Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến:

25/02/201200:00:00(Xem: 12714)

Buồn Vào Hồn Không Tên

buon_nhac_si_truc_phuong-large-content: Nhạc sĩ Trúc Phương.

buon_vu_duc_nghiem-large-content: Vũ Đức Nghiêm. (Ảnh:honque.com)

Có lần, tôi nghe giáo sư Nguyễn Văn Lục phàn nàn:

“Người cộng sản có một sự sắp xếp rất máy móc, đơn giản về con người và sự việc. Hoặc họ coi là bạn, hoăc là kẻ thù của họ. Miền Nam sau 1975 có chiến dịch đi 'tìm thù' và biến miền Nam thành mảnh đất hung bạo với những ngữ từ quen thuộc như: Quét sạch, đánh phá, truy lùng, tố cáo.”

Gần bốn mươi năm sau, sau cái chiến dịch “tìm thù” bắt đầu từ năm 1975, có bữa tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc thì chuông điện thoại reo:

- Tiến hả?

- Dạ... 

- Vũ Đức Nghiêm đây...

- Dạ...

- Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?

- Dạ ...cũng được!

Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Tôi cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được - mấy cha?

Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi ... ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!

Vũ Đức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối - cùng với nước mưa và nước mắt - đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.

Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:

Gọi người yêu dấu bao lần.

Nhẹ nhàng như gió thì thầm.

Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.

Gọi người yêu dấu trong hồn.

Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.

Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…

- Hình như là nhạc Vũ Đức Nghiêm ... Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.

- Em nói nghe cái gì?

- Anh thử nghe nhạc coi...

- Nhạc của ai?

Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn:

- Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu mà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ổng ... sướng nha!

Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Đúng lúc, chủ quán bước đến:

- Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?

- Dạ không, không có gì đâu. Never mind!

Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Đức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Đức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và ... ngơ ngác!

Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội ) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn ai, ở lứa tuổi hai mươi - dù trong hay ngoài nước - còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Đức Nghiêm nữa. Thời gian, như một giòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.

Vũ Đức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ bên bờ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam đã cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.

Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất:

“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình. Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ra chào đời năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình - một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long...”

“Nhạc của Trúc Phương thường buồn, rất buồn. Trong số những ca khúc của ông, hình như, chỉ có hai bản vui. Đó là: Tình Thắm Duyên Quê và Chiều Làng Em. Riêng bản Chiều Làng Em nói rằng vui là so sánh với những sáng tác khác của ông. Chứ Thực ra, bản nhạc này tuy có nội dung êm đềm trong sáng nhưng giai điệu của nó cũng man mác buồn. Không hiểu vì cuộc đời của Trúc Phương vốn nhiều chuyện buồn và đã được ông gửi gấm vào dòng nhạc hay vì ông thích sáng tác nhạc buồn nên riết rồi nó ám vào người, chỉ biết những sáng tác phổ biến nhất, nổi tiếng nhất của ông đều là những ca khúc buồn: Chiều Cuối Tuần, Nửa Đêm Ngoài Phố, Tầu Đêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Đường Chiều ...”

Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được Trung Tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết:.

“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rài đây mai đó,'bèo dạt hoa trôi'…Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách... là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về…. như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm…. Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi ,tôi đành phải trải chiếu gần chỗ 'thằng cha đi tiểu vỉa hè', thế rồi cũng phải nằm thôi.Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn…Tôi nghĩ mà thôi , còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”

Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến - vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:

“Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”

“Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn ba mươi ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ 'cộng hoà' vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình. Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những 'con tim chân chính' trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.” 

Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn - trên báo Pháp Luật số ra ngày 1 tháng 2 năm 2012:

“Ngày 31-1, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức ... Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi. Hai thanh niên múa phụ họa. Quan sát đoạn video chúng tôi thấy nhiều cán bộ hào hứng xem tiết mục 'lạ mắt' này. Có cán bộ còn dùng điện thoại quay lại cảnh hai cô gái biểu diễn, ưỡn người và ngực về phía khán giả. Nhiều người tham gia rất hào hứng, chỉ trỏ, thì thầm vào tai nhau...

