Hôm nay,  

Nhân mùa An cư, xét lại hạnh nguyện hoằng hoá Và Việc Phát Triển Các Chùa Chiền, tự viện thời Nay

06/07/201100:00:00(Xem: 5263)

Nhân mùa An cư, xét lại hạnh nguyện hoằng hoá Và Việc Phát Triển Các Chùa Chiền, tự viện thời Nay

Không Hư – Hoàng Quốc Bảo (Thích Đăng Châu)

Nhân mùa an cư kiết hạ của chư Tăng Ni theo truyền thống Phật giáo, chúng ta thử tìm hiểu một trung tâm tu học (kiểu mẫu) thời Phật lãnh đạo thế nào, mục đích và thành quả đóng góp được gì cho Tăng đoàn và Phật tử; và từ đó xét rộng hơn, đối chiếu, thẩm định được những giá trị, thành quả đóng góp của các trung tâm tu học nói chung, chùa chiền nói riêng thời gian sau này ra sao.

Hơn 2555 năm trước, lúc Phật còn tại thế, tăng đoàn hành trì giáo pháp dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Như Lai, thường theo chân người, vân du đây đó hoá duyên độ chúng trong khoảng lưu vực sông Hằng. Mỗi buổi sớm sau thời thiền tọa, các thầy chia nhau khất thực xóm làng. Trưa trở về, dừng chân ở một vườn cây, cánh rừng nào đó, cùng Phật tẩy tịnh - rửa mặt và tay chân, sớt bát, rồi trải toà quá đường trong chánh niệm. Thọ trai xong, các thầy thường được nghe Phật giảng pháp, chỉ dạy con đường tu tập để hành trì cho thời gian còn lại trong ngày, và làm tư lương cho cả cuộc đời sau này nữa. Tối về, các thầy trải y gối đầu dưới mỗi gốc cây khác nhau nghỉ ngơi, mỗi chỗ không được lưu luyến quá 3 đêm.

Động lực thành hình Trung tâm tu học

Cuộc sống của tăng đoàn chỉ cần hiền hoà, giản đơn có thế mà năng lực trí tuệ và an lạc toả sáng vô biên. Mọi nguời, mọi giới tìm về theo bước chân thảnh thơi, giải thoát của Tăng đoàn và đức Phật. Những đấng quân vương cùng gia quyến đến nghe Pháp, nhận thọ năm giới, những thanh niên chí khí đi tìm quả vị giải thoát, xuất thế gian, những vị đạo sĩ các môn phái khác cũng tìm đến xin Phật được theo học, gia nhập tăng đoàn. Vì thế Tăng đoàn ngày càng đông. Trước thời gian thành lập tinh xá lần thứ nhất, số Tỳ kheo xuất gia đã lên đến 1250 vị. Những buổi thuyết pháp, thêm cả cư sĩ tại gia, dân dã quanh vùng và các cháu thiếu nhi, số thính chúng còn lên đến cả nhiều nghìn hơn. Từ đây, nhu cầu về giảng đường cho chúng hội là cần thiết. Rồi suốt năm, sau mỗi cuộc du hoá, mùa mưa đến, tăng đoàn phải tìm chốn dừng chân trong 3 tháng hạ, nghỉ ngơi và bồi dưỡng nội lực, đồng thời vì lòng từ bi, tránh di chuyển, sợ dẫm đạp lên sinh mạng của các loài côn trùng. Đó chính là động lực thúc đẩy đưa đến sự thành lập trung tâm tu học cho những ngày đầu của tăng đoàn. 

