Hôm nay,  

Trần Duy Đức Và Đêm Nhạc Với Bằng Hữu - Phan Tấn Hải

25/07/201100:00:00(Xem: 7942)
Trần Duy Đức Và Đêm Nhạc Với Bằng Hữu

tran_duy_duc_july_2011-large-contentTrần Duy Đức ngẩn ngơ nhìn nắng chiều.(Ảnh VB)

Phan Tấn Hải

Đó là điều nhiều người chờ đợi đã lâu: Đêm Nhạc Thính Phòng Trần Duy Đức & Bằng Hữu... Một đêm nhạc của những tiếng mưa buồn trên núi rừng Pleiku, của những tiếng chim gọi nhau ở nơi không thể hiểu, và của những tiếng đàn cổ từ tình thân bằng hữu tiền kiếp...
Tôi không hiểu về nhạc lý, thực sự không hiểu một nốt nhạc nào, nhưng tôi thâm cảm được những cách Trần Duy Đức đam mê âm nhạc. Như một định mệnh, như cú sét ái tình một lần gặp, nhấc cây đàn lên dạo vài nốt, và rồi mãĩ mãi không rời. Cũng như khi một họa sĩ ngẩn ngơ suốt cả ngày khi gặp một màu sắc bất ngờ, hay như khi một nhà thơ trở nên trầm mặc suốt cả tháng chỉ để nghĩ về hai hay ba câu thơ, Trần Duy Đức có thể suốt cả ngày đêm chỉ lắng nghe những dòng nhạc trong tâm tưởng của anh, như những trầm lắng từ một ca khúc vọng lại từ các âm vực tiền kiếp. Thực như thế, ngay cả trong giấc ngủ, Trần Duy Đức cũng không rời âm nhạc, như anh từng tâm sự như thế.
Hiếm có người mê nhạc như Trần Duy Đức. Sinh năm 1953 tại Phú Nhuận, Sài Gòn, anh đã tự học nhạc và chơi đàn guitar. Tuy vậy, trước khi cầm đàn, trong thời còn ở bậc tiểu học, anh mê vẽ: năm lớp nhất (bây giờ gọi là lớp 5), học ở trường Võ Tánh ở Phú Nhuận, Trần Duy Đức vẽ một tấm tranh người mẹ nằm võng, và được giảỉ nhất hội họa toàn trường. Được thầy cô khuyến khích học vẽ, nhưng rồi một lần gặp cây đàn guitar, và cậu bé đã say mê tự học.
Năm 10 tuổi, Trần Duy Đức đã biết đàn đệm cho các chị trong xóm hát. Năm 16 tuổi, anh đã soạn ca khúc. Đam mê âm nhạc như thế, nhưng ở Việt Nam lại không có cơ hội học nhạc. Chỉ tới khi sang Hoa Kỳ, Trần Duy Đức mới ghi danh học các lớp sáng tác ca khúc tại Golden West College và Santa Ana College.
Trần Duy Đức kể rằng, cơ duyên học sáng tác nhạc đã cho anh gặp một số bạn âm nhạc. Một bạn học cùng lớp là nhạc sĩ Hoàng Khai Nhan, người có nhiều bản tình ca nổi tiếng và cũng là một nhiếp ảnh gia xuất sắc. Cũng chính Hoàng Khai Nhan đã chụp các tấm ảnh để sử dụng cho bích chương của “Đêm Nhạc Thính Phòng Trần Duy Đức & Bằng Hữu.” Và cũng chính Hoàng Khai Nhan là người thiết kế cho tấm bích chương cho đêm nhạc.
Trần Duy Đức đã đưa cho tôi xem cuốn sách giáo khoa về sáng tác ca khúc, có tên là “Music Notation” (Văn Phạm Viết Nhạc) của Mark McGrain, trong đó, theo lời Đức, là để viết nhạc theo quy ước quốc tế, để nước nào nhìn vào bản nhạc cũng hiểu. Màu giấy đã ố vàng, mép giấy đã cong... nhưng anh vẫn giữ bên cạnh nhiều cuốn khác để nhớ một thời học nhạc nơi lưu vong.
Trần Duy Đức kể rằng, anh may mắn được học nhạc tại Hoa Kỳ. Trong đó có những lớp rất gay go, như mỗi lần làm bài quiz thường lệ, thầy giáo đưa ra một bài thơ ngắn, và các sinh viên phải ngay tại chỗ phố nhạc bài thơ này – tùy theo thể nhạc mà thầy giaó yêu cầu.
Thí dụ, một bài thơ về cảnh đời sống nông thôn Mỹ, thì phải phổ thành một ca khúc theo thể nhạc country music – ngay trong lớp, không cần đàn, mà phảỉ viết ngay xuống giấy cho ra bản nhạc.
Những nhân vật theo học các lớp viết ca khúc -- gọi là các lớp songwriting – cũng có nhiều nghệ sĩ dị thường.
Trần Duy Đức kể, ngồi bên cạnh anh là một ông già Mỹ da trắng. Ông cụ cho biết cụ đã 70 tuổi, là nhạc sĩ vĩ cầm (violon) trong một dàn nhạc 50 năm. Ông cụ nói, bây giờ mới học songwriting vì muốn viết ca khúc, vì không học thì không thể biết.
Một bạn học cùng lớp, cũng ngồi bên Trần Duy Đức, là một cô nàng Mỹ da đen, đã tốt nghiệp 4 năm ở New York, tại một trường dạy nhạc về môn xướng âm, gọi là thanh nhạc. Và bây giờ cô vào học cũng vì muốn viết ca khúc.
Trần Duy Đức kể, từ đó anh đã liên tục vào các thư viện trong vùng Santa Ana, mượn và đọc các sách về âm nhạc ngày đêm, hiểu thêm về tinh hoa âm nhạc thế giới. Anh từ đó cũng tự học thêm đàn keyboard để soạn hoà âm, phối khí cho các ca khúc.
Anh kể, anh may mắn ở Mỹ, được học và được nghe nhiều, được biết và được nghiên cứu tinh hoa âm nhạc của nhiều dân tộc. Anh nói, nhạc ở Việt Nam có ngũ cung; Hoa Kỳ cũng có thang âm ngũ cung, nhưng khác biệt. Trần Duy Đức nói, dù vậy, học về văn phạm âm nhạc là một chuyện, nhưng mỗi nhạc sĩ có thành công hay không chỉ là nhờ hồn nhạc, bởi vì có những tiến sĩ âm nhạc nhưng vẫn không sáng tác nhạc được. Trong khi đó, Trịnh Công Sơn không cần văn bằng quốc tế nào, mà vẫn có các ca khúc xuất sắc.