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch phường kiêm Chủ tịch Công đoàn phường ... bà Tuyền lý giải: 'Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ...”

Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà qúi vị cán bộ cộng sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn ... đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Đức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh - trên một manh chiếu rách - với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.

Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứ cách mạng (thổ tả) của những người cộng sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả - xem ra - không có gì, ngoài tộc ác!

Tưởng Năng Tiến

+++

Những Chọn Lựa Khó Khăn Của Hoa Kỳ

Thanh Hà & Nguyễn Xuân Nghĩa RFI

Biện pháp cần thiết là phải giảm chi để chính trường khỏi vét tiết kiệm của thị trường...

Năm nay, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử, hiện tượng bốn năm xảy ra một lần, khi dân chúng bầu lại tổng thống, toàn thể 435 dân biểu Hạ viện, 33 nghị sĩ Thượng viện, 10 thống đốc tiểu bang, chưa kể nhiều chức vụ dân cử khác ở địa phương. Nếu Tổng thống Barack Obama bên đảng Dân Chủ là ứng cử viên ra tái tranh cử thì các cuộc bỏ phiếu ở vòng sơ bộ bên đảng Cộng Hoà vẫn chưa ngã ngũ, với ba ứng cử viên ráo riết tấn công nhau từ dưới cơ sở để được đề cử.

Năm nay cũng là năm thứ tư, kể từ cuộc tranh cử vào năm 2008, mà Hoa Kỳ phải chật vật tìm ra lối thoát kinh tế sau nạn suy trầm và khủng hoảng tài chính hồi Tháng Chín 2008 với thất nghiệp còn quá cao và gánh công nợ quá nặng. Trong khi các ứng cử viên và nói chung, cả hai đảng lẫn dư luận nhiều phía tranh luận về các giải pháp thoát hiểm, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem đâu là vấn đề và khách quan mà nói đâu là những giải pháp cần thiết cho nước Mỹ?

Mục Tạp chí Kinh tế của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở tại Hoa Kỳ về những câu hỏi đó.

RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Thưa anh, Hoa Kỳ hiện đang có khá nhiều kỷ lục, như bị bội chi ngân sách cao nhất kể từ Thế chiến Hai, hoặc mắc nợ nhiều nhất so với tổng sản lượng. Kinh tế Mỹ chưa hồi phục và nếu thất nghiệp có giảm đôi chút từ vài tháng nay thì số người tham gia thị trường lao động còn giảm nhiều hơn vì nản chí hết muốn tìm việc nên thất nghiệp thực tế vẫn còn cao.

Năm nay, Hoa Kỳ lại có bầu cử mà hình như cuộc tranh luận về các giải pháp kinh tế còn khiến người ta hết biết đâu là phương cách kinh tế, đâu là thủ thuật chính trị và có khi giải pháp ngắn hạn này lại gây vấn đề khác trong dài hạn mà cử tri chưa chắc hiểu ra. Vì vậy, RFI đề nghị anh trình bày bức tranh toàn cảnh và sự chọn lựa khách quan mà anh cho là cần thiết cho nước Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin phép nhắc lại bài học nhập môn về kinh tế chính trị là "giá trị của mọi quyết định kinh tế phải được thẩm xét một cách toàn diện - xem lợi hại ra sao cho mọi thành phần kinh tế - và một cách trường kỳ - xem kết quả ngắn hạn có gây hậu quả bất lợi cho lâu dài hay chăng". Đó là tinh thần khách quan để tránh hệ quả như cô vừa nói là "giải pháp ngắn hạn lại gây vấn đề khác cho lâu dài". Điều ấy đáng chú ý vì trong một năm tranh cử, các chính khách chỉ nhắm vào mục tiêu đắc cử ngắn hạn mà bất kể đến tai họa sau này.