Để thấy rõ phẩm chất hành trì tu tập của giáo đoàn khuôn mẫu thời Phật cụ thể ra sao, nhu cầu cấp thiết và chính đáng trong việc thành lập trung tâm tu học, đến nhân duyên thành tựu một trung tâm tu học thế nào, không gì bằng chúng ta tìm đọc lại câu chuyện lịch sử, kể trong những trang sách cũ. Đoạn kể sau đây trích dẫn từ Sự tích Đức Phật Thích Ca của tác giả Minh Thiện - Trần Hữu Danh, chương Hạ thứ 2 tại Venuvana (năm –589) (2)

Hoá duyên - một bát cơm ngàn nhà (1)

“Lúc bấy giờ Phật và giáo đoàn tạm cư tại khu rừng Kè Latthivana, ở đền Supatthina cách thủ đô Vương Xá độ 2 km về phía nam. Sáng hôm sau, giáo đoàn được phép của Phật, ôm bát vào thành khất thực. Các vị khất sĩ chia ra thành từng chúng 25 người, đi theo hàng một, từng bước khoan thai và có ý thức, mắt nhìn từ tốn xuống trước mặt, dáng điệu thật uy nghi và lặng lẽ. Theo lời Phật dạy, họ im lặng dừng lại trước mỗi nhà, không phân biệt giàu nghèo, khoảng năm phút, rồi tiến tới trước nhà bên cạnh.

Trong khi đứng yên lặng chờ đợi được cúng dường, họ theo dõi hơi thở, và thực tập phép quán niệm hơi thở mà Phật đã dạy. Khi được cúng dường, họ chỉ lặng lẽ nghiêng mình cám ơn mà không nói lời khen chê nào về thực phẩm được cúng dường. Người cúng dường sau khi sớt thức ăn vào bát vị khất sĩ, có thể vấn hỏi về giáo pháp. Các vị khất sĩ sẽ ân cần trả lời về những câu hỏi đó. Đại ý là mình được tu học trong giáo đoàn Tỉnh thức, dưới sự hướng dẫn của Sa môn Cồ đàm (Gotama), dòng Thích Ca (Sakya) đã thành đạo, gọi là Phật (Buddha). Họ được thầy dạy về 4 sự Thật, truyền 5 giới, và hành 8 thánh đạo. Sau thời khất thực, tất cả các Tỳ kheo trở về nơi tạm trú trước giờ ngọ, thọ trai chung với nhau và nghe Pháp thoại. Buổi chiều và tối còn lại dành cho sự tu tập, thiền định. Vì vậy từ giữa trưa đến rạng sáng hôm sau, không ai còn thấy bóng dáng một vị khất sĩ áo vàng nào trong thành phố nữa.

Bài kệ ngắn khởi thiện duyên 

Chỉ trong vòng nửa tháng phần lớn dân chúng thủ đô đã biết đến sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do Phật lãnh đạo. Vào những buổi chiều mát mẻ, nhiều vị thí chủ rủ nhau tìm đến rừng Kè gặp Phật và tăng đoàn để nghe Pháp và học hỏi về đạo lý tỉnh thức. Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cũng nghe tin và biết ra người lãnh đạo giáo đoàn này chính là vị Sa môn trẻ tuổi (lúc bấy giờ Phật 35 tuổi, hơn nhà vua 5 tuổi) mình từng gặp trước đây nơi đạo tràng của đạo sư Ca Diếp (Uddaka Ramaputta). Một buổi chiều vua dẫn hoàng hậu Videhi và thái tử A Xà Thế (Ajatasattu) ngồi xe tứ mã, cùng mời theo mình 120 vị nhân sĩ, trí thức và lãnh đạo cao cấp trong giới Bà La Môn, đến rừng Kè thăm viếng Phật. Đến ven rừng, nhà vua xuống xe đi bộ vào, Hoàng hậu Videhi cầm tay thái tử A Xà Thế theo sau. 120 vị tân khách Bà La Môn cũng cùng làm như thế.

Nghe tin vua đến, Đức Phật cùng đạo sĩ Ca Diếp thân hành ra đón tiếp. Tất cả 1003 vị khất sĩ đều có mặt. Vua Tần Bà Sa La giới thiệu các tân khách với Phật. Ngoài vua Tần Bà Sa La các vị tân khách chưa ai được gặp Phật lần nào. Họ từng nghe danh của đạo sĩ Ca Diếp, và rất ngạc nhiên về thái độ cung kính của vị đạo sĩ 100 tuổi này đối với Phật, lúc bấy giờ chỉ mới 35 tuổi. Họ thì thầm với nhau không biết ai là thầy ai là đệ tử. Biết ý họ, đức Phật liền bảo đại đức Ca Diếp: “Này hiền giả Ca Diếp, hiền giả hãy nói cho Đại vương và thính chúng biết vì sao hôm nay hiền giả có mặt nơi này”. Đại đức Ca Diếp liền đứng dậy, đi tới truớc Phật, chắp tay cung kính, chậm rãi nói rõ ràng từng tiếng:

“Kính bạch đức bổn sư Cồ Đàm, bậc giác ngộ hoàn toàn, kính thưa Đại vương, thưa quí vị, từ khi biết đuợc Giáo pháp vi diệu của đức bổn sư, tôi đã bỏ tế đàn ở Uruvela, thực hành Chánh pháp và đạt được an lạc Niết bàn, không còn chấp thủ lạc thú gì nữa ở trần gian”. Nói xong Đại đức liền quỳ xuống đảnh lễ đức Phật và long trọng tuyên bố: “Con là Ca Diếp xin cung kính đảnh lễ đức bổn sư Cồ Đàm Thế Tôn. Con là Ca Diếp xin cung kính đảnh lễ đức bổn sư Cồ Đàm Thế Tôn...”. Phật đỡ Đại đức Ca Diếp dậy và bảo ông ngồi xuống bên tay trái của nguời. Bấy giờ tất cả cử toạ đều hoàn toàn im lặng. Đức Phật nói cho mọi nguời nghe kinh Maha Narada Kassapa Jataka, kể về tiền thân Đại đức Ca Diếp đã từng làm đệ tử của Phật từ nhiều kiếp trước. Kế đó đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế, tính Vô Thường, Vô Ngã và Duyên Sanh của con nguời và vạn vật; chỉ dạy phương cách diệt trừ mê lầm và đau khổ bằng cách thực hành đời sống tỉnh thức, giữ giới luật thanh tịnh, định tâm quán chiếu. Rồi đức Phật kết luận bằng bài kệ:

“Chớ làm các điều ác,

Cố gắng làm việc lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Lời chư Phật dạy rành”. 

Lời Phật trong sáng, ngân xa như tiếng chuông đồng, ấm áp như nắng xuân, trầm hùng như tiếng hải triều. Hơn một ngàn người lắng nghe trong im lặng, ai nấy đều cảm thấy vui mừng, tâm mình được bừng sáng, đầy hy vọng và an lạc. Bao nhiêu nghi vấn trong lòng được dần dần cởi mở. Khi dức Phật dứt lời, vua Tần Bà vừa đắc quả Tu Đà Hoàn. Ông đứng dậy chắp tay cung kính bạch Phật:

“Thưa Thế tôn, hồi còn nhỏ trẫm có 5 điều ước nguyện, nay đều đã được thành tựu. Uớc nguyện thứ nhất là được thọ lễ Quán đảnh, lên ngôi vua; ước nguyện ấy đã thành. Uớc nguyện thứ 2 là được gặp một bậc đạo sư giác ngộ; ước nguyện ấy cũng đã thành. Uớc nguyện thứ 3 là có duyên kính ngưỡng bậc đại giác ngộ ấy; ước nguyện này cũng đã thành. Ước nguyện thứ 4 là được bậc giác ngộ ấy truyền dạy con đường Chánh Pháp; ước nguyện này cũng đã thành. Ước nguyện thứ 5 là có thể hiểu đuợc giáo lý mầu nhiệm ấy; ước nguyện này vừa được thành tựu. Thưa Thế tôn, trẫm đã bắt đầu hiểu được giáo lý mầu nhiệm của ngài. Hôm nay xin Thế Tôn hoan hỉ nhận trẫm làm đệ tử tại gia của ngài”. Đức Phật mỉm cuời im lặng chấp thuận. Nhà vua lại thỉnh cầu Phật cùng Giáo đoàn đến thọ trai cúng dường ở đền vua vào ngày trăng tròn sắp tới. Đức Phật cũng hoan hỉ nhận lời.

