Hôm nay,  

Hiện Tượng Santorum

21/02/201200:00:00(Xem: 11505)

Hiện Tượng Santorum

Vũ Linh

...Gingrich và Santorum vẫn chưa phải là đối thủ của TT Obama...

Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc bên phía Cộng Hòa tiếp tục không khác gì một vụ quay xổ số. Không ai biết tuần tới số độc đắc rớt vào đâu. Tất cả các thăm dò dư luận, ước đoán của các chuyên gia chính trị đều sai bét. Ngay cả cấp lãnh đạo Cộng Hòa cũng như chiến lược gia của TT Obama đều gãi đầu gãi tai với các quyết định của cử tri Cộng Hòa. Sau khi các ứng viên tương đối nhẹ ký bất ngờ nổi đình nổi đám, rồi lặn mất bất ngờ không kém, chung quy còn lại bốn vị có thể gồng mình chạy đường trường.

Cho đến cách đây một tuần, người nổi bật nhất, coi như “thái tử chờ ngày đăng quang” là cựu thống đốc Mitt Romney. Người thứ hai, có vai vế, nhiều hy vọng gây khó khăn lớn cho ông Romney là cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich. Người thứ ba, cựu thượng nghị sĩ Pennsylvania ít người biết, dường như đang cố ngoi ngóp để giữ tiếng, hy vọng kiếm được chức Phó, hay một chức bộ trưởng nào đó trong một chính quyền Cộng Hoà tương lai, hay có khi đang chuẩn bị cho mùa tranh cử 2016. Đó là ông Rick Santorum. Và cuối cùng là một ông già gàn gàn dở dở, trường kỳ kháng chiến ra tranh cử lần này là lần thứ ba, là ông dân biểu kiêm bác sĩ đỡ đẻ Ron Paul, 79 tuổi với chủ trương "libertarian", có thể gọi là "tự do tuyệt đối" đến độ kỳ lạ.

Đó là bức tranh bên Cộng Hoà cách đây hai tuần.

Thế rồi trong tuần đầu tháng hai, có ba cuộc bầu sơ bộ trong một ngày. Tại cả ba nơi này, ông Gingrich hầu như không chút hy vọng nào vì chưa kịp ghi tên tranh cử, vì thiếu nhân sự và tiền bạc, và phần vì biết mình ít hy vọng, nên không đi vận động. Chỉ còn ba ông tranh cử, là các ông Romney, Santorum và Paul.

Ông Ron Paul trải qua không biết bao nhiêu thăm dò dư luận và bầu sơ bộ, vẫn ì ạch ở mức 10%. Ông Rick Santorum bất ngờ thắng ông Romney với vài chục phiếu tại Iowa, nhưng trên quy mô toàn quốc, chưa bao giờ mức hậu thuẫn leo qua được 5%. Ông Mitt Romney, bất kể con đường khó khăn gian nan, vẫn được coi là sẽ bỏ túi cả ba cuộc bầu tại Missouri, Colorado, và Minnesota.

Cuộc bầu tại Colorado, ông Romney nắm chắc phần thắng trong tay, tin tưởng vào đa số dân theo đạo Mormon cùng với ông nên đi vận động cho có lệ. Kết quả không ai ngờ, ông Santorum hạ ông Romney dễ dàng 41%-35%. Ba tháng trước, trong tiểu bang Colorado, không ai biết Rich Santorum là ai.

Tại Missouri, ông Romney cũng nắm chắc phần thắng vì hầu như không có đối thủ. Đối thủ chính là ông Gingrich, nhưng ông này không ghi danh kịp nên không có trong danh sách ứng viên. Ông Paul không được coi là ứng viên nghiêm chỉnh. Ông Santorum thì chẳng ai biết là ai. Kết quả là một ngạc nhiên khổng lồ. Ông Santorum đại thắng với hơn 55% so với 25% của ông Romney. Ông Santorum thắng đã là một ngạc nhiên, ông Romney chỉ được có một phần tư phiếu lại là một ngạc nhiên lớn hơn nữa.

