Hôm nay,  

Nền Văn Minh Của Nỗi Sợ Hãi

04/08/200700:00:00(Xem: 9048)

Kỳ quan thế giới là một thành lũy của sự sợ hãi: Vạn lý trường thành...

Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Nhân dịp này, Bắc Kinh tưng bừng biểu dương khí thế của giải phóng quân và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hứa hẹn canh tân quân đội thành một sức mạnh hiện đại của một cường quốc toàn cầu.

Cùng hôm đó, Phó Thủ tướng Ngô Nghi đã đặc biệt dẫn Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, ông Hank Paulson, thăm viếng các tỉnh nằm sâu trong lục địa. Nhân dịp này, bà Ngô Nghi nói thẳng ra một điều cứ như là tuyên truyền. Rằng Trung Quốc hiện đang có quá nhiều vấn đề bên trong để có thể đe dọa bất cứ ai về kinh tế, chính trị hay quân sự.

Chúng ta phải tin rằng cả hai người, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Phó Thủ tướng Ngô Nghi (Ủy viên Bộ Chính trị), đều nói thật, và đấy là mâu thuẫn của Trung Quốc. Nếu hiểu ra mâu thuẫn ấy rồi, người ta sẽ thấy việc Hà Nội cố giảm tầm quan trọng của vụ hải quân Trung Quốc sát hại ngư phủ Việt Nam cũng là một mâu thuẫn - mà rất hợp lý.

Tất cả đều xuất phát từ sự sợ hãi, một đặc tính của nền văn minh Trung Quốc nay tiếp tục gây ra phản ứng khiếp nhược cho Hà Nội, những người lãnh đạo Việt Nam bị "Hán hoá" nặng nhất trong lịch sử.

Đây là một câu chuyện rất dài, xin hãy kiên nhẫn theo dõi....

Sức nặng Trung Quốc

Bảo rằng Trung Quốc bị khiếp nhược là một nghịch lý khó tin, nhất là cho giới kinh tế hay kinh doanh, và từ đấy cho giới truyền thông quốc tế.
Trung Quốc hiện có nền kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới về sức sản xuất, chỉ thua Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nền kinh tế ấy đang có tốc độ tăng trưởng làm thế giới chóng mặt là hơn 10% một năm, khi Hoa Kỳ mà đạt được đà tăng trưởng sản xuất chừng 3% một năm là đã thấy như phép lạ. Với dân số 1.300 triệu người và khối dự trữ ngoại tệ là 1.300 tỷ Mỹ kim, Trung Quốc là sức mạnh kinh tế có trọng lượng trên thế giới, khả dĩ làm các thị trường quốc tế bị điên đảo về từng quyết định từ Bắc Kinh. Với đà tăng trưởng 10% một năm, sức nặng kinh tế của Trung Quốc có thể nhân gấp đôi mỗi chu kỳ bảy năm! Còn nước Mỹ, phải đợi chừng một phần tư thế kỷ.

Ngoài việc đầu tư vào lãnh vực quân sự - là điều Hồ Cẩm Đào vừa hứa thêm hôm mùng một sau khi đã thực hiện từ nhiều năm nay - Bắc Kinh có thể dùng lượng tài sản trị giá 1.300 tỷ để đầu tư ra ngoài và bành trướng ảnh hưởng của mình ra nhiều lục địa khác. Điều này, họ đã làm từ đầu năm nay khi mua lại tài sản của nhiều doanh nghiệp sản xuất hay đầu tư lớn trên thế giới. Trước đấy, họ cũng đã tung tiền đầu tư hay mua chuộc nhiều quốc gia Á Phi, thậm chí Nam Mỹ, để bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu hay bảo đảm lập trường thân hữu với Bắc Kinh trong các vấn đề lớn của thế giới.

