Hôm nay,  

Syria: Sinh Nghề Tử Nghiệp

05/09/201100:00:00(Xem: 6729)
Syria: Sinh Nghề Tử Nghiệp

Nguyễn Xuân Nghĩa

Bất ổn tại Syria là khủng hoảng tại Lebanon – và ngược lại....

Sau vụ Libya, từ những gì đã xảy ra tại Syria, chúng ta thấy khu vực Trung Đông khét lẹt mùi thuốc súng, chứ không là hương nhài như nhiều người trông đợi....
Chế độ al-Assad cầm quyền với bàn tay sắt tại Syria từ bốn chục năm nay dù đã nhiều lần gặp nội loạn.
Là một thiếu số chỉ có một triệu rưởi trong một quốc gia 22 triệu, hệ phái Alawite lần lượt chiếm đoạt các trung tâm quyền lực kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh tình báo của quốc gia. Gia đình al-Assad thâu tóm hệ thống quyền lực đó vào tay các thị tộc và vây cánh, với một đảng chính trị độc quyền, đảng Baath. Ở bên dưới là đa số Hồi giáo Sunni (75%), Hồi giáo ngoài hệ phái Sunni (gần 6%) hay các hệ phái Thiên Chúa giáo (10%) và người Druze 3%. Những dữ kiện về dân số này chỉ là ước đoán vì Syria không cho phép kiểm tra dân số cũng chính vì muốn tránh khơi dậy phản ứng sắc tộc.
Sự ra đời và lớn mạnh của chế độ khởi sự từ năm 1946, sau khi Pháp chấm dứt 26 năm bảo hộ, và Syria đã trải qua nhiều đợt binh biến và đảo chánh. Dày dạn kinh nghiệm đấu tranh và đàn áp từ bên trong, hệ thống độc tài tại Syria không bị quân đội lật đổ như đã thấy tại Tunisie hay Egypt nhờ vẫn bảo vệ được bốn nền móng quyền lực của họ (xin xem lại bài trước trên cột bào này "Syria: Tứ Trụ và Bốn Phương" ngày Thứ Bảy mùng ba).
***
Năm 1970, Tướng Không Quân Hafer al-Assad tiến hành cuộc đảo chánh sau cùng, làm Tổng thống trong ba chục năm rồi tạ thế vào năm 2000. Con trai ông là Bashar al-Assad là một bác sĩ y khoa, ban đầu chẳng thiết tha đến chính trị, nhưng đắc cử tổng thống qua hai cuộc "trưng cầu dân ý" năm 2000 và 2007: hệ thống độc tài này đã được định chế hóa chứ không còn tùy thuộc vào bản lãnh của một cá nhân như Hafer hay Bashar.
Nó dựa trên đảng Baath với chủ trương phát huy chủ nghĩa dân tộc Á Rập và xã hội chủ nghĩa, tương tự như đảng Baath tại Iraq mà vì vậy cũng cạnh tranh với đảng của Saddam Hussein. Là một chính đảng xuất phát từ phong trào kháng Pháp của mọi thành phần dân chúng, nó biến chất thành một đảng phản động nhờ quy chế độc đảng, nay trở thành trung tâm ban phát quyền lợi cho tay chân và bè phái.
Thứ hai, hệ thống độc tài này tồn tại nhờ hệ phái Alawite hoàn toàn kiểm soát quân đội và an ninh, và giữ được sự nhất thống bên trong các thành phần Alawite qua nhiều sóng gió và kinh nghiệm bảo vệ chế độ. Trên cùng, cánh al-Assad vẫn kiểm soát được quyền lực chính là nhờ kinh nghiệm dẹp loạn, khi thế giới chưa mấy quan tâm đến xứ này.
Nói về kinh nghiệm thì vì cai trị một đa số Hồi giáo Sunni xưa kia coi mình là tà đạo và thấp hèn, chế độ gây chống đối trong cộng đồng Sunni với vụ nổi dậy do phong trào Huynh đệ Hồi giáo Syria (Syrian Muslim Brotherhood) đề xướng năm 1976. Nhờ tính chất Hồi giáo cực đoan – đòi mở ra cuộc "Thánh chiến" – phong trào mất hậu thuẫn của dân Sunni khá giả tại các đô thị. Năm 1982, chế độ càn quét – trong nghĩa đen – thành phố Hama của dân Sunni khiến mấy vạn người bị tàn sát - từ 10 đến 40 vạn tùy nguồn tin. Phong trào Huynh đệ Hồi giáo đi vào bóng tối, hoạt động ngầm, mà vẫn còn ảnh hưởng....
