Hôm nay,  

Bầu Cử Mỹ: Điểm Và Diện

15/07/200800:00:00(Xem: 7963)
Các ứng viên cũng đều là chuyên viên bóp méo sự thật chẳng chút e lệ gì...

Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Cung đã diễn ra từ gần hai năm nay. Phải nhìn nhận rằng chỉ một chế độ thực sự tự do dân chủ như Mỹ mới có được một cuộc tranh cử hào hứng và thu hút người theo dõi như vậy thôi. Dĩ nhiên cũng có nhiều người theo dõi không vì lý do chính trị gì, mà chỉ để... cá độ ăn tiền, nhất là khi cuộc chạy đua gay cấn như hiện nay.

Có lẽ ít người để ý, nhưng trong thời gian tranh cử tại Mỹ vừa qua thì trên thế giới cũng đã có nhiều cuộc tranh cử quan trọng khác. Bên Pháp, có cuộc bầu cử năm ngoái đưa ông Sarkozy lên làm tổng thống. Bên Anh có cuộc bầu cử quốc hội đưa ông Brown lên làm thủ tướng. Bên Ý cũng có bầu quốc hội đưa ông Berlusconi lên thủ tướng. Bên Nga có cuộc bầu tổng thống Medvedev thay thế Putin... Nhưng chẳng có nơi nào thu hút được sự chú ý như ở Mỹ.

Theo dõi cuộc chạy đua của cả hai bên Cộng Hòa và Dân Chủ, chúng ta học được nhiều điều hay ho về thế nào là dân chủ thực sự.

Làm sao để cả chục triệu người không biết mình là ai, không được Nhà Nước giới thiệu, mà vẫn có thể bỏ phiếu bầu cho mình không phải chuyện dễ. Làm sao thỏa mãn đòi hỏi hay nhu cầu của cả chục triệu người khác nhau, giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, đồng tính, trắng đen, nâu vàng, trẻ già, lính thợ hay trí thức, khó tính dễ tính, tốt xấu, ác hiền, công giáo với tin lành, hồi giáo với do thái, Zen với Mormons, vân vân,…

Cái khó khăn lớn là trong suốt cả hai năm trời, mỗi ngày bỏ ra trên dưới mười bốn tiếng đồng hồ đi gặp cả ngàn người trong ít nhất là hai hay ba cuộc họp mặt, từ tỉnh này đến tiểu bang nọ mà khỏi cần biết trời nắng, trời mưa, trời tuyết, trời lạnh, trời nóng. Không bao giờ có quyền ốm đau, cảm cúm, “call sick”.

Không ai có thể không tâm phục khẩu phục sức chịu đựng của các ứng viên. Không chỉ chịu đựng về thể xác không mà còn chịu đựng về tinh thần nữa. Lúc nào đầu óc cũng phải tỉnh táo. Nói đi nói lại một vài đề tài chính ngày này qua tháng nọ không chán. Làm gì hay không làm gì thì cũng có người chửi bới, bôi bẩn, mà vẫn phải cắn răng tươi cười vồn vã. Lúc nào cũng phải có câu trả lời cho hàng trăm hàng ngàn câu hỏi có khi hóc búa có khi gàn dở. Cũng không bao giờ được trả lời sai hay hớ một câu nào vì báo chí cú vọ sẽ khai thác đến chết. Bà Hillary lỡ lời nhắc đến chuyện Robert Kennedy bị ám sát, phải xin lỗi ngày này qua ngày khác mà vẫn không được tha.

Chẳng những không được nói hớ hay làm sai điều gì, mà ngay cả quá khứ cho đến tam đại từ đời cha đời ông cũng không thể có được một chấm đen. TT Bush có lần lái xe bị cảnh sát phạt vì uống rượu quá độ. Chuyện lẩm cẩm xa lắc xa lơ trước khi ông cai rượu hơn ba chục năm nay, nhưng cũng xém làm ông thất cử năm 2000. McCain thì phải công bố hồ sơ sức khỏe cho các báo nghiên cứu xem cách đây năm năm ông có uống thuốc nhức đầu hay viagra gì không!

Cái khó khăn không kém nữa là làm thế nào có người sẵn sàng bỏ tiền cho mình đi tranh cử. Rồi làm thế nào để có cả trăm cả ngàn người tiếp hơi mình, làm loa lặn lội đi vận động cho mình, có khi có lương, nhưng phần lớn là “làm chùa”.

