Hôm nay,  

Tiểu Doanh Và Quốc Doanh

22/09/201100:00:00(Xem: 4661)
Tiểu Doanh Và Quốc Doanh

Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA

...tư doanh ở dưới đáy bị kỳ thị và bóp nghẹt...

Kính thưa quý thính giả, kỳ này tiết mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vị trí của hai loại doanh nghiệp trong các nền kinh tế đang chuyển hướng theo quy luật thị trường. Đó là doanh nghiệp của nhà nước và của tư nhân. Và hai trường hợp tìm hiểu ở đây là Trung Quốc và Việt Nam. Để làm sáng tỏ vấn đề, Vũ Hoàng có cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do là ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, dưới chế độ tập trung quản lý ngày xưa, các nước đi theo xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc và Việt Nam đã xây dựng khu vực kinh tế nhà nước làm lực lượng sản xuất chủ yếu, vận hành theo kế hoạch của nhà nước. Chúng ta đều đã biết kết quả tai hại về kinh tế và xã hội của chế độ này nên các quốc gia đó đều lần lượt bãi bỏ chế độ tập trung quản lý và chấp nhận sự hiện hữu của các thành phần kinh tế ngoài xã hội chủ nghĩa, tức là thành phần kinh tế tư nhân. Quả nhiên là sau đó tình hình kinh tế có cải thiện đáng kể và các quốc gia nói trên đều đạt mức tăng trưởng khả quan hơn.
Nhưng, sau vài chục năm chuyển hướng kinh tế, các nước này vẫn duy trì một khu vực kinh tế nhà nước rất lớn và tốn kém. Trong khi ấy, khu vực tư doanh chưa có được một sân chơi bình đẳng và bị nhiều thiệt thòi. Ngày xưa, ông từng là chuyên gia tư vấn về cải cách doanh nghiệp và cổ phần hóa xí nghiệp quốc doanh nên hiển nhiên đã theo dõi rất sát hiện tượng đó. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho thính giả của chúng ta là tại sao và sự kiện đó sẽ dẫn đến những kết quả gì.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin trả lời ngay rằng hiện tượng này dẫn đến bất công xã hội, làm lệch lạc chế độ quản lý kinh tế và có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xã hội, như chúng ta đã bắt đầu thấy manh nha tại Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Như vậy, ta bắt đầu bằng trường hợp của Trung Quốc, một nước xã hội chủ nghĩa đã khởi sự cải cách theo kinh tế thị trường từ 30 năm trước và đạt thành tích chưa từng thấy trước đây. Vì sao ông lại cho rằng xứ này có thể bị khủng hoảng kinh tế và xã hội vì vai trò của các doanh nghiệp nhà nước"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta nhớ lại rằng chế độ tập trung quản lý duy ý chí và phản khoa học của Mao Trạch Đông khiến xứ này bị triền miên khủng hoảng trong 30 năm đầu của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ năm 1979 và 10 năm thì gặp khó khăn, cụ thể là bị lạm phát vì bộ máy quản lý kinh tế chưa biết ứng phó với quy luật thị trường. Vụ khủng hoảng dẫn đến cuộc tàn sát tại Quảng trường Thiên an môn vào mùng bốn Tháng Sáu năm 1989, Tổng bí thư đương nhiệm là Triệu Tử Dương bị giam giữ cho đến chết. Bên trong thì lãnh đạo có tranh luận về vai trò quản lý của nhà nước và phần đóng góp của tư doanh. Nhưng, sau chuyến tuần du các tỉnh miền Nam để nắm vững thực tế kinh tế, năm 1992, Đặng Tiểu Bình đề ra nguyên tắc là phải cho thành phần kinh tế tư nhân được sinh hoạt tự do vì tư doanh có đóng góp cho sự thịnh vượng và tạo ra công ăn việc làm.
