Hôm nay,  

Nỗi Bất Hạnh Của Phụ Nữ Và Trẻ Em Ở Châu Phi

17/11/201100:00:00(Xem: 8399)
Nỗi Bất Hạnh Của Phụ Nữ Và Trẻ Em Ở Châu Phi

Trúc Giang MN
1* Bất hạnh của người phụ nữ châu Phi
Từ nhiều thế kỷ nay, đa số người châu Phi sống trong nghèo đói, bịnh tật, chết chóc vì chiến tranh dưới các chế độ độc tài tàn bạo và tham nhũng.
Riêng số phận của phụ nữ và trẻ em châu Phi còn tồi tệ hơn nữa. Họ là nạn nhân của những bạo hành, của các tục lệ lạc hậu và thê thảm nhất là nạn nhân của nạn hiếp dâm. Một số người châu Phi xem việc hiếp dâm phụ nữ là một thứ vũ khí chiến tranh, nhắm vào phụ nữ đối phương, cho nên hiếp dâm có tổ chức và công khai thực hiện.
Thế hệ trẻ em tương lai của đất nước không được giáo dục và chăm sóc chu đáo thì còn lâu người châu Phi mới thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn là nghèo đói, bịnh tật, thất học, rồi vì thất học cho nên trở lại nghèo đói, bịnh tật và chết chóc. Tuổi thọ của người châu Phi rất thấp.
Nhiều vùng châu Phi không thể trồng lúa để tự túc lương thực bởi vì thiếu nước, khí hậu khắc nghiệt sinh ra hạn hán kéo dài, đất đai cứng như đá. Nhiều nạn đói thường xuyên xảy ra, cướp đi hàng vạn sinh mạng con người bạc phước.
Thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em.
2* Trẻ em là nạn nhân của những tục lệ lạc hậu
2.1. Nạn ủi ngực
Ở nước Cameroon, cho đến nay, cứ 4 bé gái thì có một em phải trải qua hình thức ủi ngực (Là ngực-Breast Ironing) vô cùng đau đớn, do chính mẹ, chị gái và những người thân thực hiện. Ủi ngực hay “là ngực” là một tục lệ lạc hậu, làm cho bộ ngực của các em gái ở tuổi dậy thì trở nên xấu xí, bằng cách nung nóng những vật bằng sắt, đá, bàn ủi quần áo, hay bất cứ vật gì có thể nung lên và giữ nóng.
Mục đích làm xấu bộ ngực để phụ nữ có thể tránh được nạn hiếp dâm. Họ cho rằng, thiếu nữ có bộ ngực xấu xí, đôi khi bị nhiễm trùng lở loét sẽ làm giảm sự ham muốn tình dục bất chợt của đàn ông. Và như thế, có thể tránh được sự cưỡng bức tình dục.
Nói chung, phụ nữ sẽ an toàn hơn khi có bộ ngực xấu xí hoặc đáng ghê tởm.
Hủy hoại thân thể phụ nữ để tránh nạn hiếp dâm không phải là một biện pháp tốt, vì nó gây đau đớn và thương tật suốt đời cho phụ nữ. Hơn nữa, nạn hiếp dâm được coi như một thứ vũ khí đối với đối phương, hãm hiếp để cảnh cáo, dằn mặt hoặc trừng trị.
Ủi ngực đã được áp dụng từ lâu, thậm chí nhiều nơi còn đưa cái tục lệ lạc hậu nầy vào chương trình giáo dục nữa, như ở Cameroon chẳng hạn.
Một nữ phóng viên người Anh trình bày thiên phóng sự trên đài Current TV, cho biết, cô đã tận mắt chứng kiến cảnh một bà mẹ đang ủi ngực cho con gái của bà. Đứa bé không có cách nào hơn là phải chấp nhận, khóc la trong đau đớn. Công việc cứ tiếp tục mãi, cho đến khi nào người thiếu nữ “có được” một bộ ngực xấu xí mà đàn ông trông thấy phải ớn xương sống, nổi da gà , cụt hứng, thì mới đạt được “mục đích yêu cầu”.
