Hôm nay,  

Điên Rồi Hay Sao Mà Đi Miến Điện Cứu Trợ Vậy?

20/12/200800:00:00(Xem: 9445)

ĐIÊN RỒI HAY SAO MÀ ĐI MIẾN ĐIỆN CỨU TRỢ VẬY"
Hình ảnh Phật Tử Mỹ gốc Việt cứu trợ dân Miến Điện.


Nguyễn Phương Thọ


Chẳng mấy ai nghe tôi nói: "Thọ đi Miến Điện cứu trợ" mà không trả lời tôi như vậy. Hoặc  "Tây Mỹ Anh, Liên Hiệp Quốc kéo cả cờ của họ lên, theo sau là hàng triệu đô la thực phẩm  còn không vào được nữa là Bà! Nghèo mà ham".
Chuyến đi nầy tôi đã muốn thực hiện từ khi Typhoon tàn phá Miến Điện, nhưng mãi đến bốn  tháng sau mới làm được. Tôi biết thời gian tính không còn nữa sau bốn tháng, nhưng tôi nhất  quyết phải làm cho được. Tôi vẫn tin là khi một thiên tai nào đã giáng xuống thì nơi đó không  thể hồi phục ngay trong vòng một thời gian vài tháng được. Vì còn cái gì nữa để mà phục hồi.  Tay trắng là tay trắng thôi. Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã trải bao nhiêu tai họa do  trời giáng cũng có do người giáng cũng có. Mỗi lần bị tai họa chúng tôi đều nhận được sự giúp  đỡ của mọi người chung quanh mặc dù đã hơn năm mươi năm trời qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ  rất rõ-ràng về những bao gạo, những cái bát, những bộ quần áo mà người ta mang đến cho gia  đình chúng tôi sau vụ cháy nhà lúc tôi mới mười tuổi.
Năm 1955 lúc đó tôi tám tuổi, Bố Mẹ tôi chạy tản cư từ Bắc vô Nam, tay trắng hoàn toàn vì  không mang theo được ruộng vườn, hay sập gụ, tủ chè. Chỉ chạy lấy thân thôi, mấy trăm đồng  bạc của Liên Hiệp Quốc cấp cho mỗi đầu người khi gia đình tôi đặt chân xuống bến tàu Sài  Gòn đã giúp gia đình Bố Mẹ tôi định cư ở miền Nam một cách dễ-dàng hơn. Năm 1975 khi  đến Mỹ, một tiếng Mỹ không biết, lôi-thôi lếch-thếch chẳng khác gì một lũ ăn mày. Rồi  những đồng foodstamps cho tôi những bữa ăn no đủ, rồi những cái check của Sở Xã Hội gửi  đến nhà tôi hằng tháng cho tôi trả tiền nhà, tiền điện v...v...Rồi cái ông Counselor của trường  tụi tôi học bảo chúng tôi "Qua thấy các em nghèo quá, để qua giúp cho các em xin học bổng  của Chính Phủ để trả tiền học". Vậy là tụi tôi được Chính Phủ đóng tiền học, cho tiền mua  sách nữa, chưa hết, "này có work study đấy, có muốn làm để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho  con các em không"" Thế là sau giờ học tụi tôi lại có việc làm ngay tại trường. Thế là tụi tôi  sống đủng-đỉnh mấy năm trời. Có lẽ lúc đó là lúc chúng tôi có được cuộc sống thanh-nhàn,  hạnh-phúc nhất trên nước Mỹ, vì đang cảnh ăn mày lại gặp chiếu manh. Tụi tôi chỉ biết đi học  để có một tương lai sáng hơn và tôi đã thực-hiện được điều đó. Sau mấy năm sống trên  Foodstamps và những cái checks của Sở Xã Hội, vợ chồng chúng tôi đã giật được mảnh bằng  của Mỹ. Rồi chúng tôi mài cái mảnh bằng đó ra nuôi các con tôi ăn học.  Bây giờ với tuổi đời chồng chất, với một cuộc sống ổn-định, tôi vẫn một lòng cảm ơn tất cả  những tấm lòng nhân-ái nên chuyến đi Miến Điện của tôi chỉ là một hình-thức để tôi cảm ơn  đời, cảm ơn lòng nhân-ái của con người.