Năm sau, 1983, khi thấy Hafer bị bệnh tim, em ruột của ông là Rifaat tính đảo chánh để cướp quyền. Lần này, bà mẹ là Naissa bước ra hỏa giải hai người con trai, Rifaat qua Pháp lưu vong – nay còn sống tại Paris. Khi biến động xảy ra, Rifaat vẫn lên tiếng bảo vệ chế độ và quyền lực của hệ phái Alawite. Năm 1994, một người em khác của Hafer là Basil al-Assad cũng muốn lên thay ông anh lâm bệnh, chuyện không thành nhờ hậu thuẫn của quân đội và một ông tướng người Sunni là Msutafa Tlass, Bộ trưởng Quốc phòng.
Chính là quân đội Syria đã bảo vệ chế độ, chờ ngày Bashar tốt nghiệp nhãn khoa và hai lần lên ngai tổng thống cho đến nay. Trong quân đội, 70% binh lính và 80% sĩ quan là người Alawite, còn các đơn vị ưu binh hiện nằm trong tay gia đình al-Assad. Dù nhiều sĩ quan và đa số phi công có thể thuộc hệ phái Sunni, dân Alawites vẫn kiểm soát được mạng lưới quân báo, liên lạc và tiếp vận để không một phi cơ nào bắn vào dinh tổng thống!
Trải qua vụ biến động từ đầu năm nay, ít ra 2.200 người đã bị tàn sát, mà chế độ vẫn giữ được quyền lực bên trong. Đấy là một lý do vì sao Syria chưa rụng, dù việc thẳng tay đàn áp mọi người ở mọi nơi đã gây phản ứng quốc tế, một phản ứng ồn ào.
Trong khi ấy, phe đối lập chưa thể thống nhất, dù chỉ dưới một danh xưng tên gọi! Mà làm sao đối lập có thể quy tụ ngần ấy phe nhóm sắc tộc hay hệ phái vào một mặt trận"
Bên trong người dân bị đàn áp thì thất vọng vì mấy nhóm đối lập lưu vong chỉ bận họp báo tại các thủ đô Tây phương. Một nhóm người Syria tại Mỹ lập ra "Sáng kiến Quốc gia về Đổi mới" và ra tuyên ngôn tại Cyprus. Một nhóm khác ra mắt tại khu du lịch Antalia ở Turkey dưới tên "Nghị hội Đổi mới". Các nhân vật đối lập sống tại Istanbul của Turkey có "Hội đồng Cứu quốc", vừa họp đã rạn nứt vì dân Kurd bước ra khi mấy người kia đòi duy trì tên Á Rập trong quốc hiệu Cộng hòa Syria. Ở bên trong thì các nhân vật bất đồng chính kiến chỉ ráo riết tiếp xúc với giới ngoại giao tại thủ đô Damascus. Dân Syria còn thấy nghi ngờ vì chính quyền Turkey, dưới quyền một đảng Hồi giáo, lại sốt sắng tổ chức hầu hết các cuộc gặp gỡ của đối lập. Hình như các nước bên ngoài lại có nghị trình riêng!
Chúng ta bước qua khía cạnh quốc tế của vấn đề Syria, một hồ sơ gai góc và rắc rối khác....
***
Syria là một nước nhỏ nhưng có tham vọng lớn trong khu vực Trung Đông.
Tham vọng quốc tế khiến Syria thành tâm điểm ràng buộc các nước trong khu vực vào một tình trạng bất ổn thường trực. Nhưng chính là sự bất ổn đó mới khiến các nước e sợ đại loạn nếu chế độ sụp đổ. Các nước ở đây là Turkey, Saudi Arabia, Israel, Iran và cả Hoa Kỳ.
Đây là một nghịch lý khiến ta phải tìm hiểu về mạng lưới quốc tế này.
Syria có một đối thủ là quốc gia Israel của dân Do Thái, đã từng bị Israel khuất phục trong trận Yom Kippur năm 1973 nên từ đó mất Cao nguyên Golan, một cứ điểm bảo vệ an ninh cho Israel. Phối hợp với một đồng minh kiêm đối thủ - một nghịch lý khác ta sẽ xét sau – là Iran, chế độ Alawite tại thủ đô Damascus yểm trợ lực lượng Hezbollah và nhiều nhóm dân quân khác tại Lebanon, và năm 2005 đã từng xua quân qua Lebanon mà Syria coi là lãnh thổ truyền thống của mình.
