Hôm nay,  

New Hampshire: Ánh Sáng Ngoài Bìa Rừng?

17/01/201200:00:00(Xem: 9806)

New Hampshire: Ánh Sáng Ngoài Bìa Rừng?

Vũ Linh

...Trong 12 tiểu bang xôi đậu quyết định kết quả tranh cử tổng thống, Romney dẫn TT Obama với 5%...

Thứ Ba vừa qua có cuộc bầu sơ bộ lần thứ hai, tại tiểu bang New Hampshire. Ai cũng biết cựu thống đốc Massachusetts là Mitt Romney đã thắng lớn bên đảng Cộng Hòa. Nhưng chẳng ai rõ bên đảng Dân Chủ có bầu sơ bộ gì hay không vì... không thấy báo nào đăng tin. Dĩ nhiên là cũng có và ứng viên chính thức duy nhất Obama đã được phê chuẩn với tỷ lệ 81%. Cử tri cũng được quyền viết tên bất cứ ai khác mình muốn vào phiếu: bà Hillary được 1%, số còn lại là cho một vài chính khách địa phương vô danh.

Chiến thắng của ông Romney thì ai cũng biết trước rồi. Đài truyền hình CNN tuần trước phải đợi đến ba giờ sáng – giờ Hoa Thịnh Đốn – sau khi phát ngôn viên đảng Cộng Hòa chính thức công bố kết quả, mới dám xác định ông Romney đã thắng tại Iowa, với tám phiếu hơn ông Santorum. Lần này tại New Hampshire, tám giờ tối thì các phòng phiếu đóng cửa. Tám giờ một giây, đài CNN tiên đoán ông Romney sẽ thắng, tuy chưa biết với tỷ lệ nào.

Ai cũng biết kết quả này, nhưng vẫn chưa ai hiểu rõ ý nghĩa chiến thắng của ông Romney thực sự như thế nào.

Nhìn dưới khía cạnh bi quan thì ông Romney vẫn thấy tương lai rất mù mờ.

Tiểu bang New Hampshire tương đối ít bảo thủ, là láng giềng của Massachusetts, ông Romney có nhà riêng và đã ở cả năm nay rồi, đi vận động không ngừng từ năm 2007. Tại một nơi thuận lợi như vậy mà cuối cùng ông vẫn chỉ có được chưa tới 40% phiếu, thì cũng là điều đáng nhìn kỹ hơn. Có nghĩa là trong mười đảng viên tại đây cũng đã có tới sáu người vẫn chưa chấp nhận ông Romney và đã phân phiếu ra cho bốn ứng viên khác.

Kết quả tại New Hampshire cho thấy trong đảng Cộng Hoà lại có một ngôi sao nữa mới xuất hiện. Ngôi sao thứ tám đó là ông Huntsman, là người từ trước đến giờ luôn luôn ngồi cuối lớp. Tại Iowa, nơi mà tư thế tương đối ôn hoà của ông không có chút hy vọng thành công nào, ông nhận được chưa tới 1% phiếu. Bây giờ ông lãnh được 17%.

Ông Jon Huntsman năm nay 51 tuổi, từ năm 2005 đến 2009 là thống đốc Cộng Hòa của tiểu bang Utah. Sau đó được TT Obama bổ nhiệm đại sứ tại Trung Cộng, cho đến tháng Tư năm 2011, khi ông từ chức để ra tranh cử tổng thống. Ông cũng là một doanh gia rất thành công trước khi nhẩy vào chính trị.

