Hôm nay,  

Trúng Giải Lại Chưa Trúng Mối

27/02/201200:00:00(Xem: 10335)
Nghệ thuật và Thương mại: giải Oscar giữa mùa kinh tế khó khăn...

Từ chục năm nay, có một ngày người viết phải làm hai chuyện một lúc: mắt dán lên màn ảnh theo dõi lễ trao giải điện ảnh cao quý nhất của Hoa Kỳ và tay gõ một bài về giải thưởng đó!
Âu cũng là một... hy sinh cho nghệ thuật khi mình không được thưởng thức hết chuyện độc đáo ngoài tiền trường trải thảm đò rực mà đã phải nghĩ đến độc giả sẽ đọc bài trong số báo hôm sau. Mà phải hoàn tất càng sớm càng hay! Vì cùng lúc đó, ban biên tập của Việt Báo cũng ghìm bản in, đợi đến lúc cuối để kịp ghi kết quả trước khi đưa qua bộ phận ấn loát.
Phải chi, lễ trao giải của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Hoa Kỳ - mà chúng ta quen gọi là Giải Oscar - được tổ chức ở miền Đông Hoa Kỳ, như tại New York chẳng hạn, thì tại đất California ở miền Tây mình đã có thêm ba tiếng đồng hồ xoay trở vẽ voi!
Nói như vậy thì quả là tay mơ và còn chẳng biết đến nỗi khó khăn của dân làm báo miền Đông! Họ phải đợi quá nửa đêm bên đó mới rõ kết quả ở miền Tây để đưa báo đi in. Dù đã sống trong một thế giới điện tử, những trở ngại ấy vẫn gây vấn đề không nhỏ.
Nhân chuyện Đông-Tây, có lẽ cũng nên nhìn ra cái trục đối lập giữa New York và Hollywood.
***
Giải Oscar được giới điện ảnh Hollywood nghĩ ra và tổ chức lần đầu vào năm 1929, năm tháng trước vụ tuột giá chứng khoán tại New York, biến cố dẫn tới nạn Tổng khủng hoảng toàn cầu 1929-1933. Năm nay là lễ trao giải thứ 84, thường được tổ chức tại một sảnh đường nguy nga của thành phố Los Angeles. Cho những người ở xa: Hollywood là một đơn vị hành chánh ở phía Tây Bắc trong thành phố này.
Còn New York là một trung tâm kịch nghệ Hoa Kỳ với các sân khấu Broadway của mấy chục rạp hát nên cũng là ngọn hải đăng về nghệ thuật trình diễn. Khác nhau là tấm màn nhung hay màn ảnh, nhưng một trời một vực!
Thói thường thì đồng nghiệp tương lân hoặc đố kỵ: dân diễn kịch sống trên sân khấu thường nghĩ rằng họ mới là làm nghệ thuật đích thực, chứ nhiều khi điện ảnh chỉ là xảo thuật! Ngược lại, người đóng phim và làm phim thì cho rằng mình mới sáng tạo, chứ kịch cọc thì máy móc quá.
Chỉ khi nào diễn viên kịch nghệ đi từ miền Đông qua đóng phim ở miền Tây và thành công xuất sắc thì chúng ta mới có cảnh Đông-Tây đề huề trên đất Mỹ.
Một nghệ sĩ điển hình của trường hợp này chính là kịch sĩ Meryl Streep, năm nay lại được đề cử cho giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Chưa kể 26 lần đề cử cho giải Golden Globe, nàng được vinh dự vào giải Oscar 17 lần, hơn hẳn mọi nữ diễn viên cổ kim và đã hai lần ôm tượng Oscar về nhà! Nhưng có lẽ năm nay, trong vai nữ Thủ tướng Magareth Thatcher của Anh, Meryl Streep sẽ lọt mất pho tượng vàng, đó là dự đoán hơi buồn của người viết!
Nhìn từ Hollywood, New York lại còn một tội nặng hơn.
***
Đó là chứa chấp khu vực Wall Street tội lỗi của doanh trường!
Hollywood mới là nghệ thuật chứ New York chỉ là lòng tham. Năm qua, phong trào chống đối tài phiệt gian tham khởi đi từ việc chiếm đóng Wall Street khiến nghệ sĩ Hollywood hài lòng không ít. Ôi, cuộc tranh luận tuyệt vời giữa nghệ sĩ và trọc phú, giữa nghệ thuật và thương mại!
Ngẫm lại, xưa nay, Hollywood nổi tiếng với các cuốn phim kết án bọn doanh gia gian tham và nhiều câu đối thoại trong phim đã là thành ngữ thông dụng trong dân gian.
Phim "Network" có một câu để đời của nhân vật Arthur Jensen, do Ned Beatty thủ diễn: "Không có nước Mỹ. Không có dân chủ. Chỉ có các tập đoàn IBM và ITT và AT&T và DuPont, Dow...." Nói cứ như người Hà Nội... trước thời đổi mới vậy!
