Hôm nay,  

Việt-Hoa Chiến Sự... Ở Bên Lào

23/04/201100:00:00(Xem: 9745)

Việt-Hoa Chiến Sự... Ở Bên Lào

Nguyễn Xuân Nghĩa

Lào Xây Đập, Ta Dập Mật, Tầu Vỗ Tay....

Việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong đã thành vấn đề nóng cho Việt Nam. Nó phản ảnh sự kiện Việt Nam trôi dần vào trật tự Trung Quốc.

Ngày 19 vừa qua, tại hội nghị của Ủy ban Mekong (Mekong River Commission) ở Vientiane, Lào ỡm ờ thông báo việc tạm hoãn tiến hành đập nước Xayaburi có công xuất 1,26 gigawatt (GW) trên thác Kaeing Luang. Người ta cho rằng Lào có quan tâm đến khuyến cáo của các cơ quan bảo vệ môi sinh trên thế giới và sự can ngăn của Hà Nội.

Thực tế thì công trình đó đang được xúc tiến dù Vientiane nói nước đôi. Thực tế thì Ủy ban Mekong là cơ chế vô quyền, chỉ giải quyết được chuyện đối thoại và hợp tác sau khi từng nước đã lấy quyết định riêng mà thôi.

***

Chúng ta đều biết sông Mekong xuất phát từ Cao nguyên Thanh Tạng bên Trung Hoa, dài 4.900 cây số với lưu vực trải rộng trên một diện tích là 795 ngàn cây số vuông qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, rồi Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cao Miên và đổ ra biển Thái bình tại Việt Nam dưới tên gọi là Cửu Long. Vùng châu thổ Cửu Long bao trùm lên 55.000 cây số vuông qua 250 cây số ngàn và là nơi sinh sống của 20 triệu người Việt.

Việc khai thác sông Mekong được quốc tế thảo luận từ lâu và Việt Nam Cộng Hoà là thành viên của Ủy ban Mekong từ khi thành lập năm 1957. Nhưng khi ấy, "cách mạng vô sản" là ưu tiên của Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và "chiến tranh giải phóng" khiến Ủy ban bị tê liệt trong nhiều năm liền, từ 1975 đến 1978, rồi chỉ thực sự phục hoạt từ năm 1995, khi kinh tế trở thành ưu tiên cho khu vực.

Nhưng kinh tế chỉ là một mặt của hồ sơ địa dư chiến lược giữa sáu quốc gia cùng khai thác con sông. Ủy ban Mekong chỉ quy tụ bốn nước hạ nguồn là Lào, Thái Lan, Cao Miên và Việt Nam.

Còn Trung Quốc và Miến Điện là quan sát viên - là "đối tác" mà thực tế là đối thủ, vì kiểm soát thượng nguồn. Việc kiểm soát ấy ảnh hưởng đến cuộc sống của 60 triệu dân ở hạ nguồn, chủ yếu tại Lào, Miên, Việt.

Từ thượng nguồn, Trung Quốc đã xây bốn đập nước, đang hoàn tất hai đập - trong đó Tiểu Loan sẽ là đập lớn thứ nhì của xứ này sau đập Tam Hiệp. Ngoài ra, họ chuẩn bị sáu đập và lập kế hoạch cho ít ra là hai đập nữa. Tổng cộng có thể là 15 công trình xây cất và từ 15 năm nay đã làm đảo lộn hệ sinh thái của thiên nhiên lẫn môi trường sinh sống của con người tại hạ nguồn. Bị lũ lụt vào mùa khô và hạn hán vào mùa mưa là những tai ách trái mùa được nhiều người nói tới, chưa kể đến thủy sản hay chăn nuôi trồng trọt, và việc nước sông bị ngập mặn từ cửa biển vào.

Tại hải ngoại, có bác sĩ Ngô Thế Vinh ở miền Nam California là người dày công nghiên cứu và báo động rộng rãi về nguy cơ này.

Bây giờ, đến lượt nước Lào nhập cuộc.

Đập Xayaburi là dự án thủy điện đầu tiên trong 11 dự án sẽ được xây dựng tại Lào (chín đập) và Cao Miên (hai đập). Nếu các dự án này thành hình, châu thổ Cửu Long không thể còn như xưa. Việt Nam sẽ lãnh họa. Đầu đuôi ra sao thì cũng nên tìm hiểu, từ nhiều giác độ để khỏi chỉ nhìn từ cái góc con con của mình....

***

Trước tiên là giác độ của dân Lào.