Việc ông Huntsman leo lên hàng thứ ba là kết quả trực tiếp của chiến lược tranh cử của ông: bỏ Iowa, tập trung mọi nỗ lực vào New Hampshire, dùng chiến thắng tại đây làm trớn đi tiếp. Cũng không khác gì chiến lược của ông Rick Santorum tại Iowa. Nhưng chiến lược này có vẻ không hiệu nghiệm lắm. Ông Santorum không khai thác được chiến thắng của mình tại Iowa, về hạng năm tại New Hampshire. Chẳng có gì dẫn chứng hai ông Santorum và Huntsman sẽ thành công lớn tại hai tiểu bang kế tiếp là South Carolina và Florida. Không ai tin ông Huntsman có chút một hy vọng đại diện cho Cộng Hoà được. Với nhiều người bảo thủ và cực đoan, việc ông làm đại sứ cho TT Obama đã là cái tội lớn rồi, trong khi đó, ông cũng há miệng mắc quai, khó đả kích TT Obama được trong khi ra tranh cử.

Nếu như trong tương lai, các ứng viên lẻ tẻ này lần lượt bị loại, thì câu hỏi đặt ra là cử tri của họ sẽ bầu cho ai. Nếu khối cử tri này tập trung phiếu vào một ứng viên bảo thủ cuối cùng còn lại, thì ông Romney sẽ mất ngay hy vọng làm đại diện cho Cộng Hòa.

Một khía cạnh bi quan khác cho Cộng Hòa là tư thế của ông Ron Paul.

Ông này về nhì như các thăm dò trước bầu bán đã cho thấy trước. Ông là thành phần cực đoan và các cử tri bầu cho ông cũng thuộc loại cực đoan không kém, tức là không bỏ cuộc dễ dàng. Có thể với tư thế hạng nhì như vậy, ông sẽ kéo dài cuộc chiến theo kiểu bà Hillary đánh nhau với ông Obama trước đây. Đáng ngại hơn nữa, ông Paul cũng không giấu diếm ý định ra tranh cử với tư thế độc lập nếu thua trong đảng Cộng Hoà. Chuyện này nếu xẩy ra thì ông Paul bảo đảm sẽ là người được TT Obama tuyên dương công trạng vì giúp tổng thống dễ dàng tái đắc cử mà chẳng cần đi vận động gì nữa. Có nhà bình luận đã viết đùa rằng Ron Paul mới là người đứng phó cho ông Obama!

Nhìn dưới khía cạnh lạc quan, ông Romney là người đầu tiên trong lịch sử bầu sơ bộ đã chiến thắng tại cả hai tiểu bang đầu tiên là Iowa và New Hampshire, một thành tích có vẻ xác nhận ông sẽ đắc cử làm đại diện cho đảng Cộng Hòa. Nói cách khác, dường như đảng Cộng Hoà trong cái rừng ứng viên bùng lên rồi lặn mất như lửa rơm, đã nhìn thấy ánh sáng ngoài bìa rừng.

Nếu Mitt Romney tiếp tục thắng lớn tại South Carolina và Florida, thì có nhiều hy vọng cuộc “nội chiến” Cộng Hòa sẽ chấm dứt. Và ông Romney cũng như đảng Cộng Hoà có thể tập trung nỗ lực để chĩa mũi tên về phiá TT Obama sớm. Ngược lại, nếu như ông chỉ về nhì hay ba thì bảo đảm cuộc chiến sẽ tiếp tục dài dài và sẽ mỗi ngày mỗi giảm hy vọng Cộng Hòa lấy lại Tòa Bạch Ốc năm tới.

Tin mừng cho ông Romney là những thăm dò mới nhất cho thấy ông đã vọt lên ngang ngửa với cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich tại hai tiểu bang tới. Tin mừng đó cũng có thể là tin không vui lắm. Theo truyền thống chính trị Mỹ, hễ có ông bà nào ngoi lên hàng đầu, trở thành một mối đe dọa lớn là lập tức sẽ bị các ông bà đồng chí khác xúm lại đánh hội đồng. Các ông bà Cộng Hoà nổi lên trước đây, nhất là ông Gingrich, đã được nếm tình đồng chí đậm đà này rồi.

