Hôm nay,  

Kyrgyzstan: Vạn Lý Thiên San

21/06/201000:00:00(Xem: 7808)

Kyrgyzstan: Vạn Lý Thiên San

Nguyễn Xuân Nghĩa

Liên Bang Nga Mắc Nghẹn Vì Stalin...
Giữa những tin xấu dồn dập, Tổng thống Barack Obama không kịp nhìn ra cái gân gà trong cuống họng của Liên bang Nga: động loạn tại Cộng hoà Kyrgyzstan. Một cơ hội bằng vàng...
Sau 70 năm làm chủ Trung Á với Khu Tự trị Kara-Kyrgyz Oblast rồi các nước Cộng hoà Xô viết Trung Á lập ra trong quỹ đạo Xô viết, nay Đế quốc Nga lãnh hậu quả từ kế hoạch tinh ma của Stalin: một chuỗi bom nổ chậm trong khu vực. Ngòi nổ là xung đột sắc tộc.
Nhìn lại thì trên một lãnh thổ bát ngát, quá rộng mở và không được thiên nhiên bảo vệ, Đế quốc Nga phải tìm cách kiểm soát các vùng đất đai tiếp cận: đưa dân Nga vào đó và dời cư dân địa phương sống xen kẽ cùng các sắc tộc khác ở nơi khác theo kiểu chia để trị. Chiến lược truyền thống ấy được Stalin phát huy thành quốc sách và tương đối thành công nhờ hai yếu tố: 1) dân số Nga La Tư thời ấy đủ đông để phần nào làm chủ được các vùng phiên trấn xa xôi và 2) hệ thống an ninh mật vụ đủ mạnh để xâm nhập và khuynh đảo các cộng đồng sắc tộc khác.
Bây giờ, yếu tố dân số ấy đã hết. Nga là một xứ hiếm hoi mà sinh suất - tỷ lệ gia tăng dân số - cứ giảm dần và sẽ còn giảm nữa. Còn lại, chỉ có hệ thống an ninh, được Thủ tướng Vladimir Putin - lãnh tụ thật - củng cố và ráo riết đóng đai bảo vệ các vùng phiên trấn cứ lần lượt tách khỏi ảnh hưởng của Nga. Việc Hoa Kỳ mắc bận với cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo là một thời cơ cho Nga quật khởi và tổng phản công để tìm lại thế lực đã mất và trả giá với Mỹ trên thế mạnh.
Nhưng cơ hội đó không kéo dài mãi mãi...
Cộng hoà Kyrgyzstan ngày nay đang kết tinh những mâu thuẫn phát sinh từ chánh sách di dân và chia để trị của thời xưa. Do óc sáng tạo của Stalin, xứ Kyrgyzstan này là một quốc gia mà khó là một nước thống nhất.
Về địa dư thì giữa núi non hiểm trở chạy dài từ rặng Hy Mã Lạp Sơn, chỉ có thung lũng Fergana (Đại Uyển) là nơi sống được nhưng lại bị chia cho ba nước Trung Á. Cộng hòa Uzbekistan chiếm phần đồng bằng béo bở nhất, Cộng hoà Tajikistan lãnh các quan ải dẫn vào thung lũng. Xứ Kyrgyzstan thì nằm chênh vênh trên một khu vực nửa núi nửa đồi. Bên kia là rặng Thiên San nổi tiếng trong lịch sử và thi ca Trung Quốc! Bên này là xứ Uzbekistan.
Trong lãnh thổ, dân Kyrgyz chỉ chiếm gần 70% dân số và phải chia miếng ăn với các sắc tộc khác, như Nga, Ukraine, và nhất là dân Uzbek khá sung túc và sống tiếp cận với xứ Uzbekistan ở hướng Tây và Tây Nam. Cuộc khảo sát dân số năm 1989 cho thấy dân Kyrgyz chỉ chiếm 22% dân số của thủ đô Frunze - sau được đổi lại tên là Bishkek. Đa số còn lại là các "dị tộc", sản phẩm của chánh sách di dân thời Stalin.
Năm 1990, khi Liên Xô bắt đầu tan rã, xung đột sắc tộc giữa dân Kyrgyz và Ubek lập tức bùng nổ trong khu vực Osh-Oblast, nơi mà đa số dân lại là người Uzbek... Hai chục năm sau, là ngày nay, ngòi nổ đó lại bật cháy và gây khó cho Liên bang Nga.
Sau khi Đế quốc Xô viết tiêu vong thì từng nước gọi là Cộng hoà trong Liên bang Xô viết cũ lần lượt thoát xác, thành các nước Cộng hoà ít nhiều độc tài. Họ tách dần khỏi quỹ đạo Xô viết và ảnh hưởng của Nga. Cuộc "Cách mạng hoa Tulip" năm 2005 tại Kyrgyzstabn đã lật đổ Tổng thống Askar Akayev, ông Kurmanbek Bakiyev lên làm Tổng thống cùng Thủ tướng Feliks Kulov. Xứ này muốn ngả dần về Tây phương và còn cho Hoa Kỳ mượn một căn cứ không quân để tiếp vận cho chiến trường Afghanistan.
Thế rồi, nhân khi Hoa Kỳ lọt giếng Trung Đông và kẹt chân vào hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, Liên bang Nga đảo ngược làn sóng dân chủ và còn giúp phe đối lập tiến hành đảo chánh vào tháng Tư vửa qua. Tổng thống Bakiyev phải đào thoát và sống lưu vong ở ngoài. Chính quyền lâm thời được cả Liên bang Nga và xứ Uzbekistan ủng hộ. Chuyện ấy, dân Mỹ không thèm biết.
Nghĩa là khi Hoa Kỳ mắc bận, Liên bang Nga bắt đầu tổng phản công, từ Georgia tới Ukraine và sau cùng là Kyrgyzstan, mà gần như khỏi tốn một viên đạn! Nhưng, cái lò xo sắc tộc do Stalin để lại bỗng bật lên vào lúc bất ngờ nhất. Vào ngày 11 tháng Sáu vừa qua.