Có nhiều người nhìn vào các cuộc tranh cử của Mỹ rồi có những nhận định rất phiến diện, chỉ chứng tỏ họ không hiểu rõ được sự phức tạp của tranh cử kiểu Mỹ. Ví dụ như có người nói ông Bush con đắc cử vì là con của tổng thống, hay bà Hillary lên được gần tột đỉnh vì có chồng là tổng thống. Những loại liên hệ này có thể giúp phần nhỏ nào đó, nhưng cột trụ vẫn là khả năng của ứng viên. Bằng chứng là cựu đệ nhất phu nhân Hillary với cả guồng máy tranh cử gây dựng từ... 2001 đã lại thua anh vô danh Obama. Mấy trăm triệu dân Mỹ không dốt lắm đâu.

Rồi chúng ta cũng đã có dịp nhìn thấy những hiện tượng không lấy gì làm hấp dẫn, và đáng làm gương cho các nước chậm tiến.

Vấn đề đầu tiên, như bà con ta thường nói, chính là vấn đề tiền đâu.

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay đã cho thấy đây là một hành trình tốn kém quá mức tưởng tượng.

Nhìn vào ứng viên Mitt Romney, một triệu phú đã chi ra hơn ba mươi lăm triệu tiền túi ra tranh cử, mà thất bại và phải rút lui, mất hết cả tiền lời lẫn vốn, cả chì lẫn chài, ta có thể nói đồng tiền không chắc đã mua được phiếu cử tri. Nhưng ngược lại, nhìn vào cuộc chạy đua giữa bà Hillary và ông Obama, không ai có thể chối cãi là nếu không có tiền và không biết cách “xin” tiền, thì xin miễn nghĩ đến giấc mộng an bang tế thế tại Mỹ. Giống như người ta nói đồng tiền không mua được hạnh phúc, nhưng có tiền vẫn dễ có hạnh phúc hơn. Ông Obama đã thu và chi gần ba trăm triệu đô của thiên hạ từ gần hai năm nay. Bà Hillary thu ít hơn, nhưng chi nhiều hơn, đến độ phải ứng tiền túi hơn mười triệu ra thêm, chưa kể còn thiếu nợ người này người kia hơn hai chục triệu nữa.

Đó chỉ mới là những con số cho cuộc tranh cử sơ bộ trong nội bộ đảng Dân Chủ thôi, chưa nói đến cuộc tranh cử giữa hai đảng trong những tháng tới.

Nếu quý vị có khai thuế liên bang mỗi năm, quý vị sẽ biết là trong đơn khai thuế, quý vị được hỏi có đồng ý trích ra ba đô để đóng góp vào quỹ tranh cử tổng thống Mỹ hay không. Số tiền đó là tiền chính phủ liên bang dành để giúp các ứng viên không có tiền vẫn có cơ hội tranh cử. Dân Chủ mà!

Trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới giữa hai ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa, Nhà Nước Mỹ sẽ chi cho mỗi bên đồng đều khoảng 84 triệu đô mỗi người (từ số tiền chúng ta tự nguyện đóng góp khi khai thuế). Một khi ứng viên chính thức nhận số tiền này thì không được nhận đóng góp gì của cử tri nữa. Ông McCain biết trước sẽ không thể thu bằng Obama, nên hồ hởi nhận sự giúp đỡ này và kêu gọi Obama cũng làm tương tự. Ông Obama không chịu thua, lớn tiếng chỉ trích việc dùng tiền mua quan chức và hứa ngay là sẽ nhận tài trợ của Nhà Nước như ông McCain. Nếu ông Obama nhận lời thì hai phe có vẻ có cơ hội đồng đều, ít nhất là trên phương diện tài chánh. Nhưng ông Obama nhận thấy ngay sau đó là mình có khả năng thu được ít ra là gấp đôi gấp ba số tiền Nhà Nước cho, tội gì giới hạn mình, nên nuốt lời hứa và bác bỏ tiền của Nhà Nước, để có thể dùng tiền đè McCain. Ai dám nói chính trị gia nói sao làm vậy"

Vấn đề quan trọng thứ hai là tính chất phiến diện của cuộc tranh cử.

