Hôm nay,  

Một ngày trong đời người tù Việt ở Mỹ

07/01/201200:00:00(Xem: 13647)

Một ngày trong đời người tù Việt ở Mỹ

Trịnh Thanh Thủy

Trong kho tàng ngôn ngữ của chúng ta có câu ví von Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Nghĩa là, một ngày trong tù sánh bằng ngàn năm ở bên ngoài”. Sự so sánh này quả không ngoa. Tự do của một con người quý báu vô cùng. Nó là đôi cánh chim soãi rộng trong khoảng trời cao, là cặp vây cá lượn là dưới làn nước biếc, là bốn chân ngựa tung vó trên con đường mịt mờ bụi chiều hôm.

Một người bị giam hãm trong tù, bị cách ly giữa hai thế giới trong và ngoài là những đoạ đày hãi hùng, không ai muốn nhắc tới. Quyền làm người bị tước đoạt, bị quản chế, kiểm soát chặt chẽ là những kham khổ không ai ham vướng mắc vào. Có ai thích ở tù đâu? Có ai muốn làm phạm nhân đâu? Người Việt chúng ta sống ở hải ngoại, ngày nào cũng hãnh diện kể cho nhau nghe chuyện con cái học giỏi, đỗ cao, thành đạt. Trên mạng, những mẫu gương sáng vẻ vang dân Việt được chuyển cho nhau xem, nhiều còn hơn những lá thư cá nhân. Chúng ta chỉ muốn nghe chuyện vui hơn là chuyện buồn, muốn thấy các khía cạnh tích cực hơn là tiêu cực. Dĩ nhiên ai lại vạch áo cho người xem vết thương rướm máu hay vết chàm đen xám nơi lưng đâu. Nhưng thật sự chúng ta có những vết sẹo, vết chàm trên thân thể lưu vong các bạn ạ, nếu không cởi áo, chúng ta sẽ không thấy chúng. Chúng là những phạm nhân, những người tù đã được thả, còn tạm giam, hay vẫn còn sống mất tự do trong nhà tù ở trên khắp nước Mỹ hay đâu đó trên các quốc gia khác ngoài Việt Nam.

Riêng ở Mỹ, theo Reuter, vì tình trạng kinh tế suy thoái mà một nghiên cứu mới đây nhất của đại học Cincinnative tiết lộ có khoảng 1/3 thanh thiếu niên ở Mỹ đã từng bị bắt giam vì phạm tội trước khi đến tuổi 23. Tội bị bắt nhiều nhất là uống rượu trước tuổi luật pháp cho phép, trộm cắp vặt hay bạo động. Giáo sư Brame cho rằng cảnh nghèo, chật vật tại học đường, khó khăn trong gia đình và cuộc sống đã là những yếu tố liên quan tới tỷ lệ phạm tội quá cao này. Người Việt dù ít ỏi trong cộng đồng lớn nhưng không ngoại lệ tức là cũng có phạm tội.

Hôm nay trong bài này tôi xin nhắc tới họ, những phạm nhân người Việt và xin kể bạn nghe cuộc sống và sinh hoạt thường nhật của họ trong cuộc đời lao lý. Mục đích của bài này giúp bạn đọc có chút kiến thức về một cảnh đời khác những gì chúng ta đang sống. Bạn sẽ được nghe những trải nghiệm của một phạm nhân Việt Nam được thuật lại như một hồi ký. Vì là câu chuyện kể của một cá nhân nên nếu có những ý kiến hay tư tưởng thiên lệch, kỳ thị hoặc cực đoan xin độc giả thông cảm và bỏ qua cho.

Anh X bước vào cuộc đời tù ngục cũng vì một phút nóng giận nhất thời. Cơn giận thường là đầu mối của những hành động vô ý thức, vượt ngoài tầm kiểm soát, dễ đưa đến những hậu quả tai hại khó lường. Trường hợp của anh X có thể cũng như nhiều người khác vì giân dữ làm mờ lý trí. Anh còn mắc thêm một sai lầm là không rành rẽ luật pháp. Theo anh, nếu biết rõ, anh sẽ không bị tù tới 2 năm chỉ vì một cái tội cỏn con là la mắng con cái. Khi đang sửa xe và lau tay, sẵn cơn giận, anh ném một chai xăng nhỏ(khoảng 4 oz) về phía con, nhưng chẳng may chất xăng này dính vào áo con. Anh doạ sẽ giết con nếu nó hỗn hào.

