Hôm nay,  

Câu Chuyện “Vịt Què” Ở Mỹ

22/07/200800:00:00(Xem: 11994)
...Bush bị 65% dân Mỹ chống đối thì quốc hội lại bị tới 75% dân chống đối...

Chỉ còn khoảng nửa năm nữa là tổng thống Bush sẽ dọn nhà về Texas để có nhiều thời giờ chặt cây, nhổ cỏ, làm vườn, quét rác trong căn trại của ông. Đó là thú vui lớn nhất của ông. Và nhiều người dân Mỹ cũng nghĩ rằng đó chính là cái nghề sở trường mà đáng lẽ ông Bush nên làm từ mấy năm qua, thay vì vào Tòa Nhà Trắng, biến nơi này thành một “bãi rác”.

Đây là thời điểm mà người Mỹ gọi là thời “vịt què” (lame duck). Một số dân tỵ nạn chúng ta không quen với tập tục phong hóa Mỹ, đã cho rằng danh từ vịt què này đã được dùng để phỉ báng Bush vì Bush quá tệ.

Thật ra không hẳn là vậy. Chữ này là hình ảnh áp dụng cho tất cả các tổng thống - hay tất cả các viên chức ngành nghề khác - trong giai đoạn gần ngày mãn nhiệm kỳ rời nhiệm sở, khi mà tiếng nói không còn nặng ký như trước, chẳng làm được gì nhiều, chỉ lê lết cho qua ngày, chờ đến ngày về nhà đi câu cá.

TT Bush đúng là đang trải qua thời kỳ vịt què. Tiếng nói của ông phần lớn chỉ còn được nghe văng vẳng từ rất xa vọng lại, chẳng ai nghe rõ và cũng chẳng ai để ý. Bây giờ thiên hạ mắc bận nghe McCain và Obama bôi bác nhau.

Các chính khách đối nghịch trong đảng Dân Chủ dĩ nhiên chẳng cần biết Bush nói đúng hay sai. Hễ Bush mở miệng ra là cứ việc chửi toáng lên thôi. Ngay cả đến các chính khách Cộng Hòa phe ta cũng lơ là, nếu không muốn nói là đang tìm cách tránh Bush cho xa.

Như cái ông McCain cần sự yểm trợ tài chánh nên bắt buộc phải nhờ TT Bush đi gây quỹ dùm vì dù sao thì Bush vẫn còn được sự ủng hộ của khối bảo thủ cực đoan. Nhưng McCain cũng sợ dính líu quá nhiều với Bush. Hai ông hẹn nhau cùng đi gây quỹ, McCain đón Bush tại phi trường, bắt tay, chào hỏi vài câu rồi viện cớ bận chuyện khác, biến mất, để Bush một mình vào hội trường đọc diễn văn. Hai ông gặp nhau, theo báo chí Mỹ, chưa được năm phút, không có sự hiện diện của truyền hình và ký giả.

Mới đây, người ta cũng đã chứng kiến một cảnh khác lạ trong quốc hội Mỹ. Một số lớn dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa liên kết với các dân cử Dân Chủ bỏ phiếu chống TT Bush trong một dự luật về medicare, gạt phăng quyền phủ quyết của tổng thống. Trong suốt hơn bẩy năm làm tổng thống, Bush gặp phải tình trạng này chỉ có đâu ba lần, tất cả đều trong thời gian “vịt què” gần đây.

Các chính khách, Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng vậy, đều là những người rất thính mũi cũng như có một bản năng tự vệ rất cao. Họ đang lo tránh xa Bush cốt để mở cánh cửa ngỏ cho tương lai chính trị của mình dưới một tổng thống mới. Đó là điều dễ hiểu. Họ cũng lo tránh xa Bush vì tỷ lệ ủng hộ Bush đã xuống thật thấp trong khi tỷ lệ chống đối lại lên thật cao.

Trong thời gian gần đây, hầu như không có tuần nào là không có một vài cơ quan truyền thông Mỹ lập lại cho mọi người biết là tỷ lệ ủng hộ Bush vẫn lửng lơ ở mức kỷ lục thấp, trên dưới 30%, trong khi tỷ lệ chống đối lại ở mức thật cao, khoảng 65%. Phe Dân Chủ và báo chí cấp tiến (thiên tả, liberal, progressist) rất hồ hởi và không bao giờ bỏ qua được một cơ hội để nhắc nhở thiên hạ.

Không ai chối cãi được những tỷ lệ này quả là tệ mạt. Trong lịch sử cận đại Mỹ, chỉ có duy nhất một tổng thống Mỹ đã đạt được thành tích không mấy phấn khởi này. Đó là tổng thống Harry Truman của Dân Chủ, người chủ trì cuộc chiến tranh Cao Ly (Hàn quốc) vào cuối thập niên 40. Ông Truman lúc cuối trào cũng thấy tỷ lệ ủng hộ rớt xuống dưới 30%.

