Hôm nay,  

Đại-hội Lần Thứ 24 Của Nghị-hội Kết Thúc Bằng Một Nghị-quyết 8 Điểm

16/10/200900:00:00(Xem: 4707)

Đại-Hội Lần Thứ 24 Của Nghị-Hội Kết Thúc Bằng Một Nghị-Quyết 8 Điểm

Tâm Việt

Đại-hội lần thứ 24 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ đã kết thúc vào trưa Chủ-nhật, 27/9 vừa qua.  Vì ngày đầu và ngày cuối dành cho sinh-hoạt nội-bộ nên hai ngày chính là thứ Sáu, 25/9, và thứ Bảy, 26/9, diễn ra ở Westminster Civic Center, một địa-điểm rất quen thuộc của đồng-bào Quận Cam.

Khai mạc
 
Mở đầu chương-trình ngày 25/9 sau phần nghi-thức là mấy lời chào mừng của cô Trương Vân Lan, Chủ-tịch Hội-đồng Điều hợp Trung-ương Nghị-hội.  Đại diện cho bà thị-trưởng Marjorie Rice, phó-thị-trưởng Tạ Đức Trí đã chào mừng Đại-hội nhân danh chủ nhà tức Hội-đồng Thị-xã Westminster.  Nghị-viên Diệp Miên Trường tiếp đó tặng Đại-hội một bảng tuyên dương những nỗ lực không ngừng thăng tiến cộng-đồng người Mỹ gốc Việt trong thời-gian qua của Nghị-hội.  Ông Nguyễn Thanh Hà thay mặt ban Tổ-chức giới-thiệu các quan-khách có mặt, từ những bậc cao-niên nhất có mặt là cụ Cao Xuân Vỹ, năm nay đã ở tuổi 90, hay ông Huỳnh Văn Lang (đến từ Connecticut) đến nhiều chính-khách và thức-giả nổi tiếng trong cộng-đồng địa-phương đến với Đại-hội.  Người ta chú ý thấy ngoài ông Trần Quốc Bảo của Tổ Chức Phục Hưng, ngồi cạnh cụ Vỹ, những vị sau đây theo báo Việt Herald: Ông Cao Xuân Thức, ông Nguyễn Công Lượng, cô Lilly Nguyễn Ngọc Hiếu, đại diện Dân-biểu Loretta Sanchez, Giáo-sư Nguyễn Chính Kết (Đại diện hải-ngoại của Khối 8406), nhà báo Trần Phong Vũ, ông Nguyễn Tấn Lạc, Chủ-tịch Cộng-đồng Nam Cali, cựu-Thẩm-phán Phan Đình Hưng, bà An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên, G.S. Đỗ Đình Tuân, Tiến-sĩ và bà Mai Thanh Truyết (Hội Khoa-học Kỹ-thuật), ông Lê Quang Dật (Trưởng ban Hướng dẫn GĐ Phật-tử miền Quảng Đức, Tây Nam Hoa Kỳ), G.S. Lê Hồng, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ông Đỗ Thái Nhiên, kinh-tế-gia Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Peter Nguyễn, L.S. Bùi Kim Thành (cựu-tù-nhân chính-trị và người tranh đấu cho Dân oan), và nhiều vị khác nữa mà tờ báo không kê ra như ông Bùi Bỉnh Bân (Người Việt QG TV Freevn.net), bà Kim Hà (tác-giả hồi-ký “Stormy Escape,” đại diện cho VVA, Voice of Vietnamese Americans), nhà biên khảo Phụng Nghi, ông Tâm Bền (của Bút nhóm Gọi Đàn), nhà biên khảo Song Thuận và ông Dzũng Nguyễn (Hùng Sử Việt), Luật-sư Đoàn Thanh Liêm (Mạng Lưới Nhân Quyền), Mục-sư Lương Thanh Nỉ, ông Lộc Nguyễn (Hội Chuyên-gia VN), ông Phạm Trần Anh, CT Hội-đồng Điều hành Hải-ngoại của Hội Ái-hữu Tù-nhân Chính-trị và Tôn-giáo VN (Thượng-toạ Thích Thiện Minh là CT ở quốc-nội), ông Phan Như Hữu (Hội Đền Hùng Hải Ngoại), ông bà Nguyễn Ngọc Kỳ (Hội Bắc Ninh) và nhiều người nữa đến với tư-cách cá-nhân hay cựu-quân-nhân, cựu-tù-nhân chính-trị CS, không kể một số khá đông phụ nữ đến vì quan-tâm đến chuyện đất nước, cộng-đồng.  Từ xa nhất có lẽ phải kể nhà văn Lê Mỹ Hân và phu-quân, ông Yukio Takahashi, đến từ Nhật-bản (Tokyo); từ Azerbaijan, Liên-bang Nga, về là Tiến-sĩ Đinh Xuân Quân; từ Montréal, Canada, có ông Nguyễn Mậu Phụng.
Phía Nghị-hội, ngoài bà Vân Lan đến từ Boston, một số vị sau đây cũng đã được giới-thiệu: Dược-sĩ Nguyễn Mậu Trinh, tổng-quản-trị, đến từ Maryland, bà Jackie Bông Wright và Tiến-sĩ Đảo Thị Hợi đến từ Virginia, ông Phạm Văn Vy, ông Yến Phạm, ông Huỳnh Sĩ Nghị và em Dan Huỳnh đến từ Minnesota; ông bà Mai Tất Đắc, trước ở Illinois; mới về tính nhập tịch Quận Cam là ông Nguyễn Văn Thiệt; ở ngay tại địa-phương là ông Lê Hữu Quế (Nghị-hội Tuổi trẻ Quang Trung) và ông Nguyễn Thanh Hà…  Đến tiếp tay ban tổ-chức là một số anh chị em trẻ từ Viện Việt Học như các anh Nguyễn Minh Lân, Phan Hữu Trí, Trần Thanh Phong, Nguyễn Minh Phúc… và các chị Lý Thu Vân, Trần Huyền Trân, Nguyễn Kim Ngân…  Đặc-biệt hữu hiệu trong vai trò kỹ-thuật là anh Phạm Nam Định, trước học ở Đức.
Trước khi đọc diễn-văn khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Bích mời cô Lilly Nguyễn Ngọc Hiếu lên đọc thư chúc mừng của Dân-biểu Liên-bang Loretta Sanchez (Dân-chủ).  Ngoài ra cũng còn có thư chúc mừng của Dân-biểu Liên-bang Ed Royce (Cộng-hoà) nhắc nhở chúng ta cần phải tranh đấu mạnh hơn nữa để có được nhân-quyền và nhất là tự do tôn-giáo ở Việt-nam, và thư khuyến khích chúc mừng Đại-hội thành công của Dân-biểu Trần Thái Văn.  Vào đề, ông Bích nhắc đến một vài thành-tích của Nghị-hội trong quá-khứ, như việc vận-động thành công cho chương-trình H.O. (phụ với Hội Gia-đình Tù-nhân Chính-trị VN), cho Đài Á Châu Tự Do (với sự tiếp tay thật hữu hiệu của Tổ Chức Phục Hưng VN và Uỷ-ban vận-động cho Đài ACTD).  Gần đây hơn là chuyện tiếp tay Nha Kiểm-kê Dân-số Hoa-kỳ (Nghị-hội đã được chỉ-định là một CIC, Census Information Center, chuyên về thống-kê người Mỹ gốc Việt), cộng-tác với hệ-thống bảo tàng Smithsonian (để có triển lãm “Exit Saigon, Enter Little Saigon” đi lưu-động 3 năm chung quanh nước Mỹ) và Thư-viện Quốc-hội (để có Hội-thảo “Hành-trình đi tìm Tự Do: Nhìn lại kinh-nghiệm Thuyền-nhân” hôm mồng 2 tháng 5, 2009).  Đó là vế liên-quan đến cuộc sống của chúng ta ở xứ này.  Riêng về vế liên-quan đến quê hương bên kia bờ đại-dương thì Nghị-hội vẫn lên tiếng mạnh mẽ về những vấn-đề như mối đe doạ ngày càng trầm trọng của Trung-Cộng đối với VN (lấn đất, lấn biển, lấy Hoàng Sa-Trường Sa của VN, bắn giết ngư-dân VN, khai thác bauxite và uranium ở miền Trung) hoặc những vấn-đề nhức nhối như vi-phạm nhân-quyền, buôn bán phụ nữ, trà đạp tự do tôn-giáo, bức hiếp dân oan, xuất cảng lao-động.  Theo ông Bích, đó chính là những vấn-đề mà Nghị-hội lần này sẽ tìm cách đào sâu để cùng mọi người tìm ra được những giải-pháp khả dĩ cứu vãn được quê hương.