Một tin có thể nói đáng mừng hơn cho ông Romney, là theo tất cả các thăm dò, trong con mắt của các cử tri Cộng Hòa, yếu tố quan trọng nhất là khả năng hạ được TT Obama, và người có nhiều hy vọng nhất trong yếu tố này, chính là ông.

Chiến lược tranh cử của TT Obama là cố tô vẽ lên đảng Cộng Hòa bức hình của một đảng cực đoan, bị khống chế bởi nhóm quá khích Tea Party. Nếu các ông Gingrich và Santorum mà đắc cử làm đại diện cho đảng Cộng Hòa thì bảo đảm chiến lược này sẽ được tận dụng tối đa. Nhưng chiến lược này hiển nhiên sẽ khó áp dụng với ông Romney là người được coi như có khuynh hướng cấp tiến, vẫn chưa được khối bảo thủ Cộng Hòa chấp nhận mà lại còn bị nhóm Tea Party hoài nghi đến cùng. Mặt khác, ưu tư lớn nhất của dân Mỹ hiện là vấn đề phục hồi kinh tế, trong khi ông Romney lại là một doanh gia có thành tích kinh doanh không ai chối cãi được.

Dù sao thì ta cũng thấy bức tranh bên phía Cộng Hòa ngày càng sáng tỏ và có chiều hướng thuận lợi. Trong khi đó thì tình hình bên đảng Dân Chủ không có gì sáng sủa hơn.

Cái tin đáng phấn khởi nhất cho TT Obama là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 9% xuống 8.5%. Chẳng có nghĩa gì ghê gớm lắm. Sự suy giảm này chẳng những quá nhỏ quá chậm, mà còn có thể chỉ phản ảnh số người chính thức đi xin tiền thất nghiệp hay ghi danh kiếm việc làm đã suy giảm vì họ thất nghiệp đã quá lâu, không còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa, hay là nản chí không đi tìm việc nữa. Nhưng trong cái khoảng trống vắng thành tích hiện nay thì đây quả là một chuyện vĩ đại cần phải được khai thác tối đa, khua chiêng gõ trống rầm rộ ngay.

Về viễn ảnh đắc cử của TT Obama, một nhà báo đã viết một bài phân tích chi tiết. Ông nêu lên một số điểm đáng suy gẫm:

- Cuối năm 2008, tỷ lệ dân Mỹ thỏa mãn với tình trạng hiện tại là 17%. Cuối năm 2011, tỷ lệ đó vẫn y chang, không thay đổi. Nói cách khác, ba năm Obama đã chẳng có chút tiến bộ gì.

- Thăm dò Gallup cho thấy TT Obama hiện được hậu thuẫn của 42% dân. Đây là tỷ lệ thấp nhất vào thời điểm ba năm chấp chánh so với tất cả các tổng thống trong lịch sử cận đại Mỹ, thấp hơn cả tỷ lệ của các tổng thống đã rớt đài như Johnson, Ford, Nixon, Carter, và Bush cha. Sau khi giết được Bin Laden, tỷ lệ ủng hộ vọt lên 63%, nhưng chỉ một tháng sau thì đâu lại vào đấy, tỷ lệ tụt xuống mức trên dưới 40%.

- Cũng cơ quan thăm dò Gallup này phân loại dân Mỹ theo tiêu chuẩn cấp tiến hay bảo thủ, và so sánh điểm cách biệt giữa các ứng viên tổng thống và điểm trung bình của đa số dân. Gallup khám phá ra TT Obama thuộc thành phần cấp tiến đứng xa điểm trung bình nhất, trong khi tất cả các ứng viên Cộng Hòa đều đứng gần với điểm trung bình hơn, tức là gần với quan điểm chung của dân Mỹ hơn.

- Gallup cũng khám phá ra 52% dân Mỹ ủng hộ chủ trương tăng trưởng kinh tế (pro-growth) của Cộng Hòa, so với 40% ủng hộ chủ trương công bằng xã hội (pro-equality) của Dân Chủ.