CHUYẾN BAY TỪ KUALALAMPUR
Tôi ra sân bay ở Kualalampur trước hai tiếng đồng hồ để bay đi Rangoon, theo mũi tên tôi  đến đúng cổng khởi hành, tôi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ chỉ có chừng 15 người khách. Tôi  nghĩ bụng: "Chắc mình đi lầm". Nhưng tôi không đi lầm vì khi phi cơ cất cánh tôi đếm chỉ  được trên dưới 20 người, "chắc mình điên thật như mọi người nói", ai muốn đi Miến Điện nữa,  khi mà vài tháng trước ai cũng mắt thấy tai nghe Chính Phủ từ chối không cho cứu trợ vào  giúp nạn nhân bão lụt, không cấp visa cho ai vào Miến Điện, rồi tình hình lại lộn-xộn. "Oh  My God! Mình điên thật rồi!". Tôi nói vậy rồi nằm thiếp đi trong vòng nửa tiếng đồng hồ, cho  đến khi tôi nghe người phi công nói là chỉ còn nửa tiếng nữa là phi cơ sẽ hạ cánh.
TỪ PHI CƠ NHÌN XUỐNG XỨ MIẾN ĐIỆN
Tôi ngồi trên máy bay nhìn xuống xứ Miến Điện, đẹp quá, thanh bình quá. Sông ngòi uốn  khúc quanh co, bao lấy những cánh đồng bằng thẳng cánh cò bay xanh mướt. Những người  dân Miến Điện đáng lẽ ra phải có được cuộc sống no ấm, nhưng theo truyền thông báo chí thì  dân Miến Điện còn nghèo-nàn lắm.
PHI TRƯỜNG RANGOON
Phi trường Rangoon nhỏ cỡ phi trường Tân Sơn Nhứt, trông cũng sạch-sẽ tươm-tất, thủ-tục hải  quan không có gì rườm-rà cả. Không ai tra hỏi mình một câu, họ chỉ đọc cái tờ khai của mình,  xem cái passport của mình rồi đóng cái dấu và cho mình đi qua.  Hành khách trên phi cơ thưa-thớt bao nhiêu thì bãi đậu phi cơ của phi trường cũng trống trơn  như vậy, chỉ có một hay hai cái máy bay nằm đó thôi.
AI ĐÓN TÔI Ở PHI TRƯỜNG
Tôi đến Miến Điện có một mình, một tuần lễ trước khi đi, tôi mới xin được visa. Khi xin được  visa tôi emailed cho một người bạn ở bên Mỹ (Vì lúc đó tôi đang ở Việt Nam: "Anh Minh ơi,  tôi có được visa vào Miến Điện rồi. Anh có thể giới thiệu cho tôi một người quen của anh ở  bên Miến Điện để khi tôi sang đến nơi thì họ có thể dẫn tôi đi đến chỗ bão lụt, để tôi cứu trợ  được không" Anh Minh emailed lại: "Chị Thọ ơi, chị không nên sang Miến Điện lúc nầy, tình  hình không có an ninh chút nào cả, chị mang tiền về đây, tôi sẽ giúp chị cứu trợ rất đắc lực.  Tôi email lại cho anh: "Anh Minh ơi, nếu tôi không sang được Miến Điện kỳ nầy, thì khi về  tới Mỹ, tâm hồn tôi sẽ không được an-bình. Anh ráng giúp tôi nhé". Hai hôm sau tôi nhận  được email của cô Maya (Cô là người Mỹ gốc Việt đang tu học tại Miến Điện): "Kính thưa cô  Phương Thọ, con được chú Minh giới thiệu là cô muốn sang Miến Điện cứu trợ, vậy cô sẽ  mang sang bao nhiêu tiền để cứu trợ và cô muốn cứu trợ như thế nào, cho gạo muối, thực  phẩm"" Tôi emailed lại cho cô Maya: "Con sẽ mang sang 3.100$00 Mỹ Kim để cứu trợ. Con  sẽ sang tới Miến Điện ngày Thứ Hai và về vào ngày Thứ Sáu. Xin Cô lo khách sạn và sắp  xếp mọi việc dùm cho con. Cô Maya emailed lại: "Cô muốn ở khách sạn như thế nào" 20 dola  thì không có breakfast, $25.00 thì có breakfast. Còn thuê xe có máy lạnh thì đắt hơn là không  có máy lạnh.Tôi mailed trở lại: "Thưa cô Maya, con năm nay đã trên 60 tuổi. Con là bà nội  rồi. Việc cứu trợ như thế nào thì con xin nhờ cô lo-liệu. Nhưng theo con thấy thì cho tiền là  hữu-hiệu nhất vì mỗi người đều có nhu cầu khác nhau. Còn thuê hotel thì cô thuê dùm con 20  đô la thôi, con không ăn sáng hết 5 đô la đâu. Và cô thuê xe không có máy lạnh nhé. Con  muốn để dành tiền để cứu trợ."
Ngày hôm sau tôi nhận được email của cô Maya: "Cô Phương Thọ ơi, mình không đi cứu trợ  bằng xe được, vì mùa nầy là mùa mưa đường sá rất nguy hiểm, mình sẽ đi bằng thuyền". Tôi  emailed lại ngay: "Cô ơi! đi thuyền là cái mà con rất thích, vậy cô cứ xúc-tiến việc đi cứu trợ  đi nhé".
