Hôm nay,  

Việt Nam Trong Trật Tự Trung Quốc

02/11/200500:00:00(Xem: 10203)
- Trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới VN, dư luận trong nước nghe việc Ngân hàng Giao thông TQ phát hành cổ phiếu lần đầu với số lượng kỷ lục, như "cơn địa chấn" trên các thị trường tài chính quốc tế.

Trong khi ấy, tại Việt Nam, ba phòng thương mại Âu, Mỹ, Úc đã chính thức yêu cầu Quốc hội Việt Nam đừng thông qua dự thảo Luật đầu tư mới, sau khi giới hữu trách Việt Nam than phiền là Hoa Kỳ gây khó khăn cho việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO. Một số nhà quan sát cho là dưới con mắt của lãnh đạo Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Bắc Kinh là điều có lợi, thậm chí người ta còn tin rằng chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào sẽ trực tiếp chi phối việc tuyển chọn nhân sự lãnh đạo trong Đại hội khóa 10 của đảng Cộng sản vào năm tới. Diễn đàn Kinh tế đài RFA có cuộc trao đổi sau đây với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về các đề tài trên, và quan trọng nhất, về câu hỏi là Việt Nam có lợi gì khi học theo mẫu mực Trung Quốc"

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, kỳ này tôi xin đề nghị chúng ta sẽ trao đổi về một số vấn đề liên hệ đến quan hệ đối chiếu về kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc và với các nước Tây phương như một bối cảnh của chuyến thăm viếng của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng, trước hết, xin ông trình bày cho thính giả rõ về việc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc vừa phát hành cổ phiếu lần đầu với con số kỷ lục và được giới đầu tư đáp ứng mạnh mẽ…

Nhìn từ bên ngoài, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy dư luận trong nước ít chú ý đến một việc mà đài Á châu Tự do đã trình bày trong nhiều kỳ liên tiếp, là việc cải cách và giải tỏa hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là một quyết định can đảm và sáng suốt từ phía Việt Nam để chuẩn bị việc gia nhập tổ chức WTO vào năm tới, dù hy vọng gia nhập nội trong năm nay sẽ không thành, như chúng ta đã dự đoán trên diễn đàn này. Sở dĩ ta đề cập đến việc ấy trước vì một năm trước khi gia nhập WTO, Trung Quốc không có nỗ lực giải tỏa như thế.

Hỏi: Vậy mà bây giờ, họ bán cổ phiếu của một ngân hàng quốc doanh trên thị trường quốc tế và đã huy động được nhiều tiền hơn là những dự đoán của họ lúc đầu. Vì sao lại như vậy"

Tôi có câu trả lời ngắn là "đừng vì thiên hạ sai lầm mà mình nên bắt chước!" Câu trả lời dài hơn là ta phải xét vào nội dung và khung cảnh của việc ấy. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã phát hành cổ phiếu lần đầu, gọi tắt là IPO, một số lượng là 12% tổng số cổ phiếu và được giới đầu tư chiếu cố nên thu được tám tỷ Mỹ kim. Như vậy, tính theo trị giá trên thị trường thì kết toán tài sản chứng khoán của ngân hàng này là 66 tỷ Mỹ kim, nghĩa là còn lớn hơn nhiều tổ hợp tài chính lớn của thế giới, như American Express của Mỹ hay Deutshce Bank của Đức. Nhìn từ Việt Nam thì các giới chức ngân hàng có thể thấy thèm thuồng và dư luận cũng phải thán phục. Một tin tức như vậy tất nhiên được truyền thông quốc tế nói tới như đã hồ hởi sảng loan tin Bắc Kinh đã thả nổi đồng nhân dân tệ vào tháng Bảy vừa qua.

Nhưng, nhìn sâu hơn vào hồ sơ này ta thấy nhiều điều bất thường. Hai năm trước, ngân hàng thương mại quốc doanh này bị nguy cơ phá sản, năm tháng trước viên chủ tịch bị tống giam vì tội hối lộ và ngân hàng này vẫn còn một núi nợ xấu rất lớn. Trước khi phát hành cổ phiếu, họ đã bán 9% cổ phần cho ngân hàng Bank of America của Mỹ và hơn 5% cho tập đoàn đầu tư Temasek của Singapore lấy bốn tỷ. Giới phân tích tài chính cho là việc Bank of America bỏ tiền vào ngân hàng này như một cách chồng tiền giữ cửa một khi Hoa lục giải tỏa những cấm đoán về đầu tư tài chính chứ phân lời của việc đầu tư ấy thật không đáng.

Hỏi: Nhưng, xin hỏi lại ông cho rõ, dường như là có sự bí ẩn trong việc Bank of America hùn vốn đầu tư vào ngân hàng của Trung Quốc"

Có thể là có, nếu mình hiểu rằng ngân hàng này muốn nuôi dưỡng một quan hệ tốt với chính quyền sở tại, tốt cho việc kinh doanh sau này trong thị trường ấy. Và họ cũng có thể lầm khi thấy là việc đầu tư không mang lại lợi ích như dự tính ban đầu.