Hiện-tình cộng-đồng và vấn-đề Truyền-thông

Đi vào phần hội-thảo, ông Bích đã nhường cho ông Huỳnh Sĩ Nghị, chủ báo Asian American Press (St. Paul, Minnesota) và nguyên-phó-chủ-tịch AAJA (Hội Nhà báo Người Mỹ gốc Á), nói trước về vai trò then chốt của truyền-thông trong cộng-đồng hải-ngoại.  Sở dĩ chúng ta có được một cộng-đồng 3 triệu người tương-đối thuần nhất như ở hải-ngoại thì đó là do sự đóng góp tiếng nói của chúng ta qua một nền truyền-thông ngày một phát triển, từ báo đọc cho đến báo nghe, báo nhìn và báo Net.  Ông cũng phân-tích một vài thách thức mới đối với ngành báo chí của người Việt hải-ngoại và kêu gọi cộng-đồng hãy ủng-hộ ngành này để giữ vững tình đoàn-kết trong cộng-đồng chúng ta ngõ hầu đương đầu hữu hiệu với những thách thức đó.  Tiếp đó, đến trưa, ông Bích đã vẽ ra một bức chân-dung của cộng-đồng người Việt tại Mỹ qua thống-kê.  Ngày nay được ước-lượng trên 1 triệu rưởi người, đứng thứ tư trong hàng các dân gốc Á-châu ở Mỹ, người Việt được xem là một cộng-đồng chí thú làm ăn (lợi-tức tính theo hộ gia-đình, household income, cao hơn lợi-tức cùng loại của người Mỹ bình-thường tuy còn thua khá xa người Hoa, người Nhật, người Ấn-độ về mặt này), còn giữ văn-hoá và truyền-thống mang theo (hơn 2/3 gia-đình vẫn thích nói tiếng Việt hơn), 48% phụ nữ ở trong lực-lượng lao-động (chỉ có cộng-đồng người Phi-luật-tân là có tỷ-số cao hơn).  Về hai mặt ta dễ có ngộ-nhận: vì giáo-dục trung-tiểu-học là bắt buộc nên con em ta tương-đương với các sắc dân khác nhưng lên đại-học, tỷ-lệ phần trăm của VN đi đại-học không bằng người Hoa, người Nhật, người Ấn-độ (thực ra còn kém xa) cũng như về số người làm chủ kinh-doanh của mình, người Việt mình chỉ khoảng chưa đầy 7% (có nghĩa là đa-phần chúng ta hãy còn đi làm cho người khác). 
Cũng nhân dịp này, ông Nguyễn Mậu Phụng từ Canada qua trình bầy một đề-án gọi là “Phố Ta” nhằm liên-kết các cơ-sở cũng như cá-nhân VN trên khắp thế-giới vào một hệ-thống rộng lớn trên Internet để chúng ta ngày càng cấu-kết thành một lực-lượng đáng nể trên mọi bình-diện.