- Trong 12 tiểu bang xôi đậu quyết định kết quả tranh cử tổng thống, ông Romney dẫn TT Obama với 5%. Chỉ cần thua ở một nửa các tiểu bang này là TT Obama sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ.

- Tương lai của TT Obama không sáng sủa lắm: ông rất có thể thua nếu tình trạng hiện tại không khả quan hơn; chắc chắn sẽ thua nếu có biến cố bất lợi như khủng hoảng kinh tế Âu Châu, biến động tại Trung Đông; hay một cuộc tấn công của khủng bố. Cho dù ông thắng thì ông sẽ hoàn toàn bị chi phối bởi việc chống đỡ các cố gắng của đối lập bảo thủ muốn lật ngược các quyết định của TT Obama trong nhiệm kỳ đầu.

Bài viết có vẻ khá bi quan cho TT Obama. Để sáng tỏ vấn đề, đây không phải là bài viết của “Vũ Linh trên Việt Báo” đâu, mà là của nhà báo cấp tiến Charles Lane viết trên Washington Post ra ngày 2 Tháng Giêng, 2012 (Charles Lane: Gloomy numbers for Obama).

Tạp chí US News & World Report hỏi độc giả mối lo sợ lớn nhất của họ là gì? Kết quả, hai mối lo lớn nhất: 33% sợ TT Obama sẽ được bầu lại, 31% sợ TT Obama tăng thuế.

Tình trạng khó khăn của TT Obama cũng được chứng minh không thể nào rõ hơn bằng một bài viết của nhà báo Bill Keller trên báo phe ta New York Times. Ông Keller, nguyên chủ bút chính (Executive Editor) của NYT, đã công khai cổ võ cho một liên danh mới, Obama-Hillary thay thế liên danh Obama-Biden. Theo ông, uy tín, khả năng, và kinh nghiệm chính trị của bà Hillary là phương pháp cứu hỏa chẳng những bảo đảm cứu được TT Obama, mà còn bảo đảm bà Hillary sẽ kế vị làm tổng thống và đảng Dân Chủ sẽ nắm quyền ít ra là đến năm 2024. Cái nhìn của ông Keller có vẻ hơi lạc quan mà quên mất những “hành trang” rất lớn của bà Hillary, nhưng dù sao cũng nói lên cảnh tang gia bối rối trong ê-kíp Obama.

Tuần qua, ông Chánh Văn Phòng thứ hai, Bill Daley bất ngờ từ chức “để về vui sống với gia đình”. Trong truyền thống chính trị Mỹ, mỗi lần có ông lớn nào mất job mà chưa có job gì khác thay thế thì thông thường là vì thương vợ nhớ con, muốn về giúp vợ rửa chén, giặt quần áo, và dắt con đi chơi baseball. Báo điện tử The Hill (10/1/12) đã bàn đến hai lý do khiến ông Daley từ chức: thứ nhất là Đệ Nhất Phu Nhân không ưa ông từ ngày bà còn là nhân viên trong tòa thị trưởng Chicago khi ông Daley còn làm thị trưởng tại đó – và thực tế giúp bà có được cái job này – và thứ nhì, ông Daley không đồng ý chính sách bất thân thiện của TT Obama với giới kinh doanh, luôn luôn chỉ trích giới này là nguyên nhân của mọi khó khăn kinh tế hiện nay. Ông Daley làm Chánh Văn Phòng được xấp xỉ một năm.

TT Obama mau mắn bổ nhiệm ông Jacob Lew, Giám Đốc Văn Phòng Quản Trị Ngân Sách (Office of Management and Budget) thay thế.

Cả hai ông cựu và tân Chánh Văn Phòng đều xuất thân là tài phiệt nặng ký của Wall Street. Ông Daley trước đây là viên chức cao cấp của đại ngân hàng JP Morgan Chase, kiêm thành viên Hội Đồng Quản Trị các đại công ty Boeing, Merck, và Fanny Mae, là cơ quan tái tài trợ nợ mua nhà, thủ phạm lớn nhất của vụ khủng hoảng gia cư và tài chánh của mấy năm qua.