Chính vì không hiểu luật mà trong lúc tâm thần hốt hoảng, bị hỏi cung anh khai không rõ ràng về tình hình xảy ra tại hiện trường mà cảnh sát đã dùng khẩu cung đó để kết tội anh, khiến luật sư có giúp cũng không làm giảm án được. Họ bảo rằng chai xăng là một chất dẫn hoả và anh đổ trên quần áo con anh, để phóng hỏa giết nó. Do đó anh bị kết tội có hành động giết con, mặc dù anh có giải thích thế nào về tấm lòng cha mẹ, ai lại nỡ giết con bao giờ và chỉ muốn hù dọa nó thôi.

Anh muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân với những ai chưa từng phạm tội, nếu chẳng may gặp một bi kịch nào xảy ra có dính dáng tới tội phạm hay giới thẩm quyền, khi cảnh sát tới hiện trường, hỏi cung hay lấy lời khai thì nên giữ im lặng là tốt nhất vì đó là quyền của người công dân. Những lời khai thiếu suy nghĩ có thể khiến một người bị tù oan một thời gian dài, chung thân hoặc tệ hơn hết là lên ghế điện. Hãy giao tất cả cho luật sư lo.

Anh nhận xét thêm, ở bên Mỹ có những trường hợp mới nghe ta tưởng là tội nhẹ nhưng đi sâu vào chi tiết, nó không đơn giản chút nào. Lúc phạm tội, công tố viện xem mỗi hành động không đúng luật được đếm là một tội. Tỷ dụ như trường hợp một thanh niên hành hung một người. Thanh niên kéo người đó từ dưới đường lên xe, sẽ bị quy một tội là bắt cóc. Sau đó anh ta đánh nạn nhân tức làm tổn thương thân thể người khác là một tội nữa, mỗi tội được đếm, có thể bị án 5 hoặc 6 năm tù, rốt cuộc anh này sẽ bị 11 năm tù, mặc dù anh có hợp tác với cảnh sát và thành thật khai báo những gì đã xảy ra. Cùng một trường hợp nêu trên mà người phạm tội có kiến thức về luật pháp, lại biết cách lo luật sư giỏi sẽ chỉ bị án nhẹ hơn hoặc dưới 8 năm.

Anh X cho rằng người Á Đông bị kỳ thị nặng nề mỗi khi phạm tội và thường bị tuyên án phạt nặng hơn một người da trắng bản xứ. Anh nghĩ, Công Tố Viện khi kết tội phạm nhân, họ càng quy tội nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu, mục đích để trừng phạt. Họ là những người đại diện luật pháp mà luật pháp chỉ có lý chứ không kể đến tình. Anh cho biết những phạm nhân anh đã tiếp xúc trong tù còn rất nhỏ mà hầu như đều bị kết tội mười mấy hay trên 20 năm mà anh thấy tội không nặng lắm. Hơn nữa, nơi anh bị thọ án là tiểu bang California, nơi luật khắt khe hơn các tiểu bang khác, nên được gọi là “Police State” tức “tiểu bang của cảnh sát” . Ví dụ như, ở Cali tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp được chia làm 2 loại, xông vào nhà tư nhân, tội nặng hơn vào một hãng xưởng hay cơ quan công cộng và có thể tù tới 6 năm (penal code 459). Có tiểu bang vào lúc ban đêm nặng tội hơn ban ngày. Có mang vũ khí, hay tấn công với vũ khí giết người, tội nhiều hơn. Mang một cây súng có nạp đạn bị 1 tội, tù 4 hay 5 năm, đạn ra khỏi nòng 10 năm, và bắn trúng vào người khác tức phương hại thân thể, tù khoảng 20 năm trở lên hay chung thân.