Nhưng có một điều khá lý thú ít được nhắc đến.

TT Truman, người bạn đồng hành xấu số của Bush, sau gần một nửa thế kỷ bị bôi bác, đã bất ngờ trở thành một trong những tổng thống giỏi nhất và được kính phục nhất trong lịch sử Mỹ. Và các sử gia hiện nay đều nhất trí TT Truman đã bị bạc đãi thuở sinh thời vì ông chính là một người đã có viễn kiến nhìn xa hiểu rộng hơn quần chúng lúc bấy giờ. Hiện giờ dĩ nhiên là còn quá sớm để có thể nhận định TT Bush, nhưng bài học của TT Truman cũng đáng để mọi người suy gẫm.

Trong khi mọi người đều chú tâm theo dõi tỷ lệ của Bush, thì hầu như không ai để ý đến một vài tỷ lệ khác. Đó là những tỷ lệ hậu thuẫn và chống đối… quốc hội Mỹ.

Nếu những tỷ lệ của TT Bush thật èo uột, thì những tỷ lệ của quốc hội lại còn thê thảm hơn gấp bội.

Trung tuần tháng Bẩy vừa qua, tổ chức thăm dò dư luận nổi tiếng, Gallup, công bố kết quả thăm dò mới nhất.

Trong khi tỷ lệ ủng hộ Bush là 33%, thì tỷ lệ ủng hộ quốc hội chỉ là 14%, chưa bằng một nửa của Bush. Nếu tính trung bình cho 18 tháng qua, thì tỷ lệ ủng hộ quốc hội chỉ là 25%, vẫn thua xa trung bình 30% của Bush.

Thêm vào đó, trong khi Bush bị 65% dân Mỹ chống đối thì quốc hội lại bị tới 75% dân chống đối.

Những tỷ lệ của quốc hội Mỹ đều là những con số kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử cận đại Mỹ. Trong 34 năm Gallup hoạt động, tỷ lệ ủng hộ quốc hội đã xuống dưới 20% sáu lần, trong đó có bốn lần với quốc hội nhiệm kỳ này, một lần thấp nhất là 18% trong năm 1992 dưới thời TT Clinton, và một lần nữa vào năm 1979 dưới thời TT Carter. Trong cả sáu lần, quốc hội đều do đảng Dân Chủ nắm đa số kiểm soát.

Gallup đi vào chi tiết, thăm dò xem dân chúng đánh giá hai chính đảng như thế nào. Kết quả là phe Dân Chủ trong quốc hội được sự ủng hộ của 11% dân Mỹ (một phần ba tỷ lệ của Bush) trong khi phe Cộng Hòa nhận được hậu thuẫn của 16% dân chúng.

Những tỷ lệ trên được rất ít người biết đến chỉ vì phe Dân Chủ cũng như các đồng minh trong giới truyền thông cấp tiến đã cố tình giấu nhẹm không phổ biến. Dại gì mà lại đi bắc loa khoe là “phe ta” có những tỷ lệ bết bát như vậy"

Một tổng thống “vịt què” còn được gần một phần ba dân Mỹ hậu thuẫn, trong khi một chính đảng vừa đại thắng tại cả hai viện cách đây hơn một năm mà chỉ còn được sự ủng hộ của hơn một phần mười dân chúng thì quả là chuyện lạ. Có lẽ là chuyện lạ, nhưng không là chuyện đáng ngạc nhiên khi ta nhìn vào những thành quả của quốc hội trong thời gian từ ngày “đại thắng mùa thu” tháng Mười Một năm 2006 đến nay.

Trong cuộc bầu cử kỳ đó, phe Dân Chủ đã thắng nhờ vào sự bất mãn của dân chúng đối với TT Bush, nhất là trong vấn đề Iraq. Đảng Dân Chủ hứa hẹn sẽ rút quân và chấm dứt cuộc chiến tại Iraq trong vòng một năm, dựa trên lời kêu gọi rút quân trước tháng Ba năm 2008 của TNS Obama. Kết quả, người ta đã thấy trong suốt thời gian từ đó đến nay, các ông bà dân biểu nghị sĩ Dân Chủ đã chẳng làm ra trò trống gì, vẫn tranh cãi lẫn nhau, để rồi TT Bush vẫn ung dung thi hành chính sách đôn quân của ông.

Tệ hại hơn nữa cho phe Dân Chủ, hiện nay người ta đang chứng kiến sự thành công của chiến lược đôn quân đó, chứng tỏ lập trường của phe Dân Chủ là sai lầm. Chẳng những số tử vong quân sự và cả dân sự đều giảm mau chóng, mà ngay chính quyền Iraq cũng đã thành công vì tạo được một sự đoàn kết khá mạnh trong các khối chính trị, đưa đến tình trạng tương đối ổn định hơn nhiều trong chính trường cũng như trên chiến trường.

