóng tác dựa trên các sự kiện có thật. Tác giả dựa trên các sự kiện có thật để dựng lại khúc phim ngày 23 tháng bẩy năm 1977, dựa theo các lời phát biểu, bài viết, lời kể, của các quý vị như Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Luật gia Nguyễn Hữu Thống, Nhà văn Vũ Ký, Luật sư Triệu Bá Thiệp, Luật sư Trần Danh San, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, Nhà báo Nguyễn Mạnh Cường, Họa sĩ Hồ Thành Đức, Luật sư Robert Huy, v.v..… Những nhân vật này vừa là nhân chứng cũ, mới, vừa là thân hữu, vừa là cựu tù nhân; trong số đó nhiều người trong quá khứ đã từng được công an “mời lên làm việc”, hoặc “mời về cư ngụ” ở số 4 Phan Đăng Lưu, hoặc về khám lớn Chí Hòa, ngắn hạn hay dài hạn tùy theo tình trạng “phản động” nặng hay nhẹ.(chữ của chế độ mới chụp lên đầu).

Tác giả xin thưa một lần nữa, tiểu phẩm này là một phóng tác, tức là có thêm phần hư cấu, thêm thắt cho câu truyện rôm rả, nhưng nhất định vừa phải để giữ nguyên chất liệu của sự kiện. Tác giả trân trọng xin lỗi danh tánh một số nhân vật có thật trong truyện, chính diện hay phản diện, tên của quý vị trong phóng tác có “điều chỉnh lại” cốt để tránh “dị ứng”, xin quý vị vui lòng chấp nhận và tha thứ.

Đau thương, khổ ải, đói nghèo, áp bức… từ từ rồi cũng giảm bớt theo dòng tiến bộ của thế giới. Quy luật tiến bộ của xã hội văn minh, nhân bản, nhân quyền không thể đảo ngược được để lạc hậu, độc tài và bạo lực khống chế con người ngự trị mãi. Một khi sự đòi hỏi của quần chúng nổi dậy thì không cường lực nào có thể dập tắt. Ai cũng nhận thấy điều này kể cả những người cộng sản. (Lý Kiến Trúc) 

1.

Bẩy cái đầu chụm vào nhau thì thầm trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô Sàigon. Duy nhất chỉ có ngọn đèn điện vàng vọt phủ trên cái bàn gỗ, giữa là chai rượu vang đỏ và vài cái ly. Ngoài trời, đêm tối và yên lặng bao phủ. Cái yên lặng khác thường của những ngày sau “giải phóng”. Trên các khuôn mặt trầm ngâm, không ít người lộ ra nét căng thẳng.

- Tôi nghĩ rằng… một người trong chợt lớn tiếng nói: “Trước hết chúng ta phải đưa ra cái tiền đề cho bản tuyên ngôn. Cái tiền đề đó phải làm sao thể hiện cho thế giới và Liên hiệp quốc thấy rằng cuộc chiến của chúng ta hôm nay là cuộc chiến đấu cho chính đời sống của người dân Việt Nam. Nói cho rộng hơn là cuộc chiến cho nhân quyền.

- Đành là vậy, nhưng lộ liễu quá bọn nó cười! Vả lại … hơi nguy hiểm.

Một người khác xen vào:

- Chúng ta may mắn đang được sống hợp pháp ở Sàigon. Chúng ta không phải đi kinh tế mới, không phải đi tập trung cải tạo. Anh muốn ở Sàigòn hay muốn đi cải tạo? Chúng ta phải đổi chác ý tưởng của chúng ta để sống còn…

- Vậy thì … theo tôi, cứ thong thả dựa vào tình hình rồi xem họ xem động tịnh ra sao đã.

- Tôi đề nghị anh Phạm, anh Nguyễn thân với họ, bám, dò theo họ.

- Tôi đồng ý! Tôi cũng đồng ý!

Mấy cái đầu lại chụm vào nhau tiếp tục thì thầm.

2.

Chẳng khác gì trận động đất huỷ diệt mọi sinh vật. Cả một xã hội miền Namsụp đổ. Nhanh không thể tưởng tượng nổi. Một triệu quân miền Nambuông súng. Đại tướng đầu hàng vô điều kiện. Tổng thống, Thủ tướng đang rung đùi ngoài hạm đội, ngoài hải ngoại. Những đồn đãi về cuộc tắm máu lan nhanh chóng. Kinh hoàng. Những cuộc trả thù đẫm máu sẽ diễn ra khốc liệt. Móng tay móng chân sơn đỏ sẽ phải bóc ra hết.

Nhưng không phải như vậy. Những binh đoàn từ bưng biền, từ Trường Sơn, từ Bến Hải kéo nhau vào Hòn Ngọc Viễn Đông trẻ măng ngơ ngác hiền lành.

Chỉ qua ngày hôm sau, phố phường tràn ngập biểu ngữ, khẩu hiệu và cờ đỏ đỏ chót. Hàng ngàn thanh niên nam nữ, hàng trăm đàn ông, đàn bà xưa nay ở chúng xóm chung ngõ tràn ra đường với băng vải đỏ quấn vào cánh tay, đến nỗi đoàn người này trở thành đoàn quân băng đỏ hăng say cách mạng còn hơn ông bà cách mạng ở trong rừng về đằng đằng sát khí căm thù mỹ ngụy. Ông thợ giầy trong ngõ hôm qua hàng xóm cạnh nhà nay bỗng trở thành ông uỷ ban, ông chủ tịch; cậu học sinh cậu sinh viên nay trở thành đoàn viên thanh niên cộng sản!

Xã hội miền Namví như kim tự tháp sụp đổ từ đỉnh. Nhưng lạ một điều là thủ đô Sàigòn vẫn còn nguyên, ngoài vài trái pháo bắn vào phi trường Tân Sơn Nhất. Đường phố, xe hơi bóng lộn, nhà lầu, bin đinh, những hàng me, hàng phượng vĩ rợp bóng vẫn còn nguyên, nó âm thầm nhìn hàng đống giầy sô áo trận ngổn ngang bừa trên đường góc phố. Người ta gọi đó là cuộc cách mạng long trời mà không lở đất!

Radio ong oang thông báo của Uỷ ban Quân quản kêu gọi tất cả sĩ quan công chức chế độ Sàigon chấp hành lịnh trình diện các cơ quan cách mạng. 

Cuộc sống trôi qua không bình thường, chạy gạo là gánh nặng cho các bà vợ bà mẹ.

Mọi người bắt đầu lao ra đường kiếm sống. Mọi con đường bỗng trở thành cái chợ mua bán đổi chác. “Chợ trời” là từ mới lạ của xã hội sau “giải phóng”. Chợ trời rất cụ thể, bất kỳ thứ gì trong nhà trong sở mang ra thuận mua vừa bán. Sau cùng thì gạo vẫn không đủ, chỉ có mì và bo bo.

3.

Cứ sau buổi họp chợ trời chiều, họ lại tụm vào nhau trên căn gác hẹp số 4 Hồng Thập Tự của Duyệt Dương. Năm bẩy người, Dương, Phạm, Nguyễn, Ngô, Lê, Trần, Triệu… không phải họp để chia chác lời lỗ, mà chia nhau vài chai rượu nhạt, mấy tách cà phê, gói thuốc lá Thăng Long, vài tán đường. Mấy cái món này không còn là thứ lặt vặt nữa, nó là đồ xa xỉ, của quí. Cái đói, cái hiếm, khiến những thứ gọi là “bơ sữa của đế quốc” trở thành … vàng. Chỉ cần một tách cà phê nho nhỏ trong quán cóc dư sức hưng phấn cho dòng suy tư. Chỉ cần vài cục đường, lon sữa, người ta thay bạn thân thành kẻ thù.

Nhóm của họ không tầm thường vì cái đói. Chí cả lòng kiêu không chỉ vì cái đói. Họ tụm với nhau qua cái radio nhỏ, vặn chỉ đủ vừa nghe, lú ấy nghe được nguồn thông tin cực kỳ hiếm, cực kỳ khó. Thế giới đang rung chuyển, nhân loại đang chuyển động vì cơn bão tự do, dân chủ. Thế giới vẫn còn hai mặt. Một nửa thế giới chào mừng đoàn quân “Bách chiến bách thắng Mác Lênin” từ Đông dương. Nửa thế giới khác “Ấp ủ Mùa xuân Đông Âu”. Hiến chương Nhân quyền Tiệp Khắc 77. Hiến chương Liên hiệp quốc …

Nhưng cả thế giới đều không biết hàng triệu con người ở một đất nước viễn đông nhỏ bé xa xôi đang đói, đang bàng hoàng. Nhiều lãnh tụ chính trị trước đây đã từng nói, rất logic, rất đơn giản, Việt Nam như uống một tách cà phê đậm đen không đường, muốn có viên đường cát trắng, tư tưởng nhân quyền tự nó nảy sinh, bùng nổ; nhưng trước hết phải cho dân chúng uống cà phê đắng.

Giá nào nhóm họ cũng phải bung ra. Khi dự thảo bản tuyên ngôn của “Những Người Cùng Khổ” gần như hoàn chỉnh, San Trần đề nghị mọi người cùng nhau ký tên vào.

- Nguy hiểm quá! Dũng Phạm gàn.

- Chúng ta ví như cá nằm trong rọ, cá nằm trong thớt, nó đập đầu bất cứ lúc nào! Cường Nguyễn bàn.

- Chúng ta là những người tự do, không ai ép ai cả, tùy các anh. San Trần nghẹn lời, nói như nấc.

Cuối cùng mấy “anh em” doãi ra vào giờ thứ 25. Bản dự thảo rách nát. San Trần buồn bực bỏ ra về. Về nhưng trong đầu thuộc lòng bản dự thảo. Trần nóng nẩy đi tìm “anh em” mới.

4.

Nhớ đến cuộc họp đầu tiên của giới hành nghề luật sư do vị luật sư cao niên uy tín nhất nhì ở Sàigon chủ trì ở tòa án Sàigòn hôm mùng 5 tháng 5, 1975. Trò chuyện với các đồng nghiệp, người luật sư khả kính xoa tay lạc quan: “Cách mạng đã nói rõ, cuộc chiến này không ai thắng ai, chỉ có đế quốc Mỹ là thua. Đất nước thống nhất, kẻ Bắc người Namtriệu người như một, chung tay xây dựng”.

