Hôm nay,  

Nhân Mùa Tạ Ơn Trên Đất Mỹ (2011), Xin Được Cám Ơn Các Anh: Người Thương Phế Binh/VNCH

24/11/201100:00:00(Xem: 5952)
Nhân Mùa Tạ Ơn Trên Đất Mỹ (2011), Xin Được Cám Ơn Các Anh: Người Thương Phế Binh/VNCH

Mường Giang
Kính tặng tất cả TPB/VNCH
Những ngày tháng Tư năm đó, không biết sao mà trời bỗng đổ mưa thật sớm và lớn hơn bao giờ hết. Mưa làm ngập những chiếc hố tránh đạn và giao thông hào của những người lính trận, tại các chiến trường máu lệ Phước Long, Phan Thiết, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Long An, Phước Tuy, Biên Hòa và Sàigòn.
Trong cơn mưa nước mắt năm ấy, có máu, thây người và xác của những cánh hoa học trò, làm nhuộm hồng áo người lính và đồng bào chiến nạn, chạy theo cơn mưa, mịt mù đạn pháo.
“Bồ Đào mỹ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà, mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường, quân mạc vấn"
Cổ lai chinh chiến, kỹ nhân hồi”
Bốn câu thơ cổ trong bài “Lương Châu Từ” của Vương Hàn (687-726) đã nói lên thân phận của người lính chiến, sống và chết không có biên giới, nên mấy ai dám nghỉ tới chuyện trở về" Và giọt mưa nào đây vừa lăn trên má, đã khiến cho người lính già bồi hồi nhớ lại, một thời chinh chiến cũ, những căn hầm tránh pháo ngập mưa, những nấm đất đào đấp vội vàng, để vùi bạn vữa ngã gục và những thương binh rên xiết, đang chờ cấp cứu.
Tất cả đã thành cổ tích. Giờ chỉ còn biết ngồi đây mà nhớ lại những ngày xa cũ. Chúng ta, tất cả đều là những người VN tội nghiệp, trót đầu thai lộn trong thế kỷ này, nên đã cùng nối vai lần lượt bước lên những giàn lửa đỏ. Cuối cùng, kẻ chết thì bị dầy mồ, tan xác, còn người sống, nếu không sống kiếp mây chiều lang thang, thì cũng lết lê phận bèo trong vùng giặc chiếm, để gục đầu thương hận, mà khóc cho quê hương vì đâu máu xương chất ngất, vì đâu mà kiếp sống của con người, tới nay vẫn không bằng cây cỏ bên đường.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong nhớ, vào những ngày đầu đời, mẹ bỏ con trong gánh, dầm mưa chạy loạn, giữa tiếng bom đạn, máy bay gầm thét, của Việt Minh và Pháp. Tóm lại, chúng ta đều ra đời và trưởng thành trong tiếng súng, cùng với bom đạn làm rách vỡ da thịt của quê hương. Rồi cũng vì người, vì tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, mà giốc cả tuổi trẻ, đời trai, vào cốc men đắng cay, uống cạn hạnh phúc của chính mình.
Đất nước hai mươi năm chinh chiến, hai mươi năm dài hờn hận, đã dày vò người lính miền Nam, trong mưa bom đạn xéo trùng hằng. Rốt cục những người nằm xuống, những kẻ ra đi hay ở lại chịu cảnh ngục tù khổ sai của VC, ai nấy cũng đã trả xong cái nợ “da ngựa bọc thây”, tủi nhìn từng trang lịch sử của nước nhà, bị giặc thù bôi nhọ và khép kín. Trưa 30-4-1975 Sàigòn thất thủ, miền Nam VN từ bên này cầu Hiền Lương, trên sông Bến Hải, chạy ngang vĩ tuyến 17, tới mũi Cà Mâu, đã chính thức thuộc về lãnh thổ Xã Hội Chủ Nghĩa đệ tam quốc tế cộng sản, có tổng đài ở tận Nga Sô. Cũng từ giờ phút đó, khi mà chiếc mặt nạ hòa bình của người cộng sản đã cởi, để lộ những khuôn mặt thật của các thây ma vô hồn, lạnh băng và hung hiểm, thì cũng là lúc, đồng bào mới sực tỉnh và thương tiếc người lính VNCH. Nhưng than ôi tất cả đã muộn rồi, họ đã ngã gục không phải tại chiến trường vì đạn pháo của VC, mà ngay trên hè phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Sàigòn... bởi chính những viên đạn ích kỷ, hám danh, những miệng lưỡi ngòi bút, của chính phe mình.
