Hôm nay,  

Một Ngân Hàng Trung Ương Độc Lập?

09/07/200900:00:00(Xem: 8478)

Một Ngân hàng Trung ương Độc lập"

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA

...Ngân hàng nhà nước VN là công cụ quản lý tiền tệ của nhà nước VN...
Trong thời gian gần đây, và giữa cơn biến động toàn cầu của vụ khủng hoảng tài chính, người ta nói nhiều đến nhu cầu của một ngân hàng trung ương độc lập. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề ấy qua cuộc trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu khi kinh tế thế giới đang bị suy trầm, khả năng cấp cứu của các ngân hàng trung ương đã được đặc biệt chú ý ở mọi nơi. Cũng vì vậy mà người ta mới nói đến nhu cầu của các nước là nên có một hệ thống ngân hàng trung ương độc lập để có khả năng ứng phó linh động hơn. Chương trình chuyên đề kỳ này sẽ đề cập đến cuộc tranh luận đó. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là ông nghĩ sao về cuộc tranh luận này"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Giữa cơn khủng hoảng ngày nay, người ta đặt nhiều kỳ vọng vào các ngân hàng trung ương và đây đó cũng nổi lên một yêu cầu là các ngân hàng trung ương cần phải được độc lập thì mới minh bạch ứng phó với các vấn đề dồn dập và trấn an được thị trường. Các định chế tài chính quốc tế cũng khuyến cáo các nước nên có ngân hàng trung ương độc lập.
- Tuy nhiên, ta cần tìm hiểu là độc lập với ai, như thế nào và trong lĩnh vực gì, vì vấn đề không đơn phương là một quyết định hành chính. Mà nếu muốn tìm hiểu thì phải đi từ cái gốc của vấn đề là thế nào là một ngân hàng trung ương, nó có mục tiêu, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động ra sao... Sau đấy mình mới thấy rằng mỗi quốc gia hay khối kinh tế lại có một hoàn cảnh và loại vấn đề khác nhau khi thành lập ngân hàng trung ương của họ, với yếu tố độc lập cao hay thấp và hậu quả ra sao. Đây là một vấn đề khá phức tạp nên mình cần xin lỗi trước!
Việt Long: Như vậy, xin ông trình bày lại từ đầu, thế nào là một ngân hành trung ương...
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tùy hoàn cảnh lịch sử của từng quốc gia mà người ta có nhiều tên gọi khác nhau, thí dụ như "ngân hàng trung ương" là cách gọi phổ biến nhất, "ngân hàng quốc gia" là cách gọi của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, "ngân hàng nhà nước" như Việt Nam ngày nay, "ngân hàng nhân dân" như Trung Quốc, "ngân hàng liên bang" như trường hợp nước Đức trước đây, hoặc "ngân hàng dự trữ" như tại Hoa Kỳ.
- Mục đích chủ yếu và phổ biến nhất của một ngân hàng trung ương là thực hiện chính sách tiền tệ cho quốc gia hay một khối kinh tế, thí dụ như khối Euro của 16 nước Âu Châu với Ngân hàng Trung ương Âu Châu. Từ mục đích ấy, định chế này có nhiệm vụ được quy định rõ ràng và nhiệm vụ ấy có thể rộng hay hẹp khác nhau. Để thi hành nhiệm vụ đó, ngân hàng trung ương mới có một số chức năng rõ rệt.
Việt Long: Khi ông nói mục đích là "thực hiện chính sách tiền tệ cho quốc gia" thì điều ấy có nghĩa là ngân hàng trung ương đề ra để thi hành chính sách tiền tệ hay chỉ thi hành chính sách tiền tệ của quốc gia do một cơ chế nào khác ban hành"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ông nêu một câu hỏi rất chí lý. Hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ là định chế đề ra chính sách tiền tệ cho nước Mỹ trong khi hệ thống ngân hàng trung ương Việt Nam thi hành chính sách tiền tệ do nhà nước Việt Nam đề ra. Sự kiện ấy đã nói đến một yếu tố độc lập cao hay thấp.
