Hôm nay,  

Huỳnh Phi Tiển, Ca Sĩ Bất Ngờ Nhưng Đầy Triển Vọng Đến New Orleans Hát Gây Quỹ Giúp Hội VAHF

17/02/201200:00:00(Xem: 22606)
Huỳnh Phi Tiển, Ca Sĩ Bất Ngờ Nhưng Đầy Triển Vọng Đến New Orleans Hát Gây Quỹ Giúp Hội VAHF

ca_si_huynh_phi_tien-large-contentHuỳnh Phi Tiển

Triều Giang
Huỳnh Phi Tiển, người ca sĩ trẻ không chỉ có cái tên của tiểu thuyết kiếm hiệp, anh còn có cả vóc dáng cao lớn, gương mặt vuông, cương nghị và đẹp trai, đôi mắt thoáng buồn không khác chi một nhân vật anh hùng trong thế giới kiếm hiệp. Phi Tiển, “người hùng kiếm hiệp hôm nay” sinh ngày 13 tháng giêng năm 1982 tại Trà Dinh, tỉnh Vĩnh Bình. Ngoài việc anh đang theo học muà cuối của ngành Tiền Y Khoa (Pre-Med), anh còn có giọng hát thơ mộng, truyền cảm, ngọt ngào nếu không muốn nói là anh hát nhạc quê hương thật mùi mẫn với âm huởng của một chút Duy Khánh, một chút Chế Linh, một chút Tuấn Vũ, và một chút Trường Vũ. Tất cả những âm hưởng đó tạo nên một giọng hát đặc biệt không ai có của Huỳnh Phi Tiển.
“Thât bất ngờ khi được chọn làm ca sĩ”
Khán giả nghe anh hát nhạc phẩm “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” cuả nhạc sĩ Tú Nhi trong cuộc thi gay go, đầy hào hứng với trên 2,000 người dự thi Giọng Ca Vàng của Asia năm 2011 vừa qua đã hiểu vì sao anh đã được chấm hạng nhì trong cuộc thi sát nút mà nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc Trung Tâm Asia và Truyền hình SBTN phải tuyên bố trong buổi chung kết của cuộc thi: Tất cà 14 người vào chung kết đều xứng đáng được chọn làm ca sĩ:
“Đã lâu rồi, đôi đứa cách đôi nơi
Duyên xưa còn hay mất?
Mái trường ơi! Anh tôi còn học nữa
Hay ra đi tự độ nào?...”
Với giọng hát ngọt ngào, thiết tha, gương mặt nghiêm nhưng thoáng buồn, Phi Tiển đã lột tả trọn vẹn được tâm trạng buồn mênh mông, buồn gia giết nhưng mang tinh thần chấp nhận hy sinh cả tương lai lẫn tình yêu dở dang của ngưòi trai thời chiến. Tiếng vỗ tay vang dội của khán gỉa đón nhận tiếng hát độc đáo của anh. MC nhạc sĩ Nam Lộc đã phát biểu ngay trên sân khấu là tiếng hát Phi Tiển đem lại cho ông cả một bầu trời kỷ niệm của Sài gòn ngày xưa với những bạn hữu mà giờ đây đã không còn nữa. Riêng nhạc sĩ Trúc Hồ với vai trò giám khảo đã nhận xét: “Phi Tiển có một giọng hát thật lạ, thật hay”. Và ca sĩ -bác sĩ Trung Chỉnh khen giọng của Phi Tiển rất dài, riêng giọng trầm rất đặc biệt và rất hiếm có. Và rồi kết quả của cuộc thi khiến cả Phi Tiễn cũng phải thật ngạc nhiên:
“ Bất ngờ lắm cô ơi! Phi Tiển không hiểu vì sao ban giám khảo lại chọn mình? Vì ai cũng giỏi cũng đẹp và hát thật hay. Nhưng Phi Tiển rất vui vì kết quả cuộc thi sẽ giúp Phi Tiển có cơ hội đi hát trước khán giả khắp nơi.” Thích nhất nhạc tình lính
Đưọc hỏi lý do gì khiến Phi Tiển lại chọn nghề ca hát, Phi Tiển cho biết anh không hề chọn chỉ là tình cờ. Vì thế, Phi Tiển không học hát hay nhạc lý ở trường lớp nào. Anh nghe người khác hát và hát theo rồi tự luyện. Anh hát chỉ là để:
“…giữ được tiếng Việt và để góp phần vào việc lưu truyền giòng nhạc Việt Nam tại hải ngoại. Các bạn trẻ của Phi Tiển hầu hết thích nhạc ngoại quốc và nói tiếng Việt rất ít.
