Hôm nay,  

Bầu Cử Sơ Bộ: Màn Một, Iowa

10/01/201200:00:00(Xem: 9441)

Bầu Cử Sơ Bộ: Màn Một, Iowa

Vũ Linh

...Romney và Obama đều được hậu thuẫn ngang hàng nhau, 47% mỗi người...

Ngày Thứ Ba vừa qua đánh dấu hồi thứ nhất của cuộc tranh cử tổng thống Mỹ khi tiểu bang Iowa tổ chức bầu sơ bộ.

Bên đảng Dân Chủ, bầu sơ bộ được tổ chức âm thầm lặng lẽ, không ai biết, không ai hay. Có lẽ phải đọc báo kỹ lắm thì mới thấy một mẫu tin ba dòng trong mục Rao Vặt mới biết được đảng Dân Chủ cũng có bầu sơ bộ. TT Obama lên truyền hình video trực tiếp nói chuyện với các đồng chí: ông nhắc nhở họ cuộc bầu cuối năm sẽ gay go lắm, đừng nằm nhà ngủ mà không đi bầu vì tổng thống sẽ gặp khó khăn và cần lá phiếu của mỗi người. Theo tin báo chí, cuộc nói chuyện bị cắt quãng, mất cả hình lẫn tiếng nhiều lần vì trục trặc kỹ thuật. Không biết có phải vì lý do đó mà các đảng viên nghe Đấng Tiên Tri nói chuyện mà hầu như ngủ gật hết. Không có gì mới lạ, không ai vỗ tay, hò hét, nhẩy tưng tưng, thổn thức khóc, hay té xỉu như bốn năm trước.

Bên đảng Cộng Hoà, tình trạng hoàn toàn khác. Cả nước hồi hộp theo dõi đến gần ba giờ sáng – giờ thủ đô Hoa Thịnh Đốn – thiên hạ mới biết kết quả bỏ phiếu. Và kết quả vừa đáng ngạc nhiên vừa... không đáng ngạc nhiên chút nào.

Không đáng ngạc nhiên vì kết quả vẫn ... như tất cả mọi người đã dự đoán.

Cựu thống đốc Massachusetts, ông Mitt Romney, về đầu. Đó là điều các cuộc thăm dò đã cho thấy từ gần một năm nay, bất kể những trồi xụt bất ngờ trong khối ứng viên Cộng Hòa. Điều đáng nói là ông Romney nhận được đúng 25% phiếu. Đó là con số màu nhiệm của ông đã có từ cuộc bầu sơ bộ đầu năm 2008 và trong suốt thời gian sơ bộ mở màn từ năm ngoái. Đặc biệt hơn thế, cuối cùng ông Romney nhận được hơn 30.000 phiếu, đúng y chang con số ông lãnh được bốn năm trước.

Điều này nói lên sự hậu thuẫn của ông Romney chắc như đinh đóng cột, nhưng con số đệ tử của ông không tăng mà cũng chẳng giảm, cho dù ông đã chuẩn bị vận động gần như không ngừng từ bốn năm qua. Nôm na ra, một phần tư đảng viên Cộng Hòa tại Iowa sống chết với ông trong khi ba phần tư vẫn không tin tưởng mà loay hoay tìm người khác.

Tìm đi tìm lại, sơ sơ đã thử qua sáu người, từ đại gia Donald Trump, đến nữ dân biểu Michele Bachmann, thống đốc Texas Rick Perry, doanh gia Herman Cain, cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich, và dân biểu Ron Paul. Mà vẫn chưa vừa ý. Cuối cùng, kết quả cuộc bầu sơ bộ đã lại đưa ra một ngôi sao mới của Cộng Hòa, ngôi sao thứ bẩy.