Uỷ ban Quân quản tiếp tục ra thông cáo: Tất cả các sĩ quan, công chức chế độ cũ phải đến tập trung ở các địa điểm như Đại học xá Minh Mạng, trường nữ trung học Gia Long, v.v… để đi học tập đường lối chủ trương của cách mạng một tháng. Các chuyên viên, trí thức, văn nghệ sĩ tập trung học tập tại chỗ 3 ngày… để thông hiểu chính sách cách mạng.

Một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi cả năm, vẫn chưa thấy “ngụy quân, ngụy quyền” học tập ra về. Các trại cải tạo mọc lên như nấm. “Lao động là vinh quang” là khẩu hiệu của nhân dân cổ động cả nước đi nông trường, đi thủy lợi, đi nghĩa vụ quốc tế. Hợp tác xã thu gom từng cân gạo, củ khoai…. cứu đói. Chính sách nhân hộ khẩu đếm, lọc từng người, từng gia đình. Đêm đêm công an phường tập họp dân phố họp “tổ tự phê”, tố giác những phần tử “phản động”, những phần tử trốn tránh học tập, những phần tử làm việc “cho xịa”, những phần tử ác ôn nợ máu với nhân dân, những phần tử tư sản mại bản bóc lột sức lao động, vân vân… ;

San Trần là một trong số cả trăm trí thức, văn nghệ sĩ may mắn không phải đi học tập dài hạn, chỉ ba ngày thôi. Những ngày còn lại lang thang dăm con phố cũ. Đồ đạc trong nhà dần dần chuyển ra chợ trời. Ngày nào bên những chai vang thơm đỏ, giờ nốc cạn ly rượu “đế cồn”, mắt San mờ đi, mờ không vì ly rượu sặc mùi cồn mà vì cái bóng chuyên chính vô sản của chủ nghĩa cộng sản lởn vởn trong óc.

Cõi lòng tan nát, San thất thểu đạp cái xe đạp cũ mèm tìm lại căn gác cà phê số 4 Hồng Thập Tự. Các “đồng chí cũ” mỗi người một phương. Trời không phụ lòng người. San tìm thấy các “đồng chí mới”, đông đảo hơn, nhiệt tình hơn, đa số làm việc trong nghành luật, nào là luật sư Giao Nguyễn, luật sư Anh Nguyễn, luật sư Doãn Nguyễn, luật sư Tân Trần, luật sư Cương Vũ, thủ lãnh Dung Vũ, bác sĩ Tâm Phạm, nhà báo Vị Huỳnh, kiến trúc sư Điệp Nguyễn, giáo sư Trung Hà, luật sư Thiệp Triệu, những sinh viên tâm huyết hừng hực tấm lòng thương dân.

San cảm thấy nức lòng. Hóa ra vẫn còn quanh ta những tâm hồn cao thượng vị nghĩa quên thân, chỉ có điều ta chưa nhìn thấy thôi. Nhất là trong hoàn cảnh “cách mạng sục sôi” ai dám nói ra điều mình nghĩ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái đói, vẫn là cái nồi cơm cho vợ cho con.

Đồng chí cũ họ Nguyễn bỗng tìm đến như một ân nhân. Họ Nguyễn dựa vào một anh cán bộ gốc nam kỳ tạo được một cơ sở sản xuất thủ công nho nhỏ gọi là cơ sở tự sản tự tiêu rất hợp pháp hợp thời dưới chế độ mới. Anh em nào muốn dựa vào đó mà sống hợp pháp thì phải “đăng ký” và đóng góp. San đăng ký ngay.

5.

Mười bẩy cánh tay giơ cao, xuyên qua ánh đèn vàng lủng lẳng trên trần nhà, những chiếc ly pha lê sóng sánh vang đỏ bỗng óng ánh đỏ lạ thường. Nhờ “chợ trời”, những chai vang thơm đỏ không biết ở căn hầm nào chui ra, những chiếc ly pha lê bụi bậm không còn buồn tẻ giờ có dịp cụng vào nhau lách cách, vài phụ nữ trong cánh áo bà ba đen khăn rằn quấn cổ, đi tới đi lui quanh “bàn tiệc”. Tất nhiên bàn tiệc chỉ có một chai Merlot duy nhất không có thưc ăn.

Trong căn phòng tòa nhà danh tiếng, họ quây quần bên nhau thâu đêm suốt sáng ở đây, tòa nhà này ngày xưa thủ đô Sàigon gọi là gọi là tòa án. Căn phòng nhỏ được chấm làm nơi hội họp an toàn, kín đáo. Người phụ nữ ngồi bên cạnh người đàn ông khá mập mạp trông như là người chủ tọa buổi tiệc ly, bà xoay qua, đôi mắt rơm rớm lệ. Những đôi mắt quầng thâm thỉnh thoảng loé lên tia sáng rồi vụt tắt.

- Suốt đêm qua em cầu nguyện cho anh. Xin Chúa ban hồng ân cho các anh.

Không ngăn được xúc động, tay nắm chặt tay người phụ nữ, tay San giơ ly rượu đỏ lên cao:

- Thưa các anh chị em, xin nâng ly mừng “cách mạng”! Tình yêu sẽ cho chúng ta sức mạnh, tình yêu sẽ giữ lại cho chúng ta tất cả.

Mười bẩy cánh tay giơ cao, những chiếc ly pha lê sóng sánh mầu đỏ lạ thường một lần nữa cụng vào nhau lách cách. Tiếng thủy tinh từa tựa như nòng súng lên đạn.

6.

Tay bắt mặt mừng bạn cũ bạn mới ở “Hội Trí Thức Yêu Nước” diễn ra ở Hội Việt Mỹ cũ trên đường Mạc Đĩnh Chi. Bang Trịnh, tổ trưởng tổ luật cách mạng đạt giấy mời giới trí thức Sàigòn tham dự một buổi họp đặc biệt. Ông kêu gọi ngành luật ngồi lại, trước mắt là để thi hành thông cáo của Uỷ Ban Quân Quản “học tập tại chỗ 3 ngày”. Ông thuyết trình rằng cách mạng xưa nay luôn luôn tạo một vị trí xứng đáng cho giới trí thức, chứng cớ như Ls Nguyễn Hưũ Thọ, Kts Huỳnh Tấn Phát là những điển hình của giới trí thức tiến bộ. Bộ trưởng Tư pháp Trương Như Tảng, Bộ trưởng Y tế Dương Quỳnh Hoa, bí thư Võ Văn Kiệt… cũng đã nhiều lần bày tỏ ý nối kết trí thức cùng nhau xây dựng đất nước thống nhất. Trí thức hồ hởi. Cựu Thủ tướng Lộc Nguyễn nhân danh cựu Thanh tra vũ khí bộ đội miền Đông Nambộ Kháng chiến phát biểu hùng hồn: “Bây giờ cách mạng thành công, chúng tôi muốn biết chính sách của đảng cụ thể đối với chúng tôi ra sao?” Lần lượt các vị Thành Ngô, Liễng Trần, Trừng Nguyễn, Thiệp Triệu, San Trần, nhiều nữa, hăng hái phát biểu.

Tổ trưởng luật Bang Trịnh im lặng lắng nghe.

Cho đến khi mọi người ra bãi xe đạp tan hàng ra về thì tổ trưởng Bang Trịnh bỗng bất ngờ tiến sát đến Thiệp, San, nói như ra lệnh, thật khẽ: Chuồn đi! Chuồn đi!

Tiếng nói thầm nhỏ nhưng như tiếng sét bên tai San. San bừng tỉnh. Nháy mắt ra hiệu cho Thiệp, cả hai phóng xe đạp thật nhanh ra khỏi cổng cơ quan, quanh co vào mấy con hẻm mất hút. Đằng sau hội trường trí thức đang họp, không ai để ý, đảng cụ thể chính sách ngay tức khắc: công an chìm bắt tại chỗ cựu thủ tướng Lộc Nguyễn rất kín đáo, rất nhanh, dẫn ra xe bít bùng đậu khuất dưới lùm cây.

Cả hai San - Thiệp thoát nhờ đàn em thương. Tổ trưởng Bang Trịnh là bạn vong niên của các đàn anh trong giới luật khoa. Khi còn là sinh viên tranh đấu ở Sàigòn. Bang nhớ tình nghiã thầy trò huynh đệ đối đãi với nhau trong các vụ xuống đường bị công an Sàigon bắt bớ. Thầy cứu trò mấy lần. Số phận con người trong trường tranh đấu chỉ trong gang tấc.

Thoát nạn, San trốn biệt. Thiệp trốn biệt. Hú vía! San lang thang giữa Sàigòn chẳng khác một kẻ thất nghiệp vô danh.

Sàigon sau một canh bạc chót, kẻ cháy túi, kẻ đầy bị, kẻ báo công, kẻ cơ hội. Phờ phạc, hốt hoảng, nghi kỵ, dò xét, sợ hãi. Sàigòn với ba giòng thác cách mạng long trời lở đất cuốn trôi mọi thứ, bất kể, cách mạng len lỏi tới tận móng chân móng tay các bà các cô, cắt hết, cắt cụt ngủn để tiện lợi cho nông trường, thủy lợi. Phấn son vứt vào dĩ vãng, áo hoa mang ra chợ trời, bộ cánh bà ba đen hôm nay mới là “mốt” của thời đại, khăn rằn quấn cổ mới là mốt của lãnh đạo. Khăn rằn, băng đỏ tiếp tục lùng sục “phản động” hằng đêm.

Tiếng gõ cửa nửa đêm lạnh lùng khô khốc.

- Lôi cổ nó ra xe!

7.

San thất thểu đạp cái xe đạp gầy cũ rích loang lổ, lang thang hết con phố quen này qua con phố quen nọ, đâu đây văng vẳng tiếng hát giữa đêm khuya: “Đại bác đêm đêm dội vào thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…” Ôi, tiếng hát gợi mùa chinh chiến xa xưa.