Anh tiếp, thường thì những vụ đại hình bên tiểu bang Cali đều là những vụ tồi tệ. Các trường hợp gia trọng xảy ra đều do trở ngại ngôn ngữ gây hiểu lầm giữa giới có thẩm quyền và người dân. Điển hình như vụ ở San José, Bắc Cali, cô Trần thị Bích Câu bị bắn chết lầm và gia đình được bồi thường 2 triệu. Còn những vụ oan ức khác như vụ bắn chết ông Lê Đình Vân ở Escondido, San Diego và vụ giết chết Daniel Phạm, một thanh niên bị bịnh tâm thần. Tất cả đều do người nhà gọi cảnh sát đến để giúp mà kết cuộc cảnh sát đã giết lầm.

Sau đây là những trải nghiệm được chia sẻ của anh và một người Mỹ đã sống qua những ngày tháng dài trong trại giam trên đất Hoa Kỳ.

Đầu tiên khi phạm nhân vào nhà giam, sẽ phải qua cửa R&D (receiving&discharge) là nơi làm thủ tục nhận và thả tù nhân. Phạm nhân sẽ được chụp hình, lăn tay và khai lý lịch với nhiều câu hỏi. Những câu hỏi này được cho vào hồ sơ của phạm nhân và sẽ được các chuyên gia tâm lý và nhân viên an ninh duyệt xét. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập trại, phạm nhân sẽ bị còng và đưa tới S.H.U. (Special Housing Unit). Tại đây phạm nhân sẽ phải ở trong buồng tạm giam khoảng 7 tới 10 ngày để hoàn tất thủ tục và hồ sơ. Điều kiện sống ở đây rất tồi tệ và nghiêm khắc. Phòng này được gọi là phòng đơn hay đôi, rộng khoảng 8x10 feet dùng cho 1 hoặc 2 người. Có 1 cầu tiêu, chậu rửa mặt và những giường tầng. Nhiều khi đông, ban ngày giam từ 6 tới 10 người trong một phòng. Đặc ân được tắm chỉ có một hay hai lần một tuần, nên rất dơ dáy và hôi hám. Phạm nhân sẽ không được dùng điện thoại hay điện thư trong giai đoạn này.

Vài ngày sau, một nhân viên phụ trách sẽ tới phỏng vấn và duyệt xét hồ sơ của phạm nhân và đưa quyết định xem phạm nhân đó đã sẵn sàng để đưa qua trại tập trung chưa. Nếu người nhân viên giám định này phát giác ra phạm nhân có những vấn đề liên quan tới an ninh, băng đảng hay tâm thần hoặc bất cứ vấn đề nào tương tự, phạm nhân sẽ bị lưu lại ở trại tạm giam để chờ xét nghiệm thêm.

Thời gian tạm giam này là lúc khó khăn nhất vì chưa thành án và phạm nhân còn chờ ngày ra tòa. Họ chịu áp lực từ mọi phía, bị hành xác bởi guồng máy quyền lực, bị chuyển từ nơi này đến nơi khác, còng tay, chờ đợi, làm giấy tờ, lục soát, cởi quần áo bất cứ lúc nào để khám xét và khủng bố tinh thần. Mục đích để phạm nhân mệt mỏi từ tinh thần đến thể xác mà mau nhận tội. Khi tắm gội cũng vậy, chỉ được phép 5 phút, có khi vừa sát xà phòng xong thì hết giờ, hoặc vừa cởi quần áo ra, nước đã bị tắt. Phòng giam lại không có an ninh, người đông dễ bị đánh nhau.

Khi đã thành án, phạm nhân ở tình trạng sẵn sàng để chuyển về trại tập trung, người đó sẽ được in và phát thẻ căn cước và số mật mã (P.C. A code). Mật mã chin con số này dùng để đăng nhập mà nói chuyện điện thoại. Phạm nhân sẽ được chỉ định số phòng, giường và tủ có khoá. Sau đó được đưa đến phòng giặt quần áo và được phát vật dụng cá nhân gồm 4 khăn tắm, 4 khăn tay, 4 quần lót, 4 bộ quần áo đồng phục, 4 áo thun. Một đôi giày ủng, một giây lưng, một cái gối và áo gối, mền ngủ, xà phòng, bàn chải và thuốc đánh răng, dao cạo râu và giấy đi cầu. Họ cũng được phát thêm dao cạo râu, xà phòng, kem đánh răng, giấy đi cầu hai lần 1 tuần, thay khăn tắm một tuần hai lần, thay khăn trải giường và mền tuần một lần. Hầu hết các nhà tù liên bang đều có máy giặt và sấy quần áo cho phạm nhân. Họ có thể mua xà phòng giặt và chọn tự giặt lấy quần áo.