Và đây là ngạc nhiên lớn của cuộc bầu tại Iowa: cựu thượng nghị sĩ Rick Santorum bất ngờ vọt lên ngang ngửa với ông Romney trong khi các ứng viên bảo thủ nặng ký khác lẹt đẹt ở mức dưới đầu gối. Bà Bachmann, ngôi sao hàng đầu hồi tháng Tám, là nạn nhân chiến cuộc đầu tiên, đã bỏ cuộc. Ông Perry thì đang xét lại thế đứng, có nhiều hy vọng sẽ rút lui nếu không đứng hạng nhì hay ba ở vài tiểu bang tới.

Ông Santorum, năm nay 54 tuổi, là một luật sư chuyên nghiệp, trước đây là thượng nghị sĩ Cộng Hoà của tiểu bang Pennsylvania. Ông đắc cử vào chức vụ này năm 1995, làm hai nhiệm kỳ, nhưng thất bại nặng khi ra tranh cử lại cuối năm 2006, thua tới 18 điểm. Trước đó, ông là dân biểu được hai nhiệm kỳ. Ông nội là di dân từ Ý Đại Lợi, qua Mỹ làm thợ hầm mỏ, tức là có gốc lao động thuộc thành phần “99%” thứ thiệt.

Cũng không khác gì những ngôi sao trước, từ ngày đầu vận động tranh cử đến giờ, bao giờ cũng ông Santorum cũng ngoi ngóp ở mức dưới 5% hậu thuẫn trong đảng. Thế rồi cách đây ba tuần, khi ngôi sao Ron Paul bắt đầu phai nhạt thì ngôi sao Santorum mới nổi lên. Ông là người gần chót trong danh sách các ứng viên Cộng Hòa. Bất ngờ trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử, tên tuổi ông bắt đầu nổi lên, hiển nhiên là vì Cộng Hoà... hết người.

Phải nói là ông Santorum nổi lên không thể nào đúng lúc hơn: khi Cộng Hòa gần hết người, và nhất là quá cận ngày bầu, các đối thủ và nhất là báo chí, chưa kịp khui rác trong quá trình của ông cũng như chưa kịp đánh ông.

Kết quả bầu sơ bộ Iowa cho thấy ông Santorum thua ông Romney đúng tám phiếu trong khoảng 120.000 người đi bầu. Có lúc, khoảng hai giờ sáng, giờ Washington, ông dẫn đầu ông Romney với đúng... một phiếu, nói lên tính ngang ngửa của cuộc chạy đua Romney-Santorum. Với tư thế hàng đầu này, chúng ta có thể tin chắc trong những ngày tới, những chuyện không tốt đẹp gì về ông Santorum sẽ tràn ngập báo chí và trên quảng cáo truyền hình.

Hai nhiệm kỳ dân biểu và hai nhiệm kỳ thượng nghị sĩ bảo đảm sẽ dư sức cung cấp hàng kho tài liệu để các đối thủ khui rác và tấn công. Báo Philadelphia Daily News trong số ra ngày 4/1 đã mở màn với một bài dài hạch đủ thứ tội từ hai chục năm trước rồi.

Nhưng chắc chắn đó không phải là mối lo lớn nhất của ông Santorum.

Chiến lược của ông khá độc đáo. Trong suốt năm qua, ông gần như trở thành cư dân của Iowa, sống thường trực tại tiểu bang, và là ứng viên duy nhất đích thân đi vận động trong tất cả 99 quận (counties) của Iowa. Có nghĩa là chiến lược tranh cử của ông hoàn toàn dựa vào chiến thắng tại Iowa, rồi từ đó làm bàn đạp để có cái thế của ứng viên hàng đầu.

Nhưng vấn đề không giản dị như vậy vì ông phải tranh cử trong tất cả 50 chứ không phải một tiểu bang. Hiện nay, ông Santorum chỉ có mặt và thực sự vận động tại Iowa, chưa có người, chưa có tiền, chưa có kế hoạch, chưa có hậu thuẫn gì trong 49 tiểu bang còn lại, ngoại trừ tiểu bang Pennsylvania của ông. Một hòn núi khổng lồ mà ít người tin ông sẽ vượt qua được.

