Hôm nay,  

Câu Chuyện Được, Thua

12/08/200900:00:00(Xem: 4916)
CÂU CHUYỆN ĐƯỢC, THUA
TRẦN PHONG VŨ
(Nhân bài viết của linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh.)
Từ trong nước, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh, đã gửi cho cá nhân tôi (đồng thời, ngài cho biết cũng đã gửi cho VietCatholic) bài viết mới nhan đề: “Tam Tòa: Chuyện Nhỏ"” Trong Email hồi âm, tôi hứa với cha là sẽ giới thiệu với độc giả Diễn Đàn Giáo Dân trên số 94 phát hành tháng 9-2009.
Đọc đi đọc lại bài viết, như một phản ứng của vô thức, tôi không khỏi suy tư, trăn trở và tự thấy có trách nhiệm phải bày tỏ đôi điều. Trước hết để tạ lòng tác giả, một linh mục già thuộc dòng Thánh Phanxicô khó khăn, hiện đang sống cô đơn, tù túng trong vòng kiềm tỏa của một chế độ bất khoan dung tôn giáo, giữa những bất trắc nghi kỵ -không chỉ với bày lang sói thù nghịch Giáo hội…, vậy mà cha vẫn gạt bỏ mọi tị hiềm để can đảm lên tiếng. Thứ đến để một lần nói lên những suy tư chân thực, thẳng thắn của mình trước nỗi đau chung của Giáo hội và Quê hương, Đất nước hôm nay.
LM Nguyễn Ngọc Tỉnh đã nói gì"
Trước hết cha nói tới những phản ứng ngoạn mục của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận Vinh, từ giám mục, linh mục đoàn tới cảnh tượng “nối vòng tay lớn” của 500 ngàn giáo dân thuộc 18 giáo hạt với ngót 200 giáo xứ trong giáo phận qua những buổi cầu nguyện vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-2009. Tiếp theo là hình ảnh “người người hiệp thông” ở trong cũng như ngoài nước, sau khi Tam Tòa dậy sóng (công an nhà nước dùng bọn côn đồ hành hung giáo dân, phá bàn thờ, cướp thánh giá. Và máu giáo dân, máu linh mục đã đổ ra trên phần đất này).
Nói về một “sự im lặng đáng sợ”, linh mục tác giả viết: “Trong khi ở trong nước cũng như từ nước ngoài, các tín hữu bày tỏ tình hiệp thông với Tam Toà như vừa nói ở trên, thì ở trong nước các giám mục hoàn toàn im hơi lặng tiếng, khiến nhiều người ngạc nhiên…”
Ngược về quá khứ, cha đề cập một điều mà ngài nghĩ là may mắn cho Tam Tòa vì kể từ năm 2006 giáo xứ này được tháp nhập vào giáo phận Vinh, nếu không sẽ khó tránh khỏi số phận hẩm hiu của Thiên An, nếu còn nằm trong giáo phận Huế! Cha cũng bàn sâu vào lời tuyên bố không trọn ý của đức cha Nguyễn Văn Hòa với tư cách chủ tịch HĐGM về nội dung câu trả lời xấc xược của Nguyễn Minh Triết với giới truyền thông nước ngoài liên hệ tới vụ án bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý năm 2007. Ngài cũng nói tới phản ứng chung chung, mang tính giáo điều của đức cha Nguyễn Văn Nhơn, đương kim chủ tịch HĐGM trong văn thư gửi nhà nước về những quy kết của giới cầm quyền đối với đức TGM Ngô Quang Kiệt và hàng linh mục, tu sĩ, giáo dân TGP Hànội trong vụ tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà. Từ đấy, cha gợi nhớ tới những lời lẽ quyết liệt, đanh thép, nghiêm khắc lên án cơ chế “Xin-Cho” trong một văn kiện của HĐGMVN được công bố năm 2002.
