Hôm nay,  

‘hạch Tâm Quyền Lợi’ Của Trung Quốc

04/09/201000:00:00(Xem: 14037)

‘Hạch Tâm Quyền Lợi’ Của Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa

Mối nguy Trung Quốc cho Việt Nam nằm tại Hà Nội...
Tháng Giêng năm 1991, khi cuộc chiến Vùng Vịnh bùng nổ vì Iraq tấn công xứ Kuwait vào Tháng Tám năm trước, một quốc gia ở xa đã bị chấn động nặng. Đó là Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi ấy là Đô Đốc Lưu Hoa Thanh đã vào gặp lãnh tụ cơ chế tối cao của quân đội với băng hình ghi lại cuộc không tập vũ bão của Hoa Kỳ. Và long trọng báo cáo với Đặng Tiểu Bình: "Kính thưa lão đồng chí, kể từ hôm nay, hệ thống phòng thủ của Trung Quốc không còn nữa!"
Câu chuyện ấy dẫn chúng ta đến ngày nay. Về sự hung hăng vì lo sợ của Trung Quốc.
***
Chúng ta cần bắt đầu bằng cách trình bày những yếu tố khách quan - "bất khả kháng" - khiến Bắc Kinh trở nên hung hăng bá quyền. Có hiểu ra chuyện này thì mới không coi thường Trung Quốc. Nhưng nếu hiểu ra thì cũng biết được vì sao việc bành trướng ấy không thành, mà có khi còn sớm dẫn tới sự sụp đổ. Đây là một nghịch lý mà ta cần biết để khỏi làm con vẹt ca tụng Trung Quốc.
Trước hết, hãy xét về địa dư, là điều kiện thiên nhiên khách quan của quốc gia mà mọi lãnh đạo đều thừa hưởng và phải cải sửa. Chuyện cải sửa là nỗ lực duy ý chí và nỗ lực ấy có thành hay không là chiến lược, là chánh sách.
Về địa dư, ta nên nghĩ tới Trung Quốc như một hòn đảo thu hẹp trong một lãnh thổ rộng lớn gần 10 triệu cây số vuông.
Bên tay phải, tại hướng Đông, là biển Thái bình, từ Hoàng hải của bán đảo Triều tiên tới Đông hải của bán đảo Đông Dương. Bên tay trái về hướng Tây là khu vực khô cằn, hiểm trở, khó canh tác và vận chuyển. Nó là một biển cát, núi và thảo nguyên, theo chiều kim đồng hồ từ Quảng Tây, Vân Nam tới phân nửa tỉnh Tứ Xuyên qua cao nguyên Thanh Tạng đến Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và một phần lớn của Mãn Châu lên đến biên giới Nga và Bắc Hàn.
"Hòn đảo" mà ta nói đến chính là Trung Nguyên của Hán tộc, nơi có độ ẩm đủ cao - tối thiểu 36 phân nước mưa một năm - cho việc canh tác. Nơi đây có lưu vực của ba con sông Hoàng hà, Dương tử và Châu giang, thuận tiện cho việc tiêu tưới và giao thông. Thật ra, khu vực này chỉ bằng một nửa nước Mỹ trong lục địa, lại có một tỷ người sinh sống chật chội, với diện tích canh tác trung bình cho một người chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới.
Vì vậy, Trung Quốc có lãnh thổ bát ngát mà chỉ là một xứ đất chật người đông, mà hòn đảo ấy lại chia hai về ngôn ngữ, tiếng Quan Thoại ở miền Bắc, Quảng Đông ở miền Nam. Trong lịch sử, khu vực này cũng từng hay bị chia hai. Tháng trước, khi dân Quảng Đông và Hong Kong biểu tình chống lại sự thống trị của tiếng Quan Thoại thì ta đừng nghĩ rằng chỉ có chuyện ngôn ngữ!
Sự kiện này cũng cho thấy một sự thật lịch sử khác của Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc cần củng cố sự thống trị của Hán tộc trên các sắc tộc khác vì xưa kia đã bị các dị tộc tấn công và làm chủ bốn lần. Do đó, kiểm soát toàn cõi Trung Nguyên rồi thì lãnh tụ nào cũng phải xây dựng vùng trái độn quân sự để bảo vệ Trung Nguyên, từ Tần Thủy Hoàng tới Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Minh Thành Tổ hay Mao Trạch Đông, v.v....