Ông Santorum thuộc thành phần công giáo, bảo thủ triệt để, chống hôn nhân đồng tính, chống phá thai, chống tăng thuế, chống Nhà Nước vú em. Nhưng ông bị khối bảo thủ chỉ trích vì chuyện ủng hộ TT Bush trong hai dự luật Medicare (Plan D tăng tiền thuốc cho người già lãnh Medicare) và giáo dục (No Child Left Behind mà TT Bush đề ra cùng TNS cấp tiến Ted Kennedy).

Khối bảo thủ cực đoan chống rất mạnh hai luật này của TT Bush vì cho rằng hai luật đó tốn tiền và mang tính can thiệp quá đáng của Nhà Nước, đi ngược lại chủ trương của bảo thủ Cộng Hòa.

Chiến thắng của ông Santorum mang tính tâm lý nhiều hơn là thực tế. Iowa có 25 đại biểu tham dự đại hội đảng Cộng Hòa. Trên nguyên tắc ông Romney là người chiến thắng – dù chỉ với tám phiếu – nên sẽ lãnh hết số phiếu này, và ông Santorum chẳng có phiếu nào. Nhưng đặc biệt theo luật tiểu bang Iowa, các đại biểu lại có quyền muốn bỏ phiếu cho ai thì bỏ, nên ông Santorum vẫn hy vọng có vài người sẽ nhìn vào kết quả ngang ngửa và cho ông vài phiếu.

Nhìn kỹ vào kết quả tại Iowa, người ta có cảm tưởng đảng Cộng Hòa vẫn gặp và sẽ còn gặp khó khăn tầy trời trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.

Ông ứng viên dẫn đầu Romney vẫn không tìm ra phương thức nào đạt được hậu thuẫn của khối đa số đảng viên bảo thủ. Các ứng viên khác thì chẳng ai hoàn hảo hay có sức thu hút cao. Như đã viết trong mục này cách đây vài tuần, Cộng Hoà đang lang thang như con thuyền không bến, chỉ biết có mục tiêu cuối cùng là mời TT Obama về nhà viết hồi ký thôi.

Iowa là một trong những tiểu bang nông nghiệp bảo thủ nhất Mỹ, do đó, ông Romney là thành phần ôn hoà nếu không muốn nói là hơi quá cấp tiến trong mắt của giới bảo thủ, mặc dù tả xông hữu đột, vẫn không ngoi lên được trên 25% từ 2008 đến giờ.

New Hampshire là tiểu bang kế tiếp sẽ có bầu sơ bộ Thứ Ba này. Đây là tiểu bang tương đối ôn hoà hơn, và là láng giềng của Massachusetts, nên tất cả thăm dò đều cho thấy ông Romney sẽ đại thắng, đạt được xấp xỉ gần một nửa số phiếu. Sẽ không có gì bất ngờ cả. Vấn đề là ai sẽ là người về nhì.

Các thăm dò gần đây cho thấy ông Ron Paul là người có hậu thuẫn cao thứ nhì. Nhưng kết quả yếu kém của ông ở Iowa, và hiện tượng mới nổi Santorum đã thay đổi thế cờ, và rất có thể ông Paul sẽ mất cơ hội về nhì.

Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Cộng, ông Huntsman đã tập trung mọi nỗ lực trong suốt cả năm qua tại New Hampshire, nhưng không ai nghĩ ông này sẽ hy vọng về nhì vì có cái “tội” rất lớn là đã hợp tác với “kẻ thù Obama”, làm đại sứ tại Bắc Kinh cho Obama. Theo định nghĩa của Mỹ, đại sứ là sứ thần đại diện cho cá nhân tổng thống (personal emissary of the President). Đối với phe đối lập Cộng Hòa, cái tội này nặng lắm.