Việc quan trọng đầu tiên của một người tù khi vào nhà giam là tìm nơi đặt tấm bảng thông tin. Đó là chỗ mỗi ngày lệnh triệu tập được yết lên. Bản thông cáo triệu tập được yết từ 3 tới 5 giờ chiều mỗi ngày. Nó được Cục Quản lý trại giam liên bang dùng để thông báo việc điều phạm nhân tới nơi nào vào ngày kế tiếp. Như việc phải đi khám bác sĩ hay đi gặp vị cố vấn. Nếu vắng mặt hay không tuân lệnh sẽ bị xem như phạm tội bất tuân kỷ luật. Ngoài ra phạm nhân còn cần đọc kỹ và hiểu rõ luật lệ của nhà giam được niêm yết trên bảng. Phải nhớ kỹ và tuân thủ những luật lệ ngầm được đặt giữa các tù nhân trong cùng một trại nữa. Những bạn tù tiếng lóng được gọi là “celly”. Điều tối quan trọng là phải tuyệt đối tôn trọng và lịch sự với họ vì họ là người tới trước và “lãnh địa” ấy là của họ. Không thể để xảy ra một quan hệ xấu với các bạn tù. Đừng bắt đầu bằng một bước sai lầm.

Anh X cho biết tình trạng kỳ thị và phân biệt chủng tộc trong tù bang CaLi xảy ra rất nhiều. Nhóm nào sống với nhóm đó. Một khu được gọi là một yard có khoảng 1ngàn người thì người Mễ chiếm khoảng 50 phần trăm dân số, Việt Nam chỉ có khoảng 5 hay 6 người. Băng đảng người Mễ ở Bắc và Nam Cali hay đánh nhau nhiều nhất. Tuy nhiên, ban giám trại và các băng đảng khác lại rất sợ nhóm băng đảng Á Đông vì họ liều lĩnh và thông minh. Anh nghĩ rằng sở dĩ họ sợ và có khuynh hướng muốn nhốt người Á Đông lâu hơn trong tù để tránh việc khi ra tù và nếu trở lại họ sẽ trở nên khôn ngoan, liều lĩnh hơn.

Trong ấy nếu biết cách sống thì phạm nhân cũng có thể sống một cách an toàn như chúng ta sống trong một cộng đồng xã hội bên ngoài vậy. Mỗi phòng có 2 người ở, thường là hai người cùng sắc tộc để tránh việc thù hằn. Mỗi nhóm có một trưởng nhóm lãnh đạo. Nếu ai có thắc mắc, hay thỉnh cầu, người trưởng nhóm sẽ lên tiếng dùm. Nếu sống chung có rắc rối, có yêu cầu thì thẩm quyền sẽ đổi người hay chuyển đi nơi khác để tránh việc giết hay thanh toán lẫn nhau. Để tránh xô xát trong giờ ăn, các nhóm sắc tộc cũng được ngồi riêng.

Trong tù phạm nhân được gọi điện thoại và viếng thăm có giới hạn. Từ tháng Giêng tới tháng Mười mỗi người được dùng 300 phút mỗi tháng. Hai tháng còn lại là 400 phút. Mỗi lần nói chuyện không được quá 15 phút. Luật thăm viếng cũng phải theo một quy tắc giấy tờ hành chính. Có hai loại đơn khác nhau thường được dùng để xin thăm tù nhân. Một cho gia đình quyến thuộc, một cho những người khách muốn vào thăm. Thủ tục hành chính này cũng mất thời gian lắm, có khi mất cả tháng, khách mới được vào thăm. Không thi hành đúng thủ tục phạm nhân có thể mất quyền được viếng thăm. Tuy nhiên, với gia đình thân thuộc thì sự thăm viếng dễ dàng và được khuyến khích thăm thường xuyên hơn.

