Hôm nay,  

Tổng Kết Về Kinh Tế Việt Nam

05/01/200600:00:00(Xem: 10779)

Bước qua năm mới và trong suốt tháng Giêng này, Diễn đàn Kinh tế sẽ thực hiện chương trình tổng kết về kinh tế Việt Nam trong năm qua và nêu ra một số vấn đề cần chú ý trong năm tới. Tiết mục chuyên đề qua cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ được Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong chương trình tổng kết về kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ lần lượt phân tách một số ưu nhược điểm của nền kinh tế này trong năm 2006 đang bắt đầu, nhưng trước hết, chúng ta sẽ lược duyệt về những thành quả trong năm qua. Đầu tiên, xin ông nêu ra một số nhận xét về tổng thể, về tình hình chung trong năm qua.

- Năm 2005 vừa kết thúc là một năm may mắn cho Việt Nam trên bình diện kinh tế. Một số người trong chính quyền có thể là thất vọng vì Việt Nam không kịp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO như họ đã trông đợi và hứa hẹn với công chúng từ hai năm nay. Riêng tôi thì lại thấy rằng đấy cũng là một điều may khác.

Hỏi: Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập từ 10 năm nay, cuối cùng vẫn không kịp, vì sao đó lại là chuyện may mắn"

- Nói cho ngắn gọn thì Việt Nam chưa được chuẩn bị. Việc gia nhập WTO không đơn giản là có một văn kiện chấp thuận của Hội nghị cấp Bộ trưởng vào tháng 12 vừa qua tại Hong Kong mà là một chuỗi điều kiện rất phức tạp cho toàn bộ cơ chế luật pháp, kinh doanh và kinh tế của cả xã hội. Việt Nam chưa hội đủ những điều kiện ấy trong thực tế nên việc gia nhập WTO có thể gây ra rất nhiều khó khăn với cái giá rất đắt về kinh tế và xã hội sẽ phải trả sau này.

Hỏi: Như vậy ông cho rằng năm nay Việt Nam nên làm những gì"

- Việt Nam đã qua 11 phiên họp chính thức với tổ Công tác của WTO và đạt hiệp ước thương mại song phương với 22 trong số 28 quốc gia có nêu vấn đề, nhưng vẫn phải vượt qua sáu cửa ải khác, kể cả với Hoa Kỳ, New Zealand và Úc Đại Lợi. Năm qua, Quốc hội Việt Nam ráo riết làm luật và qua kỳ họp thứ bảy vào hai tháng Năm và Sáu đã thông qua 15 đạo luật. Nhưng những chuẩn bị ấy vẫn chưa đủ.

Trong năm 2006 này, Việt Nam nên suy nghĩ và hành động ngược lại, tức là nhân cơ hội này, thông tin, giải thích và chuẩn bị dư luận lẫn các doanh nghiệp nội địa cho kỹ hơn để nâng cao sức cạnh tranh thay vì chỉ tìm cố thuyết phục các nước đối tác còn lại hãy mở cửa WTO cho mình. Sau này, ta có thể sẽ nói đến việc chuẩn bị như thế nào ở bên trong, căn cứ trên khuyến cáo của quốc tế và của cả các doanh gia trong nước.

Hỏi: Bước qua phần nhận định tổng quát, ông vui lòng chứng minh việc ông cho là năm qua Việt Nam có nhiều may mắn trên lãnh vực kinh tế và đã đạt một số thành quả đáng kể"

- Trong ngắn hạn, năm qua Việt Nam gặp hai nguy cơ đáng ngại là dịch cúm gia cầm và xăng dầu lên giá. Nhưng cuối cùng thì đại dịch chưa xảy ra, và chúng ta mong là sẽ không xảy ra. Thứ nữa, xăng dầu lên giá nhưng không gây xáo trộn quá đáng về vật giá, phân phối và sản xuất. Vì dịch cúm gà và xăng dầu tăng giá, lạm phát có thể đe dọa mức sống dân cư, cuối cùng thì chỉ số giá cả chỉ tăng có 8,5%, so với năm ngoái còn giảm được 1%.

Trong dài hạn thì đà tăng trưởng từ 1993 đến nay tăng bình quân là gần 6%. Năm qua có giảm chút đỉnh so với năm kia mà vẫn trên 7,5% và có thể đạt 8%. Nhờ vậy tỷ lệ nghèo đói của người dân có giảm. So với 1993, khi hơn 58% dân số còn sống dưới mức bần cùng thì năm qua, tỷ lệ bần cùng đã sụt dưới 20%. Đây là thành quả đáng kể nhất về mặt kinh tế, căn cứ trên những dữ kiện mới nhất, được Cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước và các định chế quốc tế như Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới tổng hợp vào cuối năm qua.