Nhưng điều quái lạ của New Hampshire là tiểu bang này cho phép bất cứ ai cũng được tham gia vào cuộc bầu cử nội bộ của đảng Cộng Hòa, cho dù là độc lập hay Dân Chủ, chỉ cần đến nơi, ghi tên vào đảng Cộng Hòa là được vào bỏ phiếu. Bầu rồi, bỏ đảng là xong. Có thể có nhiều ông bà Dân Chủ ghi tên đi bầu với chủ ý gây rối loạn lung tung trong nội bộ Cộng Hòa.

Thử thách quan trọng nhất cho ông Romney là hai cuộc bầu tới tại South Carolina và Florida. Đây là hai tiểu bang tương đối bảo thủ, nhất là South Carolina là nơi có nhiều căn cứ quân sự, với quân nhân là thành phần bình thường khá bảo thủ. Cách đây không lâu, ông Gingrich đứng đầu cách rất xa ông Romney. Nhưng ông đã chìm xuồng mau lẹ, nên bây giờ chỉ còn lại những câu hỏi như ông Romney sẽ được khối bảo thủ chấp nhận hay không, rồi sau ông ta thì ai sẽ được hậu thuẫn của khối này. Ngôi sao Santorum mới nổi mà chưa có tổ chức, chưa có tiền, chưa có đi vận động ở South Carolina hay Florida gì hết, sẽ được hậu thuẫn như thế nào? Các ông Gingrich, Paul và Perry sẽ như thế nào?

Mấy ông sau này đều có “hành trang” nặng nề, nếu không ngóc đầu lên được thì cuộc chạy đua sẽ thành cuộc đua tay đôi giữa ông ôn hoà Romney và ông cực đoan Santorum. Ông Romney mà thắng ở South Carolina và Florida thì coi như là cuộc đua trong nội bộ Cộng Hòa đã xong và ông Romney sẽ là đại diện cho đảng Cộng Hoà.

Và điều đáng lưu ý là biết đâu chừng hai ông Romney và Santorum sẽ kết hợp lại với nhau để gồm thâu cả hai khối bảo thủ ôn hòa và bảo thủ cực đoan. Ông Romney ra tranh cử tổng thống và ông Santorum đứng phó. Việc ông Santorum ngồi chung với ông Romney sẽ khiến khối bảo thủ dễ dàng chấp nhận ông Romney hơn, và rất quan trọng, tiểu bang then chốt Pennsylvania có thể sẽ trở về tay Cộng Hòa.

Đây dĩ nhiên là chuyện không thể không xẩy ra. Truyền thống dân chủ Mỹ là như vậy. Các địch thủ đánh nhau chí chóe, chỉ trích nhau thậm tệ, nhưng cuối cùng vẫn ngồi với nhau được.

Cuộc chạy đua bên Dân Chủ năm 2008 cũng khởi đầu bằng tám ứng viên đánh nhau túi bụi. Cuối cùng còn lại hai kình địch Obama và Hillary, vẫn tiếp tục đánh nhau cho đến sát ngày đại hội đảng. Nhưng rồi ứng viên Obama sau khi thắng đã mời ông địch thủ Joe Biden là phó, rồi sau khi vào Nhà Trắng, đã mời bà Hillary làm ngoại trưởng. Sau cuộc chiến, họ vẫn vì quyền lợi chung của đất nước và quyền lợi đảng, ngồi lại với nhau, hợp tác chân thành với nhau được vì dù sao thì trong lúc đấm đá nhau, vẫn còn sự tôn trọng nhau, không xỉ vả nhục mạ nhau như hàng tôm hàng cá chợ Cầu Ông Lãnh. Xứ văn minh và người trưởng thành có khác.

Ông Romney, dù muốn hay không, cũng là địch thủ đáng ngại nhất của TT Obama. Thời buổi kinh tế rối loạn như hiện nay, với TT Obama chẳng làm nên trò trống gì suốt ba năm nay, sẽ là yếu tố quan trọng có lợi cho ông Romney, vì ông này là doanh gia có thành tích kinh tế rõ ràng. Dân Mỹ lo cho túi tiền của mình nhiều hơn, sẽ tạm biệt TT Obama dễ dàng, cho ông Romney cơ hội cứu vãn.

