Hôm nay,  

Phong Trào Tea Party: Câu Hỏi Lớn

22/06/201000:00:00(Xem: 7946)

Phong Trào Tea Party: Câu Hỏi Lớn
Vũ Linh

... 41% dân Mỹ ủng hộ trong khi 58% chống TT Obama...
Thời gian gần đây, báo chí Mỹ om xòm bàn tán về sự lớn mạnh của Phong Trào Tea Party, mà có báo Việt ngữ dịch sai là “Đảng Trà”. Đại cương, phong trào này ra đời như là một sự chống đối chính sách của TT Obama. Họ chống đối sự bành trướng quá mức của Nhà Nước trong cuộc sống của họ và trong guồng máy kinh tế tài chánh, một sự bành trướng dựa trên sưu cao thuế nặng mà họ sẽ phải chịu.
Ra đời vào mùa hè năm ngoái trong tinh thần tự phát từ khối quần chúng, đến nay phong trào còn mang tính chất một cuộc nổi dậy của quần chúng, rời rạc, vô tổ chức và nhất là không có lãnh đạo hay đường lối rõ rệt. Không phải là một thứ “đảng” có tổ chức thống nhất trên cả nước, mà là một loạt các nhóm lớn nhỏ, nổi lên riêng rẽ trên 50 tiểu bang, với hàng trăm “lãnh tụ” địa phương tuyên bố vung vít.
Nếu muốn nói đến một mẫu số chung, thì đây là một phong trào có lập trường bảo thủ, khuynh hữu cực đoan.
Ngay từ đầu, giới truyền thông “dòng chính” có thái độ coi nhẹ phong trào này. Nếu không nhìn như chuyện tào lao, thì họ cũng chỉ coi như là những nhóm da trắng kỳ thị quá khích, với sức sống của một ngọn lửa rơm, bùng lên rồi tắt.
Cái nhìn khinh thường này còn được củng cố bằng sự nổi lên của bà Sarah Palin, cựu thống đốc Alaska và cựu ứng viên phó tổng thống của Cộng Hòa, như ngôi sao sáng, gần như là lãnh tụ tinh thần của phong trào. Giới truyền thông này chưa bao giờ có thiện cảm hay tôn trọng bà như một chính khách nặng ký.
Mùa hè năm ngoái, Phong Trào Tea Party tổ chức được một cuộc mít-tinh vĩ đại, quy tụ được trên dưới một triệu người tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Đến mùa thu, một vài chính khách nhẩy ra tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương với hậu thuẫn tích cực của phong trào, đồng thời phong trào cũng điểm danh những đối tượng cấp tiến cần bị đánh bại trong các bầu cử đó.
Thành quả ban đầu không lấy gì là khả quan. Sự tranh cử của một ứng viên của phong trào trong một cuộc bầu dân biểu liên bang của một đơn vị tiểu bang Nữu Ước đã đưa đến chia rẽ hàng ngũ bảo thủ Cộng Hoà để rồi ứng viên cấp tiến Dân Chủ thắng.
Nhưng điều lạ lùng là trong sự èo uột đó, Phong Trào Tea Party vẫn… không chết. Trái lại, ảnh hưởng ngày một lớn mạnh dù vẫn chưa thống nhất được về tổ chức hay chiến lược, chiến thuật. Vẫn ô hợp như thưở ban đầu. Vậy mà từ đầu năm nay, phong trào bắt đầu đạt được thành quả cụ thể qua chiến thắng của các dân cử được sự ủng hộ của phong trào.
Tại Florida, thống đốc Charles Crist của Cộng Hòa ra tranh cử thượng nghị sĩ liên bang. Nắm chắc trong tay cái ghế này 100% khi thăm dò dư luận cho thấy dân Florida ủng hộ ông đến gần hai phần ba, trong đó có một số rất lớn thành phần thuộc đảng Dân Chủ. Bất ngờ một dân biểu trẻ địa phương nhẩy ra tranh cử ngay trong đảng Cộng Hòa. Ông này đưa ra một lập trường bảo thủ mạnh, chỉ trích ông Crist là quá gần với TT Obama, và được ngay hậu thuẫn của Phong Trào Tea Party và bà Sarah Palin. Thế rồi ngôi sao Charles Crist ngày một lu mờ trong đảng Cộng Hoà, đến độ khiến ông thấy là không có hy vọng đắc cử trong cuộc bầu sơ bộ của đảng Cộng Hòa vào tháng Tám. Đành phải bỏ đảng ra tranh cử với tư cách độc lập không đảng nào, ôm hy vọng đắc cử với phiếu của cử tri ôn hoà đủ phe phái.
Chính khách Mỹ bỏ đảng đi tìm chiến thắng cá nhân là chuyện thường.
Cách đây vài tuần, tại tiểu bang Kentucky, ông Rand Paul, một dân biểu bảo thủ cực đoan, được hậu thuẫn mạnh mẽ của Phong Trào Tea Party và bà Sarah Palin, đã chiến thắng trong cuộc bầu sơ bộ khi đảng Cộng Hoà tuyển ứng viên thượng nghị sĩ liên bang. Ông chiến thắng một cách huy hoàng, hạ đối thủ với trên 25 điểm cách biệt.
Mới đây, tại Nevada, cũng trong cuộc bầu sơ bộ của Cộng Hoà, trong sự bất ngờ của mọi người, bà Sharron Angle dễ dàng giành được quyền ra tranh cử thượng nghị sĩ liên bang chống đương kim nghị sĩ Harry Reid, lãnh tụ khối đa số Dân Chủ trong Thượng Viện. Bà Angle cũng thuộc khuynh hướng bảo thủ cực đoan, được hậu thuẫn mạnh mẽ của Phong Trào Tea Party và bà Sarah Palin.
Cũng ngày đó, California có cuộc bầu sơ bộ của Cộng Hòa để tranh chức thượng nghị sĩ liên bang trong tay bà Barbara Boxer của Dân Chủ. Barly Fiorina, với hậu thuẫn tích cực của bà Sarah Palin và Phong Trào Tea Party, cũng đã chiến thắng vẻ vang.
Tóm lại, trong các cuộc bầu cử mới nhất trong đảng Cộng Hòa, người ta đã thấy được sự chiến thắng của ứng viên được hậu thuẫn của Phong Trào Tea Party: tinh thần chống đối TT Obama và chính sách cấp tiến của ông ngày một mạnh. Sự lớn mạnh này cũng dễ hiểu trong không khí chính trị hiện hữu.
Thăm dò dư luận mới nhất của Rasmussen cho thấy chỉ có 41% dân Mỹ ủng hộ trong khi 58% chống TT Obama. TT Bush, bị truyền thông coi là tổng thống tệ nhất, phải mất tám năm mới xuống tới mức 35%, trong khi TT Obama chỉ cần một năm rưỡi đã xuống tới 41%. Cố lên, chỉ còn 6 điểm nữa là bắt kịp Bush. Một năm rưỡi sau khi chấp chánh, chưa ai thấy rõ ràng thành quả nào của TT Obama.