Tôi đến phi trường Rangoon vào lúc 10 giờ sáng, được cô Maya và hai vị ni cô nữa cũng  người Việt đang tu học tại Miến Điện và một vị Sư người Miến Điện đón tại phi trường và  đưa tôi về hotel. Cái hotel tôi ở là 25 đô la, nhưng vì người chủ nghe nói là tôi sang cứu trợ  nên họ chỉ lấy có 20 đô la thôi. Good! Tôi chỉ cần ăn một bữa sáng là đủ cho một ngày.  Cái hotel cũng tạm được, y như những hotel không có sao nào ở Sàigòn và Hànội, tương-đối  sạch-sẽ, có máy lạnh, nước nóng và chăn giường thì toàn màu trắng sạch-sẽ tươm-tất. Phòng  khá rộng-rãi có thể ở được đến 4 người. Có một khác biệt giữa hotel ở Việt Nam và hotel ở  Miến Điện là một bên thì tấp-nập còn một bên thì vắng-tanh, lưa-thưa vài người khách mà  hình như họ là những công chức Miến Điện đi công tác chứ không phải khách ngoại quốc.  Ngày hôm sau tôi nói với cô Maya: "Cái nước Miến Điện này gặp những hai đại họa: Typhon  tàn phá cả một vùng, giết bao nhiêu người. Rồi chính sách của Chính Phủ này còn giết chết  luôn ngành du lịch của nước này nữa". Cô Maya nói: "Cái hotel của cô ở còn đông khách, chứ  những nơi khác còn thê-thảm hơn. Không còn du khách nào muốn đến đây nữa. Trước tai  biến, du khách ngoại quốc đến đây cũng khá đông để xem cái tháp vàng ở thủ đô Rangoon và  cũng để mua sắm Rubi, nay thì chẳng có ai đến nữa".
CHƯƠNG TRÌNH ĐI CỨU TRỢ
Sau khi 'check in the hotel' thì chúng tôi ngồi xuống bàn về vụ cứu trợ, tất cả chúng tôi đồng  ý là sẽ cho tiền. Tôi đưa cho cô Maya hết số tiền cứu trợ để cô đổi sang tiền Miến Điện. Kếhoạch  đã xong, ba cô từ giã tôi để đi đổi tiền và hẹn sẽ đến đón tôi đi chợ vào lúc ba giờ  chiều.
THÀNH PHỐ RANGOON
Thành phố Rangoon rất nhỏ, còn nghèo và thô-sơ lắm, chạy loanh-quanh một chút là hết rồi.  Các cô đưa tôi ra chợ chính của Rangoon, nó cũng giống như chợ Sàigòn, nhưng ít mặt hàng  hơn nhiều. Nhà cửa trong thành phố này cũ-kỹ như là cả trăm năm họ chưa sơn sửa lại.  Đường-sá thì chật hẹp, ổ gà, ổ voi đầy ra không ai sửa chữa gì cả tựa như hình ảnh của thành  phố Hà Nội khi tôi về thăm hồi thập niên 80. Xe cộ không đông lắm, tôi không thấy xe đạp  hay xe gắn máy trên đường phố. chỉ là xe hơi thôi. Cái xích-lô như là cái xe đạp rồi họ kéo  theo cái thùng bên cạnh bánh xe.
ĐÀN ÔNG và ĐÀN BÀ Ở RANGOON
Đàn ông Miến Điện còn bận sarong và đặc biệt là họ còn ăn trầu nữa và hình như đàn bà  Miến Điện ít ăn trầu hơn đàn ông vì tôi không thấy người đàn bà nhai mà chỉ thấy đàn ông  nhai thôi. Đàn bà và con nít kể cả trai lẫn gái đều bôi lên mặt một lớp bột mỏng màu ngà ngà.  Đó là bột do họ mài từ mốt cái nhánh cây ra để c hống nắng.
SỬA SOẠN CHO CHUYẾN ĐI CỨU TRỢ
Chúng tôi cũng không phải sửa-soạn chi cả, bà chủ thuyền nhận lo ăn uống luôn cho đoàn,  nhưng tôi nói với hai cô: "Cẩn tắc vô áy-náy, mình cứ đi chợ mua thêm ít nước và thức ăn  nữa, nhở thuyền bị hư năm giữa sông thì mình không đói." Tối đó, chúng tôi chia tay, hẹn  sáng mai lúc 2:30 AM thì bốn cô và vị Sư sẽ đến hotel đón tôi để đi ra bến đò.