Dụng cụ ủi ngực có thể là một miếng sắt, bàn ủi quần áo, nhưng phổ thong nhất là những viên đá cuội bên cạnh bếp. Những vật nầy được hơ nóng rồi áp lên ngực bé gái. Các bà mẹ cho rằng biện pháp nầy có thể tránh bị hiếp dâm và tránh bị có thai ngoài ý muốn.
Các tổ chức nhân quyền thế giới vận động nhà cầm quyền Cameroon nên hủy bỏ cái tục lệ hủ lậu quái ác nầy vì nó gây đau đớn thân xác và nổi khiếp sợ về tâm thần, nó vi phạm quyền tôn trọng con người.
Cứ 4 em gái thì có một em đã trải qua ủi ngực nầy ở nước Cameroon. Đây là con số thống kê chính thức, nhưng trên thực tế, thì ở vùng nông thôn và những nơi xa xôi hẻo lánh, con số còn lớn hơn nhiều.
Muốn xoá bỏ tục lệ nầy, thì phải có sự tham gia tích cực của chính quyền trong những chiến dịch tuyên truyền, giáo dục bài trừ nạn hiếp dâm và hủy bỏ tập tục bất nhân nầy. Song song với luật pháp là chương trình giáo dục bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Và trước nhất là phải có trường học, cưỡng bách giáo dục và phải cho trẻ em no bụng để đi học. Đó là một vấn đề xã hội to lớn, chỉ có thể thực hiện được khi không có chiến tranh gây chết chóc, tang thương và đỗ nát.
Ngày 25-7-2010, LHQ đã phổ biến một thống kê cho biết đã có khoảng 3.8 triệu bé gái ở vùng Trung Phi và Tây Phi đã phải hứng chịu tập tục đau đớn và ghê rợn nầy. Nó đã gây tổn thương cho cơ thể và tâm thần đứa bé. Rất nhiều trường hợp ngực bị nhiễm trùng, lở loét và hạn chế trong việc cho con bú.
2.2. Nạn cắt bộ phận sinh dục của bé gái
Tập tục cắt bộ phận sinh dục ngoài của trẻ em gái đã kéo dài nhiều thế kỷ ở châu Phi. Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ âm hộ của trẻ em gái từ 4 đến 8 tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào từ sơ sinh đến thanh niên.
Tục lệ bắt nguồn từ lý do tôn giáo và văn hoá.
Quá trình thực hiện do những phụ nữ lớn tuổi, không có kiến thức về y khoa. Họ xử dụng bất cứ vật bén nào có thể cắt được như dao, kéo, nắp hộp kim loại và cả những mảnh kiếng vở nữa. Không được khử trùng và không gây tê, mê như phẩu thuật hiện đại.
Trẻ em đau đớn, la hét, vùng vẫy vì bị kềm kẹp chặt chẽ.
2.2.1. Báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Một báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO=World Health Organization) thuộc LHQ như sau:
Tại Sudan, 20 đến 25% phụ nữ vô sinh có liên hệ đến những biến chứng của việc cắt âm hộ.
2.2.2.Câu chuyện của bé gái Jamela
Năm 2002, bé gái Jamela 12 tuổi, rời nước Anh để về nghỉ hè nơi quê hương cha mẹ là châu Phi. Jamela thuật lại:
“Tôi được mẹ đưa đến một phòng toàn là phụ nữ. Nhìn chung quanh, tôi đoán là họ sẽ cắt một cái gì đó. Mọi người muốn cho tôi hiểu đây là một nghi lễ thiêng liêng về tôn giáo. Nhiều phụ nữ chia thành nhóm giữ chặt lấy tôi. Tôi không nhớ là đã la hét, giãy giụa như thế nào. Điều tôi cảm thấy là đau đớn và máu me khắp nơi.
Jamela được đưa đi cắt âm hộ. Mẹ cô đã lén đưa thêm tiền cho người phụ trách để thay con dao khác có vẻ sạch sẽ hơn. Cắt cửa mình là cắt bỏ hai lớp da mô lên ở hai bên âm vật. Mặt trong của lớp da có những tuyến tiết ra một dung dịch chất nhờn mà khi nó tích tụ lại, tạo ra một chất cặn gây mùi hôi.
Sau đó, cửa mình được khâu lại và chỉ để hở một lổ nhỏ.