Kiểm-kê dân-số Hoa-kỳ năm 2010

Một đề-tài khác thu hút sự chú ý của mọi người là chuyện kiểm-kê dân-số Hoa-kỳ vào năm tới.  Nhân Nghị-hội đã có thành-tích tham-gia và tiếp tay kiểm-kê dân-số Hoa-kỳ trong hai lần trước (1990 và 2000, năm sau này còn được tặng một bình pha-lê ghi công) nên từ hơn hai năm nay, Nghị-hội đã được Nha Kiểm-kê Dân-số Hoa-kỳ (U.S. Census Bureau) chỉ-định làm một CIC (Census Information Center), một trung-tâm thông tin về kiểm-kê dân-số, đặc-biệt liên-quan đến những thống-kê về người Mỹ gốc Việt.  Bởi vậy nên năm nay một chủ-đề của Đại-hội là “Mainstreaming for a Better Count” (“Nhập dòng chính để được đếm đầy đủ hơn”).
Trình bầy đề-tài này là Tiến-sĩ Đinh Xuân Quân, đại diện cho hội VVA (Voice of Vietnamese Americans).  Sau khi nêu tất cả những lý-do vì sao chúng ta không nên nghi ngại mà trái lại nên tham-gia điền các mẫu kiểm-kê dân-số năm tới đây, để cho các quyền-lợi của chúng ta không bị thiệt thòi (trong các ngân-khoản sẽ được cấp ra để lo về giáo-dục, y-tế, dịch-vụ xã-hội v.v. cho cộng-đồng người Mỹ gốc Việt khắp nước), ông Quân còn nhấn mạnh đến vấn-đề tái-phân-định các đơn-vị bầu cử (“redistricting”), cung-cấp cho chúng ta những cơ-hội ra ứng-cử vào các cấp chính-quyền, nhất là ở những nơi có đông người Việt.
Cũng liên-hệ đến cuộc sống của chúng ta ở Mỹ, đại diện của State Farm, anh Jayvee Mai Thế Hiệp với sự phụ-tá của anh Joe Nguyễn, đã trình bầy một cách khá cặn kẽ về đề-tài “Quản-lý tài-chính trong một thị-trường tín-dụng eo hẹp,” với những lời khuyên rất thiết thực để đối phó với tình-hình khủng-hoảng kinh tế tài-chánh mà nước Mỹ đang trải qua.  Được biết, ngoài việc làm cho State Farm, anh Hiệp còn là một diễn-viên kịch-nghệ, tài-tử xi-nê, vũ-công, một nhà biên đạo (choreographer), đạo diễn, quản-lý sân khấu, giám-đốc sản xuất… cho nhiều ban kịch và công-ty truyền hình của Mỹ.