Ai chẳng một lần về với đất" khác chăng là sớm hay muộn, vinh với nhục và sống chết sao cho ý nghĩa của một kiếp người. Chỉ tội nhất là những người lính chưa chết nhưng coi như đã chết vì thương tật chiến trận và những vết thương lòng. Họ không chết mà chỉ bị thương nặng và tất cả đã gởi lại chiến trường một phần thịt da của mẹ, ở Khánh Dương, Tháp Chàm, Phan Thiết, Xuân Lộc... và ngay tại Sàigòn, vào lúc mà cây cột đèn cũng muốn chạy, để khỏi bị VC nhổ đem đi bán. Họ ở lại làm vật hy sinh cản xe tăng, hứng đại pháo của giặc thù, để kiếm thêm một chút thời gian, một bầu trời an toàn, một dòng sông lặng sóng, giúp cho mọi người từ dân tới lính, bình yên di tản ra nước ngoài, để tiếp tục sinh con đẻ cháu, ăn học thành tài và thành người ngoại cuộc..
Nay thì từ quan tới lính, ai cũng kiếm cách đi khỏi quê nhà, bỏ lại những bóng ma của quá khứ và những người thương phế binh sống sót, tủi hờn, đang lê lết phận bèo khắp đầu đường xó chợ. Thời gian có thay đổi, lịch sử cũng sang trang nhưng thân phận của người thương binh và gia đình của họ, chẳng có gì mới lạ, vẫn lấy nước mắt làm mưa rửa mặt hằng ngày. Buổi trước, khi VC tràn vào, họ bị bỏ lại ở những quân y viện, làng phế binh, không còn đại bàng, đồng đội và hậu phương. Bây giờ thì dần hồi chết đói, chết nhục trong thiên đàng xã nghĩa, trước sự xa hoa thừa mứa của VC, Việt Gian và Việt kiều muôn phương, vinh quy bái tổ, áo gấm về làng, mà trong dòng người đổi đời này, không làm sao mà đếm hết, những cấp chỉ huy và đồng đội cũ.
Có làm lính mới cảm thông cho kiếp lính nghiệt ngã đoạn trường. Có làm dân thời ly loạn mới biết được thế nào là mạng sống của con người, giữa bom đạn vô tình, héo úa còn thua cây cỏ. Có là người thương phế binh sau khi xuất viện, bỏ lại một phần cơ thể, mới thật tội nghiệp cho tuổi trẻ bạc phước vô phần. Thê thiết tận cùng là đời của người lính về chiều lại còn mang thương tật. Hỡi ôi những mảnh đời cùng khốn ấy rồi sẽ đi về đâu, trong cảnh mưa gió phũ phàng của cuộc đời" “ngày xưa, là lính vì đời chiến đấu là cầu đem người sang sông, hôm nay làm ma cô đơn, gục chết bên vệ đường...”
Tất cả hình như chỉ còn có kỷ niệm sau cuộc đổi đời. Là định mệnh mà chúng ta, những kiếp trai thời loạn phải gánh chịu theo vòng đời nổi trôi của dòng sông lịch sử, dù vô lý, dù hờn căm, dù bất công thương hận.
Mất nước nhà tan, nguời lính sống sót sau cuộc chiến, rã ngũ tan hàng đầu sông cuối bể, tha phương thì dần chết trong men đời cay đắng, còn tù ngục chịu cảnh nhục hờn. Nhưng tất cả giờ cũng đã đi hết rồi, chỉ còn ở đây là những thương phế binh xa cũ, những hồn ma cô quạnh, sống với quá khứ liệt oanh, qua những vết thương đời không hề hối hận:
“Di tản khó, sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày không lấy xác
Thây sình mặt nát, lạch mương tanh...”
