Hôm nay,  

Ký Giả Dương Phục Phỏng Vấn ĐỨC GIÁM MỤC PHAOLÔ

20/07/201100:00:00(Xem: 5145)

Ký Giả Dương Phục Phỏng Vấn ĐỨC GIÁM MỤC PHAOLÔ

NGUYỄN THÁI HỢP

Ký giả Dương Phục của đài phát thanh Radio Saigon Houston, phát đi trên làn sóng điện trung bình 900kHz từ thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, đã có cuộc phỏng vấn Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong cuộc Hội Thoại ngày 29 tháng Sáu-2011 vừa qua.

Ký giả Dương Phục: Thưa quý thính giả, trong chương trình phỏng vấn hội thoại trưa nay, mời quý thính giả theo dõi buổi hội thoại của chúng tôi với Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, là giám mục giáo phận Vinh, cũng là chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đang có mặt trong phòng vi âm. Xin kính chào Đức Giám Mục và xin Đức Cha gởi lời chào thính giả đang nghe đài ở khắp nơi.

Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Kính chào anh Dương Phục cũng như tất cả quý thính giả đài Radio Saigon.

Dương Phục: Trước hết xin được chào mừng Đức Cha đến thăm Hoa Kỳ cũng như hôm Đức Cha ghé thăm đài Saigon 900, và để dành cho đài buổi nói chuyện về tình hình nói chung ở Việt Nam cũng như một vài nhận định của Đức Cha, đối với Giáo Hội tại quê nhà cũng như Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho một vài nét về hoạt động của Giáo Phận Vinh cũng như Giáo Hội tại quê nhà, có gì đặc biệt để có thể đồng bào ở hải ngoại được biết thêm"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Kính thưa quý thính giả, giáo phận Vinh chúng tôi là một giáo phận nếu xét theo phương diện địa dư thì đứng thứ nhì sau Hưng Hóa. Nếu xét theo dân số thì giáo phận Vinh đứng hàng thứ ba sau Xuân Lộc, và giáo phận Sài Gòn. Nhưng mà chúng tôi là một giáo phận thuộc miền Trung, là một giáo phận nghèo, không những nghèo, mà hơn nữa bị nhiều hậu quả của chiến tranh. Và rồi khúc ruột miền Trung luôn luôn là nơi có rất nhiều thiên tai, lũ lụt. Người dân ở quê tôi vẫn thường nói về Nghệ Tĩnh Bình như sau:

Quê tôi gặt sỏi tìm cơm

Hết mưa thôi hạn, lại cơn bão gần!

Năm ngoái đã bị trận lụt và năm nay rất có thể cũng bị trận lụt. Thành thử ra ưu tiên của chúng tôi hôm nay là tái thiết những cơ sở bị hư hại trong chiến tranh. Và đặc biệt, ưu tiên quan trọng hơn, đó là vấn đề đào tạo nhân sự và loan báo tin mừng cho quê hương chúng tôi, đặc biệt là cho những người trong giáo phận Vinh. 

Dương Phục: Thưa Đức Cha vừa nói giáo phận Vinh thường xuyên bị những cơn bão lụt thì… Năm ngoái, có trận bão lụt gây tổn hại rất nhiều mà đồng bào khắp nơi ở hải ngoại có những cuộc quyên góp để gửi về tiếp tay với công việc tái thiết những vùng bị bão lụt. Thành phố Houston ở tiểu bang Texas này, chính anh Hoàng Xuân Lý là người đại diện cho giáo phận Vinh đứng ra lạc quyên và đài 900 cũng tiếp tay một phần nào để có một số ngân khoản tối thiểu để gửi về, cộng với nhiều nơi khác. Thế thì tình hình nạn nhân bão, tới giờ này như thế nào" Công việc tái thiết tiến tới đâu rồi ạ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng. Trước hết xin chân thành cảm ơn quý ân nhân tại Houston này, một nơi mà chúng tôi đã nhận được con số tiền ủng hộ cao nhất. Từ những cộng đoàn khác gửi về thì cộng đoàn ở Houston này với số tiền khoảng 71 ngàn Mỹ Kim, là số tiền cao nhất của các cộng đoàn ở hải ngoại gửi về. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn. Và có sự đóng góp của Saigon Radio cũng rất nhiều và nhất là sự đóng góp của Hội Ái Hữu Vinh,… cùng với anh Lý.

Dương Phục: Thưa Đức Cha, tới giờ này, những người phải di chuyển đến vùng cao để tránh bão lụt thì tình hình sinh sống như thế nào"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng. Số tiền chúng tôi thu được tất cả khoảng (nghe không rõ)… Số tiền đó chia làm nhiều cái chi khác nhau. Trước hết là những chi cấp thời cho vấn đề như là mì tôm, quần áo, rồi thức ăn, nước uống trong khi …họ bị lũ lụt. Sau đó là giúp cho họ tái thiết lại nhà cửa. Rồi sau đó thì là giúp cho người ta có giống để mà gieo lại trong cái mùa vừa rồi và trước khi mùa đến, vì nạn nhân đó đã bị hai cơn mất mùa. Cơn lụt cộng với trận mất mùa đó. Thành thử ra chúng tôi cũng đã giúp đỡ cho những nơi nghèo có gạo ăn ở mùa giáp hạt. Đặc biệt là chúng tôi nghiên cứu thấy có một số xóm luôn luôn bị lũ lụt, thành thử chúng tôi đề nghị là đưa tất cả xóm đó lên vùng cao, xây lại nhà. Cũng một số nơi xây nhà thờ. Ít ra chúng tôi làm được ba xóm như vậy trọn vẹn và một vài nơi khác thì di dời một số căn hộ lên nơi cao. Một vài nơi không có đất mà cũng không có nơi cao để mà có thể di dời thì chúng tôi đã xây những ngôi nhà vượt lũ tập thể. Những ngôi nhà đó trong bình thường có thể làm sinh hoạt ccộng đồng hay sinh hoạt giáo xứ, nhưng khi mùa mưa đến thì sẽ dùng cho dân trú ngụ trên ngôi nhà đó. Chính vì vậy phải thiết kế làm sao trong ngôi nhà đó vài ba ngày có thể sinh hoạt 200 người, 150 người; vấn đề vệ sinh, vấn đề ăn uống, và có chỗ cho thuyền cập bến.