Những vấn-đề VN

Sang vế Việt-nam, chúng ta cũng được nghe một dàn chuyên-viên mà Nghị-hội đã mời được để đến chia xẻ và trình bầy:
Kinh-tế-gia Nguyễn Xuân Nghĩa thuyết-trình về “Những vấn-đề kinh tế VN” trong đó có những vấn-đề như thiếu hụt ngân-sách (Bắc-kinh phải cho vay 50 tỷ và Ngân-hàng Thế-giới cũng mới cho vay 500 triệu đô-la để cấp cứu), áp-lực lạm-phát, đầu tư ngoại-quốc giảm một cách đáng lo ngại.  Khi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tỏ ra ngờ vực một vài con số, như chuyện đồng-bào hải-ngoại mang về hay gửi về trong nước tới 8 tỷ đô-la một năm, ông Nghĩa đã giải thích: Đây không phải là những con số vu vơ người ta đưa ra mà dựa vào những nghiên cứu như của Ngân-hàng Thế-giới hay Quỹ Tiền-tệ Quốc-tế.  Ông minh-hoạ: Mỗi năm có từ 300 đến 500 nghìn lượt người hải-ngoại về trong nước, nếu cứ bỏ nhỏ là mỗi người mang về vừa tiêu vừa cho gia-đình từ 5 nghìn tới 10 nghìn đô-la thì ngay đó, chúng ta đã có đến những con số khủng lồ (500.000 x $10.000 = 5 tỷ đô-la), chưa kể tiền gửi về từ các nước Tây-phương và cả các nước cựu-CS (Liên-bang Nga, Đông-Âu) hay các nước có đông người Việt đi lao-động (Đại-Hàn, Mã-lai, Trung-Dông v.v.).  Chính những số tiền này đã và đang cứu vãn nền kinh tế kém phát triển của Hà-nội.
Ông Đỗ Thái Nhiên nói về “Yếu-tố Trung-quốc trong ván bài VN.”  Ông nêu ra những vụ mất đất (Ải Nam-quan, Thác Bản Giốc…), mất biển (ít nhất 10 nghìn km2 trong vịnh Bắc-Việt), mất hải-đảo (Hoàng Sa-Trường Sa), bắn giết ngư-dân VN ngay trong vùng biển của VN, khai thác bauxite ở Tây-nguyên, hiện-tượng các làng Trung-quốc rải rắc khắp nước VN, để kết-luận là chúng ta không thể chần chờ được nữa mà phải có hành-động, phải có biện-pháp để vừa chống âm-mưu “tầm ăn lá” của Trung-quốc vừa ngăn chặn bàn tay bán nước của CSVN.  Bằng mọi giá, chúng ta ở hải-ngoại cần bảo vệ chủ-quyền đất nước (qua vận-động, sách báo, bằng-chứng thuyết phục), tìm đồng-minh (vì quyền-lợi của họ gắn liền với quyền-lợi của VN, tỷ như những quyền-lợi hải-hành trong biển Đông, hay quyền khai thác những tài-nguyên dưới biển) và phủ-nhận những đòi hỏi vô-căn-cứ của Trung-Cộng (như cái lưỡi bò họ đòi trên 80% biển Đông).
Nói về “Phong trào Dân-chủ” ở trong nước, G.S. Nguyễn Chính Kết, đại diện hải-ngoại của Khối 8406, cho biết lúc này CS đang đàn áp dữ dội, bắt bớ hay giam giữ cả trăm người (riêng Khối 8406 cũng đã có trên 40 người bị giam giữ hay bỏ tù, ngay sau khi những người này mãn án hay được thả ra thì vẫn còn trên 20 người trong lao lung, như Cha Lý, hai luật-sư Nguyễn Văn Đài-Lê Thị Công Nhân, v.v.), đàn áp các tôn-giáo trên một qui-mô chưa từng thấy (như vụ Thái-hà, Tam-toà, tu-viện Bát Nhã v.v.).  Tuy-nhiên, CS đôi khi cũng phải lượm tay như hoãn xử 8 nhà tranh đấu cho dân-chủ vì Nguyễn Minh Triết, chủ-tịch nước, sang gặp Tổng-thống Obama.  Điều đáng nói, theo ông Kết, là càng ngày tuổi trẻ càng dấn thân tham-gia vào phong trào Dân-chủ, bất kể viễn-ảnh tù tội, cũng như dân không còn biết sợ (hiện-tượng các giáo-dân, Dân Oan, tuổi trẻ xuống đường, lao-động đình công v.v.), làm cho Hà-nội rất lúng túng trước những áp-lực của quần-chúng.
Cuối ngày, Tiến-sĩ Mai Thanh Truyết sợ không còn người nghe nhưng cách trình bầy duyên dáng của ông đã làm cho mọi người chú ý đến đề-tài ông được mời đảm trách: “Vấn-đề khai thác Bauxite và Uranium ở VN.”  Theo ông, vấn-đề Bauxite đã được nói đến nhiều và những nguy-hại của nó đã được trình chiếu lên cho mọi người xem về kinh-nghiệm ở Trung-Cộng trong một đoạn Youtube, theo đó ngay viên bí-thư CS của một làng ung-thư do Bauxite gây ra cũng phải tố-cáo chế-độ là đang giết dân mà không có bồi thường hay chăm lo y-tế cần thiết.  Tuy-nhiên, còn một vấn-đề quan-trọng hơn nữa và nguy-hiểm hơn nhiều cho tương-lai VN, theo ông Truyết, đó là vấn-đề Trung-Cộng đang nhắm khai thác Uranium ở khu mỏ Nông-sơn mà chúng ta mới có thông tin gần đây qua sự tiết-lộ của một công-ty Gia-nã-đại.
Sang ngày hôm sau, thứ Bảy 26/9, đến lượt tình-hình nhân-quyền ở VN được đem ra mổ xẻ.  Trước khi vào đề, Đại-hội đã được xem một đoạn video khoảng 10 phút của Mạng Lưới Nhân Quyền VN mới hoàn-thành nói rất ngắn gọn nhưng sâu sắc về khoảng 50 trường-hợp điển-hình của sự vi-phạm nhân-quyền ở trong nước đối với mọi giới, mọi tôn-giáo, mọi cá-nhân hay hội-đoàn, tổ-chức dám đứng lên nói sự thật hay thách thức sự độc-quyền thông tin hay sự chuyên-quyền của Đảng CSVN.  Đây thật là một tài-liệu quý báu nói lên tính-cách “bất năng khuất” của các con dân VN ở mọi miền và mọi giới!