Ông Lew cũng không thua gì, trước đây là viên chức lãnh đạo của đại ngân hàng Citigroup, là ngân hàng đã nhận được mấy chục tỷ tiền “cứu nguy” trong khi ông Lew lãnh lương và tiền thưởng sơ sơ có khoảng hai triệu đô một năm thôi. Một điều đáng nói, khi còn làm cho Citigroup, ông Lew chịu trách nhiệm quản lý khối “Alternatives Investment Unit”, là khối mua các gói nợ mua nhà, tức là đầu tư vào các nhà có nhiều hy vọng bị mất giá và bị xiết bởi ngân hàng, hầu hết là nhà của dân trung lưu và nghèo. Nôm na ra, Citigroup có một khối kinh doanh cho mấy người không đủ tiêu chuẩn mượn tiền mua nhà, mặt khác lại có một khối khác ngồi chờ những người này không trả được nợ để hưởng lợi.

Ông Lew là người ngồi chờ, và đó là cách ông làm giàu, trở thành triệu phú. Và bây giờ được làm Chánh Văn Phòng cho ông tổng thống của dân nghèo.

TT Obama luôn miệng xỉ vả tài phiệt Wall Street và ủng hộ chủ trương chống “nhà giàu” của nhóm cực đoan Occupy Wall Street. Thực tế, ông chỉ dùng những tay tài phiệt này thôi. Chừng nào thì nhóm “99%” này mới sáng mắt để “đừng nghe những gì …”?

***

TT Obama xác nhận cuộc chiến trước mắt khá cam go cho ông vì những thành tích khiêm nhường của mình. Nhưng hy vọng của Đảng Cộng Hoà cũng chẳng khá hơn vì những tranh giành trong nội bộ. Hiện giờ cũng vẫn còn một nửa tá ứng viên, tuy trên thực tế chỉ có hai người có hy vọng đạt được mục tiêu, là hai ông Romney và Gingrich, và cuộc chiến Romney-Gingrich có thể sẽ hấp dẫn không thua gì cuộc chiến Obama-Hillary trước đây. (1-15-12)

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Ý kiến bạn đọc
18/01/201206:08:24
Khách
Tin nóng cho biết Huntsman đã rút lui khỏi tuyển cử Sơ-bộ của đảng Công-hoà và lên tiếng ủng hộ Mitt Romney . Như vậy phần thắng trong tuyển cử Sơ-bộ chắc phải là Mitt Romney.Chúc Romney thành công. Vubvinh
18/01/201221:19:58
Khách
3 năm qua nếu obama đã thật sự làm ích nước lợi dân thì nợ quốc gia hôm nay không khủng khiếp đến thế . Cứ nghĩ mổi sáng thức dậy đến khi đi ngủ, Hoa Kỳ phải trả hơn 1 tỉ đô la chỉ là tiền lãi cho trung cộng.Ngoài việc tiếp tục vay tiền và xài tiền, "con lải" obama và đồng bọn đang hút máu mủ người dân để làm giàu cho bản thân bọn chúng.Mong rằng 1 khi không còn là gì nữa tên obama này sẽ cút xéo qua trung cộng với thằng anh em "cùng chai,khác lọ"để thoả sức hưỡng rượu,cần,gái mà nghe nói còn rất rẽ bên ấy.
19/01/201222:49:03
Khách
Đảng Cộng hoà bây giờ đang trên đường " diệt chủng " chúng nó chửi nhau chí choé trên TV, trước đây dân Mỹ ít có nhà có cable TV bây giờ tất cả mọi nhà ở Mỹ đều có, thành ra đảng Cộng hoà không thể nào LỪA BỊP dân được nữa, cho dù ông có viết như thế nào đi nữa thì dân Mỹ đã hiểu biết rồi. Chỉ có kẻ ÁC mới ủng hộ kẻ ÁC.