Nước Mỹ là một nước hết sức lớn. Cho dù các ứng viên bỏ cả hai năm, mỗi ngày đi vận động trên dưới hai chục tiếng đồng hồ đi nữa, cũng không thể nào có thời giờ gặp từng người trong số ba trăm triệu dân Mỹ để nói chuyện chi tiết, tranh luận, trả lời câu hỏi, về tất cả các chính sách, đường lối của mình.

Muốn chuyển đạt tư tưởng của mình đến số đông thì chỉ có một cách hữu hiệu duy nhất. Đó là quảng cáo trên đài phát thanh và nhất là trên đài truyền hình. Những chương trình này hết sức đắt giá, có khi lên đến cả mấy trăm ngàn đô cho một hay hai phút phát sóng, tùy thị trường, tùy giờ giấc phát sóng, tùy tính gay cấn của cuộc chạy đua trong một thời điểm hay địa phương nào đó.

Các ứng viên bắt buộc phải có những quảng cáo rất ngắn gọn, trong một vài phút (năm phút là nhiều lắm rồi).

Ví dụ như bà Hilllary tung ra hai phút quảng cáo nói sẽ thiết lập chế độ bảo hiểm y tế cho tất cả dân Mỹ trong khi chỉ trích kế hoạch y tế của ông Obama sẽ khiến cho mười lăm triệu người dân Mỹ không có bảo hiểm. Dĩ nhiên, ông Obama phản pháo, tung ra quảng cáo tố cáo chương trình bà Hillary bắt buộc tất cả mọi người phải có bảo hiểm y tế, kể cả những người không có tiền mua bảo hiểm, nếu không mua sẽ bị đi tù.

Người ta nghe vậy thì biết vậy nhưng không biết gì thêm. Không có chi tiết nào, không biết chương trình bà Hillary như thế nào, chương trình ông Obama ra sao. Và cử tri Mỹ phải lấy quyết định bầu cho ai dựa vào mấy phút quảng cáo ngắn gọn này và những khúc quảng cáo khác, cũng ngắn gọn tương tự, liên quan đến các đề tài sinh tử khác như quốc phòng, an ninh, thuế má, hôn nhân…, cũng như nhiều đề tài có tính cách địa phương hơn.

Để tranh thủ khai thác tối đa thời gian xuất hiện trên màn truyền hình, các ứng viên cũng phải có khả năng đưa ra những câu tuyên bố thật ngắn gọn, nhưng cũng thật hấp dẫn, làm những chuyện thật vớ vẩn nhưng đặc biệt, có ấn tượng và ý nghĩa lâu dài. Ví dụ như bà Hillary đi uống bia với mấy anh Mỹ trung lưu, hay ông Obama đi thục bi-da với mấy anh lính thợ.

Mỗi lần xuất hiện đọc diễn văn là một lần dàn cảnh cầu kỳ, có tính toán kỹ lưỡng.

Ông Obama lên đọc diễn văn thì sau lưng là một khối mấy bà Mỹ trắng già đứng cầm khẩu hiệu “Yes, We Can” đồng loạt đưa lên đưa xuống đúng điệu đúng lúc, dưới sự chỉ dẫn của một đạo diễn đứng sau ống kính. Có lần có hai bà Mỹ gốc Ả Rập, đầu cuốn khăn bịt tóc theo kiểu Hồi Giáo, bị ngăn cản không cho ngồi phía sau Obama khi ông này đọc diễn văn, vì sợ hình ảnh này sẽ “gây hiểu lầm”, xác nhận ông Obama là người theo đạo Hồi. Sau đó xin lỗi chối chết hai người đã bị mời ra khỏi phông cảnh sau lưng ứng cử viên nổi tiếng là hòa hợp màu da và sắc tộc!

Bà Hillary xuất hiện thì sẽ thấy các bà Mỹ đen và thanh niên thanh nữ hò hét sau lưng. Cần khối cử tri nào thì đưa người của khối đó lên, làm như mình đã có hậu thuẫn của khối đó rồi. Có lần có cả một thanh niên đeo găng võ sĩ quyền Anh đứng sau lưng, tay dơ lên dơ xuống, để nhấn mạnh quyết tâm tranh cử không chịu thua của bà Hillary.