Phi Tiển thích nhất nhạc tình lính, vì Phi Tiển cảm thấy trong hòa bình mình có sự lựa chọn trong tình yêu, nhưng người lính, thời nào cũng vậy (chiến tranh hay hòa bình), đều phải hy sinh tình yêu của mình.
Có lẽ chính vì thế mà Phi Tiển coi danh ca Duy Khánh là thần tượng ca hát. Danh ca Duy Khánh với giọng cao, dài và rộng, ông đã hát cho quê hương, cho đồng bào. Phi Tiễn nghĩ một người ca sĩ đích thực thì phải làm được công việc này. Ngoài Duy Khánh Phi Tiển còn hâm mộ nhiều danh ca khác như Hoàng Oanh, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng , nhạc sĩ Trúc Hồ, Trúc Phương và gần đây thì có anh Đặng Thế Luân và Đan Nguyên. Riêng ca sĩ ngoại quốc thì Phi Tiễn thích giọng hát của Michael Bublé, và rất nhiều danh ca khác”
Thời niên thiếu khó khăn
Phi Tiển cho biết anh sang Mỹ năm 1995 theo diện HO, lúc mới có 12 tuổi. Ba anh là một cựu sĩ quan trong Quân lực VNCH. Khi CS vào, ba anh phải đi tù hết 6 năm. Gia đình có căn nhà ở chợ bị CS lấy mất. Má Phi Tiển đưa ba người con nhỏ; một gái hai trai về làm vườn để sinh sống. Phi Tiển tâm sự:
“ Gia đình Phi Tiển lúc đó nghèo lắm cô ơi! Má Phi Tiển là cô giáo. Bà đã phải chịu bao nhiêu khốn khổ để nuôi con. Bà còn phải đạp xe đạp trên 30 cây số để thăm và tiếp tế cho chồng trong tù. Ba Phi Tiển về được hơn một năm thì Phi Tiển được sinh ra và rồi tới em trai út, Huỳnh Phi Hổ. Phi Tiển không hiểu bằng cách nào mà người phụ nữ nhỏ bé như má lại làm được tất cả những công việc đó? Bà còn khôn ngoan giữ được tất cả những giấy tờ của gia đình. Nhờ đó mà gia đình mới có đủ giấy tờ xin xuất ngoại. Cô biết xứ Trà Dinh khí hậu luôn ẩm ướt với muối mặn nên Trà Dinh còn là là xứ cuả mối. Sách vở, Phi Tiển phải học đua với mối, chưa học xong là sách đã bị mối xông. Nhưng má Phi Tiển đã giữ được những giấy tờ quan trọng này tới 15, 20 năm. Đối với Phi Tiển, má là một người phụ nữ mạnh mẽ nhất trên đời. Phi Tiển thương má lắm Từ nhỏ Phi Tiển luôn nghe lời má dạy không chửi thề, chăm chỉ giúp gia đình và cố gắng học.”
Nghe Phi Tiển nói về mẹ thật thiết tha, người viết tò mò hỏi Phi Tiển nghĩ gì về cha cuả anh, Phi Tiển vui vẻ trả lời:
“ Phi Tiển cũng thương ba nhiều lắm. Phi Tiển không biết ba thời ông làm sĩ quan oai hùng ra sao vì Phi Tiển sanh sau những ngày vang bóng một thời cũng như nhũng ngày khốn khổ của ông trong tù. Phi Tiển chỉ biết ông là một nhà nông chăm chỉ làm việc và lo cho vợ con. Có lẽ niềm yêu thích văn nghệ của Phi Tiển đã chịu ảnh hưởng từ ba. Ông rất thích chuyện kiếm hiệp của Kim Dung. Ông cũng thích hát và có giọng hát rất truyền cảm. Bài hát đầu đời ba hát cho Phi Tiển nghe là bài “Hòn Vọng Phu” cuả nhạc sĩ Lê Thương”.
“Xin đừng gọi Phi Tiển là bác sĩ!”