Vùng trái độn ấy chính là vòng đai sa mạc và núi non vây quanh hòn đảo Trung Nguyên, từ Cao nguyên Thanh Tạng lên tới Mãn Châu, nay được chia làm ba tỉnh là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh. Ngày nay, tại vùng trái độn quân sự ấy, họ đang gửi Hán tộc đến sinh sống rất đông, để dần dần đồng hóa các dị tộc tập trung trong các khu tự trị hành chánh.
Sau cùng, cũng nhìn vào địa dư, nơi duy nhất mà Trung Quốc có thể bành trướng trên đất liền là qua... lãnh thổ Bắc Việt - lần cuối là vào năm 1979. Họ khó vượt núi vào Miến Điện, leo qua Hy Mã Lạp Sơn vào Ấn Độ, Pakistan hay A Phú Hãn, qua rặng Thiên Sơn vào Trung Á hay qua sa mạc Mông Cổ vào Nga! Đấy cũng là một thực tế khách quan về địa dư hình thể của Việt Nam mà người Cộng sản đã quên mất khi dùng lãnh thổ Trung Quốc làm hậu cứ chống Pháp trong chín năm kháng chiến 1945-1954. Và sau này còn cho binh đội Trung Quốc vào nước ta khi đòi chống Mỹ.
Mời giặc vào nhà là như vậy!
Trong lịch sử, Trung Quốc có lần đòi bung ra ngoài biển Đông là khi quân Mông Cổ định tấn công Nhật Bản và bị thảm bại vào thế kỷ 13. Lần thứ hai là khi bị Liên Xô xúi Bắc Hàn khiêu khích khiến Mỹ nhảy vào đẩy lính Bắc Hàn tới sông Áp Lục giáp giới với Trung Quốc. Hồng quân Trung Quốc bèn lâm chiến với Mỹ, và lãnh đạn trong chiến tranh Triều Tiên thời 1950-1952. Lần đó, Bắc Kinh chết mất một triệu lính! Họ bèn tính kiểu khác, nhờ đảng Cộng sản Việt Nam.
Còn lại, thì bảy lần tấn công nước Nam trong lịch sử thì đều kết hợp bộ binh với thủy binh và các trận chiến oai hùng nhất của dân ta đều là thủy chiến, như hai trận Bạch Đằng, rồi Chương Dương, Vạn Kiếp, Vân Đồn, Hàm Tử, v.v... Nói đến thủy chiến thời xưa và nay thì ta hiểu thế nào là phú quý giật lùi!
***
Bây giờ, nhìn vào chuyện cận đại là khi chiến hạm Âu Châu từ biển Đông vào làm cỏ Trung Nguyên trong thế kỷ 19 và khi Nhật Bản từ Mãn Châu xuống chiếm trọn miền Đông của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Ngoại xâm từ hướng Đông trở thành mối lo mới cho một quốc gia mà sự sợ hãi truyền thống có thể nhìn thấy từ Mặt Trăng, là Vạn lý Trường thành.
Nhưng, các đại cường Âu Châu hay Nga Nhật không thể làm chủ Trung Nguyên như các dị tộc Mông, Mãn, Liêu, Kim trước đó. Họ chỉ có thể làm Hán tộc bị biến chất, đấy là chuyện đáng sợ mà không sinh tử. Chuyện đáng sợ là Trung Quốc ngày nay không thể quay lưng với thế giới bên ngoài để thu mình sống trong hòn đảo Trung Nguyên của mình, đằng sau dãy Vạn lý Trường thành.
Khác với thời xưa, và thời chiến tranh Cao Ly, họ cần giao thương với bên ngoài. Nếu không là dân đói và nước loạn. Vì vậy, người phải bắt đầu nói đến hải quân Trung Quốc khi lãnh đạo của họ có thêm mục tiêu chiến lược thứ ba, chưa từng có trong mấy ngàn năm trước.