Xung đột lại bùng nổ giữa hai sắc dân Kyrgyz và Uzbek tại Osh, thành phố đông dân thứ nhì sau thủ đô Bishkek và lan ra nhiều nơi. Lý do vì sao thì chưa ai biết cho rõ, nhưng một phần là vì dân Kyrgyz nơi đây vẫn ủng hộ Tổng thống Bakiyev và oán dân Uzbek vì nhiều chuyện. Vốn có gốc gác du mục, họ không có khả năng làm ăn bén nhạy như dân Uzbek và không khỏi bất mãn vì điều ấy. Bây giờ lại có cả chuyện Uzbekistan ủng hộ cuộc đảo chánh hồi tháng Tư. Một tuần sau, gần hai trăm người thiệt mạng, hai trăm ngàn dân bị xiêu tán. Sợ bị tàn sát, dân Uzbek túa chạy qua bên kia biên giới khiến Uzbekistan coi động loạn Kyrgyz là vấn đề an ninh của mình.
Động loạn vừa bùng nổ, lãnh đạo chính quyền lâm thời tại Bishkek là bà Roza Otunbayeva lập tức yêu cầu Nga đưa quân vào tái lập trật tự. Tổng thống Dmitry Medvedev của Nga lại tìm cách thoái thác và chỉ muốn có chừng một tiểu đoàn bảo vệ các căn cứ quân sự của Nga mà thôi. Lãnh đạo Nga biết sợ gân gà...
Mà vì sao như vậy" Trong vụ này, họ học được kinh nghiệm quý báu của Hoa Kỳ tại Iraq và... của Hà Nội tại Kampuchia.
Đưa quân vào Kyrgyzstan thì dễ, nhưng không phải dân Kyrgyz nào cũng đứng đường chào đón "giải phóng quân" của Nga. Mà ổn định an ninh trong một xứ quá hiểm trở là trò không dễ. Hãy hỏi Hoa Kỳ tại Afghanistan thì rõ. Vả lại, an ninh mật vụ do Nga cấy vào xứ này vẫn không đủ thông tin tình báo để làm chủ tình hình như xưa.
Chưa kể là tiến sâu quá thì dân Uzbek hóa sợ: Cộng hoà Uzbekistan e rằng binh lính Nga không dừng chân tại đó mà còn đi xa hơn vào lãnh thổ Uzbek ở phía Nam. Xứ này đủ đông dân và có quân đội đủ mạnh để nhân danh việc bảo vệ kiều dân Uzbek tại Kyrgyzstan đưa quân vào xắn lấy một phần! Nghĩa là Kyrgyzstan có khi chia đôi - hay chia ba.
Xứ Uzbekistan lại nằm sát vùng hỏa tuyến trong một deo đất xuyên vào Kyrgyzstan như một lưỡi dao, cho nên dễ giải quyết việc tiếp vận hơn đạo quân viễn chinh thật ra đã lạc hậu của Nga, phải vượt cây số ngàn mới vào tới nơi. Mà xứ Uzbek còn nắm một chìa khoá khác: có thể khóa các ống dẫn khí đốt từ Trung Á thổi vào Nga qua lãnh thổ của mình.
Nếu không đơn phương đưa quân vào bẫy, Liên bang Nga có thể áp dụng giải pháp đa phương. Viện dẫn Hiệp ước An ninh Tập thể csto ký kết năm 2002 với năm nước Armenia, Belarus, Kazahkstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, Nga có thể kêu gọi các nước trong Hiệp ước CSTO này gửi quân vào tái lập trật tự. Thà vậy còn hơn là nhờ đội quân Mũ Xanh của Liên hiệp quốc, bên trong lại cần tới lá phiếu và con mắt của Mỹ hay của Âu châu!