Những sự kiện trên đều được truyền thông và doanh giới quốc tế biết rõ.
Cho nên bảo là Trung Quốc đang sợ hãi là nói ngược. Việc Phó Thủ tướng Ngô Nghi tâm sự với Tổng trưởng Paulson về nỗi lo của Bắc Kinh có khi chỉ là lời ngoại giao nhằm trấn an hay lường gạt Paulson (doanh gia am tường về Trung Quốc đã điều khiển tổ hợp tài chánh Goldman Sachs trước khi làm Tổng trưởng Ngân khố Mỹ).
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào mới là người nói thật, về sức mạnh đáng kể của Trung Quốc. Và có lẽ Hà Nội cũng nghĩ vậy, nên thu mình như con cuốn chiếu.

Nhưng sự thật lại khác khi ta nhìn từ kinh tế lên xã hội và chính trị.

Những nan đề không giải pháp

Thuần về kinh tế, Trung Quốc theo đuổi một sách lược phát triển lệch lạc và có thể sụp đổ hay bị khủng hoảng trong thời gian tới. Chuyện này, lãnh đạo Bắc Kinh biết rõ hơn ai hết nên đã cố gắng kềm hãm tốc độ tăng trưởng - và đặc quyền - của 11 tỉnh duyên hải nằm ở phía Đông để san bằng dị biệt với các tỉnh bị khoá trong lục địa. Khi dẫn Paulson đi kinh lý các tỉnh này và phơi bày ra tình trạng chậm tiến ở đây, bà kỹ sư Ngô Nghi nói thật!

Tăng trưởng theo mô hình Trung Quốc là thiếu phẩm chất, bất công và không bền.

Thuần về xã hội, Trung Quốc đang bị một nghịch lý về nhân khẩu (dân số) qua chánh sách "mỗi hộ một con" được thi hành không đều. Dân số các
tỉnh duyên hải đang bị lão hóa - tỷ lệ người già chiếm đa số - và quỹ hưu bổng sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngân sách quốc gia. Trong khi ấy, dân số các tỉnh kém phát triển vẫn tăng, và hàng năm cư dân đổ về thành phố kiếm ăn cả trăm triệu. Sức ép về nhân khẩu - miệng ăn - và về hưu bổng là vấn đề vượt khỏi khả năng giải quyết của lãnh đạo Bắc Kinh.

Sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc sẽ thấy vấn đề này trở thành "nổi cộm", nói theo người Hà Nội.

Lên tới lãnh vực chính trị, Trung Quốc hiện có lực lượng bất mãn lên tới... 800 triệu người. Đó là nông dân các tỉnh nằm trong. Họ bất mãn vì tốc độ tăng trưởng của các tỉnh nằm ngoài, và vì nạn tham nhũng được định chế hoá sau ba chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc. Họ bắt đầu biểu tình khiếu kiện từ cả chục năm nay vì đất đai bị cướp mà không có bồi thường thoả tháng và ngày càng tuyệt vọng hơn nên thường xuyên đụng độ với công an.

Càng tuyệt vọng nữa khi họ không được vào Bắc Kinh xem cuộc biểu dương vĩ đại của đảng Cộng sản Trung Quốc là Thế vận hội 2008!
Ba loại vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị ấy tác động vào nhau theo thế tương hằng, thành nan đề không dễ có giải pháp. Từ khi lên cầm quyền vào năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư, như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Uý Kiện Hành đều rõ, cố sửa sai và công khai nói tới để dẹp bớt thế lực của các đảng bộ địa phương. Nếu không giải quyết vấn đề kinh tế thì Hoa lục sẽ vỡ đôi; mà nếu giải quyết thì đảng Cộng sản Trung Quốc có thể vỡ đôi.

Trung ương không kềm chế được các địa phương và nông dân khởi nghĩa như trong quá khứ là chuyện vẫn có thể xảy ra.

Cho nên bà Ngô Nghi nói thật đấy! Và dù không nói là ông Paulson cũng biết.

Nhưng đấy vẫn chưa là chuyện sinh tử. Chúng ta trở về nền văn minh của nỗi sợ hãi.

Mặc cảm bị vây

Trong quá khứ, Trung Quốc là cường quốc lục địa ba lần bị các lực lượng dũng mãnh mà có dân số thấp hơn - theo định nghĩa là dân thiểu số - khuất phục và làm chủ cả Trung nguyên, vào các thời Kim-Liêu, Nguyên Mông và Mãn Thanh. Nỗi lo sợ bị "Tứ Di" tấn công từ bốn góc là thuộc tính của lãnh đạo Trung Quốc, từ đời Tần Hán cho tới đời nay.