Dương Phục: Thưa Đức Cha, miền Trung thì thường xuyên bị bão lụt gần như quanh năm, bên này cũng nhận được tin đều đặn. Và đây là bản tin mới nhất, mới nhận được sáng nay, có ghi nhận có một trận bão đánh vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đây là bản tin chính thức của thông tấn xã của nhà cầm quyền, thông tấn xã Việt Nam nói là có 27 người chết và mất tích vì cơn bão số 2 này và bây giờ đương có phòng chống bão lụt ở một số các tỉnh Yên Báy, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa; 60 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà hư hỏng, hàng chục ngàn hecta hoa màu ngập úng. Đó là tình hình từ tỉnh Thanh Hóa đến Nghệ An hiện nay cũng đương có mưa lớn lắm. Nhận thấy tình hình ở miền Trung, năm nào đồng bào chúng ta cũng quá khốn khổ đi. Vấn đề không những là tái thiết những nơi đã bị sụp đổ mà bây giờ còn phòng những trận bão sắp tới nữa. Về phía chính quyền Việt Nam, với những trận bão đó thì họ có mở những cuộc cứu trợ gì đặc biệt tới những vùng bão lụt không"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Trên nguyên tắc và theo tuyên bố thì có rất nhiều. Nhưng mà, theo như tôi biết thì hầu như số tiền hay là số thực phẩm đến tận tay người dân thì rất ít. Nhưng mà vấn đề quan trọng hơn ở đây được đặt ra là tại sao bây giờ mỗi lần lụt thì có lũ quét, mà lũ quét đến sớm như vậy. Vấn đề nó nằm ở thiên tai cộng với nhân tai. Nhân tai ở đây là những rừng đầu nguồn bị chặt hết cây. Thành thử ra không còn giữ nước. Khi mà mưa lớn đến là đương nhiên lũ quét đến. Rồi nhân tai ở đây cũng do những cái đập được xây trên những con sông không đúng quy cách. Đáng lẽ ra những đập xây đúng thì không những đập giữ nước mà là đập cắt lũ. Nhưng mà đập đó làm không đúng kế hoạch. Chính vì vậy nó không cắt được lũ mà lại khi lũ đến thì đập đó lại xả thêm nước. Thành thử ra, thiên tai cộng với nhân tai đã đưa đến những kết quả rất thê thảm.

Dương Phục: Cám ơn Đức Cha đã cho biết như vậy. Người ta hay nói, thiên tai thì mình cứ cầu nguyện chứ còn biết làm sao ngăn chặn những thiên tai bão tố hàng năm, như những trận động đất trên thế giới, trận sóng thần bên Nhật Bản, người ta không biết làm sao. Nhưng mà, nhân tai, thì mình có thể phòng ngừa được chứ ạ" Chẳng hạn như có những vụ chặt rừng như vậy thì Giáo Hội có thể lên tiếng. Nhân tiện, xin Cha cho biết giữa Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với nhà cầm quyền Việt Nam, có đối thoại không"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Đối thoại chính thức thì thỉnh thoảng mỗi năm khi mà họp ở Hà Nội, thì Ban Thường Vụ cũng đi gặp những cơ quan, lãnh đạo cùa nhà nước. Rồi một vài lần cũng gửi những văn thư. Nhưng mà, được trả lời thì rất ít. Vì ngay cả những chuyện Bauxite hay là những chuyện như là khai thác khoáng sản ở Việt Nam hay chuyện cho thuê rừng thì không những người Công Giáo và các viên chức của Giáo Hội. Trong đó tôi cũng có ký tên một số bản kiến nghị và có rất nhiều người như là đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi bà Nguyễn Thị Bình cũng ký. Nhưng mà chưa thấy hay là chưa nhận được những thư trả lời cho những kiến nghị đó. Riêng Hội Đồng Giám Mục từ trước tới nay, tôi chỉ là thành viên mới thôi, trước đây nhiều lần đã gửi những kiến nghị, những văn bản, cho đến hôm nay, một vài lần nhận được trả lời bằng miệng nhưng văn bản trả lời chính thức thì chưa thấy. Đó cũng là cách làm việc ở Việt Nam, hình như vậy.

Dương Phục: Thưa Đức Cha, ngoài việc giữ nhiệm vụ là giám mục của giáo phận Vinh, còn là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục thì, Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình làm gì ạ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Ủy ban Công Lý & Hòa Bình ở Việt Nam cũng là một văn phòng trực thuộc Hội Đồng Công Lý & Hòa Bình của Giáo Hội ở tại Vatican. Chúng tôi cũng theo đường hướng đó. Tức là phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo, đưa ra một cái nhìn của Giáo Hội mang chiều kích xã hội, kinh tế, chính trị. Trong đó nói nhiều đến nhân phẩm, nhân quyền, đến quyền làm người; nói nhiều đến quan điểm đạo đức về kinh tế; nói nhiều đến vai trò phục vụ của chính trị và của các chính phủ. Mục đích chính là nằm ở đó. Nhưng mà, vì Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình của Giáo Hội Việt Nam mới thành lập và khi thành lập xong thì có một vài sự kiện xảy ra cấp thời. Chẳng hạn như vụ Cồn Dầu rồi sau đó đến vụ ở Sóc Trăng. Thành thử chúng tôi phải ra một hai cái bức thư ngỏ về vấn đề Cồn Dầu rồi vấn đề Sóc Trăng. Chúng tôi cũng đi quan sát một số nơi mà đất đai của Giáo Hội đang bị chiếm giữ mà chưa được trả lại. Thành thử người ta vô tình đồng hóa Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình với Ủy Ban Đòi Đất. Mà thực sự ra không phải vậy. Vấn đề nó rộng hơn. Nó là phổ biến cả một quan niệm về xã hội, một quan niệm về con người, một cái nhìn về kinh tế và chính trị.

Dương Phục: Như Đức Cha nói, mục đích là lên tiếng vấn đề nhân quyền, nhân phẩm chứ không phải đi đòi đất đai. Nhưng mà những vụ tranh chấp về đất đai nó lại liên quan phần nào đến vấn đề nhân quyền. Thí dụ như vụ Cồn Dầu, ở hải ngoại cũng đọc được bức thư Đức Cha lên tiếng với tư cách là chủ tịch Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình. Về vụ Cồn Dầu như Đức Cha đã biết là bây giờ chưa giải quyết được điều gì. Có một số đồng bào ở Cồn Dầu đã chạy ra khỏi nước, sang bên Thái Lan. Bây giờ ngay tại Houston đây, cộng đồng Công Giáo người Việt tại Houston cùng Cha Vũ Thành vừa làm một cuộc gây quỹ để giúp số phận long đong của đồng bào Cồn Dầu ta đương lánh nạn bên Thái Lan. Thưa Đức Cha, những vụ tranh chấp về đất đai, thí dụ như vụ gay go liên quan đến Đức Cha Ngô Quang Kiệt trước đây là vụ tranh chấp đất ở Tòa Khâm Sứ, hay là vụ Tam Tòa, vụ Thái Hà. Quan điểm của Cha như thế nào về những vụ này"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Tôi thấy phải nhìn vấn đề rộng hơn. Tức là phải yêu cầu sửa lại luật đất đai. Chính cái luật đất đai đó gây rất nhiều vụ khiếu kiện ở Việt Nam mà những vụ khiếu kiện đó thì ở xã hội dân sự có rất nhiều người "bà mẹ anh hùng" cũng đến xếp hàng rồi biểu tình trước những phòng tiếp dân của chính phủ. Vấn đề đất đai của Giáo Hội chỉ là một phần nhỏ. Và chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu quốc hội cũng như cơ quan thẩm quyền phải tu chỉnh lại cái luật đất đai. Vì trong cái luật đất đai có nhiều điểm là không thích hợp với thời đại, không thích hợp với nền kinh tế thị trường; cũng như không thích hợp với công bằng xã hội. Nhất là, đó là một trong các nguồn chính tạo nên tham nhũng, tạo nên lạm quyền ở Việt Nam bây giờ. Vì trên nguyên tắc đất đai thuộc về nhân dân nhưng do nhà nước quản trị. Cái đó là nhà nước quyết định. Nhân dân chỉ có cái tiếng là đất đai thuộc về nhân dân nhưng mà nhà nước quản trị; nhân dân có quyền gì trong đó" Hơn nữa, bây giờ Việt Nam đang đi vào thị trường chung; đang đi vào Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế; đang dần dần để hội nhập với dòng chảy chung của nhân loại thì luật lệ; đặc biệt là luật về đất đai cũng nên làm sao tu chính lại cho hợp với đà tiến của nhân loại.

