Hôm nay,  

Phía Bên Kia Chân Trời

15/03/201100:00:00(Xem: 8782)

Phía Bên Kia Chân Trời

Ngân Giang

Duy thức tông là một tông phái lớn trong Đại Thừa. Cái tên “duy thức” tóm tắt toàn bộ tư tưởng của tông phái này. Mọi vật, bao gồm tất cả sinh động vật, chung quanh mà mình đang thấy hay cảm nhận đều xuất phát từ tâm thức. Thế giới khách quan bên ngoài mà mình tự cho là biết đến từ ngũ giác, và cái thế giới đó không hiện hữu. Đi xa hơn nữa, cả cái “ta”, cái chủ quan mà mình dùng để nhận biết cái khách quan bên ngoài cũng không thật.

Chỉ có thức, hay còn gọi là tâm, là cái duy nhất hiện hữu, và từ thức mà mình cảm nhận được mọi thứ. Nếu dùng ngôn ngữ thế kỷ 21 để diễn đạt tư tưởng có từ thế kỷ thứ 6 ở Ấn Độ này thì mình sẽ nói là khi đến rạp xi nê xem phim không gian 3 chiều, mỗi người được phát một cái kính đặc biệt chỉ dùng để xem phim 3D, và trong trường hợp đó thì kính xem phim là cái chủ quan mà tâm thức, ở đây là người xem, dùng để cảm nhận thế giới khách quan là bộ phim 3D.

Có thể tìm thấy một tư tưởng tương tự ở trời Tây, vào thời đại Phục Hưng, trong câu nói nổi tiếng của Descartes “I think therefore I am” (Tôi nghĩ cho nên tôi hiện hữu) khi ông băn khoăn và hoài nghi tất cả, từ niềm tin cho đến sự hiện hữu của chính mình. Câu nói này là lời kết luận cuối cùng trong chuỗi suy tư của ông. Thế giới khách quan và bản thân con người xương thịt ông có thể không hiện hữu, nhưng nhận thức của ông là có thật, vì nếu không thì làm sao ông biết mình đang suy nghĩ được.

Có thể còn nhiều nguyên nhân cơ bản khác, nhưng tư tưởng của Descartes đã không trở thành tôn giáo hay dùng để phát triển giáo lý cho một tôn giáo nào như duy thức tông có lẽ là do tư tưởng Á châu thiên về tìm lời giải đáp cho những mảng trầm mặc, huyền bí trong đời sống con người. Cụ thể là chính thiền sư Vô Thức, một tăng sỹ ở Ấn Độ đã sáng lập ra Duy Thức Tông, trong khi Descartes là một triết gia người Pháp. Nếu ai thích ví von có thể nói một nhà hiền triết Á châu sẽ trở thành hoặc vốn là một tu sỹ, còn một hiền triết phương Tây sẽ trở thành một triết gia. Cùng là trăn trở về tương lai, về phía bên kia chân trời, nhưng người phương Đông thường bắt đầu từ quá khứ, còn người phương Tây xuất phát từ hiện tại.

Thật ra Duy Thức Tông không hoàn toàn mới mà chỉ là đào sâu hơn triết lý Phật giáo nguyên thuỷ từ khi Đức Thích Ca Mâu Ni giác ngộ hơn 1 ngàn năm trước đó. Trong 3 đặc điểm mang tính nguyên lý của Phật giáo là vô ngã, vô thường và khổ thì 2 nguyên lý đầu rất gần với tư tưởng duy thức tông. Vô ngã nghĩa là không có cái “ta” bởi lẽ không có cái gì tự bản thân mà có; mọi thứ đều lệ thuộc lẫn nhau, đều tuân theo quy luật nhân duyên, trong đó cái này là hệ luỵ của cái xảy ra trước nó. Như vậy, dẫu lời lý giải có thể khác, nhưng vô ngã chính là sự phủ nhận sự hiện hữu của cái chủ quan trong duy thức tông. Còn vô thường định nghĩa mọi hiện tượng trên thế giới đều liên tục biến đổi không ngừng. Mọi thứ, mọi sinh đông vật, động hay tĩnh, đều chỉ là hiện tượng tức thời và vì thế không có gì có thể bất biến hay vĩnh hằng. Như vậy từ vô thường đến việc phủ nhận luôn thế giới khách quan trong duy thức tông chỉ còn là một bước nhỏ, mặc dầu phải đợi đến gần 1 ngàn năm sau tông phái này mới ra đời.