Vũ Hoàng: Tức là 10 năm sau khi mở cửa thì Trung Quốc bị biến động thị trường bùng lên thành khủng hoảng chính trị, nhưng mà cuối cùng thì ông Đặng Tiểu Bình vẫn thấy ra vai trò tích cực của tư doanh. Thưa ông, kết quả của quyết định ấy là thế nào"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, các chính quyền địa phương tìm ra mối lợi về thuế khóa của tư doanh sau đợt cải cách thuế vụ năm 1994 và thứ nữa, tư doanh có thể tạo việc làm cho cư dân địa phương trong chiến lược là làm gia công cho xuất khẩu. Nhờ vậy, hàng triệu doanh nghiệp loại nhỏ và vừa được phép thành lập để đóng góp cho đà tăng trưởng chung. Sau Đại hội 15 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1997, lãnh đạo Bắc Kinh cũng tiến hành cải cách doanh nghiệp, chủ yếu là chấn chỉnh và giải thể các doanh nghiệp nhà nước bị lỗ lã, và đảm bảo là tư doanh phải có một không gian sinh hoạt để phát triển. Nếu so sánh, có lẽ lãnh đạo Hà Nội cũng có động thái tương tự, sau dăm ba năm học hỏi kinh nghiệm của Bắc Kinh.
Vũ Hoàng: Thế rồi chuyện gì đã xảy ra để đưa đến cơ sự ngày nay"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta có hiệu ứng chính trị và xã hội dội ngược vào kinh tế và gây tai họa. Tôi xin giải thích từng bước của hiện tượng này, bắt đầu thấy rõ từ năm 2002 trở về sau.
- Trước hết, đặc tính linh động biến báo của tư doanh Trung Quốc dẫn đến sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp tư nhân có ảnh hưởng. Khi ấy, vấn đề chính trị đặt ra cho lãnh đạo là làm sao xử trí với ảnh hưởng đó. Khuôn khổ quyết định của họ là kinh tế phải tăng trưởng, nhưng với điều kiện là đảng và nhà nước vẫn kiểm soát được tình hình mà không ai có thể chi phối được. Vì vậy, Bắc Kinh đã có hai quyết định song hành.
- Thứ nhất là kiện toàn và tập trung khả năng điều tiết các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, viễn thông, hỏa xa, v.v.... vào tay doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là yểm trợ qua nhiều biện pháp tín dụng và thuế khoá. Kết quả là doanh nghiệp nhà nước có tiền đầu tư mạnh vào loại tập trung tư bản và công nghệ với tham vọng kiểm soát được các khu vực tiên tiến dù tạo ra rất ít công ăn việc làm khi đi vào chiến lược "thâm dụng tư bản" như vậy. Chìm bên dưới là một nỗ lực khác là hoán chuyển đảng viên cán bộ trong khu vực kinh doanh của các tập đoàn nhà nước qua khu vực quản lý chính trị tại các địa phương. Kinh nghiệm trên doanh trường của thành phần này có thể giúp đảng nâng cao khả năng quản lý bộ máy hành chính công quyền.
Vũ Hoàng: Xét như vậy thì đấy là một quyết định sáng suốt chẳng khác gì các quốc gia đã phát triển kinh tế thị trường và có doanh gia đi làm bộ trưởng hay thứ trưởng. Thế thì đâu là vấn đề"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vấn đề nằm trong sự thể là doanh nghiệp nhà nước có ưu thế cạnh tranh nhờ chính sách ưu đãi của đảng và nhà nước. Khi các đảng viên cao cấp được đưa qua chỉ huy bộ máy công quyền hoặc từ bộ máy công quyền đưa qua quản lý doanh nghiệp thì họ chi phối luôn chính sách vĩ mô để duy trì ưu thế đó và gây vấn đề cho nền kinh tế quốc dân. Đấy là hiện tượng cấu kết giữa chính quyền và thị trường, là sự lệch lạc làm nhiều quốc gia đã bị khủng hoảng.