Hãy nhắc lại, hai mục tiêu ngàn năm là, thứ nhất là phải bảo vệ sự thống trị của Hán tộc tại Trung Nguyên; thứ hai, phải kiểm soát được các vùng trái độn quân sự tại khu vực phiên trấn ở chung quanh. Bây giờ, dưới con mắt lãnh đạo Bắc Kinh, khu vực họ coi là "phiên trấn" này phải bao trùm lên lãnh thổ Việt Nam, nơi duy nhất bộ binh có thể bung ra được để qua bán đảo Đông Dương đi xuống Đông Nam Á, rẻ ra thì từ dãy Trường Sơn có thể bước xuống làm chủ Đà Nẵng, Cam Ranh...
Mục tiêu thứ ba, hoàn toàn mới, là từ nay phải khống chế được khu vực duyên hải, là cửa ngõ thông thương với bên ngoài. Khu vực gọi là "biển xanh lục" này có "Trung Nam hải" của họ, tức là Đông hải của nước ta.
Cũng nên nhớ lại là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc mà chỉ huy quân đội xứ này lại là một Đô đốc, là Lưu Hoa Thanh, Tư lệnh Hải quân từ 1982 đến 1988 trước khi là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và cầm đầu quân đội sau đó. Chúng ta quên rằng họ Lưu là người đã xướng xuất việc xây dựng hải quân cho Trung Quốc trở thành đại cường hải dương vảo giữa thế kỷ 21 này. Năm 1991, khi Lưu Hoa Thanh báo cáo với Đặng Tiểu Bình về sự bất lực của phòng không Trung Quốc trước thành tích của Hoa Kỳ tại Iraq, ông ta đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng về tư duy: phải dùng kỹ thuật bất cân xứng để khỏi bị Hoa Kỳ khống chế.


Nhìn lại các mục tiêu ngàn đời thì trong 30 năm cải cách, từ 1979 đến nay, Trung Quốc củng cố được Trung Nguyên cho Hán tộc và bảo vệ được vùng phiên trấn, vùng trái độn quân sự ở hướng Tây Nam, hướng Tây và hướng Bắc, và nâng cao được sức mạnh kinh tế của quốc gia. Nhưng ra tới biển xanh lục là lại có Hoa Kỳ, thì làm sao mơ ước làm chủ được vùng biển xanh dương để thành đại cường hải dương"
Vì vậy, khách quan mà nói, Trung Quốc tất nhiên là phải coi Hoa Kỳ là đối thủ và vốn bị bệnh tự kỷ ám thị, luôn luôn sợ hãi bị xâm lăng, lãnh đạo Bắc Kinh cho Mỹ là kẻ thù vì duy nhất có khả năng bắt chẹt việc giao thương ở ngoài biển. Bị bắt chẹt là Trung Quốc bị loạn ở bên trong.
Hãy nhớ lại: khi Mỹ bắt đầu phong tỏa kinh tế Nhật Bản ngày càng khắt khe hơn sau vụ Nhật tấn công Đông Dương vào năm 1940 thì Nhật phải phản ứng theo tinh thần họ gọi là phòng thủ tích cực. Đó là tấn công hạm đội Mỹ tại Trân Châu cảng hồi tháng 12 năm 1941, là điều mà nhiều người Mỹ đã phải đoán ra từ trước. Ngày nay, tất nhiên là Hoa Kỳ cũng phải dự đoán một kịch bản tương tự với Trung Quốc.
Hãy nói về nhu cầu phỏng thủ tích cực đó của Bắc Kinh.
***
Xưa nay, trong mấy ngàn năm, Trung Quốc chỉ là đại cường lục địa và có nhu cầu bảo vệ Trung Nguyên và vùng trái độn quân sự. Duy nhất một lần là khi nhà Minh gửi bảo thuyền của Đô đốc Trịnh Hoà đi biểu dương "đức sáng" của Thiên tử tại vùng biển Đông Nam Á qua Ấn Độ dương tới Hồng hải và Đông Phi. Mà cũng chỉ được vài chục năm rồi lại quay đầu vào núi canh chừng Hung Nô và Mông Cổ.