Kết tinh của nỗi sợ ấy là Vạn lý Trường thành, đệ nhất kỳ quan thế giới có thể trông thấy từ Mặt Trăng. Một nỗi sợ ngút tới sao Khuê!
Một lần duy nhất mà lãnh đạo Trung Quốc cố nhoài mình ra ngoài - ra biển - là vào đời Minh với Tam bảo Thái giám là Đô đốc Trịnh Hoà (người Hồi) dẫn đầu một hải đội đi quảng bá đức sáng của Thiên tử xuống Đông Nam Á, qua Ấn Độ Dương lên Hồng Hải và vươn tới tận Đông Phi Châu. Những nỗ lực biểu dương ấy xảy ra từ 1407 đến 1433 là dứt.

Thứ nhất là vì Thiên triều lại sợ Hung Nô, và cần tiền xây lại, xây thêm, Vạn lý Trường thành. Rất khó, vì lý do thứ hai: Thiên triều bị kiệt quệ sau 20 năm thống trị Việt Nam, công khố bị tiêu hao vì 10 năm kháng chiến của Lê Lợi.

Lý do thứ ba, quan trọng hơn cả, là nô lệ của hệ thống tư tưởng Khổng Nho, lãnh đạo Trung Quốc không thể có tầm nhìn toàn cầu và đành nhường đại dương cho Âu Châu. Một trong các lý luận nhằm chấm dứt kế hoạch đại dương của Trịnh Hoà là "khi cha mẹ còn tại thế mà đi khỏi nhà là bất hiếu!"

Từ nỗi lo ấy, lịch sử Trung Quốc là lịch sử của sự cố thủ, trường kỳ cố thủ. Không muốn ra biển như Columbus của Âu châu, Trung Quốc cứ xoay vào trong lục địa.

Từ hai ngàn năm nay, các thế hệ lãnh đạo đều cố xây dựng hệ thống phòng ngự cho Trung nguyên, cho vùng châu thổ của ba con sông lớn từ Bắc xuống Nam là Hoàng hà, Dương tử và Châu giang.

Hệ thống phòng ngự ấy dựa vào thiên nhiên là núi non hay sa mạc thảo nguyên, từ Mãn Châu qua sa mạc Gobi - phía Bắc Vạn lý Trường thành - tới rặng Thiên San phía Tây Bắc (Kyrgystan ngày nay), sa mạc Taklamakan và Hy Mã Lạp Sơn rồi cao nguyên Thanh Tạng phía Tây. Mọi cuộc chinh phục của Thiên triều đều nhắm vào mục đích xây vùng trái độn để bảo vệ Trung nguyên và ngăn ngừa những đột biến có thể dội vào Trường An hay Bắc Kinh. Không thiếu gì công chúa của Thiên tử đã được gả cho Thuyền vu, lãnh tụ Hung Nô hay vua Thổ Phồn (Tây Tạng) để mua lấy hoà bình cho Thiên triều.

Quang Trung của ta mà đòi cưới con gái Càn Long thì cũng nắm vững quy luật ấy!

Chuyện ông đòi lấy lại hai tỉnh Lưỡng Quảng cũng chẳng là mơ hồ hoang tưởng. Chỉ vì trước khi Hoàng Thái Cực của tộc Nữ Chân (nhà Hậu-Kim) chấm dứt nhà Minh mà lập ra nhà Đại Thanh vào năm 1644 thì các sắc tộc Kim, Liêu, Mông Cổ đều đã làm chủ Trung nguyên. Vào đời Tống, một thủ lãnh thiểu số được nhà Lý của Việt Nam dung tha mà đã khiến Thiên triều rúng động, đại tướng Địch Thanh nổi danh kim cổ phải ưu lo, đó là Nùng Trí Cao hay Nông Trí Cao.

Nhưng, tình hình nay đã đổi khác...