Cơn gió mạnh ào đến lảo đảo chiếc xe đạp cọc cạch. Dừng vội bên lề con đường mang tên vị công chúa cạnh dinh độc lập; San gục xuống bi đông, bụng cồn cào đói lả, mắt San bỗng thấy trong hốc cây to mờ tối, bóng một ả gái giơ tay vẫy vẫy cất lên: anh ơi, vào đây anh, vào đây với em! bên cạnh ả là hai thân thể trắng hếu đang ôm nhau đứng tựa vào gốc cây. Bật lưng thẳng dậy như bị điện giật, San cắm đầu đạp xe.

8.

Suốt đêm qua, trong căn phòng nhỏ kín đáo, an toàn, họ đã cùng nhau duyệt xét lần cuối từng chữ, từng câu, bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Họ đồng ký tên thật. Từng chữ, họ viết thật nhẹ, từng câu họ pha một chút văn chương. Làm sao cho mọi người cùng đọc cùng nghe cùng hiểu. In thành truyền đơn đâm ra lén lút và nguy hiểm. Phổ biến trong thân hữu lại càng hạn chế. Nhân cơ hội Uỷ ban Quân quản Tp HCM họp bàn về vấn đề cho phép các luật sư chế độ cũ tái hành nghề tại tòa án, họ đứng ra thành lập một “Uỷ Ban Nhân Quyền”.

Khởi đầu có nhiều người cho rằng Uỷ ban này của Hà Nội, do Hà Nội lập ra. Một cái bẫy giăng ra đối với bọn trí thức tư sản. Tương kế tựu kế, nhóm 17 người cũng muốn như vậy; tình báo CS cũng muốn như vậy. “Lưới” giăng ra. Chỉ huy, một ông Tướng tình báo già đời trong chiến trường thầm lặng ở miền nam. “Lưới” giăng ra phải thật tinh vi. Phải “gài” người vào sâu trong nhóm. Đối với cái nhìn của CS, “bọn” này hầu hết được đào tạo từ “xịa” nhận chỉ thị từ hải ngoại.

Hé cánh cửa sổ từ căn phòng nhỏ trong toà án cũ, gió sông Sàigon về đêm thổi mát rượi luồn vào. Đường xá im ắng lặ thường. Thỉnh thoảng vài chiếc xe nhà binh bít bùng chạy vội vã, bánh xe xiết lòng đường ken két phóng về hướng đại lộ Thống Nhất. Dưới bóng đèn đường, hàng chục người trên xe đổ xuống hì hục dựng lên một sân khấu lớn ngoài trời, những biểu ngữ đỏ từ từ thẫm giăng lên tứ phía, những lằn vôi trắng kẻ dọc ngang trên đường nhựa. Trong đám công nhân có tiếng thì thầm:

- Đồng chí Tổng bí thư và các lãnh đạo ở Hà Nội sẽ về thành phố dự lễ diễu hành mừng miền Namhai năm giải phóng.

- Thế phái đoàn và bộ đội Mặt Trận Giải Phóng Miền Namcó diễu hành chung không?

- Không!

Đó là một buổi tối tháng Tư năm 1977. Hai năm sau “ngày giải phóng”. Đó cũng là một buổi tối, trong căn phòng nhỏ đèn mờ, 17 người hẹn nhau vào ngày N, giờ G, tại địa điểm M…

9.

Nhà thờ Đức Bà giữa Sàigon, một buổi sáng đẹp trời ngập tràn ánh sáng, nắng lung linh trên những hàng me, hàng sao thẳng đứng như những chàng dũng sĩ canh gác hào quang dọi xuống vầng trán Thánh tượng Đức Mẹ Maria. Dân chúng lưa thưa đi bỏ thư ở nhà bưu điện kế bên, ai cũng có vẻ vội vã, tất bật và im lặng.

Từ các con đường khác nhau tiến về điểm hẹn. Họ gồm có luật sư San Trần, luật sư Thiệp Triệu, luật sư Giao Nguyễn, luật sư Anh Nguyễn, thủ lãnh Dung Vũ, bác sĩ Tâm Phạm, nhà báo Vị Huỳnh, kiến trúc sư Điệp Nguyễn, giáo sư Trung Hà, luật sư Doãn Nguyễn, luật sư Tân Trần, luật sư Cương Vũ … vài sinh viên đi theo phụ giúp. Họ bí mật bố trí cái máy phóng thanh trong gốc cây bên kia đường cạnh nhà thờ. Cố làm ra vẻ bình thản như đi dự buổi lễ chiều dâng lên lời cầu nguyện trước Thiên Chúa, nhưng họ không hề biết, sau lưng họ, trước mặt họ, bên hông họ, những bóng người mặc thưòng phục kín đáo, cả những người đi bỏ thư, âm thầm theo dõi hành động của họ. Vòng vây vô hình từ từ khép chặt.

Tiếng nói sè sè rất nhỏ từ cái máy truyền tin cầm tay từ cửa sổ trên một cao ốc gần đó.

- Các đồng chí nhận diện rõ từng tên chưa?

- Báo cáo, rõ.

- Tuyệt đối không để sổng một tên nào. 

- Báo cáo, rõ.

Bỗng nhiên, giữa không gian yên ả trước cửa nhà thờ Đức Bà, một tiếng nói oang oang phát ra từ cái máy phóng thanh cầm tay: Kính thưa đồng bào! Kính thưa đồng bào! đây là “Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Kẻ Khốn Cùng”, “Chúng tôi, những người Việt Nam khốn cùng…” Kính thưa đồng bào, đây là “Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Kẻ Khốn Cùng”;

“Chúng tôi, những người Việt Nam khốn cùng, với tàn lực còn lại, với tinh thần tàn phế, quyết đấu tranh bằng con đường bất bạo động để kêu gọi lương tâm nhân loại.Các lực lượng của thế giới văn minh, hãy lắng nghe những lời cầu cứu thảm thiết của những kẻ hấp hối…

Kính thưa đồng bào, đây là “Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Kẻ Khốn Cùng”;

“… Những ai tụng kinh hãy ngừng lại. Những ai đang nghiên cứu trong tháp ngà hãy tung cửa ra. Những ai đang sáng tác với ngòi bút, hãy bẻ gãy nó đi. Tất cả hướng về Việt Nam. Nơi mà chùa và nhà thờ bị biến thành hội trường để tuyên truyền chính trị - nơi mà các định luật khoa học bị bóp méo để thoả mãn chủ nghĩa - nơi mà các nghệ sĩ chỉ còn một việc duy nhất là tung hô Nhà Nước theo lệnh của Đảng.” (1)

Người cầm cái loa, chính là Ls San Trần, dõng dạc dưới chân tượng Đức Mẹ Maria.

Hai người đàn ông nấp sau bức tường đá nhà thờ nhanh như cắt ập tới quật San té xấp. Cái loa văng ra. Không gian ào ào chuyển động những người là người. Họ từ tứ phía lao tới tấp, cứ hai quật một, súng lục K59 dí mạnh vào màng tang người bị quật ngã.

- Bịt miệng nó lại.

- Trói giật khuỷ tay nó lại.

- Cướp ngay cái loa.

“Lưới” hành động chớp nhoáng, đúng lúc, rất đúng lúc. Không một con chim nhân quyền nào thoát lưới. Trên góc lầu cao nhìn bao quát hiện trường, viên tướng tình báo đích thân cầm máy truyền tin điều động cuộc tập kích. Tất cả nhóm “phản động” bị lôi lên xe bít bùng từ xa chạy tới rất nhanh.

Nhưng cái máy cát xét phát thanh dấu kín trong hốc cây nào đó vẫn tiếp tục phát ra: “Chúng tôi, những người Việt Namkhốn cùng…”

Một giọng người hét to: “Tìm cho được cái máy”.

Nó vẫn oang oang. Thật không ngờ. Cái máy nhỏ xíu làm bối rối không ít công an. Nó đang tuyên đọc toàn văn Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Kẻ Khốn Cùng. Nó đọc đi đọc lại: “Chúng tôi đấu tranh để trả lại nụ cười cho trẻ thơ… Chúng tôi đấu tranh để giành lại sự ấm cúng…, Chúng tôi những người Việt Namkhốn cùng…”(1)

Xe bít bùng xa dần Đức Mẹ, phóng thẳng về hướng Tổng nha Cảnh sát cũ. Mẹ Maria dõi đôi mắt hiền từ nhìn những đứa con “phản động” của Mẹ. Những đứa con chưa bao giờ tốt nghiệp trường phản gián. Những đứa con không bao giờ ngờ được ngày N, giờ G, địa điểm M đã lộ.

Xa xa đằng sau những gốc me gốc sao, hốc phố, có những khuôn mặt tái xanh từ từ chảy ra hai dòng lệ, những bàn tay run rẩy bịt chặt mặt, chừa đôi mắt dàn dụa nước mắt. Những khuôn mặt của những người phụ nữ vừa mới đêm qua nâng cốc rượu nguyện cầu. Những đôi mắt hãi hùng nhìn rất rõ, giữa thanh thiên bạch nhật, chồng họ, con họ, anh em họ, ưỡn thẳng mặt vào họng súng đen ngòm.

Hiện trường trở nên vắng lặng lạ thường. Một bóng người từ trong nhà thờ bước ra, mặt lạnh lùng pha lẫn đờ đẫn, đôi mắt láo liên. Đôi mắt ấy vẫn tiếp tục bám theo bọn “phản động” vào tận trong lao tù.

Đó là một buổi sáng ngày 23 tháng Tư năm 1977. Chỉ còn 7 ngày nữa là đúng hai năm sau “ngày giải phóng miền Nam”.

10.

Ở Tổng nha cảnh sát cũ mấy ngày, tối đến, cả nhóm bị lùa lên xe molotova bít bùng, xe chạy vòng quanh thiệt lâu, cuối cùng tốp lại trong khoảng xi măng sân vắng. Hai chú bộ đội cầm AK47 lùa tất cả xuống xe. Xếp hàng một, điểm danh. Trong bóng tối mờ nhạt dẫy nhà thấp xầm xập, hàng chục cái đầu chen nhau thò ra qua song sắt.