Trong thể loại kết án doanh gia tài phiệt, khét tiếng hơn cả thì có phim... "Wall Street" với Michael Douglas trong vai tài phiệt Gordon Gekko. Người ta có thể quên rằng diễn viên này đã đoạt giải Oscar năm 1987 là nam tài tử xuất sắc nhất, mà khó quên được lời phát biểu của nhân vật Gekko – con tắc kè hoa! Ai bảo là người Mỹ không biết đểu – trong cuốn phim: "Tham là Tốt."
Chân lý không thể nào tiêu biểu hơn cho Wall Street!
Mà trật lấc!
Vì Hollywood còn có sở trường là kết án lòng tham để hái ra tiền! Điện ảnh cũng là – và trước hết phải là – kinh doanh. Không có thực thì ai vực được đạo? Và đây mới một chân lý Hoa Kỳ: trên thế gian này, không nơi nào người ta lại chống Mỹ bằng dân Mỹ.
Nghệ thuật siêu quần của Hoa Kỳ là tự phanh phui mọi thói xấu, xong rồi, ngỏn ngoẻn nhét tiền vào túi. Cứ tin vào lập luận chống Mỹ của người Mỹ thì có khi oan tiền!
***
Trở lại chuyện Oscar, vì trên màn ảnh của đài ABC, dập dìu tài tử giai nhân cùng nam thanh nữ tú đã múa xong phần hoa thơm bướm lượn trên thảm đỏ trước cả ngàn ống kính. Ba tiếng đồng hồ đằng đẵng chứ không ít! Ai mặc áo gì, do nhà thiết kế thời trang nào vẽ kiểu, ai là người đẹp nhất đêm nay, người nào đi với ai vào đài vinh quang đó?... Những câu hỏi phù du này là loại thịt tươi của báo chí vì hình như rất được khán giả quan tâm theo dõi.
Có một chi tiết hơi buồn là Halle Berry sẽ không tham dự. Đoạt giải Oscar năm 2001 là nữ diễn viên xuất sắc nhất, hình như nghệ sĩ da đen khả ái này gặp hiện tượng gọi là "lời nguyền rủa của Oscar", tức là sau phút vinh quang lại chìm vào bóng tối đển hết xủi tăm, hoặc bị hết vận này đến hạn khác. Đáng lẽ là một trong các tài tử giới thiệu một giải thưởng, Halle Berry đã từ chối vào phút chót vì một cú ngã từ Tháng Chín.

"Lời nguyền rủa của giải Oscar"? Chuyện khá ly kỳ, nhưng xin để vào dịp khác vì các nghệ sĩ đã vào bên trong rạp Kodak, tên mới là Hollywood and Highland Center. Câu hỏi rất thời thượng mà cũng thiết thực của mọi người, nhất là các nhà sản xuất phim ảnh, là giải Oscar có hái ra tiền không?
Xin tạm quên sân khấu hào nhoáng mà quay lại khúc phim này.
Khi tác phẩm còn đang trình chiếu trên màn ảnh, nếu có thông báo là được đề cử cho một giải nào đó trong 24 giải thưởng lớn nhỏ của viện Hàn lâm thì khán giả có đi xem nhiều hơn không? Việc tác phẩm trúng giải có giúp gì cho số thu không, nếu cuốn phim được phổ biến sau đó dưới dạng đĩa Blue-Ray hay DVD?
Đó là hiện tượng "Mùa Oscar", từ ngày tuyên bố kết quả đề cử đến ngày trao giải, một khoảng thời gian nhức tim mà cũng là một cơ hội vận động trong hậu trường để tranh thủ lá phiếu của ngần sáu ngàn người trong ban chấm giải.
Trước đây, người ta thường trao giải Oscar vào quãng Tháng Tư, Tháng Năm, để vinh danh các tác phẩm trình chiếu trong năm trước. Nhưng, việc đoạt giải thưởng về nghệ thuật có ảnh hưởng đến kết quả thương mại nên đã có nạn... lobby, một hiện tượng rất Mỹ. Cũng rất Mỹ, từ năm 2004, ban tổ chức bèn quyết định làm lễ trao giải sớm hơn, vào quãng Tháng Hai Tháng Ba, để tránh bớt cái nạn vận động.
Chuyện ấy cho thấy một chân lý dễ hiểu về nghệ thuật hái ra tiền: giải thưởng bên trong hội trường có làm nẩy số thu ngoài thị trường.
Nhưng năm nay thì không!
***
Người Mỹ làm gì cũng nghiên cứu rồi tính toán hơn thiệt. Họ nghiên cứu xem là từ khi các giải đề cử được tuyên bố, năm nay là ngày 24 Tháng Giêng, cho đến ngày trao giải, số thu của các tác phẩm đã nhẩy vọt được bao nhiêu?
Kỷ lục từ ba chục năm qua là vào năm 1989, khi số thu tăng được 38% trong khoảng thời gian hồi hộp của "Mùa Oscar". Năm nay, bước nhẩy vọt chỉ có 13%, một trong tám cú nẩy cụt ngủn nhất! Nói theo kiểu kế toán, chín phim được đề cử là tác phẩm xuất sắc nhất trong năm chỉ hái được 518 triệu Mỹ kim, chưa bằng phân nửa của 10 phim năm ngoái - một tỷ 200 triệu đô la!