Tại Minnesota, một tiểu bang tương đối cấp tiến nhưng chẳng giống ai, trước đây đã bầu một anh võ sĩ đô vật làm thống đốc, bây giờ thì đang có một danh hài diễu dở làm thượng nghị sĩ. Tại đây, bà dân biểu Michele Bachmann, gây sóng gió trong những ngày đầu mùa tranh cử, rồi đã rút lui, tuy không nói ra rõ ràng, nhưng có khuynh hướng hậu thuẫn ông Romney. Đương kim thống đốc Tim Pawlenty công khai ủng hộ ông Romney. Do đó, ông Romney cũng nắm chắc phần thắng. Lại một bất ngờ, ông Santorum về đầu với 45% trong khi ông già Ron Paul được 27%, và ông Romney lọt xuống hạng chót với 17%. Đây hiển nhiên là thất bại lớn nhất của ông Romney.

Cả ba cuộc bầu sơ bộ này trên thực tế chẳng có hậu quả cụ thể và trực tiếp quan trọng gì vì cử tri đoàn đại diện cho cả ba tiểu bang tham gia đại hội đảng mùa hè năm tới đều sẽ do các đại hội địa phương của đảng tại tiểu bang lựa chọn và bổ nhiệm sau này, chứ không phải được chỉ định qua các cuộc bầu vừa rồi. Thua hay thắng qua bầu sơ bộ thật sự chỉ mang ý nghĩa tâm lý, là đo lường mức hậu thuẫn thôi, nhưng là ý nghĩa tâm lý rất lớn, vang vọng đến cả nước.

Qua đó thì ta thấy Thứ Ba tuần trước là ngày đại nạn cho ông Romney. Trong khi ai cũng nghĩ ông sẽ toàn thắng tại cả ba tiểu bang và cho các địch thủ cơ hội rút lui khỏi cuộc chạy đua để thống nhất lại đảng, hầu đối phó hữu hiệu hơn với TT Obama, thì cử tri cả ba tiểu bang lại suy nghĩ và quyết định khác, hoàn toàn trong bất ngờ.

Cuộc bầu sơ bộ tại Michigan ngày 28 tháng 2 tới đây sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nữa cho ông Romney. Đây là "sân nhà" của ông, nơi mà phụ thân là George Romney đã làm thống đốc từ 1963 đến 1969. Ông này thuộc thành phần tương đối cấp tiến, ra tranh cử tổng thống năm 1968 với chủ trương chống Mỹ tham chiến tại Việt Nam, nhưng bị thua Nixon. Lần này ông Romney còn được coi như là gà nhà, chắc chắn sẽ thắng lớn. Nhưng những thăm dò mới nhất cho thấy ông Romney có thể thua ông Santorum. Nếu chuyện này xẩy ra, hy vọng của ông Romney làm đại diện cho Cộng Hoà chống TT Obama sẽ bị lủng một lỗ lớn.

Kết quả bầu cử tại ba tiểu bang là đại nạn - tuy có thể là ngắn hạn - cho ông Romney, nhưng cũng là thảm họa cho ông Gingrich. Sau chiến thắng lớn tại South Carolina, người ta đều nghĩ ông này sẽ là đối thủ trực diện ông Romney trong cuộc chiến tay đôi bên phe Cộng Hoà, nhưng việc ông Santorum nổi lên đã đe dọa dìm hậu thuẫn của ông Gingrich xuống và có thể loại ông ra khỏi cuộc chiến luôn. Dĩ nhiên ông Gingrich hạ thấp tầm quan trọng của ba cuộc bầu mà chúng ta đang bàn và xác nhận trọng tâm của ông là ngày 6 tháng 3 tới, được gọi là "Super Tuesday" khi mười tiểu bang cùng bầu một ngày, trong đó có nhiều địa phương miền Nam nằm trong địa bàn ông Gingrich, như tiểu bang nhà Georgia, hay Tennessee, Oklahoma và Virginia. Cho đến nay, các thăm dò cho thấy ông Gingrich đang đứng đầu khá xa tại những nơi này.

Nhưng từ đây đến ngày Super Tuesday còn rất xa và chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra.

Chỉ biết là một tuần sau chiến thắng của ông Santorum, các thăm dò dư luận trên toàn nước Mỹ cho thấy ông Santorum đã từ chỗ vô danh leo lên hàng đầu, hạ cả hai ông Gingrich và Romney. Kết quả trung bình một nửa tá thăm dò cả nước tính vào ngày 14 tháng 2: Santorum 30%, Romney 28%, và Gingrich 16%, theo báo điện tử Real Clear Politics. Cứ cho là các thăm dò không chính xác lắm và có thể trồi sụt hàng ngày, thì ta vẫn có thể nhận định hai ông Romney và Santorum đang ở thế ngang ngửa với nhau trong khi ông Gingrich tụt dù khá mạnh.