Phương tiện: Phật giảng 5 pháp tu cho nguời cư sĩ tại gia

Đến ngày trăng tròn, vua Tần Bà Sa La và các quan trong triều đinh cùng thân hào nhân sĩ ra tận cổng Ngọ Môn chờ đón. Phật cùng trên 1 ngàn vị Khất sĩ mặc áo Casa vàng, tay ôm bình bát, đi vào thành Vương Xá, qua những ngả đường treo đèn kết hoa, đông nghịt dân chúng chờ xem 2 bên đường. Đến giờ Ngọ, đức Phật và giáo đoàn mặc niệm cùng chú nguyện truớc khi ăn. Vua Tần Bà Sa La và tất cả quan khách đều giữ im lặng trong suốt bữa ăn. Thọ trai xong, vua Tần Bà Sa La đứng dậy cung kính chắp tay hướng về đức Phật. Ngài hiểu ý lên tiếng giảng về 5 giới của người Phật tử tại gia như là phương thức xây dựng, bảo vệ hoà bình và hạnh phúc cho quốc gia dân tộc. Năm giới cũng chính là nguyên tắc sống chung hoà bình và an lạc trong gia đinh, chí đến ngoài xã hội. Nếu vua đứng đầu 1 nước sống tỉnh thức, làm cho quốc dân hiểu và thực hành 5 giới thì vương quốc Ma kiệt Đà sẽ trở thành vương quốc cường thịnh nhất trong hoàn vũ. Khi Phật dứt lời, vua Tần Bà Sa La sung sướng tiến tới đức Phật đảnh lễ. Hoàng hậu Videhi cũng dắt tay Thái tử đến dạy cách chắp tay cung kính vái chào Phật. Bà thỉnh cầu đức Phật rủ lòng từ bi ban Pháp cho Thái tử cùng 400 trẻ em có mặt ngày hôm đó. Đức Phật ôn tồn kể cho các em nghe câu chuyện Cây Bông Sứ, là tiền thân của ngài, sống bên cạnh ao cá và hồ sen. Có con cò ác độc, dụ dỗ đem loài tôm cá từ ao nhỏ sang hồ sen rộng lớn hơn, nhưng lại đem lên cây bông sứ rỉa chết rồi ăn thịt, rồi vất xương xuống gốc cây, hết cá tôm rồi chỉ còn con cua khôn ngoan không bị lừa, cò không gắp đuợc, đành chịu để cho Cua cắp lấy cổ mình bay đi. Sang đến hồ sen, con cua xiết chặt cổ cò cho đến chết. Các em thương xót tất cả tôm cá bị cò lường gạt giết hại, và khen con cua khôn ngoan sáng trí, biết lo xa. Riêng con cò, thật là ác giả ác báo.

Sau bài pháp cho thiếu nhi, vua Tần Bà Sa La đứng dậy chắp tay đến trước Phật đảnh lễ và nói: 

“Hôm nay đức Thế tôn đã ban cho trẻ em và cả người lớn bài học thật qúy giá. Trẫm mong Thái tử A Xà Thế thấm nhuần đuợc bài học của ngài. Vương quốc Ma kiệt Đà rất may mắn được ngài dừng chân giáo hoá. Nay trẫm có 1 món quà muốn dâng lên đức Phật và Tăng đoàn, không biết ngài có hoan hỉ cho trẫm được hân hạnh cúng dường món quà này không"” Vua nói tiếp: “ Về phía bắc thành Vương Xá (Rajagriha) chừng 1 dặm, có vườn tre rất rộng, vừa yên tịnh, mát mẻ, có tên là Trúc Lâm. Trẫm xin hiến cúng công viên ấy để đức Thế tôn và tăng đoàn dùng làm Tinh xá hành đạo và tu học. Được như vậy, trẫm và cư dân nơi đây có nhiều cơ hội đến thọ giáo với ngài. Mong đức Thế tôn từ bi chứng nhận cho lòng thành của trẫm”.