 Đề cập những “chuyện nhỏ, chuyện lớn”, tác giả nhắc tới vụ Bôxít nổ ra trong khi các GM chuẩn bị chuyến đi “ad limina”; vụ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, vụ tòa Khâm Sứ, vụ Thái Hà trước đây và trường hợp giáo dân Tam Tòa bị bách hại hiện nay… đã bị lu mờ (nếu không muốn nói là bị quên lãng) vì niềm mơ ước thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hànội, triển vọng Đức Thánh Cha thăm Việt Nam và việc sửa soạn mừng Năm Thánh 2010. 
Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh nêu lên nghi vấn: “Chẳng biết có phải đây là lý do khiến các giám mục Việt Nam giữ miệng làm thinh như ta đang chứng kiến"”
Rồi người mục tử già dòng Thánh Phanxicô Khó khăn suy nghĩ tiếp:
“Hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Va-ti-can, có người bảo: sắp có bang giao giữa Toà Thánh và Việt Nam rồi. Tôi nói với mấy người bạn: Cứ chờ đi. Hồi Hội nghị Pa-ri, phải mất 6 tháng mới thoả thuận được về hình thù của cái bàn hôi nghị, thì nay các phái đoàn của Toà Thánh cứ việc đi đi về về mòn cả dép, chưa chắc gì đã có bang giao. Điều này xem ra đúng. Mà giả như nay mai có một vị sứ thần Toà Thánh ở Hà Nội, thì ta cũng chớ vội mừng: thử hỏi tại thủ đô Hà Nội, ông đại sứ của cường quốc số 1 là Hoa Kỳ, đã làm được gì để chính quyền cộng sản Việt Nam bớt độc tài, thối nát" Còn chuyện đức giáo hoàng sang Việt Nam, thì trong hoàn cảnh bình thường, có người tín hữu nào lại không mong điều đó. Nhưng trong hoàn cảnh thực tế, có lẽ mơ điều đó chỉ là mơ chuyện hão huyền. Và giả như để có được một cuộc viếng thăm như thế, cái giá phải trả là ngậm miệng làm thinh mặc cho các nhà đấu tranh cho dân chủ cứ nối tiếp nhau vào tù, mặc cho chuyện khai thác Tây Nguyên cứ việc tiếp tục, dù chẳng lợi lộc gì về kinh tế, môi trường bị huỷ hoại, an ninh quốc phòng bị xâm phạm, nguy cơ tiếp nối “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” là không tránh khỏi, mặc cho ngư dân ở nhà thì chết đói, mà ra biển thì bị tàu Trung Quốc tấn công, v.v… Cái giá phải trả thật là quá cao so với niềm vui được đón tiếp đức giáo hoàng. Điều ta còn phải lo âu là nếu lãnh đạo tôn giáo vì muốn yên thân lo việc đạo mà nhắm mắt làm ngơ cho bạo quyền mặc sức lộng hành, phỉ báng sự thật, bóp chết tự do, chà đạp công lý, thì liệu đạo Chúa Ki-tô trên đất nước này có còn là men trong bột, là muối cho đời nữa chăng"”
Trước khi kết thúc, cha viết:
“Là công dân Việt Nam, tôi thấm thía nỗi đau của người nông dân bị cướp đất, của ngư dân phải ở nhà nhịn đói, không dám đi ra biển, của những trí thúc muốn xây dựng đất nước, nhưng chỉ vì dám nghĩ khác đảng cộng sản mà phải vào tù. Là tín hữu Chúa Ki-tô, tôi xót xa khi thấy anh chị em đồng đạo ở Thái Hà, ở Tam Toà bị bách hại. Nhất là tôi thất vọng trước vẻ thờ ơ lạnh lùng của những bậc cha mẹ của tôi trong đời sống đức tin. Nhưng tôi an tâm vững chí khi nhớ lại lời ông Moóc-đo-khai nói với hoàng hậu Ét-te: “Đến lúc này mà con vẫn cứ ngậm miệng làm thinh thì người tín hữu sẽ nhận được sự trợ giúp và giải cứu từ một nơi khác” (Et 4,14)”.