Đối nội, 18 tháng sau khi ban hành luật kích cầu, kinh tế vẫn trì trệ, thất nghiệp vẫn ở mức kỷ lục trên dưới 10%; hơn hai năm sau khủng hoảng gia cư, tỷ lệ số nhà bị tịch thu đã tăng lên đến mức kỷ lục 44% chứ chẳng suy giảm. TT Obama vẫn rỉ rả đổ thừa lên đầu TT Bush, chỉ khiến người ta thắc mắc không biết ông đã làm gì trong gần một nửa nhiệm kỳ qua" Chương trình cải tổ y tế bước vào giai đoạn thực hành với các dân cử, luật gia, và công chức bù đầu cãi nhau về chi tiết và thể lệ áp dụng luật mới. Trong khi hơn 30 tiểu bang đang truy cứu thủ tục thưa kiện chính phủ vi phạm Hiến Pháp. Luật cải cách ngân hàng thì dù chẳng ai chống (kể cả phe Cộng Hòa) vẫn chưa được thông qua vì các vị dân cử còn đang cãi cọ chuyện quà cáp phụ đính. Nhà Nước vẫn chẳng biết làm gì trước nạn dầu loang tại Vịnh Mễ Tây Cơ, ngoại trừ xỉa tay đổ lỗi hết Bush đến hãng BP, làm người ta có cảm tưởng chuyện đổ trách nhiệm quan trọng hơn chuyện chặn dầu thất thoát và tẩy rửa dầu.
Đối ngoại cũng gặp toàn thất bại.
Cãi nhau với đồng minh quan trọng nhất là Anh vì vụ dầu loang, kình chống Do Thái, còn đồng minh Al Maliki thì thua trong cuộc bầu cử tại Iraq. Tại Afghanistan, TT Karzai chống Mỹ ra mặt trong khi chiến trường ngày càng xôi động: trong bẩy năm của Bush, 550 quân nhân tử vong, trong một năm rưỡi của Obama, gần 500 quân nhân thiệt mạng. Nguy hiểm hơn cả, người ta mới khám phá ra tổ chức mật vụ ISI của Pakistan vẫn đang huấn luyện và võ trang cho Taliban ở Afghanistan dù Pakistan đã được TT Obama mua chuộc với cả trăm tỷ tiền viện trợ kinh tế và quân sự.
Đối với các nước đối nghịch lâu năm như Iran, Bắc Hàn, Venezuela,… tình trạng ngày thêm suy đồi bất chấp những tuyên bố cầu hoà của TT Obama. Iran phớt lờ mọi hăm dọa và quyết nghị của Liên Hiệp Quốc, ngang nhiên tiến hành chương trình phát triển nguyên tử, bây giờ với hậu thuẫn của hai nước lớn Ba Tây và Thổ Nhĩ Kỳ. Bắc Hàn công khai thách thức bằng cách vô cớ đánh đắm chiến hạm Nam Hàn.
Quan hệ với Nga ngày càng lạnh nhạt trong khi Putin mắc bận củng cố thế lực trong Liên Bang Xô Viết cũ. Đồng minh Mỹ, TT Bakiyev của Kyrgyzstan bị lật đổ và đồng minh Nga lên thay. Hiệp ước Mỹ-Nga giải giới nguyên tử chỉ là chuyện màu mè vô ích: mỗi nước vẫn còn cả ngàn trái bom nguyên tử trong khi chỉ cần vài chục trái cũng đủ tan hoang thế giới. Trung Quốc đơn phương hủy bỏ cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates, v.v....
Bất chấp chính sách “ôn hòa” mới, các tay khủng bố vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hoà hoãn, trong khi những âm mưu khủng bố gần đây chỉ đưa ra ánh sáng sự bất lực của cơ quan an ninh trong cố gắng ngăn chận khủng bố. Vụ xử các lãnh tụ khủng bố 9/11 tại Nữu Ước đi vào bế tắc, tiến tới không được, rút lui mất mặt, trong khi nhà tù Guantanamo vẫn còn đó mà không ai thấy cách nào đóng cửa được.