- Nôm na ra, Tổng thống Mỹ hay Tổng trưởng Ngân khố Mỹ không thể bảo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ rằng chúng tôi muốn thí dụ như phải hạ lãi suất để kích cầu hoặc tăng lãi suất để chặn lạm phát. Ngược lại, ngân hàng nhà nước của Việt Nam thì đề nghị chính sách lên Chính phủ quyết định và chỉ thi hành sau khi được Quốc hội đồng ý.
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam là công cụ quản lý tiền tệ của nhà nước Việt Nam và cùng lắm thì có thêm vai trò tham mưu tư vấn cho nhà nước về chính sách tiền tệ tín dụng. Mà đằng sau nhà nước thì còn đảng và các cơ chế có thẩm quyền trong đảng về kinh tế, tài chính, ngân hàng hay ngoại hối. Vì vậy, ngân hàng nhà nước tại Việt Nam gặp cảnh một cổ đôi ba tròng mà ai chịu trách nhiệm thực sự thì vẫn là chuyện mờ ảo. Điều ấy cũng ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường. Ta sẽ còn có dịp trở lại chuyện này sau khi mình nói đến nhiệm vụ và chức năng.
Việt Long: Câu hỏi kế tiếp, khi ông nói nhiệm vụ của ngân hàng trung ương đó rộng hay hẹp khác nhau thì có phải mỗi hệ thống lại có một loại quy định khác nhau không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu hỏi của ông là đề tài rất nóng của thời sự vì khác biệt về nhiệm vụ giữa hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ và ngân hàng trung ương Âu châu, gọi tắt là ECB. Ngân hàng ECB của Âu châu có nhiệm vụ chính yếu là bảo đảm ổn định giá cả bằng chính sách tiền tệ và tín dụng của mình. Ngân hàng Hoa Kỳ thì có nhiệm vụ rộng lớn hơn, nhờ vậy cũng có nhiều quyền hạn và tư thế độc lập hơn. Nhiệm vụ đó là "quản lý hệ thống tiền tệ sao cho kinh tế tạo ra tối đa việc làm, trong sự ổn định của giá cả, không lạm phát mà cũng không giảm phát, và sao cho lãi suất dài hạn được giữ ở mức thấp". Hoa Kỳ đã trải qua nhiều vụ khủng hoảng ngân hàng trước khi đi tới một chủ trương bao quát như vậy và có lẽ nhờ đó mà ngân hàng trung ương Mỹ đã kéo kinh tế ra khỏi nạn suy thoái nhanh hơn, là chuyện thế giới đang chú ý và tranh luận.
Việt Long: Như vậy xin ông trình bày tiếp về các chức năng của một ngân hàng nhà nước thì ta mới hiểu dần về chuyện độc lập và độc lâp với những ai.


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói chung, chức năng các ngân hàng trung ương thường có là: 1) thực hiện chính sách tiền tệ với một loại tiền được sử dụng mà giá trị được đảm bảo bằng hình thức này hay hình thức khác, thí dụ như vàng hay ngoại tệ ; 2) điều tiết khối tiền tệ lưu hành sao cho phù hợp với yêu cầu kinh tế để ổn định giá cả và trị giá của đồng tiền; 3) là ngân hàng của các ngân hàng khác mà cũng là nhà tài trợ cuối cùng khi các ngân hàng hay doanh nghiệp bị cạn thanh khoản; 4) thanh tra và kiểm soát toàn bộ hệ thống ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của công chúng và tránh gây ra khủng hoảng; 5) thi hành một số nghiệp vụ ngoại hối, kể cả quản lý khối dự trữ ngoại tệ của quốc gia; 6) trong tinh thần củng cố sức mạnh kinh tế của quốc gia. Không phải ngân hàng trung ương nào cũng phải có ngần ấy chức năng vì còn tùy nhiệm vụ được quy định như mình vừa nói ở trên.