Nay Trung Quốc cần nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản và năng lượng cho nền kinh tế và cần xuất cảng hàng hóa ra ngoài nếu không là bị loạn, nên phải có khả năng bảo vệ sự vận chuyển và quyền khai thác mà họ cho là nhu cầu sinh tồn, chuyện sinh tử.
Nhưng thay vì suy nghĩ theo kiểu hiện đại và giải quyết nhu cầu bằng tự do và hòa bình, như các nước Anh, Pháp, Đức, Nhật - xưa kia cũng từng là đế quốc xâm lược - họ suy nghĩ theo kiểu đế quốc, bằng sức mạnh. Và cho rằng phải có sức mạnh hải dương, phải làm chủ được vùng biển xanh dương. Muốn tiến tới đó, phải trước tiên khống chế được biển xanh lục ở vùng cận duyên.
Năm 1999, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hải quân trong Quân đội Nhân dân Giải phóng vào tháng Tư 1949, Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng cường kiểm soát vùng cận duyên ấy. Nghĩa là không chỉ xây thêm chiến hạm mà cải tiến toàn bộ hệ thống hậu cần, tiếp vận, giao liên điện tử và thực tế là thành lập một bộ máy hải quân mới. Một kế hoạch tốn kém cho lâu dài và bắt đầu bằng các đơn vị duyên phòng theo kiểu Mỹ, để hải quân có thể rộng tay bung ra biển.
Họ đã tiến hành việc đó qua bốn chặng có khi trùng lập chứ không tuần tự. Đó là:
1) Bảo vệ đặc khu kinh tế độc quyền mà họ coi là vùng quyền lực của mình, tức là cái lưỡi bò mà thiên hạ nay mới nói đến. Đây là vùng trái độn quân sự, quyền lợi cốt lõi hay hạch tâm lợi nghĩa, nói theo tiếng Hán của họ. Nó tương tự như quyền lợi an ninh tại Tân Cương và Tây Tạng.
2) Mở tuyến giao liên hàng hải với hàng loạt căn cứ quân sự tại các quốc gia khác, như Miến Điện, Tích Lan và Pakistan để chiến hạm Trung Quốc ghé bến tiếp liệu và tu bổ trên đường vận chuyển từ Thái bình dương qua Vịnh Bengale, Ấn Độ Dương tới Trung Đông, Phi Châu và Âu Châu. Năm ngoái, khi hai chiến hạm Trung Quốc đi tới Đông Phi để "tham gia tiểu trừ hải tặc" ngoài khơi Somalia, thì đấy là một thử nghiệm của khả năng bành trướng này.
3) Phát triển loại kỹ thuật chiến tranh không đối xứng để bắt kịp khoảng cách tụt hậu so với hải quân Hoa Kỳ, kể cả kỹ thuật ăn cắp và phá rối hệ thống thông tin điện tử của Mỹ. Sau khi đã thấy ưu thế của Hoa Kỳ từ trận chiến Vùng Vịnh, Bắc Kinh phát huy sáng kiến theo kiểu đó. Đơn giản nhất là lập trạm kiểm thính và dàn hỏa tiễn chống chiến hạm suốt một dọc các căn cứ hải quân. Phức tạp hơn thì có việc phát triển khu trục hạm và tiềm thủy đĩnh có trang bị hỏa tiễn thụ đắc từ Liên bang Nga. Tinh vi hơn nữa thì có hoả tiễn đạn đạo ballistic missiles và khoa học không gian để hoá giải ưu thế điện tử của Hải quân Hoa Kỳ. Kế hoạch này được thông báo từ năm 1999 và đã thử nghiệm vào năm 2007. Cũng gần đây thôi. Cũng nên nhớ lại rằng chương trình không gian của họ mang tên gọi rất chính xác là "Thần Châu" - phi thuyền thần thánh... Dùng vệ tinh trên thượng tầng không gian để bảo vệ hải dương. Khi Bắc Kinh giải thích bằng kiểu dùng chữ đồng âm, rằng "thần châu" là đất nước (châu lục) thần thánh thì cũng chỉ là hỏa mù!