Lào là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á bị khóa trong đất liền và không có đường thông thương ra biển. Với diện tích lãnh thổ là 237 ngàn cây số vuông, bằng 72% diện tích Việt Nam, Lào không là một nước nhỏ. Nhưng nghèo, vì nằm kẹt trong núi, bên những thác ghềnh của Mekong và các phụ lưu nên khó phát triển kinh tế.

Đi lên thì phải qua ngả Trung Quốc vào Vân Nam nên cũng là đường cho... Vân Nam đi xuống và xuống tới Cao Miên hay Thái Lan để ra tới biển. Cũng do vị trí địa dư ấy, Lào bị Thực dân Pháp chiếu cố từ thế kỷ 19, cùng với Cao Miên và Việt Nam. Mục tiêu ban đầu là để tới Vân Nam. Và sau này cũng là để khóa cửa Vân Nam cùng các tỉnh nội địa của Trung Quốc khỏi bung ra ngoài.

Không đi lên hay đi xuống mà đi ngang thì Lào có thể ra biển nhờ Việt Nam ở phía Đông qua biên giới dài hơn hai ngàn cây số; hoặc nhờ Thái Lan ở phía Tây qua biên giới hơn 1.800 cây số. Còn lại, có hai xứ ít nhiều đồng văn là Miến Điện qua phía Tây Bắc hiểm trở với biên giới có hơn 200 cây số; và Cao Miên ở phía Nam với biên giới hơn 500 cây số, và vị trí chiến lược của sông Mekong. Nhìn từ giác độ của Lào, bang giao và sông Mekong là chuyện sinh tử.

Với Việt Nam, Lào là xứ nhược tiểu, thường xuyên bị khống chế và thực tế lãnh phận chư hầu, với giải pháp thoát hiểm không dễ dàng là Thái Lan. Việt Nam thì coi Lào là sân sau, vùng ảnh hưởng truyền thống và nếu không có cái đuôi của Hy Mã Lạp Sơn, rặng Trường Sơn, thì có khi Lào đã gặp số phận của Cao Miên: biến Thủy Chân Lạp thành Nam kỳ Lục tỉnh của Việt Nam.

Trong thời chiến tranh và cách mạng, Lào bị - hay được - trung lập hóa, là hành lang cho Trung Quốc và Bắc Việt sử dụng tấn công miền Nam.

Sau khi cộng sản chiến thắng, chế độ quân chủ Lào bị khai tử, xứ này là vùng phiên trấn quân sự cho Việt Nam Cộng sản, với hệ thống chính trị do Hà Nội gây dựng từ đầu, y như tại Cao Miên. Hiệp định Hợp tác Lào-Việt năm 1977 quy định như vậy. Trong các Đại hội đảng sau này, Tổng bí thư mới của đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn thăm viếng trước tiên là Lào và Cao Miên... cho đến gần đây thì dường như hết đất rong chơi!

Ngẫm lại thì nhờ bản chất hiền hòa hơn, qua giai đoạn "cách mạng" dân Lào không bị tai họa bi thảm như Việt Nam, và nhất là Cao Miên với thảm kịch Khờme Đỏ.

Nhìn lại, ta cũng nên hiểu tâm tư dân Lào, nhất là hai thành phần thiểu số, tại Trung Lào phía Bắc (30% dân số) và các sắc tộc Thượng Lào trên vùng núi (10%) như ngươi Hmong, người Dao sát với Việt Nam, hay người Shan sát với Miến Điện. Các sắc tộc này có tinh thần độc lập và thiện chiến hơn đa số 60% còn lại là dân cư tại khu vực Hạ Lào... Chính sách đối xử với dân thiểu số của Việt Nam có ảnh hưởng đến thành phần người dân Thượng Lào - mà đa số người Việt không biết, hoặc chẳng cần biết.

Khi nói đến núi non là ta cũng nói chuyện thác ghềnh, và các đập thủy điện.

***

Cho nên hãy nhìn vào giác độ kinh tế.

Người Lào phải sống với địa dư và thiên nhiên của họ và chuyện trời hành có thể là lại trời cho nếu con người biết khai thác. Trời cho là việc dùng thác ghềnh làm năng lượng. Trong kỷ nguyên "kỹ nghệ hoá", người Lào ước mơ biến xứ sở thành "Bình điện của Đông Nam Á" và tìm đến hai nguồn tiếp vận về công nghệ và kỹ thuật gần gũi nhất là Thái Lan và Việt Nam.

Sau đó là tìm lên "hậu phương lớn" của Việt Nam Cộng sản là Trung Quốc.