Ngoài vấn đề Iraq ra, thiên hạ còn nhận thấy bao nhiêu lời hứa hẹn nổi đình nổi đám của đảng Dân Chủ cũng đều lần lượt đi vào lãng quên như thường lệ. Tất cả những hứa hẹn là sẽ lật ngược các quyết định của TT Bush về cải tổ giáo dục, an sinh, thuế má,… đều không thực hiện được. Chứng tỏ phần lớn các hứa hẹn của các chính trị gia luôn luôn vẫn chỉ là bánh vẽ không thực tế.

Bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối Dân Chủ tại Hạ Viện, đã đắc cử Chủ Tịch Hạ Viện sau khi khối này đại thắng. Bà cam kết sẽ cho thông qua một loạt dự luật ngay trong vòng 100 ngày đầu của nhiệm kỳ mới, bắt đầu tháng Giêng năm 2007. Đúng như lời hứa, với đa số trong Hạ Viện là Dân Chủ, Hạ Viện đã thông qua được ngay các dự luật của bà Pelosi. Nhưng câu chuyện đến đó thì chấm dứt. Cho đến nay, chưa có dự luật nào trở thành luật hết, hoặc vì chưa được Thượng Viện cứu xét, hoặc bị TT Bush bác bỏ. Người ta có thể đổ lỗi cho Thượng Viện hay cho TT Bush, nhưng cũng có thể nhận định những dự luật của bà Pelosi toàn là những dự luật không thiết thực, hay không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nhìn vào chương trình làm việc của quốc hội, người ta cũng sẽ hiểu được tại sao các vị dân cử đạt được quá ít thành quả cụ thể.

Theo tài liệu của chính quốc hội, Hạ Viện Mỹ làm việc hết sức an nhàn. Quý độc giả có thể tham khảo trang web của quốc hội dưới đây sẽ thấy rõ lịch làm việc của Hạ Viện:

(http://clerk.house.gov/legislative/index.html"curr_month=1&curr_year=2008)

Đại khái thì Hạ Viện làm việc, hay là họp, chín ngày trong tháng Giêng, mười ba ngày trong tháng Hai, và mười ngày trong tháng Ba năm 2008. Nói cách khác, trong 90 ngày của quý một năm nay, các dân biểu đã làm việc tổng cộng 32 ngày, 58 ngày còn lại thì… chúng ta không biết họ làm gì, có lẽ phần lớn là đi đọc diễn văn chửi Bush hay gây quỹ kiếm tiền. Nhưng có điều chắc chắn là họ vẫn lãnh lương đầy đủ cho 90 ngày.

Ngay cả trong những ngày “làm việc”, các dân biểu thông thường cũng không phải làm việc cật lưng như phần lớn dân tỵ nạn chúng ta. Dưới đây là ví dụ cụ thể về vài ngày “làm việc” của Hạ Viện Mỹ:

-- Ngày 3 tháng Giêng năm 2008:

+ Khai mạc: 12:00 trưa;

+ Bế mạc: 12:03 trưa. Phiên “họp”, tức là “ngày làm việc” kéo dài đúng ba phút.

-- Ngày 15 tháng Giêng năm 2008:

+ Khai mạc: 12:00 trưa;

+ Hoãn họp: 12:03 trưa; Phiên “họp” buổi sáng kéo dài đúng ba phút.

+ Tái nhóm: 6:30 chiều; với chương trình nghị sự như sau:

* Quyết nghị 913: bổ nhiệm hai dân biểu Hoyer và Boehner vào tiểu ban để thông báo cho tổng thống biết là Hạ Viện họp khoáng đại;

* Quyết nghị 914: xác nhận Hạ Viện họp có đủ túc số;

* Quyết nghị 915: ấn định giờ họp của Hạ Viện;

* Quyết nghị 1585: cấp khoản cho vài chi phí quân sự của Bộ Quốc Phòng.

+ Bế mạc:  8:19 tối. “Ngày làm việc” kéo dài đúng 1 tiếng 52 phút.

-- Ngày 17 tháng Giêng năm 2008:

+Khai mạc: 10:00 sáng; với chương trình nghị sự như sau:

* Quyết nghị 922: Tái cho phép dự án HOPE VI nâng cấp những khu chung cư bị hoang phế;

* Quyết nghị 894: Tu chính vài điều trong luật về thuế vụ liên bang.

+ Bế mạc:  3:00 chiều. Một ngày bận rộn của Hạ Viện: 5 tiếng.