- Đây là đâu vậy các anh? Cả bọn nhao nhao hỏi.

- Số 4 Phan Đăng Lưu. Cái đầu thò ra ở cửa sắt khò khè trả lời. 

- Số 4 Phan Đăng Lưu là số gì vậy toa?

- Là tới số đó cha nội.

- Ê! ở đâu tới?

- Ở Tổng nha.

- May phước cho mấy cha. Trời còn thương mấy cha. Chắc có quý nhơn phù hộ. Còn ở tổng nha thì mấy cha tới số.

- Sao vậy?

- Từ từ rồi biết.

- Nói cho nghe đi mà.

- Trời ơi! ở Tổng nha thì trước sau gì cũng đi thăm Hoàng Liên Sơn, Chí Hòa, còn dzìa đây thì Sàigòn đẹp nhứt mang tên bác Hồ! Đ.M. Lính mới tò te.

Tiếng khóa, tiếng xích kêu leng keng, công an lùa cả bọn vào căn phòng tối đen như mực. May quá, Trần còn thủ được cái hộp quẹt zippo, bao thuốc lá xẹp lép. San bật lửa, trong ánh lửa lờ mờ, hàng dẫy người nằm chen chúc bên nhau.

11.

Trời tờ mờ, giọng một cán bộ oang oang tay, loảng xoảng chùm chìa khóa mở cánh cửa nặng nề:

- Các anh mới tới đêm qua ra sân xếp hàng điểm danh.

…- San Trần có không?

- Có!

- Thiệp Triệu có không?

- Có!

- Doãn Nguyễn, Điệp Nguyễn có không?

- Có!

- …

- Tất cả xếp hàng một tập trung theo tôi lên “hội trường”.

Họ lục đục kéo nhau hàng một. San đi đầu. Họ đi mạnh bạo, đầu ngẩng cao.

Một người đàn ông, cao lớn, dáng trông rất “oai” như một “thủ trưởng”. Trong cánh sơ mi bỏ ngoài quần, giản dị, ông ta đứng một mình, sát vách tường phía trên “hội trường” dường như đợi nhóm phạm nhân mới. Hội trường không to lắm, chỉ là một căn phòng khá rộng, hai ngọn đèn vàng lơ lửng trên trần. Một cái bàn nhỏ, cái ghế trống kế bên ông cao lớn. Cả nhóm được cán bộ dẫn vào xếp hàng đứng nghiêm. Tia sáng bình minh chưa lọt hết vào khe cửa, loang lổ chỗ tối chỗ sáng. Mấy phút yên lặng trôi qua. Dường như ông cao lớn đang chìm đắm trong suy nghĩ. 

- Báo cáo thủ trưởng, họ đang chờ. Người cán bộ cất cao giọng.

- Được.

Thủ trưởng đến bên cạnh bàn nhỏ, ông không ngồi, tay ông vỗ vỗ vài cái vào mặt bàn, nhìn lặng lẽ thẳng vào các phạm nhân mới tới đêm qua. Một lúc, ông lên tiếng:

- Chào các anh.

- Các anh là nhóm nhân quyền? Người đàn ông cao lớn cao giọng hơn một chút, giọng đặc sệt người miền Bắc.

Không thấy ai trả lời. Im lặng nín thở. “Thủ trưởng” tiếp:

- Hôm nay là buổi học tập đầu tiên cho các anh. Các anh về đây là tốt lắm. Các đồng chí phụ trách sẽ lo cơm nước đầy đủ cho các anh không?

Im lặng nín thở.

- Các anh ở đây phải tuân theo kỷ luật trại, chủ yếu là mỗi người phải thành thật khai báo, chính sách khoan hồng của cách mạng là do nơi các anh thành thật khai báo.

- Các anh có nghe rõ không?

Im lặng nín thở.

- Các anh đừng tưởng cách mạng không biết. Chúng tôi biết rất rõ các anh. Tri nan hành dị.

- Cách mạng không thèm bắt chim bằng ná, cách mạng bắt chim bằng lưới. Thủ trưởng cao lớn tiếp tục cao giọng:

- Cách mạng hiểu các anh vì sống trong lòng đất địch, chưa hiểu đường lối của cách mạng, cho nên các anh bị lôi cuốn theo những kẻ phản động chống phá cách mạng. Tôi tin rằng các anh sẽ được học tập tốt để thông hiểu chính sách của cách mạng.

- Thôi! Cho các anh ra về.

Cán bộ dẫn cả nhóm im lặng ra về ….

- Về chỗ nào vậy thưa cán bộ? Một anh tù nhân quyền mới toanh ngơ ngác hỏi.

- Chỗ này chứ còn chỗ nào. Tiếng người cán bộ lạnh như tiền. Tiếng khóa mở cửa, tiếng xích sắt kêu leng keng.

Cả bọn lục tục kéo nhau vào phòng. Mùi hơi người hừng hực xông lên, chẳng bù với lúc nãy ngoài sân khí trời rời rợi.

- Ê! Trần! Tayvừa rồi là tay nào mà “oai” vậy “toa”?

- Nhìn mặt mà không biết à! Thọ chứ ai. 

- Thọ à! Có phải là tướng trùm công an Việt Cộng không?

- Chứ còn ai vào đây nữa!

- Trông lũy “sang” nhỉ, cao lớn như “tây”. Tướng mà sao chẳng thấy thằng “escort” nào vậy?

- Thế mới là cách mạng. Cứ như các ông, đi đâu, cả bầy vệ sĩ trang bị đến tận răng.

- Ê! San, “ông tây” nào vậy “toa”? Jean Jacques Rousseau, Montesquieu, tây đồn điền hay tây thuộc địa!

- Tây cách mạng.

Được vào “tạm trú” ở số 4 Phan Đăng Lưu họ mới biết họ là ai. Họ không dè họ “quan trọng” đến thế, tướng trùm công an Việt Cộng còn phải thân hành đến số 4 “thăm”. Những cựu tù “lên lớp” bài học ăn ở mới cho cả nhóm. Trưởng phòng tù, một họa sĩ vui vẻ ra mặt mỗi khi gặp cả nhóm.

12. 

Bốn mắt nhìn nhau. Người công an chấp pháp im lặng quan sát San. San là nguời đầu tiên trong nhóm được “mời” lên làm việc. Mặt lạnh như tiền, viên chấp pháp mở đầu:

- Anh là thủ lĩnh của nhóm phải không?

- Không! Tôi cũng như anh em.

- Anh nói láo.

- Viên chấp pháp hất mặt ra hiệu cho viên công an kế bên.

Taynày bước ra cửa phòng phía sau dẫn vào một người đàn ông trung niên, trông gầy gò, dáng dấp có vẻ sợ sệt.

- Ủa! Tại sao anh vào đây? San bật giọng hỏi khi nhìn thấy người này, mặt đỏ bừng pha lẫn ngạc nhiên cực độ. Nguyễn là một trong những người bạn thân lăn lóc ngoài chợ trời, là một trong những người hăng say bàn bạc bên ghế cà phê.

- Tôi nhận được giấy tống đạt của Trung tâm Thẩm vấn số 4 Phan Đăng Lưu. Nguyễn trả lời. Mặt chưa dấu được nét xanh xao.

- Họ gọi toa lên thẩm vấn à! Thế họ hỏi những gì?

- Họ hỏi về những sự liên hệ giữa tôi và các anh. Anh biết, tôi chẳng làm gì hết, tôi chỉ lo cơm áo cho vợ con.

Nguyễn nhận được lệnh triệu đến số 4 để thẩm vấn, để đối chất hay để nhìn mặt? San bất ngờ cao giọng, nói như hét với viên chấp pháp:

- Đúng, chính tôi! Chính tôi viết ra bản tuyên ngôn. Không có ai ngoài tôi!

- Thôi được! Cho anh này ra. Viên công an dẫn Nguyễn ra sau cửa phòng.

- Cách mạng đã giải phóng rồi, các anh còn tranh với đấu làm gì?

- Vì sao chúng tôi tranh đấu các anh biết không? Vì các anh đấy!

San càng nói càng hăng. Mặt đỏ tía tai.

- Chúng tôi tranh đấu không chỉ vì các anh đâu. Chúng tôi tranh đấu với đảng cộng sản.

- Nếu anh còn la lớn thì tôi sẽ cho cán bộ làm việc.

- Tôi đếch sợ! Đả đảo cộng sản!

Bịch, bịch, bịch … San ôm bụng gục xuống lăn ra trên xi măng.

13.

Cách “hội trường” hơn chục thước là dẫy nhà nhỏ xây liên tiếp, thâm thấp, một khoảng sân trống ngăn cách, trong bóng tối trông nó toát ra vẻ im lìm, bí mật lạ lùng. Đập vào mắt tò mò là những khung cửa kín, ổ khoá lớn, vòng xích sắt rỉ sét trên cánh cửa. Dẫy nhà này chỉ là một trong nhiều dẫy nhà khác chia ra làm nhiều khu trong khu đất lớn ngay bên cạnh tòa tỉnh trưởng Gia Định cũ. Nó gọi là khu A. Có nhiều phòng ngăn cách với nhau. Một căn phòng khá lớn là nơi trú ngụ của nhóm 17 người.

Đã có nhiều nhà văn nhà báo viết về dẫy nhà nhỏ có nhiều “phòng” này. Cả một kho sử tù tội viết về nó, về những người “sống” trong đó. Đủ hạng. Xuất thân từ nam bộ kháng chiến có, đệ tam đệ tứ có, cộng sản có, quốc gia có, cách mạng có, hình sự có, có cả ma, ma sống. Ma thường xuất hiện vào ban đêm, khi cánh cửa sắt mở, ma sống đầu tóc rối bù khật khà khật khừ bước ra, chân xích kêu loảng xoảng.