(Tô Thuỳ Yên)
Ta thán phục, ta hãnh diện biết bao, khi đọc được những trang sử cũ. Sẽ vui cười hớn hở cùng với tiền nhân qua những lần giết đuổi giặc Tống, Mông, Minh, Thanh.. tận ải Chí Lăng, trên sông Bạch Đằng, đốt tàu Pháp tại Vàm Nhật Tảo. Không biết những trang quân vương dũng tướng thời xưa, hành xử thế nào mà muôn người như một, khiến cho người trong nước, già trẻ lớn bé, đều nguyện một lòng giết giặc cứu nước tại Hội Nghị Diên Hồng. Sau này mới vỡ lẽ, thì ra đó là tinh thần trách nhiệm, cũng như bổn phân của kẻ sĩ thời tao loạn. Hay đúng hơn, đó là đức tính cao quí của thanh niên-sĩ phu, dù họ chỉ là những người bình dân ít học.

“Tôi không là tôi nữa,
Từ khi được xuất ngũ
Có quạ đen đậu trên đầu
Có bao nhiêu đợi chờ đau khổ.
...”
Thanh niên VN thời nào cũng vậy, tất cả đều đặt trách nhiệm làm trai trên hết, nên chúng ta ngày nay mới còn có đất nước, để mà vui sướng, đau khổ. Hỡi ơi, có làm lính mới hiểu phận bèo của lính, có là thương phế binh, sau khi được xuât ngũ, mới thấm thía được nỗi buồn của một kẻ tàn tật, mất tất cả, ngoài người mẹ già từ quê xa, đang đợi con trở về. Thê thiết quá cũng như đau đớn tột cùng, kiếp lính chiều tàn là thế. Sự thật là vậy, có khi còn đau đớn trăm chiều. Ai đã tùng thấy chưa, cảnh vợ lính hay người yêu, chỉ một lần vào thăm người thân nơi quân y viện, rồi chẳng bao giờ quay lại, ngoài những giọt lệ cá sấu, vô tình còn vương vãi đó đây. Ai có một lần ngược xuôi trên các nẻo đường thiên lý, tình cờ hội ngộ những chàng trai tàn tật còn rất trẻ, những người mù, què, mặt mày in đầy thương-sẹo bởi đạn bom, đang lần mò ngửa tay chờ bố thí của mọi người. Họ là lính chiến của một thời oanh liệt, là thương phế binh QLVNCH đó, họ đau khổ mang thương tật không phải do bẩm sinh, mà vì đời, vì người gánh chịu:
Làm người bình thường, sống trong thời loạn, đã phải khốn khổ vì miếng cơm manh áo, huống chi phận lính nghèo, lãnh đồng lương chết đói, vậy mà còn bị trí thức nguyền rủa, là lính đánh thuê cho Mỹ.
“Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà, thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về...”
“Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ...” (Phạm Duy).
Nhưng chiến tranh chứa dứt và vẫn còn khốc liệt, nhưng người xưa nay đã thành tàn phế, vô dụng, lê lết đời tàn xuân héo, lần mò trở về làng xưa, với những kẻ thân yêu, mong chút tình thân đùm bọc.
Ai có cảm thông chăng người lính mù trẻ tuổi vì đạn B40, lần mò trên chiếc xe lăn, quanh bến phà, bến xe, miệng hát tay đờn kiếm sống" Có thương không những người lính trận, bán thân bất toại, lê lết khắp các nẻo đường phố thị, để bán vé số, sách báo, đắp đổi qua ngày. Và còn nữa, còn trăm ngàn thảm kịch của tuổi thanh niên thời loạn, chân gỗ tay nạng, mắt mũi vàng khè, khô nám, luôn đau đớn bởi những hậu chứng, sau khi giải phẫu. Nhưng họ vẫn lao động để sinh tồn, đi biển, làm nông, lết lê trên ruộng trên sóng, đội nắng tấm mưa. Kiếp sống phận bèo của người phế binh là thế đó, nên phải chiếm đất cắm dùi, cũng là chuyện bình thường.