- Thứ hai, cũng với tinh thần suy xét từ trường kỳ đến đoản kỳ, Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn nan giải, hậu quả của một thất quân bình tích lũy từ mấy chục năm và bị sụp đổ từ năm 2008. Nhìn từ cái trục thời gian qua trục không gian thì đây còn là tình trạng chung của khối kinh tế tiên tiến, từ Nhật Bản qua Âu Châu về Hoa Kỳ. Nói vắn tắt thì các nước vay nợ quá nhiều từ mấy thập niên liên tục nên đến lúc trả nợ. Khi phải rút ruột trả nợ thì tiền đâu ra để kích thích kinh tế hầu thoát khỏi hoàn cảnh suy trầm hoặc thậm chí nguy cơ suy thoái?

RFI: Như anh vừa trình bày thì ban đầu người ta tưởng trái bóng địa ốc bị xì năm 2006 tại Mỹ đã dẫn đến nạn khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp năm 2007 làm hệ thống tài chính bị sụp đổ năm 2008 và gây ra Tổng suy trầm 2008-2009. Nhưng hình như sự thể lại nguy ngập và có nguyên do sâu xa lâu dài hơn, cho nên mới đòi hỏi những giải pháp phức tạp hơn từ các nước công nghiệp hoá chứ không phải riêng Hoa Kỳ? Thưa anh có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và đề tài nêu ra không giới hạn vào hoàn cảnh Hoa Kỳ mà thật ra còn liên quan đến câu hỏi khác, đó là "các nền dân chủ có khả năng giải quyết nan đề kinh tế xã hội quá phức tạp hay chăng?"

- Nói riêng về Hoa Kỳ, ta thấy ra có lẽ quá trễ một chu kỳ tích lũy nợ nần kéo dài 60 năm, từ sau Thế chiến II. Khi ấy, cả tư nhân, doanh nghiệp rồi chính phủ đều vay mượn để tiêu thụ, đầu tư và trang trải phúc lợi xã hội. Chuyện vay nợ ấy có nâng đà tăng trưởng trong sáu thập niên, xen kẽ với mươi vụ suy trầm ngắn chừng một hai năm. Khi suy trầm tái diễn Tháng 12 năm 2007, người ta tưởng gặp lại chu kỳ thăng giáng cố hữu, và áp dụng loại giải pháp điều chỉnh cố hữu, như hạ lãi suất và tăng chi để kích thích số cầu nên chất thêm nợ nần lên đến trần nhà.

- Nào ngờ tình hình lại phức tạp hơn vì thất quân bình chi thu hoặc vay trả đã bị lật và người ta đang bước vào chu kỳ trả nợ sau khi đã vay quá nhiều. Tổng số nợ nần công và tư của Mỹ, từ các hộ gia đình, các ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thực tế đã lên đến 350% tổng sản lượng, tức là còn cao hơn thời Tổng khủng hoảng 1929.

RFI: Bây giờ thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra câu hỏi anh vừa nêu lên: "Nếu phải rút ruột trả nợ thì tìm đâu ra tiền để kích thích kinh tế?"

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chả những vậy, dân Mỹ còn cần hiểu ra để tránh nạn mị dân trong năm tranh cử. Đó là các chính khách hứa giải quyết bệnh tình nguy ngập bằng liều thuốc an thần để moi phiếu cử tri. Chẳng những không đi vào cốt lõi vấn đề, họ còn đưa ra liều thuốc đổ bệnh. Vì vậy, tôi mới cho rằng không chỉ có chủ nghĩa tự do kinh tế mà có lẽ cả hệ thống dân chủ đang bị thách đố trong sự khủng hoảng niềm tin của người dân vào các định chế hay các giải pháp.