tran_duy_duc_khanh_ly-large-contentCa sĩ Khánh Ly, nhạc sĩ Trần Duy Đức.(Ảnh Hoàng Khai Nhan)

Trần Duy Đức gần như suốt ngày sống với âm nhạc. Đây cũng là một yếu tố đã làm sức khỏe anh suy yếu. Đức thường khi ngồi trước máy điện toán viết nhạc, say mê quên giờ giấc, tới khi thấy ngoài trời sáng, chim bắt đầu hót thì mới giựt mình. Và cũng có khi, thao thức với những dòng nhạc mà không ngủ được, cho tới khi chợt ngủ quên bẵng đi.
Nhưng Trần Duy Đức kể rằng, bất cứ khi nào anh nằm xuống, nhắm mắt lạị, là trong đầu vang lên cả một khúc hòa tấu, y hệt như dàn nhạc đệm cho một cuốn phim. Do vậy, kể cả trong giấc ngủ, nhạc vẫn tràn ngập trong anh toàn thân.

Anh kể, có khi một số kỷ niệm thơ ấu quay trở lại, để trở thành một phần âm nhạc của anh. Thí dụ, Trần Duy Đức kể, trong ca khúc “Nếu Có Yêu Tôi” do anh phổ thơ Ngô Tịnh Yên, anh thực ra chỉ mượn vài ý và còn phần lớn là anh viết lại, trong đó anh có dùng nhóm chữ “rộn ràng nỗi đau.” Trần Duy Đức kể, vì trong đầu anh vẫn nhớ hoài câu “nỗi buồn rực rỡ” của nhà văn Nhã Ca viết trong một truyện ngắn mà anh đã đọc thời xưa thât xưa, trước 1975. Nhưng làm sao “nỗi buồn rực rỡ” chuyển hóa thành “rộn ràng nỗi đau” cũng là chuyện lạ, mà lại cách biệt cả nhiều thập niên.
Trần Duy Đức nói rằng anh soạn các ca khúc có khi làm rất nhanh, như trường hợp làm bản “Nếu Có Yêu Tôi” chỉ mất khoảng 20 phút, nhưng cũng có ca khúc anh mất tới nhiều tháng, hay cả năm, vì có khi làm dở dang, là ngưng lại một thời gian.
Đức kể rằng, lúc đó nhà thơ Ngô Tịnh Yên dọn nhà, nhờ Trần Duy Đức chở giùm các tủ sách từ nhà cũng sang nhà mới. Chỗ này cần mở ngoặc, Trần Duy Đức là người tốt bụng, nên thường được bằng hữu giang hồ nhờ giúp các chuyện linh tinh. Trước đó mấy ngày, Ngô Tịnh Yên có làm bài thơ nhan đề “Dịu Dàng Nỗi Đau,” và lúc đó in ra giấy cho Đức đọc.
Vừa nhìn bài thơ xong, Đức trong khi lái xe về, chỉ lấy ý bài thơ, và thêm lời vào, để trở thành ca khúc “Nếu Có Yêu Tôi.” Đức nói, về tới nhà là ngồi xuống, lấy giấy bút ra viết, chỉ mất 20 phút là xong bản nhạc. Đó là may mắn, còn nhiều bản nhạc khác mất thời gian nhiều hơn.
Thoạt tiên, tôi biết tới Trần Duy Đức như một nhạc sĩ tốt bụng. Nơi căn nhà cũ của Đức ở đường Hazard, gần góc Harbor, từng là nơi trú ngụ của thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện, của nhà thơ Du Tử Lê... Tôi vẫn còn nhớ một vài lần, khi nhà văn Mai Thảo còn sống, bằng hữu giang hồ tới nhà Đức ngồi uống rượu là thường. Với những lần chở nhà văn Mai Thảo tới uống rượu, tôi đã quen với ngõ vào nhà Đức, kể cả những ổ gà nơi ngõ hẽm, khi gặp mùa mưa là phiền lắm.
Nhà thơ Phạm Công Thiện khi còn ở trong nhà Đức hồi thập niên 1990s, sau khi nhiều lần lắng nghe nhạc Trần Duy Đức, đã hứa là “sẽ viết một bài về nhạc Trần Duy Đức hay nhất từ trước tới giờ.” Tuy nhiên, bây giờ nhà thơ Phạm Công Thiện đã viên tịch rồi, mà chưa kịp viết gì.
