Hôm nay,  

Niềm Tin Từ Tha Nhân: Món Quà Giáng Sinh Vô Giá

15/12/201100:00:00(Xem: 9404)
Niềm Tin Từ Tha Nhân: Món Quà Giáng Sinh Vô Giá

vaala_hong_van_phong_van_ysa_hinh_nguyen_v_hung-large-contentHồng Vân phỏng vấn Ysa. (Photo: Nguyễn Việt Hùng)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

“Có nhớ Chú không?”
Cái giọng Bắc rất nhẹ này, cái khuôn mặt gầy gầy có nụ cười rất hóm hỉnh này – dĩ nhiên là tôi nhớ chứ! Tôi nhanh nhẩu trả lời:
- Nhớ chứ! Cháu học chung lớp ESL của Thầy Duane với Chú. Hồi đó, Chú nói tiếng Anh nhiều hơn cháu. Bây giờ, cháu viết tiếng Việt nhiều hơn Chú.
Vợ chồng Chú cùng cười. Đó là vào giữa thập niên 1990 – chuyện của thế kỷ trước. Lớp học của Thầy Duane, một người Mỹ đã từng làm việc tại Việt Nam trước 75 và biết tiếng Việt. Lớp đêm. Tôi tạm gọi là “Bổ túc ngôn ngữ,” tại Westminster High. Chú Dũng. Phải rồi, Chú nói tiếng Anh nhiều hơn tôi, vì Chú đã sử dụng Anh ngữ trước khi tôi ra đời. Bây giờ, tôi viết tiếng Việt nhiều hơn Chú, vì tôi siêng năng tập tành viết lách.
- Sao Chú còn nhớ cháu?
Chú Dũng bỗng ngưng cười, nói thật nghiêm túc:
- Từ khi học lớp ESL đó, Chú vẫn để ý đến sinh hoạt của cháu, lúc cháu đi học, cháu lập gia đình và có thêm họ Glassey, cháu viết các cột báo song ngữ. Chú vẫn theo dõi bài vở của cháu trên các báo. Chú có niềm tin ở cháu, và một số bạn trẻ khác trong lớp ESL đó. Chú biết các cháu sẽ làm được điều gì đó cho xã hội.
Lời nói của Chú làm tôi bất ngờ. Tôi chợt nhận ra sự thiêng liêng của tình dân tộc. Tôi với Chú không phải họ hàng ruột thịt. Tôi cũng không có một sự thân tình đặc biệt nào với Chú trong lớp học đó. Tôi vốn kiệm lời, và thích nghe hơn thích nói. Tôi không thể ngờ rằng, từ lúc đó, Chú đã ‘chấm’ tôi và tin tôi. Cái niềm tin của Chú đẹp quá. Bây giờ thì tôi khổ rồi, có muốn đễnh đoảng thì cũng không còn cơ hội. Đã biết có người tin mình, tự nhiên cảm thấy một trách nhiệm khác.

vaala_le_hong_quangva_lop_thanh_nhac_hinh_nguyen_v_hung-large-contentLê Hồng Quang và lớp thanh nhạc.(Photo: Nguyễn Việt Hùng)