Gọi là “phòng” không hợp thời lắm, người tù trong đó gọi là “cát xô”. Đúng nhất. Những người tù từng “sống” trong đó phân biệt cát xô 1, cát sô 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Cát xô được chọn do tùy đối tượng. Cát xô hình sự. Cát xô chính trị. Cát xô đàn bà. Có cát xô cá hộp nhét cả trăm người, có cát xô nhét đúng một người, thường là kín mít, khoét một lỗ hổng cho đủ mùi diện bích, tha hồ “thiền”, tự do thở ra thở vào. Có cát xô nhốt tạm vài ngày chờ “chấp cung”, tức là hỏi cung. Nói cho lịch sự thì gọi là “mời” lên làm việc. Tù có khi chờ “mời” chấp cung mà tạm trú ở cát xô vài năm là chuyện thường. Chấp cung xong, tù lại được “mời” về chỗ an nghỉ mới cho “đàng hoàng” hơn, “chính thức” hơn, “lâu dài” hơn, đó là khám lớn Chí Hòa. Tù cát xô nào “ngoan ngoãn thành thật khai báo” khi về đến Chí Hòa thì mặt mũi lành lặn; tù nào “ngoan cố” thì người không ra người, mặt không ra mặt, kèm theo chân xích tay còng. 

Cả nước Việt Namai cũng nghe danh tiếng số 4 Phan Đăng Lưu. Đặc điểm của số 4 là nơi quy tụ những nhà thẩm vấn tài năng nhất, đặc điểm thứ hai là không đánh đập tù chính trị, riêng bọn tù hình sự cướp của giết người có ăn đòn. Tù chính trị được thẩm vấn rất “tử tế”, văn minh, khoa học, chấp pháp trình độ lý luận rất cao. Nhiều chấp pháp nói giỏi cả tiếng Anh, Pháp.

Đặc điểm kế tiếp của số 4 là biệt giam, chân xiềng tay xích, giám thị không để cho biệt giam chết đói, nhưng cho đói cho khát, cho đến khi nào phạm nhân “thành thật khai báo” và “thật thà hối cải” thì được “phục hồi nhân phẩm” trở về tịnh dưỡng ở cát xô.

Theo thời thế cách mạng đưa đẩy, số 4 càng ngày càng nhiều giai cấp tù. Lãnh địa của các khu tù phân chia rõ rết hơn. Khu A, B, C… Tù đàn bà đầy trong khu C. Khu chính trị được chăm sóc kỹ càng hơn các khu khác. Các nhà chính trị, tôn giáo, nhân quyền, trí thức, quan quyền, nhà văn nhà báo nhà thơ nhà tình báo… vào đây gặp nhau đủ.

Tay bắt mặt mừng, nào là Thầy Thích Quảng Độ, Sư cô Trí Hải, Cha Nguyễn Văn Vàng, Ngô Khắc Tỉnh, Nguyễn Xuân Oánh, Hồ Hữu Tường, Đoàn Thanh Liêm. Võ Long Triều, Đoàn Viết Hoạt, Vũ Quốc Thông, Thích Thiện Minh, Doãn Quốc Sỹ, Đinh Quang Anh Thái, Vũ Ánh, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đan Quế, v v… đủ mặt anh hào.

14.

- Tất cả các ông nhân quyền ra sân xếp hàng, điểm danh, chờ lệnh. Tiếng người quản giáo rổn rảng như lệnh vỡ.

- Gớm, nhân với quyền, San Trần có không?

- Có!

- Thiệp Triệu có không?

- Có!

- Doãn Nguyễn, Điệp Nguyễn có không? 

- Có!

- …

- Chào các anh. Vẫn người đàn ông cao lớn như tây đứng trên hội trường.

- Mấy ngày qua các anh đã suy nghĩ về việc làm của các anh chưa? Ông “tây” hỏi, nói tiếp:

- Các anh viết bản tự khai chưa đầy đủ … các anh đừng tưởng chúng tôi ngây thơ! Chúng tôi không ngây thơ như các anh tưởng. Các anh đừng tưởng các anh là luật sư trí thức mà lừa chúng tôi được. Xịa nó hà hơi tiếp sức cho các anh. Tự nhiên làm gì có chuyện ở Nga có bọn Sakharov, Tiệp có bọn Havel, Ba Lan có bọn Walesa,Việt Nam có bọn các anh. Xịa nó hà hơi tiếp sức cho các anh phải không?

Im lặng như tờ.

- Các anh có ý kiến gì không?

Im lặng như tờ.

- Thôi! Cho các anh về chỗ.

Nhóm 17 người về chỗ cát xô bình an vô sự.

- Ê! San! Xịa nó hà hơi tiếp sức cho toa hồi nào vậy? Một anh tù hỏi nhỏ.

Vắt tay lên trán, San khe khẽ nói với Thiệp nằm kế bên: bỏ mẹ rồi Thiệp ơi! Nó đồng hóa mình như Nga Tiệp Ba Lan, lại được xịa móc nối. Hai năm “phỏng giái” đói rã họng có thấy thằng xịa thằng xiếc nào đâu. Thiệp ầm à ầm ừ chẳng nói chẳng rằng, xoay lưng lại thò tay xuống háng mò bọn rệp đang chui vào giái.

15.

Ngày hôm sau, quản giáo gọi từng người lên phòng chấp pháp làm việc.

Gọi đến San, vừa bước ra khỏi cửa cát xô, San vươn vai: đả đảo cộng sản! Ngay tức thì, cứ hai ông to lớn túm lấy San thụi, thụi túi bụi vào mặt mày. Hai ông cứ yên lặng thụi. Hoàn toàn yên lặng thụi.Tiếng ối của San nhỏ dần rồi tắt lịm.

Đó cũng là đặc điểm của chấp cung cách mạng. Cách mạng rõ khác, khác hẳn bọn nguỵ, nguỵ vừa đánh vừa chửi thề vừa đập bàn đập ghế. Cách mạng cứ yên lặng thụi. Bịch… bịch… bịch. Máu mắt máu mũi San phụt ra. Thụi liên tục trước những con mắt trố ra của nhân quyền.

- Ơ kià, cán bộ sao lại đánh người! Cách mạng đâu có đánh người!

- Chửi là đánh! 

- Chúng tôi có chống phá cách mạng đâu. Chúng tôi chỉ đòi cơm áo cho nông dân, cho công nhân, chúng tôi chỉ đòi suy nghĩ.

- Ai cho các anh đòi. Ai cho các anh tư với tưởng. Các anh đã làm gì cho cách mạng mà đòi?

- Đánh, còn đả đảo, còn đánh, còn chửi, còn đánh. Nhân với quyền! Bịch… bịch… bịch…

Mặït San đầy máu, máu giỏ từng giọt xuống áo, máu giỏ từng giọt xuống sân, xuống đất, số 4 Phan Đăng Lưu, đặc quánh. Hai ông to lớn xô San ập vào cát xô, khóa cửa.

San gục xuống như trái sung. Thân San vốn tròn trịa, gục xuống y như trái bong bóng xì hơi. Đám tù lật đật khiêng San vào chỗ nằm thay nhau xát tí muối nước lên cái xác bất động. Đám tù khác được cán bộ gọi ra thay nhau lấy nước chùi rửa sạch sẽ máu nhỏ xuống sân số 4 Phan Đăng Lưu.

Cách một quãng tòa tỉnh trưởng cũ không xa cát xô lắm là trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Trường có hai tầng lầu khá cao. Đứng trên lầu có thể nhìn thấy số 4, nhưng bọn học trò có biết gì đâu. Kẻng giờ ra chơi, bọn học trò náo nhiệt như bầy ong vỡ tổ, thầy giám thị cầm cái roi mây đi đi lại lại, mặt thầy đăm đăm khắc khổ. Chắc thầy nghe tiếng bịch bịch bên này, hình như cứ đến giờ kẻng ra chơi om sòm là có tiếng bịch bịch bên kia. Thầy nghe nhưng Thầy không bao giờ hé. Thầy tự an ủi: họ đang tập đánh “box” đó mà!

Vài hôm sau, San tỉnh lại, nhướng mắt nhìn bạn tù bu quanh nhếch mép cười: moa phản cung thằng tướng, moa chửi Hồ, moa chửi đảng, nó chẳng nói gì, đưa mắt ra lệnh cho đàn em, đàn em “escort” moa về cát xô, đánh moa, nó đánh moa trước mắt các toa để dằn mặt, các toa biết không, moa chơi cách mạng một quả nặng, nhưng nó có biết đâu, cách mạng bị chủ nghĩa chơi một quả còn nặng hơn moa gấp trăm nghìn lần. Cả triệu người chết oan vì chủ nghĩa. San thì thào: chủ nghĩa nặng hơn moa nhiều.

Họa sĩ “truởng phòng” tù Đức Hồ, trưởng phòng này được anh em coi là “xếp” dễ thương nhất trong các trưởng phòng khác. “Xếp” bước vào cát xô nói như lệnh:

- Tôi đã nói rồi, bác Hồ đã nói rồi, phải nín thở trong tù, nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, chân lý cho những người ở tù là phải tìm đủ mọi cách để ra tù!

16.

- Tất cả học viên khu A, B, C tập trung lên hội trường chiều nay lúc 7 giờ. 

Cả trại nhốn nháo. Có chuyện gì? Trưởng phòng tù “cát xô 4” bước vào thông báo:

Hôm nay mừng ngày lễ lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cứ một khu được thưởng một con lợn, hậu cần đang chuẩn bị đón lợn về, hôm nay các anh được ăn thịt lợn tươi.

Cả đám tù nhốn nháo vui ra mặt. Hôm nay có thịt lợn tươi.

Tiếng kẻng rúc vào tai, mọi người lục đục tập họp, xếp hàng ngay ngắn ở ngoài sân xi măng. Cả trăm tù ngồi ngay ngắn. Trời chiều tối dần. Vài anh bộ đội trẻ đi qua đi lại trông có vẻ bận rộn.

Góc sân đã có sẵn tấm màn vải trắng vuông, phí trước là cái bàn nhỏ và một cái ghế. Ở một góc khác treo trên cao vách tường hàng chữ đỏ: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta”, “Chủ Nghiã Mác Lê Nin Bách Chiến Bách Thắng”, giữa hai biểu ngữ là lá cờ màu xanh đỏ sao vàng.

- Tất cả đứng nghiêm! Viên quản giáo hô to.