Trần Duy Đức bây giờ trầm ngâm hơn thời xa xưa đó, thời bằng hữu văn nghệ cả chục người ngồi uống rượu nơi nhà Đức. Đêm “Nhạc Thính Phòng Trần Duy Đức & Bằng Hữu” vào cuối tháng 8-2011 này không phải do Trần Duy Đức tổ chức, bởi vì anh đang thời kỳ dưỡng bệnh và “không muốn phiền lòng nhiều người trong lúc anh tịnh dưỡng,” do vậy Ban Tổ Chức thực ra là bằng hữu văn nghệ quý mến rủ nhau làm. Trong nhiều bạn văn nghệ đó, có nhạc sĩ Hoàng Khai Nhan, người cùng đi học sáng tác năm xưa và là người đã chụp ảnh Trần Duy Đức, và thiết kế bích chương cho đêm nhạc.
Có thể nói gọn một lời về nhạc Trần Duy Đức hay không"
Nơi đây, xin trích lời của nhà thơ Du Tử Lê:
"Trong một bài viết năm 2003, tôi đã ghi lại (đúng vậy, gần một thập niên trước, tôi đã viết một bài về nhạc Trần Duy Đức) một số hình ảnh như sau:
“...Có lẽ những nét lạ lẫm dị thường trong Đức là do ảnh hưởng từ một tiền kiếp nào đó, theo nhận xét của một số bằng hữu. Nhà văn Lê Hà Nam, trong bài viết "Trần Duy Đức, Con Chim Đến Từ Núi Lạ Ngứa Cổ Hót Chơi" hồi năm 1992, đã ghi nhận:
"Tiếng cổ cầm Koto của người Phù Tang thời dựng nước vuốt theo từng nốt nhạc Trần Duy Đức, như sóng bạc đầu trên âm hưởng quần đảo, nghìn xưa. Phạm Công Thiện, có lần kể, một đạo sĩ Mỹ, bạn anh, từ Tây Tạng trở về, gặp Trần Duy Đức, đã buột miệng tiết lộ với anh rằng tiền kiếp Trần Duy Đức vốn là đạo sĩ của dòng tu khổ hạnh ở Kyoto. Dòng tu lâu đời nhất của xứ Thần Mặt Trời, tới nay, vẫn còn trên những đỉnh núi tuyết..."..."(hết trích)
Câu hỏi để lại nơi đây là, nhạc của Trần Duy Đức có phải lạ lẫm dị thường như ảnh hưởng từ tiền kiếp (theo lời Du Tử Lê), hay có đúng là tiếng cổ cầm Koto (theo lời Lê Hà Nam), hay là đang chờ một bài viết từ đỉnh cao núi tuyết (theo lời Phạm Công Thiện hứa)...
Xin trang trọng cùng mời tham dự Đêm Nhạc Thính Phòng Trần Duy Đức & Bằng Hữu.
GHI CHÚ:
Đêm nhạc được bảo trợ bởi Hội Ái Hữu Phố Núi Pleiku, bắt đầu từ lúc 6:30pm Chủ Nhật 28-8-2011. Xin mời tới sớm từ 6:00pm. Tại quán Emerald Bay, 5015 W Edinger Ave. Ste V., Santa Ana, California. Có góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ để cùng ôn lại những kỷ niệm với Trần Duy Đức. Ca sĩ: Anh Dũng, Như Mai, Ninh Cát Loan Châu, Hương Thơ… và những ca sĩ nổi danh đã từng hát nhạc TDĐ. Nhạc sĩ: Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An, Hoàng Khai Nhan và Trần Duy Đức... Thi Sĩ: Tô Thùy Yên, Ngô Tịnh Yên, Nguyễn Nam An… MC và Điều Hợp Chương Trình: Như Hảo, và Phan Dụy. Ban nhạc: Do nhạc sĩ Lê Ngọc đảm trách.
Vé có 3 hạng: 25$, VIP 50$, Bảo trợ 100$. Vé bán ở Tú Quỳnh (714) 531-4284, Emerald Bay Restaurant (714) 775-5161; Nguyệt Hạnh (714) 220-7091.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.