4) Bước thứ tư là thiết kế và huấn luyện việc sử dụng các chiến hạm viễn duyên, kể cả tiềm thủy đĩnh và hàng không mẫu hạm xưa nay phải mua lại của Liên bang Nga. Đấy là các chiến hạm viễn chinh ngày nay, xuất phát từ ba Hạm đội Trung Quốc là Hạm đội Bắc hải tại căn cứ Thanh Đảo trong tỉnh Sơn Đông, Hạm đội Đông hải tại căn cứ Ninh Ba tỉnh Chiết Giang và Hạm đội Nam hải tại căn cứ Trạm Giang, một hải đảo thuộc tỉnh Quảng Đông, nằm sát đảo Hải Nam.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc ráo riết học nghề, kể cả bằng tình báo và ăn cắp, để thực hiện bốn buớc bành trướng đó. Mười năm sau, từ Tháng Ba năm ngoái tới giờ, không phải ngẫu nhiên mà Hải quân Trung Quốc có nhiều lần đụng độ với các chiến hạm Mỹ, trực tiếp hay gián tiếp. Trực tiếp là vào ngày tám Tháng Ba năm ngoái khi chiến hạm USS Impeccable của Mỹ bị khiêu khích cách đảo Hải Nam có 75 dậm. Gián tiếp là qua các cuộc thao dợt quân sự vào tháng Tám này. Những rủi ro chạm trán xung đột như vậy sẽ còn xảy ra vì rất dễ xảy ra.
Mà không chỉ xảy ra với Hoa Kỳ.
***
Chỉ vì chung quanh Trung Quốc và ngoài Việt Nam, có nhiều quốc gia bán đảo hay hải đảo đang theo dõi chuyện này khi thấy ra vấn đề Trung Quốc của họ. Đó là Nhật Bản, Đại Hàn, Úc Đại Lợi và nhất là Ấn Độ, chưa nói tới Hoa Kỳ. Các quốc gia trên đều cần tự do giao thương hàng hải và không muốn Trung Quốc lập vùng trái độn quân sự và kiểm soát đường vận chuyển huyết mạch của họ.
Đâm ra nghịch lý ở đây là Trung Quốc càng bành trướng thì người dân Việt càng có lợi vì chuyện ấy sẽ làm các xứ kia phải có phản ứng. Gần đây nhất, hôm Thứ Năm mùng hai vừa qua, là phản ứng của Ấn Độ, một quốc gia đã bị Trung Quốc tấn công trên đất liền, vào năm 1962.
Vấn đề là các quốc gia đó muốn biết Việt Nam đứng ở đâu trong trò phiêu lưu của Trung Quốc. Là mũi xung kích cho Thiên triều thọc xuống Đông Nam Á" Hay là lằn ranh đầu tiên mà nếu Trung Quốc vượt qua thì mặc nhiên gây chiến với thiên hạ"
Cho đến giờ này thì người dân Việt Nam đã nói rõ quan điểm của mình. Nhưng họ bị lãnh đạo Hà Nội bịt miệng vì đảng Cộng sản vẫn dập dình giữa hai mục tiêu trái ngược, là cứu nước hay cứu đảng. Người Việt ta không nên sợ Trung Quốc, kể cả trong giả thuyết họ trực tiếp tràn vào Việt Nam. Mà chỉ nên sợ đảng Cộng sản sẽ cột tay toàn dân và bán nước để cứu đảng. Nhưng nên để ý là nhiều thành phần xuẩn động ngoài này sẽ lại nhân danh độc lập dân tộc chống Trung Quốc mà kêu gọi mọi người sát cánh cùng đảng. Chuyện ấy đã xảy ra rồi.
Kết luận ư"
Vì vấn đề Trung Quốc, tất cả các nước liên hệ đều có nhiệm vụ giải quyết và sẽ cùng nhau giải quyết, có khi là qua những biến động bên trong làm Trung Quốc khủng hoảng và tự sụp đổ như Liên Xô đã từng bị. Còn vấn đề Cộng sản tại Việt Nam - mặt cục bộ của vấn đề Trung Quốc - là việc mà người Việt phải giải quyết lấy. Mà đấy mới là chuyện đáng lo vì nhiều người trong chúng ta chưa nhìn ra vấn đề Trung Quốc của Việt Nam vốn dĩ nằm tại Hà Nội.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.