Sau khi cắt cửa mình thì thiếu nữ có thể quan hệ tình dục và cũng có thể sinh con.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) ghi nhận có 4 loại cắt xén cửa mình, tùy theo cắt từng phần hay cắt toàn bộ. Hủ tục nầy mặc dù bị cấm, nhưng nó vẫn tồn tại trên 28 quốc gia châu Phi ngày nay.
Ở Indonesia, trong một cuộc khảo sát, các gia đình được hỏi, họ thừa nhận đưa con gái đi cắt cửa mình trước 14 tuổi. Mỗi năm, hàng trăm bé gái thuộc nhiều tỉnh ở Indonesia được đưa đến trong một ngày ấn định của mùa Xuân. Các em được tặng sữa và quà chúc mừng.
Ở Somalia, có đến 98% bé gái trên 5 tuổi bị cắt cửa mình tổ chức vào ngày sinh của Nhà Tiên Tri đạo Hồi là Mohammed. Hồi giáo cho rằng nó sẽ giúp cho đứa bé giữ được sự tinh khiết, xem như cái “đai bảo vệ tiết trinh trước khi lập gia đình”.
Trái lại, những em bé không cắt sẽ bị coi là ô uế và sẽ không được sinh con trai để nối dõi tông đường nhà chồng. Họ còn cho rằng những bé gái không cắt cửa mình, sẽ có bộ phận sinh dục không sạch sau khi đi tiểu, khiến cho dễ bị ung thư cổ tử cung. Và nếu có cầu nguyện, mà cơ thể ô uế thì không được bề trên lắng nghe.
Phẩu thuật hiện đại chỉ mất năm phút là xong và an toàn. Trái lại, việc cắt âm hộ ở châu Phi gây đau đớn, chảy máu nhiều, có nhiều trường hợp bị nhiễm trùng , đưa đến mất khả năng sinh sản và tử vong.
Năm 1997, Ai Cập ban hành luật cấm hủ tục nầy.
2.2.3. Nạn nhân lên tiếng
Trong một cuộc khảo sát, 50% những người cắt cửa mình cho biết.
- Họ cảm thấy bị chịu đựng hơn là được hưởng những ý nghĩa “tốt đẹp” của truyền thống.
- Cái gọi là giữ vệ sinh bộ phận sinh dục tốt hơn và làm tăng khoái cảm cho chồng chỉ là một phần nhỏ, mà nguyên nhân chính là niềm tin tôn giáo.
Jamela bây giờ 20 tuổi. Cô cho biết, sau sự kiện đó, nhân cách của cô hoàn toàn bị thay đổi. Cô cảm thấy cô đơn vì phải giữ bí mật. Cảm thấy tự ti vì khác biệt với bạn bè. Cô không thể tham gia thể thao hoặc bơi lội.
Ước tính có khoảng 140 triệu phụ nữ cắt cửa mình và có khoảng 2 triệu người khác buộc phải tham gia mỗi năm.
Miriam bị cắt cửa mình năm 6 tuổi ngay tại nhà ở Somalia, năm 12 tuổi, cô được chẩn đoán là không có thể sinh con bởi khối u trong cơ thể, gây ra bởi việc cắt cửa mình 6 năm trước.
2.3* Nạn tảo hôn
Cô dâu Yemen 10 tuổi ly hôn
Lần đầu tiên, một cô bé 10 tuổi người Yemen được tạp chí Phụ nữ Glamour tặng cho danh hiệu “Người phụ nữ của năm” ngang hàng với những phụ nữ nổi tiếng, như Ngoại trưởng HK Condoleezza Rice, Nghị sĩ Hillary Clinton, diễn viên điện ảnh Nicole Kidman…
Nojoud Ali, tên cô bé, đã được nhắc tới liên tục trên báo chí thế giới một thời gian dài, dưới cái tựa đề “Cô bé ly hôn lúc 10 tuổi”.
Tháng 4 năm 2008, một cô bé ngồi một mình trên chiếc ghế dài trong sân toà án trong giờ ăn trưa. Một thẩm phán tò mò đến hỏi chuyện. “Cháu đến xin ly dị”, Nojoud Ali trả lời.