Đức Phật nghĩ đến mùa an cư kiết hạ sắp đến, cần có nơi thuận tiện cho chư tăng tu học, ngài mỉm cười gật đầu ưng thuận. Vua cho đem chiếc bình bằng vàng ra, tự tay làm lễ rót nước trong bình lên bàn tay phải của Phật, rồi trân trọng tuyên bố:

“Bạch Thế tôn, cũng như nước trong bình vàng này chảy vào tay ngài, khu vườn Trúc Lâm đã được trẫm dâng tặng cho ngài và giáo đoàn do ngài lãnh đạo để làm tinh xá tu học cho chư tăng”.

Lễ bàn giao đã xong, lễ cúng dường trai phạn cũng đã hoàn mãn. Phật cùng chư tăng trở về vườn Kè. 

Thành lập trung tâm tu học đầu tiên: Tinh Xá Trúc Lâm

Sáng hôm sau sứ giả của nhà vua đưa Phật cùng tăng đoàn đi thăm vườn Trúc Lâm. Thật là nơi cư trú lý tưởng cho tăng đoàn giáo sĩ. Khu vườn rộng khoảng 4 mẫu tây, quanh vườn tre đủ loại mọc xanh tươi, giữa vườn tre có hồ Kalandaka nước trong veo. Những chiếc thảo am có thể dựng lên rải rác làm chỗ cư trú cho các đại đức lớn tuổi. Các vị đệ tử lớn như Kiều Trần Như, Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục kiền Liên hoan hỉ họp nhau lại hoạch định cách tổ chức Trúc Lâm thành 1 tinh xá có quy củ. 

Phật dạy: “Mùa mưa không tiện cho việc du hành khất thực. Các vị Tỳ kheo cần có nơi an cư thanh tịnh để cùng nhau tinh tấn tu học, vừa tránh đuợc sự ướt át dọc dường, vừa tránh được sự dẫm đạp lên các loài côn trùng bò ra đầy đường. Trong 3 tháng an cư, thiện nam tín nữ có thể mang thực phẩm tới cúng dường tại các trung tâm an cư. Và mỗi ngày họ sẽ được các vị xuất gia giảng dạy về đạo lý trong các thời khoá giảng, ngoài ra họ còn có thể nêu câu hỏi để được giải đáp thêm.”

Truyền thống An Cư Kiết Hạ được thiết lập từ đây. Chỉ còn 18 hôm nữa mùa An cư thứ 2 sẽ bắt đầu với đầy đủ 1250 vị Tỳ kheo A-La-Hán.

Dưới sự điều động của Đại đức Mục Kiền Liên, các thầy trẻ dựng lên một am nhỏ cho Phật, và nhiều am rải rác cho các vị lớn tuổi. Am của Phật tuy nhỏ nhưng rất xinh xắn, phía sau có bụi tre vàng, bên trái có khóm tre xanh. Có lu nước đặt cạnh bụi tre làm nơi cho Phật rửa mặt và tay chân. Đại đức Ca Diếp tiến cử thầy trẻ Nagasamala làm thị giả đầu tiên cho Phật. Thầy thị giả đóng cho Phật chiếc chõng tre và 2 chiếc ghế.

Đại đức Xá Lợi Phất tiếp xúc với vị thí chủ ở thành Vương Xá cúng dường cho Tinh xá Trúc Lâm chiếc chuông đồng treo gần hồ Kalandaka duới 1 cành cây cổ thụ. Tiếng chuông báo hiệu giờ giấc tu học. Phật dạy mỗi khi nghe tiếng chuông, như nghe lời gọi của Phật, tất cả mọi nguời phải thức tỉnh, theo dõi hơi thở và đem tâm ý trở về sống trong chánh niệm.

Các vị thí chủ cư sĩ ngày nào cũng tới Trúc Lâm để giúp đỡ công trình kiến thiết. Đại đức Ca Diếp lãnh đạo Tăng đoàn rất giỏi, mà điều hợp sự hỗ trợ của cư sĩ cũng tài. Thầy họp bàn với các cư sĩ về việc cúng dường trai tăng, giúp cho mỗi vị Khất sĩ có đầy đủ cà sa, bình bát, tọa cụ, khăn lau mặt, vợt lọc nước v.v...