Nghĩ về chuyện Được, Thua
Tiền nhân chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về chuyện khôn-dại, còn-mất, sống-chết, được-thua ở đời. Luận về lẽ “dại, khôn”, một nhà thơ viết:
Khôn nghề cờ bạc là khôn-dại,
Dại chốn văn chương, ấy dại-khôn
Các Phúc âm nhất lãm đều nhắc lại câu nói mang giá trị chân lý ngàn đời của Chúa Giêsu: “Hạt lúa có thối rữa, có chết đi mới trổ sinh nhiều bông trái”. Trong lời Kinh Hòa Bình, Thánh Phanxicô Xaviê viết: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Và trước phút giây bước lên đoạn đầu đài, anh hùng Nguyễn Thái Học đã nói một câu để đời khi luận về giá trị đích thực của hai chữ thành-bại trong kiếp nhân sinh:
“Không thành công, nhưng cũng thành nhân”.
Ứng dụng vào cảnh ngộ Giáo hội và Quê hương Việt Nam đưới chế độ vô thần ác độc cộng sản hôm nay, chúng ta nhận ra rất nhiều chứng tá cho thấy những chỉ dấu tuồng như mâu thuẫn qua những trường hợp tưởng THUA nhưng lại ĐƯỢC, trái lại không ít những lúc tưởng ĐƯỢC nhưng lại THUA. Mà là THUA ĐẬM. Thua đến mất hết cả chì lẫn chài!

Đời sống và cung cách hành sử của đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, cố TGM giáo phận Huế là một thí dụ. Trường hợp cha Tađêô Nguyễn Văn Lý hiện nay là một thí dụ khác. Đánh giá bằng sự luận đoán qua con mắt đời thường, cả đức cha Điền và linh mục Lý đều thất bại, nói cách khác, đều thua đậm. Trong hai năm 1975-1976, cố TGM Huế đã thất bại trong nỗ lực sống tinh thần hợp tác với chế độ mới bằng thành tâm, thiên chí muốn góp phần mình vào công cuộc xây dựng lại đất nước sau nhiều thập niên bị chiến tranh tàn phá. Nhưng bàn tay của ngài đưa ra đã không được đảng và nhà nước CSVN nắm lấy. Trái lại chi là những xuyên tạc, những mưu chước lọc lừa dối trá. Sau khi phát hiện bộ mặt thật của một chủ nghĩa bất khoan dung, kỳ thị tôn giáo, chống lại con người, ngài quyết liệt khước từ mọi thỏa hiệp giai đoạn . Cuối cùng ngài đã chết một cách bí ẩn, tăm tối. Nhưng giống như hạt lúa có thối rữa, có chết đi mới trổ sinh hoa trái, sự hy sinh của đức cha Nguyễn Kim Điền đã không vô ích. Thái độ sống chan hòa, ngay thẳng và cung cách hành sử trong suốt trong sứ vụ chủ chiên của ngài đã trở thành tấm gương chói sáng cho nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân trong tổng giáo phận Huế noi theo. Người đầu tiên mạnh dạn bước theo chân thày mình chính là linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý. Kế tiếp là nhiều vị trong linh mục đoàn Huế, trong đó nổi trội hơn hết là hai linh mục Phan Văn Lợi và Nguyễn Hữu Giải. Trong vài năm gần đây, cùng với cha Chân Tìn, các linh mục này đã kết hợp thành “Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền” tiếp tục dấn bước trên con đường đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho công bằng lẽ phải và cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam.