Nói đến đây Phi Tiển giọng bùi ngùi:

“ Nói như nãy giờ không có nghiã là Phi Tiển muốn nói Phi Tiển luôn là đứa con ngoan, không làm buồn lòng ba má. Trái lại có những thời gian Phi Tiển đã làm ba má em buồn và lo lắng không ít. Khi sang tới Mỹ, Phi Tiển học xong trung học và đậu rất cao “top five” trong lớp. Nhưng khi vào đại học tự nhiên Phi Tiển cảm thấy không còn chú tâm vào việc học. Phi Tiển thay đổi chương trình học nhiều lần rồi cuối cùng bỏ học và đi làm “nail” từ năm 2001 tới 2006. Phi Tiển kiếm được rất nhiều tiền. Rảnh thì tụ tập bạn bè, ca hát. Ba má Phi Tiển không rầy la, chỉ buồn và khuyên bảo.
Chơi một thời gian Phi Tiển thấy chán và tự hỏi: cuộc đời mình chỉ có vậy thôi sao? Tuy rằng nghề nail không phải là nghề xấu, chưa kể là nghề này kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng nếu đến đất nước văn minh tiến bộ này mà chỉ làm một nghề quá dễ dàng nhưng lại không có tương lai như thế này thì không tốt, nhất là mình còn trẻ, nên năm 2006 Phi Tiển quyết định trở lại đại học theo ngành Pre-Med và quyết tâm vào trường Y khoa. Phi Tiển biết ba má đã rất vui và rất an tâm về quyết tâm của Phi Tiển. Các anh chị em của Phi Tiển ai cũng đâu đại học và có nghề nghiệp vững vàng. Hai ông bà sau những ngày tháng làm lụng vất vả để lo cho con cái, nay đã về hưu. Ông bà tu tại gia, lo việc đi chuà và làm công quả tại Chùa Pháp Hoa.”
Được hỏi bây giờ trở thành ca sĩ, Phi Tiển nghĩ sao nếu việc đi hát cản trở việc học và Phi Tiển phải chọn một trong hai? Phi Tiển nhanh nhẹn trả lời:
“Phi Tiển sẽ chọn việc học. Vì ca hát thì thật vui nhưng đây không thể là nghề mình có thể theo đuổi mãi mãi. Khi mình lớn tuổi giọng hát xuống, không hát đưọc nũa thì làm sao mình có thể lo cho gia đình được? Tiên đây Phi Tiển cũng xin nhờ cô cải chính giúp vì sau khi được Asia nhận, Phi Tiển đi hát ở đâu bà con cũng gọi Phi Tiển là bác sĩ. Phi Tiển ngượng cứng cả người mà không biết phải cải chính ra sao. Cô biết Phi Tiển học Pre-Med là để chuẩn bị vào trưòng Y khoa. Dù hôm nay Phi Tiển có rất nhiều cơ hội được nhận nhưng đường còn rất dài trước khi Phi Tiển trở thành bác sĩ do đó: Xin đừng gọi Phi Tiển là bác sĩ!”
Yêu mẫu người phụ nữ VN
Để độc gỉa biết thêm về người ca sĩ trẻ “mới ra lò” nhưng đầy triển vọng này, người viết tiếp tục cuộc phỏng vấn bằng những cân hỏi đến những sở thích riêng tư. Phi Tiển trả lời vui vẻ và khiêm tốn: Phi Tiển thích màu đen và trắng. Nếu có khả năng tài chánh thì thích xe Porsche 911, đặc biệt là những xe thời thập niên 1980 trở về trước vì chúng trông thật dễ thương. Phi Tiển thích đọc sách, bơi lội, đá banh, “hiking” trên núi và rất thích đi chùa. Phi Tiển thích canh chua cá kho tộ vì Phi Tiển biết nấu món này và khi ăn thì nhớ quê hương thật nhiều.
Người viết hỏi về người yêu và mẫu người phụ nữ lý tưởng thì Phi Tiển chi tiết lộ:
“Cô ấy đang học Dược. Tuy sanh ở Mỹ nhưng sống rất giản dị và rất thích hợp với Phi Tiển. Về mẫu người lý tưởng, câu hỏi này khó hơn câu hỏi thích xe hơi loại nào nhiều lắm. Theo Phi Tiển nghĩ, trên con đường tìm người xứng đáng với mình, mình nên tự hỏi coi mình có phải là người lý tưởng chưa thì đúng hơn. Đối với Phi Tiển thì người phụ nữ VN là một mẫu người phụ nữ lý tưỡng vì sự chung thủy có phần sâu sắc”.