Song song, chế độ Alawite cũng quậy phá khu vực Palestine qua lực lượng Hamas trên Dải Gaza và các nhóm võ trang xưng danh "Thánh chiến Palestine". Lại còn có âm mưu chế tạo võ khí hạch tâm khi liên lạc với Cộng sản Bắc Hàn để lập nhà máy, cuối cùng thì bị Israel oanh kích tan tành!
Dù vậy, Israel vẫn lo ngại một kịch bản còn nguy hiểm hơn nếu Syria đổi chủ: hệ phái Sunni cực đoan mà lên nắm quyền tại Damascus thì tình hình càng thêm rắc rối. Thà là duy trì một chế độ độc tài – mà Tel Aviv có thể kiềm chế và đổi chác được – còn hơn là để Syria rơi vào phe Sunni. Một đối thủ đã nhẵn mặt vẫn còn đỡ hơn một kẻ thù chưa biết sẽ có những đòn phép gì!
Trong cách suy tính ngược ngạo ấy, Israel lại đồng cảm và đồng điệu với các nước Hồi giáo Sunni trong vùng, chỉ vì sự hiện hữu của một cường quốc Hồi giáo Shia là Iran. Một nghịch lý khác trong khung cảnh điên khùng này.
Sau khi các Giáo chủ theo hệ phái Shia hoàn thành "cách mạng" tại Iran, chế độ Alawite tại Damascus và chế độ Shite tại Tehran trở thành đồng minh vì có chung một kẻ thù là hệ phái Sunni. Ngoài yếu tố ý thức hệ liên quan đến tôn giáo và sắc tộc ấy – cùng khống chế dân Sunni đa số tại Syria và cả khu vực Trung Đông – Syria còn mơ ước kiểm soát được Lebanon, một trung tâm trù phú và lãnh thổ ngày xưa của "Tỉnh Syria" trong Đế quốc Ottoman. Cuộc nội chiến bùng nổ từ năm 1975 đến 1990 tại Lebanon là cơ hội can thiệp mà Syria không thể lỡ.
Nhưng, trên đất Lebanon, chế độ Alawites lại gặp sự cạnh tranh của Yasser Arafat và Phong trào Giải phóng Palestine, PLO. Một chuyện nhức đầu khác khiến sau này Damascus yểm trợ phe Hamas của dân Palestine chống lại lực lượng Fatah xuất thân từ phong trào PLO. Chuyện dân Á Rập hay người Palestine phải bênh vực nhau chỉ là khẩu hiệu.

Trong khi ấy, Iran cũng có tham vọng khuynh đảo các chế độ Á Rập tại Iraq, Saudi Arabia và cả Ai Cập, ở trong tay hệ phái Sunni. Cuộc chiến dai dẳng giữa Iran và Iraq – kéo dài tám năm khiến Iran chết cả triệu – khiến Iran và Syria trở thành đồng chí, đồng hành.
Iran và Syria đều muốn dẹp hệ phái Sunni, nhưng Tehran thì muốn bành trướng thế lực Shia tại Iraq và từ đó lãnh đạo khối Hồi giáo chống lại Tây phương. Damascus thì vừa muốn dẹp nội loạn Sunni bên trong vừa chiếm đoạt Lebanon ở bên ngoài. Là đồng chí, hai phe đều yểm trợ lực lượng Hezbollah tại Lebanon, một nhánh nhỏ có võ trang và chủ trương tôn giáo trong hệ phái Shia, để gây khó cho Israel.
Nhưng hai nước không hoàn toàn đồng tâm vì lý tưởng của chế độ Alawite là xây dựng quyền lực thế tục của chủ nghĩa dân tộc Á Rập, khác với hệ thống thần quyền Ba Tư của các giáo chủ Iran muốn nuôi lực lượng Hezbollah để phát huy sức mạnh tôn giáo của phái Shia. Chúng ta đang đi vào một mê cung của những tham vọng chằng chịt - và tiến dần đến xứ Lebanon!
Iran muốn có ảnh hưởng tại Lebanon để đe dọa Israel và cộng tác với Syria trong mục tiêu đó. Nhưng nếu Syria có loạn sự thể sẽ khác: chế độ Alawite mà suy sụp, phe Sunni thắng thế sẽ ra mặt đối lập với các Giáo chủ Tehran hay lực lượng Hezbollah của hệ phái Shia. Tehran không muốn Syria đổi chủ. Đặc công của Hezbollah và cả Vệ binh Quốc gia của Iran đã ngầm tiến vào bảo vệ chế độ Alawite!
Các nước Á Rập cũng nghĩ vậy: Với mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa hai hệ phái Sunni và Shia, nội chiến tại Syria sau khi chế độ Alawite bị lật sẽ chuyển tình trạng quân bình bất ổn sang đại loạn và văng miểng vào nhà mình.