Mà nỗi lo vẫn còn


Ngày xưa, là một cường quốc lục địa với sinh hoạt kinh tế theo hình thái cổ điển, Trung Quốc vẫn có thể tự túc nuôi dân trong lãnh thổ của mình. Việc thu vét tài nguyên của chư hầu (hay các nước Trung Quốc mặc nhiên coi là chư hầu mà không chi phối được) thường chỉ tập trung vào loại sản vật hiếm quý để làm đẹp cho Thiên tử.

Có khi Thiên triều còn mất tiền triều cống chư hầu, hay chu toàn cho chư hầu để làm sáng cái đức sáng của Thiên tử. Yếu tố kinh tế không thực sự chi phối chánh sách quốc gia, trừ những năm phải vét thuế để tài trợ quân phí chống ngoại xâm hay tu bổ Vạn lý Trường thành!

Cao điểm và là điểm lật cuối cùng của khả năng tự túc là thời Cách mạng kiểu Mao. Dân có chết oan là do chánh sách chứ không do xứ sở không đủ tài nguyên nuôi sống miệng ăn.

Nhưng từ 30 năm nay, từ cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, tình hình đã đổi khác.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc thật sự cần tới thế giới bên ngoài vì yêu cầu kinh tế, một nhu cầu sinh tử cho một xã hội có hơn một tỷ miệng ăn. Trung Quốc cần nguyên nhiên vật liệu ngoại nhập và cần thị trường xuất cảng để duy trì bộ máy sản xuất. Không thể bế quan toả cảng hay quay lưng lại thế giới để chỉ canh chừng Vạn lý Trường thành là đủ, Trung Quốc phải lý vào thiên hạ sự và thấy là thiên hạ đa sự hơn Thiên tử thường nghĩ.

Lãnh đạo Bắc Kinh phát giác là mình không có khả năng đó.

Chuyện đầu tư hay mua chuộc lá phiếu tứ di bằng chánh sách ngoại giao chi phiếu - chi tiền mua phiếu - không đủ. Và đấy mới là điều đáng lo cho quân đội giải phóng vừa ăn mừng bát tuần thượng thọ.

Trung Quốc phải kiểm soát được luồng giao lưu mua bán với bên ngoài và có khả năng vươn qua hải dương tới các lục địa khác. Từ vị trí đại cường lục địa, Trung Quốc phải trở thành một đại cường hải dương. Bắc Kinh ý thức được điều ấy từ gần hai chục năm trước khi mà lần đầu tiên trong lịch sử một Đô đốc đã cầm đầu quân đội (Lưu Hoa Thanh), và mới gần đây, khi một chuyên gia về khoa học điện tử trong chiến tranh đã được đưa lên vị trí lãnh đạo bộ tổng tham mưu.

Nhưng việc hiện đại hoá quân đội để có sức vươn tới những chân trời mới lại bị cản trở.
Ngày xưa, trong thời Chiến tranh lạnh, Bắc Kinh có thể đánh đu giữa Liên Xô và Mỹ Đế để tự phòng thủ và canh tân quân đội. Ngày nay, chiến lược ấy đã bị lỗi thời. Họ chỉ còn vài ba sự chọn lựa bất toàn.

Trước hết, đành tin vào thiện chí của Hoa Kỳ, rằng đệ nhất siêu cường hải dương của thế giới ngày nay thực ra không có tham vọng đế quốc và hải đội toàn cầu của Mỹ không đe dọa Bắc Kinh. Xưa nay, không lãnh tụ nào của Trung Quốc lại dám tin vào thiện chí ấy của thiên hạ. Đa nghi vốn là hệ quả của nỗi sợ đã ăn vào xương tủy.

Lãnh đạo quân đội Trung Quốc ngày nay vẫn còn tranh luận về chuyện tin hay không vào thiến chí hiếu hoà của Mỹ. Những ai không tin mà chủ trương tăng cường quân phí để hiện đại hoá quân đội bằng hải quân và võ khí chiến lược thì lập tức bị Hoa Kỳ báo động là Trung Quốc có tham vọng khống chế đại dương, và gây phản ứng bất lợi từ một đại cường hải đảo là Nhật Bản.