Dương Phục: Hồi nãy, Đức Cha vừa nói một trong những mục đích của Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình là lên tiếng về nhân quyền, nhân phẩm của con người, cũng có liên quan đến các vấn đề chính trị nữa. Giáo Hội có cho phép các linh mục hoạt động chính trị không" Vừa rồi có một số linh mục ra tranh cử, sự kiện ấy như thế nào ạ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Theo Bộ Giáo Luật thì linh mục và tu sĩ không được hoạt động chính trị. Nghĩa là không được gia nhập các đảng phái chính trị và cũng không được đảm nhận một chức vụ trong cơ quan chính quyền. Khi có lý do đặc biệt thì phải có phép chính thức của đầng bản quyền, tức là Giám Mục sở tại. Chính vì vậy, có lẽ có vài nơi, Giám Mục sở tại đã cho phép một cách minh nhiên hay ngấm ngầm. Đa số các phép đó không phải bây giờ mà là sau 75. Khi sau 75 thì Giáo Hội cũng như tất cả những người còn lại ở miền Nam, theo như tôi biết, lúc đó tôi ở ngoài Việt Nam, coi như là ở trong cái thế khác và hình như là bị áp đặt rất nhiều. Chính vì vậy, Giáo Hội Công Giáo cũng bị áp đặt như vậy. Trong mấy năm gần đây đã có một số suy nghĩ khác hơn - lúc này Việt Nam bắt đầu có những tương quan rõ rệt hơn với Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Giám Mục cũng như các Giám Mục đã đối thoại trực tiếp với một số cơ quan chính quyền. Chính vì vậy, có một số ý kiến đề nghị, đã đến lúc Giáo Hội cũng nên áp dụng cái khoản luật của Vatican về vấn đề linh mục và tu sĩ không nên tham gia các cơ quan chính quyền cũng như không nên ra ứng cử quốc hội hoặc là thành phố.

Dương Phục: Thưa Đức Cha, Đức Cha là người đã đi ra khỏi nước từ trước năm 1975, từ năm 72 phải không ạ" Đức Cha sống ở nước ngoài một thời gian rất lâu 7, 8, 9 năm gì đó ở Âu châu phải không ạ" Sau đó mới về nước. Có thể nói Đức Cha là một trong những Giám Mục đầu tiên mà không phải là người sống liên tục ở trong nước sau năm 75. Hiện tượng này có nói lên được điều gì không ạ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng. Tôi đi ra ngoại quốc từ năm 1972. Sau đó, từ năm 80 cho đến năm 95 thì tôi hoạt động ở Mỹ Châu La Tinh. Rồi sau đó, từ năm 95 đến năm 2003 thì tôi dạy học ở Roma. Từ năm 2003 thì tôi trở lại Việt Nam. Chính vì vậy, đây là trường hợp đầu tiên, nhưng tôi cũng là một trường hợp đặc biệt là mặc dù tôi đi từ năm 1972 nhưng mà tôi vẫn luôn luôn giữ quốc tịch Việt Nam, chưa đổi một quốc tịch nào khác. Có lẽ vì thời gian hoạt động của tôi ở quá nhiều nước, cũng không tiện. Tôi vẫn chưa thấy lý do để từ bỏ quốc tịch Việt Nam, và cũng chính vì vậy, có lẽ như người ta nói tôi là một Giám Mục đầu tiên và như anh Dương Phục vừa nói, không sống thường xuyên ở Việt Nam mà là một Giám Mục ở nước ngoài trở về. Có lẽ chính vì vậy, cái thời gian tôi được bổ nhiệm thì cái thời gian đó cũng mất phải hơn hai năm, cuối cùng mới đi đến cái công bố.

Dương Phục: Thưa Đức Cha, trong đời sống của một tu sĩ, của một vị cai quản một giáo phận, cái điều gì làm cho Đức Cha vui nhất và có điều gì làm cho Đức Cha không vui nhất" Nếu cần phải thay đổi, thì đó là cái gì"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Có nhiều cái muốn thay đổi. Nhưng mà lúc đầu tôi cũng thấy là cần phải thay đổi, thay đổi nhanh. Nhưng mà sau đó thì tôi nghĩ là tôi phải an vui, là chấp nhận cái giới hạn và cũng thay đổi từ từ. Vì thay đổi bây giờ là phải thay đổi nhân sự trước. Thay đổi từ lối nghĩ, từ tầm nhìn trước. Và hơn nữa thì theo quan điểm của Vatican II thì chúng tôi phải đối thoại. Đối thoại với các linh mục; đối thoại với giáo dân; và đối thoại cả với nhà cầm quyền nữa, thì mới có thể thay đổi được. Vì chúng tôi sống trong một cái đất nước khác với Hoa Kỳ này. Và ngay cả tại Hoa Kỳ này, có nhiều cái cũng phải đối thoại mới thay đổi được. Tôi nghĩ rằng, vấn đề quan trọng nhất, đối với đất nước cũng như đối với Giáo Phận Vinh chúng tôi, đó là vấn đề nhân sự; đối với đào tạo con người. Chính vì vậy, tôi rất băn khoăn về vấn đề giáo dục ở Việt Nam. Vì tôi thấy rằng, có lẽ chưa bao giờ cái nền giáo dục của mình xuống thấp một cách thê thảm như vậy. Mặc dù trong những năm sau cùng này, Việt Nam đã chi nhiều hơn cho giáo dục.

Dương Phục: Cha nói xuống thấp là trình độ giáo huấn xuống thấp hay là số trẻ em đến trường chẳng hạn, con số xuống dốc"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Không. Con số các em đến trường ngày càng tăng cao. Nhưng mà chất lượng giáo dục, cái thành quả giáo dục và cái chương trình giáo dục. Cái đó xuống thấp. Mặc dù nhà nước đã cố gắng để nâng cao con số các em đến trường. Khi nói về vấn đề giáo dục thì có lẽ phải chờ đến một cuộc phỏng vấn khác mới có thể bàn thảo lâu được. Nhưng mà tôi nghĩ rằng, để mà chuyển đổi giáo dục thì nó cả là hệ thống, cả một cơ cấu. Hệ thống chính trị là vòng lớn, giáo dục chỉ là cái vòng con. Chính vì vậy, nếu mà triệt để tỷ như một số người nói thì phải thay đổi cả cái cơ chế chính trị rồi mới nghĩ đến vấn đề thay đổi cái hệ thống giáo dục. Vì hệ thống giáo dục lệ thuộc vào cơ chế chính trị. Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, mặc dầu cái hệ thống lớn chưa thay đổi được, nhưng mà làm khá hệ thống con thì những người học sinh, những người đang lệ thuộc hệ thống giáo dục cũng bớt tác hại hơn. Chẳng hạn, có thể đưa ra một triết lý giáo dục khác. Chúng ta giáo dục để làm gì" Đâu là con người mới mà chúng ta muốn giáo dục và giáo dục đó để đào tạo con người hay để chạy theo thành tích. Và cái điểm đó mang giá trị gì" Mang giá trị thành tích hay cái điểm đó chỉ nói lên khả năng của các con em. Thành thử ra tôi nghĩ rằng, có lẽ là đến lúc vì tương lai của đất nước nên nghĩ đến cải tổ giáo dục. Cải tổ giáo dục một cách sâu rộng chứ không thể làm như hiện tại cứ mấy năm lại cải tổ một lần, lại in lại sách giáo khoa. Nếu in lại sách giáo khoa nhưng mà chưa đổi triết lý giáo dục, chưa đổi cái định hướng giáo dục thì lúc đó, tôi nghĩ rằng chỉ tốn tiền mà không ăn thua gì.