Đến khi L.S. Đoàn Thanh Liêm lên nói chuyện về vấn-đề này, ông đã thưa là những sự vi-phạm kia đã quá rõ, ông không muốn nhắc lại trong chi-tiết mà chỉ xin nêu ra đây là biểu-hiện của một lối hành xử có tính toán, có hệ-thống, có chủ-mưu mà chúng ta cần đánh bại.  Bà Jackie Bông Wright, khi trình bầy về nạn buôn người, mà 60% nạn-nhân là đàn bà, con gái (có em chỉ 5-6 tuổi) và thậm chí cả bé trai VN ở Căm-pu-chia, đã vẽ ra một tình-trạng thật bi đát mà tất cả chúng ta cần quan-tâm cũng như tiếp tay giải-quyết để cho các nạn-nhân được trở lại một đời sống có nhân-phẩm, có tương-lai.

Cải cách y-tế và tham-gia chính-trị dòng chính ở Hoa-kỳ

Trở lại những đề-tài thời-sự ở Mỹ, Dược-sĩ Nguyễn Mậu Trinh đã nói về “chương-trình cải cách y-tế của TT Obama.”  Vì hiện có hai ba phiên-bản của dự-luật cải cách y-tế đang được bàn cãi ở Quốc-hội nên rất khó biết cuối cùng hình thù của luật này sẽ ra sao.  Phiên-bản do Thượng-nghị-sĩ Baucus đưa ra, chẳng hạn, có tới gần 550 điểm khác với những phiên-bản khác.  Do đó nên diễn-giả chỉ có thể mô-tả những vấn-đề chính đang được bàn cãi, như con số người sẽ được hưởng cải cách y-tế nếu nó được thông qua, vấn-đề “public option” tức bảo hiểm y-tế do nhà nước cai quản, cạnh tranh phần nào với các hãng tư, vấn-đề lấy đâu ra tiền chi cho chương-trình v.v.
Trưa hôm thứ Bảy, bà Trương Vân Lan trình bầy bằng PowerPoint những lý-do tại sao ta, và nhất là tuổi trẻ VN ở Hoa-kỳ, nên nhập dòng chính qua việc tham-gia vào chính-trị ở xứ này, đặc-biệt qua con đường gia-nhập công-quyền hay ra tranh cử vào những chức-vụ dân-cử (bất kể là ta thuộc Đảng Cộng-hoà hay Đảng Dân-chủ) để cho cộng-đồng nói chung có tiếng nói đại diện mạnh hơn ở các cấp. 
Và như để minh-hoạ cho điều ấy, Dân-biểu Tiểu-bang Tiểu-bang Trần Thái Văn cũng đã đến sinh-hoạt với Đại-hội để kể lại những bước đường mà ông đã trải qua để trở thành một vị dân-cử ở Nghị-viện California và nay mai dự-tính ra tranh cử để thành một Dân-biểu Liên-bang nữa.  Để đạt được đến đó, theo DB Trần Thái Văn, ta cần có tự tin và hiểu biết rõ ta muốn gì cũng như phải nắm rõ những qui-luật chính-trị của xứ này.  Tỷ-dụ, nếu California là một tiểu-bang mà đa-số cử tri là thuộc Đảng Dân-chủ, thế không có nghĩa là một người thuộc Đảng Cộng-hoà không có thể ra tranh cử mà vẫn thắng được.  Sở dĩ vậy là vì, như những con số của bà Trương Vân Lan trưng ra, ở Quận Cam phe Cộng-hoà là một đa-số áp-đảo (56%).  Vì thế nên ở Mỹ, người ta mới có câu gần như châm-ngôn: “All politics is local” (“Chính-trị nào cũng là vấn-đề địa-phương cả”).  Hoặc như trường-hợp Dân-biểu Liên-bang Cao Quang Ánh (Joseph Cao trong tiếng Anh), ông đã ra tranh cử trong một đơn-vị mà hơn 2/3 là thuộc Đảng DC.  Mặc dầu vậy,  dù thuộc Đảng Cộng-hoà ông vẫn thắng bởi đối-thủ của ông bị bắt quả-tang là tham-nhũng và lại còn khinh địch trong khi ông đã thu hút được phiếu của người da trắng và một khối phiếu không nhỏ của người da đen, giờ đây đã chán ghét sự tham-nhũng của đối-thủ ông.

