Hôm nay,  

Nỗi Buồn Của Lê Bá Đương

25/02/201100:00:00(Xem: 11477)
Nỗi Buồn Của Lê Bá Đương

Đoàn Thanh Liêm
Lê Bá Đương trước năm 1975 làm việc trong ngành truyền thanh, cùng thời với nhà văn Trần Phong Vũ, nhà thơ Trần Dạ Từ, Vương Đức Lệ, nhà báo Vũ Ánh, Nguyễn Tuyển, v.v... Sau khi chế độ miền Nam xụp đổ, cũng như bao nhiêu viên chức, sĩ quan khác Đương phải đi vào “trại tù cải taọ”. Chừng 6-7 năm thì Đương được thả về với gia đình tại khu Ngã Ba Ông Tạ.
Nhưng thật là xui xẻo Đương đã bị tai nạn khi đi tắm tại bãi biển Phước Tỉnh gần Long Hải và chết đuối vào giữa năm 1986. Lúc qua đời, Đương mới có ngoài 50 tuổi. Là anh em bà con cô cậu và cùng quê, đồng lưá tuổi với Đương, nên tôi và Đương rất gắn bó thân thiết với nhau.
Vừa mới đây, nhân một anh bạn ở Saigon qua thăm con cháu bên Mỹ nói chuyện trao đổi với tôi về kỷ niệm với các bạn cùng quê xưa ở đất Bắc, tôi được biết thêm chi tiết về tâm sự cuả Lê Bá Đương. Và đó là lý do thúc đẩy tôi phải viết bài này.
Trước hết, tôi phải nói ngay là Lê Bá Đương chẳng phải là một nhân vật quan trọng, một tài năng xuất chúng nào cả. Anh chỉ là một viên chức ngạch bậc trung trong ngành truyền thanh cuả chế độ Việt nam Cộng hoà. Ngoài chuyện đi làm, anh còn đi dậy học thêm về môn Văn và Sinh ngữ tại một vài trường trung học xung quanh Saigon. Nhưng điều đáng nói nhất nơi Đương là bất cứ ai quen biết với anh, thì phải nhận định rằng : “Đương là một người đàng hoàng, tử tế, lương thiện”. Và do đó mà điều anh nói, anh tâm sự thì đều có thể coi là “một chứng từ có thể tin cậy được”.
Câu chuyện có thể ghi lại ngắn gọn như sau : Vào đầu năm 1986, Đương cùng với một người anh tên là Lê Bá Đức đi về thăm bà con ở ngoài Bắc. Hai anh em đặc biệt muốn về thăm người chú ruột năm đó đã ngoài 80 tuổi, đó là vị Giám mục Giáo phận Bùi chu tên là Lê Hữu Cung. Cả hai người đều có giấy phép đi đường hợp lệ, nhất là Đức lúc đó còn là một trưởng ấp tại Hóc môn. Khi vừa xuống nhà ga xe lưả thành phố Nam Định, thì hai anh em bị công an chặn lại, hỏi giấy tờ và đem vào trụ sở cật vấn khám xét hành lý. Họ giữ lại các thứ thuốc men mà bà con ở miền Nam gửi riêng cho Đức cha Cung đã bị nhiều bệnh hoạn vì già yếu lắm rồi. Công an giữ hai người lại suốt 2-3 ngày, bắt phải viết các lời khai để trả lời đủ mọi thứ câu hỏi với các chi tiết liên quan đến nhiều người trong gia đình ở miền Nam, mà chính Đương cũng chẳng làm sao mà biết rõ hết được. Nhiều lần công an đã doạ nạt Đương là “Anh chưa khai báo hết sự thực. Anh chưa có thành khẩn!” Rồi họ cũng cho hai người tiếp tục về quê ở huyện Xuân Thuỷ-Hải Hậu để thăm chị cuả Đương là cô Quế và các bà con khác.
Cùng với cô Quế hướng dẫn, hai anh em Đức-Đương đã đến Toà Giám mục Bùi chu để thăm ông chú là Đức cha Cung. Đến nơi, cả ba người phải vào trình diện đồn công an đặc trách riêng về Toà Giám mục và lại bị hạch sách cật vấn một lần nữa. Cô Quế vốn ở lại miền Bắc, nên đến thăm chú thường xuyên, mà chưa lần nào bị làm khó dễ như lần này. Sau cùng, thì cả ba anh em cũng gặp được người chú. Nhưng lại không được tự nhiên, thỏai mái như cuộc họp mặt gia đình bình thường giưã chú và các cháu.
Sau chừng một tháng về thăm quê hương sau trên 30 năm xa cách, hai anh em trở về miền Nam. Gặp lại tôi, Đương tâm sự : “ Em về thăm bà con ở quê hương đất Bắc, nói chung thì bà con đều vui vẻ, đón tiếp rất thân tình. Phần đông thì đều nghèo khó, túng thiếu, nên chúng em cũng góp phần gửi quà cho mọi người trong thân tộc. Nhưng cái vụ bị công an hạch sách, cật vấn vì do sự liên hệ với Đức cha làm cho chuyến đi này đâm ra mất hết hứng thú. Bố chúng em mất từ lâu rồi, bây giờ chỉ còn lại có một mình ông chú là chỗ dựa tinh thần cho cả dòng họ, mà cụ lại già yếu rồi. Cho nên chúng em thật lòng muốn tới săn sóc thăm viếng và an ủi ông cụ. Chứ nào có tình ý gì khác, ngòai cái việc làm tròn bổn phận chữ Hiếu, vì “Chú cũng như Cha”. Và em thật là buồn vì đến lúc này, chiến tranh đã chấm dứt trên 10 năm rồi, mà sự nghi kỵ hận thù vẫn còn chồng chất đến như vậy! Cứ cái não trạng lạc hậu như thế này, thì làm sao mà đất nước, dân tộc mình lại có thể tiến bộ văn minh cho được"”