Thời khoá tu học nghiêm chỉnh tại Tinh Xá

Ngày an cư đến, Phật cùng các đại đệ tử ban hành thời khoá đuợc soạn thảo từ trước và Tăng đoàn chấp hành nghiêm chỉnh. Buổi sáng vào đầu canh tư có chuông báo thức. Sau khi vệ sinh rửa mặt, các vị Tỳ kheo bắt đầu thiền toạ ngay tại chỗ ngủ của mình. Thiền toạ và kinh hành (thiền hành) cho đến khi mặt trời lên bằng đầu ngọn tre. Sau đó là đi khất thực, ngoại trừ những hôm có đủ thực phẩm do các thí chủ cư sĩ cúng duờng cho cả tăng đoàn. Những hôm như vậy, các Tỳ Kheo tham vấn học hỏi nơi vị y chỉ sư của mình, trong lãnh vực giáo nghĩa hay cách thực hành chỉ (samatha), quán (vipassanâ). Y chỉ sư là vị Đại đức đã đạt nhiều tiến bộ trên đường tu tập. Các vị Y Chỉ sư lớn như Kiều Trần Như, Assaji, Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục kiền Liên... Mỗi vị phụ trách hướng dẫn 50, 60 thầy trẻ mới học. Có vị hướng dẫn 10, hay 30 nguời. Đó là vị huynh trưởng trong đạo mà mình phải nương tựa để học hỏi.

Vào đầu giờ ngọ, các vị Khất sĩ phải có mặt xếp hàng dài ở sân cỏ cạnh bờ hồ. Sau khi đã được phân phát thức ăn, mọi người ngồi xuống sân cỏ, quán chiếu Tam đề Ngũ quán, và bắt đầu thọ trai trong im lặng.

Trai phạn hoàn tất, Phật thường thuyết pháp cho đại chúng; gồm cả Tỳ Kheo, cư sĩ và thiếu nhi. Có khi một vị Đại đệ tử đứng ra thay Phật thuyết pháp, và Phật ngồi nghe. Sau đó Cư sĩ Phật tử ra về, Tăng chúng được nghỉ ngơi giây lát, cho đến khi chuông thỉnh, báo hiệu giờ thiền tọa, kinh hành. Buổi chiều còn lại tự do tham vấn và học hỏi. Giờ tuất (17 giờ tối) toạ thiền đến giờ hợi (21 giờ) là chỉ tịnh, tất cả yên lặng và nghỉ ngơi đến giờ sửu đầu canh tư (3 giờ sáng), bắt đầu 1 ngày mới. Phật và các vị Đại đệ tử thường thiền toạ đến giờ Tí (canh 3 nửa đêm) và dậy sớm hơn các vị đệ tử.“ 

Trung tâm tu học xưa và nay đóng góp được gì cho Tăng đoàn và giới cư sĩ Phật tử"

Về mặt tích cực - hôm xưa:

Qua sự kiện lịch sử thành lập Tinh Xá đầu tiên Trúc Lâm (mủa An cư thứ 2) thời Phật tại thế cho đến nay, các trung tâm tu học đúng nghĩa, có những đóng góp tích cực như sau:

1.Đáp ứng nơi cư trú cho Tăng đoàn định cư trong 3 tháng an cư kiết hạ. Nhờ đó Tăng sĩ có nhiều thời gian ổn định, thân lẫn tâm ổn định, ráo riết học hỏi với Y chỉ Sư cũng như trau dồi nội điển, tham thiền nhập định, tư duy và tự thân chứng đắc sâu sắc trên con đuờng Tu học (Văn - Tu - Tu). 

2.Ba tháng an cư kiết hạ trong mùa mưa, chư Tăng ở yên 1 chỗ, ít đi lại, như thế tránh sự sát hại đến sinh mạng côn trùng bò ngổn ngang trên mặt đất, như lời Phật dạy.

3.Trung tâm tu học là tiến trình chuyển đổi từ tình trạng du cu hoằng hoá sang định cư hoằng hoá, tiện lợi hơn cho những Đại đức trưởng lão, có thời gian an dưỡng, sức khoẻ thân thể được hồi phục sau những chuyến du phương lâu dài.