Gần đây, tôi cũng ‘gặp’ lại một số người quen khi đọc báo. Như Luật sư Nguyễn Xuân Phước, hành nghề tại Texas. Mười mấy năm trước, Anh sang Quận Cam gặp gỡ những người bạn hoạt động dân chủ. Tôi chỉ gặp Anh một lần. Vậy mà Anh còn nhớ ‘lịch sử’ của tôi. Anh nhắn tin, “Gặp Trangđài khi Trangđài còn học ở Cal State Fullerton và làm oral history project, và chưa có Glassey.” Tôi ngạc nhiên khi mình được nhớ, nhưng nhà văn Hoàng Định Nam thì nói, “Bởi vì lịch sử của Trangđài là ‘lịch sử ngàn người viết’ mà.” Chắc là vậy, vì có những tấm lòng, như Chú Dũng, như Anh Phước, vẫn giữ niềm tin vào tôi, dù đến bây giờ tôi mới biết. Có thể chính niềm tin của họ đã làm nên bệ phóng, giúp tôi có điểm tựa vững vàng khi tập bay vào những vòm trời mới. Những bệ phóng vô hình, nằm giữa những tấm lòng bao dung.
Một tấm lòng vàng, đôi khi chỉ cần một câu nói của họ cũng đủ làm người nghe trở nên giàu có. Lúc mới qua Mỹ năm 1994, tôi đã học những lớp ESL tại Chapman Adult Education Center tại Stanton. Có lần tôi quên mang theo viết, nên một Chú tên là Quý đã cho tôi mượn cây viết chì của Chú. Hôm sau, Chú nghỉ học, mãi đến mấy tuần mới trở lại, vì phải đi làm overtime. Ngày đầu Chú trở lại lớp, tôi đợi đến giờ chơi thì đem viết trả cho Chú (tôi thích dùng chữ ‘giờ chơi’ hơn ‘giờ giải lao,’ tuy trong hoàn cảnh của lớp học toàn là người lớn). Cây viết đã cũ, chỉ dài hơn một ngón tay. Nhưng tôi đã mượn, thì tôi nhất tâm phải trả. Chú nhìn tôi và nói:
- Cám ơn cháu. Cháu là người có trước có sau. Cháu sẽ làm được việc.
Tôi đón nhận câu nói ấy không như một lời khen, mà là một sự nhắc nhở, một huấn thị. Chú Quý đã chứng minh câu danh ngôn, “It takes the whole village to raise a child” (Cần cả một thôn làng để nuôi dạy một đứa trẻ thành nhân). Lúc ấy, tôi đã 19 tuổi đầu, nhưng vẫn cần cả một xã hội để nuôi tôi thành người. Những đồng bào mà tôi gặp mỗi ngày chính là những người Thầy vô danh, tuy chỉ ‘dạy’ tôi một câu, nhưng một câu thì hơn đứt “một chữ” rồi!
Món quà Giáng Sinh vô giá

Gia đình tôi cùng các bạn sinh viên đến dự buổi đấu giá và ca nhạc gây quỹ của VAALA chiều Chúa Nhật 11 tháng 12, 2011. Chính ở buổi sinh hoạt này mà tôi gặp lại Chú Dũng – dễ cũng đã gần 20 năm kể từ cái lớp ESL thưở nào. Vợ chồng tôi ngồi cách Nhà văn Song Thao mấy ghế. Tôi biết mặt Nhà phiếm luận này qua mặt báo, nhưng không quen ông, và không dám sỗ sàng ‘bắt quàng’ với người sang, nên chỉ nhìn ngưỡng mộ, thầm vui vì sự hiện diện của ông. Và dĩ nhiên có sự hiện diện rất sáng giá của gia đình Việt Báo, của các cơ sở truyền thông, của Thụy Trinh, của Hồng Vân, của vợ chồng Bác sĩ Bích Liên, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, và nhiều cá nhân có lòng khác.

vaala_nha_ca_si_pham_dang_khoa_hinh_nguyen_v_hung-large-contentPhạm Đăng Khoa hát.(Photo: Nguyễn việt Hùng)

Phần ca nhạc rất chọn lọc đã làm cho chồng tôi mê, nhất là khi Phạm Đăng Khoa đưa hồn văn hóa về trên bục diễn, níu gọi những gì long lanh nhất của âm sắc Việt Nam. Tuy không hiểu hết ca từ, nhưng chồng tôi cũng bị cuốn vào dòng lũ của những cảm xúc trong chất giọng của Phạm Đăng Khoa, đến từ Dallas. Anh trêu ông nha-ca-sĩ trong giờ giải lao, “Anh hát tuyệt vời quá! Chắc là anh đã chinh phục được nhiều trái tim của phái nữ.” Có lẽ đã đúng tim đen, nên chỉ thấy Khoa cười trừ.
Bây giờ thì cho phép tôi chủ quan một tí, để nói rằng, cái phần hào hứng nhất đối với tôi là phần trình diễn của Ca sĩ, Thầy giáo thanh nhạc Lê Hồng Quang. Khi anh lên sân khấu, tôi đã ‘quên’ sự trang trọng của buổi ca nhạc, nên ‘lỡ’ để cho sự ngưỡng mộ của mình hét lên, “Anh Quang!” Ca sĩ Lê Hồng Quang đã ‘phàn nàn’ rằng khán giả ái mộ như vậy, dễ làm cho ca sĩ… run. Nhưng mà nếu Lê Hồng Quang biết ai ‘hét’ thì chắc sẽ không thèm run. Ngày xưa, chúng tôi cùng học chung trường, và có công việc ở cùng một ‘xó’ trong thư viện, tuy khác văn phòng. Nhiều bữa, chúng tôi cũng rủ nhau đi ăn buffet gần trường. Lúc đó, anh Quang còn sống ở Placentia, rất gần trường CSU Fullerton.
Nhưng tôi còn có một niềm vui khác rất dạt dào, khi danh ca Quỳnh Giao trình diễn. Cô không chỉ hát hay, xinh đẹp, duyên dáng, mà còn có khẩu tài. Một tòa sáng tạo trong một nhân dáng mảnh mai, đài các. Đối diện với một vẻ đẹp như Quỳnh Giao thì phải vui rồi. Mà cái vui của tôi còn lớn hơn, khi một bạn sinh viên đi cùng gia đình tôi đã nói, “Chị ơi, khi em chín tuổi, em mới qua Mỹ, em nghe bài hát này, em nhớ Việt Nam quá chừng!” Bài hát này chính là tác phẩm “Kỷ Niệm” của Phạm Duy. Tôi có mách lại cho Cô Quỳnh Giao điều này, và Cô đã nói, “Cô hát, là hát cho thế hệ của các cháu.” Tôi đồng ý, và xin thêm, “Để giữ lại hương quê.”
Và để “Cho tôi lại ngày nào, trăng lên bằng ngọn cau. Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao. Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu, trong đêm mùa khô ráo, tôi nghe tiếng còi tàu. Cho tôi lại chiều hè, tôi đi giữa đường quê, hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre, thấp thoáng vài con nghé, tiếng nước dưới chân đê. Tôi mê trời mây tía không nghe mẹ gọi về...”