Đương còn cho tôi biết là: “Anh coi đó: Cả tỉnh Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà nam, Nam định và Ninh bình được sáp nhập lại sau năm 1975) với trên 3 triệu dân, mà vị Giám đốc công an tỉnh cũng chỉ là một sĩ quan cấp bậc Trung tá. Ấy thế mà vị Trưởng toán công an cạnh Toà Giám mục Bùi chu gồm cỡ 10-15 nhân viên thôi, thì cũng mang cấp bậc Trung tá. Điều này chứng tỏ nhà nước họ vẫn còn đặt nặng việc kiềm chế, theo dõi bám sát giới lãnh đạo công giáo, dù là ở nơi miền quê đồng chua nước mặn vốn quanh năm nghèo túng thiếu thốn, mà người dân hầu hết đều là ít được học hành như tại giáo phận Bùi chu này.”
Tôi vẫn nhớ Đương không có dài dòng kể lể gì nhiều với tôi về chuyến đi thăm quê hương dịp đó. Cũng như không bao giờ Đương than phiền về chuyện phải " ở tù cải tạo" suốt 6-7 năm sau khi chế độ miền nam xụp đổ. Nhưng cái tâm sự buồn chán vì phải chứng kiến tận mắt cái cảnh công an theo dõi, canh chừng bám sát vị Giám mục là chú ruột cuả mình, đến độ mà cả hai anh em Đức và Đương đã trở thành nạn nhân cuả sự lục soát, cật vấn đến mấy ngày liền tại đồn công an thành phố Nam Định như đã ghi ở trên., thì tôi rất là thông cảm chia sẻ với Đương.
Lý do là chính bản thân tôi vào các năm 1982-83 sau vụ anh Đinh Thế Vinh một giáo sư dậy môn Lý Hóa và nhà văn Huy Trâm bị bắt, thì tôi cũng bị công an tôn giáo tra hỏi cật vấn liên tục trong nhiều buổi “làm việc” với họ tại trụ sở, cũng như tại mấy quán café vắng vẻ trong thành phố. Người trực tiếp phụ trách về chuyện của tôi là anh cán bộ trẻ tuổi có tên là Hai Tá. Anh này là cán bộ công an tôn giáo ở Sở Công an thành phố Saigon, anh ta bắt tôi phải viết đủ thứ bài “kiểm điểm thu hoạch” về những liên hệ đến các giới chức linh mục, tu sĩ của Giáo hội Công giáo tại Saigon, vì hồi xưa tôi sinh họat trong Nhóm sinh viên công giáo và cả Phong trào Trí thức Công giáo Pax Romana. Và khá nhiều bạn hữu khác của tôi trong giới công giáo họat đông xã hội trước năm 1975, cụ thể như Vũ Sinh Hiên, thì cũng đều bị công an “hỏi thăm sức khỏe” liên tục đều đều, có khi còn nhiều hơn tôi nữa.
Sau đó không bao lâu, thì chính Đương lại bị tai nạn mà chết. Và năm 2009 này, sau 23 năm kể từ ngày Đương mất đi, người bạn thân thiết mới từ Saigon qua kể lại thêm chi tiết về chuyện cuả Đương, gợi lại cho tôi nhớ rõ đến cái tâm sự buồn bã đến chán chường cuả Đương sau chuyến về thăm bà con, thân nhân vào năm 1986 đó.
Như đã ghi ở trên, người anh em bà con cô cậu với tôi chẳng phải là một nhân vật xuất chúng gì để tôi phải đề cao ca tụng về công lao sự nghiệp cống hiến cho xã hội, cho đất nước chi chi cả. Mà tôi chỉ kể lại cái chứng từ đáng tin cậy cuả một con người tử tế lương thiện như Lê Bá Đương, mà các bạn bè đồng nghiệp với anh trong ngành truyền thanh cũng như nơi trường học trước năm 1975 đều biết rõ và quý mến yêu chuộng. Cái chứng từ đó rất đơn giản là : Chính quyền cộng sản vẫn rất nghi kỵ và kiềm chế gắt gao đối với lãnh đạo tôn giáo, dù là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài hay Hoà hảo.
Ngay vưà mới đây thôi, chỉ trong hai tháng 6,7 năm 2009 này, qua hai vụ bạo hành nặng tay cuả bọn côn đồ do công an nhà nước xúi giục tổ chức đối với tăng sinh tại Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, cũng như đối với giáo dân và tu sĩ tại Tam Toà Đồng Hới, thì rõ ràng là chính quyền cộng sản chưa hề thay đổi gì về chính sách triệt hạ đàn áp thâm độc đối với tôn giáo. Họ có để cho có một chút “tự do thờ phượng” (freedom of worship) cho các tín đồ được đi lễ ở chùa, ở nhà thờ, cốt ý để trình diễn xoa diụ với bên ngoài, chứ đó không phải thực chất là tự do hành đạo, chưa phải đích thực là tự do tôn giáo. Và chính đó là sự cố tình gây chia rẽ trong đại khối dân tộc, cũng như làm phá hoại ngay tận nền móng của cơ sở luân lý đạo đức trong truyền thống văn hoá tâm linh ngàn đời cuả xã hội Việt nam chúng ta.
Tôi xin kết thúc bài viết về “Nỗi buồn cuả Lê Bá Đương” này bằng một câu thật ngắn như sau :
“Than ôi! Người vẫn chẳng tin Người!!”
California Ngày Rằm Tháng Bảy Năm Kỷ sửu 2009
Đoàn Thanh Liêm