- Chuyện thứ hai, và tôi xin được nói tiếp về quyết định kia của lãnh đạo Bắc Kinh. Ta nhớ đến thuyết "tam biểu" của Chủ tịch Giang Trạch Dân năm 2000, rằng đảng là đại biểu chân chính của các lực lượng sản xuất tiên tiến, của văn hoá kỹ thuật tiên tiến và của quyền lợi cơ bản cho quảng đại quần chúng nhân dân. Đi vào áp dụng thì thuyết ấy dẫn đến việc đảng kết nạp các doanh gia để trong đảng cũng có thành phần tiên tiến. Bên ngoài lầm tưởng là đảng cộng sản Trung Quốc đã đi theo tư bản chủ nghĩa vì thu dụng các phần tử trước đây bị đấu tố hay cải tạo. Thực tế thì đây chỉ là việc định chế hóa bằng chủ trương, chính sách và luật lệ. là hiện tượng cấu kết tai hại mà ta vừa nói ở trên. Lý do là các doanh gia mau mắn gia nhập đảng để qua ngả chính trị mà truy tìm và bảo vệ đặc lợi kinh tế. Việt Nam cũng đang học hỏi và muốn áp dụng thủ thuật đó.
- Chuyện thứ ba, khi được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo, như vào Trung ương đảng hoặc lên tới Bộ Chính trị, các đảng viên đều cam kết là lĩnh ít lương và không kiếm lợi lộc gì, để thể hiện cái gọi là "đạo đức cách mạng". Thực tế thì thân tộc của các đảng viên này ráo riết thay mặt họ mà mở ra mạng lưới quan hệ trong kinh doanh theo lối cũ là "một người làm quan cả họ được nhờ".
Vũ Hoàng: Ông vừa trình bày một lúc ba yếu tố chính trị và xã hội khá đặc biệt của Trung Quốc. Hậu quả của sự thể này là gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nếu cột lại ba mối ràng buộc chính trị và xã hội ấy, ta thấy ra một bức tranh có "màu sắc Trung Hoa" hoặc "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" kiểu Việt Nam.
- Đó là doanh nghiệp nhà nước khống chế các khu vực kinh tế chiến lược để gọi là bảo vệ quyền lãnh đạo của đảng. Còn thân tộc tay chân của đảng viên cán bộ thì cấu kết với tư doanh có quan hệ tốt để lập ra loại doanh nghiệp tư nhân được ưu đãi nên chiếm thị phần cao trong các khu vực được nhà nước thả cho tư nhân như xây dựng, địa ốc hay dịch vụ.
- Bên ngoài thì thấy có các công ty tư nhân thành công, khu vực tư doanh sản xuất ra phân nửa sản lượng cả nước và tuyển dụng 80% lực lượng lao động. Quốc hội có đại biểu thuộc hạng tỷ phú trên doanh trường. Cụ thể thì trong số 2.987 đại biểu của Quốc hội Trung Quốc hiện nay, có 70 đại gia nắm trong tay số tài sản tổng cộng là hơn 75 tỷ đô la. Thực tế thì họ vẫn chỉ là thiểu số của một tỷ 300 triệu dân mà quyết định về mọi vấn đề kinh tế chính trị của cả nước. Nhưng tai họa chính không nằm ở đó.
Vũ Hoàng: Tức là ngoài hiện tượng cấu kết bất công và không phản ánh lý tưởng xã hội chủ nghĩa như lãnh đạo vẫn nói, ông còn thấy ra tai họa khác nữa hay sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi muốn nói đến các doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ và trung bình nằm dưới đáy của cái tháp quyền lực và quyền lợi đó.
- Trên bề mặt, Cục Thống kê Quốc gia xứ này nói đến 500 doanh nghiệp lớn nhất nước, trong đó hiện có 184 doanh nghiệp tư nhân, quả là tăng gấp bội từ con số 13 cơ sở của năm ngoài. Thực tế thì các doanh nghiệp lớn nhất trong danh sách đều của nhà nước, có doanh số cùng lợi nhuận cao hơn tư doanh. Lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 15% của tổng số 500 cơ sở lớn nhất mà thôi. Mà đấy là loại tư doanh đã có quan hệ tốt với đảng viên cán bộ nên mới vào tới bảng vàng này. Trong khi ấy, các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm nhất chính là loại nhỏ và vừa, nắm dưới đáy để nhặt nhạnh những gì ở trên thả xuống.