Những đề-tài nhắm vào tuổi trẻ

Chiều thứ Bảy, các hội-thảo được tổ-chức nhắm vào tuổi trẻ VN ở Mỹ.  “Việt-nam và Người Việt trong sách giáo-khoa ở Mỹ” là cơ-hội để cho G.S. Đào Thị Hợi và G.S. Nguyễn Ngọc Bích đưa ra những bằng-chứng đề-tài này đã được đưa một cách đứng đắn vào sách giáo-khoa, không những ở bậc đại-học mà còn đặc-biệt ở cấp trung-tiểu-học, nhờ những nỗ lực của các dịch-giả, học-giả, nhà văn, nhà thơ VN trong nhiều năm qua.  Ông Bích còn chứng minh được là một lễ-hội như Trung-thu của VN có thể đưa được vào chương-trình học của một trường Mỹ (như làm đèn Trung-thu trong lớp mỹ-thuật hay thủ-công-nghệ, hay truyện Thằng Cuội có thể kể trong lớp “Language Arts,” hoặc có thể tập cho các em hát nhạc Trung-thu trong lớp nhạc) để dần dà nó có thể trở thành một lễ-hội của cả trường.  Nhờ trình bầy khá hùng hồn và thuyết phục, những tài-liệu ông mang theo đã được không ít người nhào lên lấy.  Nhân dịp này, ông còn đưa được ra những thí-dụ “trao đổi” văn-hoá như Quốc-ca Mỹ lời Việt, hay bài “Ly Rượu Mừng” của VN hát được bằng tiếng Anh, bài ca Giáng-sinh “Đêm đông” của Hải Linh hát lên như một “Christmas carol” của truyền-thống Anh-Mỹ.
Tiếp theo phần trình bầy của ông Bích, G.S. Đỗ Đình Tuân chia xẻ với cử-toạ kinh-nghiệm của ông ghép cách dạy đọc và viết tiếng Việt tương-đối nhanh chóng dựa trên kinh-nghiệm tiếng Anh của các em VN học trong trường Mỹ.
Hội-thảo XII được chia ra làm hai phần.  Giới-thiệu công việc của Viện Việt Học mà trụ-sở ở Westminster, California, cô Nguyễn Kim Ngân thuộc Ban Điều hành Viện đã nói đến sự thành-lập vào năm 2000 của Viện như một tiếp nối giữa các thế-hệ, với sự khuyến khích của một số các giáo-sư, học-giả hàng đầu của người Việt ở hải-ngoại.  Chủ-yếu do các anh chị em trẻ góp sức lo gánh nặng tài-chánh, Viện giờ đây có những lớp học (cả tại chỗ lẫn trên mạng) về nhiểu đề-tài liên-hệ đến VN, như các lớp Hán-Nôm, dịch-thuật, về văn-minh văn-hoá VN; tổ-chức những buổi nói chuyện hàng tháng về đủ mọi khía cạnh của đất nước, quê hương và con người VN; tổ-chức hội-thảo liên ngành về ngôn-ngữ-học đương-đại và lịch-sử, về các địa-phương hay tỉnh thành của VN.  Viện cũng đã xuất bản một số sách mà hai sản-phẩm mới và được chú ý nhất gần đây là Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn (1700 trang) và bộ 6 DVD-ROM thu lại 35.000 trang Nam Phong Tạp Chí.  Viện còn có một tủ sách nghiên cứu gồm 7000 cuốn sắp theo hệ-thống phân loại của Thư-viện Quốc-hội Mỹ.
Cũng liên-hệ đến ngành Việt-học nhưng chủ-yếu là để ghi lại lịch-sử định cư của người Việt ở Hoa-kỳ, một dự-án đi phỏng vấn 500 nhân-vật VN thuộc nhiều giới ở Hoa-kỳ (“500 Oral History Project”) đã được viết ra để cho một số tình-nguyện-viên cấp sinh-viên đại-học đi thực-hiện trong vài năm tới.  Vào đầu tháng 7 vừa qua, tại Đại-hội ở Atlanta, Georgia, dự-án này đã tranh thủ được sự ủng-hộ của Tổng-hội SVVN ở Hoa-kỳ: sang năm tới, các chi nhánh của Tổng-hội sẽ tập trung gây quỹ trong vòng một năm để góp tiền cho dự-án này.  Rõ ràng là tuổi trẻ VN ngày nay đang có những hành-động và kế-hoạch cụ-thể để góp phần vào việc xây dựng cộng-đồng, viết nên lịch-sử của người Việt ở Mỹ.
Nhưng thiện-chí là một chuyện.  Tiến-sĩ Phạm Hồng Vũ đã kể lại những thăng trầm của một người trẻ là ông khi tham-gia tạo nên cuộc triển lãm lưu-động “Exit Saigon, Enter Little Saigon” (“Lìa xa Sài Gòn yêu dấu, Nhập Tiểu Sài Gòn thân thương”) của hệ-thống bảo tàng Smithsonian.  Dù như cuộc triển lãm đã thành công và đi vòng quanh nước Mỹ được ba năm, giúp cho nhiều người hiểu về sự hiện diện của chúng ta ở xứ này, song vẫn có chuyện “ma chê, cưới trách” đủ điều.  Tệ hơn nữa là những lời ong tiếng ve và đôi khi ông còn bị chụp nón cối, bị gọi là CS.  Dù như có người khuyên ông là đừng nên buồn phiền quá về chuyện này, hãy bỏ ngoài tai, nhưng thực-tế là những việc đó có và đã xảy ra làm cho tuổi trẻ dễ ngán và đi tìm những công việc khác “ít nhức đầu” hơn.  Song chính đó là một thiệt thòi cho cộng-đồng khi tuổi trẻ không thoải mái làm việc với người lớn. 