BỮA ĂN SÁNG CỦA TÔI LÚC 2:30 AM
Tôi được hotel đánh thức dậy lúc 2:30 AM, tôi xuống chỗ tiếp tân để đi, thì được anh đầu bếp  đứng sẵn ở cửa thang máy, đưa cho tôi 2 hộp 'to go'. Một hộp trái cây và một hộp bánh mì  trứng. Sau tôi mới biết là ông chủ Hotel biết tôi sang để đi cứu trợ nên đã dặn người đầu bếp  lo ăn cho tôi mang đi. Tôi thật vô tình lúc rời hotel không 'tip' cho anh đầu bếp vì anh phải  dậy sớm hôm đó để lo cho mình tôi ăn sáng.
CHUYẾN ĐI CỨU TRỢ BẮT ĐẦU
Chúng tôi lên thuyền lúc 3 giờ sáng, chiếc thuyền khá lớn, có thể chứa được cả trăm người,  nhưng phái đoàn của chúng tôi chỉ có 6 người (Tôi và 5 vị Ni Sư) cọng với 7 người thủy thủ  đoàn.  Chúng tôi, mỗi người ngồi trên một cái ghế trong khoang thuyền để ngủ tiếp. Sáng khoảng 7  giờ, chúng tôi thức dậy để ăn sáng, ăn xong, tôi leo ra mũi thuyền ngồi để ngắm cảnh mặt trời  mọc trên sông và phong cảnh hai bên bờ sông. Tôi ngồi như thế hàng giờ không biết chán,  tâm hồn thấy thật thanh-thản. Tôi đã bỏ lại sau lưng tất cả mọi nỗi lo, mọi toan-tính; có lẽ cái  đẹp của sông nước, cái mát dìu-dịu của ngọn gió mơn-man trên da mặt đã cuốn hút mất hồn  tôi chăng"
Tôi trở vào trong khoang thuyền khi mặt trời đã lên cao, cô Maya mở gói tiền Miến Điện ra,  chúng tôi bắt đầu chia tiền ra thành 700 phần, vì có ba làng để phát tiền. Trong khi tụi tôi chia  tiền thì khoảng 10 giờ rưỡi bà chủ thuyền cũng bắt đầu nấu ăn trưa cho cả đoàn. "Oh My  God!" ( Tôi than thầm trong bụng) chỉ có một cái thùng nước nho nhỏ đó mà bà ta dùng rửa  rau, vo gạo, rửa dao thớt. Nhưng rồi một lúc sau thì mùi của thức ăn cũng xong lên ngào-ngạt  cả thuyền. Đúng 12 giờ trưa thì thức ăn được bày ra bàn. Tôi tính thầm trong bụng: cái bát và  đôi đủa thì tôi dùng khăn Clorox để chùi trước khi ăn. Thức ăn thì mình sẽ lấy cơm ở chính  giữa của cái tộ, còn đồ ăn thì mình chỉ ăn cái bát canh còn đang bốc khói thôi. Các vị Sư và  Ni thấy tôi ngồi ăn ngon-lành, bèn bảo tôi: "Cô Thọ ơi! Sao cô bình dị thế" Ngày trước có  mấy người ở Mỹ sang không dám ăn cái gì cả, họ sợ bị đau bụng." Tôi chỉ cười nhưng than  thầm: "Con cũng sợ lắm chứ, chẳng anh hùng tí nào đâu! Con vừa ăn vừa run đó!"
ĐƯỜNG VÀO LÀNG THỨ NHẤT
Con thuyền đi trên sông mất 9 tiếng thì đến được ngôi làng thứ nhất mà đoàn sẽ vào để cứu  trợ: "Ô! Thuyền đã cập bến rồi." Chúng tôi reo lên khi mũi thuyền đụng vào bờ sông, chúng  tôi leo lên bờ và được hướng dẫn vào ngôi chùa tạm. Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói về ngôi  chùa tam. Ngôi chùa chinh được xây bằng gạch, mái lợp tôn, ngôi chùa đã bị trận Typhoon  tàn phá đến tận nền nhà. Lúc tôi đi ngang ngôi chùa chỉ thấy còn cái nền, gạch vụn và những  miếng tôn đã được xếp gọn-gàng trên nền ciment của chùa. Theo lời nói lại của cô Maya thì  cả ngôi chùa đã bị trận bão tàn phá, chỉ còn có tượng Phật là ngồi yên tại chỗ. Bây giờ, dân  làng tạm dùng một ngôi nhà cũng bị tàn phá, nhưng còn tạm dùng được làm chỗ cúng và họ  đã rước pho tượng Phật vào đó để thờ.