Cha của Nojoud Ali là ông Ali Mohammed Ahdal bị thất nghiệp trong khi phải nuôi 2 bà vợ và 16 đứa con. Ông phải xếp đặt để gả Nojoud Ali cho Faez Ali Thamer, một người giao hàng 30 tuổi. Khi đó, chú rể hứa sẽ không chạm đến người vợ trước khi cô tròn 20 tuổi.
Cũng như những cô bé khác, Nojoud Ali thích ăn kẹo sô cô la, chơi trốn kiếm, vẽ tranh bằng bút chì màu và muốn được cắp sách đến trường để có bạn.
Nojoud biết mình sẽ được gả cho một người đàn ông, nhưng không biết điều đó có ý nghĩa gì.
Tại Yemen, trường hợp như của Nojoud không phải là hiếm có. Ở các vùng quê, trong những bộ lạc có câu châm ngôn “Kết hôn với một thiếu nữ 9 tuổi là bảo đảm cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc”.
Không phải chỉ là nạn nhân của một hợp đồng hôn nhân, cô bé còn là nạn nhân của bạo lực tình dục. Tâm hồn thơ ngây và thân xác trong trắng bị chà xát, hủy hoại bởi những toan tính của người lớn.
Hôn lễ được cử hành. Quà tặng đám cưới là 3 chiếc váy mới và chiếc nhẩn kết hôn trị giá 20 USD.
Rắc rối xảy ra ngay từ đêm tân hôn. Chú rể Thamer không giữ lời cam kết với cha vợ.
Khi cha mẹ đến thăm, Nojoud khóc, kể lại mọi việc, nhưng người cha cho biết là ông không có thể làm gì hơn để giúp con gái.
Lòng dũng cảm khắc phục nổi sợ hãi, tuyệt vọng và đau đớn, cô bé quyết tâm đến toà án. Và người dì ruột cho ít tiền đi xe.
Vị thẩm phán đưa Nojoud về nhà mình.
Cha và chồng của Nojoud bị bắt.
Nữ luật sư Shada Nasser biết chuyện, đã giúp cô bé 10 tuổi ly dị chồng. Cô bé kể lại, người chồng 30 tuổi thường xuyên đánh đập và cưỡng bức em.
Nojoud trở thành người phụ nữ ly dị chồng nhỏ tuổi nhất thế giới. Câu chuyện vượt qua khỏi nước Yemen và lan truyền trên thế giới.
Một nhà báo Pháp, cô Delphine Minoui đã giúp Nojoud thực hiện cuốn nhật ký “Ly hôn ở tuổi lên mười”. Bản tiếng Pháp “Moi, Nojoud, 10 ans, divorcée”.
Luật pháp Yemen không có quy định việc lạm dụng tình dục trong hôn nhân, cho nên người chồng vô tội và đòi bồi thường 250 đô la. Một luật sư tự nguyện đóng tiền cho cô bé. Và Nojoud được tự do. Toà án tuyên bố hủy bỏ hôn nhân.
Năm 1992, luật pháp Yemen quy định tuổi kết hôn là 15 tuổi. Nhưng cho phép kết hôn ở tuổi nhỏ hơn, nếu như có sự đồng ý của cha mẹ.
Hành động của Nojoud được xã hội văn minh ca ngợi, nhưng đáng buồn thay, nhiều người Yemen và một số đông người Á Rập khác, thì lại cho đó là điều sỉ nhục, bôi lọ danh dự gia đình và đáng bị trừng phạt.
Làm thay đổi được cái “tư duy”hủ lậu, xoá bỏ được cái tục lệ lạc hậu đã bám sâu vào đầu óc thành “thâm căn cố đế” trong những con người dốt nát, thiếu hiểu biết, không phải là một chuyện dễ.
3* Trẻ em nạn nhân của diệt chủng
3.1. Nạn diệt chủng ở Rwanda
Ngày 7-4-1994, tại thủ đô của nước Rwanda, ngay sau khi Tổng thống Juvenal Habyarimana bị giết khi phi cơ của ông bị bắn hạ, thì sắc tộc quá khích Hutu nổi dậy, giết kẻ thù không đội trời chung là người của sắc tộc Tutsi.