Đầu tiên, vốn đã phải canh chừng những biến động ở bên trong và ngay tại Bahrain vì "Mùa Xuân Á Rập", Hoàng gia Saudi không muốn có thêm một mối lo tại Syria hay Lebanon, là cơ hội cho Iran bành trướng. Một cường quốc Hồi giáo và thành viên của Minh ước NATO là xứ Turkey cũng không nghĩ khác. Có tranh chấp về chủ quyền với Syria, Turkey vẫn sợ đám cháy từ Syria sẽ thổi lửa vào dân Kurd thiểu số của mình đang sinh sống trong vùng tiếp cận với biên giới Syria. Turkey có dung dưỡng đối lập nhưng chỉ vừa đủ làm vì mà thôi.
Xứ Ai Cập vừa có cuộc đảo chánh của quân đội để thay thế Hosni Mubarak. Bây giờ chế độ lâm thời đang ngại là biến động tại Syria sẽ gây loạn làm phong trào Huynh đệ Hồi giáo càng có thế mạnh và Hamas sẽ lại khiêu khích Israel ngay trong Dải Gaza tiếp giáp lãnh thổ Ai Cập.
Hậu quả của những tính toán gọi là "quốc tế" đó là cuối tháng Tư vừa qua, khi Cao Uỷ Nhân quyền Liên hiệp quốc triệu tập một phiên họp để kết án Syria thì gặp trở ngại từ chính các nước Hồi giáo. Saudi Arabia và Ai Cập đòi viết lại nghị quyết lên án cho nhẹ hơn, Jordan và Bahrain còn khá hơn vậy: không thèm tham dự!
Trong khi ấy, Hoa Kỳ và Minh ước NATO lỡ dại nhảy vào Libya vì lý do nhân đạo để chọn một phe trong cuộc nội chiến nên không muốn có thêm một mồi lửa bắn vào thùng thuốc súng Syria.
Đâm ra, vì những quan hệ chằng chịt của chế độ Alawites với các lân bang trong khu vực – còn rắc rối hơn xứ Libya của Gaddafi – nếu Syria bị nội loạn, vùng Trung Đông có thể trôi vào biển lửa mà các cường quốc Tây phương đã hết nước cấp cứu. Vì vậy, cho đến nay, Tây phương chỉ lên tiếng phản đối và kêu gọi cấm vận cho phải đạo mà thôi.
Kết luận về chuyện trong ngoài, chế độ Alawite tồn tại được là nhờ bốn cái neo còn vững bên trong và nhất là nhờ bốn phương tám hướng chung quanh đều sợ loạn. Cuộc nổi dậy của người dân Syria chưa đánh bung bốn cái neo bền chắc của chế độ mà lại còn gặp sự thờ ơ thụ động của các nước. Khi Liên hiệp Âu châu vừa kêu gọi phong toả dầu khí của Syria thì Ngoại trưởng Nga lên tiếng phản đối và gọi đó là "hành động đơn phương"!
"Cách mạng Hoa nhài" hay "Mùa Xuân Á Rập" do truyền thông Tây phương ngợi ca từ đầu năm thật ra vẫn khó toả hương bén rễ....
***
Chúng ta bước qua phần cuối của một bi kịch quốc tế mà kết cuộc có thể là chuyện Lebanon, một nghịch lý khác.
Syria là đồng chí và đồng hành với Iran vì hai mục tiêu ý thức hệ - khống chế hệ phái Sunni và bành trướng ảnh hưởng vào Lebanon. Nhưng hai nước không thể đồng tâm mãi mãi. Mà Syria càng bị suy yếu thì Iran càng bành trướng ảnh hưởng vào Lebanon. Mâu thuẫn này gieo họa cho lực lượng Hezbollah, một tổ chức võ trang và chính trị Shia cần sự yểm trợ của Iran lẫn nguồn tiếp vận của Syria.
Khi thế giới thở than về nạn đàn áp tại Syria, lực lượng Hezbollah bắt đầu lúng túng vì nội bộ Lebanon rạn nứt. Phe Hezbollah liên kết với một số thành phần Shiite, Thiên Chúa giáo và Druze để lập ra "Liên minh ngày Tám Tháng Ba". Bên kia, đa số Sunni lập ra "Liên minh 14 Tháng Ba" với một số phần tử Thiên Chúa giáo và Druze khác! Họ được sự yểm trợ của các nước Sunni lân bang, nhất là Saudi Arabia, và cả Tây phương.
