Hôm nay,  

Vấn Nạn Quanh Sự Lập Quốc Của Người Palestines

01/10/201100:00:00(Xem: 3199)

Vấn Nạn Quanh Sự Lập Quốc Của Người Palestines

Trần Bình Nam

Tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, hôm Thứ Sáu 23 tháng 9, đầu Thu 2011, Chủ tịch chính quyền Palestine Mahmoud Abbas chính thức đệ nạp Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đơn xin chấp thuận thành hình tân quốc Palestine.

Đơn xin thành lập quốc gia trên nguyên tắc chỉ là sự thi hành quyền “dân tộc tự quyết” như là một quyền căn bản trong sinh hoạt của cộng đồng thế giới. Thế nhưng nó đã được chờ đợi như một biến cố tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.

18 năm đã trôi qua kể từ ngày 13/9/1993 khi Tổ chức Giải Phóng Palestine (PLO) và Do Thái ký bản đồng thuận Oslo (Oslo Agreement hay Declaration of Principles – DOP) qua đó Do Thái giao hai vùng đất Tây ngạn (sông Jordan) gọi là West Bank và Gaza cho một thực thể chính quyền người Palestine (Palestine Authority - PA), đổi lại PA công nhận quyền tồn tại của nước Do Thái. Các vấn đề gai góc như: quy chế thành phố Jerusalem, vấn đề người tị nạn Palestine (do trận chiến tranh 1948) trở về đâu, vấn đề các khu định cư của Do Thái xây dựng trên đất Palestine sau cuộc chiến tranh 1967 sẽ được hai bên thương thuyết với nhau trước khi Do Thái công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền. 

Bản thỏa ước Oslo mang đến một tia hy vọng cho vấn đề Do Thái – Palestine. Nhưng đồng sàng dị mộng. Các cuộc thương thuyết giữa hai bên không mang lại một kết quả cụ thể nào. Hình như người Do Thái xem sự thành hình một thực thể cầm quyền Palestine là đủ để thế giới thấy thiện chí của Do Thái. Thực tế vừa hạ bút ký bản DOP, thủ tướng Do Thái Yitzhak Rabin đã tuyên bố: “thành phố Jerusalem là thủ đô lâu đời và vĩnh viễn của dân tộc Do Thái. Lập trường của Do Thái là thành phố Jerusalem (không phân chia) sẽ ở dưới sự quản trị của chính phủ Do Thái trong đó mọi cư dân đều được hưởng quyền tự do tôn giáo.”

Dù cứng rắn như vậy ông Rabin vẫn bị thành phần quá khích ám sát, và sau đó các chính quyền Do Thái chần chừ không thi hành thỏa ước Oslo, và dùng thì giờ để lấn đất vùng West Bank bằng cách cho xây một bức tường ngăn cách dọc theo biên giới West Bank và Do Thái bọc các khu định cư của người Do Thái đã xây dựng trên đất West Bank thuộc PA.

Cuộc tranh chấp Do Thái – Palestine chỉ có thể giải quyết nếu Hoa Kỳ có thể cứng rắn với Do Thái. Nhưng Hoa Kỳ dù dưới chính quyền Cộng Hòa hay Dân Chủ đều không thể có chính sách cứng rắn với Do Thái. Chính sách ngoại giao này bắt nguồn từ năm 1956 khi đại tá Nasser quốc hữu hóa kênh đào Suez. Do Thái, sau khi tham khảo với Anh và Pháp đã đánh chiếm bán đảo Sinai tiến quân vào sát bờ tây kênh đào đe dọa sự lưu thông của thủy đạo quốc tế quan trọng này. Anh, Pháp lấy cớ chiếm kênh đào Suez. Tổng thống Eishenhower lo ngại Liên bang Xô viết bênh Nasser nhảy vào Trung đông nên dùng đòn bẩy tài chánh áp lực Anh rút quân (và Pháp rút theo) lui trả kênh đào lại cho Ai Cập. Biến cố này đánh dấu ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Tây Âu và sự mất dần ảnh hưởng của đế quốc Anh.