Trời sập Obama mới thua kỳ này. Romney là nhà kinh tế gia thất bại đưa kinh tế TB Massachussetts đứng hạng thứ 43 ở Mỹ, đưa hãng BAIN phá sản, và đã bị Gingrich nói rằng "Romney là nhà chính trị 16 năm nếu ông ta đã thắng Ted Kennedy" không như ông nói ông là kinh tế gia.

Ông Romney cho dân nghèo đóng thuế thêm để lấy tiền bớt thuế thêm cho nhà giàu như ông là thêm 15%, hai con chó dại góp ý , và tác giả ngu quá sủa ấm ỷ, nó lên TT để làm lợi cho chính bản thân nó, nên nó đâu chịu đưa tờ đóng thuế cho mọi người xem, Romney đóng thuế 15%, cón Obama 26%, Gingrich 31%, tài sản Romney 250 triệu, nhựng mấy con chó dại ngu quá không hiểu la lối um sùm.

Romney và tác giả nói Obama chẳng làm gì nhưng cách đây 3 năm tại Iowa, Obama tuyên bố ông sẽ thông qua luật bão hiểm cho dân Mỹ, rút quân hết ở Iraq, sẽ giết bin Laden.
18/01/201204:58:04
Khách
Bài viết thật tuyệt chiêu vì các dẫn chứng đều thật và rõ . Gần cuối bài viết, tác giả đã đề ra một câu hỏi thật chí-lý :" Chừng nào thì nhóm 99% này mới sáng mắt để : Đừng nghe những gì ? . Tôi xin được phép thêm vào cho rõ hơn. Đó là :" Đừng nghe những gì Đấng tiên-Tri Obama nói, mà hãy nhìn cho kỹ những gì mà Đấng-tiên-tri Obama làm ". Nếu thấy Ngài làm điều tốt "Ích Quốc lợi Dân" thì sẵn sàng dành lá phiếu cho Ngài, còn chỉ nói suốt như ba năm qua, thì xin gởi Ngài về Chicago hay Hạ-Uy-Di để có thì giờ luyện "Chưởng". Vubinh
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam đã và đang làm hết sức để cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mới tám tháng trước
Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2007 (DLNQ), đã thông qua Hạ Viện ngày 18/9/2007 với đa số áp đảo 414/3, tố cáo mạnh mẽ CSVN đã vi phạm nhân quyền
Hai cuộc thử nghiệm  lòng  dân cùng xẩy ra một ngày, ở hai lục địa khác nhau nhưng có cùng một bài học về dân chủ  cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên các báo mạng ra ngày 27-11-2007, và cả báo truyền khẩu quán cóc vỉa hè, xe ôm, hớt tóc dạo... tất cả đều luân lưu những bản tin
Hội Đồng Giám Sát Quận Cam đã vinh danh ông Nguyễn Nam Lộc vì đã hoạt động liên tục 32 năm qua
Trong dịp ra mắt CD "Lá Rơi Bên Thềm” của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Paris, Tuyết Mai được dịp gặp gỡ một số nghệ sĩ tài danh ở đây
Vào giữa tháng 11, 2007, báo chí loan tin: Mới đây, 20.000 công dân của Hiệp hội Những người ăn chay ở Pháp
Tôi đã quan sát sự tương quan giữa nền kinh tế của Việt Nam và vấn đề tham nhũng tại đó trong nhiều năm qua. Chính tôi nhìn thấy nhà nước cộng sản
Vào đầu năm tới, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Việt Nam, một ngôi sao đang lên". Hội nghị do tạp chí chuyên đề nổi tiếng
Sau khi thành công chế tạo bom áp nhiệt, một loại vũ khí quan trọng đã giúp giảm thiểu số tử vong của binh sĩ Hoa Kỳ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.