Hôm nay,  

Góp Ý Tuyển Lựa Đại Sứ Mỹ Tại Vn - Một Cơ Hội Hãn Hữu!

07/05/200900:00:00(Xem: 6287)

Góp Ý Tuyển Lựa Đại Sứ Mỹ tại VN - Một Cơ Hội Hãn Hữu!
TT Barack Obama và DB Loretta Sanchez.


Nguyễn-Viết Kim


Vào chiều thứ bảy ngày 9 tháng 5 tới đây, cộng đồng người Việt chúng ta sẽ có cơ hội góp ý vào tiến trình tuyển lựa vị Đại Sứ kế tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam.  Là một cộng đồng tị nạn Cộng Sản, các biến chuyển tại quê nhà vẫn là những mối quan tâm chung của chúng ta. Tuy sinh sống tại một quốc gia tân tiến với nền dân chủ vững mạnh và đầy cơ hội tiến thân, người Việt tị nạn vẫn luôn theo dõi các diễn biến tại Việt Nam và sự vi phạm nhân quyền là một mối bận tâm lớn của chúng ta.  Vì thấu hiểu tâm tình đó, văn phòng dân biểu liên bang Loretta Sanchez sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ để các tổ chức và nhân sĩ cộng đồng chính thức phát biểu ý kiến của mình về vai trò, trách nhiệm và những khả năng đòi hỏi trong sự tuyển lựa và bổ nhiệm vị Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.  Dân biểu liên bang Loretta Sanchez sẽ có mặt tại phòng họp Trung Tâm Công Giáo 1538 Century Bvld. thuộc thành phố Santa Ana từ 4:30 đến 5:30 chiều thứ bảy ngày 9 tháng 5, 2009.
Là một vị dân biểu từng liên tục đấu tranh nhân quyền trên toàn thế giới và đã bị Chính quyền Hà Nội cấm nhập nội vì bà đã tiếp xúc và hổ trợ các nhà đối kháng, bà Sanchez biết rõ vai trò quan trọng của vị đại sứ. Hơn thế nữa, trong chính quyền Hoa Kỳ mới, tổng thống Obama đã công bố những thay đổi về chính sách ngoại giao:  nêu cao sự đối thoại, thương thuyết trong tương quan bình đẳng, ngay cả với các quốc gia đối nghịch.  Trong chiều hướng đó, trách nhiệm của vị Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ có sự thay đổi so với các vị đại sứ tiền nhiệm từ 1995 đến bây giờ.  Đây là thời điểm thuận tiện nhất để cộng đồng chúng ta có cơ hội đạo đạt những nguyện vọng lên đến cấp bậc cao nhất trong chính quyền. Dân biểu liên bang Loretta Sanchez nắm giữ chức vụ trọng yếu tại hạ viện: phó chủ tịch Ủy Ban Nội An (Homeland Security Committee), chủ tịch tiểu ban Biên Giới Đại Dương và Chống Khủng Bố Toàn Cầu (Borders, Maritime, Global Anti-Terrorism Sub-committee) - do đó tiếng nói của bà có một ảnh hưởng sâu rộng.  Thêm vào đó tương quan của bà và ngoại trưởng Hillary Clinton không những chỉ là chính trị mà còn là giữa hai người bạn thân.  Những ý kiến đóng góp và những nguyện vọng bày tỏ của đồng hương thật cần thiết và quan trọng để chính quyền liên bang lưu ý.   Dựa vào đó bà Loretta Sanchez có thể thảo luận với ngoại trưởng Hillary Clinton trong chiều hướng có một vị Đại Sứ thông hiểu những ước vọng của cộng đồng.  Như chúng ta biết, theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, Ngoại Giao và Quốc Phòng là hai đặc quyền của liên bang và chỉ có quý vị dân cử liên bang mới có tiếng nói chính thức và hữu hiệu.
Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của vị Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, chúng tôi xin lướt qua lịch trình về mối tương quan ngoại giao của hai quốc gia sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt:
1. Hoa Kỳ thiết lập văn phòng giao dịch (Liaison Office) tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 1995