- Thí dụ là đúng ba năm trước ngày 17 tháng Hai 2009, Tổng thống tân cử Barack Obama ban bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ đô la, rốt cuộc ngân sách tốn 825 tỷ mà không đạt yêu cầu, lợi tức các hộ gia đình vẫn sụt 7% kể từ đó, thất nghiệp vẫn ở mức 8,3% y như Tháng Hai 2009 và con số thực thì cao hơn vì lực lượng lao động giảm 3% khi nhiều người nản chí hết muốn kiếm việc. Hậu quả là từ đó ngân sách bị bội chi mỗi năm hơn ngàn tỷ và phải vay thêm 4.500 tỷ nên số công trái, là nợ nần của công quyền, đã vượt tổng sản lượng kinh tế. Khi đó, tranh luận chính trị bùng nổ qua nhiều trận đánh liên tục trên chính trường khiến cho ngày nay chỉ còn 12-13% dân Mỹ tin tưởng vào Quốc hội và các chính khách là sản phẩm bị phá giá!

RFI: Thưa anh, đó là trên đại thể. Về cụ thể thì sự tình diễn biến ra sao suốt bốn năm qua nếu ta lấy thời điểm báo động khi các ngân hàng Anh và Pháp như BNP Paribas bị điêu đứng vào đầu năm 2008 vì những rủi ro tài chính từ các ngân hàng Hoa Kỳ do khối nợ gọi là "thứ cấp"?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Một cách cụ thể thì khi tư nhân giảm chi và tiết kiệm để trả nợ thì chính phủ bèn tăng chi hầu bù vào sự thiếu hụt của tiêu thụ, cho nên việc kích thích kinh tế chỉ là dời gánh nợ của tư nhân lên đôi vai chính phủ, là hiện tượng "chuyển ngân" và đẩy quyền quyết định từ thị trường về chính trường. Nhưng khi gây bội chi, chính phủ phải vay tư bản trên thị trường cho việc chuyển ngân mà không tạo thêm việc làm và dân thọ thuế còn phải trả tiền lời đi vay. Mâu thuẫn hay cái vòng luẩn quẩn này nằm trong vài sự thật kinh tế sau đây:

- Tư doanh mới tạo ra việc làm, nhiều nhất từ doanh nghiệp loại vừa và nhỏ, có vài trăm nhân viên trở xuống, vừa lập ra trong vòng năm năm trở lại. Khi bỏ tiền kinh doanh vào cơ sở tân lập, nhà đầu tư phải mong có lời, nếu thuế khóa ở mức phí tổn chịu đựng nổi, cao quá là họ nản. Khi tăng chi và đi vay, chính phủ hút vốn kinh doanh của tư nhân trong khối tiết kiệm có hạn. Bội chi ngân sách quá cao và tích lũy quá lâu khiến chính phủ cần tăng thuế để bù đắp. Nhưng nếu tăng thuế thì lại cản trở đầu tư, mà đầu tư giảm sút thì lợi tức quốc dân không tăng, căn bản thu thuế co cụm và nguồn thu từ thuế khóa không đáp ứng yêu cầu quân bình ngân sách.

RFI: Qua vài câu mà hình như anh tóm tắt nhiều mâu thuẫn kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ trong bốn năm qua. Người Mỹ vừa muốn giảm chi để thu hẹp thiếu hụt ngân sách và nợ công mà lại cần tăng chi để cứu trợ xã hội và kích thích kinh tế. Họ vừa muốn giảm thuế để khuyến khích sản xuất mà lại cần tăng thuế để quân bình công chi thu. Ta có thể tóm tắt như vậy chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế và họ phải làm việc đó khi hai năm lại có bầu cử một lần nên các chính khách mới gây nhiễu âm bằng lập luận mị dân để chứng tỏ mình lo cho dân trong khi thực tế lại nghiêm trọng hơn mà ít ai dám nói ra cho công chúng. Ấn tượng tai hại ở đây là đảng Dân Chủ mới lo cho dân nghèo, đảng Cộng Hoà là của bọn tài phiệt, hoặc đảng Dân Chủ cứ tăng chi bừa phứa và Cộng Hoà thì chỉ muốn giảm thuế cho nhà giàu. Điều mỉa mai là đa số tài phiệt tỷ phú thì bỏ phiếu và bỏ tiền yểm trợ đảng Dân Chủ còn tiểu thương thì ủng hộ phe Cộng Hoà.

