Hôm nay,  

Phạm Văn Liễu: Con Ngựa Già Chưa Biết Mỏi

29/10/201000:00:00(Xem: 7530)

Phạm Văn Liễu: Con Ngựa Già Chưa Biết Mỏi

Phạm Trần
Lời Tác giả: 8 năm trước đây, khi Đại tá Phạm Văn Liễu trao  cho tôi Cuốn Hồi ký của ông “Trả Ta Sông Núi” có kèm theo lời dặn dò: “ Ông Phạm Trần, biếu ông Cuốn sách để ông xem rồi viết cho vài chữ.”
Tôi băn khoăn không biết phải viết gì vì  Đại tá Liễu đã là  một Nhân vật của  Lịch sử từ Cuộc đảo chính hụt Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1960. Nhưng rồi tôi đã “đáp lễ” ông với những dòng mộc mạc dưới đây.
Sau khi đọc, ông gọi cho tôi từ Houston với lời “cảm ơn người đồng hương” rồi cười sảng khóai như ngày nào.
Bây giờ ông đã ra đi vĩnh viễn ngày 20 tháng 10 (2010), hưởng thọ 83 tuổi. Tôi xin phổ biến lại Bài viết này để tiễn đưa ông với một tấm lòng kính mến của một người cùng quê hương ở hạ lưu sông Hồng miền Bắc Việt Nam.
*
Ít người Việt miền Nam không biết đến ông Phạm Văn Liễu vì tên ông cứ trôi nổi với thời gian từ khi Thiếu tá Liễu tham gia cuộc đảo chính không thành chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm ngày 11-11-1960.
Bây giờ ở tuổi 75, ông viết hồi ký "Trả Ta Sông Núi", đã in được 2 trong số 3 tập, kể lại đời mình từ khi thanh niên Phạm Văn Liễu đi kháng chiến chống Tây rồi lưu lạc sang Tầu (1946 - 1949) với ẩn danh "Cách mạng" Trần Sơn Nam trước khi trở về Việt Nam tiếp tục cầm quân đánh nhau với Việt Minh.
Đi cùng quân lính vào miền Nam sau Hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước, người sỹ quan trưởng thành Phạm Văn Liễu tiếp tục chỉ huy quân đội chống lại quân Cộng sản. Năm 1955 ông là người đã thành lập Binh chủng Thủy quân Lục chiến của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và là cấp Chỉ huy thứ hai của binh chủng này.
Đến tháng 11-1960, người từng xưng "Thưa Tổng thống, Tôi người Bắc" với Tổng thống Ngô Đình Diệm để bị "từ chối bắt tay" vào thời các Sỹ quan Quân đội hay các chính khách, cấp chỉ huy dân chính phải "Bẩm Cụ, Thưa con", ông Liễu tham gia cuộc đảo chính trong nhóm Trung tá Vương Văn Đông và Đại tá Nguyễn Chánh Thi. Cuộc đảo chính bất thành khiến ông phải lưu vong qua Cao Miên.
Sau cuộc đảo chính lần hai chống chính phủ Ngô Đình Diệm thành công của nhóm Sỹ quan do tướng Dương Văn Minh cầm đầu năm 1963, ông Liễu giã từ cuộc đời lưu vong bên xứ Chùa Tháp trở về Quân đội tiếp tục cầm quân đánh nhau với Cộng sản hoặc đào tạo Quân đội.
Thời chính phủ Phan Huy Quát ông được mời giữ chức Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia từ 1965 đến tháng 5/1966.
Nhưng cuộc đời binh nghiệp và chính trị của "chuyên viên đảo chính" Phạm Văn Liễu, như nhiều người đã gọi ông hay như ông nhìn nhận "đã tham gia nhiều cuộc đảo chính và phản đảo chính", được coi như "bế mạc" từ năm 1969, khi Tổng thống (Trung tướng) Nguyễn Văn Thiệu, sau thời gian củng cố quyền hành, bổ nhiệm ông giữ chức "ngồi chơi xơi nước" Chỉ huy Trưởng căn cứ huấn luyện Đồng Tâm ở vùng Cửu Long.
Tại đây, có lần ông Liễu bị "ai đó" đầu độc bằng thuốc bỏ vào một bát chè, nhưng thoát chết sau một thời gian dài chữa trị. Ông Liễu nói ông không thể gán cho ai làm việc đó vì ông không nắm trong tay bằng chứng cụ thể nhưng vào lúc bấy giờ, với tính tình bộc trực, ưa nói ngay, nói thẳng và nói thật dù mất lòng của ông Liễu, ai cũng nghi đó là một cuộc "đầu độc" có lý do của những người không ưa hay sợ ông.
Ông Liễu như cá sống trên khô như chim bị nhốt vào lồng không còn toan tính gì được nữa. Vì vậy mà ông đã coi Tổng thống Thịêu là "người có tài củng cố quyền hành chứ không có tài đánh giặc."
Tổng thống Thiệu đã có lần muốn ông đi làm Tỉnh trưởng cho "khuất mắt" nhưng ông Liễu từ chối vì, theo lời ông: "Tôi biết ông Thịêu muốn hủ hoá tôi, đưa tôi vào con đường tham nhũng để bêu xấu tôi."
Và theo lời Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học George Mason) thì ông Liễu cũng từ chối lên cấp Tướng, nếu chỉ để "ngồi mát ăn bát vàng" chẳng có quyền hành gì cả. Ông Liễu , vẫn theo Giáo sư Hùng, chỉ muốn làm Tư lệnh Thủy quân Lục Chiến hay Tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh là hai đơn vị có thể làm đảo chính nên ông Thịêu không bao giờ đồng ý!
Sau ngày quân Cộng sản miền Bắc chiếm Sài Gòn ngày 30-4-1975, mái đầu "đen - bạc" Phạm Văn Liễu lưu vong lần thứ ba sang Hoa Kỳ để rồi lại rơi vào hệ lụy "kháng chiến không đi tới đâu" với "Mặt trận Quốc gia thống nhất Giải phóng Việt Nam" hay còn được gọi là "Mặt trận Hoàng Cơ Minh", từ năm 1980 .