Phái đoàn theo người hướng dẫn vào ngôi chùa tạm, khi tôi bước chân vào đó thấy khoảng  trăm người đang ngồi yên lặng theo hàng lớp đối diện với pho tượng Phật. Tượng Phật được  đặt ngồi trên một cái bực gỗ mới đóng, cao chừng nửa mét. Các vị Tăng thì ngồi sát tượng  Phật đối diện với dân chúng. Nhìn cảnh tượng Phật loang lơ  tróc sơn ngồi là-xà trên mặt đất  không lư hương, không nhang đèn rồi những người dân với vẻ mặt thành khẩn, lòng tôi dâng  lên một nỗi xúc cảm vô cùng. Tôi vội đến bên chân tượng Phật quỳ mọp xuống "Con xin vô  cùng tạ ơn Trời Phật đã giúp cho con đặt chân đến được chốn này". Tôi quỳ mọp như vậy  trong giây lát để cho nỗi xúc động vơi đi, để cho nước mắt không chảy ra khỏi khóe. Rồi quay  mặt lại phía dân đang ngồi, tôi chấp hai tay, cúi đầu xuống và mỉm miệng cười với câu "Nam  mô A Di Đà Phật". Tôi chẳng hiểu họ có biết là tôi làm gì không, nhưng thấy họ chấp tay lại  và cúi đầu thì tôi biết được là họ đang chào lại tôi.
CHÚNG TÔI BẮT ĐẦU PHÁT TIỀN
Tôi ngồi xuống cạnh các cô, chúng tôi bắt đầu phát tiền. Nhìn họ khúm-núm bước lên, hai tay  chắp lại để nhận số tiền Miến Điện chỉ tương-đương với vài đô la..! Lòng tôi dâng lên một nỗi  xót-xa vô cùng. Tôi tự trách: "Tại sao lại mang đi ít tiền thế!" và "mình sẽ phải trở lại chốn  nầy một lần nữa". Tay tôi phát tiền mà đầu óc tôi suy nghĩ những ai tôi sẽ kể về chuyến đi  nầy, những ai tôi sẽ gặp để rủ họ đi cùng với tôi trong chuyến đi tới...v...v...và vv... Sau khi  danh sách cả làng đã được đọc hết, thì mỗi gia đình đều cầm được mấy đô la trong tay. Nhìn  gương mặt họ, tôi thấy trong lòng họ biểu lộ như có được trong tay một cái gì rất trang-trọng  và cao quý. Có người đã ôm chầm lấy tôi mà khóc nức-nở, nghẹn-ngào..! Thật là những giọt  nước mắt của niềm vui, giọt nước mắt chứa-chan ân tình...! Trước cảnh ngộ nầy tôi cũng:
Rưng rưng giọt lệ giữa chùa,
Tình thương nhân loại xót chua não-nề..!
Tai Trời ách nước nhiêu-khê,
Muôn dân Miến Điện ê-chề khổ đau..!
Người ơi! Nhín-nhút góp vào,
Xây chùa cứu đói giúp nhau buổi nầy.
KHOAN KHOAN CÔ THỌ ƠI!
Tôi đã đi ra đến bến đò rồi, bỗng nghe cô Maya gọi giật giọng: "Khoan, khoan cô Thọ ơi !",  rồi tay cô lôi một em gái cở tám tuổi chạy đến bên tôi. "Cô Thọ ơi, cô trông em này có tội  nghiệp không" Mẹ em nói, nhờ cô xem có thể giúp đỡ gì được em không"" Tôi nhìn em với  tất cả lòng trìu mến của tôi, "Tội nghiệp em quá, giá em ở Mỹ thì em đâu có phải đeo ba cái  bướu ở trên mặt". Trên mặt em bé gái này có ba cái bướu ngay cạnh mũi. Mẹ em nói với cô  Maya là khi em sanh ra đã có ba cục bướu này và nó lớn lên theo tuổi đời của em. Nhà em  nghèo quá không có tiền đưa em đi chửa bệnh ở Thành Phố được. Cô Thọ ơi: "Cô về Mỹ xem  có cách gì cho em đi chửa bệnh được không cô nhé". Tôi ôm em trong tay trong chốc lát như  muốn truyền cho em tất cả nỗi lòng của tôi. Đầu óc tôi thoáng qua cái "Make a wish  foundation". Tôi thầm-thì bên tai em "Cô sẽ cố gắng". Bây giờ ngồi đây viết bài này, tôi thật  sự muốn khóc. Làm sao tôi có thể giúp em được đây" Không biết mẹ em và em, có trông  ngóng tôi từng ngày không" Tay tôi đánh máy những dòng chữ này, nhưng trong lòng thì tôi  đang quì xuống để cầu xin Trời Phật cho tôi tìm ra cách giúp em.