2. Hoa Kỳ thiết lập tòa Đại Sứ (Embassy) khi hai quốc gia bắt đầu bang giao (diplomatic relations) và bổ nhiệm vị Xử Lý Thường Vụ tạm thời (Charge' D'Affaires Ad Interim) L. Desaix Anderson vào ngày 11 tháng 7 năm 1995
3. Tổng thống Clinton bổ nhiệm ông Pete Peterson chức vụ Đại Sứ  vào ngày 11 tháng 4 năm 1997 - ông này trình ủy nhiệm thư (presented credentials) vào ngày 14 tháng 5 năm 1997.  Đại Sứ Peterson rời chức vụ vào ngày 15 tháng 7 năm 2001.
4. Tổng thống Bush bổ nhiệm ông Raymond Burghardt chức vụ đại sứ vào ngày 28 tháng 11 năm 2001 - ông Burghardt trình ủy nhiệm thư vào ngày 5 tháng 2 năm 2002.
5. Tổng thống Bush bổ nhiệm ông Michael W. Marine thay thế Đại Sứ Burghardt vào ngày 6 tháng 5 năm 2004 - ông trình ủy nhiệm thư vào ngày 10 tháng 9 năm 2004 và mãn nhiệm ngày 10 tháng 8 năm 2007.
6. Đại Sứ Michael W. Michalak được bổ nhiệm vào ngày 24 tháng 5 năm 2007 và nhậm chức vào ngày 10 tháng 8 năm 2007 tại Hà Nội.
Như thế mặc dầu Hoa Kỳ và Việt Nam đã bang giao từ năm 1995,  tới năm1997 mới có sự trao đổi đại sứ  - vị Đại Sứ Hoa Kỳ đầu tiên, ông Peterson là vị đại sứ ở nhiệm sở lâu nhất với thời gian là trên 4 năm tại Hà Nội.  Ông không phải là nhà ngoại giao chuyên nghiệp (Foreign Services Officer) như ba vị sau đó.  Ông là một phi công của quân lực Hoa Kỳ đã chiến đấu tại Việt Nam và bị bắt làm tù binh.  Sau đó ông là dân biểu liên bang đại diện một đơn vị của tiểu bang Florida.  Ông đã góp phần tổ chức chuyến công du của tổng thống Clinton qua Việt Nam vào năm 2000.  Tổng thống Bush nhậm chức vào tháng 1 năm 2001 và lưu dụng Đại Sứ Peterson cho tới tháng 7 năm 2001. Dưới thời của vị đại sứ thứ hai thì có cuộc khủng hoảng giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ liên quan đến một phi cơ thám thính bắt buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam.  Ông Burghardt là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và tại chức vụ chưa tới ba năm. Được bổ nhiệm vào tháng 5 năm 2004, nhậm chức bốn tháng sau đó, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Michael W. Marine giữ chức vụ này gần ba năm.  Có vài xích mích và đấu khẩu giữa ông đại sứ và cộng đồng người Mỹ gốc Việt.  Vị đại sứ thứ tư là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thông thạo Hoa ngữ và Nhật ngữ.  Ông đã ở những nhiệm sở tại Á Châu trong hầu hết thời gian công vụ.  Được bổ nhiệm vào tháng 5 năm 2007 và nhận nhiệm sở từ tháng 8 năm 2007 cho đến hôm nay. Khi ra điều trần tại Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện (U.S. Senate Foreign Relations Committee) trong tiến trình bổ nhiệm, Đại Sứ Michalak đã tuyên bố đặt ưu tiên vào vấn đề giáo dục, giúp đỡ phát triển để tăng số sinh viên du học từ Việt Nam và tiên đóan cho đến năm 2020 thì đa số các chuyên viên quản trị sẽ là những người tốt nghiệp tại Hoa Kỳ.
Tóm lại, tuy rằng vị đại sứ là người thực thi chính sách của chính phủ mà ông đại diện, song vị ấy có thẩm quyền uyển chuyển trong việc đặt ưu tiên trong các vấn đề phải thi hành.  Chính vì thế, vai trò của vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất là quan trọng  Buổi gặp gỡ và trao đổi với Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez vào ngày 9 tháng 5 này là một cơ hội hãn hữu cho cộng đồng chúng ta!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
Nhiều người vẫn tưởng đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng vững tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, ai ngờ đảng viên, báo chí lại đang có khuynh hướng
Một ngày trước khi tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.