4.Tăng đoàn tạo duyên làm Phước điền cho Cư sĩ Phật tử phát tâm cúng dường, gieo trồng phước báu cho mình trong đời này và đời sau, như vua Tần Bà Sa La tự động phát tâm cúng dường.

5. Việc làm cúng dường của vua Tần Bà Sa La còn làm tấm gương sáng cho các giới cư sĩ khác, sanh tâm ngưỡng mộ Phật pháp, đến gần với giáo pháp của Như Lai. 

6.Việc cúng dường của vua Tần Bà Sa La là tự nguyện xuất phát từ sự giác ngộ sâu xa của ông, sinh lòng kính ngưỡng, sau khi chứng kiến nhân cách của Phật và Tăng đoàn, được nghe giáo pháp cao thượng, hiểu được Pháp cao thượng và được truyền giới cao thượng, cầu Phật đạo trường tồn.

7.Nhờ có trung tâm tu học, Phật tử các giới quanh vùng có dịp tiện lợi đến sinh hoạt, nghe đạo, học hỏi giáo pháp, với các vị Khất sĩ trong giáo đoàn.

8. Nhờ đến tham học, hỏi đạo với Phật cùng Tăng đoàn mà Giáo Pháp của Thế tôn đuợc hoằng truyền rộng rãi hơn.

Về mặt tiêu cực - thời nay:

Lấy Tinh Xá Trúc Lâm thời Phật làm khuôn mẫu, định chuẩn cho các trung tâm tu học nói chung, tự viện hay chùa chiền nói riêng hôm nay, phải thành thực mà nhận:

1.Nhiều nơi quá chú trọng vào hình thức, chùa to tượng lớn, mà thực học của Chư Tăng hời hợt, thiển cận, xa dần chánh pháp của Như lai.

2.Không lo đào tạo tăng tài, tu học vững mạnh, chẳng chú tâm vào việc “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức”, sao giữ gìn được giềng mối đạo pháp, bản hoài của chư Phật.

3.Chạy theo thị hiếu tà đạo, mê tín dị đoan, như xin xăm, bói toán, rước lạy hình tượng vàng ngọc, lộng giả thành chơn, làm mê hoặc nhân tâm trong lúc nhất thời, kéo chúng sinh lún sâu thêm vào vũng lầy khổ não. 

4.Mượn hình thức cúng dường phước đức để gạt gẫm kêu gọi thí chủ, nhằm “thọ dụng ân phồn, thí lợi nùng hậu”, không ngoài trưởng dưỡng lòng tham dục của mình, khiến người hiểu biết bảo nhau xa lánh.

5.Đã không đem được Phật Pháp hoằng truyền, giúp thí chủ giác ngộ sâu xa, tự phát tâm cúng dường chân chánh; gạt mình và nguời, làm tổn hại đến phước đức của chính mình.

6.Chỉ nghĩ cách bòn của cúng dường, thu hút tín đồ cho đông, tổ chức những buổi liên hoan thế sự, ăn uống linh đình, hay tổ chức đại nhạc hội, múa ca hát xướng kiếm lợi về tài của. 

7.Như kẻ chăn vịt, cốt lùa vịt về đàn mình cho đông. Bòn rút của tín thí quá sức khiến họ tiêu hao không chịu nổi. Nhiều khi dẫn đến sự tranh dành giữa các trung tâm, chùa viện với nhau, vọng ngữ tranh thắng, bôi bẩn lẫn nhau, tinh thần lục hoà mờ mịt.

8.Mất dần người học đạo chân chánh, Chí đạo không thấy đâu, mạch mạng Phật giáo có nguy cơ tắc nghẽn, là cái tội lớn nhất của hành giả vậy.

Cho nên, nhân mùa an cư kiết hạ, đọc kỹ lại lịch sử về sự thành lập trung tâm tu học khuôn mẫu đầu tỉên Trúc Lâm vào thời Phật tại thế (chớ cho vậy là rườm lời), để:

•Học hỏi cái hay về hình thức xây dựng Tinh xá, thành lập một trung tâm tu học kiểu mẫu của chư tăng trong tinh thần tri túc, thiểu dục; như ngay đến Phật cũng chỉ ở trong 1 lều nhỏ, 1 chõng tre, 2 chiếc ghế.