Cuộc khủng hoảng Suez đã đẩy khối A Rập vào khối Liên xô và biến Do Thái thành đồng minh của Hoa Kỳ. Sự đồng minh phát sinh từ một nhu cầu chiến lược của chiến tranh lạnh trong thập niên 1960 đã dần dần trở thành một quan hệ Hoa Kỳ không thể gỡ ra được do áp lực chính trị nội bộ khi người Mỹ gốc Do Thái có khả năng thao túng quốc hội và truyền thông tại Hoa Kỳ.

Cộng đồng thế giới có cảm tình với người Palestine, nhưng các cuộc biểu quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc chỉ có tính ghi nhận và khuyến cáo, Do Thái không cần tuân thủ. Chỉ có các quyết nghị của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mới có hiệu lực của một đạo luật quốc tế, nhưng Hội đồng Bảo an không thể thông qua quyết nghị nào có tính ràng buộc Do Thái vì phiếu phủ quyết của Hoa Kỳ. Các chính phủ Cộng Hòa thường bênh vực Do Thái hơn các chính phủ Dân Chủ, nhưng không chính phủ Hoa Kỳ dù thuộc đảng nào có thể coi thường sức mạnh chính trị của người Do Thái để có một chính sách ngọai giao thuyết phục Do Thái đi đến một giải pháp hai nước Do Thái - Palestine sống hòa bình bên nhau . Khi ông Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, Palestine hy vọng ông Obama sẽ đề ra một chính sách công bình hơn đối với người Palestine, nhưng sớm nhận ra rằng đó chỉ là ảo tưởng. Tổng thống Obama ửng hộ sự hình thành một nước Palestine độc lập, có chủ quyền, thành viên của Liên hiệp quốc với biên giới Palestine trước cuộc chiến tranh 1967 – và thêm – hai bên sẽ đổi đất với nhau dựa vào thực tế tại chỗ. Nghĩa là nếu có một vùng đất vốn thuộc Palestine trước năm 1967 Do Thái đã “lỡ” chiếm và xây đựng vĩnh viễn thì Do Thái có thể thương thuyết với Palestine giữ đất đó và đổi lại cho Palestine một miếng đất thuộc Do Thái (trước năm 1967). Đề nghị có vẻ hợp lý, nhưng Do Thái không dễ đổi đất vì đặt an ninh lên trên mọi nhu cầu khác. Do Thái lý luận trước thế giới rằng một holocaust với 6 triệu người Do Thái bị giết đã quá đủ, họ cương quyết không để một việc như vậy tái diễn.

Lập trường của Do Thái là cứ thương thuyết với PA, đồng thời vẫn tiếp tục gặm nhắm dần đất của Palestine qua việc xây dựng các khu định cư mới trong vùng West Bank và xây thêm nhà cửa chung quanh thành phố Jerusalem. Một nhà báo Tây phương miêu tả cuộc thương thuyết về ranh giới đất giữa Do Thái và Palestine giống như hai anh em chia một chiếc bánh. Ông anh ỷ mạnh vừa ăn dần rìa chiếc bánh vừa nói với em “đừng lo, để anh chia công bình cho em”. Ông em Palestine không thể chấp nhận một sự chia chác như vậy.

Tiến triển của nỗ lực lập quốc của Palestine nhì nhằng như vậy 18 năm qua trước sự đãi bôi vì quyền lợi của các nước lớn, nhất là 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Dưới sự lãnh đạo của ông Yasser Arafat năm 1987 người Palestine lần đầu tiên nổi dậy (gọi là first intifanda) trước âm mưu lấn đất lộ liễu của Do Thái. Cuộc nổi đậy bất bạo động này được phối hợp đồng loạt tại 3 phần đất riêng biệt là West Bank, Gaza và Đông Jerusalem gồm chống thuế, đình công, đặt chướng ngại trên các trục giao thông. Hình ảnh của cuộc nổi dậy được thế giới chứng kiến là hình ảnh thanh thiếu niên Palestine dùng tay không, ná cao su, gạch đá chống lại lực lượng an ninh trang bị bằng súng đạn của Do Thái. Cuộc nổi dậy này chấm dứt năm 1993 với thỏa ước Oslo sau khi đã làm thiệt mạng 2,100 người Palestine, trong đó có 1000 người bị giết vì nghi là hợp tác với Do Thái, và 164 người Do Thái.