Về phần linh mục Nguyễn Văn Lý, quan sát dọc dài cuộc đời của cha từ sau tháng tư năm 1975 đến nay, tuồng như lúc nào cũng chỉ là những thua thiệt, cay đắng và thất bại! Hết ra tù vào khám nhiều phen lại bị tước đoạt tự do bằng những năm dài quản thúc trong họ đạo, không được hành sử chức năng của người mục tử. Lần cuối cha bị kết án 8 năm tù trong một phiên tòa bịt miệng ngày 30-3-2007. Ngoài nỗi khổ ê chề thể xác, cha còn phải chịu đựng những dằn vặt về tinh thần: bị bôi xấu, bị bỏ rơi, bị hạ nhục, không chỉ bởi kẻ thù mà còn bới chính những bạn bè, kể cả bề trên của mình!
Bằng cái nhìn trần tục, linh mục Nguyễn Văn Lý đã thua đậm, đã thất bại nặng nề. Nhưng với nhãn quan hiểu biết và những cảm nhận sâu thẳm từ tâm linh, cha đã thành công, đã thắng lớn. Sau đức cố TGM Nguyễn kim Điền, sau cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, dưới nhiều hình thức, cách thế khác nhau, cả một thế hệ linh mục, tu sĩ –cách riêng các linh mục, tu sỉ Dòng Chúa Cứu Thế- và hàng hàng lớp lớp tín hữu giáo dân đã đứng dậy. Đứng dậy ở tòa Khâm Sứ. Đứng dậy ở giáo xứ Thái Hà. Và hôm nay họ đang can trường đứng dậy ở Tam Tòa và 18 giáo hạt, ngót 200 giáo xứ thuộc giáo phận Vinh.
Như thế, đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền cố TGM giáo phận Huế tuy đã ra người thiên cố hơn hai thập niên trước, nhưng thực tế, ngài vẫn đang sống, sống lừng lẫy, sống chan hòa giữa lòng Giáo hội Việt Nam hôm nay. Và linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý dù đang bị vây hãm trong bốn bức tường nhà tù cộng sản, nhưng ý chí bất khuất của cha, lòng ham chuộng tự do, công lý và tinh thần yêu mến Giáo hội, yêu mến Quê Hương, Dân Tộc của cha vẫn đang bay bổng, vẫn đang hiện diện một cách sống động trong lòng mọi người.
Cũng như hàng trăm ngàn tiền nhân tử đạo xưa, cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và linh mục Nguyễn Văn Lý đã nhận rõ được con đường phải đi của những con người có tinh thần trách nhiệm trong đạo ngoài đời, thực tâm yêu Chúa, yêu đạo, yêu đất nước, yêu sự thật, sự lành thánh và cái đẹp trong đời sống, không hề màng tới chuyện hơn thua, thành bại theo cái nhìn vị kỷ đời thường, khi dấn thân trong vai trò ngôn sứ.
Và một cách nào đó, cung cách hành sử chức năng mục tử giữa đoàn chiên của đức cha Ngô Quang Kiệt, TGM giáo phận Hànội trong vụ tòa khâm sứ, vụ giáo xứ Thái Hà,  và của đức cha Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh trong biến cố Tam Tòa hiện nay, ít nhất cũng mang một giá trị biểu tượng, chứng tỏ, dù trong cô đơn, trong nghịch cảnh, vẫn có những mục tử kiên cường bất khuất, luôn trung thành với Tin Mừng của Đấng Cứu Thế.
Đôi lời tạm kết
Đọc bài viết mới của cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh từ trong nước gửi ra, suy nghĩ về tâm sự của ngài, bất giác người viết những dòng này không khỏi liên tưởng tới nội dung cuốn phim “Les Missions” và bản phúc trình gửi về Tòa Thánh của các giám mục địa phương sau đó. Và để thay cho lời kết, xin tóm tắt vài dòng nội dung cuốn phim bất hủ này:
Phim thuật lại quang cảnh hãi hùng man rợ khi đoàn quân viễn chinh của thực dân da trắng mở cuộc tấn công vào các bộ lạc da đỏ. Các linh mục Thừa Sai (Les Missions) đang âm thầm thi hành tác vụ truyền giáo bên cạnh các sắc dân da đỏ khi ấy có hai thái độ chọn lựa.