Dương Phục: Thưa Đức Cha, Đức Cha là thành viên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bình thường hoạt động như thế nào. Các Ngài họp lại với nhau một năm một lần, hoặc bao lâu đó một lần, để quyết định cái đường lối, đường hướng, cách đi, hoặc là có khi có cái phản ứng trong cái tình trạng căng thẳng nào đó. Có phải vậy không" Thật sự bổn phận của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là gì đối với Giáo Hội Việt Nam"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng, cám ơn anh vì câu hỏi rất ý nghĩa, là một câu hỏi có lẽ một số người cũng đang muốn tìm hiểu. Thì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước đây, sau năm 1975, cho đến năm 80 hầu như là không họp được. Năm 1980, lần đầu tiên mới có cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cả Nam và cả Bắc. Mặc dầu trên nguyên tắc, trên lý thuyết, thì hàng giáo phẩm Việt Nam đã được thành lập từ năm 1960, nhưng mà lúc đó, dưới thời chiến tranh và mãi đến năm 1980 mới có cuộc họp đầu tiên. Và trong cuộc họp đó thì cũng chỉ có 3, 4 tiểu ban thôi. Rồi sau đó, cũng không phải là mỗi năm đều được họp, vì lệ thuộc vào cái tương quan có xin "được phép" hay không!

May mắn là trong thập niên cuối cùng, thì mỗi năm đã họp 2 lần. Một lần vào sau Phục Sinh, và một lần vào Tháng Mười. Thì mỗi cuộc họp như vậy có những chủ đề, và thời giờ hình như là để hết cho vấn đề đọc tài liệu, và thảo luận về những bản văn, những công bố. Có lẽ chính vì vậy mà chưa có giờ để mà nghiên cứu hay trả lời, hay đáp ứng lại thách đố cụ thể của thời đại. Có lẽ điều đó phần nào lệ thuộc vào cách làm việc. Hầu như vẫn là theo cách làm việc ở thời bao cấp, có Ban Thường Vụ, nhưng mà Ban Thường Vụ nhiều khi cũng không họp thường xuyên.

Rồi văn phòng của Hội Đồng Giám Mục ở một nơi, mà chủ tịch lại ở nơi khác. Rồi chưa có đủ nhân sự làm việc toàn thời gian. Chính vì vậy, có lẽ một số người nghĩ rằng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chưa đáp ứng được cái nhu cầu của xã hội, của giáo hội, cũng như của cộng đồng Dân Chúa.

Dương Phục: Thưa với Đức Cha, có thể là vì như thế, mà đôi khi có một số những giáo dân cấp tiến, ngay ở trong hàng ngũ linh mục, thì đôi khi có những quan niệm cho rằng Hội Đồng Giám Mục im lặng nhiều quá" Có những cái mà người ta nghĩ rằng lẽ ra phải lên tiếng, mà không lên tiếng, có tính cách hơi thụ động quá" Không biết là cái quan niệm đó có đúng vào trường hợp Đức Cha giải thích không"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Có lẽ quan điểm đó cũng đúng một phần. Trước một sự kiện, chúng ta có thể đưa ra nhiều cách trả lời. Nhưng mà chúng ta cũng có thể nhìn một cách khác. Theo tôi nghĩ rằng cái cách làm việc, cách hành động của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bây giờ vẫn là theo cái cách từ trước kia thời bao cấp. Trong giai đoạn đó thì chúng ta thấy rất là rõ rệt. Một phe là chống, một phe là theo. Và chúng ta thấy là nó không có đối thoại mà là "đối thụi", hay là theo. Và một bên thì đối thụi, nhiều khi lúc đầu bằng vũ lực, bằng bom đạn, sau đó thì bằng lời nói, bằng những tuyên ngôn rất là gắt gao. Nhưng mà một bên khác thì mình ở trong thế yếu, mình phải chấp nhận và cố gắng làm sao trong bối cảnh đó, giữa những áp lực đó, mình vẫn có thể làm việc được, và giáo dân vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt tôn giáo.

Cái giai đoạn đó kéo dài, từ khi Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị và sau đó, Đức Giáo Hoàng Biển Đức Thứ 16 đưa ra quan niệm là "đối thoại thẳng thắn, cộng tác chân thành". Thì lúc đó, đặt một cái cầu ở giữa, đòi hỏi những người ngày xưa đối thụi cũng phải cộng tác. Những người ngày xưa vẫn cộng tác một cách âm thầm, chỉ có im lặng mà làm, thì bây giờ cũng phải lên tiếng. Chính vì vậy, cái "yếu tố mới" này nó nằm ở đó. Và có lẽ một số người chưa có cơ hội để mà thích ứng với hoàn cảnh mới, thì tôi nghĩ rằng trong tương lai, có lẽ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải lên tiếng nhiều hơn.

Và để lên tiếng được nhiều hơn như vậy, trong Hội Đồng Giám Mục cũng đã được nhiều lần đề nghị, mà không hiểu tại sao vẫn chưa thi hành được, đó là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cần có một phát ngôn viên chính thức, để có thể nói lên tiếng nói chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về một số sự kiện. Rồi cũng có thể nên có những thông cáo, hay là những bản văn, để lên tiếng về một số những tình , một số sự kiện mà như một số Hội Đồng Giám Mục khác vẫn làm.

Tôi nghĩ rằng trong tương lai, thế nào rồi cũng đến đó. Và cũng phải hiểu hoàn cảnh làm việc của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam rất là khó khăn. Hiện thời vẫn chưa có trung tâm, bây giờ mới bắt đầu xây Trung Tâm Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đó là cơ sở. Chưa có cơ sở. Các tiểu bang vẫn đầy hoạt động lẻ tẻ ở nhiều nơi khác nhau.

Dương Phục: Như vậy có thể nói là trấn an những giáo dân nào sốt ruột quá đó thì thôi, nói như Đức Cha thì thôi hãy cứ chờ đi phải không ạ, thế nào rồi cũng sẽ có đường hướng thay đổi, phải không ạ.

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng.