Có thống kê về hiện tượng rồi, người ta tìm hiểu về bản chất. Nguyên nhân tại sao?
Một trong nhiều lý do là tác phẩm có hy vọng đoạt giải xuất sắc nhất trong năm, ngoài chín giải đề cử khác, lại là phim câm. The Artist. Câm từ đầu cho đến mấy phút cuối!
Người Mỹ ồn ào náo động không ưa loại nghệ thuật câm nín đó. Năm ngoái, cuốn phim về ông vua cà lăm, The King Speech, có số thu tăng gấp đôi trong mấy tuần chờ đợi. Chân lý: thà là nói ngọng thì vẫn hái ra tiền. Chứ cứ nhảy múa mà không nói thì khán giả Mỹ lại chê.
Thê thảm hơn vậy, người ta còn tính trước là năm nay, cũng do sự thành công của cuốn phim câm mà khán giả sẽ ít the dõi lễ trao giải hơn. Làm hệ thống truyền hình ABC của công ty Walt Disney có thể thất thâu! Họ đành tự an ủi là trong các tác phẩm được đề cử năm nay, phim "The Help" của Walt Disney cũng đã vớ bộn, gần 170 triệu tờ giấy xanh chứ không ít.
Mà tội lỗi không chỉ vì cuốn phim câm! Hầu hết các phim được đề cử trúng giải tác phẩm xuất sắc nhất đều có số thu khá èo uột. Như Hugo, Moneyball, hay War Horse và The Descendants....
Hoá ra là vì kinh tế? Mấy ai muốn lên xe, ra khỏi nhà, tìm chỗ đậu rồi bỏ ra 22 tì mua vé và bắp rang để ngồi hai tiếng đằng đẵng trong rạp khi mà ngoài đời thiên hạ đang ta thán vì kinh tế khó khăn? Sự thật có lẽ lại không hẳn như vậy vì tình hình kinh tế năm nay tương đối đã có vẻ khá hơn năm ngoài...
Trên màn ảnh, Billy Crystal đã xuất hiện trong vai quản diễn sân khấu. Tám năm nay, nghệ sĩ duyên dáng mà không suồng sã lố lăng mới lại trở về làm người giới thiệu chương trình. Hoa Kỳ là nơi vật đổi sao dời, được mời đảm nhiệm vai trò hoạt náo này lần thứ chín thì cũng là biệt tài của Billy.
Năm nay, trong phần phụ diễn văn nghệ có gánh xiệc của Gia Nã Đại, Le Cirque du Soleil. Quả là danh bất hư truyền!
Xưa nay, một số nghệ sĩ không thèm dự lễ trao giải và khi đoạt giải thưởng có người còn từ chối pho tượng vàng: họ coi đây là gánh xiếc! Nổi tiếng thì có George C. Scott doạt giải tài tử xuất sắc nhất (Oscar 1970) và Marlon Brando (Oscar 1972) trong vai Bố già Corleone.
Ngẫm lại thì chúng ta đều... mắc bẫy cả!
Cứ như chuyện Thiền tông hay võ công của Lệnh Hồ Công tử trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ: nghệ thuật siêu hạng là làm như không có nghệ thuật! Hollywood có nghệ thuật siêu hạng là kiếm tiền bằng nghệ thuật và cứ ra vẻ khinh rẻ bạc tiền chứ làm gì thì cũng tiến ra tình... là tính ra tiền.
Cho nên, sau khi tác phẩm hoàn tất, người ta tận dụng nghệ thuật nối tiếp là quảng cáo và trong việc trao giải thưởng, nhiều người rất tích cực tính toán đến việc quảng cáo. Vì vậy, có người mới phàn nàn rằng nhiều khi giá trị nghệ thuật của tác phẩm hay nghệ sĩ không được phản ảnh qua giải thưởng. Thiếu gì tác phẩm, đạo diễn hay tài tử xuất sắc mà lại chẳng được vinh danh?
Và ngược lại, nhiều khi giải thưởng cũng chẳng đóng góp gì thêm cho sự thành công về thương mại! Như tình hình của năm nay! Kinh tế không thể giải thích tất cả. Đấy là một lẽ. Lẽ kia là "vạn sự giai ảo". Hài kịch cả: Hollywood có thể tróc nã Wall Street bằng phim ảnh chứ thật ra thì cũng là cái bình thông đáy. Có chung một cuống rốn.
Nhưng thôi, trên kia ánh sáng đã chói lòa ba tiếng cồng khai diễn rồi: Morgan Freeman vừa xuất hiện để khai mạc đại lễ với những đoản phim đầy chất khôi hài để dẫn qua Billy Crystal. Xin đậy nắp bút, ấn nút gửi bài và khoan thai thưởng lãm trước khi có điện thoại nửa đêm từ Paris để nói về... kinh tế Việt Nam...
Hẹn nhau Oscar 85!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.