Vì không có thời giờ nhiều cũng như vì dân Mỹ nói chung không am tường các chính sách và đường lối cho lắm, nên các ứng viên phải chú ý đến cá nhân các đối phương. Phần lớn là để đả kích đối phương hay tự đánh bóng mình. Và phần lớn cũng đều là những chuyện dấm dớ không đâu vào đâu, nhưng lại có ảnh hưởng to lớn.

Điển hình là ông Obama bị chỉ trích là không yêu nước vì không đeo huy hiệu cờ Mỹ trên ve áo như các ứng viên khác. Nếu xác định tính yêu nước hay không qua việc đeo huy hiệu cờ Mỹ thì có lẽ 99% dân Mỹ không yêu nước vì nhìn quanh chúng ta, qua các bạn học, bạn làm việc, người quen, ta chẳng thấy ai đeo cờ Mỹ cả, trừ các chính trị gia mỵ dân hay những người tích cực yêu nước. Ấy vậy mà sau vài lần bị chỉ trích, ông Obama cũng đành phải xuất hiện với huy hiệu cờ Mỹ trên ve áo vét, và khi đọc diễn văn thì đằng sau luôn luôn là một rừng cờ Mỹ.

Các ứng viên cũng đều là chuyên viên bóp méo sự thật chẳng chút e lệ gì.

Ví dụ như ông McCain tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, “có thể cả trăm năm” nữa, theo mô thức quân đội Mỹ đang đóng tại Âu Châu, hơn năm mươi năm sau đệ nhị thế chiến để bảo đảm hòa bình. Phe Dân Chủ, kể cả ông Obama và bà Hillary, mau mắn suy diễn và tố cáo McCain chủ trương tiếp tục đánh nhau để lính Mỹ tiếp tục chết tại Iraq một trăm năm nữa. Ai nghe cũng phải toát mồ hôi. Nhưng nội dung phát biểu của McCain không hẳn là như vậy và ông ta cũng có con trai đang là Thủy quân Lục chiến phục vụ tại Iraq, trong khi chờ đợi một người thứ hai sẽ qua đó sau khi tốt nghiệp Võ bị Hải quân!

 Các ứng viên, hay các đàn em, cũng chẳng ngại khai thác sự thiếu hiểu biết của dân Mỹ. Như ông Obama qua thăm viếng một nước Phi Châu, được Nhà Nước xứ này đón rước linh đình, cho mặc quốc phục, một loại bộ đồ giống như quần áo của mấy ông Hồi giáo, có quấn khăn trên đầu đàng hoàng. Thế là ông bị chụp mũ Hồi giáo quá khích ngay.

Ngay cả cái tên cúng cơm cũng có thể là một cái nợ lớn. Bà Hillary loay hoay không biết cái tên “Clinton” phải được dùng như thế nào để tránh tai vạ lây với ông chồng nhiều chuyện. Ông Obama thì đối với cử tri Mỹ, lo giấu cái tên đệm “Hussein” cho kỹ, hễ ai nhắc tới là hét ầm lên là dùng thủ đoạn tiểu xảo để chụp mũ Hồi giáo quá khích lên đầu mình. Nhưng chính ông cũng không ngại khai thác cái tên Hussein đó khi cần thiết. Ông đã từng công khai tuyên bố là cái tên đó sẽ cho ông có được sự tin tưởng và lợi thế khi cần nói chuyện với khối Hồi giáo!

 Hậu thuẫn của các tài tử, ca sĩ, những nhân vật nổi tiếng (celebrities) cũng là yếu tố đáng giá ngàn vàng dù mấy vị này mù tịt về chính chị chính em. Bà Oprah Winfrey, bà đen chuyên lên truyền hình tán hiêu tán vượn chuyện đàn bà, tổ chức gây quỹ tại “nhà riêng”, mời sơ sơ có 3.000 người, thu được vài triệu cho Obama. Cũng nên nói thêm, bà Oprah lúc sau này đã hết lên tiếng ủng hộ Obama rồi, vì sau khi bà hò hét cho ông này thì chương trình nói chuyện của bà mất ngay 10% khán giả phần lớn là các bà ủng hộ bà Hillary. Bà Oprah mỗi năm thu hơn 100 triệu, mất 10 triệu cho Obama thì có vẻ đắt quá.