Hỏi: Trên diễn đàn này, ông nêu nhận xét là trong đà tăng trưởng ta còn phải kể tới phẩm chứ không chỉ nói về lượng. Về phẩm chất thực tế thì tình hình có tốt đẹp như vậy không"

- Khi nói đến tốc độ tăng trưởng, ta nói về lượng, về số bình quân hơn bù kém của nhiều thành phần và địa phương, nên mình phải chú ý đến hai yếu tố về “phẩm chất”, hay như ở nhà thường gọi là “chất lượng”. Thứ nhất, thành quả tăng trưởng này có được phân phối đồng đều hay chăng và thứ hai, đà tăng trưởng ấy có bền vững hay không.

Hỏi: Tiêu chuẩn về phẩm vì vậy có thể là mức độ công bằng xã hội của tăng trưởng hay sao"

- Về yếu tố công bằng xã hội đó thì mức chênh lệch giàu nghèo có đào sâu mở rộng. Sai biệt giàu nghèo được đo bằng hệ số Gini, là mức sai biệt giữa hai nhóm ngũ phân giàu nghèo, giữa 20% dân số giàu nhất với 20% dân số nghèo nhất, có gia tăng trong mấy năm qua. Nghĩa là cư dân thành phố và một số địa phương có mức sống gia tăng nhanh hơn nhiều thành phần khác.

Hỏi: Như vậy, nghĩa là thành quả tăng trưởng vẫn chưa được phân phối đồng đều, phải không ạ" Thế còn yếu tố thứ hai, về sự bền vững của đà tăng trưởng ấy thì sao"

- Về yếu tố gọi là bền vững, ta có thấy dấu hiệu tiêu cực khi khiếm hụt thương mại vẫn tăng. Năm 2000 chẳng hạn, Việt Nam bị nhập siêu hơn một tỷ Mỹ kim, năm nay mức thâm hụt ấy vượt bảy tỷ và còn tăng. Hậu quả là thiếu hụt vãng lai tính theo tỷ lệ của tổng sản lượng nội địa GDP đã tăng đều, từ 2% GDP năm 2000, nay đã quá 4,5%. Nếu không có đầu tư nước ngoài và nhất là tiền tươi do người Việt hải ngoại gửi về hàng năm, tình hình còn khó khăn hơn nhiều vì món nợ ngoại trái.

Cho nên, khi tổng kết về kinh tế Việt Nam, ta không chỉ nói đến khả năng làm ăn sinh hoạt của hơn 82 triệu người trong nước mà phải kể thêm chừng bốn tỷ Mỹ kim người Việt ở ngoài vẫn gửi về qua ngả chính thức. Nếu cộng thêm du lịch và các khoản trợ giúp gián tiếp cho thân nhân thì phần đóng góp của hai triệu người ở hải ngoại có thể lên đến hơn bảy tỷ, tương đương với số nhập siêu của Việt Nam. Đây là một điều may mắn khác cho Việt Nam!

Hỏi: Ông giải thích thế nào về kết quả đó, nhất là năm nay Việt Nam sẽ kỷ niệm 20 năm của công cuộc đổi mới kinh tế được đề xướng sau Đại hội khóa VI vào cuối năm 1986"

- Lời giải thích ở đây là giới chuyên môn ở Việt Nam chưa có khả năng thuyết phục và giáo dục cao hơn cho thành phần lãnh đạo Việt Nam trong Bộ Chính trị Trung ương đảng. Công cuộc đổi mới thực sự chỉ bắt đầu từ 1991 trở về sau, trước đó chỉ là đảng buông tay chấm dứt sự can thiệp và chỉ đạo phi lý trong kinh tế. Từ 1991 trở đi, khi chẳng còn giải pháp nào khác họ mới chịu thay đổi và vừa làm vừa học, vừa phóng đại kết quả - vốn dĩ do người dân tạo ra một cách tự phát khi bớt bị nhà nước cấm đoán và kiểm soát.

Hỏi: Tuy nhiên, giới lãnh đạo của Việt Nam cũng có nêu ra một số mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng và chỉ tiêu trong kinh tế, điều ấy có đóng góp cho đà tăng trưởng ấy không"

- Thế mới khổ! Thực ra, không có loại nghị quyết khẩu hiệu ở trên đưa ra, người dân vẫn biết xoay trở và đạt kết quả khả quan. Ta không nên quên các câu thần chú định kỳ mươi năm trước, qua các chỉ tiêu định lượng do chính quyền nêu ra để chứng minh sự cần thiết của mình. Không có loại chỉ tiêu ấy thì kinh tế vẫn có tăng trưởng.

