LỄ TẠ ƠN TẠI HOA KỲ
Con tàu Mayflower nổi danh.
Giao chỉ - San Jose -2008
Quả thực người Mỹ đã có đầy đủ lý do để giữ gìn truyền thống với ngày lễ tạ ơn vào tháng 11 mỗi năm.
Lịch sử ghi rằng vào năm 1620 có một nhóm gia đình người Anh theo Tin Lành đã đi tìm đất mới để sống đời tự do tín ngưỡng.
Con tàu Mayflower nổi danh vượt Đại Tây Dương chở di dân với các niềm tin giáo lý khác nhau đến vùng Plymouth Rock của tiểu bang Massachusetts bây giờ. Nhóm gia đình người Anh chỉ có hơn ba chục, số còn lại là phần đông thủy thủ đoàn. Tổng sốù 102 người.
Đây là con tàu chính thức của di dân vì gồm cả gia đình vợ con. Trải qua một năm đầu với mùa đông khắc nghiệt, không đủ thực phẩm, không có đủ quần áo, không có nơi cư trú nên di dân đã phải chôn cất 46 người. Qua năm sau, mùa gặt 1621 thành công, di dân cùng dân da đỏ bản xứ tổ chức tiệc mừng lễ tạ ơn trên đất Mỹ.
Đó là ngày lễ hội đầu tiên tại Mỹ Châu và truyền thống còn mãi đến ngày nay. Không dựa theo 1 đạo giáo nào, lễ tạ ơn trải qua gần 400 năm đã thành ngày hội của cả quốc gia cảm ơn trời đất cho mọi người đủ cơm áo để sinh tồn.
Trong bữa tiệc lễ tạ ơn năm đầu tiên di dân đã ăn thịt già rừng, ăn bánh làm bằng trái bí đỏ và thực đơn này đã trở nên món ăn truyền thống ngày lễ hội của Mỹ quốc cho tới ngày nay.
Tuy nhiên để trở thành 1 ngày quốc lễ chính thức thì phải tới năm 1863, vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là ông Lincoln mới đề nghị vào tháng 11 và tổng thống Roosevelt ban hành luật. Từ đó Lễ Tạ Ơn được chính phủ công nhận vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ tư tháng 11 hàng năm.
Bây giờ Hiệp Chủng Quốc đã trở thành quê hương mới của các sắc dân. Từ 102 di dân trên tàu "Hoa Tháng Năm," Hoa Kỳ đã có 300 triệu dân và trở thành quốc gia hùng cường nhất thế giới. Nước Mỹ có tiềm lực lớn hơn tất cả quốc gia Âu Châu gộp lại. Và điểm đặc biệt nhất, Hoa Kỳ chính là miền đất của cơ hội.
Hãy đưa ra một thí dụ cụ thể tại quốc gia dù tiến bộ như Nhật Bản nhưng không bao giờ một di dân nước ngoài có thể trở thành triệu phú, chính khách, khoa học gia, hay tài tử tại đất nước của Thiên Hoàng. Nhưng tại Mỹ thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra cho người ngoại nhập.
Một tài tử điện ảnh gốc Áo là ông Arnold đã trở thành thống đốc California. Ngoại trưởng Hoa Kỳ vốn là một người da đen sinh trưởng ở Hải Đảo thuộc Mỹ. Tướng Colin Powell trước khi làm ngoại trưởng đã từng là tham mưu trưởng liên quân. Mới đây khi ông Powell đệ đơn từ chức, tổng thống Bush đã đưa bà Condoleezza Rice lên kế nhiệm. Báo chí thân mật gọi bà là "Condi." Cần phải biết là chức vụ ngoại trưởng ởø vị trí quan trọng thứ 4 trong guồng máy hành pháp Hoa Kỳ. Nếu xảy ra biến động thì người thay thế tổng thống là phó tổng thống kiêm chủ tịch thượng viện. Người thứ ba là chủ tịch Hạ Viện và rồi đến ngoại trưởng Hoa Kỳ. Vị trí thứ 4 của bậc thang trong quốc gia đầy quyền lực trên thế giớiõ nằm trong tay một phụ nữ da đen độc thân 50 tuổi đã từng nổi danh trong giới khoa bảng tại đại học Stanford California.
Trước khi được mời về làm cố vấn an ninh Bạch Cung, nàng Condi da đen đã làm khoa trưởng đại học danh tiếng nhất thế giới với ngân sách 1 tỷ rưỡi mỹ kim, 1400 giáo sư với nhiều tước hiệu Nobel dạy 14,000 sinh viên ưu tú trên toàn thế giới. Không phải vì là bà Rice có khả năng nói tiếng Nga với tổng thống Putin mà bởi vì bà may mắn sống ở miền đất Hứa nơi đã tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Cho đến mùa lễ tạ ơn 2008 thì một huyền thoại đã thành sự thực. Một người con của di dân da đen, thượng nghị sĩ Obama đã được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ.
Không nước nào trên thế giới có thể dành cho người dân những cơ hội như thế.
Là quốc gia được thành lập và xây dựng bởi các di dân, tiền nhân của Mỹ quốc đã viết nên các bản văn bất hủ là hiến pháp và tu chính án Dân Quyền.
Đạo luật quốc tịch của Hoa Kỳ ban hành 1790, hơn 200 năm trước đã có những lời vàng ngọc như sau:
"Bất cứ ai tỵ nạn đến Hoa Kỳ, sau khi được xác nhận sẽ hưởng quy chế nhập cư."
Như vậy chúng ta hiểu một cách giản dị là nếu đã đến Mỹ thì sẽ có cơ hội trở thành người Mỹ.
Căn cứ vào điều khoản của luật 1790, một đạo luật khác đã ra đời năm 1975 có tên là Indochina Migration and Refugee Act.
Sau đây là đoạn văn năm 75 mà di dân Việt Nam cần đọc lại trong mùa tạ ơn năm 2008.
"Tổng thống Hoa Kỳ sẽ làm bất cứ điều gì để mở rộng cánh cửa đón người tỵ nạn đến từ 3 quốc gia Đông Dương. Các viên chức trách nhiệm tại Mỹ sẽ đưa ra tất cả mọi phương tiện để giúp cho người dân tỵ nạn định cư. Phải nỗ lực làm giảm những đau khổ kinh hoàng của người tỵ nạn đến từ Đông Nam Á."
Vào tháng 7-1977 sau 2 năm đầu giúp đỡ người tỵ nạn Đông Dương di tản đợt 75, Hoa Kỳ ban hành luật gia hạn việc cứu trợ về tài chánh, y tế, và dịch vụ.
Tháng 3-1980 Mỹ ban hành thêm luật quy chế tỵ nạn vĩnh viễn và đề ra một chính sách tỵ nạn áp dụng chính thức tại Mỹ. Suốt 33 năm qua, khi nhiều khi ít, khi khó khăn, khi dễ dàng, Hoa Kỳ đã dành ra những cấp khoản lớn lao cho người Việt đến Mỹ để trở thành 1 cộng đồng di dân đông đảo nhất trong cuối thế kỷ thứ 20.
Trong buổi bình minh của lịch sử Hoa Kỳ lập quốc, di dân vượt Đại Tây Dương đến Mỹ Châu đa số gốc Âu Châu. Sau đó, Thái Bình Dương đưa đến Mỹ dân Tầu và Nhật.