-- Ngày 28 tháng Giêng năm 2008:

+ Khai mạc: 2:00 chiều; với chương trình nghị sự như sau:

* Quyết nghị 4240: Đặt tên cho sở bưu điện đường West Alameda tại Lakewood, Colorado, là “Công Ốc Bưu Điện Felix Sparks”;

* Quyết nghị 2110: Đặt tên cho sở bưu điện đường North Street tại Taft, California, là “Sở Bưu Điện Larry S. Pierce”;

* Quyết nghị 4140: Đặt tên cao ốc tại Port Angeles, Washington, là “Công Ốc Richard B. Anderson”;

* Quyết nghị 2913: Tu chính một điều khoản của Luật International Center Act;

* Quyết nghị 832: Tuyên dương Hội Đồng Quản Lý Nước (Water Management Board), Texas;

* Quyết nghị 933: Tuyên dương đội banh Tiger của Đại Học Louisiana State đã đoạt chức vô địch “football” cấp đại học Mỹ;

* Quyết nghị 938: Tuyên dương đội banh Mountaineer của Đại Học  West Virginia đã đoạt giải “football” Fiesta Bowl;

+ Hoãn họp : 3:18 trưa;

+ Họp lại:  5:09 chiều: duyệt lại các quyết nghị của buổi trưa, và thảo luận vài vấn đề linh tinh;

+ Bế mạc: 10:14 tối; “Ngày làm việc” kéo dài tổng cộng 6 tiếng.

Hình như Hạ Viện Mỹ làm việc thật tà tà, và những ưu tư của Hạ Viện đối với các vấn đề trị quốc an dân nghiêm túc lại còn ít hơn nữa. Có lẽ mỗi tháng bàn chuyện quốc sự một ngày là dư thừa rồi" Thời giờ còn lại thì phải lo đặt tên cho các công thự.

Nhìn vào cái thời khóa biểu “nặng nề” kiểu “vịt què” này, chúng ta hiểu ngay vì sao mà có nhiều người ra tranh cử dân biểu như vậy.

Tổng thống Bush lên tiếng than phiền Hạ Viện suốt một năm rưỡi nay đã không biểu quyết được một dự luật nào về vấn đề ngân sách, liền bị bà Pelosi lớn tiếng đả kích “chính quyền Bush là một thất bại toàn diện” (total failure). Nếu được một phần ba dân Mỹ ủng hộ mà đã là “thất bại toàn diện”, thì khi chỉ có một phần mười dân Mỹ chấp nhận thì gọi là gì"

Lịch làm việc của Thượng Viện cũng tà tà tương tự thôi.

Nhưng các thượng nghị sĩ đang tranh cử tổng thống thì tệ hơn nhiều. Họ vẫn lãnh lương đầy đủ 165,000 đô một năm (chưa kể cả trăm thứ bổng lộc phụ, và cũng chưa kể tiền yểm trợ trà nước của các tổ chức vận động hành lang -lobbyists), nhưng hiện diện tại thượng viện có chừng vài ngày trong gần hai năm nay, vì bận tranh cử trên khắp nước Mỹ. Cũng không khác gì trường hợp thượng nghị sĩ John Kerry trong những năm 2003-2004. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay, đã có 4 TNS Dân Chủ (Obama, Clinton, Biden, Dodd) và 1 TNS Cộng Hòa (McCain) tham gia. Tất cả đều tranh cử toàn thời đến khi thất cử. Hai ông McCain và Obama dĩ nhiên vẫn đang tiếp tục tranh cử toàn thời đến tháng Mười Một, mà vẫn ăn lương thượng nghị sĩ toàn thời luôn.

Tổng thống “vịt què” vì gần hết nhiệm kỳ, chằng còn làm được gì nhiều, điều này cũng dễ hiểu. Nhưng quốc hội vừa mới được bầu mà đã lè phè như vậy, làm sao việc nước trôi chẩy được" Làm sao dân chúng ủng hộ mạnh hơn được" Được 14% hậu thuẫn đã là quá cao rồi. Đó là kết quả của viện Gallup, tuần qua viện thăm dò dân ý Rasmussen còn đưa ra kết quả bi đát hơn, với tỷ lệ tin tưởng vào Quốc hội đã sụt tới... 09%!)

TNS Obama chê bai sự thụ động và bất lực của chính quyền Bush. Ông chủ trương tăng thuế, để lấy tiền phát triển hệ thống hành chánh tối đa để gia tăng các dịch vụ y tế, an sinh cho dân chúng, xiết chặt tư doanh hơn bằng những luật lệ mới cho phép các công chức kiểm soát chặt chẽ hơn các ngân hàng, hãng dầu xăng,… để bảo đảm gia tăng năng xuất kinh doanh.

Nếu có người nào nghĩ rằng các công chức mới do tổng thống Obama mang vào làm việc sẽ siêng năng và có năng xuất cao hơn các vị dân biểu, nghị sĩ, thì… xin kính chúc những quý vị đó nhiều may mắn! (19-7-08)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.