* Thái độ thứ nhất: đứng hẳn về phía các nạn nhân người da đỏ, sát cánh với họ trực diện chống lại những hành vi gian ác của thực dân.
* Thái độ thứ hai: khước từ bạo lực, áp dụng phương thức đấu tranh ôn hòa, bất bạo động bằng những lời cầu nguyện: nài xin Thiên Chúa hoán cải tâm hồn chai đá của kẻ ác và thêm sức mạnh cho các nạn nhân.
Nhưng cuối cùng, với thái độ dã man và với sức mạnh áp đảo của vũ khí, bọn thực dân đã hung hãn mở cuộc tấn công và tiêu diệt tất cả bao gồm nạn nhân các bộ lạc người da đỏ và các nhà truyền giáo.
Trong bản phúc trình gửi về Tòa Thánh của hàng giám mục địa phương sau đó, người ta đọc được đoạn sau đây:
‘Hàng giáo sĩ trong số các Thừa Sai đã đứng ra bênh vực người da đỏ, chống lại thực dân. Có người mạnh dạn dùng bạo lực, có người đối kháng bằng phương thức ôn hòa qua lời cầu nguyện.
Cả hai nhóm giáo sĩ đều đã chết.
Họ đã chết, nhưng dường như họ vẫn sống.
Còn chúng tôi, hàng giám mục thì vẫn còn đang sống.
Chúng tôi đang sống, nhưng dường như chúng tôi đã chết!’
Nam California, Hoa Kỳ ngày 04-8-2009
TRẦN PHONG VŨ
GHI CHÚ:
1-  Đức cha dứt khoát phủ nhận sự hiện diện của cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước Việt Nam, nghiêm khắc cấm ngặt các linh mục, tu sĩ trong giáo phận gia nhập tổ chức này, trừng phạt những giáo sĩ tham gia Hội Đồng Nhân Dân các tỉnh thị do nhà nước lập ra. Hậu quả của thái độ cương quyết ấy là đức cha Điền đã bị công an cô lập, “mời làm việc” trong ba tháng trời ròng rã và bị cấm đoán, làm khó dễ trong suốt hơn mười năm cho đến chết ngày 08-6-1988, một cái chết mờ ám với nhiều nghi vấn. (Tìm đọc “Hai diện mạo, một tấm lòng” của TPV từ trang 605 đến trang 649 trong tuyển tập “Ba Mươi Năm CGVN Dưới Chế Độ CS 1975-2005” với nhiều tác giả do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân và PT Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại ấn hành).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong một thông cáo báo chí phổ biến ngày hôm 3-12-2007, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Việt Tân) đã tố giác nhà cầm quyền CSVN
Theo bản tin khẩn cấp ngày hôm Thứ Hai, vào hồi 11 giờ 20 phút công an TP Sài Gòn phối hợp cùng công an quận Gò Vấp
Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, Hà Nội đã tạo được nhiều thành công trên lãnh vực thương mại và bang giao quốc tế
Theo tin của anh Huỳnh Hữu Nhiều, bào đệ TT Thích Thiện Minh thì dưới sự điều động của Trung tá CA Huỳnh Thanh Tứ, phó CA thị xã Bạc Liêu
Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là luật pháp tối cao của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp đề ra chính thể của quốc gia
Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh thừa cơ nước đục thả câu phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu tịch thu được nhiều súng đạn
Tôi thực sự không thoải mái khi thấy ông Scott Marciel, Phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Đông Á phát biểu trong cuộc điều trần trước Tiểu ban
Người Ý vốn nổi tiếng là có máu nghệ thuật cao, từ văn chương, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, đến âm nhạc... Ai có dịp qua Ý thăm các kho tàng nghệ thuật đều để ý
Mục đích cuối cùng của những người thực hành theo Phật giáo là đạt đến quả vị hoàn toàn giác ngộ và thấu suốt mọi sự vật của một đức Phật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.