Với chiến thắng của ông Santorum, thông điệp của khối bảo thủ tại cả ba tiểu bang không thể nào rõ ràng hơn: chúng tôi vẫn chưa tin và do đó vẫn không thể chấp nhận cựu thống đốc tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ Massachusetts làm đại diện cho khối bảo thủ chúng tôi. Chúng tôi muốn quay qua ông Gingrich, nhưng ông này bị khui ra nhiều thói hư tật xấu quá, chúng tôi chỉ thấy còn có ông Santorum là sáng giá nhất.

Nếu so sánh hai ông Romney và Santorum thì quả ông Santorum có dấu triện bảo thủ trên trán không chối cãi được. Ông tượng trưng cho những giá trị luân lý gia đình đúng theo gương mẫu công giáo, kịch liệt chống phá thai, chống đồng tính, là người công giáo thuần hành, từ mấy chục năm nay, không bao giờ bỏ đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật một lần nào, là một người chủ gia đình hết sức gương mẫu, có bẩy con - chuyện hy hữu trong xã hội Mỹ - nhất định không ngừa thai bằng những phương pháp y khoa tân thời; khi con út của ông bị đau, bỏ vận động tranh cử ngay, trở về lo cho con.

Ông chủ trương cân bằng ngân sách, mọi người sống trong phương tiện của mình, không hoang phí, không ỷ lại vào trợ cấp của Nhà Nước trong khi Nhà Nước tôn trọng tự do cá nhân và không áp dụng chế độ sưu cao thuế nặng, đè xấn dân lấy tiền làm những chuyện vô bổ và phí phạm. Ông đả kích cải tổ y tế của ông Romney là “cha đẻ” của cải tổ y tế tại hại của TT Obama.

Đối với ông Romney, ông Santorum còn có một điểm lợi lớn. Trong khi ông Romney mang cái “tội” là quá giàu trong thời buổi kinh tế khó khăn mà lại nổi tiếng với thành quả sa thải nhân công, thì ông Santorum là người xuất thân trong gia đình di dân từ Ý, trung lưu bình thường, từng đắc cử thượng nghị sĩ Pennsylvania nhờ hậu thuẫn của dân lao động da trắng (white blue-collar) của tiểu bang này. Khối dân lao động da trắng là thành phần cử tri cột trụ trong các cuộc bầu tổng thống ở Mỹ, không có không thể đắc cử được. Các tổng thống Cộng Hoà như Nixon, Reagan, và Bush đều thắng cử nhờ khối cử tri này. Hiện nay, khối này có vẻ ủng hộ ông Santorum và hết sức dè dặt với ông Romney.

So với ông Gingrich, ông Santorum cũng có giá hơn: bảo thủ như nhau, nhưng ông Santorum có đời sống gia đình gương mẫu không lem nhem như Gingrich, ông cũng là người có vẻ điềm tĩnh, chín chắn, không bốc đồng tuyên bố vung vít như ông Gingrich, cũng không díu líu gì đến bất cứ xi-căng-đan nào, ít “hành trang chính trị”, đã vậy trông ăn ảnh, trẻ tuổi và đẹp trai hơn ông già Gingrich. Trong sáu năm là thượng nghị sĩ, ông chứng tỏ mình có lập trường bảo thủ kiên định không nhập nhằng hợp tác với “kẻ thù” Dân Chủ như Gingrich đã làm, hay chao đảo lập trường như ông Romney.

Đảng Cộng Hòa có vẻ vẫn chia làm hai khuynh hướng: nhóm trí thức, lợi tức cao, cùng với phụ nữ, ủng hộ ông Romney với chủ trương ôn hòa, và nhóm lợi tức thấp hơn, ít học hơn, thành phần lao động, Tea Party, và nam giới, ủng hộ bất cứ ai ngoài ông Romney, với chủ trương chống cấp tiến và TT Obama đến cùng.

Sự thành công bất ngờ và mau lẹ của ông Santorum cũng chưa hẳn là đoạn kết của hành trình của ông. Từ trước đến giờ, ông bị coi thường như là ứng viên hạng ruồi, chẳng ai để ý đến nhiều. Nhưng cũng như các ứng viên khác trước đây, một khi tên tuổi ông leo lên trang nhất các báo và các thăm dò dư luận, thì bảo đảm ông sẽ bị đánh. Từ phía các đồng chí địch thủ trong đảng Cộng Hòa, và từ phe Dân Chủ và đồng minh của phe này là truyền thông dòng chính.