Thăm dò Rasmussen ngay sau bầu cử tại Iowa cho thấy cả hai ông Romney và Obama đều được hậu thuẫn ngang hàng nhau, 47% mỗi người. Có nghĩa là chẳng ai có thể mang nhà mình đi Las Vegas đánh cá xem bên nào thắng được.

Còn gần một năm nữa mới đến ngày bầu thật. Từ giờ đến đó, chẳng ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Theo các chuyên gia, yếu tố quyết định chính là kinh tế. Từ giờ đến đó, nếu kinh tế tiếp tục èo uột, thất nghiệp tiếp tục nằm trên ngọn cây, thì bảo đảm qua năm tới, chúng ta sẽ có tổng thống mới. Một phần lớn sẽ tùy thuộc tình hình Âu Châu, nếu Âu Châu sụp đổ thì kinh tế thế giới sẽ khủng hoảng nặng, kể cả kinh tế Mỹ. Nhưng nếu kinh tế có tiến triển khả quan rõ ràng, thì Romney hay Santorum hay bất cứ ai khác cũng sẽ khó thắng được TT Obama.

Tin mừng cho TT Obama là tỷ lệ thất nghiệp đã bất ngờ tuột xuống khoảng 8.5%, tuy còn rất cao, nhưng ít ra thì cũng đã có tiến bộ, xuống mức thấp nhất của ba năm Obama. Nhiều chuyên gia hy vọng kinh tế đã bắt đầu phục hồi, và nếu tiếp tục thì dân Mỹ sẽ cho TT Obama thêm thời gian để giải quyết những khó khăn và ông sẽ nhiều hy vọng đắc cử lại. Nhất là nếu khối bảo thủ cực đoan vẫn không thể chấp nhận ông Romney và thà ngồi nhà hay đi câu cá chứ không đi bầu cho ông ta.

Đảng Cộng Hoà đã nghĩ đến trường hợp này và sẽ tập trung nỗ lực nhiều hơn vào việc bầu cử quốc hội, với hy vọng duy trì thế đa số ít nhất tại Hạ Viện để ngăn cản TT Obama vung tay quá trán như trong hai năm 2009-2010. Không hạ được TT Obama thì chỉ còn cách vô hiệu hoá ông ta, và như vậy TT Obama sẽ có nhiều dịp đi nghỉ hè, du lịch và đánh gôn hơn. (8-1-12).