Mãi đến gần đây, nhà cầm quyền mới biết là không có gà gáy mặt trời vẫn mọc. Họ hết xào nấu thống kê để nêu ra những chỉ tiêu định lượng cho từng thành phần, khu vực hay ngành nghề, mà bắt đầu chú trọng đến chính sách và luật lệ, nhằm giải phóng sức sản xuất bên trong và hội nhập kinh tế Việt Nam với bên ngoài. Chúng ta bắt đầu thấy điều ấy từ kế hoạch năm năm 2001-2006. Qua kế hoạch 2006-2010, Việt Nam phải chạy nhanh hơn về cải tổ luật lệ và chính sách, lúc đó chúng ta sẽ thấy ra nghịch lý là dân chạy nhanh hơn nhà nước, chính phủ và quốc hội chạy nhanh hơn đảng. Trong mấy kỳ tới, ta sẽ lần lượt phân tách hiện tượng này.

Hỏi: Như vậy, ông có những dự đoán sơ khởi gì về các vấn đề lãnh đạo Việt Nam cần giải quyết trong tương lai hay không"

- Trong mấy năm qua, Việt Nam đã nhận được viện trợ và đầu tư nước ngoài khá dồi dào mà lại dùng không hết, kể cả tiền bạc lẫn ý kiến. Lý do thì phải suy ra từ trên xuống.

Trong tương lai, và tương lai ấy khởi sự ngay từ năm nay, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn cải tổ về cơ chế và chính sách, trước tiên là cải cách hành chính, ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường khả năng lãnh đạo bằng luật lệ công minh để giải trừ một thuộc tính của chế độ độc tài là nạn tham nhũng. Đấy là yêu cầu cải tổ trừ trên xuống, trước hết là cái đầu.

Bước thứ hai là cải tổ về xã hội, nền tảng của sinh hoạt kinh tế. Tức là cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo, y tế, bảo dưỡng sức khỏe và chế độ an sinh cho người cùng khốn. Trong phạm vi ấy, phải xác định vai trò và sự cần thiết của các tổ chức ngoài chính quyền, các đoàn thể tôn giáo, cơ quan thiện nguyện. Vào WTO rồi mà hạ tầng xã hội còn lạc hậu thì sẽ gặp loạn to.

Bước thứ ba mới là điều mà năm nào cũng thấy các nước cấp viện khuyến cáo nhắc nhở, đó là cải tổ cơ chế kinh tế và ngân hàng để nâng cao sức huy động vốn, giải phóng khả năng sản xuất của tư doanh và chấn chỉnh lại hệ thống quốc doanh đang lãng phí tài sản quốc dân trong các doanh nghiệp nhà nước.

Nếu không hoàn thành ba loại việc ấy ở bên trong mà cứ đòi mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài thì Việt Nam sẽ gặp loạn lớn. Lúc ấy, nhiều người có thể hiểu sai là kinh tế thị trường gây ra bất công và động loạn xã hội. Sự thật thì chính cái định hướng xã hội chủ nghĩa và nhận thức thủ cựu, chậm lụt và dè dặt của lãnh đạo mới gây loạn cho xã hội. Trong các kỳ tới, chúng ta sẽ phân tách từng vấn đề này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tổ quốc ta trải qua Quốc nạn. Hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ thiêng liêng nước ta từ lâu đời đang bị ngang nhiên chiếm đoạt.
Tuyết Mai  được đến thăm Paris trước Giáng Sinh, sau khi đi xem nhiều danh lam thắng cảnh và Paris về đêm, một người bạn VN đưa Tuyết Mai 
Cuối thập niên 1970 dân Mỹ đã phải xếp hàng để mua xăng khi khủng hoảng năng lượng xảy ra
Hệ lụy của chính sách trả thù thâm độc qua những kỳ tích “Học tập cải tạo” và “Cải Tạo Công Thương” - mà đảng Cộng sản Việt Nam
Trong 15 năm giảng dạy Ngọc Học, tôi được cơ hội chứng kiến nhiều vụ nhầm lẫn về Đá Quý, nhứt là Kim Cương, gây tổn thất lớn
Nền văn học hải ngoại đang chứng kiến một nhà thơ Du Tử Lê "khác hẳn. Trái ngược hẳn…..."
Phong trào sinh viên, thanh niên và trí thức Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo về một nguy cơ bị xâm lăng
Khoảng đầu thập niên 1970s, phong trào phản chiến khá mạnh ở miền Nam. Vì là chế độ tương đối tự do nên những bài nhạc phản chiến được sáng tác
Chỉ tiêu lao động mỗi người trong ngày là một khúc củi dài 1.5 mét, đường kính ít nhất là 3 tấc. Chúng tôi dùng các dụng cụ tự chế để cưa và tỉa nhánh
Một hiện tựơng đang làm nức lòng giaó dân Việt Nam: nhiều ngàn người Công Giáo Hà Nội trong đêm 18-12-2007
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.