Người Hutu dựng lên 1,157 hàng rào chung quanh thủ đô, họ trang bị bằng cuốc xẻng, dao, rựa, dùi cui và súng trường, tạo thành một đội quân hỗn tạp giết người một cách dã man. Họ bắt loa kêu gọi phải giết tất cả những người Tutsi và giết ngay cả những người ôn hoà cùng sắc tộc Hutu. 
Cuộc tàn sát diễn ra ở những nơi công cộng như nhà thờ, bến xe và ngay tại gia đình nữa. Nạn nhân bị đấu tố, chửi bới, đánh đập và phụ nữ bị hãm hiếp tập thể công khai trước khi giết chết.
Chỉ trong vòng 100 ngày mà đã có 800,000 người Tutsi và một số ít người Hutu ôn hoà bị giết. Nó đánh dấu một cuộc diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử châu Phi.
Kết quả.
- 95,000 trẻ em bị mồ côi cha mẹ.
- 2,000 phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS do bị hãm hiếp.
- 264,000 trẻ em bị mất cha hay mẹ do bịnh AIDS lấy mạng (2001)
- 400,000 trẻ em không được đến trường.
- 1/5 trẻ sơ sinh bị chết trong những ngày đầu sau khi chào đời.
- Những trẻ lớn hơn thì trở thành nguồn lao động rẻ tiền, bị bóc lột tối đa. Một số sa vào tệ nạn xã hội như trộm cắp, du đảng, cướp giật.
Hậu quả của nạn diệt chủng năm 1994 còn theo đuổi phụ nữ Rwanda , gây ra cái chết chậm chạp và đau đớn của bịnh AIDS.
3.2. Nạn diệt chủng ở Darfur
Toà án hình sự quốc tế (ICC) đã phát ra trát bắt giữ tổng thống Sudan là ông Omar al-Bashir về tội diệt chủng, vì quân đội chính phủ của ông đã giết 300,000 và làm hàng triệu người dân tan nhà mất cửa. Trong hàng triệu nạn nhân đó, có phụ nữ và trẻ em.
Vì Toà án QT không có cảnh sát và quân đội, cho nên không có ai đi bắt Tổng thống Omar al-Bashir được cả.
Tóm lại, phụ nữ và trẻ em châu Phi có một số phận bi đát của loài người.
4* Chết vì bịnh AIDS
Do đặc điểm về sinh học và các qui định xã hội, phụ nữ châu Phi chịu khá nhiều thiệt thòi trong đại dịch AIDS.Thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết:
- Trong 33.6 triệu người đang nhiễm HIV/AIDS trên thế giới, thì có 14.8 triệu là phụ nữ.
- Trong 5 triệu thanh niên nhiễm HIV vào năm 1999, thì có 2.3 triệu phụ nữ.
- Trong 2.1 triệu người chết vì AIDS năm 1999, thì có 1.1 triệu phụ nữ châu Phi. Phụ nữ châu Phi nhiễm HIV chủ yếu là do đường tình dục.
Về mặt sinh học, thì những tổn thương dù rất nhỏ đã xảy ra trong cơ quan sinh dục phụ nữ, trong khi quan hệ tình dục, thì đó là những cửa ngỏ rất lớn để cho vi khuẩn HIV xâm nhập. Do đó, phụ nữ càng trẻ thì nguy cơ mắc bịnh càng cao.
Về mặc xã hội, phụ nữ châu Phi không có quyền tranh luận, hay có quyền quyết định đối với đối tượng nam giới về những biện pháp phòng bịnh. Những phụ nữ từ chối quan hệ tình dục, hoặc đòi hỏi những biện pháp ngừa bịnh, tránh thai, thì bị đối xử tàn nhẫn vì chưa có sự bình đẳng với nam giới.
Có nhiều trường hợp, người đàn ông là nguyên nhân gieo rắc tai họa cho phụ nữ, như người bị nhiễm HIV chẳng hạn. Có thể nói, đa số phụ nữ châu Phi là nạn nhân của bịnh AIDS.