Việt Long: Bây giờ ta mới đi vào đề mục là chuyện độc lập với ai, độc lập thế nào. Ông giải thích ra sao về chuyện ấy"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy một thí dụ thời sự để ta hiểu nội dung phức tạp của độc lập. Kinh tế thế giới đã đi vào tiến trình toàn cầu hóa với việc giao dịch tài chính giữa các thị trường ngày càng được tự do và nhiều hơn. Vì vậy, quy luật cung cầu mới quyết định về lãi suất dài hạn của tiền đi vay, là phân lời của trái phiếu, và về tỷ giá đồng bạc so với ngoại tệ khác, mà ta nên gọi là hối suất cho gọn. Trong hoàn cảnh đó, ngân hàng trung ương không hoàn toàn làm chủ thị trường để muốn tăng cái gì hay hạ cái gì cũng được. Chỉ còn các quốc gia chậm phát triển mới nghĩ vậy hoặc tưởng là ngân hàng nhà nước có khả năng lớn lao như thế. 
- Trước sự bành trướng của thị trường với những biến động ảnh hưởng tới mấy ngàn tỷ bạc được trao đổi 24 tiếng một ngày trên toàn cầu, người ta cho là các ngân hàng trung ương phải có khả năng ứng phó tức thời, nên cần có quyền hạn độc lập hơn. Nhưng độc lập thế nào, với ai"
Việt Long: Nói như vậy, người ta có nhiều hình thái độc lập khác nhau hay sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế. Vào thời lập quốc, nước Mỹ đã có hai ngân hàng trung ương nối tiếp và nhiều thập niên còn không có ngân hàng trung ương, trước khi lập ra hệ thống hiện hành từ năm 1913, sau một vụ khủng hoảng ngân hàng. Khi ấy, tranh luận cũng nổi lên là định chế này phải độc lập với chính quyền để khỏi bị các thế lực chính trị chi phối vì nhu cầu tranh cử của họ, nhưng cũng có quan điểm là định chế này phải độc lập với các thế lực tài phiệt để phục vụ công chúng. Kết quả là hệ thống ngân hành trung ương Mỹ là định chế bán công, vì có cả ngân hàng tư nhân làm chủ một phần và có quyền tham gia vào chính sách. Người lãnh đạo do Tổng thống bổ nhiệm với sự phê chuẩn của Quốc hội thì chỉ có nhiệm vụ một năm báo cáo hai lần trước hai viện của Quốc hội chứ có quyền quyết định riêng.
- Ngược lại, Ngân hàng Trung ương ECB của Âu châu có tiếng là độc lập về chính trị hơn Mỹ, nhưng lại có nhiệm vụ thu hẹp hơn. Quyết định chiến lược thì của "Hội đồng Đổng sự" hay Hội đồng Điều hành đại diện cho 16 nước thành viên, mà Hội đồng này lại cần tới sự đồng thuận nên xoay trở cũng chậm. Sau này nếu Hiến pháp Âu châu tức là Thỏa ước Lisbone được phê chuẩn thì có khi các quốc gia sẽ còn cơ hội can thiệp vào chính sách của ngân hàng trung ương. Còn trường hợp của các nước độc đảng như Trung Quốc hay Việt Nam thì dù đã cải cách rồi, ngân hàng trung ương vẫn là công cụ có nhiệm vụ thi hành quyết định của đảng và nhà nước, từ quy chế pháp lý tới nghiệp vụ. Vì vậy, khi nói về độc lập ta cần phân biệt nhiều hình thái.