Dương Phục: Bây giờ xin phép Đức Cha cho chuyển qua một đề tài nữa, có tính cách thời sự hơi nóng hiện nay, đó là vấn đề Trung Cộng. Trung Cộng với Việt Nam gay cấn lắm. Bộ ngoại giao Trung Cộng. rồi bên bộ ngoại giao Việt Nam có những lời đối đáp đấu khẩu đe dọa về phía Trung Cộng. Có thể tiến tới đụng độ quân sự trên vùng Biển Đông. Những cuộc biểu tình liên tiếp trong 4 tuần qua, từ ngày 12.5 đến Chủ Nhật sắp tới mùng 3 tháng 7 nghe nói là vẫn đương dồn dập lắm, để chuẩn bị biểu tình. Thế thì Đức Cha nghĩ sao về những sự kiện này"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn văn Bình của chúng tôi là một câu lạc bộ quy tụ một số anh em trí thức Công giáo và làm việc chung với những trí thức không Công giáo, trí thức cựu cộng sản hay cộng sản. Câu lạc bộ của chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc tọa đàm, về vấn đề giáo dục, vấn đề xã hội, vấn đề chính trị, vấn đề giáo hội.

Và trong các cuộc toạ đàm đó, năm 2009, chúng tôi tổ chức cuộc toạ đàm đầu tiên công khai ở Việt Nam, là Biển Đông và Hải Đảo ở Việt Nam. Khi tổ chức cuộc toạ đàm đó, thì cuộc toạ đàm trở thành một điều mà chúng tôi gọi là một đề tài nhạy cảm. Và lúc đó, hầu như không được nhà nước công nhận. Gây rất nhiều khó khăn. Thành ra có một số diễn giả là dân biểu, giáo sư hiện thời đương chức, công nhân viên đương chức của nhà nước bị áp lực rút lui khỏi cuộc toạ đàm đó.

Bản thân tôi rất nhiều lần, 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, bị gọi điện thoại đánh thức dậy để yêu cầu phải chấm dứt cuộc toạ đàm đó, yêu cầu lên gặp cơ quan hữu trách để mà thảo luận về cuộc toạ đàm đó. Cuối cùng chúng tôi vẫn làm. Vẫn làm. Và sau đó, thì chính cơ quan hữu trách của nhà nước đề nghị in tài liệu của cuộc toạ đàm đó. Đã in rồi. Đã in thành cuốn sách mà rất tiếc tôi không có đưa tới đây. Gọi là "Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam", do nhà xuất bản Tri Thức.

Sau đó, lại có một tổ chức khác bỏ ra để dịch ra tiếng Anh. Thì bản tiếng Anh cũng sắp được in. Trong cuộc toạ đàm đó, có một người hỏi tôi: lâu nay, thưa linh mục, có tàu lạ hay đến biên giới Việt Nam, "tàu lạ" đánh phá các tàu Việt Nam, và linh mục có biết tàu lạ đó là tàu gì không" Tôi nói là tôi là một người thường, làm sao biết chuyện đó. Câu hỏi đó đáng lẽ ra phải hỏi bộ đội biên phòng, hay là công an. Nhưng mà vì ông đã hỏi thì tôi cũng xin trả lời. Tôi nghĩ tàu lạ hay tàu quen, tàu to hay tàu nhỏ, tàu mới hay tàu cũ đều là tàu cả. Và hôm nay, tất cả mọi người đều biết những chiếc tàu đó là tàu cuả Trung Quốc, không phải tàu lạ nữa.

Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm một cuộc toạ đàm mới về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 9 tới. Và hiện thời, mới đây, trước đây thôi, cách đây mấy ngày, một số thành viên trong câu lạc bộ của chúng tôi cùng một số nhân sĩ đã ra một tuyên cáo về chủ quyền Việt Nam. Chắc chắn là đã đến tay anh Dương Phục, là vì tôi khi tôi ra nước ngoài, họ cũng có gọi sang đây hỏi tôi có đồng ý ý không, thì tôi đã cho thêm tên tôi vào đó. Tôi đồng ý ký vào bản văn đó.

Đối với chúng tôi thì như thế này, đối với tương lai của dân tộc, và theo Công Pháp Quốc Tế về Luật Biển, năm 1982, thì không thể chấp nhận "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc chủ trương. Vì khi Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò, cái đường chín khúc đó, thì coi như trắng trợn xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam và của nhiều nước như Phi Luật Tân, Brunei. Cái đường đó kéo tận xuống tới Brunei, Indonesia.

Chính vì vậy, có lẽ đây là lúc mà tất cả mọi người Việt Nam, bất phân tôn giáo, bất phân chính kiến, ở trong cũng như ngoài, theo truyền thống của dân tộc, phải can đảm đứng lên để tranh đấu cho sự sống còn của Đất Nước. Vì trong thời đại hôm nay, Đất Nước Việt Nam không phải chỉ từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, cũng không chỉ giáp Trung Quốc Lào và Campuchia. Đất Nước Việt Nam bây giờ phải vươn ra Biển Đông, mà theo Công Pháp Quốc Tế, nếu tính thêm lãnh hải nữa, thì Đất Nước chúng ta gấp 3 lần diện tích ngày xưa. Đó là tương lai, đó là cửa mở ra thế giới bên ngoài.

Chính vì vậy, chúng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên là tại sao, nhà nước tỏ ra thiếu nhât quán. Nhà nước vẫn hô hào là bảo vệ lãnh thổ, phải tranh đấu để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, thì đáng lẽ ra đây là lúc nhà nước phải kêu gọi, thúc đẩy nhân dân đoàn kết. Tổ tiên chúng ta ngày xưa nhờ sức mạnh của nhân dân mà đã đánh thắng được những giặc ngoại xâm, lớn hơn và mạnh hơn chúng ta rất nhiều!

Trong cuộc chiến hôm nay, tôi nghĩ rằng không những cần đến sự đoàn kết của người Việt. Hơn nữa, trong thời đại này, phải cần đến sự hỗ trợ của quốc tế, của tất cả các nước ở vùng Đông Nam Á. Chính vì vậy, không thể hiểu được là nhà nước vẫn chủ trương là đối thoại song phương với Trung Quốc. Trong nước, có lẽ chúng tôi không tin ở những lời hứa đẹp đẽ, "mười sáu chữ vàng" với "tình hữu nghị" đó. Vì có quá nhiều kinh nghiệm cho thấy đó chỉ là những lời hứa hão.

Chính vì vậy, cần phải đoàn kết nhiều hơn với các dân tộc ở Đông Nam Á, rồi các cường quốc nữa, như là Ý, Nga, Pháp, Nhật, Đức là những nước có chung một quan niệm

để xây dựng một thế giới khác hơn, huynh đệ hơn. Cũng có những nước vì lợi ích kinh tế nào đó trên Biển Đông. Chứ không thể chấp nhận biến Biển Đông thành cái ao nhà của Trung Quốc. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là lúc cần hô hào, để cho nhân dân

trong nước cũng như ngoài nước nói lên cái quan điểm của mình, nói lên tấm lòng của mình đối với Đất Nước, bằng những phương tiện hoà bình, bằng những phương tiện ôn hòa. Nhất là trên mạng hay biểu tình, bằng những phương tiện ôn hòa.