- Hôm nay các anh được đoàn lãnh đạo Miền đến thăm. Tất cả mọi người đều phải yên lặng chú ý lắng nghe. Các anh đã ăn mừng ngày lễ Quân đội Nhân dân Việt Nam,

sau đó, các anh sẽ được coi phim: “Con đường cách mạng của bộ đội Giảùi phóng quân”.

Một người đàn ông khá trắng trẻo, gương mặt lộ vẻ trí thức sau cặp mắt kiếng trắng, bộ áo quần đồng phục mầu ô liu thẳng nếp, chân đi giầy đen, bước nhanh từ phòng chấp cung tiến đến cái bàn nhỏ, theo sau là hai phụ nữ, một đẫy đà, một nhỏ nhắn, cả hai đều mặc bộ bà ba đen khăn rằn quấn cổ, chân trần dép lốp, trông họ rất gọn gàng. Thoạt trông, hai phụ nữ toát ra cái dáng dấp nhanh nhẹn đảm đang của người phụ nữ miền Nam. Người đàn ông “trí thức” đứng giữa giơ hai tay nửa chào nửa như ra hiệu, giọng đặc sệt miền Nam:

- Các anh ngồi cho thoải mái. Cả ba vẫn đứng. Ông kính trắng tiếp tục nói:

- Chúng tôi được Quân uỷ Miền cho phép đến đây gặp các anh nhân dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN. Quân đội giải phóng chúng ta là một quân đội anh hùng.

- Các anh hầu hết là trí thức Sàigòn cũ?

Im lặng như tờ.

- Chủ trương của cách mạng là tạo điều kiện cho các anh trở thành công dân tốt trong xã hội mới. Xã hội xã hội chủ nghĩa. Các anh học tập tốt sẽ được trở về với gia đình.

Im lặng như tờ.

- “Trong cuộc chiến này không có kẻ thắng người thua! Chỉ có đế quốc Mỹ là thua”. Tổ quốc là trên hết. Chúng ta đều là người Việt Nam

- Lát nữa đây các anh sẽ được coi phim, các anh sẽ hiểu cuộc chiến đấu của cách mạng.

17.

Hết giờ coi phim cả bọn kéo nhau về cát xô vắt tay lên trán xì xầm.

- Ê! San, tay đeo kiếng trắng là tay nào mà trông có vẻ trí thức vậy toa?

- Trông người mà không biết à! Trà chứ ai.

- Trà Mặt trận đấy hả?

- Thế còn hai bà?

- Bình, Định chứ ai vào đây nữa.

- Lạ nhỉ!

- Taynày ăn nói lạ nhỉ!

- Thế toa không nghe “cuốc ca” của cục rờ khác lạ với “cuốc ca” thề phanh thây uống máu quân thù này công dân ơi à!

18.

Bóng viên quản giáo chõ mồm vào khe cửa ồm ồm:

- San Trần lên phòng chấp pháp! 

Cả nhóm nhân quyền nhốn nháo. Ê! Đừng đả đảo nữa nghe toa, nó đánh đấy. San bật dậy, vươn vai: “đả đảo Hồ Chí Minh”.

- Các ông muốn gì nữa đây. Tôi đã nói hết rồi. San sẵng giọng trước viên chấp pháp, bên cạnh là ông tây cao lớn.

- Cách mạng thành công, Mỹ cút, ngụy nhào, nước nhà độc lập tự do thống nhất rồi, các anh còn nhân với quyền với ai nữa, đấu với tranh gì nữa? Ông cao lớn như tây nói giọng ôn tồn.

- Các ông hoàn toàn sai lầm, các ông đầy đọa cả nước lầm than.

- Nước ta mới giành được độc lập, thống nhất từ tay đế quốc và tay sai, còn bao nhiêu là khó khăn chồng chất, kẻ thù, bọn phản động vẫn tiếp tục điên cuồng chống phá thành quả cách mạng.

Ông tướng tỏ ra kiên nhẫn chấp cung, lần nào ông cũng ân cần rút bao thuốc Tam Đảo trong túi ra mời San.

- Chúng ta đều là người Việt Nam. Ông tướng nói nhỏ.

Hút một hơi dài, San hạ giọng: 

- Thưa ông, tôi cũng là người Việt Nam. Tại sao ông bỏ tù chúng tôi?

- Các anh nên hợp tác với cách mạng.

- Thưa ông, các ông đã sai lầm quan trọng. Nếu chúng tôi không nói lên, các ông tiếp tục sai lầm, tiếp tục đi trên con đường mạo hiểm, nguy hiểm, vì sao chúng tôi tranh đấu! giai đoạn các ông đi làm cách mạng thống nhất đất nước, đúng! nhưng khi các ông đưa dân tộc này đi vào con đường cộng sản rập theo kiểu mác lê mao thì các ông đã đưa dân tộc này xuống vực thẳm, chủ nghĩa cộng sản không phải là chủ nghĩa Việt Nam, chuyên chính vô sản của các ông có phải là chính sách nhân hộ khẩu vô nhân đạo, lùa dân đi vào rừng thiêng nước độc, cải tạo công thương nghiệp là cái gì vậy? là xóa sổ tài sản làm ra từ mồ hôi nước mắt của đồng bào, tịch thu trắng trợn mọi tài sản, chủ nghĩa cộng sản có phải là chính sách tiêu diệt một xã hội được xây dựng trên sự hiền lành và đùm bọc của một dân tộc có hàng ngàn văn hiến, các ông có thể xóa sổ giai cấp bóc lột, bọn thực dân sống trên mọi tiện nghi, mọi tài sản … đồng ý, Việt Nam làm gì có giai cấp bóc lột, tống cổ tư bản nó đi, đồng ý, Việt Nam làm gì có tư bản, chỉ có tư hữu gia đình, các ông có thể thủ tiêu văn hóa độc trị nhưng các ông không thể thủ tiêu tinh thần yêu nước để thay thế vào đó một thứ nhãn hiệu yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa cai trị bằng cách bịt miệng tiếng nói của lương tâm à! bằng chính sách tổ dân phố à! tổ dân phố của các ông là cái quái gì vậy? là tòa án nhân dân tố khổ lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau, đe dọa lẫn nhau, các ông cai trị bằng cách gieo rắc cái sợ tràn lan trong dân chúng … dân chúng phải sống trong cái sợ à?

Thưa ông, chúng tôi tranh đấu không cho riêng ai, chúng tôi tranh đấu cho chính các ông … tôi nói thẳng ra rằng các ông đã phản bội cách mạng, phản bội lý tưởng cộng sản!

- Phản bội? Phản bội cái gì? Ông tướng quát to quắc mắt lên dữ dội. Các anh nói chúng tôi phản bội hay chính các anh đã phản bội, các anh đã phản bội ngay dưới lá cờ của các anh! các anh đã phản bội ngay chính quê hương của các anh, các anh đã rước voi về dầy mả tổ, để các anh được tự do hay nô lệ, được tự do hưởng thụ trong lúc nhân dân đổ máu cho độc lập, các anh được an toàn ở hậu phương trong lúc chúng tôi đổ xương đổ máu dưới ngọn cờ cách mạng bảo vệ để… để bảo vệ cho chính các anh, những kẻ nô lệ? nô lệ đế quốc, nô lệ chủ nghĩa cá nhân, các anh chỉ nghĩ đến cá nhân các anh, chưa bao giờ các anh nghĩ đến nhân dân, chúng tôi không ngạc nhiên khi các anh không nhìn thấy con đường của cách mạng, các anh chỉ muốn an thân đội lốt dưới danh nghĩa hòa bình, chui rúc dưới cái mà quan thầy các anh là “fún rai” gì đó đã từng gọi cái thủ đô của các anh là … là cái gì đó! hừ! tôi thông cảm một số các anh có suy tư, nhưng sợ gian khổ, cho nên không bao giờ các anh dám đứng dưới lá cờ cách mạng, chỉ có cách mạng mới đứng lên bảo vệ nhân phẩm cho các anh… hừ….

- Thôi được! Tôi đã đọc bản tự khai của anh, anh về viết bản tự kiểm lại cho đầy đủ.

- Theo ông thế nào là đầy đủ?

- Ai xúi dục các anh phản loạn?

- Không ai có thể xúi dục chúng tôi.

- Tại sao anh chống phá cách mạng?

- Tôi không chống cách mạng, tôi chống chủ trương và chính sách của đảng, đảng cộng sản không phải là đảng cách mạng, cách mạng Việt Nam không mơ giấc mơ cộng sản, các ông đang mơ một giấc mơ nguy hiểm đi ngược lại bản chất của dân tộc.

- Thôi! Im đi! Ngoan cố! Ông tướng quát.

- Thôi! Cho anh về. Ông tướng dịu hẳn giọng. Khoác tay ra hiệu cho viên sĩ quan chấp pháp, ôngtướng bước nhanh ra khỏi căn phòng. Một vài người bảo vệ theo liến chân ông tướng cao lớn.

Chỉ còn lại viên sĩ quan chấp pháp trẻ, đứng lặng yên nhìn chăm chăm tù nhân San Trần. Cái im lặng của băng đá bao trùm khó hiểu.

Đó là trận chấp cung cuối cùng của ông tướng công an với tù nhân quyền San Trần.

19.

Một chiếc “Jin“ nhà binh do Nga chế tạo thắng két giữa sân nhà tù. Bước xuống là một “ông già” tóc lốm đốm bạc. Áo sơ trắng mi bỏ ngoài, đi giầy đen. Ông ta rảo rất nhanh vào phòng chấp pháp, theo sau là một bảo vệ; trước cửa phòng đã thấy sẵn viên Thượng tá trưởng trại giam đứng nghiêm. Viên Thượng tá nghiêm trang giơ tay chào.

- Báo cáo thủ trưởng. Họ ở dưới phòng số 4.

- Tiêu chuẩn cho họ có đầy đủ không?

- Báo cáo đủ.