Nói chung, những yếu tố then chốt để đắc cử tổng thống Mỹ lại chỉ là những chuyện chi tiết dấm dớ, có tính cách “diện” nổi, trong khi những “điểm” quan trọng như sách lược thì chỉ được bàn qua loa.

Tính hời hợt thiếu chiều xâu của cuộc tranh cử của Mỹ một phần nào được bù đắp bằng sự kéo dài vô tận của cuộc tranh cử - đúng ra là có khoảng hai năm thôi, nhưng người ta có cảm tưởng như vô tận- và giúp cử tri hiểu biết nhiều hơn về các ứng viên.

Nhưng dù sao cũng vẫn chưa đủ, để rồi cuối cùng, việc bầu tổng thống vẫn chỉ là một vấn đề hên xui may rủi, phần lớn được quyết định theo tình cảm phe nhóm cá nhân, theo kiểu cấp tiến thì sống chết với Dân Chủ, bảo thủ thì bán nhà theo Cộng Hòa, không cần biết ứng viên là ai. Do đó có khi dân Mỹ bầu được người thật giỏi, như Roosevelt, cũng có khi bầu một người chẳng giống ai, như ông trồng đậu phộng Carter (dĩ nhiên mấy ông bà Dân Chủ nghĩ ngay đến George W. Bush, tổng thống đương nhiệm, là người tệ nhất, nhưng chuyện này để lịch sử trả lời sẽ công bằng hơn).

Ai cũng thấy rõ tính phiến diện hên xui may rủi, nặng phần trình diễn, có khi giống như một tuồng hát bội, của thể thức tranh cử của Mỹ. Ứng viên Obama sẽ đọc diễn văn chấp nhận làm đại diện cho đảng Dân Chủ tại một sân vận động tại Denver, với hy vọng tiếng hò hét của 76.000 người sẽ khỏa lấp mọi tuyên ngôn lờ mờ về chính sách hay lập trường của ông Obama, cũng như sẽ lấn át mọi tiếng la hét cổ võ cho bà Hillary của một số các bà chung thủy với bà Hillary.

Tranh cử kiểu Mỹ chưa hoàn hảo, nhưng chưa ai đưa ra được một ví dụ thực tế về tuyển lựa lãnh đạo hữu hiệu hơn (13-7-08).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo một nghiên cứu mới do Asian Americans/Pacific Islanders in Philanthropy (AAPIP) thông báo hôm nay, xu hướng tài trợ của các hội hàng đầu ở Hoa Kỳ
Vừa đặt chân đến Nữu Ước (New York) chiều 18-6, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Mỹ 5 ngày, Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà nước Cộng sản Việt Nam
Công viên rộng một dặm vuông. Nhiều cây cao bóng mát vươn lên từ những thảm cỏ xanh mướt. Nắng chưa lên mà đã có người đi bộ hoặc chạy bộ lướt qua khu vực
Trước năm 1975 quân nhân các quân binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau khi thụ huấn quân sự, trước khi ra trường đều tuyên thệ trung thành
Đọc bài viết trên VietNamNet về buổi nói chuyện của Ngài Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết ở Liên Hợp Quốc, tôi thấy có nhiều câu trả lời chưa thỏa đáng
Nhân dịp ông viếng thăm Hoa kỳ lần đầu tiên , tôi viết lá thư ngỏ này để bày tỏ nỗi quan tâm của cộng đồng người Việt sống ở Hoa Kỳ về hiện tình độc tài đảng trị
Khi Tổng thống George W. Bush tiếp Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Bạch Ốc vào ngày Thứ Sáu, đó là lần đầu tiên một Chủ tịch Nhà Nước Việt Nam Cộng sản
Chuyến đi Mỹ của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết trong tuần này là dấu chỉ cho thấy quan hệ Mỹ-Việt tiếp tục được phát triển, dù gần đây nổi lên những khác biệt
Cách đây đúng 10 năm, hàng loạt các nước Đông Á bị khủng hoảng tài chính rồi kinh tế và qua năm 1998 cuộc khủng hoảng đã lan rộng ra thế giới
Nguyễn Minh Triết đã tới New York vào ngày 18 tháng 6 và đang có những hoạt động nhằm ngụy biện cho chế độ độc tài đảng trị.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.