ĐI CỨU TRỢ TIẾP
Tôi hôn lên mái tóc em bé rất nhẹ-nhàng, rồi cúi đầu quay mặt đi về phía thuyền, tôi đang  định leo lên con thuyền chở chúng tôi đến đây thì cô Maya lại gọi tôi: "Không cô Thọ ơi! Bây  giờ mình sẽ đi thuyền nhỏ vì con sông vào làng thứ hai nhỏ lắm không dùng thuyền lớn được".  Chúng tôi ngồi trên con thuyền nhỏ khoảng nửa tiếng thì đến ngôi làng thứ hai. Cũng lại cảnh  dân ra tận bến đò để đón tiếp, cũng lại cảnh chùa đỗ nát, cũng lại cảnh phát tiền và nhận tiền  rồi cảnh tiễn đưa tận bến đò.
NGÔI TRƯỜNG TIỂU HỌC CỦA TRƯỜNG


Tại ngôi làng thứ hai này tôi được chứng kiến cảnh đỗ nát của một ngôi trường tiểu học; ngôi  trường bị trận bão lụt tàn phá gần hết, nhưng có lẽ dân làng muốn có chỗ cho con học nên che  tạm lên. Trường có 3 lớp học mà không có ngăn ra từng lớp. Nhưng tôi đoán là ba lớp vì có ba  cái bảng đen treo ở ba vị trí khác nhau. Trên cái bảng tôi còn đọc được một câu tiếng Anh:  "My name is Uchit". Còn cái bảng kia thì là một vài bài toán cộng.
Tức cảnh sinh tình, cảnh trường làng nầy đã lôi kéo tôi trở về dĩ-vãng của 40 mươi năm về  trước; sau khi tôi tốt nghiệp sư phạm 2 năm, tôi được cử về một tỉnh để dạy học. Tôi được  may-mắn dạy ngay tại tỉnh lỵ. Hôm nay, cái cảnh ngôi trường mà tôi đang chứng kiến tại  Miến Điện là cảnh của ngôi trường tại một làng quê hẻo-lánh của tỉnh Phước Tuy mà bạn tôi  đã dạy hồi 40 năm về trước. Cái thời đó, hồi tôi mới 20 mươi tuổi thôi, đẹp lắm, thật nhiều  mộng-mơ và toan tính.
Đâu ai có ngờ là 40 năm sau tôi lại sống trên đất Mỹ và hôm nay đây tôi lại đi cứu trợ nạn  nhân bị bão lụt ở một phương trời mà tôi chẳng hề quen biết lấy một người. Và tại đây một  khung trời mà tôi và mọi người chỉ hiểu nhau qua ánh mắt và nụ cười. Nhưng sao lạ thật, hình  như tôi đã có một mối giây truyền cảm rất thân thương với những người dân Miến Điện hiền  hòa này. Có lẽ, nếu là tình người có trái tim yêu thương chân thật, thì dù chưa bao giờ quen  biết, cũng đối-đãi và xem như là anh chị em ruột thịt vậy.  Khoảng hơn nửa giờ, chúng tôi phát xong tiền thì trở lại bến đò để đi về chỗ thuyền lớn vì còn  phải đi tiếp đến làng thứ ba.
LÀNG THỨ BA
Chúng tôi đến làng thứ ba thì đã 5 giờ chiêu. Tang Ni, dân làng cũng đã tụ-tập lại đông đủ.  Chúng tôi không kịp phát cho từng người, qua thông dịch của cô Giới Hiền tôi được biết là  bây giờ chúng tôi sẽ đưa hết tiền cho Chủ Làng, rồi làng và các vị Chư Tăng sẽ phân phát cho  từng gia đình theo như danh sách đã có. Chúng tôi cũng đồng ý, với sự chứng kiến của dân  làng, vị Sư đi với tôi từ Rangoon nói bằng tiếng Miến Điện với dân chúng, rôi đưa tiền cho  người đại diện. Chúng tôi vội-vàng ra bến đò lúc đó là 6 giờ chiều.
CẢNH TIỄN CỦA DÂN LÀNG
Ở mỗi làng, khi chúng tôi rời làng để lên thuyền đều được các vị Tăng Ni và dân chúng cả  làng ra tiễn đưa tận mé sông. Thật là quyến-luyến, thật là thân thương. Tôi đứng trên mũi  thuyền đưa tay vẫy vẫy chào họ và gửi lại cho họ một lòng thương mến chân thành từ trái tim  tôi. Tôi cũng nhận được những cái vẫy tay, những cái nhìn, những nụ cười trìu mến của họ.  Tôi đứng như thế cho đến khi hình ảnh của những người dân mờ dần đi và miệng tôi thì-thầm:
"Như đã quen nhau từ kiếp nào,
Ánh mắt vương lệ sầu thương đau,
Dư âm đâu đó từ kiếp trước,
Khiến xui mình mới lại gặp nhau."