Hai mươi năm chinh chiến, dù có gọi bằng một thứ danh từ gì chăng nữa, thì xác của nam nữ thanh niên hai miền đất nước, cũng đã chất cao như núi, máu chảy thành sông. Rốt cục chỉ có cái vỏ độc lập, hòa bình, tự do, thống nhất. Người cả nước đói vẫn đói và đời sống càng bị tù hãm tứ phiá, bởi cổ được mang nhiều thứ gông, cả cộng sản, lẫn tư bản và đảng cầm quyền.
Nhưng thê thiết nhất vẫn là những người phế binh VNCH. Ngày xưa lúc chế độ cũ còn, được nói, được hưởng đủ thứ quyền lợi, thế nhưng họ vẫn sống bèo bọt, cực nghèo. 30-4-1975, VC vào tóm thu tất cả, thêm vào đó là chuyện trả thù. Lính sống thì đi tù, lính chết thì cầy mộ, còn lính què đui tàn phế, thì bị xua đuổi ra khỏi các quân y viện, làng phế binh và ngay cả ngôi nhà của mình.
19-4-1975 tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết. 30-4-1975 tại Tổng Y Viện Cộng Hòa-Sàigòn. Thảm họa gì đã đến với các thương bệnh binh còn đang điều trị, khi giặc về" Có ai cầm được nước mắt trong cảnh đoạn trường máu lệ, khi từng đoàn thương binh, nối gót đắt dìu ra cổng. Người sáng dắt kẻ mù, kẻ bị thương nhẹ cõng người trọng bệnh. Khắp lối ra vào, máu me vương vãi với nước mắt đoanh tròng của những nạn nhân bị bỏ rơi, không đại bàng, chẳng đồng đội và cũng hết hậu phương. Một số chết vì vết thương quá nặng, số khác sống trong cảnh tàn phế vĩnh viễn, vì vết thương không được tiếp tục điều trị. Đời thê thảm quá, cũng may lúc đó quanh họ, còn có những cô gái bán phấn buôn hương ở Ngã ba Chú Iá, Gò Vấp, những người xích lô ba gác, kẻ cho tiền, người giúp công, đưa hết những bệnh nhân xa xứ, tới bến xe về quê sống tiếp kiếp lính bèo.
Cuộc đổi đời nay đã xa lắc nhưng mỗi lần nhớ cứ tưởng mới hôm qua hôm nay. Ba mươi sáu năm rồi ta còn sống được, để nói chuyện văn chương chữ nghĩa trên đất người, đã là điều đại phúc. Trong lúc đó nơi quê nhà ngàn trùng xa cách, những người phế binh năm nào, không biết nay ai còn ai mất. Nhưng chắc chắn một điều, dù họ có sống hay đã chết, thì hận nhục, thương đau cũng đâu có khác gì bóng ma trơi, những mảng đời nghèo hèn tăm tối. Đâu có ai muốn nhắc tới những thân phận hẩm hiu trong vòng đời tục lụy, kể cả những cấp chỉ huy cũ, hiện đổi đời giàu sang, mồm to miệng thét ở hải ngoại.
- Xin hãy thương lấy họ, hãy cứu vớt họ đang trôi nổi trong ngục tù nghiệt ngã.
- Phế binh cũng là một phần của tập thể cựu quân nhân hải ngoại.
- Hãy rớt một chút ân thừa cho những thây người còn sống sót trong bể hận trầm luân.
- Hãy cho họ một chút tình thương trong cơn hấp hối.
- Hãy dành cho họ một chút không gian nho nhỏ, trong căn nhà VN to lớn, đã được các cộng đồng tị nạn hoàn thành trên khắp nẻo đường viễn xứ, để họ an tâm chờ đợi luân hồi và một vòng hoa tặng người chiến sĩ ca khúc khải hoàn, mà chắc chắn phải có trong thời gian gần.