4.1. Phụ nữ mang thai ở châu Phi tử vong cao nhất
Tại Hội Nghị Khu Vực châu Phi về “Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em” do LHQ tổ chức ngày 16-2-2004, các viên chức LHQ cảnh báo rằng phụ nữ mang thai ở châu Phi có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Có 1,000 ca chết trong 100,000 người mang thai.
Báo cáo của LHQ cho biết, số phụ nữ ở khu vực sa mạc Sahara chết vì những biến chứng trong thời kỳ mang thai và sinh con cao gấp 175 lần so với các nước giàu trên thế giới.
Thống kê của WHO và của Quỹ Nhi Đồng LHQ (UNICEF) thì trong năm 2000, có khoảng 503,000 phụ nữ châu Phi chết trong lúc mang thai và sinh con. Sierra Leone, Angola, Malawi và Niger là những quốc gia có số phụ nử tử vong cao nhất.
Ông Lee Jong-wook, Giám đốc WHO cho biết, đó là những phụ nữ tự sinh con hoặc người thân trong gia đình giúp đở. Nói chung là những người không có kiến thức y khoa, hộ sản, không có kinh nghiệm đối phó với những biến chứng về bịnh lý.
4.2. Phụ nữ châu Phi chết vì dịch tả.
Theo thống kê của WHO, tính đến ngày 13-9-2000 thì:
- Ở Tchad, có 1,040 người nhiễm bịnh, trong đó phần đông là phụ nữ và trẻ em.
- Ở Nigeria, đã có hơn 10,000 mắc bịnh tả, số tử vong 614 người.
- Ở Cameroon, 417 người chết và dịch càng lan rộng ra mỗi ngày.
Nguyên do lây lan là sống thiếu vệ sinh, thiếu nước sạch và thiếu nhà vệ sinh. Hơn nữa, người dân nước nầy thường xuyên di cư nên dịch lan truyền nhanh hơn.
4.3. 120 triệu người Tây Phi bịnh sốt da vàng
Ngày 17-6-2010, các cơ quan của LHQ như Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Quỹ Nhi Đồng LHQ (UNICEF), Hội Hồng Thập Tự đã đồng loạt báo động nguy cơ bùng nổ bịnh sốt da vàng với số người mắc bịnh lên tới 120 triệu ở Tây Phi do thiếu Vaccin phòng bịnh. Hai nước trọng điểm của bịnh là Nigeria và Ghana không đủ Vaccin phòng bịnh. Lý do là ngân quỹ LHQ bị cạn kiệt do thiếu tài trợ.
LHQ đã có kế hoạch chích ngừa cho 6.2 triệu người Guinea và 15 triệu người ở Côte d’Ivoire vào cuối năm 2010.
Sốt da vàng do Virus Yellow Fever Virus gây ra, chủ yếu là ở châu Phi.
Vật trung gian truyền bịnh là loài muỗi Aedes Aegypti sống trong rừng châu Phi. Bịnh bắt đầu bằng cơn lạnh run dữ dội, kế đó nóng sốt đến 39, 40 độ C. Vi khuẩn đánh phá lá gan, tạo ra da vàng. Không có thuốc trực tiếp trị bịnh, nhưng có Vaccin phòng ngừa bằng cách làm gia tăng kháng thể chống bịnh. Một liều Vaccin có hiệu nghiệm 10 năm.
Sốt da vàng giết chết 30,000 người mỗi năm ở châu Phi.
5* Tục bạo hành phụ nữ ở châu Phi
Nô lệ tình dục
Tập quán nô lệ tình dục nầy trở thành phổ biến tại các quốc gia Ghana, Togo và Benin. Đó là tín ngưỡng Thờ Phượng Đền Thần, trong đó, những thiếu nữ đồng trinh bị ép buộc trở thành nạn nhân nô lệ tình dục. Tập tục nầy xảy ra thường xuyên ở bộ lạc Ewe vùng Volta của Ghana và bộ lạc Fon của nước Benin.
Những cô gái đồng trinh được đưa vào ngôi đền để phục vụ tình dục cho các thầy cúng. Họ được gán cho cái tên là “Thần Nữ” của ngôi đền. Đó là cô gái bị cưỡng dâm tập thể, nếu không thỏa mãn được cho các thầy cúng, thì bị đánh đập tàn nhẫn. Nếu một cô bị chết vì lao động tình dục kiệt sức, thì chỗ trống đó được lập tức trám vào.