Cuộc nổi dậy thứ hai (second intifada) bùng nổ vào mùa Thu năm 2000 sau khi thủ tướng Ariel Sharon đi thăm khu Al-Haram Al-Sharif (gọi là Temple Mount ) do Do Thái kiểm soát tại Jerusalem. Người Palestine và người Do Thái đều xem Temple Mount là thánh địa của mình. Cuộc nổi dậy thứ hai bao gồm các hình thức phản kháng bạo động và bất bạo động, và chấm dứt sau khi chủ tịch Yasser Arafat qua đời năm 2004. Ông Mahmoud Abbas thay thế Arafat chủ trương chấm dứt bạo động và tìm giải pháp lập quốc qua thương thuyết khởi đầu bằng quyết định của thủ tướng Sharon rút quân và triệt hạ các khu định cư Do Thái trong vùng Gaza. Tổn thất nhân mạng trong cuộc nổi dậy thứ hai ước lượng 4.745 người Palestine và 1.053 người Do Thái.

Tư năm 2004 đến nay tình hình thương thuyết không có gì thay đổi. Tổng thống Obama có mang đến một chút hy vọng qua các phát họa mới nhưng vẫn không đi tới đâu trước thực tế chính trị tại Hoa Kỳ với sự kiểm soát truyền thông và khả năng vận động tại quốc hội (lobby) của người Mỹ gốc Do Thái .

Phát họa chính sách mới đối với vụ tranh chấp Do Thái – Palestine trong bài diễn văn đọc tại Cairo ngày 4/6/2009 tổng thống Obama nói: “… vấn đề Do Thái – Palestine chỉ có thể giải quyết qua công thức hai quốc gia công nhận nhau và cùng tồn tại bên cạnh nhau.” (The only resolution is for the aspirations of both sides to be met through two states, where Israelis and Palestinians each live in peace and security). Nhưng ông không làm gì để áp lực Do Thái ngưng các phát triển thêm các khu định cư trong vùng West Bank ngoài sự hứa hẹn “ … sẽ đích thân, kiên nhẫn và khéo léo để thực hiện …” (I intend to personally pursue this outcome with all the patience and dedication that the task requires).

Nhưng bản đồ chính trị Trung Đông thay đổi từ đầu năm 2011 sau các cuộc nổi dậy lật đổ các chế độ độc tài tại Tunisia, Ai Cập, Lybia và đang làm lung lay các chính quyền độc tài khác tại Syria, Yemen và một số tiểu quốc A Rập khác.

Sự ổn định (tiền 2011) tại Trung Đông qua trục Ai Cập, Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự cầm chịch của Hoa Kỳ không còn nữa. Sau khi Hosni Mubarak từ chức quan hệ giữa Ai Cập và Do Thái trở nên nguôi lạnh, và sau khi Do Thái truy kích quân du kích Palestine qua biên giới làm thiệt mạng một số quân nhân Ai Cập thì sự xích mích giữa hai nước bộc phát bằng những cuộc biểu tình phản đối Do Thái trên đường phố Cairo. Ngày 10/9/2011 dân chúng bao vây đập phá tòa đại sứ Do Thái tại Cairo, chính quyền Ai Cập phải vất vã lắm mới cứu được 80 công chức Do Thái và thân nhân đưa ra khỏi Ai Cập. Trong khi đó quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái vốn đã căng thẳng từ tháng 5/2010 khi Hải quân Do Thái tấn công tàu dân sự Thổ tiếp tế nhân đạo cho dân chúng Gaza giết chết 9 công dân Thổ trở nên căng thẳng hơn khi thủ tướng tướng Thổ Erdogan (Recep Tayyip) công khai khuyến khích và hỗ trợ quyết định của chủ tịch PA Mahmoud Abbas sẽ đưa đơn xin gia nhập Liên hiệp quốc vào dịp Đại hội đồng tháng 9 năm 2011.