Hỏi: Ông cho là đầu tư không đáng lời vì sao mà thiên hạ vẫn dồn tiền vào mua"

Sau vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á, từ năm 1998 Bắc Kinh đã bơm vào hệ thống ngân hàng 260 tỷ chỉ để bù lỗ vì các ngân hàng này cho vay theo diện chính sách và lời thì ít mà mất nợ thì nhiều. Tình trạng ấy chưa có cải tiến sau khi họ lập ra cơ chế cải cách và thanh tra vào năm 2003. Trong năm 2005, số nợ xấu ấy vẫn còn tăng và bình quân cho các ngân hàng thì phân lời tính theo trị giá tài sản chỉ ở khoảng 0,50%. Riêng Ngân hàng Xây dựng thì tỷ lệ sinh lời của vốn bỏ ra sau khi tính phần miễn thuế thì cũng chỉ ở khoảng 5%. Mà các ngân hàng ấy còn gặp rủi ro thường trực là thiếu vốn và cổ đông nước ngoài chưa có thẩm quyền gì về quản lý các ngân hàng dù sao vẫn là quốc doanh. Vì vậy ta phải "trừ bì" phản ứng hồ hởi của giới đầu tư khi nhớ đến sự lạc quan tương tự của họ trước khi bùng nổ vụ khủng hoảng Đông Á.

Hỏi: Bây giờ ta chuyển qua vụ các phòng thương mại Âu, Mỹ, Úc vừa gửi thư yêu cầu Quốc hội Việt Nam không nên thông qua dự luật Đầu tư mới vì bất lợi cho nhà đầu tư.

Ta có thể thấy nhiều điều lạc quan trong tiến trình học bài đáng mừng khi giới hữu trách phải tổng hợp hàng loạt quyết định phân tán trong quá khứ vào một số khuôn khổ chung. Đây là dự thảo thứ 16, và từ ba tháng nay, trước khi giới đầu tư quốc tế ngã ngửa lên tiếng thì báo chí và một vài chuyên gia trong nước đã có ý kiến dè dặt không chỉ về Luật đầu tư mà còn về Luật doanh nghiệp chung và cả Luật đấu thầu nữa.

Trước đây, khi còn thiếu hiểu biết, người ta có nhiều loại doanh nghiệp, mỗi loại lại có một số ưu đãi riêng, được quy định trong luật lệ riêng, với thủ tục rườm rà, mâu thuẫn, diễn giải tùy tiện. Nay thì người ta đang cố gom làm một và tạo ra "một sân chơi bình đẳng", phản ứng dễ hiểu là chọn sân chơi thấp nhất làm nền. Kết quả thì tư doanh nội địa lẫn nước ngoài đều thấy là có điểm chưa được và có phản ứng, là điều khó thấy cách đây mươi năm. Sau vài lần như vậy, giới đầu tư sẽ đánh giá chính xác hơn khả năng và thiện chí của một nhà nước xưa nay chưa từng có thói quen kiểm soát chính khả năng quản lý của mình mà chỉ làm luật hay lập ra thủ tục kiểm soát người dân và thị trường. Và trong bối cảnh Việt Nam không kịp vào WTO nội năm nay, phản ứng này là một điều đáng mừng vì về dài điều ấy có lợi cho kinh tế.

Hỏi: Nói đến hồ sơ WTO, giới chức Hà Nội cho là Hoa Kỳ thiếu thiện chí dù Tổng thống Bush đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam khi gặp Thủ tướng Phan Văn Khải tại Mỹ. Ông nhận xét ra sao về chuyện này"

Đây là vấn đề văn hóa vì là một ngộ nhận lớn của giới lãnh đạo lẫn nhiều người Việt ở nhà. Hoa Kỳ là xứ tư bản và dân Mỹ muốn làm ăn buôn bán với mọi người theo nguyên tắc tự do, nên ai cũng muốn mở rộng phạm vi hợp tác của WTO. Tuy nhiên đây cũng là xứ dân chủ, dù có thiện cảm với việc Việt Nam gia nhập WTO, ông tổng thống không thể ra lệnh thuộc cấp và doanh nghiệp phải đón Việt Nam vào nếu ta chưa hội đủ điều kiện. Phải nói thêm là nếu ông đại sứ Mỹ quá chiều lòng chính quyền Hà Nội mà không bảo vệ được quyền lợi của tư doanh cho xác đáng thì chính ông ta có khi mất chức; chứ không có chuyện ngược lại là ông ta sẽ cấm phòng thương mại hay doanh nghiệp Mỹ làm khó chính phủ Hà Nội. Ngược lại, nếu tính sai trong đầu tư thì doanh nghiệp có thể lỗ lã phá sản và rút khỏi thị trường Việt Nam. Đấy là quy luật vận hành của một xứ tự do về kinh tế và dân chủ về chính trị, chứ không là sự thiếu thiện chí của chính quyền để mình hiểu lầm và oán thán người ta!