Vai trò của truyền-thông được tuyên dương

Có lẽ chính vì thế, chính vì nhu-cầu gây thông-cảm giữa các thế-hệ và nhất là vì nhu-cầu củng cố một khối người Việt hải-ngoại gần gũi, thuần nhất với nhau nên năm nay Nghị-hội đã quyết-định đề cao vai trò của truyền thông Việt-ngữ.  Trong bữa cơm thân-hữu vào tối thứ Sáu, 25/9, ở nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, G.S. Nguyễn Ngọc Bích đã so sánh ngành truyền thông của người Việt hải-ngoại, nhất là ở Mỹ, với ngành truyền thông của các nhóm người Mỹ gốc Á-đông khác.  Ông cho rằng người Nhật hay người Phi không có một ngành truyền thông của riêng họ tương-đương với sinh-hoạt báo chí, truyền thanh, truyền hình của người Việt.  May ra chỉ có người Hoa hay người Đại-Hàn là có báo mạnh như của người Việt, còn truyền thanh truyền hình thì họ lại không phát triển bằng của người Việt chúng ta.  Sở dĩ khối người Việt hải-ngoại giữ được sự đoàn-kết và thống nhất tư tưởng phần nào, theo ông Bích, là vì báo chí, truyền thanh, truyền hình Việt-ngữ.  Và cái nôi và chỗ sinh-hoạt mạnh nhất của ngành này là ở Cali, ở Quận Cam.  Do đó mà Nghị-hội năm nay đã đến Quận Cam để công-nhận và tri ơn ngành truyền thông VN ở xứ này.  Nhân dịp này, Nghị-hội cũng đã tặng plaque tuyên dương đến mấy người trẻ tiêu-biểu trong ngành: ký-giả Đinh Quang Anh Thái trước kia của Little Saigon Radio và giờ ở trong ê-kíp báo Người Việt, nhạc-sĩ Việt Dzũng và chị Minh Phượng của Đài Radio Bolsa, và cặp xướng-ngôn-viên Diệu Quyên-Bảo Châu của Đài SBTN.
 Có lẽ cũng để đáp ứng thịnh-tình của Nghị-hội đối với ngành mình, rất nhiều phóng-viên, ký-giả đã đến với Nghị-hội trong mấy ngày hội-nghị.  Người ta chú ý thấy có Đỗ Dũng của Việt Herald, Nguyên Huy, Đinh Quang Anh Thái của Người Việt, anh Phan Đại Nam của SET và SBTN, Anh Thành (Việt Tide), Thanh Phong (Nhật-báo Viễn Đông), Đoàn Trọng (Việt Weekly), Nghị Huỳnh (Asian American Press), Phan Tấn Hải (Việt Báo), Lê Huỳnh (SBTN), Vũ Quỳnh Trâm (Little Saigon Radio), Trúc Phạm (Little Saigon TV), Lý Thu Vân (Viện Việt Học) v.v.  Đặc-biệt thâu hình đầy đủ cả hai ngày là ông Bùi Bỉnh Bân của hãng Người Việt Quốc Gia TV (Freevn.net).  Vì sự hiện diện đông đảo của ngành truyền-thông này mà đã có hàng chục bài viết và bản tin trên mặt báo, trên các đài radio và truyền hình trong những ngày trước, trong và cả nhiều ngày sau Đại-hội.
Và để kết thúc hai ngày hội-thảo trước công-chúng, Nghị-hội năm nay cũng tổ-chức cho một số tham-dự-viên, nhất là những vị đến từ xa, đi thăm viếng hai tượng-đài nổi tiếng ở Quận Cam: Tượng-đài Chiến-sĩ Việt-Mỹ và Tượng-đài Thuyền-nhân.  Ai đến hai nơi này cũng tỏ ra rất xúc-động, nghiêng mình trước sự hy sinh của các quân-binh-chủng Việt-Mỹ và ngậm ngùi trước sự mất mát, đau thương của các thuyền-nhân (mà hàng ngàn tên, chết ở biển khơi, do sáng-kiến của ông bà Thái Tú Hạp-Ái Cầm, đã được ghi lại trên những phiến đá chung quanh tượng bà mẹ ôm con trên đường đi tìm tự do).
NGHỊ-QUYẾT CỦA ĐẠI-HỘI LẦN THỨ 24
NGHỊ-HỘI TOÀN-QUỐC NGƯỜI VIỆT TẠI HOA-KỲ
Ngày 27 tháng 9 năm 2009
Westminster, CA
Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ đã nhóm họp Đại-hội lần thứ 24 trong bốn ngày từ 24 đến 27 tháng 9, 2009, tại Westminster, California, để duyệt lại công việc trong mấy năm qua và dự-phóng công-tác cho những ngày tháng tới.  Trong hai ngày họp khoáng-đại ở Westminster Civic Center với sự tham-dự rộng rãi của nhiều nhân-sĩ và đồng-hương quan-tâm, cử-toạ đã được nghe trình bầy về 13 đề-tài liên-quan đến quê hương bên kia bờ Đại-dương và cuộc sống của chúng ta ở xứ này như:
“Những vấn-đề kinh tế VN,” “Yếu-tố Trung-quốc trong ván bài VN,” “Vấn-đề khai thác Bauxite và Uranium ở VN,” “Hiện-tình Phong trào Dân-chủ VN,” và “Tình-
hình nhân-quyền tại VN.”
“Hiện-tình Cộng-đồng và Vai trò Truyền-thông,” “Kiểm-kê Dân-số 2010,” “Quản-lý tài-chánh trong một thị-trường tín-dụng eo hẹp,” “Chương-trình cải cách y-tế của TT Obama,” “Nhập dòng chính: Tham-gia chính-trị Hoa-kỳ để có tiếng nói,” “VN và Người Việt trong sách giáo-khoa ở Mỹ,” “Ngành Việt-học và Phục-vụ Cộng-đồng” và “Cộng-tác với các định-chế lớn ở Mỹ.”
Chào mừng Nghị-hội sáng thứ Sáu 25/9 là ông Tạ Đức Trí, Quyền Thị-trưởng Westminster, và Nghị-viên Diệp Tyler Trương.  Hai dân-biểu liên-bang là bà Loretta Sanchez (Dân-chủ) đã cử cô Lilly Ngọc-Hiếu Nguyễn tới đọc thư chúc mừng và ông Ed Royce (Cộng-hoà) cũng đã có thư đến kêu gọi Nghị-hội cùng ông tranh đấu cho nhân-quyền và các quyền dân-sự ở VN.  Sang ngày thứ Bảy 26/9, Dân-biểu Tiểu-bang Trần Thái Văn đến nói chuyện trực-tiếp với Nghị-hội.  Nhân dịp này, Nghị-hội cũng đã đề-cao vai trò của truyền-thông liên-tục góp sức rất hữu hiệu trong việc giữ vững cho cộng-đồng hải-ngoại thành một khối tư tưởng tương-đối thuần nhất, có lý-tưởng bảo vệ cho tự do, dân-chủ và nhân-quyền ở Việt-nam.
Sau khi được nghe và trao đổi về những đề-tài trên, Nghị-hội đã đạt đến những quyết-định sau đây được xem như Nghị-quyết của Đại-hội lần thứ 24 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ:
1/  Sau 34 năm ở Mỹ, sự hội-nhập là tất-yếu và cần được cổ võ, nhất là đối với các thế-hệ trẻ, nhưng trong một tinh-thần tự tin về các giá-trị cao đẹp mà chúng ta đem đến góp vào lầu-đài văn-hoá của xứ này (không trừ thơ, nhạc, hoạ, lễ hội, hay tình gia-đình v.v.).
2/  Nhưng chúng ta cũng có nhu-cầu mang gần các thế-hệ lại với nhau (“closing the generation gap”) qua nhiều hình-thức sinh-hoạt gồm cả gia-đình cha mẹ và con, cháu.
3/  Để ủng-hộ cho tiến-trình hội-nhập, Nghị-hội kêu gọi sự cộng-tác của toàn-thể cộng-đồng vào công-tác kiểm-kê dân-số năm 2010, không những để cho chúng ta được đếm đủ (“complete count”) mà còn có công ăn việc làm cho một số người.
4/  Trong nỗ lực này, vai trò truyền-thông là then chốt.  Nghị-hội kêu gọi sự hiệp lực và ý-thức cao-độ của giới truyền-thông cũng như sự ủng-hộ của đồng-bào cho ngành truyền-thông ngày thêm vững mạnh.
5/  Nghị-hội cũng kêu gọi sự tham-gia mạnh mẽ của tất cả chúng ta vào tiến-trình dân-chủ ở xứ này, từ sử dụng lá phiếu của chúng ta đến tham-gia ứng-cử vào các địa-vị công-cử, dân-cử.
6/  Không quên nguồn gốc, Nghị-hội tiếp-tục tố-cáo với dư-luận thế-giới những sự đàn áp các tiếng nói độc-lập ở Việt-nam và những vi-phạm nhân-quyền ngày càng thô bạo ở quê nhà, đặc-biệt đối với dân oan, các tôn-giáo, trẻ em và phụ nữ.
7/  Cạnh đó, Nghị-hội tự cho mình bổn-phận phải theo dõi thật sát những âm-mưu đế-quốc của Bắc-kinh đối với Việt-nam, đe doạ sự sống còn của một dân-tộc gần 100 triệu, tố-cáo những ươn hèn của chế-độ CS Hà-nội, nhằm đề cao cảnh-giác toàn-dân trước hiểm-hoạ mất nước vào quỹ-đạo Trung-Cộng.
8/  Cuối cùng, Nghị-hội cũng sẽ tranh thủ sự quan-tâm của thế-giới đối với tình-hình xuống cấp ngày một nguy-ngập của môi-trường thiên-nhiên Việt-nam, đang biến nhiều vùng của đất nước thành những vùng thảm-hoạ do ô-nhiễm, khai thác vô trách nhiệm, gây ung-thư bệnh-hoạn trên những qui-mô lớn, không thể khắc-phục được.
Làm tại Westminster, California, ngày 27 tháng 9, 2009

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.