Những thành quả bết bát này đưa đến sự thất vọng rồi bất mãn của đa số dân Mỹ, đưa đảng Dân Chủ đến tình trạng nguy kịch với hàng loạt ứng viên bảo thủ cực đoan được sự ủng hộ của Phong Trào Tea Party và đắc cử.
Những chiến thắng của Phong Trào Tea Party này bất ngờ đã thay đổi cuộc diện chính trị Mỹ. Trong khi các thăm dò dư luận vẫn cho thấy đảng Dân Chủ sẽ bị chống đối mạnh và sẽ mất phiếu đáng kể, oái ăm thay, viễn tượng thắng lợi tháng Mười Một này lại có vẻ sáng hơn.
Sự thành công của Phong Trào Tea Party có thể là con dao hai lưỡi. Nó đưa đến chiến thắng của các ứng viên bảo thủ cực đoan, có nghĩa là trong cuộc bầu cử tháng Mười Một tới đây, các ứng viên đảng Dân Chủ sẽ trực diện với các ứng viên bảo thủ cực đoan, phần lớn lại cũng ít tên tuổi và thiếu tổ chức. Trong khi đó, dân Mỹ nói chung không ủng hộ một lập trường cực đoan nào, cho dù đó là cực đoan phiá tả hay cực đoan phiá hữu.
Mặt khác, cuộc tranh cử của các ứng viên bảo thủ cực đoan đã và có thể cũng sẽ chia rẽ khối cử tri bảo thủ, đưa đến chiến thắng cho ứng viên Dân Chủ như ta đã thấy tại Nữu Ước. Kết quả là, với các ứng viên bảo thủ cực đoan, Cộng Hoà có thể sẽ gặp khó khăn hơn.
Nhìn vào những chiến thắng của các ứng viên được sự ủng hộ của Phong Trào Tea Party vừa nêu trên, ta thấy viễn tượng chiến thắng lớn của đảng Cộng Hoà đã trở thành một câu hỏi lớn. Báo điện tử Real Clear Politics trước đây dự phóng Cộng Hòa sẽ thắng thêm tám ghế thượng nghị sĩ, bây giờ đã cắt con số đó xuống còn sáu ghế, với hai ghế có thể bị mất là:
- Florida, trước đây Cộng Hoà nắm chắc ghế thượng nghị sĩ với thống đốc Crist, bây giờ không ai biết ai sẽ thắng với ba ứng viên: Cộng Hoà, Dân Chủ và độc lập.
- Nevada, lãnh tụ Dân Chủ Harry Reid trước đây bị coi như chắc chắn thua, bây giờ sẽ đối diện với một ứng viên Cộng Hòa cực đoan, thiếu kinh nghiệm, ít uy tín. Hy vọng tái đắc cử của ông Reid bất ngờ đã lớn mạnh hẳn lên.
Đây là cách nhìn bi quan cho đảng Cộng Hoà. Có thể đảng Dân Chủ vẫn thất bại nặng vì chính sách của TT Obama càng ngày càng mất hậu thuẫn, nhưng dù sao thì sự lớn mạnh bất ngờ của Phong Trào Tea Party cũng thổi vào chính trường Mỹ một yếu tố mới, thay đổi cuộc diện chính trị mà không ai biết được thay đổi đến mức nào. (20-06-10)
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
Mới đây trên tờ tuần báo The Economist số ngày 10 -16/11/2007 có một câu chuyện (China: Beware of demob) về những người lính giải ngũ của Trung quốc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.