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Ý kiến bạn đọc
10/01/201217:14:56
Khách
Theo Viện Thống Kê về Kinh Tế Gallup thì tỉ lệ thất nghiệp của toàn quốc Huê kỳ nói chung giảm mạnh từ xấp xỉ 9,5% đầu năm 2011 xuống dưới ngưỡng 8,5% của đầu năm 2012 . Chính phủ thuộc Đảng Dân Chủ đã điều hành nền kinh tế hết sức hiệu quả khi bơm thêm ngân khoản vào việc kích cầu kinh tế , đặc biệt là ngành chế tạo xe hơi đã tăng hơn 25% thị phần lợi tức tính ra trước khủng hoảng năm 2008 . Duy chỉ có ngành bất động sản là tăng trưởng chậm , còn lại những ngành khác như ngành du lịch , điện tử và dịch vụ ăn uống tăng trưởng rất đáng kể , tăng hơn 30% so với năm ngoái . Nếu chúng ta nói chính phủ của Tổng Thống Obama gặp may thì đó là một sự đánh giá phiến diện và không khách quan , bằng chứng là Liên Âu và Nhật Bản vẫn còn vùng vẫy trong cơn suy thoái kinh tế , và nền kinh tế thứ nhì thế giới là Hoa Lục đang bị u ám vì bắt đầu bị suy giảm cán cân thương mại . Cho nên cứ nói trong ba năm của nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Obama chẳng làm nên trò trống gì thì đúng là một sự đánh giá xuẩn ngốc vậy !
Cũng xin nói thêm rằng tỉ lệ ủng hộ đối với ông Obama là 49% là theo đánh giá toàn quốc , còn đối với ông Mick Romney là dưới 25% . Con số 49% dành cho ông Romney là tỉ lệ ủng hộ của những người thuộc Đảng Cộng Hoà mà thôi ! Xem ra ông Romney còn dệt mộng xa vời lắm lắm vậy !!!
10/01/201218:07:33
Khách
Ông Santorum đã được CNN replay những đoạn firm có tính kỳ thị về dân da đen hưởng trợ cấp xã hội mặc dầu ông ta phủ nhận, như thế là xong, ông ta đi đong, Mr. Romney có khùng điên cở nào đi nữa cũng không dám nhận ông ta đứng cùng liên danh. Tóm lại, Romney sẽ chọn một người nào đó ngoài những người đang tranh cử với ông ta, chắc chắn là ông ta không dốt như Mác-ken.
Obama đang trên đường hồi phục uy tín thì xuồng bị lủng lổ vì cuốn sách "The Obamas", và ông chánh văn phòng từ chức(?). Tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp bởi vì dân hưởng tiền thất nghiệp đã quá thời hạn tiếp tục, không phải nhờ công việc làm có nhiều. 11/2012 dân Mỹ ở nhà nhiều hơn là đi bầu.
14/01/201218:42:03
Khách
Vu Linh ca : " Thế rồi cách đây ba tuần, khi ngôi sao Ron Paul bắt đầu phai nhạt thì ngôi sao Santorum mới nổi lên."

Ứng cử viên đảng Cộng hoà thì ca là "ngôi sao", nghe nói thấy mà tởm. Tên tay sai này đảng Cộng hoà không cho ngay cả 1 cent, nhưng vẫn mồm thối ca ngợi, không biết mắc cở, bản thân thì già và đói mà đòi đi lo cho đảng Cộng hoà, đảng Công hoà và ông mới là đảng Cộng sản ông viết Obama là Cộng sản là sai rối.
14/01/201219:06:53
Khách
Vu Linh nói: " Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Cộng, ông Huntsman đã tập trung mọi nỗ lực trong suốt cả năm qua tại New Hampshire, nhưng không ai nghĩ ông này sẽ hy vọng về nhì vì có cái “tội” rất lớn là đã hợp tác với “kẻ thù Obama”, làm đại sứ tại Bắc Kinh cho Obama."

Còn tên này Bush con sao không nói hợp tác với kẻ thù ?????

Vu Linh nói: " Nhưng ông bị khối bảo thủ chỉ trích vì chuyện ủng hộ TT Bush trong hai dự luật Medicare (Plan D tăng tiền thuốc cho người già lãnh Medicare) và giáo dục (No Child Left Behind mà TT Bush đề ra cùng TNS cấp tiến Ted Kennedy).

Đảng Cộng hoà bây giờ đang trên đường " diệt chủng " chúng nó chửi nhau chí choé trên TV, trước đây dân Mỹ ít có nhà có cable TV bây giờ tất cả mọi nhà ở Mỹ đều có, thành ra đảng Cộng hoà không thể nào LỪA BỊP dân được nữa, cho dù ông có viết như thế nào đi nữa thì dân Mỹ đã hiểu biết rồi. Chỉ có kẻ ÁC mới ủng hộ kẻ ÁC.

Trời sập Obama mới thua kỳ này. Romney là nhà kinh tế gia thất bại đưa kinh tế TB Massachussetts đứng hạng thứ 43 ở Mỹ, đưa hãng BAIN phá sản, và đã bị Gingrich nói rằng "Romney là nhà chính trị 16 năm nếu ông ta đã thắng Ted Kennedy" không như ông nói ông là kinh tế gia.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.