Giấc mộng làm cách mạng của ông cựu Đại tá Phạm Văn Liễu một lần nữa không thành. Mặt trận Hoàng Cơ Minh mà ông đã góp công xây dựng và lãnh đạo dưới tên "kháng chiến" Trần Trung Sơn từ những ngày còn trong trứng nước đã vỡ ra làm hai mảnh sau thời gian cơm không lành mà canh cũng chẳng ngọt giữa ông và Đề đốc Hoàng Cơ Minh và anh em nhà tướng Minh. Sự bất đồng đưa đến đổ vỡ giữa họ tập trung vào guồng máy được gọi là "tổ chức kinh tài" cho Mặt trận do anh em nhà họ Hoàng và các cộng sự viên thân tín của tướng Minh điều hành.
Những người ly khai quây quần với ông Liễu có cả Cựu Đại tá Cảnh sát Trần Minh Công đã tìm cách lấy lại uy tín "kháng chiến" sau khi Mặt trận tan hàng rã cánh năm 1983 với nhiều tai tiếng "tiền bạc lem nhem" và "kháng chiến bên ngoài Việt Nam". Nhưng ông Liễu cũng đã "sức cùng lực kiệt" không đi thêm được bước nào nữa.
Phe theo Đề đốc Minh tiếp tục con đường được gọi là "dấn thân" nhưng họ cũng đã bị đứt gánh giữa đường, trên đường xâm nhập vào Việt Nam, theo ngả miền Nam nước Lào. Tướng Minh bị thiệt mạng. Một số người khác bị mất tích hay bị bắt trong cuộc đụng độ với quân Cộng sản Lào và Việt Nam ngày 28-8-1987, theo tin của Mặt trận phổ biến ngày 28-7-2001. Sự "giấu tin" tướng Minh tử trận trong suốt 14 năm từ 1987 đến 2001 vẫn chưa được giới Lãnh đạo còn lại của tổ chức giải đáp minh bạch.
Tuy nhiên sự đổ vỡ của phong trào kháng chiến đã làm cho ông Liễu ray rứt khá nhiều vì có nhiều người đã vì tin ông mà ủng hộ hay đi về "khu kháng chiến" với Mặt trận. Mái tóc hoa râm của ông vì vậy mà đã bạc đi nhanh hơn thời gian từ dạo ấy.
Sự "bạc trắng tay không" bây giờ, 20 năm sau, đã mon men xói mòn cuộc đời thất bại nhiều hơn thành công của một Phạm Văn Liễu, chỉ mới biết khóc với thật lòng mình một lần trong đời, theo lời ông kể, là khi ông đứng trước quan tài vợ mình. Bà Liễu ra đi ngày 29-2-1992 để lại cho ông 7 người con vào năm Bà mới 54 tuổi.
Hình ảnh một Sỹ quan oai phong, hùng tráng trong bộ quân phục Thủy quân Lục chiến năm nào của ông Liễu không còn nữa. Nó cũng mất đi hình ảnh thiêng liêng của một chiến sỹ "kháng chiến áo nâu, mũ vải rộng vành và khăn rằn ri quàng cổ " của Phạm Văn Liễu khi ông còn đứng trước đám đông người Việt tị nạn chăm chú nghe ông nói chuyện kháng chiến giải phóng quê hương khỏi ách cai trị của Cộng sản Việt Nam vào những năm 1981 - 1982.
Ngày nay, sau "những cơn đau tinh thần vẫn còn ray rứt của cuộc đời binh nghiệp và chính trị" và sau nhiều cơn bạo bệnh thể xác , ông Liễu không còn đi lại bình thường được nữa. Người bạn gần gũi và thân thiết nhất bây giờ của ông không phải là hàng hà sa số bạn hữu ở khắp bốn phương trời thế giới mà là "chiếc xe lăn" vô tri vô giác ngày đêm đang gắn bó với ông!