Có hai nguyên nhân phải đưa cô gái vào đền làm nô lệ tình dục.
1). Lý do chuộc tội.
Cô gái bị cha mẹ đưa vào đền thần mục đích bày tỏ hối hận về những lỗi lầm hoặc tội ác mà cả gia đình hoặc tổ tiên đã vi phạm. Những thầy cúng thường xuyên theo dõi, điều tra để kết tội khi cần.
2). Lý do thứ hai là cô gái có duyên với ngôi đền.
Tên tuổi các cô gái “Thần Nữ” đó được giữ kín. Không ai dám nhắc tới, vì sợ bị thần thánh trừng phạt về tội xúc phạm.
Từ năm 1990, các nhà hoạt động nhân quyền đã khám phá và đấu tranh để xoá bỏ tập tục dã man và bất lương nầy.
6* Phụ nữ châu Phi bị cưỡng hiếp
6.1. 15,000 vụ cưỡng hiếp mỗi năm ở Đông Congo
Ông Roger Meece, người phụ trách Lực lượng LHQ giữ hoà bình đã khẳng định “Congo là thủ phủ của nạn cưỡng hiếp thế giới”
Trong năm 2009, đã có 15,000 vụ cưỡng hiếp chỉ riêng ở khu vực nầy. Báo cáo của Quỹ Dân Số LHQ đưa ra con số lớn hơn, là 17,507 vụ.
Theo ông Abubakar Dungus, phát ngôn viên Dân Số LHQ, thì trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có 7,685 vụ hiếp dâm mà 70% thủ phạm là “những người mặc đồng phục”. Đó là bộ đội của nhóm Mai-Mai Cheka và nhóm Dân Chủ Giải phóng Rwanda. Mục đích của họ là đe dọa, dằn mặt dân địa phương có khuynh hướng ủng hộ chính phủ. Họ lấy việc hiếp dâm làm một thứ vũ khí chống lại đối phương mà mục tiêu là phụ nữ.
6.2. Nạn hiếp dâm ở nước Cộng Hoà Nam Phi
Một tổ chức nghiên cứu ở Cộng Hoà Nam Phi cho biết, cứ trong 4 người đàn ông nước nầy thì có một người thú nhận là đã từng hãm hiếp phụ nữ. Con số mà cảnh sát cho biết là 36,000 phụ nữ bị hãm hiếp trong năm 2007, gần như có 100 vụ mỗi ngày. Đa số không tố cáo, vì tình cảm bị tổn thương, bị nhục nhã và sợ bị trả thù. Ở Nam Phi, hiếp dâm trở nên việc bình thường.
Những con số gây “sốc”
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn hơn 1,700 gia đình ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau tại các tỉnh lỵ, nông thôn thuộc vùng Capetown và KwaZulu-Natal.
Kết quả.
- 28% đàn ông được hỏi, cho biết đã ép một phụ nữ quan hệ tình dục, bất chấp ý muốn của cô ta.
- 14% thú nhận đã hãm hiếp bạn gái cũ hoặc bạn gái hiện tại.
- 12% cho biết họ đã hãm hiếp một người nào đó.
- 10% thú nhận đã hãm hiếp một người lạ.
- 17% cho biết họ đã từng cố gắng, tìm mọi cách để hãm hiếp một phụ nữ.
- 9% thú nhận đã từng tham gia “bề hội đồng”.
Đáng chú ý hơn nữa là gần 20% thú nhận đã lạm dụng tình dục nhiễm HIV của mình để truyền bịnh cho phụ nữ.
6.3. Bác sĩ Nam Phi bị hiếp dâm tập thể
Dư luận tại Cộng Hoà Nam Phi đang sốc và giận dữ trước việc một bác sĩ bị tấn công và hiếp dâm tập thể tại bịnh viện Pelonomi thuộc thành phố Bloemfontein. Nhà chức trách cho hay, nạn nhân là nữ bác sĩ khoa nhi, bị một thiếu niên 16 tuổi và hai nam giới 24 và 29 tuổi cưỡng bức lúc 2 giờ sáng ngày 30-10-2010.