Sáng kiến đưa đơn xin gia nhập Liên hiệp quốc của PA có từ năm 1999 lúc ông Arafat còn sống. Năm 1999 ông Yasser Arafat dự định đích thân dự đại hội đồng Liên hiệp quốc và nộp đơn gia nhập Liên hiệp quốc, nhưng Do Thái giam lỏng ông tại thủ đô Ramallah buộc ông bỏ ý định này . Sau khi ông Arafar qua đời tân chủ tịch Mahmoud Abbas tạm bỏ qua việc xin chính thức gia nhập Liên hiệp quốc trước áp lực của Do Thái và Hoa Kỳ chờ cơ hội.

Nay thời cơ đã tới. Trục Do Thái -Ai Câp –Thổ nhĩ Kỳ bể. Do Thái bị cô lập. Hoa Kỳ vẫn còn có thể phủ quyết, nhưng sẽ phải trả một giá rất đắc trước dư luận bất lợi trong thế giới A Rập .

Tại sao Do Thái và Hoa Kỳ lo ngại việc Palestine trở thành thành viên của Liên hiệp quốc qua quyết nghị của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chứ không qua thương thuyết tay đôi với Do Thái" Nếu Palestine trở thành quốc gia thành viên Liên hiệp quốc điều này chứng tỏ nỗ lực lập quốc của người Palestine được sự yểm trợ của cộng đồng thế giới, và nước Palestine có quyền đưa các vụ lấn đất của Do Thái ra trước tòa án quốc tế. Do Thái và Hoa Kỳ nói họ lo ngại một cuộc nổi dậy thứ ba (third intifada) sẽ bùng nổ đưa đến chiến tranh và bất ổn nếu Hội đồng Bảo an không thông qua đòi hỏi của người Palestine.

Hai ngày trước khi chủ tịch Mahmoud Abbas đích thân đệ nạp đơn gia nhập, tổng thống Obama đọc diễn văn trước Đại hội Liên hiệp quốc nói rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu phủ quyết. Và thành phần thân Do Thái tại quốc hội Hoa Kỳ cho biết sẽ vận động quốc hội cắt viện trợ cho chính quyền Palestine.

Chủ tịch Abbas biết rõ các sự de dọa này, nhưng ông không lùi bước. Thổ Nhỉ Kỳ hứa sẽ viện trợ thay Hoa Kỳ, và Saudi Arabia cho biết phiếu phủ quyết của Hoa Kỳ sẽ làm thay đổi “tình nghĩa” giữa Hoa Kỳ và khối A Rập tổng thống Obama đang vun xới.

Ông Mahmoud Abbas đã đi một nước cờ cao. Hoa Kỳ phủ quyết, đơn ông sẽ được đưa ra trước khóang đại Liên hiệp quốc và dễ dàng tranh thủ 2/3 quốc gia ủng hộ, trong đó có thể có cả phiếu cộng đồng Âu châu, Anh và Đức chấp nhận quy chế “quan sát viên” như quy chế hiện nay của Vatican.

Biểu quyết bác bỏ thỉnh nguyện của người Palestine sẽ đặt Do Thái và Hoa Kỳ bên lề trái của lương tâm thế giới và sẽ là yếu tố tích cực đưa Palestine đến vị trí một quốc gia có chủ quyền sống hòa bình trong cộng đồng thế giới trong một tương lai không xa.

Triển vọng chấm dứt cuộc tranh chấp Do Thái – Palestine không lúc nào sáng sủa bằng lúc này. “Cùng tất biến, biến tất thông”.

Trần Bình Nam

Sept. 30, 2011

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.