Nhưng giọng nói của "ông già 75 tuổi" Phạm Văn Liễu bây giờ vẫn còn là của Đại tá Phạm Văn Liễu trên 40 tuổi khi xưa đứng trước hàng quân hay mỗi khi nói chuyện với các Sỹ quan và nhân viên ngành Cảnh sát VNCH. Giọng ông tuy không còn hùng dũng, sang sảng như ngày còn nắm binh quyền nhưng bộ óc minh mẫn và lối nói chuyện hấp dẫn của Tác giả "Trả Ta Sông Núi" vẫn còn đấy.
Ông Liễu đã chứng minh điều này trong buổi ra mắt hai tập Hồi ký của mình ở Trường Lụât, Đại học George Mason hôm 5-10 (2003) vừa qua. Mặc dù phải bó thân trong chiếc xe lăn chật hẹp nhưng ông đã nói không ngơi nghỉ hơn một tiếng đồng hồ và còn muốn nói nhiều nữa về những diễn biến lịch sử xung quanh lý do tại sao ông viết hồi ký và trả lời những câu hỏi của cử tọa.
Ông Liễu bảo ông viết hồi ký không phải để khoe tên tuổi hay đề cao cá nhân mà để "Viết lại những lỗi lầm đời mình dài theo dòng lịch sử quốc dân làm món quà cho những người bạn trẻ."
Ông viết trong lời mở đầu Tập I:" Cổ nhân dạy:Dẵm lên sương sớm, nhớ tới muà Đông. Biết đâu, những kinh nghịêm máu và nước mắt đời tôi chẳng giúp vài ba bạn trẻ hằng tâm với đất nước nào đó tránh được những vết xe đổ của người đi trước" Đó là tâm nguỵên duy nhất của người viết."
Ông Liễu có được mãn nguyện hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng những vinh nhục của người lính chiến đấu và người lính cách mạng Phạm Văn Liễu từ năm 1945 cho đến bây giờ vẫn còn nguyên đó. Nó bám lấy ông như hình với bóng để cùng lớn lên với những vết nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của một người lính dường như chưa bao giờ biết mỏi mệt.
Ông tự ví mình là người "lúc nào cũng chỉ biết đội trời" nhưng ông đã "vá" được gì chưa thì tôi thiết tưởng Tác giả "Trả Ta Sông Núi" là người biết rõ mình hơn ai hết.
Ông Phạm Văn Liễu có muốn quên đi những vinh nhục của đời mình cũng chẳng dễ gì vì ông là một nhân vật lịch sử. -/-
Phạm Trần
(10-2003)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi sáng chủ nhật trong tháng 9, thiền sư sẽ thuyết pháp và tu viện mở cưa" để đại chúng có thể tới nghe
Loạt bài ký sự tham luận về Phong thủy, tử vi số và huyền học của PTTVG Song Lộc (626) 289-8467.
Gần đây thế giới ghi nhận nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Sự tăng trưởng đã làm cho Thái Lan lo ngại
Khi doanh nhân người Mỹ tên Hoan Nguyễn đến Việt Nam cách đây 1 thập niên với những dự án xây dựng một ngôi trường quốc tế
Ngược lại, một cơn chấn động nhỏ ở xứ này lại có thể đảo lộn trật tự xứ khác và gây khủng hoảng toàn cầu trong nhiều năm liền.
Sau các đợt đàn áp những người đấu tranh đòi dân chủ, tự do và đòi đất, đòi nhà, đòi lương bổng công bằng từ đầu năm đến giờ
Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ sẽ diễn ra từ ngày thứ Sáu 24 đến ngày Chủ-nhật 26/8
Đêm nay, bổng nhiên trong lòng tôi trằn trọc không sao dỗ an giấc ngủ, tôi có cảm giác rạo rực, day dứt, nôn nao
Bạn đã được đọc một bài bài báo rất hay "Người Dân Lớn" của nhà văn Nguyễn Quang Thân, từ báo Thể thao & Văn Hoá trong nước số 90
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.