Không cần phải chờ đợi lâu lắc, một tuần sau khi ông Santorum đại thắng tại ba tiểu bang miền trung bắc, trong khi ông Romney chuẩn bị hàng loạt quảng cáo trên truyền hình đả kích ông Santorum thì nhà báo Stephanie Coontz mau mắn viết một bài dài thòng chỉ trích ông Santorum trên báo điện tử phe ta CNN, rằng ông Santorum muốn đưa phụ nữ trở về thời đồ đá vì lập trường chống phá thai cũng như chuyện ông Santorum kêu gọi phụ nữ nên chú tâm nhiều hơn vào trách nhiệm gia đình thay vì tranh thắng công danh sự nghiệp ngoài đời. Đại ý, quan điểm của bà Coontz tiêu biểu cho suy nghĩ của phụ nữ cấp tiến: nói trách nhiệm lớn của phụ nữ là lo cho gia đình đúng là lạc hậu, tại sao đàn ông không ở nhà lo cho gia đình để đàn bà ra đời lo cho sự nghiệp?

Nhìn chung vào cuộc diện, tình hình không có gì sáng sủa cho đảng Cộng Hoà. Trái lại, theo các thăm dò mới nhất, TT Obama đúng là ngư ông đang thủ lợi. Hậu thuẫn của tổng thống từ khoảng trên 40% trước đây, đã leo dần lên trên 50%. Ông Romney trước đây có tỷ lệ hậu thuẫn ngang ngửa với TT Obama, bây giờ đã thua lại từ sáu đến mười điểm. Các ông Gingrich và Santorum vẫn chưa phải là đối thủ của TT Obama.

Điều đáng nói và thật hiển nhiên là diễn biến này hoàn toàn không nhờ thành quả đặc biệt nào của TT Obama, mà đáng tiếc thay cho đảng Con Voi, chỉ là kết quả của những cuộc đánh đá trong nội bộ Cộng Hoà, với các ứng viên luôn phiên tố giác nhau, khui các thói hư tật xấu của nhau cho thiên hạ thấy. Nhiều người còn lo ngại cuộc đấu sẽ tiếp diễn đến cùng, đưa đến tình trạng bế tắc tại Đại Hội Đảng mùa hè tới. Có thể là sẽ không đến nỗi tệ như vậy, nhưng thực tế là trong các cuộc bầu sơ bộ vừa qua, con số cử tri Cộng Hòa đi bầu đã thấp hơn hồi 2008, có nghĩa là sự hồ hởi cần thiết để có thể hạ được TT Obama dường như đã không còn nữa.

Đây mới là yếu tố đáng lo nhất cho đảng Cộng Hoà. Cũng là điều đáng lo nhất cho tương lai lâu dài của nước Mỹ. Nếu TT Obama đắc cử, trong nhiệm kỳ cuối sẽ không có nhu cầu lấy điểm dân chúng để được bầu lại nữa, mà chỉ có nhu cầu làm một cái gì để đời bất kể tốn kém đến đâu. Lúc đó, chỉ còn hy vọng là khối đối lập Cộng Hòa vẫn còn giữ được quốc hội để kéo tay tổng thống lại thôi.

Điểm đặc biệt của cuộc chạy đua năm nay: chẳng có một ông đối lập nào nói gì về chuyện thế giới vì chẳng có ông nào có chút kinh nghiệm gì về đối ngoại hay quốc phòng. Những năm trước, ta còn thấy những Nixon, Bush (cha), Kerry, McCain, Biden,..., năm nay, trực diện với khủng hoảng Âu Châu, sóng thần dân chủ tại Trung Đông, nguy cơ nguyên tử Iran, mộng bá quyền của Trung Cộng tại biển Đông, và biết bao vấn đề lớn khác, nhưng nước Mỹ hình như trùm chăn chỉ thắc mắc ông nào đóng bao nhiêu tiền thuế, ông nào mấy vợ, ông nào cho phá thai, ... trong khi ông tổng thống đương nhiệm vẫn loay hoay gỡ rối.