vaala_quay_hang_gay_quy_hinh_nguyen_v_hung-large-contentQuầy hàng. (Photo: Nguyễn việt Hùng).

Cậu bé trong bài hát mê trời mây tía, đã không nghe mẹ gọi. Còn khán giả thì đã ‘mê’ đêm nhạc thính phòng, không ‘nghe’ trời đêm lạnh đã giăng bên ngoài gọi họ về nhà. Mọi người ở lại đến cuối cùng, theo Lê Hồng Quang đi lên Thiên Thai, rồi cùng “yêu tiếng nước tôi” với anh và các học viên của anh trong một grand finale. Các học viên đã từng học lớp Thanh nhạc do VAALA tổ chức. Vậy là đã thấy kết quả của những đầu tư nghệ thuật rồi. Mở lớp Thanh nhạc vài năm trước, năm nay, đã có ca viên trình diễn thành thục. Ca sĩ Lê Hồng Quang đã nói một điều thật ấm, làm cái lạnh bên ngoài phải chao đảo:
- Ở đây, mỗi ngày được đi dạy, được đến VAALA trình diễn, được lui tới khu vực Little Saigon, Quang thấy cuộc sống thật bình yên.
Tâm tình của ca sĩ Lê Hồng Quanh chắc đã làm ấm lòng VAALA nhiều, và sự hiện diện đến cuối của khán giả lại càng làm ấm áp hơn cái đêm chớm đông này. Những công khó của Ban Quản Trị và các thiện nguyện viên thật đã được đáp lại bằng những tấm lòng thật đẹp. Những tấm lòng đó đã có niềm tin vào VAALA. Tôi nghĩ, đây là món quà Giáng Sinh quý nhất mà Hội nhận được trong mùa Noel năm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đại Lễ Tam Hợp Vesak trong năm 2008 cũng là dịp để một nhà sư học giả Hoa Kỳ đứng giữa lòng Hà Nội
Trong lúc chúng ta đang chuẩn bị chào đón một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc ở đây thì ở quê nhà mình hằng triệu đồng bào vẫn còn chịu đựng cảnh  bức bách
Trung Quốc sau khi đã hiện đại hoá quân sự, đang từng bước chủ trương thực hiện chính sách Đại Hán
Trong cả ngàn năm, nước Việt Nam độc lập vẫn phải khéo léo hành xử với phương Bắc theo phận nhược tiểu. Các phần tử ưu tú của nước ta
Nghe tin và thấy sinh viên biểu tình chống Trung Quốc lòng mừng trong cảm xúc tuổi trẻ ngàn sau đang tiếp nối hùng tâm đảm lược ngàn xưa
Hầu hết những vùng đông dân cư Việt Nam đều có trung tâm sinh hoạt văn hóa, trong khi cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn
Từ một năm nay, dư luận Đông Á đã theo dõi vụ tranh chấp giữa tập đoàn Danone của Pháp và đối tác liên doanh tại Trung Quốc
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Nhận được lời mời thuyết trình của anh Huỳnh Quốc Văn, đại diện cho Cộng đồng Người Việt Quốc
Trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. 
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.