Dương Phục: Rất là chân thành cám ơn Đức Cha đã cho một quan điểm rất là thẳng thắn về vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, đương sôi sục ở Việt Nam, cũng như trong sinh hoạt của cộng đồng ở hải ngoại. Rất nhiều người cũng thắc mắc là lẽ ra cộng sản Việt Nam phải khuyến khích những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, chứ sao họ lại đàn áp, lại dẹp những cuộc biểu tình ở Hà Nội SàiGòn trong suốt 4 tuần qua. Thưa Đức Cha, trước đây thì Đức Cha cũng đã từng lên tiếng, từng ký tên vào những thỉnh nguyện thư về vấn đề bauxite ở Việt Nam, về vấn đề tuyên ngôn Hoàng Sa Trường Sa. Và việc bênh vực cho luật sư Cù Huy Hà Vũ nữa đó. Thì Đức Cha có bị phiền hà về những điều này không"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Lúc mà tôi còn là linh mục, thì một vài lần bị gọi điện thoại ban đêm, có phiền hà. Nhưng mà đối với một Giám mục thì cũng được các nhân viên cao cấp đến thảo luận, đến gặp, và nhiều khi đưa quà đến biếu. Rồi gặp, thảo luận, yêu cầu là "xin lưu ý", "xin hiểu cho tình hình Việt Nam" . Chẳng hạn như trong lễ ra mắt của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình. Trong lễ ra mắt đó, không những là vấn đề phát biểu và quan điểm về Công Lý và hoà bình, mà lại có một vài người được mời để mà phát biểu có lẽ tên những người đó không phải vào thành phần "dễ thương". Thì cũng được đề nghị là nên bỏ tên những người đó.

Thì chúng tôi cũng trả lời thẳng thắn. Chúng tôi có đưa bản văn. Nếu bản văn đó có gì không đồng ý thì góp ý, thì xin cho chúng tôi biết. Chứ còn chúng tôi không thể đương nhiên tiên thiên loại trừ một ai! Khi mà không đưa ra quan điểm nào là quan điểm của họ, cái gì phản động hay là không phải. Cho đến hôm nay thì chúng tôi cũng bị rất nhiều áp lực, áp lực xa áp lực gần. Nhưng mà theo lương tâm cũng như theo sứ vụ của chúng tôi, thì chúng tôi cũng cố gắng. Không biết đến bao giờ và được đến đâu, thì cái chuyện đó cũng không ai dám nói mạnh.

Dương Phục: Vâng, hồi nãy Đức Cha có nhắc đến hoạt động của câu lạc bộ Nguyễn văn Bình, thì thưa quý thính giả, chúng tôi đang có ở trên tay một cuốn sách mới của Đức Cha là Việt Nam Quê Hương Mến Yêu của Giáo Hội. Mà chúng tôi cũng thấy ở trong trang cuối thì cũng có giới thiệu một loạt các tác phẩm khác của Đức Cha, viết về nhiều lãnh vực khác nhau, về thần học cũng như liên quan tới đời sống con người. Sách về Quê Hương cũng như những sách có tính cách nghiên cứu, như những học giả, nghiên cứu sâu về những đề tài khác nhau. Kể cả cuốn về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam nữa. Thì bình thường trong đời sống hàng ngày của Đức Cha, thì thì giờ của Đức Cha như thế nào" Chắc Đức Cha cũng tốn nhiều thì giờ để đọc sách, cũng như để viết sách có phải không ạ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Ngày xửa ngày xưa đó, khi tôi nói ngày xửa ngày xưa thì có vẻ lâu, nhưng cách đây vài tháng, khi tôi chưa đảm nhận chức vụ Giám Mục thì tôi có rất nhiều giờ để đọc sách. Đó là giai đoạn rất vui khi tôi đi dạy học, đi thuyết trình, dạy học ở các Đại Chủng Viện, các trung tâm thần học liên Dòng. Cũng như một vài đại học ở nhà nước. Và cũng thường xuyên đi tham dự các cuộc hội thảo quốc tế. Thì rất là vui. Và tôi thường làm bạn với sách. Cũng có được một thư viện nho nhỏ. Nhưng mà từ 10 tháng nay thì thì giờ đọc sách rất là ít.

Dương Phục: Từ khi đảm nhiệm chức vụ Giám Mục làm cho Đức Cha bận lắm hay sao ạ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng

Dương Phục: Bận tiếp khách, hay là bận lo nhiều giáo xứ khác nhau" Có những rắc rối trong từng giáo xứ" Hay là vấn đề gì đụng chạm đến chính quyền địa phương"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Không, không đụng chạm nhiều. Nhưng mà vì giáo phận quá rộng. 3 tỉnh.

Dương Phục: 3 tỉnh"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng.

Dương Phục: Tỉnh gì ạ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Thành ra nếu đi mục vụ trong tỉnh Quảng Bình là tôi mắc bận cả ngày. Tôi đi 6 tiếng, tôi về 6 tiếng nữa. Đi rất là sớm, 3 giờ 4 giờ sáng đi rồi. Lúc về thì đã khuya rồi. Có khi cũng mệt, cũng phải tiếp khách. Tôi lúc đầu cũng lý tưởng, tôi tưởng như ở bên đây, mỗi tuần tôi lấy một ngày "off", tôi lên chương trình là ngày thứ tư. Nhưng từ đấy đến nay, tôi chưa lấy được ngày thứ tư nào.

Dương Phục: không có day-off

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: (cười) Nhưng mà có những ngày đáng lẽ tôi đi mục vụ, mà tôi không đi, tôi đọc sách, tôi viết. Nhưng mà cũng không được nhiều. Lúc đầu tôi có ảo tưởng rằng, tôi đi trên xe thì tôi đọc sách, nhưng con đường Việt Nam nó không được bằng phẳng như bên này, thành ra chỉ đọc được nữa tiếng rồi sau đó phải bỏ. Vì xe nó cứ nhồi lên nhồi xuống, mắt của tôi không thích ứng được. Thành ra, sau khi đọc sách được ít lâu, được nữa tiếng, thì mắt nó mỏi. Không hiểu là có vị nào mắt khá hơn. Chẳng hạn như tôi đi phicơ thì tôi đọc được mấy tiếng liền, nhưng mà đi xe thì đọc được nữa tiếng là cùng. Thành ra thời giờ của chúng tôi rất là eo hẹp. Nhưng mà thỉnh thoảng, tôi cũng tốn hai ba ngày đi đâu đó đọc sách.

Dương Phục: Hóa ra làm việc quá nhiều, phải bớt thì giờ đọc sách đi phải không ạ.

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng.