Phải nói thêm, lần nữa, rằng WTO là một câu lạc bộ bình đẳng, muốn là hội viên thì phải thỏa mãn mọi hội viên chứ không chỉ vuốt ve mua chuộc viên công chức quốc tế phụ trách hồ sơ Việt Nam là đủ. Thay vì bực bội thì Việt Nam nên lợi dụng thời gian chờ đợi này để thông tin và chuẩn bị cho tư doanh biết luật chơi kinh doanh sau này, hầu cạnh tranh thắng lợi và dự trù trước những biện pháp trợ giúp cần thiết khi mình hội nhập vào luồng trao đổi quốc tế.

Hỏi: Bây giờ, ta bước qua chuyến thăm viếng chính thức của ông Hồ Cẩm Đào. Khác với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã mau chóng đón nhận Việt Nam vào WTO và không thấy lãnh đạo Bắc Kinh phê phán gì về những vấn đề dân chủ hay nhân quyền tại Việt Nam, cũng chả thấy doanh gia của họ than phiền gì về việc đầu tư vào Việt Nam như doanh gia của các nước Tây phương, qua việc ba phòng thương mại vừa lên tiếng tuần trước. Trong khung cảnh ấy, thưa ông, liệu giới lãnh đạo Việt Nam có thấy là hợp tác với Trung Quốc là có lợi hơn hay không"

Có thể lắm và như trong mọi vấn đề kinh tế, ta phải hỏi thêm là "có lợi cho ai"" Và nếu người Việt thấy bị thiệt thòi bất công khi làm ăn với Trung Quốc thì họ có quyền lên tiếng không"

Trung Quốc không là xứ dân chủ nên có thể vì lý do chính trị đón nhận Việt Nam vào WTO dễ dàng hơn. Nhưng để làm gì" Ta cần nêu câu hỏi vì xét trên lãnh vực thuần túy kinh tế, mối lợi của Việt Nam, của người dân và kinh tế Việt Nam, trong quan hệ với Trung Quốc là những gì" Xứ này không là một nhà đầu tư lớn, ở hàng thứ hai chục trở xuống với loại dự án rất nhỏ, lại bán nhiều hơn mua với Việt Nam, chưa kể đến bán lậu thuế qua biên giới. Về chuyển giao công nghệ, tức là cho ta học hỏi thêm về khoa học kỹ thuật và tổ chức hiện đại, thì họ cũng chẳng có gì. Nếu có thì chỉ có chuyển giao công nghệ về kỹ thuật bảo vệ chế độ, là điều có thể có lợi cho giới lãnh đạo ở Hà Nội chứ không chắc là có lợi cho người dân.

Hỏi: Ông nói vậy với hàm ý là Việt Nam không nên ngả theo Trung Quốc mà có thể là nên ngả theo Hoa Kỳ"

Tôi hiểu là sự đắn đo ấy đang ám ảnh nhiều người trong nước. Có người thừa uyên bác còn ngầm khuyên dân ta là "bán anh em xa mua láng giềng gần", huống hồ chắc gì Mỹ đã là anh em, lại ở xa! Tôi e rằng câu trả lời không đơn giản vì một thực tế lịch sử hơn là kinh tế.

Đó là từ ngàn năm nay cứ đánh thắng một đợt xâm lăng từ phương Bắc thì lãnh đạo Việt Nam lại học theo Bắc phương về cả văn hóa lẫn chính trị để củng cố chế độ. Lâu dần rồi, chả cần có Tiết độ sứ người Hán ngồi ở Hà Nội mà Việt Nam vẫn khó bước ra khỏi trật tự Trung Hoa. Ngày nay, thế giới đã đổi thay mà nếp tư duy ấy vẫn còn, và còn được củng cố bởi "xã hội chủ nghĩa". Ta không gửi người đi xin cầu phong thì vẫn có lãnh đạo của họ sang tận nơi đề bạt lãnh đạo của mình.

Vấn đề không phải là mình nên ngả theo Mỹ hay theo Tầu mà là ngả về dân. Phải làm sao để đa số người Việt Nam có thể quyết định lấy về cuộc sống của mình về tương lai của xứ sở thay vì bị chi phối bởi lãnh đạo xứ khác. Nói đến văn hóa Trung Hoa, tôi xin kết thúc bằng truyện ngụ ngôn của Trang tử trong Nam Hoa Kinh: Ông nhà giàu kia sợ kẻ trộm nên cất tài sản cho kỹ trong hòm, bên ngoài đóng đai cho chặt. Khi kẻ trộm vào là cứ ôm hòm mà chạy và mừng là đai không bung! Ngày nay, cái đai ấy là cái đảng đang cầm quyền.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhân chuyến viễn du sang tận miền tây Canada nhằm trao giồi kinh nghiệm  cho các sinh viên của Đại Học Montreal -Quebec trong chương trình
Vấn đề chính danh được đặt ra nhân bài trao đổi ý kiến giữa một cơ quan truyền thông của Chính Phủ Hoa Kỳ là Đài Á Châu Tự Do
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.