Năm 1996, khi Hun Xen tiến hành đảo chánh tại Cao Miên, đẩy Đài Loan ra ngoài để bắt tay với Trung Quốc, thì đấy là một bước ngoặt quan trọng. Lào cũng suy nghĩ theo tiến trình đó. Từ đấy, Việt Nam bị bao vây tứ bề mà.... chưa biết.

Lào phải khai thác cái vốn trời cho là thủy điện, với hy vọng đạt công xuất 18 GW qua tổng cộng 20 dự án, với 12,5 GW từ sông Mekong và chi nhánh qua chín dự án. Từ khả năng hiện tại là 2,54 GW, họ muốn đạt chỉ tiêu 8 GW trong mươi năm tới qua 14 dự án đang trù tính. Đập thủy điện Xayaburi là bước đầu của chín dự án trên sông Mekong, đã được trình bày cho Uỷ ban Mekong MRC từ Tháng Chín năm ngoái mà dân ta không thèm để ý!

Mà vì sao họ nghĩ như vậy"

Kinh tế Lào lệ thuộc vào xuất cảng chừng 30% Tổng sản lượng GDP, trong số này có 30% là xuất cảng điện (9% GDP). Và đã xuất cảng qua hai nước lân bang là Thái Lan và... Việt Nam.

Từ năm 2007, Chính phủ Lào đã thỏa thuận với công ty xây cất đứng hạng nhì của Thái Lan là Ch. Charnang Public Company để thực hiện dự án Xayaburi. Tháng Sáu năm ngoái, doanh nghiệp điện lực Thái EGAT đã ký sẵn với... Charnang để sẽ mua 95% lượng điện của đập Xayaburi của Lào, qua một đường dây cao thế dài 200 cây số. Như vậy, đập Xanaburi là một công trình hỗn hợp Lào-Thái, mở đầu cho chín dự án thủy điện trên sông Mekong của Lào và hai dự án sắp tới của Cao Miên.

Lãnh đạo đất nước ra sao mà Hà Nội lại cho các tỉnh mua điện của Lào" Và thay vì đưa xứ này về phe mình - mở đường cho Lào phát triển kinh tế qua biển Đông - thì lại để Lào tìm sự hợp tác kỹ thuật và kinh doanh với Thái Lan nhằm giải quyết nhu cầu kinh tế sinh tử của họ!

Về môi sinh hay kinh tế, chúng ta đều biết sự tai hại của các đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong. Các tổ chức môi sinh quốc tế đều đã báo động chuyện đó từ bên Tầu mà vô hiệu, và nay báo động thêm về nguy cơ sẽ thấy tại Lào - và Cao Miên sau này. Hệ thống thủy điện ấy sẽ hủy diệt chu trình sinh sống của thủy sản, tôm cá, cho hệ thống tiêu tưới và canh tác ở hạ nguồn, sẽ khiến sông Hậu giang hay Tiền giang, Cửu Long hay Ba Thác gì đó thành những con sông què, và nhiễm phèn. Hạn hán hay lũ lụt gì thì cũng thành cơm bữa.

Nhưng nhìn từ xứ Lào thì thủy điện là quyền lợi kinh tế sinh tử. Lào có thể quan tâm đôi chút đến chuyện tôm cá tại Biển Hồ Tonlé Sap của Cao Miên hay sinh hoạt canh nông tại Châu thổ Cửu Long, nhưng với ưu tiên rất thấp nếu so sánh với triển vọng năng lượng của họ.

Mà càng bị sức ép từ phía Việt Nam, họ càng tìm hậu thuẫn của... Thái Lan. Và rơi vào vòng tay chờ đợi của Trung Quốc!

Từ năm năm nay rồi, Trung Quốc đã vượt Thái Lan rồi Việt Nam để là nguồn đầu tư lớn nhất tại Lào - vào hai khu vực chính là khoáng sản và thủy điện. Trong khi ấy, Hà Nội biểu diễn võ công phá sản của Vinashin và các tập đoàn kinh tế quốc doanh!

Tinh vi hơn thế, Bắc Kinh còn cổ võ việc hợp tác kinh tế Lào-Thái để vừa kéo Thái Lan vào trong, vừa đẩy Việt Nam ra ngoài. Họ cũng lặng lẽ xây dựng thế hệ lãnh đạo mới tại Lào để ảnh hưởng tới quyết sách ngoại giao và chính trị Lào trong tương lai.

Y như đã thực hiện trước đó tại xứ Chùa Tháp: năm xưa, Cao Miên đã nêu vấn đề về các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. Nhưng khi Bắc Kinh đấm mõm cho hai triệu đô la để xây trụ sở Quốc hội mới thì Nam Vang bỗng hết tiếng vang.