Dương Phục: Thưa Đức Cha, chuyến đi Hoa Kỳ này, Đức Cha đi nhiều nơi, từ California, Texas, rồi Đức Cha lại sắp sửa đi Virginia, và nhiều nơi khác nữa. Tiếp xúc với khắp nơi như vậy, Đức Cha có cái nhìn như thế nào đối với đồng bào Công giáo ở hải ngoại" Có nhiều người nói là đi ra nước ngoài như Hoa Kỳ, bị hội nhập vào xã hội tân tiến lôi cuốn, trong đời sống máy móc hàng ngày, cho nên, vấn đề Đức Tin giảm đi, so với đồng bào Việt Nam. Nhất là giới trẻ, thế hệ thứ hai ở đây nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, ít đi nhà thờ hơn là những thanh niên ở Việt Nam. Cha có đồng ý điều đó không" Có thấy cái sự nào, Đức Cha có đôi lời khuyến cáo"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: (cười) Tôi đâu có dám múa rìu qua mắt thợ. Chỉ là khách đến đây thôi. Nhưng mà chính vì vậy, đâu có dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng mà tôi nghĩ, ngay cả ở Vinh của chúng tôi, tôi cũng đã thường thường suy nghĩ như thế này. Ngày xửa ngày xưa, lúc mà người giáo dân ở trong một xứ đạo khép kín, thì giáo lý, hình thức sống đạo của chúng ta dạy cho con người giữ đạo thôi. Giữ đạo, tức là theo kinh này, nghi lễ này, phép tắc này. Giữ được như vậy thì nhiều khi coi là người giáo hữu tốt.

Nhưng mà rồi người Công giáo Vinh hôm nay đã bắt đầu đi nơi khác, di dân vào SàiGòn, đi sang nước khác. Thì nếu mà tiếp tục đường hướng đó, thì không giúp cho họ sống được Niềm Tin Kitô Giáo trong cái nơi mới. Thành thử ra, đến lúc mục vụ phải đổi, hình thức là giúp họ sống đạo, chứ không phải giữ lại kiểu mẫu nào. Mà làm sao họ ý thức được đâu là các điểm căn bản của Kitô giáo, để họ có khả năng đáp ứng được với môi trường mới. Lý thuyết là vậy.

Nhưng mà bây giờ thực hành làm sao, thì đòi hỏi một số thời gian. Vì ngay cả người truyền đạt cái đó, chưa có ý thức, hay chưa có xác tín, hay chưa hiểu rõ. Chính vì vậy, chúng tôi bây giờ đang ở giai đoạn sống và loan báo Tin Mừng. Chứ không chấp nhận hình thức "giữ đạo" mà thôi. Giữ khư khư lại tôn giáo, coi khi mình giữ như vậy thì mình đã là người Công giáo tốt, và bắt con cái giữ như vậy. Nhưng mà ra khỏi môi trường đó, ra khỏi khung cảnh đó, liệu rằng con cái chúng ta còn giữ đạo được không"

Bây giờ, cái thách đố là làm sao giúp cho mỗi người ý thức đâu là cái cốt yếu của Tin Mừng, và sống Tin Mừng là phải sống như thế nào. Rồi làm sao loan báo Tin Mừng đó cho những người chung quanh. Cho những người khác. Về điểm này, có lẽ anh em Tin Lành làm khá hơn người Công giáo. Chính cái điểm này đòi hỏi người Công giáo phải suy nghĩ, người Công giáo ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ và nơi khác.

Chính vì vậy, sông có khúc, người có lúc, nhập gia tùy tục. Kitô giáo từ bản chất, không đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào. Nhưng mà nhiệm vụ của người Kitô Hữu là phải sống và thể hiện Tin Mừng trong tất cả mọi nền văn hóa, mọi cơ cấu chính trị.

Ở đây, tôi xin phép được nói thêm một câu, có người hỏi tôi mà tôi chưa có dịp trả lời. Thì khi mà tôi nói tu sĩ linh mục theo giáo luật không được phép "làm chính trị", và như vậy, nhiệm vụ làm biến đổi hay lật đổ một cơ chế chính trị không thuộc hàng giáo phẩm. Nhưng mà thuộc về giáo dân! Thuộc về những người Công giáo với tư cách.... (Dương Phục nói chen vào). Không cấm cản!

Dương Phục: Nếu có giáo dân tới thưa với Đức Cha ô ngày mai có cuộc biểu tình, thì bây giờ thưa với Cha con đi biểu tình được không, thì Cha có…"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Đó là trách nhiệm của ông. Vatican II nói là trong những lựa chọn chính trị, thì chính anh chị em giáo dân, với sự trưởng thành của mình, nên tự lấy quyết định, và đừng có mong, hay là đừng trông chờ nơi linh mục cái lời khuyên cho những lựa chọn chính trị của mình. Và Vatican II cũng nói, là rất có thể những người Công giáo cùng nhiệt thành như nhau, nhưng mà có những lựa chọn chính trị khác nhau.

Dương Phục: Nhưng mà thường thường giáo dân, nhất là ở Việt Nam có thói quen cái gì cũng hỏi Cha xứ hết. Hỏi ý kiến Cha hết. Ngày mai con đi biểu tình, Cha có cho đi hay không. Cha có cho không. Cha có nói thôi cứ đi đi, hay là không đi"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Cái đó, thật sự ra, không thuộc quyền của Cha để nói chuyện đó. Mà Cha phải giải thích, để rồi tự họ, họ lãnh nhận chuyện đó.

Dương Phục: Thường thường người ta hay nói chung, ở nơi nào cũng vậy, gia đình là rường cột rồi giới trẻ là tương lai của đất nước, tương lai của Giáo Hội. Giới trẻ ở Việt Nam theo những nhận định, nói chung bây giờ, thì giới trẻ giữ đạo rất cứng một phần là như thế này. Không phải là Giáo Hội buộc mà cha mẹ buộc, buộc con phải đi lễ; không đi lễ nhiều khi rất là rắc rối với ông Bố. Đôi khi đi lễ mà ngủ gật thì ông Trùm quất cho. Nhưng mà ở đây, Bố Mẹ không bắt con cái được như vậy. Ở đây là xứ tự do. Con cái có quyền, nó nói Bố Mẹ đi lễ, con không đi lễ. Nó nói đó là quyền của con. Cha nghĩ sao" Tương lai của Giáo Hội mà giới trẻ ở xứ tự do này phóng túng quá đi. Có quyền chọn lựa riêng tư, tôn trọng quyền cá nhân nhiều quá… Ngay cả giữa Bố Mẹ Anh Chị Em. Điều đó, Cha nghĩ sao" Có thích hợp với nền văn hóa Việt Nam và có e rằng cái cộng đồng Việt Nam, giới trẻ Việt Nam càng ngày càng sa vào cái quyến rũ vật chất quá không" 

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Câu hỏi đó tôi đang định hỏi anh Dương Phục. Là người làm truyền thông có kinh nghiệm nhiều và chiều nay tôi có dịp sẽ gặp gỡ một số linh mục Việt Nam ở đây, tôi cũng đang định hỏi câu đó. Mong rằng anh Dương Phục cho tôi vài ý kiến để tôi có thể giúp giới trẻ Việt Nam khi mà xã hội chúng ta sẽ lần lần hội nhập vào môi trường của thế giới.