- Cũng vì vậy mà dân bảo thủ phản ứng qua phong trào Tea Party giúp bên Cộng Hoà chiếm lại Hạ viện trong cuộc bầu cử cuối năm 2010, rồi phe tả phản ứng lại qua phong trào "Chiếm đóng Wall Street" năm ngoái. Vào dịp tổng tuyển cử như năm nay thì cường độ của loại nhiễu âm đó càng gây thêm bế tắc vì cách thông tin hời hợt của truyền thông trong dòng chính.

- Mà ngoài thực tế kinh tế vừa nói, Hoa Kỳ còn ba tai họa gần như bẩm sinh do lề lối chính trị từ quá lâu. Đó là thủ tục ngân sách phức tạp khiến các chính khách có thể gài vào luật lệ nhiều khoản chi khó kiểm soát và hầu như không hạn chế nổi. Điển hình là các bộ luật mấy ngàn trang ít ai đọc hết trước khi biểu quyết, kể cả bộ luật về bảo hiểm sức khỏe có mục tiêu xã hội mà lại gây vấn đề cho kinh tế. Tai họa kia là bộ luật thuế khóa nhiêu khê mà đầy kẽ hở giúp các đại gia lách thuế một cách hợp pháp trong khi tiểu doanh thương thì chết kẹt. Sau cùng là yếu tố văn hóa trong hệ thống kinh tế chính trị Mỹ: xứ này sùng chuộng tiêu thụ và khuyến khích đi vay!

RFI: Như anh vừa trình bày thì e chừng dân Mỹ khó tìm ra giải pháp cho các vấn đề lưu cữu từ đã lâu và càng khó hơn nữa trong một năm có tranh cử như năm nay. Chẳng ứng cử viên nào lại dạt dột nói với cử tri là hãy bầu cho tôi để chúng ta cùng thắt lưng buộc bụng và tiêu xài ít đi hầu còn trả thuế và trả nợ. Thưa anh, tình hình có bi đát và bế tắc như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi e là như vậy trong trung hạn. Nhiều học giả kinh tế, chính trị hay xã hội báo động là Hoa Kỳ có thể trôi vào thập niên suy bại như Nhật Bản sau năm 1990 mà họ gọi là "Lost Decade". Bản thân tôi thì thiển nghĩ là vụ bầu cử năm nay sẽ gây thất vọng, Hoa Kỳ còn bị khủng hoảng nữa trong các năm tới, may ra sau kỳ bầu cử 2016 thì mới có cách mạng thật. Lý do là dân Mỹ phải thay đổi nhân sinh quan và xã hội quan về chế độ dân chủ tư bản của họ.

- Nôm na là phải phát huy quyền tự do sản xuất ra cái bánh to hơn thì mới có thể chia phần bánh cho người cùng khốn, mà đừng vì lý tưởng xã hội lại giết chết con gà đẻ trứng vàng là đầu tư. Biện pháp cần thiết là phải giảm chi để chính trường khỏi vét tiết kiệm của thị trường, và phải tăng thuế để quân bình ngân sách. Muốn vậy thì cần giản lược hệ thống thuế vụ theo hướng giảm tiêu thụ mà khuyến khích đầu tư. Cụ thể là đánh thuế tiêu thụ mà giảm thuế đầu tư. Song song, họ cần cải tổ chế độ công chi để đẩy lui tệ nạn chính trường lấy tiền từ người này ban phúc lợi cho người kia hầu kiếm phiếu rồi đẩy gánh nợ cho đời sau. Đấy là một cuộc cách mạng về tư duy như xứ này đã từng làm trong lịch sử sau mấy năm hốt hoảng nối tiếp mấy chục năm lạc quan.

RFI: RFI xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.