Người ta thường hay trầm tư, bi quan khi đối diện mất mát lớn. Có người sớm suy tư khi còn đang vui vầy hạnh phúc, có người khi mất người thân thuộc thì nghĩ đến, có người đợi đến chính số mệnh của mình bị đe doạ trầm trọng mới trăn trở, và cũng có người vô tư cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Cuộc hành trình trong tư tưởng của mỗi người không hoàn toàn giống nhau, và mỗi người tuỳ hoàn cảnh và thời gian mà ở một chặng đường khác nhau trong cuộc hành trình đó. Có người dùng niềm tin, hay tôn giáo, chủ thuyết nào đó làm kim chỉ nam hay là một ngọn đuốc soi đường cho cuộc hành trình đó. Thế giới toàn cầu hoá ngày hôm nay tuy được thu nhỏ lại nhờ công nghệ, kỹ thuật khoa học tiến bộ nhưng lại quá phong phú, đa dạng và năng động nên dầu kế thừa được những tư tưởng lớn 5 ngàn năm văn minh nhân loại, nhưng con người ngày hôm nay vẫn chưa thể thống nhất tìm ra một con đường đi chung cho tất cả. Cái tít bài báo mấy năm trước đăng tin Thủ Tướng Tony Blair của Anh đổi từ đạo Anh giáo sang Công Giáo không làm mình suy nghĩ nhiều bằng lời chúc mừng ông Blair của Giám mục Anh giáo ỏ Luân Đôn khi nói “chúc mừng Thủ Tướng trên con đường hành trình tâm linh của mình.”

Thủ Tướng Anh Tony Blair chắc không đơn giản chỉ đổi đạo theo vợ một cách hời hợt trong một xa hội đại đa số là Anh giáo và ông là một chính trị gia cần sự ủng hộ của dân chúng mà chắc ông cũng đã từng trăn trở, hoài nghi về chính con đường mình đang đi. Hoài nghi tất cả là lời dạy của Socrates cho học trò mình ở Hy Lạp, trên dưới 1 thế kỷ sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni khai sáng đạo Phật. Hoài nghi là thách thức và cũng là cơ hội. Nó bắt mình đặt câu hỏi và tìm câu trả lời. Nó có thể làm rung rinh cái nền tảng mình đang đứng và nó cũng có thể củng cố vững chắc hơn cái nền tảng đó. Hoặc cả hai.

Cuộc hành trình đến cuối chân trời mênh mông và thăm thẳm, không biết bao giờ hay sẽ có ngày đến được. Phía bên kia chân trời đó là gì, và như thế nào" Ngày nào mình còn nghe được hơi thở và suy nghĩ của chính mình thì ngày đó mình còn được may mắn băn khoăn mãi câu hỏi đó.

Ngân Giang

Palm Beach 13/3/2011

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi bị áp bức, bóc lột, con người đương nhiên phải đối kháng. Đấu tranh là hình thức đối kháng dứt khoát và triệt để nhất vì nhắm tới mục tiêu
Trong một bài viết trước đây về Nghị Viên Madison Nguyễn và quyết định của Hội Đồng Thành Phố San Jose
Đó là trường hợp của cố Giáo sư Hoàng Minh Chính, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho các lý tưởng của ông. Trong 72 năm dấn thân tranh đấu vì sự độc lập
Sau vòng đầu phiếu sơ bộ ngày Thứ Ba Trọng Đại (mùng năm tháng Hai) với kết quả ngang ngửa, Nghị sĩ Hillary Clinton bị choáng váng vì ngày Thứ Ba Trọng Đại
Người Việt Nam có truyền thống “Vui Xuân Không Quên Chiến Sĩ”, trước năm 1975 vào dịp Tết Nguyên Đán
Trong những tháng vừa qua, cả thế giới đều ưu lo về tình hình kinh tế Hoa Kỳ, vì sợ rằng kinh tế Mỹ mà bị suy trầm thì mình cũng bị ảnh hưởng
Sau khi Charles Darwin xuất bản cuốn "On The Origin of Species" (Về Nguồn gốc  các chủng loại) vào năm 1859, các cuộc tranh luận về nội dung cuốn sách
Khi các lãnh tụ XHCN miệng nói là đại biểu bảo vệ quyền lợi của công nhân, nhưng lại trải thảm đỏ mời tư bản vào bóc lột công nhân VN 
Bây giờ là Thế kỷ 21 mà người  Cộng sản Việt Nam (CSVN) vẫn giữ thói quen nói những điều không có để tuyên truyền xuyên tạc sự thật và  bóp méo lịch sử.
Đất Thanh Hóa gần quê tôi, từ nhỏ tôi đã nghe và biết về vùng đất này. Bố tôi và các anh lớn con ông Bác đã đi “bè” chở nứa từ Thanh hóa về cho mẹ tôi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.