Hồ sơ toà án cho biết, 3 con yêu râu xanh đã dùng viên gạch đập vào đầu bác sĩ khiến cô bất tĩnh, chúng lôi cô vào một phòng trống rồi cùng nhau hãm hiếp.
Hồi tháng 3 năm 2010, một y tá bị lôi vào bụi rậm hãm hiếp, khi cô cùng y tá khác trên đường đi cứu mạng một đứa trẻ.
Hồi tháng 8 năm 2007, một nữ sinh viên y khoa của Đại học Witwatersrand cũng trở thành nạn nhân của vụ cưỡng hiếp ở bịnh viện Chris Hani Baragwanath. Vụ việc không được đưa ra toà vì nạn nhân từ chối cung cấp tin tức.
6.4. Bao cao su biết cắn kẻ hiếp dâm
Một nữ bác sĩ ở Nam Phi đã phát minh loại bao cao su có móc dành cho phụ nữ, để giáng trả những kẻ cưỡng hiếp.
Trả lời phỏng vấn của đài CNN, bác sĩ Sonnet Ehlers nhắc lại: “Cách đây 40 năm, một phụ nữ bị cưỡng hiếp như một cái xác chết biết đi, bước đến nhà tôi và nói “Giá như tôi có một hàm răng ở chỗ kín”…Tôi hứa với cô ấy, một ngày nào đó tôi sẽ có cách giúp cho các nạn nhân”
Ngày 2-9-2005, 40 năm sau, bọc cao su Rape-aXe dành cho phụ nữ ra đời. Bác sĩ Ehlers phân phát miễn phí những bọc cao su đó tại nhiều thành phố Nam Phi.
Rape-aXe có những cái móc bên trong, chúng sẽ bám vào dương vật những kẻ hiếp dâm. Một khi bao cao su đã bám vào đó thì chỉ có bác sĩ mới có thể tháo gở ra được mà thôi.
Với sự hợp tác của bác sĩ tháo gở với cảnh sát, thì hung thủ có thể bị tóm cổ. Kẻ hiếp dâm không thể đi tiểu hoặc đi lại nếu bao cao su bám vào chỗ đó. Nếu đương sự tìm cách tháo bao cao su thì nó sẽ siết chặt thêm, nhưng những chiếc móc không làm thủng da.
Bác sĩ Ehlers nói ”Tôi đã tham khảo ý kiến với các kỹ sư, bác sĩ phụ khoa, các nhà tâm lý trong quá trình thiết kế, nên bảo đảm an toàn cho người xử dụng.
6.5. Bọc cao su Rape-aXe bị lên án
Nhà đấu tranh chống nạn hiếp dâm, bà Charlene Smith cho rằng sự phát minh dụng cụ nầy dựa trên căn bản thù oán đàn ông và không hiểu biết về bản chất của nạn hiếp dâm. Dụng cụ có tính chất trả thù, rất khủng khiếp và đáng ghê tởm”.
Bác sĩ Ehlers trả lời “Tôi không phải là nhà giáo dục, tôi không ghét đàn ông, và tôi chỉ nhắm vào những kẻ không thể giáo dục được”.
Những người ủng hộ Rape-aXe cho rằng “Nếu đàn ông dùng cơ thể của họ, như là một thứ vũ khí để tấn công chúng tôi, thì đây là lúc mà phụ nữ chúng tôi cũng hành động tương tự, để pản công”.
7* Kết luận
Việc giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng cả dân tộc. Đó là thoát ra khỏi cảnh nghèo đói, bịnh tật, bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em. Tất cả những biện pháp phải được xây dựng trên một chế độ dân chủ, để có xã hội ổn định, không còn chiến tranh. Phải diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng, xử dụng tối đa sản lượng quốc gia để phát triển kinh tế, giáo dục, y tế… nói chung châu Phi cần phải có một cuộc cách mạng toàn diện, xoá bỏ tận gốc rể những động lực tạo ra sức cản của tiến bộ và văn minh.
Tổng thống Obama đã nêu lên 4 yếu tố để phát triển châu Phi là, dân chủ, thởi cơ, sức khoẻ và giải pháp hoà bình trong xung đột.
Trúc Giang
Ngày 15-11-2011

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.