Dương Phục: Vâng. Đương định phỏng vấn Cha thì bị Cha phỏng vấn trở lại. Nếu Cha đã đi thăm viếng nhiều nơi ở hải ngoại, ở bên Mỹ, chắc Cha cũng đã thấy giới trẻ đi lễ hơi ít đi so với người lớn tuổi. Đó là câu trả lời rất mông lung. Nhưng mà vấn đề đó là vấn đề nhức đầu đối với giới trẻ những thế hệ khác nhau, Thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba ở tại nước Mỹ này. Ở Việt Nam, Cha không phải đối phó với chuyện đó. Không có thế hệ nào cả. Tới ngày Chủ Nhật phải đi lễ, không thôi thì quất, phải không ạ" Rất là cám ơn Cha đã cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc Cha những ngày ở bên Mỹ này, đặc biệt là thành phố Houston, vừa ý Cha trong mọi diễn tiến. Trong những ngày sắp tới còn lưu lại thành phố Houston, Cha cócòn đến làm lễ nơi nào không" Nhân tiện có nhiều người đang nghe đài, xin Cha loan báo để giáo dân đến gặp Cha hay dự dự Thánh Lễ"

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vâng. Chân thành cảm ơn anh Dương Phục đã có nhã ý cho có dịp để đàm đạo với anh về một số vấn đề liên tới đất nước, liên quan đến Giáo Hội, đặc biệt là giáo phận Vinh thì chiều Chủ Nhật, 3:00 chúng tôi có Thánh Lễ đặc biệt do Hội Ái Hữu Vinh tổ chức tại nhà thờ của Giáo Xứ Lộ Đức và đề tài hôm đó sẽ nói về quê hương, sẽ nói về vùng đất Vinh. Một vùng rất là nghèo nhưng mà một thi sĩ từng nói:

Ngọn gió bằng đi qua thành nỗi nhớ,

Cõi khô cằn ở mãi hóa yêu thương

Hy vọng rằng, vùng đất khô cằn đó, vùng đất có gió Lào thường xuyên đó, dù là có thể khi gió Lào, khi khô cằn gây khó chịu, Nhưng mà khi đi xa vẫn có những nỗi nhớ, nỗi thương. Như kinh nghiệm của tôi trong thời gian ở nước ngoài, có nhiều đêm cũng thức không ngủ được, vì nhớ mông lung. Như một thi sĩ có nói:

Ai có biết làm sao mà nói được,

Lòng tha hương trằn trọc nhớ quê hương

Mắt có ngủ mà lòng ta vẫn thức

Tình non sông da diết máu xương.

Xin chân thành cám ơn.

Dương Phục: Cảm ơn Cha. Cha là một Giám Mục trẻ lại là một học giả viết bao nhiêu là sách, còn là một nhà thơ nữa. Cám ơn Cha rất là nhiều đã dành cho thính giả của đài hôm nay có một cuộc phỏng vấn rất là thú vị. Chân thành chúc sức khỏe đến Cha trên con đường Cha vẫn còn hoạt động. Kính chào Cha.

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Kính chào Anh và tất cả quý thính giả.

Dương Phục: Kính chào quý thính giả. Quý vị vừa nghe buổi hội thảo của chúng tôi với Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp của Giáo Phận Vinh và đồng thời cũng là chủ tịch của Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

(Bài do Giáo Sư Nguyễn Đăng Trúc gửi tới Việt Báo.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đây hơn 100 năm, có một thanh niên, mới ngoài 20 tuổi, sinh tại Nghệ An đã tới Anh để tìm kế mưu sinh sau khi gia đình gặp hoạn nạn. Theo một nguồn tin chính thống của Hà Nội, đó là thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành tới Luân Đôn bằng đường biển vào khoảng giữa năm 1914...
Đố ai chứng minh được ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” như đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền? Càng mơ hồ hơn khi nghe nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 10 năm 2023 đã làm một việc mà chưa từng làm bao giờ trước đây trong lịch sử của nước này: Truất phế chức Chủ Tịch Hạ Viện. Kevin McCarthy, đảng viên Cộng Hòa tại California, đã mất chức trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 216/210. Để nhìn sâu hơn vào vấn đề này, The Conversation U.S. có cuộc trò chuyện với giáo sư chính trị học Charles R. Hunt tại Đại Học Boise State University.
Nếu Mỹ duy trì các liên minh, đầu tư cho riêng mình và tránh các khiêu khích không cần thiết, Mỹ có thể giảm xác suất lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Trung Quốc. Nhưng để xây dựng một chiến lược hũu hiệu, Mỹ sẽ phải tránh những phép loại suy luận quen thuộc trong lịch sử nhưng gây hiểu lầm.
Nếu vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ đã thay đổi tình hình ở Trung Đông và toàn thế giới, thì "ngày 7 tháng 10" cũng có thể ảnh hưởng đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi tuy hoàn toàn không có một chút liên hệ trực tiếp nào với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng trên thực tế, sự quan tâm đang xoay qua cuộc chiến Hamas-Israel lại có thể là một lợi thế cho Nga. Việc Hamas có thể tấn công bất ngờ vào Israel không chỉ là một thất bại đối với tình báo Israel, mà ngay cả Mỹ cũng đã hoàn toàn bị ru ngủ. Chỉ một tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng "khu vực Trung Đông ngày nay yên bình hơn so với nhiều thập kỷ trước".
Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lớn nhất Đông Nam Á thì chắc chắn là một “kỳ quan” của thế giới rồi. Không được xem (qua) quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo báo chí thì dù mới khánh thành nó đã bị bong gạch hết trơn rồi. Thôi thì đi chỗ khác chơi cho nó lành. Tôi quyết định sẽ đi thăm Địa Đạo Củ Chi. Trước khi tới nơi tưởng cũng nên ghé Wikipedia coi qua chút đỉnh:
Theo Hội Thư Viện Hoa Kỳ (American Library Association), nỗ lực cấm sách ở các trường công lập và thư viện công cộng trong năm 2022 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, và có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt vào năm 2023. Phong trào cấm sách trong thời gian qua có vẻ như là một chiến dịch phối hợp diễn ra ở cả cấp tiểu bang và địa phương; những cuốn sách bị nhắm mục tiêu thường là những cuốn có nội dung đề cập đến chủng tộc, giới tính hoặc cả hai. Thậm chí một số nỗ lực còn dẫn đến việc ban hành luật đe dọa tống tù các thủ thư.
Ít nhất cũng còn hơn 2 năm nữa mới đến ngày bầu nhiệm kỳ XIV của đảng Cộng sản Việt Nam, 2026-2031, nhưng tiêu chuẩn để được chọn đã bộc lộ tư duy giáo điều, bảo thủ và chậm tiến của đảng CSVN...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 2 người Chăm: Ông Thông Thanh Khánh (Khanh Pham), nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Sinh trưởng tại Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn và Cambodia. Và Ông Lưu Quang Sáng (Amuchandra Luu), sinh tại Phan Rang, hiện sống và làm việc tại California, Thạc sĩ toán và có gần 20 năm giảng dạy ở trường đại học cộng đồng tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa USA, qua 7 nhiệm kỳ chủ tịch...
Để khẳng định đối trọng với các cường quốc phương Tây, khối BRICS đặc biệt tìm cách củng cố vị thế trong các cơ quan quốc tế và trọng lực của đồng Nhân dân tệ trong hệ thống tiền tệ. Tự thoát ra khỏi ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây và tạo thành một lực lượng kinh tế và địa chính trị mới, đây là mong muốn được khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) bày tỏ tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15, được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22-24/8/2023. Đây cũng là những gì nổi lên tại Hội nghị G77 được kết thúc vào ngày 16/9 tại Havana.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.