Vũ Hoàng: Hình như là ông đang mô tả cho thính giả một lối phân công lao động rất lạ kỳ vậy!
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đúng vậy, ta không quên rằng chiến lược sản xuất của doanh nghiệp nhà nước là "thâm dụng tư bản", tức là nhờ đi vay nhẹ lãi nên đầu tư mạnh vào thiết bị và công nghệ cao trong các khu vực chiến lược. Cho nên chúng tạo ra rất ít việc làm cho quần chúng đông đảo ở dưới. Tư doanh thì không có ưu thế ấy nên đi vào cách "thâm dụng nhân công", tạo ra việc làm cho cư dân địa phương và đạt mức lời cực thấp. Tính theo cách tương đối thì doanh nghiệp càng nhỏ lại thuê càng nhiều thợ thuyền đi làm gia công cho các đại gia ở trên trong, một quy trình phân công kỳ lạ. Nếu không xây dựng được quan hệ với quan chức ở trên thì họ rất khó ngoi lên và đó là hiện tượng ta gọi là sân chơi bất bình đẳng và bất công. Thế rồi ta còn phải nói đến vụ Tổng suy trầm 2008-2009 vừa qua. Tai họa ấy dẫn đến hai việc.
- Thứ nhất, lãnh đạo bơm tiền kích thích kinh tế, mà bơm vào dự án của nhà nước, từ tập đoàn quốc doanh đến địa phương. Việc thứ hai là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nên gây họa trước tiên cho doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ và trung bình, sống nhờ làm gia công cho xuất khẩu với mức lời cực thấp. Hậu quả là ở trên càng củng cố ưu thế độc quyền trong các lĩnh vực được bảo vệ nên muốn giữ nguyên trạng, còn ở dưới thì cả triệu doanh nghiệp loại nhỏ bị nguy cơ phá sản. Bây giờ, khi cần điều tiết khối tín dụng ngân hàng để tránh lạm phát thì tư doanh càng dễ chết, trong khi quốc doanh vẫn có khả năng vượt ra khỏi sự hạn chế đó. Tình hình Việt Nam thật ra cũng không khác và đây là một vấn đề kinh tế và xã hội xuất phát từ một sự chọn lựa chính trị.
Vũ Hoàng: Thưa ông, kết luận bất ngờ ở đây là chính chủ trương kinh tế của lãnh đạo lại gây ra bất công, cản trở những biện pháp ứng phó cần thiết và gây thách đố cho lãnh đạo vì nếu các doanh nghiệp cò con này mà phá sản thì số thất nghiệp sẽ gia tăng. Có phải như vậy không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là ta thấy lại các bài toán muôn thuở trong lịch sử Trung Quốc.
- Ngày xưa, họ chủ trương bốn bậc thang xã hội là sĩ, nông, công, thương và đẩy thương nhân xuống hạng bét vì triều đình sợ ảnh hưởng của thương gia, của những kẻ như Vương Khải, Thạch Sùng hay Lã Bất Vi, có thể lấy tiền tài mà khuynh đảo bộ máy công quyền của các quan. Ngày nay, Lã Bất Vi đã vào bộ Chính trị và Vương Khải với Thạch Sùng đã là Trung ương Ủy viên trong một chế độ lý tài. Trong khi ấy, tư doanh ở dưới đáy bị kỳ thị và bóp nghẹt.
- Nhìn ra ngoài và gần đây hơn, triều đình nhà Thanh cách nay trăm năm cũng muốn thúc đẩy kinh tế nhà nước đi vào canh tân xứ sở mà cuối cùng lại sợ rằng chính là các cơ sở tạm gọi là tiên tiến đó lại hợp tác với ngoại bang mà đe dọa quyền lực của triều đình đằng sau các khẩu hiệu hiện đại hóa. Ngày nay, Bắc Kinh cũng có mối lo tương tự mà lãnh đạo chưa biết xoay trở ra sao và có lẽ xoay trở không nổi vì hiện tương cấu kết này. Trong khi đó, thất nghiệp và động loạn xã hội vẫn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của họ.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa về bài phân tích này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.