Vạn Tượng rồi đây cũng sẽ im như tượng...

***

Sau khi hiểu ra nhiều giác độ khác nhau của bài toán Xayaburi - màn đầu của nhiều tai họa khác - chúng ta có thể và nên hỏi rằng Việt Nam có thể làm gì"

Thứ nhất, đây là một vấn đề quốc tế, tức là có sự tham gia của nhiều quốc gia hơn là một hồ sơ Lào-Việt. Thứ hai, đây là một vấn đề chiến lược, là liên hệ tới cả kinh tế lẫn ngoại giao. Thứ ba, đây là loại nan đề tương hằng, biện chứng, với nguyên nhân tương tác với hậu quả và giải pháp cho vấn đề này có thể là nguyên do của vấn đề khác....

Khi gặp một hồ sơ quốc tế, Việt Nam cần quốc tế quan tâm, theo dõi và hậu thuẫn quan điểm của mình.

Quốc tế là Liên hiệp quốc, là Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN mà Thái, Miên, Lào cũng thành viên như Việt Nam. Quốc tế là các cơ quan chuyên môn như Ủy ban Kinh tế Xã hội ESCAP của Liên hiệp quốc tại Á châu Thái bình dương, là Chương trình Phát triển UNDP của Liên hiệp quốc, hay Ủy ban Mekong MRC và các tổ chức bảo vệ môi sinh của thế giới... Đây là những diễn đàn có thể gióng lên tiếng chuông báo động và tranh thủ sự quan tâm của thế giới.

Quốc tế ở đây còn có Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Ấn Độ hay Úc. Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đích thân tham dự hội nghị cấp Bộ trưởng của Ủy ban Mekong năm xưa và ngày nay, khi Nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái bình dương Ngoại giao Thượng viện, đang nêu vấn đề thì đấy là cơ hội vận động.

Việc vận động ấy ngay trong Quốc hội Hoa Kỳ phải là ưu tiên, hơn là trò bắt bớ những người kêu đòi dân chủ! Ngoài ra, còn nhiều phươn thức khác nữa, nhưng bài viết đã quá dài.

Sau cùng, khi Xayaburi là vấn đề chiến lược liên hệ đến cả kinh tế lẫn ngoại giao, cách ứng xử cũng phải có tầm chiến lược: trở thành ưu tiên không chỉ vì chuyện hủy hoại môi sinh mà còn là một phần quan trọng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Vấn đề này bao gồm cả tranh chấp chủ quyền ngoài Đông hải và trên đất liền của vùng biên giới Việt-Hoa mà Hà Nội nên chấm dứt sự ngu dại khi cứ gọi là Việt-Trung!

Còn công nhận tính chất trung tâm của xứ láng giềng này thì còn chấp nhận quyền khuynh đảo của Trung Quốc trên toàn khu vực.

Trong quan hệ tương hằng chằng chịt của hồ sơ tiêu biểu là Xayaburi - mở đầu cho nhiều tai họa khác - việc Hà Nội tiêu cực ngăn cản Lào chỉ là giải pháp tiêu cực, vì dẫn tới hậu quả là đẩy Lào về phía Trung Quốc (chưa nói đến Thái Lan, con buôn và môi giới truyền thống). Việt Nam phải tìm ra giải pháp có lợi cho kinh tế Lào để vì quyền lợi của họ mà Vientiane khỏi tăng cường quan hệ lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Đòi hỏi chuyện ấy là điều quá khó cho lãnh đạo Hà Nội, vốn dĩ lại sợ dân chủ và lo cho Vinashin hay AgriBank!

Nhớ lại, trong một tiền kiếp, gần hai chục năm trước, người viết được sơ tuyển làm tư vấn kinh tế cho xứ Lào. Nhưng hồ sơ do Liên hiệp quốc quản trị lại được Vientiane đưa qua hỏi ý... Hà Nội, với kết quả là lời chỉ đạo: "coi chừng ý đồ của bọn xấu!" Bị bác mà khỏi cần nêu lý do!

Hơn năm năm trước, người viết cũng bạo phổi dự đoán trên cột báo này rằng cuộc chiến Việt-Hoa sẽ xảy ra không phải là ngoài Đông hải mà trong rừng núi xứ Lào, trước sự thờ ơ của thế giới. Sau đó Hà Nội sẽ thúc thủ và Việt Nam trôi vào trật tự Trung Quốc.

Dự đoán ấy sai bét, vì cuộc chiến thể hiện dưới dạng khác... Nó đã bắt đầu với đập nước Xayaburi...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.