Sự chọn lựa thứ hai là giảm bớt tham vọng, nghĩa là thu vén khả năng vươn ra biển để đỡ bị rủi ro tấn công ngoài đại dương. Đó là sự chọn lựa truyền thống, được hiện đại hoá trong thế kỷ 21. Ta về ta tắm ao ta còn hơn là bị giông bão ngoài khơi là một chiến lược. Nhưng bất toàn. Chỉ vì Trung Quốc ngày nay cần năng lượng như hồng huyết cầu và không thể tự bảo nhau "ăn ít no lâu" được.

Một số dự án cho giải pháp này đã được nghĩ tới, và thực hiện, là lập ra hệ thống vận chuyển và dẫn dầu khí trong lục địa, từ Trung nguyên qua các lân bang như Pakistan, Afghanistan hay Lào Thái, Miến. Giải pháp ấy khiến Trung Quốc bớt bị lệ thuộc vào luồng vận chuyển hàng hải và vào hải đội thô sơ của mình. Để khỏi nằm trong tầm đạn của các hạm đội Mỹ...

Nhưng, loại dự án xây dựng hạ tầng này không rẻ và cũng khó khả thi. Cố thì có cố, mà sợ thì vẫn sợ. Sợ nhất là khi thu vén tầm vươn thì cũng thu vén thị trường xuất khẩu và kềm hãm bộ máy sản xuất. Động loạn sẽ nổ từ bên trong, thất nghiệp tại thành phố và bất mãn của nông dân sẽ đồng tiến, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hết lý do lãnh đạo.

Không thể tựa vào thiện chí của Mỹ, chẳng thể tìm giải pháp thu vén bằng cách phát triển chuyển vận trong lục địa, quân đội bát tuần 80 tuổi của Trung Quốc có thể nghĩ đến giải pháp thứ ba, đó là vươn ra biển, nhưng trong một chừng mực nào đó thôi.

Chưa thể có hải đội toàn cầu thì ít ra phải kiểm soát được luồng giao lưu ngoài Đông hải và làm chủ được Trung Nam Hải, tức là ngoài khơi Việt Nam!

Nếu có thêm sức thì vượt eo biển Malacca vươn tới Ấn Độ Dương, hoặc ghé bến Trung Nam Mỹ.

Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh đã dồn sức thực hiện hai giải pháp cuối là phát triển hạ tầng chuyển vận trong lục địa để khỏi quá lệ thuộc vào bên ngoài, đồng thời tăng cường khả năng hải quân trong khu vực lân cận. Họ đã nghĩ tới cả kế hoạch thiết kế hàng không mẫu hạm và khả năng tiếp vận hàng không, chặn đòn tấn công của tiềm thủy đĩnh, v.v... Để phần nào cân bằng tương quan lực lượng với hải quân Hoa Kỳ, họ cũng đã nghĩ đến việc sử dụng khoa học không gian và vệ tinh.

Nhưng, và đây mới là mặt trái của sức mạnh kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới: tiền đâu"

Trung Quốc chưa có khả năng đối đầu với Hoa Kỳ ngoài biển. Một hải đội có mẫu hạm dẫn đầu mà còn chưa có thì nói gì đến việc ứng chiến với hạm đội Thái bình dương của Hoa Kỳ. Và ngay ở vùng cận duyên thì còn thua Nhật Bản ít ra chục năm nếu phải thi đua võ trang hải quân với Nhật. Mà càng muốn phá vỡ vòng vây, Bắc Kinh càng khiến Đông Kinh nghi ngờ, càng khiến Nhật Bản xây dựng hệ thống phòng thủ chiến lược, là điều đang xảy ra.

Càng dồn quân phí cho biển xanh lại càng khiến bộ binh thấy lưng mình trống trải trong vùng đất đỏ, là cuộc tranh luận cũng đang xảy ra trong Quân ủy Trung ương! Huồng hồ là quân đội Trung Quốc lại được trang bị với kỹ thuật lạc hậu của Nga!