Mỗi cục quản lý trung ương có một phân khoa giáo dục riêng. Phân khoa này có trách nhiệm giảng dạy những chương trình có tính hàn lâm, xã hội, hướng dẫn nghề nghiệp, thủ công, hoạt động ngoài trời cũng như có cả những thư viện luật pháp. Thư viện ở đây chứa đựng những tài liệu hay những bộ sưu tập về luật lệ được cung cấp bởi hệ thống thư viện luật liên bang. Các phạm nhân cũng nên cẩn thận đừng để mất những đặc ân này.

Những sinh hoạt giải trí, thể dục, trong và ngoài trời là những đặc ân quí báu khác mà những phạm nhân không phạm luật được hưởng. Những chương trình giáo dục sức khoẻ, thể thao, bi-da, bóng bàn, âm nhạc, bóng chày, bóng tròn hay những trò chơi thư dãn được cung cấp đầy đủ. Mỗi khu có một Ti Vi mở 24 tiếng, muốn coi lúc nào thì coi. Cuối tuần được đặc ân xem phim, ai thích phim nào ghi xuống và phim sẽ được mướn về cho mọi người coi, theo chọn lựa của đa số. Còn có những lớp dạy đan, móc, làm đồ sứ hay các loại thủ công khác nữa. Ngoài ra phạm nhân được cho phép mua vật dụng ở tiệm tạp hoá trong trại giam nhưng theo một giới hạn là từ tháng Giêng tới tháng 11được mua đến $290 thôi. Tháng 12 được tiêu tới $340.

Anh X thường mua mì gói, gạo sấy, hay cá mòi ăn, để đỡ nhớ thức ăn Việt Nam. Phạm nhân được cho phép nhận khoảng 30 lbs quà mỗi 3 tháng nhưng phải theo danh sách quà được cho phép. Thức ăn hàng ngày ít chất thịt, ít protein, hay calories để tránh tính tình nóng nảy, hay quá nhiều sức mạnh dễ gây bạo lực.

Hoạt động tôn giáo là một món ăn tinh thần cần thiết trong những ngày tù giam hun hút. Mỗi trại đều có một nhà thờ nhỏ với giáo sĩ để giúp các phạm nhân khuây khoả với niềm tin tôn giáo. Điểm đặc biệt là cơ quan cố gắng cung cấp những chương trình phù hợp với nhu cầu theo đòi hỏi của phạm nhân có các tôn giáo khác nhau. Có cả phái đoàn công giáo và phật giáo hay vào thăm, phạm nhân rất thích vì đó là dịp họ được cho ăn uống, phát quà, được trò chuyện thư giãn tinh thần.

Một người bị giam trong tù, chỉ mất tự do đi lại của một cá nhân. Nhưng một người thật sự có tự do là một người có bằng an, có giải thoát trong tâm hồn. Để sửa chữa, giáo dục lại một cá tính, một cách tư duy, một con người lầm lạc, người ấy phải cần những vị bác sĩ tâm linh, những kim chỉ nam dẫn về đường ngay, nẻo thiện.

Điều mà ai cũng mong mỏi ở một phạm nhân khi thoát khỏi tù ngục sẽ sống một cuộc đời lương thiện và an lành hơn là trở lại đó với một con người liều lĩnh và quỷ quyệt hơn. Tự do thật sự là thoát ra khỏi những hành vi tội lỗi, những tư tưởng lầm lạc chứ không phải chỉ thoát ra khỏi một nhà giam nhỏ cầm tù chỉ đôi chân.

Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo

-A day in the life of a prisoner

http://www.criminaljusticedegreesguide.com/features/a-day-in-the-life-of-a-prisoner.html

- Admission and orientation handbook of Federal Correctional Institution.http://www.bop.gov/locations/institutions/pek/PEK_aohandbook.pdf

Ý kiến bạn đọc
07/01/201205:32:58
Khách
Tù Mỹ so với tù CSVN là một trời một vực. Thiên đường hạn chế so với địa ngục.
08/01/201215:43:49
Khách
Nước Mỹ giam tù nhân nhiều nhất trên thế giới dù bị vi phạm việc nhỏ nhăt. Ra tù bị án felony hay misdemeanor là không bao giờ kiếm được việc làm. Các bạn VN hãy cẩn thận.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.