Tay“ông già” móc trong túi ra điếu thuốc, tẩn mẩn nửa như muốn đưa lên môi. Người bảo vệ khệ nệ bưng chiếc ghế bành mây vào phòng, đứng im lặng bên cạnh. “Ông già” dáng vẻ mệt mỏi ngồi phịch xuống. Suốt đêm qua ông lật từng trang hồ sơ của nhóm tội nhân đặc biệt. Ông đọc đi đọc lại những dòng ghi chép cuộc tranh luận giữa “tội nhân ngoan cố” và ông tướng bên sở công an. Ông nhớ lại cuộc điện đàm hôm qua với hai đồng chí phụ trách trại thẩm vấn:

- Báo cáo thủ trưởng, giọng miền Namcủa viên sĩ quan công an bảo vệ chánh trị. Tên này cực kỳ ngoan cố phản động, chắc chắn hắn thuộc tổ chức nước ngoài xúi dục lật đổ chính quyền cách mạng. Mật báo viên của ta cài vào báo cáo đáng lẽ nó tổ chức chống phá đúng vào ngày lễ Ba Mươi Tháng Tư, đúng lúc ta đón mừng đồng chí tổng bí thư vào thăm thành phố Bác, nhưng không hiểu tại sao nó lại làm sớm hơn một tuần. Em có hỏi nhưng nó nhứt định không khai.

- Thưa “anh Sáu”, giọng miền Bắc lễ phép qua cuộc điện đàm của viên Thượng tá Ba Phận trưởng trại giam. Đám phạm nhân mới này hầu hết đều chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại, trại có chế độ ưu đãi dành cho họ, riêng tên thủ lĩnh trước đây là luật sư chế độ cũ, tay này chỉ đòi “ný nuận” với thủ trưởng bên sở, chỉ thích “ný nuận”, chỉ thích chửi bậy.

Ông già ngước nhìn qua cửa sổ, trời về chiều bỗng tối sập, cơn mưa rào nhiệt đới kéo tới bất ngờ, gió se sắt luồn qua khe cửa ùa vào phòng, hình như cơn gió chẳng thấm tháp gì đối với ông già lộ nét phong sương.

Ông già có cái phong thái của một kẻ chiến trận dãi dầu mưa nắng, cánh áo sơ mi xanh nhạt bỏ ngoài quần ka ki mầu cứt ngựa, khuôn mặt nghiêm khắc, khá cao, khá đẹp dưới đôi kính trắng, phảng phất nét quắc thước của một người hình như sinh ra chỉ để chỉ huy.

Đã hai năm “giải phóng”; thời gian trôi nhanh quá, hàng trăm giềng mối vuột ngoài tầm tay, chưa lúc nào ông già cảm thấy hóc búa như lúc này. Hòa bình trở lại với quê hương không dễ dàng như suy nghĩ, chưa lúc nào cái đầu nặng như chì bằng như lúc này.

Lời lẽ của người tù cứng đầu, lời lẽ của bản tuyên ngôn nhân quyền và cuộc nổi dậy trước cửa nhà thờ Đức Bà. Cuộc nổi dậy tuy nhỏ nhưng đã khiến ông già nặng trĩu suy tư.

Ông muốn bỏ qua hồ sơ này. Bản chất của hồ sơ sẽ tạo sự mâu thuẫn nguy hiểm ngay trong nội bộ đảng. Đối với ông, miếng cơm manh áo của nhân dân hiện nay mới là điều vô cùng nhức nhối. Giải quyết cách nào cho hàng triệu người đang đói? Ta đang chiến thắng hay ta đang bị cô lập? Liên Xô chỉ viện trợ vũ khí. Kinh tế ta tự lo lấy. Nông trường, thủy lợi, thực tế không gia tăng sản xuất, chỉ làm khổ đồng bào, lại còn manh nha khói súng ở chiến trường tây nam.

Nhớ tối hôm qua, đứa con gái duy nhất đang sống với ông nhắc nhở sắp tới ngày giỗ Má nó … Ông không ngờ … Niềm cô đơn kéo đến. Bóng dáng của người vợ hiền vụt qua khiến ông nhắm nghiền đôi mắt.

- Báo cáo thủ trưởng… Viên hậu cần xuất hiện trước cửa phòng đứng tần ngần với chiếc áo ngự hàn cũ kỹ khá dầy trên tay. Chiếc áo ngự hàn là kỷ vật duy nhất của người vợ chiến đấu không rời nó từ làn sương sớm cho đến khoắt khuya.

- “Qua” không lạnh đâu em. Nếu được, em cho “qua” bình trà nóng với hai cái ly. Nhớ đậm nghen. Giọng miền Namấm áp đầy tình cảm đối với thuộc hạ.

- Báo cáo rõ. Viên hậu cần nhanh nhẹn lui ra cửa.

Mưa hoài không dứt, càng lúc càng nặng hạt. Chưa vội ra lịnh cho viên chấp pháp dẫn tội nhân luật sư lên phòng chấp cung. Ông già nhắp chén trà bốc khói nước đầu. Thứ trà này tiếp quản từ kho của một tay tư sản mại bản gốc Hoa ở Chợ Lớn. Hắn đã bỏ chạy ra nước ngoài. Anh em chia nhau mỗi người một gói để dành sáng tối nhâm nhi. Ông cũng gởi một gói cho “anh Ba” ngoài đó, thứ này ảnh mê lắm. Hôm nay ông muốn đãi viên tù nhân luật sư Sàigòn ngang bướng “có tài có tật”.

Nhắp thêm nước hai, ngả lưng ghế, “ông già” không khỏi thả đầu về quá khứ với bao nhiêu kỷ niệm.

…..

Dư âm buổi liên hoan vẫn còn lưu luyến. Đống lửa rừng chưa kịp dập tắt. Bộ đội trở về lán trại, riêng “ông già” vẫn ngồi vo tròn bên cạnh “bà già”. Đống lửa bập bùng rừng núi sắp tàn rọi lên khuôn mặt “bà già” thoáng nét ửng hồng. Một giây xao xuyến, “ông già” bắt gặp tia mắt lấp lánh trẻ trung của “bà già” hiện ra như ngày nào. Lửa khiến đôi má bà ửng đỏ dưới mái tóc đốm bạc quấn tó gọn gàng. Bả đang còn vui với thằng con trai tuổi đôi mươi oai dũng trong bộ đồ trận mầu lá rừng giải phóng quân. Thằng con đang say sưa ôm cây lục huyền cầm bắt giọng cho đám bộ đội trẻ ngồi lổm nhổm quanh đống lửa:

- “Đêm nay trên đường hành quân…”, một hai ba:

- “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác…”; “Tiến về đồng bằng ta quét sách giặc thù, tiến về Sàigòn giải phóng thành đô…”

“Bà già” huých cùi chỏ vào cạnh sườn “ông già” ghé sát tai ông nói nhỏ:

- Chà… coi bộ thằng Hai nó nghệ sĩ quá hen. Vẫn đăm đăm nhìn vào đống lửa, “ông già” nói:

- Ờ… thì hồi đó tui cũng nghệ sĩ dzậy, bộ bà không nhớ sao?

- Xí! Ai mà thèm nhớ.

- Trận nay bà đi với thằng Hai trong đoàn A tiền phương nhớ rèm cặp nó nghen.

- Dạ.

Ông già ngước lên nhìn bao quát không gian. Từ nhỏ thường theo Ngoại ra thăm đồng, ông học được cái tính đoán thời tiết của ông Ngoại; trước khi bước ra khỏi nhà phải quan sát đất trời, nghe ngóng gió, giơ tay hứng độ nóng của nắng, nhìn mây, nhìn về chân trời đoán mưa, thậm chí hít ngửi mùi đất … Một luồng gió lạ cũng phải để ý, ngửi nó mùi gì.

Một luồng gió mạnh thổi hắt qua đống lửa rừng. Ông già giật mình. Ông vội đứng lên lấy tay che tầm mắt hướng về xa xa, ông nhìn thấy đám mây đen chấm nhỏ từ chân trời. Ông ngửi thấy đầu hướng gió đang rình rập nhả cơn bão rớt. Nó sẽ từ cái chấm đen nho nhỏ xa xa. Chỉ mới cách vài giờ, trung ương điện báo lễ xuất quân, êm. Bầu trời quá đẹp, xanh ngắt một mầu chiều rừng núi. Dấu hiệu của sự lành báo cho trận đánh dứt điểm tọa độ yết hầu.

Đúng, đúng cái chiều hôm đó, trời quang mây tạnh sắp sửa nổi trận mưa thiên tai. Dân Nambộ nhìn trời biết trận mưa này thúi đất. Ông già giơ bàn tay hứng sức nặng hạt mưa. Sấm nổ sét chớp liên hồi dấu hiệu trận mưa này có thể kéo dài mấy ngày đêm. Cũng là yếu tố tốt, bất ngờ nhưng nó có khả năng làm trở ngại đoàn quân. Vô tuyến thời tiết không nói gì đến chuyện này. Mưa chiều nắng sớm ở miệt này không nằm trong dự báo của vô tuyến, nó nằm trong kinh nghiệm chiến trường. Tận dụng thời tiết xấu để tấn kích là sở trường của quân giải phóng; bù lại chiến sĩ quáù khổ cực, nhứt là các đơn vị pháo di chuyển.

Bóng đêm phủ xuống căn cứ mịt mùng. Những giọt mưa nặng hạt dập đống lửa liên hoan tắt ngúm. Mưa đổ xuống như lật trời. Nước từ các gò đất cao tràn xuống các lỗ trũng, cuồn cuộn ngập kín các con đường mòn. Hạt mưa càng lúc càng nặng, gió lốc tứ phía tung tốc toé mái lán dừa ngụy trang hầm chỉ huy ẩn núp kín đáo dưới gốc cây lớn. Gió hung tợn lay chuyển cả cánh rừng già đang che chở đoàn quân tới giờ xuất quân. Hạt mưa bay theo ngọn gió như ngọn roi quất vào mặt những người lính gan lì bắt đầu di hành. Chỉ thị tuyệt đối yên lặng trong di hành. Tất cả các đường vô tuyến liên lạc đều im. Cả đoàn quân lầm lũi đi trong mưa tiến về mục tiêu tập kết.