ÔI SAO LẠI CÒN MỘT GÓI QUÀ NỮA VẬY"
Sau khi thuyền ra giữa giòng sông và bóng dáng của dân làng tại bến đò đã mờ khuất, chúng  tôi thở phào và chui vào khoang thuyền định là ngồi nghỉ một chút, bỗng dưng các cô la lên  "Ủa sao còn một gói quà vậy". Tôi xin mở ngoặc tại đây, bốn cô đi theo tôi đã góp tiền lại và  mua rất nhiều quà bánh để mang đến các làng phát cho các em nhỏ. Chắc là đã không mang  hết lên. Thế là bốn cô quyết định bỏ từng bao kẹo bánh vào một bao nylon lớn hơn rồi thắt  nút lại (Vì không có sợi thung nào cả) và hễ thấy một con thuyền nhỏ đang đánh cá bên ven  sông thì gọi họ và liệng bịch kẹo đó xuống. Chúng tôi làm như thế năm bảy lần thì hết bịch  kẹo lơn.
CHIỀU TÀ TRÊN SÔNG
Tất cả công việc cứu trợ đã xong xuôi, lúc đó đã hơn sáu giờ chiều, nhưng trời còn sáng tỏ.  Chúng tôi năm người đàn bà, lên mũi thuyền ngắm cảnh chiều tà trên sông. Đẹp quá sức là  đẹp. Tôi với thiên nhiên, tôi với sông nước, tôi với tiếng máy tàu chạy đều như một điệu nhạc  ru tôi vào cơn mộng ảo của trần gian. Cảnh hai bên bờ sông không còn rõ ràng nữa mà là một  khối màu lục nổi bật trong cái không gian tĩnh lặng của chiều tà. Chúng tôi ngồi đó, ngắm  cảnh và tán gẫu với nhau. Tôi kể cho bốn vị ni trẻ này những cái gì tôi thấy tại Phi Châu khi  chúng tôi làm việc tại đó. Tôi đã thấy một làng nghèo-xác nghèo-xơ, thế rồi một ngôi Thánh  Đường nho nhỏ dựng lên với vài người truyền giáo người da trắng. Lúc đầu chẳng có mấy ai  đi lễ, nhưng vài năm sau khi tôi trở lại chốn đó thì Thánh Đường đông nghẹt vào ngày Chủ  Nhật. Vì bên cạnh cái Thánh Đường nho nhỏ với cây Thánh Giá đứng cao nhất làng đó là một  ngôi trường tiểu học và một cái bệnh xá nhỏ nhỏ. Ai mà chả có con đi học ở cái trường tiểu  học đó. Ai mà không phải ghé qua cái bịnh xá miễn phí đó. Tôi nói với mấy cô là tôi rất phục  những nhà truyền giáo đó. Họ đã hy sinh cho Đạo của họ. Họ là những người Mỹ, từ Mỹ sang  tận Phi Châu để truyền Đạo. Họ sống những nếp sống rất đơn giản. Và trong khi truyền đạo  sang Phi Châu họ cũng đem lại cho cái vùng nghèo xác-xơ của Phi Châu vài nét văn minh của  nhân loại.
Các cô kể cho tôi nghe nỗi khó-khăn của các cô. Tôi cũng thấy cái khó-khăn của các cô vậy.  "Ai là người bảo trợ các cô để các cô đi làm nhiệm-vụ của nhà truyền giáo đây"".  Những nhà truyền giáo Tin Lành hay Thiên Chúa có cả một hệ thống Nhà Thờ và Thánh  Đường hỗ trợ cho họ để họ chỉ làm nhiệm-vụ truyền giáo. Còn các cô theo tôi nghĩ thì chẳng  có gì ngoài sự đóng góp tùy tâm của Tín Đồ.
Nói tới đây thì cô Giới Hiền chỉ sang cô...." Cô là thầy của tụi con đó. Cô lên miền Bắc Miến  Điện mở một Cô Nhi Viện bằng tiền của cô. Cái Cô Nhi Viện đó thô sơ nhỏ bé lắm. Chỉ có  chỗ ngủ cho 15 em và chỉ có một cái toilet thôi. Bây giờ cô phải từ chối không dám nhận  thêm trẻ em mồ côi nữa. Tôi hỏi cô Giới Hiền: "Cần bao nhiêu tiền nữa thì cô sẽ nhận thêm  trẻ em mồ côi"" Cô Giới Hiền nói: "Cở chừng vài ngàn đô la là có thể xây thêm phòng và  toilet cho một số em nữa". Tôi không dám hứa gì, vì khoản tiền từ thiện của tôi năm nay đã  vượt quá chỉ tiêu. Tôi đã xài hết rồi. Tôi đành để cho câu chuyện của cô Giới Hiền chấm dứt  tại đó.