Năm xưa, Trung Quốc đã thấy Liên Xô sụp đổ vì cuộc đua ngân sách giữa các sư đoàn Hồng quân trong lục địa với kế hoạch phòng thủ chiến lược của Mỹ thời Reagan. Chuyện ấy có thể tái diễn. Nay Bắc Kinh mới chỉ hó hé nói chuyện xây dựng tiềm thủy đĩnh và hàng khâu mẫu hạm là dư luận Hoa Kỳ bắt đầu chú ý, bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo về sự lớn mạnh không hợp lý của quân đội Trung Quốc!

Cho nên, giải pháp chiến lược nào cũng là bất khả tín và bất khả thi. Nỗi sợ ngàn năm nay lại được hiện đại hoá thành nỗi sợ cận kề vì trong khi lãnh đạo Trung Quốc chưa tìm ra giải pháp an toàn thì kinh tế vẫn có nhũng đòi hỏi cấp bách. Xã hội vẫn có thể tan tành.

Mà chuyện sợ hãi ấy liên hệ gì tới Việt Nam"

Đồng bệnh tương lân

Trong khi đang lúng túng với cái thế vào ra bất định, Trung Quốc vẫn nghĩ tới cái ao nhà là Đông hải của Việt Nam - Trung Nam hải của họ. Chưa thể vươn ra xa thì hãy cứ chộp Hoàng sa và Trường sa đã. Đây là mục tiêu gần nhất, mềm nhất và dễ nuốt nhất.

Bắc Kinh biết vậy biết rằng Hà Nội cũng có sự khiếp sợ truyền thống của Trung Hoa.

Lãnh đạo Việt Nam sợ Bắc Kinh hơn bao giờ hết vì chưa tự giải phóng khỏi nếp suy tư bị Hán hóa trong xương tủy, cộng thêm mấy chục năm nương tựa theo cái thế môi răng và môi đã từng bị răng cắn cho bật máu! Năm mươi năm trước, Phạm Văn Đồng đã dâng đất cầu viện khi công nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên các quần đảo ngoài khơi Việt Nam. Mươi năm trước, đảng Cộng sản Việt Nam lại tiếp tục việc triều cống ấy để được yên thân.

Cho nên, có lấy Hoàng Sa rồi nay đòi thôn tính luôn Trường Sa thì cũng như lấy đồ trong túi. Và Bắc Kinh bắt mạch không sai khi nhìn ra phản ứng yếu ớt của Hà Nội trong vụ hải quân Trung Quốc sát hại ngư phủ Việt Nam.

Nỗi sợ của Trung Quốc vĩ đại là nỗi sợ vĩ đại của mấy ngàn năm lịch sử. Nỗi sợ ấy đã thấm vào xương tủy lãnh đạo cỏn con của Việt Nam cho nên họ chỉ biết đu dây, hết đu trong thế Nga-Hoa thì đu theo kiểu Hoa-Mỹ. Dù biết là kinh tế cần tới thị trường Mỹ họ vẫn sợ âm mưu diễn biến hoà bình. Dù móc túi Mỹ, họ vẫn thờ Bắc Kinh như cha mẹ và không dám làm gì khác với mẫu mực Trung Quốc. Dù biết là kinh tế thị trường cần tự do, họ vẫn sợ dân chủ.

Hà Nội vẫn bị nô lệ về tư tưởng mà tự đấm ngực là mình có tinh thần độc lập dân tộc.

Đấy làm một lầm lạc và lạc hậu về chiến lược.

Nhưng, chưa ai biết đúng sai về địa dư chiến lược hay sách lược kinh tế thì người ta đã thấy ra một chuyện đạo lý tồi bại. Lãnh đạo xứ này rất hèn khi tắt đèn đàn áp người dân mà không dám hé răng phản đối Bắc Kinh. Nỗi sợ của họ khiến họ không nhìn ra nỗi sợ vĩ đại hơn của Trung Quốc, đó là về tầm nhìn. Về trình độ đạo đức, họ sợ đến phát hèn và chỉ còn sử dụng võ khí của các chế độ hèn mạt. Là đàn áp người dân. Y hệt như Trung Quốc.

Quốc kỳ của Việt Nam nên có một Vạn lý Trường thành, con con như một hòn non bộ! Và đồn gì thì đồn, Nông Đức Mạnh không thể là con cháu của Nông Trí Cao.

Con của Hồ Chí Minh thì may ra!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.