Lợi dụng mùa khô vừa dứt hạn, trung ương Miền chỉ thị phải tận dụng mùa mưa tới triển khai chiến dịch. Bài học chiến trường dạy kinh nghiệm đánh địch trong mùa mưa luôn tạo ưu thế thắng lợi. Xuất quân trong đêm nay cũng không ngoài yếu tố thời tiết. Ưu điểm dụng quân trong thời tiết xấu, khuyết điểm là khó định vị chính xác phương hướng di chuyển trong đêm mưa, hành quân sẽ không đạt yêu cầu giờ tập kết hỏa lực.

Để lừa trinh sát địch, điểm tập trung số 1 chạy bọc sau lưng hỏa điểm tấn công, bộ phận trung tâm tấn kích bọc hậu. Đây là trậïn đánh quyết định nhằm khai thông tuyến hậu cần mở đường cho đoàn tăng.

Ông già chịu trách nhiệm chỉ huy đoàn tăng sau khi chủ lực “cắt” bộ phận địch án ngữ. Mạn bắc của tọa độ cao căn cứ hung hiểm nhất quan sát sâu toàn bộ con đường di chuyển của tăng sau khi dứt pháo dập, đại quân đoàn A xung phong “càn” hỏa điểm.

Đoàn A tiền phương di hành đến khoảng 2 giờ khuya, bỗng nhiên vô tuyến Miền truyền khẩn phải dừng ngay tức khắc, phải tức khắc và phải đào hố thật sâu thật nhanh. Đoàn A đi lạc vào “bãi”. Lịnh truyền cấp tốc xuống từng tiểu đội. Ông già gắt giọng trên tần số:

- A tới đâu rồi?

- Báo cáo, A vẫn còn dậm chân trong “hộp”.

- Lịnh tất cả phải đào hố ngay tức khắc.

“Hộp” đây ám chỉ “hộp chết”. Hộp chết là “bãi” hủy diệt. “Hộp” là mật ngữ chỉ “bãi” đánh bom của bọn “bê”. “Bê” là pháo đài bay B52. “Bãi’ được khoanh trên nhiều tọa độ, thường là chung quanh căn cứ hỏa lực của địch. Bãi loại 1, loại 2, loại “lừa”. Bãi lừa bọn “bê”. Mội bãi khoanh vùng rộng khoảng từ một đến ba bốn cây số vuông. Tuy trận liệt vẽ trên hệ thống tình báo các bãi lừa, nhưng tình báo “bê” cũng không vừa. Với hỏa lực vô hạn, “bê” thừa mưu kế dụ đoàn quân vào sâu “trung tâm thảm”, tiêu diệt. Cấp số hủy diệt sinh lực rất cao, rất nhanh. Không một sinh vật nào có thể sống sót trong chu vi nếu lọt vào “hộp chêát”.

Tư lệnh chiến trường phải nắm thật chặt bãi giả bãi thật khi chiến trường nổ ra. Vô tuyến bí mật sẽ báo từng phút, hướng, đường bay của “bê” để lo … “chém vè”. Trên khắp nẻo chiến trường, chỉ cần biết trước vài giờ “bê” kéo đến là bảo toàn được sinh lực. Mạng lưới tình báo chiến lược và các chuyên viên truyền tin giải mã dò từ các làn sóng phải cực kỳ nhạy bén và cấp thời. Báo động sớm chừng nào thì cơ hội thoát nhanh ra ngoài vìa trung tâm thảm, thoát khỏi hỏa lực khốc liệt của “bê”.

“Bê” là vũ khí chiến lược, con chủ bài của cuộc chiến xâm lược lớn nhất sau thế chiến thứ hai.

Đặc điểm của “bê” là nó bay từng đoàn, thông thường từ hai đến bốn chiếc, đa phi vụ xuất phát từ đường băng “U Tapao”. Từ tây qua đông, từ tây nam qua đông bắc. Động cơ gầm thét của B52 được bảo vệ bởi một đoàn “con ma”, “thần sấm”, “tia chớp”. Nhờ những đứa con này mà động cơ gầm trời của nó âm u từ rất xa, rất cao, nhưng cũng đủ làm rung động nhè nhẹ mặt đất. “Ngửi” được nó, “nghe” được nó, đòi hỏi kinh nghiệm lão luyện chiến trường.

Không cách nào thoát được trong một thời gian ngắn một khi đã lọt vào tọa độ hủy diệt. Dù có đào hố cá nhân cực nhanh, sâu, nhưng vẫn không thể chịu đựng sức ép của hàng ngàn tấn bom lửa nổ liên hồi kỳ trận; những cái chết hộc máu chứ không vì mảnh bom.

Kinh nghiệm đau đớn để lại “hộp chết” là cái chết của một Đại tướng. Ông ta đã hộc máu trên đường hành quân khi vô tình “lọt” vào “bãi”.

Toàn thân ông già đột nhiên run rẩy mạnh. Ông lao đao muốn té. Viên bảo vệ hốt hoảng kêu lên: anh Sáu, anh Sáu có sao không?

Mặt ông già tái ngắt dưới ánh sáng chớp liên hồi của máy siêu tần số. Căn bệnh sốt rét rừng quái ác tái lại. Không. Bọn “bê” sắp tới. Chỉ còn khoảng mươi phút nữa, “hộp chết” lập loè trên bản đồ trận liệt. Linh cảm cộng với kinh nghiệm chiến trường đã cho ông già “ngửi” được tiếng “nó” ì ì từ xa vọng về theo mưa gió. Nhưng không kịp nữa. Đoàn A đã di chuyển lạc vào “bãi”. Mưa!

Một hy vọng mong manh thoáng qua óc ông già; chỉ mong “bãi” này là “bãi” nghi binh.

Hàng ngàn quân tiền phương A đang dậm chân trong đó. Tình báo chiến lược nhấp nháy liên tục trên siêu tần số. Đoàn A đã di chuyển lạc vào “bãi” vì trận mưa thúi đất.

Lỗi tại ai? tại đâu? Tại mưa trận mưa thúi đất? Hay tại tư lệnh đoàn A. Tư lệnh đoàn A chính là “bà già” búi tó, là người vợ chiến sĩ của mình.

“Bà già”, khuôn mặt ngây thơ ngày xưa ấy, đêm đêm ngồi bên bếp lửa rừng khuấy tô canh rau mương cải, nung nồi cá lóc kho muối, ân cần bới chén cơm thơm, lại thằng con trai duy nhất ôm cây đàn ghi ta, đại đội đầu đàn đoàn tiền phương tham gia chiến dịch càn hỏa điểm mạn bắc.

Vai ông già rung lên bần bật. Tất cả đoàn A đã vong mạng trong “hộp tử thần”.

Vài hạt mưa lọt qua khung cửa hắt vào mặt ông già. Mưa Sàigòn không thúi đất nhưng đã ngập trong đôi mắt hoắm sâu dấu sau cặp mắt kiếng mịt mờ bụi nước.

Như sợ ai dòm thấy mình, ông già vội vàng móc miếng vải, cái khăn mù xoa của vợ khi xưa lau lau cặp kiếng trắng.

20.

Cuộn tròn trên cái phần xi măng chia cho chật cứng. San vắt tay lên trán. San nhớ lại cuộc đấu khẩu vừa qua với ông tướng cao lớn như tây. San chuẩn bị ý nghĩ cho lần chấp cung sắp tới. Tin riêng của truởng phòng tù ở ngoài đời là bạn, báo nhỏ cho biết San sắp gặp một thủ trưởng người miền Nam, cấp tiến, cởi mở. Cơ hội rất tốt.

- Lôi cổ nó ra xem nó còn chửi không! Giọng hùng hổ của viên giám thị. Tiếng xích sắt mở cửa kêu leng keng.

- Đả đảo cộng sản! San gầm lên dữ dội từ trong “cát xô”. San chui ra cửa, chưa kịp thấy cơn mưa, một bàn tay ở đâu nắm chặt lấy tóc San. Bịch, bịch, bịch… hai ba gã cao lớn che khuất cửa tù vung tay liên tiếp vào cái bóng người thâm thấp hắt dưới cơn mưa u ám. San ngã vật xuống. Mồm San mằn mặn. Giọt mưa thấm máu từ mũi, từ mắt, từ mồm San tuôn ra. Bóng đêm đen tối che dòng máu hồng, dòng máu của người Việt Namloang trên nền xi măng số 4 Phan Đăng Lưu, số 4 giữa thành phố hao lệ Sàigòn.

Hai viên công an lôi xềnh xệch San vứt trước cửa phòng chấp pháp.

- Báo cáo thủ trưởng …

- Thôi! Ông già bước ra cửa quát lên. Nó không hiểu gì cả! Cho nó về lim.

Truởng phòng tù Hồ Đức bước vào cát xô hét như lệnh:

- Tôi đã nói rồi, bác Hồ đã nói rồi, phải nín thở trong tù, nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, chân lý cho những người ở tù là phải tìm đủ mọi cách để ra tù!

Quay qua người tù bên cạnh, Đức Hồ nói thật khẽ: còn muối không?

21.

Số 4 Phan Đăng Lưu mấy tháng sau không thấy ông tướng cao lớn như tây ghé lại, không thấy ông trí thức trắng trẻo lên lớp, không thấy bóng bộ bà ba đen khăn rằn quấn cổ cười cười; nghe nói họ đi hành quân xa. Tiếng súng từ phía nam, phía bắc vọng về thành phố mang tên bác.

Cũng không nghe thấy tiếng hò hét chửi rủa ở cát xô số 4, nghe nói họ đã được “mời” về cư trú ở khám lớn Chí Hòa.

Xuyên qua kính cửa sổ, ánh sáng nhạt nhòa từ bóng đèn vàng vọt trong căn phòng chấp pháp, bóng ông già chắp hai tay sau lưng đi qua đi lại. Ngồi phịch xuống ghế bành ông gọi người hậu cần:

- Đổi cho “qua” bình trà mới đi em./

Lý Kiến Trúc

Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam

(1) Trích từ “Vì Sao Chúng Tôi Tranh Đấu”; “Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người VN Khốn Cùng” và trích lần nữa từ bài phát biểu của Thẩm phán Phan Quang Tuệ nhân ngày khai mạc Đại Hội MLNQ kỳ X tại Westminster, California, Oct. 21. 2011

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.