Ý kiến bạn đọc
25/02/201114:16:19
Khách
Ông Liêm ơi!!! đến giờ mà ông vẫn còn cho lũ CỘNG SẢN là người thì ông ngây thơ quá...
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Non sông Việt Nam từ ải Chi Lăng cho đến mũi Cà Mâu, bao gồm đất đai, vùng trời, vùng biển và hải đảo, là di sản của tiến nhân để lại sau hàng ngàn năm
Có những mối nhục dùng gươm mà rửa Có những thương đau rồi sẽ mờ phai Có những cắt chia, mai mốt nối dài Có những phẫn nộ, tương lai sẽ tỏa
Tối nay tôi cùng Minh Bình, bác Diệu Phụng, Diệu Phượng, Diệu Thuận và Đức Trang Nghiêm đến tụng kinh Dược Sư cho Viên Bảo Mỹ.
Mấy ngày qua trên Internet đã có nhiều hình ảnh và tin tức về các cuộc biểu tình của thanh niên Hà Nội, thanh niên Sài Gòn, xuống đường phản đối Trung Cộng
Thư này được viết cho những người trẻ, những trí thức văn nghệ sĩ và tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào.
Trong những ngày tháng qua, có những con người quên ăn quên ngủ nóng lòng hướng về miền Trung, nơi mà thiên tai hàng năm vẫn không tha
New Orleans được dân Việt gọi là Ngọc Lân, thủ đô nhạc Jazz với những đại hội và những nhạc sĩ tên tuổi cỡ Louis Amstrong, Bessie Smith, Duke Ellington
Vũ khí tang vật xuất hiện trong hành lý ký gởi qua đường hàng không quốc tế là một trong những yếu tố tội phạm quan trọng liên quan đến nhiều lãnh vực
Trong những ngày qua, người Việt khắp năm châu đang theo dõi và tán thưởng những hành động can đảm, đượm tinh thần quốc gia dân tộc
Cụ Trần Trọng Kim, một nhà giáo lỗi lạc, một học giả danh tiếng và cũng là vị Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam, đã viết trong bộ sử “Việt Nam Sử Lược”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.