Việt Long: Những hình thái độc lập đó là những gì"
- Trước hết, ta có quy chế độc lập về pháp lý. Tại các nước dân chủ nhất, ngân hàng trung ương có thể lấy quyết định khá tự do trong nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm với hệ thống quyền lực ở trên khi người điều hành được bổ nhiệm cho một nhiệm kỳ thường dài hơn nhiệm kỳ của lãnh đạo hay thời hạn bầu cử. Nhờ vậy, ngân hàng trung ương ít bị lệ thuộc vào chính trị nhất thời. Tại các xứ khác, thống đốc hay chủ tịch phải chịu sự chỉ huy của hội đồng chính phủ, thủ tướng hay một tổng trưởng nên họ bị gò bó hơn trong quy chế độc lập thứ hai là độc lập về mục tiêu.
- Độc lập về mục tiêu là có quyền định ra chỉ tiêu trong chính sách tiền tệ và tín dụng thay vì nhận chỉ thị thi hành mục tiêu do ai khác đặt ra, có khi vì lý do nằm ngoài kinh tế. Thí dụ cụ thể là chính sách tín dụng ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước như tại Việt Nam, hoặc chính sách bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để kích cầu theo kế hoạch kinh tế của nhà nước đưa xuống như tại Trung Quốc.
- Thứ ba, độc lập về nghiệp vụ là khi ngân hàng trung ương có quyền chọn lựa giải pháp thích hợp nhất để đạt mục tiêu. Đây là hình thái độc lập mà thị trường quan tâm nhất vì khí cụ sử dụng và thời điểm ban hành thuộc thẩm quyền của ngân hàng. Phải nói rằng Ngân hàng Trung ương Anh quốc mới chỉ có quyền độc lập này kể từ năm 1997 trở đi mà thôi.
- Thứ tư là quyền độc lập về quản lý, như tự trị về ngân sách và tuyển dụng nhân sự khả dĩ áp dụng ba quyền độc lập đã nói ở trên. Nếu nhân sự được bổ nhiệm hay thuyên chuyển liên tục vì lý do chính trị nhất thời thì ngân hàng trung ương không ổn định được chính nó và khó có viễn kiến ứng phó với các vấn đề trường kỳ.
- Tuy nhiên, ta cũng cần thấy rằng không có ngân hàng nào hoàn toàn độc lập vì khi thi hành chính sách thì vẫn phải có sự phối hợp với các cơ quan khác trong nước và các định chế tài chính quốc tế lẫn các ngân hàng trung ương ở nơi khác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu muốn nói về sức mạnh và hiệu quả đấu tranh dân chủ, làm tan băng chánh trị VN, làm sáng sủa con đường đi tới cũng như lẽ đúng sai
Việt Nam đã và đang làm hết sức để cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mới tám tháng trước
Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2007 (DLNQ), đã thông qua Hạ Viện ngày 18/9/2007 với đa số áp đảo 414/3, tố cáo mạnh mẽ CSVN đã vi phạm nhân quyền
Hai cuộc thử nghiệm  lòng  dân cùng xẩy ra một ngày, ở hai lục địa khác nhau nhưng có cùng một bài học về dân chủ  cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên các báo mạng ra ngày 27-11-2007, và cả báo truyền khẩu quán cóc vỉa hè, xe ôm, hớt tóc dạo... tất cả đều luân lưu những bản tin
Hội Đồng Giám Sát Quận Cam đã vinh danh ông Nguyễn Nam Lộc vì đã hoạt động liên tục 32 năm qua
Trong dịp ra mắt CD "Lá Rơi Bên Thềm” của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Paris, Tuyết Mai được dịp gặp gỡ một số nghệ sĩ tài danh ở đây
Vào giữa tháng 11, 2007, báo chí loan tin: Mới đây, 20.000 công dân của Hiệp hội Những người ăn chay ở Pháp
Tôi đã quan sát sự tương quan giữa nền kinh tế của Việt Nam và vấn đề tham nhũng tại đó trong nhiều năm qua. Chính tôi nhìn thấy nhà nước cộng sản
Vào đầu năm tới, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Việt Nam, một ngôi sao đang lên". Hội nghị do tạp chí chuyên đề nổi tiếng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.