Mong được gặp gỡ khán giả New Orleans
Nếu mọi việc được tuần tự như dự tính, thì một ngày đẹp trời nào đó có thể có một cựu chiến sĩ VNCH hay một đồng hương VN vào một nhà thương chữa bệnh và được một bác sĩ VN trẻ vừa chữa bệnh vừa hát cho nghe những bản tình lính ngọt ngào cuả những ngày xưa thân ái:
“…Và phương đó em ơi có gì vui
xin biên thư về cho anh
Nhớ thương vơi đầy
Đêm nay trên đồn vắng
Thương em, anh thương nhiều lắm
Em ơi biết cho chăng?
Tỉnh lẻ đêm buốn…”
Nhưng đó là chuyện của tương lai 5 hoặc 7 năm nữa, khi Phi Tiển ra trường.
Còn bây giờ thì chúng ta đang ở trong những ngày chờ Xuân Nhâm Thìn, người sinh viên Y khoa mới bước vào thế giới ca nhạc Việt Nam tại hải ngoại bận rộn đến chóng mặt. Ngoài việc học cho xong hai lớp cuối tại đại học Northern Arizona University, Phi Tiển còn học thêm thanh nhạc cho mình để trau dồi căn bản nhạc lý và xướng thanh. Anh cũng đã ký hợp đồng với Asia nên lịch bay lưu diễn đầy ắp khắp nơi: Phoenix, Dallas, San José, New Orleans, rồi trở về San José trước khi đi Florida,…
Chuyến đi New Orleans để hát cho buổi gây quỹ “Hành Trình Viễn Xứ New Orleans” do Linh mục Michael Hoàng Nam tổ chức với sự hỗ trợ của 15 tổ chức và hội đoàn tại New Orleans, tại nhà hàng Panda King, thuộc khu chợ Hồng Kông, lúc 5giờ chiều ngày 26 tháng 2 sắp tới để gây quỹ giúp hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt có đủ tài chánh hoàn thành phim Viet Story nói về lịch sử người Việt tị nạn tại Hoa kỳ. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của Phi Tiển đến thành phố có làng Việt Nam trên đất Mỹ để hát cho đồng hương nghe những bản nhạc đầy ắp tâm tình quê hương. Phi Tiển tâm sự:
“Phi Tiển vui mừng và có đôi chút hồi hộp vì cảm đông khi được hát cho một chương trình đầy ý nghĩa và được cùng góp sức với bà con Việt Nam tại New Orleans cho chương sử quan trọng này. Phi Tiển trong gần 5 năm qua tại đại học Northern Arizona University, Phi Tiển làm việc thiện nguyện rất nhiều và được bấu vào nhóm 25 người của tổ chức National Society. Phi Tiển cũng mong có giờ để gặp gỡ bà con đồng hương để thăm hỏi và được thưởng thức những món ăn thật ngon tại New Orleans.”
Đồng hương New Orleans muốn thưởng thức giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn của người ca sĩ trẻ dễ mến Phi Tiển, xin đến với buổi gây quỹ “Hành Trình Viễn Xứ New Orleans”. Được biết, buổi gây quỹ “Hành Trình Viễn Xứ New Orleans” được tổ chức vào ngày 26 tháng 2 sắp tới tại nhà hàng Panda King, khu chợ Hồng Kông. Ngoài Phi Tiển còn có các ca sĩ Hương Giang, Thái Hà, Ngọc Long, một số ca sĩ vùng New Orleans, Ban nhạc Nguyễn Trọng, với hai MC là Lm. Michael Hoàng Nam thuộc nhà thờ Kytô Vua và Lm. Đồng Minh Quang từ Las Vagas. Độc giả muốn có vé mời tham dự, xin liên lạc với ông Nguyễn Anh Toàn. Điện thoại số: 504-340-4755. Hoặc ông Trùm Đoài. Điện thoại số: (504) 287-2728.
Triều Giang
01/2012

Ý kiến bạn đọc
20/02/201201:13:27
Khách
mừng vui biết bao khi vẫn còn đó những tâm huyết và hoài bảo truyền bá, giữ gìn tiếng VIỆT mến yêu,tiếng mẹ đẻ là linh hồn, là vốn sống,là tình yêu nhân hậu .Đừng để mai sau, con cháu ta thành ngườii MỸ ngọng ngi5u ,khó khăn đọc và nói ti61ng nói của cội nguồn. DÙ XA CÁCH MẤY TRÙNG DƯƠNG -ĐI ĐÂU CŨNG CÓ QUÊ HƯƠNG TRONG LÒNG.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.