Ngày xưa người chinh phụ, giữ sạch tâm hồn và băng trinh tuổi ngọc, để đợi chồng ngoài quan tái, hy vọng cuộc chiến mau tàn, để phu phụ trùng phùng, kết lại mối duyên xưa:
“Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng giũ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn, đeo hương não nùng
Liên ẩm, đối ẩm, đòi phen
Cùng chàng lại kết, mối duyên đến già...” (Chinh Phụ Ngâm)
Nhưng người chinh phụ VNCH lại không có cái diễm phúc đó, vì khi quê hương vừa ngưng tiếng súng, lập tức từ quan quân cho tới sĩ thứ, những người bại trận, lớp lớp vào tù. Lính chết đã rục tử thi vẫn bị dầy mồ, lính bị thương tàn phế bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống. Thử hỏi trên thế gian này, có kiếp người nào, đáng thương hơn người lính VNCH"
“Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương” (Chinh Phụ Ngâm)
Cuộc đời thanh niên thời loạn ly, rốt cục chỉ còn lại nỗi buồn thiên cổ, xin hãy nâng ly rượu sầu lên môi mà nhớ. Nghiêng mình, cúi đầu cảm tạ những vị ân nhân, đã và đang hết lòng cưu mang, giúp đỡ tận tình “Thương Phế Binh, gia đình kể cả cô nhị quả phụ VNCH”, hiện đang sống kiếp trầm luân rách đói, trong địa ngục VN.
Xóm Cồn Ha Uy Di
Tháng 11-2011 - Mường Giang

Ý kiến bạn đọc
25/11/201118:58:10
Khách
Người ta thường nói: Quân và dân như cá với nước, quyện vào nhau mà sống. Trước kia, khi giặc Cộng xâm lăng, người lính Việt Nam Cộng Hoà ở tiền tuyến trải thân ra bảo vệ an toàn cho người dân. Ngày nay, người lính Cộng Hoà bị sa cơ thất thế trong tay kẻ thù, người dân sao nỡ ngoảnh mặt làm ngơ ?
25/11/201107:05:59
Khách
Người thì bị mù một mắt, mất một tay, mất cả hai chân. Người thì bị mù hai mắt, mất hai tay. Người thì mất hai tay và một chân. Người thì mất cả hai tay lẫn hai chân. Người thì bị bại liệt phải ở tư thế nằm trong gần 40 năm qua. v...v...Nhìn những hình ảnh của những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà không làm sao có thễ ngăn được nước mắt. Và cũng không khỏi kinh hoàng khi nghĩ rẳng nếu cuộc chiến không sớm chấm dứt, thì mình tránh sao cho khỏi số phận tương tự.
Một bài hát làm cho tôi xúc động mãnh liệt mỗi lần nghe đến là bản nhạc Kỷ Vật Cho Em, trong đó có đoạn " Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!
( Trích)
Người thương phế binh không những bị đau đớn vì mất đi một phần cơ thể , mà còn phải gánh chịu nỗi đau tinh thần, nội tâm. Ngại rằng người yêu hay vợ mình sẽ cảm thấy "xấu hổ", "ngượng ngập" khi phải cặp kè đi bên cạnh một người "xấu xí", "tàn tật", người phế binh tự âm thầm lẩn tránh, trốn chạy người mình yêu, hy sinh để cho nàng ra đi tìm một tình yêu mới nơi những người lành lặn cơ thể, " xứng đáng" hơn. Để rồi một ngày nào đó khi tình cờ gặp lại nàng khoác tay người yêu hay chồng mới trên đường phố, hai người chọn thái độ ngoảnh mặt đi như là chưa hề quen biết ( dù rằng trong tâm trí của người phế binh vẫn còn đầy ắp kỷ niệm của một thời yêu đương).