Giải pháp CSTO này có vẻ dễ nuốt vì trong quân lực Kazahkstan lại có nhiều binh lính... gốc Nga. Nhưng, tất nhiên là Uzbekistan cũng đòi dự phần, và góp quân với điều kiện, vì đã tham gia Hiệp ước này từ năm 2006.
Trên lý thuyết, Liên bang Nga thừa sức làm cỏ Kyrgyzstan và hữu sự thì đại thắng cả xứ Uzbekistan. Nhưng rồi sao" Mầm đại loạn thì vẫn nguyên vẹn vì Nga sẽ thành "sen đầm quốc tế" để dẹp yên mọi xung đột sắc tộc đã chồng chất oán thù từ thời các Sa hoàng đến thời Stalin. Trong khi ấy, dân số Kyrgyz hay Uzbek vẫn tăng nhanh hơn dân số Nga.
Thành thử, đương khi Hoa Kỳ mắc nghẹn, Liên bang Nga ngang nhiên phản công và chinh phục lại ảnh hưởng đã mất từ thời Xô viết.
Thế rồi rớt vào cái bẫy xập của Stalin.
Nhiều tay lý luận thiên tả - đồng nghĩa với hoang tưởng - lập tức kêu gọi Obama nhân cơ hội mà hòa giải hòa hợp với Liên bang Nga để cùng góp phần giải quyết chuyện Kyrgyzstan. Ngây ngô có môn bài.
Hoa Kỳ đã từng yểm trợ Kyrgyzstan từ 10 năm trước, thực tế còn góp phần vào cuộc cách mạng hoa tulip để "phát huy dân chủ" và chen chân vào Trung Á. Nhờ vậy mà được Chính quyền Bishkek cho mượn căn cứ không quân Manas làm trạm tiếp vận cho Afghanistan. Thế  rồi, nhân lúc Obama mắc cạn, như chim bồ nông trên vùng Vịnh ngập dầu, Nga tổng phản công mọi mặt. Chính quyền của Tổng thống Bakiyev lập tức trở mặt: cho Quốc hội biểu quyết để đòi Mỹ rút khỏi căn cứ Manas. Rồi chỉ đổi ý vào giờ chót khi được trả tiền thuê gấp bội, từ 17 triệu một năm lên 60 triệu đô la! Tình nghĩa đồng minh là vậy.
Bây giờ là lúc dùng kế "lạc tỉnh hạ thạch""
Nhân khi Liên bang Nga rớt xuống giếng Kyrgyz thì quân ta ném đá" Vẫn biết rằng khi đối phương rớt xuống giếng thì người quân tử chẳng thèm ném đá mà chỉ nói lời đạo đức và bàn chuyện cứu trợ nhân đạo. Đó là chuyện văn minh trên bề mặt. Chuyện thực tế mà xứ nào cũng nghĩ tới, là cứ ngồi trên để trả giá với Moscow.
Hãy xem Obama trả giá ra sao, nếu là người có đởm lược.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
Mới đây trên tờ tuần báo The Economist số ngày 10 -16/11/2007 có một câu chuyện (China: Beware of demob) về những người lính giải ngũ của Trung quốc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.