TT Obama đang vất vả năn nỉ Do Thái đừng đánh Iran, nhắm mắt để Syria giết hàng ngàn dân chống đối, bất lực chấp nhận Ai Cập bắt cả chục chuyên viên thiện nguyện Mỹ, ém nhẹm chuyện nội chiến đang lan rộng tại Iraq để lo chuẩn bị tháo chạy khỏi Afghanistan, bắt tay làm thân với ông chủ nợ lớn nhất là Tập Cận Bình để tiếp tục bán công khố phiếu hầu vay tiền tăng chi và mua phiếu.

Một viễn tượng không mấy sáng sủa cho cả nước Mỹ. (19-2-12)

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Ý kiến bạn đọc
22/02/201200:11:04
Khách
Vu Linh nói:" Đảng Cộng Hòa có vẻ vẫn chia làm hai khuynh hướng: nhóm trí thức, lợi tức cao, cùng với phụ nữ, ủng hộ ông Romney với chủ trương ôn hòa, và nhóm lợi tức thấp hơn, ít học hơn, thành phần lao động, Tea Party, và nam giới, ủng hộ bất cứ ai ngoài ông Romney, với chủ trương chống cấp tiến và TT Obama đến cùng."

Ông nói Obama chia rẽ dân Mỹ nhất lịch sử, giờ đây ông lại nói đảng Cộng sản phân cấp này, loại kia. Như vậy chính đảng của ông đã phân chia giai cấp, chia rẽ chính trong đảng của ông. Chính vì vậy đảng của ông mới là đảng chia rẽ dân, vả kỷ thị.

Chính ứng cử viên TT đã chia rẽ từng nhóm ủng hộ, đảng của ông nó háu ăn như heo lợn chửi bới lẫn nhau, nhưng thực sự đảng của ông nó như khủng long mới đúng, nó háu ăn, giành ăn vả tự tiêu diệt lẫn nhau.

Chúng nó tranh đấu và giảnh quyền lợi cho từng nhóm ủng hộ chúng, và chúng sẵn sàng tản sát lẫn nhau, ông nghĩ chúng nó chiến đấu cho ông sao??? Ông chẳng là cái gì cả, chúng nó còn tiêu diệt lẫn nhau, huống chi ông nghĩ rằng nó tranh đấu cho ông.
21/02/201207:43:22
Khách
Sấm ký Nostradamus biểu rằng ''Xứ Mỹ sẽ bị cô lập'' mà ! Diễn tiến ''bị cô lập'' đã hình thành và đang trong kỳ gia tốc.

Phải chăng nước Mỹ tới giai đoạn cạn kiệt nhân tài-nhân đức... về chính trị, kinh tế ?!

22/02/201200:05:41
Khách
"Đại ý, quan điểm của bà Coontz tiêu biểu cho suy nghĩ của phụ nữ cấp tiến: nói trách nhiệm lớn của phụ nữ là lo cho gia đình đúng là lạc hậu, tại sao đàn ông không ở nhà lo cho gia đình để đàn bà ra đời lo cho sự nghiệp?"
Đàn bà phải chăm lo cho gia đình nhiều hơn là tranh đua ngoài xã hội, vì trời sinh đàn bà phải nằm dưới, nếu bò lên trên sẽ không có kết quả khả quan.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vì thời tiết ẩm ướt đang đến, các giới chức tiểu bang và liên bang thúc giục cư dân tiểu bang California bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn năm 2007
Sau năm 1975, bộ đội Bắc Việt thường khoe với nhân dân miền Nam về kỹ thuật chiến đấu cao độ của các phi công Bắc Việt là "máy bay của ta
Trong một thông cáo báo chí phổ biến ngày hôm 3-12-2007, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Việt Tân) đã tố giác nhà cầm quyền CSVN
Theo bản tin khẩn cấp ngày hôm Thứ Hai, vào hồi 11 giờ 20 phút công an TP Sài Gòn phối hợp cùng công an quận Gò Vấp
Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, Hà Nội đã tạo được nhiều thành công trên lãnh vực thương mại và bang giao quốc tế
Theo tin của anh Huỳnh Hữu Nhiều, bào đệ TT Thích Thiện Minh thì dưới sự điều động của Trung tá CA Huỳnh Thanh Tứ, phó CA thị xã Bạc Liêu
Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là luật pháp tối cao của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp đề ra chính thể của quốc gia
Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh thừa cơ nước đục thả câu phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu tịch thu được nhiều súng đạn
Tôi thực sự không thoải mái khi thấy ông Scott Marciel, Phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Đông Á phát biểu trong cuộc điều trần trước Tiểu ban
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.