Không còn có thể hoạt động như một người bình thường, người phế binh còn mang cơn bệnh trầm cảm vì cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình về phương diện tài chánh cũng như những hoạt động cá nhân thường ngày.
Và ôi còn mối uất hờn nào hơn với mỗi lần hồi tưởng về quá khứ oanh liệt đã từng đánh bại địch quân trong bao nhiêu trận liệt lớn nhỏ, nay phải sống dưới sự cai trị của bọn chúng, phải chịu đựng từ những sự xỉ nhục, xách nhiễu, đe doạ đến cắt trợ cấp.
Thương những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà bao nhiêu lại càng oán hận bè lũ Cộng sản bấy nhiêu. Chính vì cuộc chiến tranh do chúng gây nên mà cả triệu người dân nước tôi đã bị tàn phế cơ thể, đau đớn về tinh thần như vầy. Và cũng căm ghét những kẻ nay trở cờ theo giặc, vì đó là phản bội lại sự hy sinh to tát của những người lính Việt Nam Cộng Hoà.
24/11/201114:53:53
Khách
Mùa Tạ Ơn .
Tôi không ngăn được nước măt khi đọc tựa đề câu chuyện.Cám ơn các Anh người thương phế binh VNCH các Anh đả để lại chiến trường một phần thân thể để mong chúng tôi được an lành .Giờ đây Mùa Tạ Ơn nơi đất khách quê người chúng tôi chỉ biết hướng về Quê Hương nơi các Anh đang sống và những người dân vốn hiền lành vô tội đang oằn mình dưới sự thống trị của những kẻ "vô thân" .Ngày xưa khi gót giày xâm lước của giặc Tây ,Giặc Mỷ lên Quê Hương (nói theo giọng điệu tuyên truyền của CS) nhưng dân ta còn có miếng ăn,khong lo từng ngày.Còn có ruộng để cày ,chung quanh nhà còn có miếng đất để trồng vài luống rau ,vài liếp đậu.
Người chết có phần mộ để yên nghỉ không lo bị cày xới ,để đất nằm trong những chường trình những kế hoạch"treo" Treo có nghĩa là những công trình kiến thiết đô thị đó chỉ là những ý nghỉ đang còn nằm trên bàn giấy của các Quan Tham mà mộ phần đả phải lo tháo giở .Vì sao gọi là DỰ ÁN TREO ?Đó là những DỰ ÁN mà các QUAN chưa THỐNG NHẤT với nhau việc chia phần Mỗi khi có một "DỰ ÁN" được PHÁT THẢO thì NGÂN SÁCH cho DỰ ÁN đó thế nào cũng đựoc CHẢY VÀO TÚI các QUAN DỰ ÁN càng lờn QUAN càng mau giau,dân càng nghèo vì những sắc thuế phải đóng .Cứ như thế mệnh nước nỗi trôi
Bên đây trời se lạnh lòng tôi nhớ về Quê Nhà
Xin cám ơn các Anh NGỪOI THƯƠNG BINH VNCH xin cám ơn các Anh NHỮNG NGƯỜI TÙ CẢI TẠO mặc dù giờ đây Các Anh cũng đang Tha Phương như Chúng tôi Nhưng chúng tôi không thể quên những gì đả trải qua với các Anh trong những năm tháng đó .Người ta đang hô hào chúng ta HÃY XOÁ BỎ HÂN THÙ để XÂY DỰNG ĐẤT NƯƠC tôi tự hỏi ĐẤT NƯỚ chúng ta hơn 30 năm bây giờ có còn gì để chúng ta XÂY DỰNG lại không ?
Nhân Mùa TẠ ƠN một lần nữa xin TẠ ƠN những người CHIẾN SĨ VNCH nhưng Anh THƯƠNG BINH và cả những người đả nằm xuống xin vô vàn cảm tạ


Tôi nhớ những ngày trời sang mùa khi gió heo heo lạnh bao giờ cũng có những người đên gỏ cửa nhà tôi để xin những tấm áo lạnh mà chúng tôi đả giặt sạch gói ghém để dành đợi họ
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.