Bất ổn tại Syria khiến Hezbollah trông cậy vào hậu phương Iran và được yêu cầu tham gia yểm trợ chế độ Alawite tại Damascus. Nhưng chính là hành động đánh thuê ấy khiến Hezbollah mất dần uy tín chính trị mà họ gây dựng được tại Lebanon: từ một lực lượng khủng bố, họ đã chuyển qua một phong trào xã hội và một thế lực chính trị. Bây giờ, khủng hoảng tại Syria khiến Hezbollah lại chơi trò súng đạn, và trong trò chơi đó, lực lượng này cũng biết là Syria còn nuôi dưỡng thêm nhiều đám dân quân khác để có thêm tay chân lũng đoạn Lebanon.
Cuộc khủng hoảng cũng làm cho các thành phần Sunni, Thiên Chúa giáo và Druze tại Lebanon chuẩn bị võ khí! Chuyện ấy, truyền thông ít nói đến, nhưng nội chiến có nguy cơ tái diễn tại Lebanon....
Chế độ độc tài Syria có thể tồn tại nhờ sức mạnh bên trong và nhờ quan hệ chằng chịt bên ngoài khiến các nước đều ngại một đám cháy lan rộng. Nhưng cũng do quan hệ đó mà bất ổn tại Syria lại khơi dậy nguy cơ đại loạn tại Lebanon. Và cái đuôi mới dập cái đầu, khủng hoảng tại Lebanon sẽ dội ngược về Syria. "Sinh nghề tử nghiệp""
Vì nếu Lebanon lại rơi vào nội chiến, ngần ấy quốc gia liên hệ như Israel, Ai Cập, Saudi Arabia, Turkey và Iran đều không ngồi yên. Và những gì xảy ra tại Libya từ mấy tháng qua chỉ là một thao dượt nhỏ.
Khi ấy, Hoa Kỳ sẽ làm gì"
Chế độ Baath tại Iraq chỉ bị tiêu diệt nhờ sự can thiệp liều lĩnh Tổng thống Bush vì lý do phòng thủ thụ động. Biến cố ấy nhổ cái gai Saddam Hussein cho cả Iran và Syria nhưng lại khiến siêu cường Mỹ có mặt ngay ngoài ngõ! Iran nhân cơ hội khuynh đảo cộng đồng Shia để khống chế đối thủ cũ là Iraq. Syria thì nhân cơ hội mở cửa đào thoát cho một số lãnh tụ Sunni để nhờ đó chi phối cộng đồng Sunni và tàn dư của đảng Baath của Saddam. Đấy là lợi thế thương thảo với Hoa Kỳ!
Bây giờ, Syria gặp loạn mà không còn gì để thương thảo. Chính quyền Obama lại vừa hú vía với vụ Libya nên rất hài lòng với một thành tích biểu kiến nho nhỏ là chấm dứt chế độ Gaddafi!
Thật ra, Hoa Kỳ và NATO phải mất sáu tháng mới giải quyết xong đạo quân loại tầm thường của Gaddafi – so với đạo quân đứng hàng thứ tư thế giới của Saddam Hussein bị diệt gọn vào năm 2003. Ngày nay, Chính quyền Obama chuẩn bị cắt giảm ngân sách quốc phòng và triệt thoái khỏi Iraq thì làm sao ứng phó khi Lebanon có loạn và khi cái đai của chế độ Alawite bị đánh bung tại Syria" Chỉ còn mong là Syria đừng sát sinh quá đáng"
***
Sau cùng, hãy nói về "Mùa Xuân Á Rập" theo cái nhìn lãng mạn của Tây phương: nhìn trong lâu dài, nhược điểm then chốt của khối Á Rập - của cả thế giới Hồi giáo tại Trung Đông - là sự phân hóa triền miên, khiến hạt mầm dân chủ rất khó đơm hoa kết trái.
Cùng một tôn giáo mà khác hệ phái, người ta coi nhau là kẻ thù cần tru diệt. Trong cùng một quốc gia, phe thiểu số thường bị đàn áp và nếu nắm được quyền hành, họ không thể buông vì sẽ bị trả thù và tàn sát. Dân Alawite mới chỉ nổi lên được nửa thế kỷ sau khi bị dồn xuống đáy, họ bảo vệ chế độ độc tài này đến cùng vì sợ một ách độc tài của dân Sunni còn tàn khốc gấp bội như đã thấy tại Iraq. Đó là nỗi ám ảnh của chế độ Alawite đang bị rung chuyển.
Đâm ra, dân Á Rập là nạn nhân của tham vọng Á Rập.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.