•Học hỏi tinh thần Lục Hoà trong việc bàn thảo, phân định nhiệm vụ tùy theo khả năng của các Đại đức lớn; 

•Thiết lập và Áp dụng thời khoá sinh hoạt, tu học nghiêm chỉnh và lợi lạc trong tinh thần “Tam thường bất túc” của đức Phật và giáo đoàn.

Tóm lại:

Tuy ngày nay phải thuận theo hoàn cảnh, thời đại; ngũ dục quá thịnh hành, nhiều trung tâm, chùa chiền có những dấu hiệu, biến thái tiêu cực như đã trình bày, người học Phật chân chánh chúng ta vẫn còn vững tâm phấn khởi, vì nhận ra trong đám bụi lầm kia vẫn luôn vững chãi những trung tâm tu học đúng nghĩa, dưới sự lãnh đạo nghiêm cẩn của vài vị tôn đức Hoà Thượng trong lẫn ngoài nước, hy sinh cả một đời cố công theo dấu chân Thầy Tổ, đào tạo tăng tài, khơi sống mạch Thiền không để đoạn dứt. 

Và trách nhiệm ấy, cũng không phải chỉ để riêng những bậc xuất gia gánh vác, mà còn phải là nhiệm vụ hộ Pháp chung của hàng Phật tử tại gia nữa vậy.

Hộ Pháp đúng đắn là sao" Không phải là nhắm mắt cúng dường bất cứ chùa nào, chỉ vị hình tướng, hô hào xây chùa to Phật lớn, nhằm cúng kiếng ồn ào, rước hình rước tượng, cầu xin mê tín, chiều theo thị hiếu số đông, mà việc tu học giải thoát mờ mịt. Việc làm ấy chỉ thêm tội, tạo kiên cố khổ đau, chẳng phần nào Phước đức, chứ nói gì đến Công đức. 

Thật vậy, hãy ôn lại lịch sử Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi đông độ nhằm hoằng truyền gíáo Pháp của Như Lai, 3 năm đường biển mới đến được Quảng Châu, Trung Quốc, vào năm Canh Tý, nhằm năm thứ 7 niên hiệu Phổ Thông đời Lương, gặp Võ Đế nghênh thỉnh, vấn Pháp:

-Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, cất chùa, in kinh, độ tăng không kể xiết. Như thế có công đức gì" 

Tổ đáp:

-Chẳng công đức. 

-Thế nào mới là công đức"

-Tịnh trí diệu viên thể tự không tịch (nghĩa là tu học giải thoát rốt ráo). Công đức chẳng do làm việc hình tướng thế gian mà cầu xin được.(3)

***

Hãy trùng tuyên lại lời Phật dạy:

Chư Ác mạc tác,

Chúng Thiện phụng hành

Tịnh tư kỳ ý

Thị chư Phật giáo.

“Chớ làm các điều ác,

Cố gắng làm việc lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Lời chư Phật dạy rành”.

Lời dạy của đức Phật: “Tịnh tư kỳ Ý” (Lắng tâm gìn ý cho trong sạch), với lời Tổ:” Tịnh trí diệu viên thể tự không tịch”, chẳng hai vậy.

Không Hư - Hoàng Quốc Bảo

(Tỳ Kheo Thích Đăng Châu)

Mùa an cư kiết hạ 2011

(1) Phần chữ in nghiêng là lời của nguời viết bài.

(2) Trích lục “Sự Tích Đức Phật Thích Ca”, Trần Hữu Danh – Minh Thiện, các đoạn trong chương Hạ thứ 2 tại Venuvana (năm –588), trang 95; và phần Phật thành lập tinh xá đầu tiên Venuvana, từ trang 104-106. (chữ in thẳng).

(3) Thích Duy Lực. Góp Nhặt Lời Phật Tổ Và Thánh Hiền.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.