Chúng tôi ngồi như thế trên mũi thuyền khá lâu, đến khi trời thật tối và không khí đã bắt đầu  lạnh thì tôi chui vào khoang thuyền để ngủ. Tôi xin mở dấu ngoạc tại đây. Cái thuyền của  chúng tôi đang đi chẳng có gì cả nhưng tôi nói với mọi người là tôi đang đi cruise. Này nhá,  buổi trưa thì có cơm nóng ăn. Tối đến thì lòng thuyền đã biến thành cái giường cho chúng tôi  ngủ. Bà chủ thuyền đã làm giường cho chúng tôi bằng cách trải 3 cái chiếu lớn ra khoang  thuyền cho nữ giới. Còn vị Sư thì ngủ chỗ bục cao hơn như cái giường mà ban ngày là chỗ nấu  nướng và làm việc. Bà chủ thuyền còn tận tâm hơn nữa, khi tôi trở vào khoang thuyền, bà  ngồi trong bóng tối bật đèn pin lên cho tôi nằm xuống. Tôi đang tựa đầu trên mạn thuyền làm  gối thì bà rón-rén nâng đầu tôi lên để một cái gối vào. Tôi đợi bà đi lại chỗ của bà thì nhẹ  nhẹ rút đầu ra khỏi cái gối nhỏ đó và gối đầu lên trên mạn thuyền lại. Tôi đi vào giấn ngủ  không thắc mắc gì vì tôi và mọi người cũng thức khoảng 16 tiếng đồng hồ rồi.
"CÔ THỌ ƠI ! THUYỀN HƯ MÁY RỒI!"
Tôi đang ngủ ngon lành trong tiếng máy chạy đều-đặn thì bỗng dưng hình như tôi không nghe  tiếng máy nữa, tôi vẫn tiếp tục ngủ, tôi mơ hồ trong đầu lúc đó là họ muốn dừng lại cho máy  nghỉ chút chăng, như tôi lái xe đường xa bên Mỹ thì hay dừng lại ở rest area cho máy xe nghỉ  mươi phút. Tôi tiếp tục ngủ, vài phút sau tiếng cô Maya nho nhỏ. "Cô Thọ ơi, thuyền bị hư  máy rồi", "thôi kệ nó, họ sẽ sửa được"  Hình như tôi ngủ thêm 2 tiếng nữa thì máy bắt đầu chạy lại, và tôi vẫn ngủ tiếp cho đến khi  thuyền về đến bên, lúc đó là 3 giờ sáng. Sáu người chúng tôi leo lên cái taxi nhỏ, taxi chở tôi  về khách sạn trước rồi đưa vị Sự về chùa của Thầy và sau đó chở các cô về trường của các  cô.
CẮT NGẮN CHUYẾN ĐI
Về đến khách sạn là 3:30 sáng, nhưng tôi quyết định là phải tắm gội, giặt giũ quần áo giày  dép. Xong tôi uống 2 viên tylenol rồi lên giường nằm ngủ cho đến 8 giờ sáng.  Trong lúc tấm gội, đầu óc tôi làm việc: hôm nay mới là Thứ Tư, theo lịch-trình thì mình sẽ đi  lại về Việt Nam vào sáng Thứ Sáu. Mình chỉ còn võn-vẹn 200 đô la. Một trăm cho tiền phòng  còn một trăm để phòng hờ trên đường đi về Việt Nam. Dù có ở lại Miến Điện cho đến thứ  Sáu cũng chẳng làm được việc gì. Sáng ngày hôm sau tôi đi đổi vé máy bay để về vào ngày  Thứ Năm thay vì Thứ Sáu. Việc đổi vé tôi bị phạt hết 25 đô la.
THIỀN VIỆN và THÁP VÀNG TẠI RANGOON
Tôi, cô Maya, cô Giới Hiền và Sư đi thăm các Thiền Viện. Hai Thiền Viện đầu tiên tôi thấy  thì cũng giống như chùa Hoằng Pháp tại Gò Vấp ở Việt Nam. Mấy trăm người ngồi yên lặng  mắt nhắm lại trong chánh điện của ngôi chùa hằng giờ. Tôi đi thăm hai cái Thiền Viện như  một du khách. Tôi không bị cái không khí thiền của mấy trăm thiền sinh lôi cuốn tôi vào dòng  thiền của họ. Nhưng khi sang đến cái thiền viện thứ ba thì tôi hoàn toàn bị lôi cuốn vào cái  không khí của thiền viện này. Tôi không thiền lúc đó, nhưng có lẽ tôi đã thở và đã để hồn  theo những bậc thiền sinh tại đó. Theo như các cô thì chỗ này là để cho thiền sinh khắp nơi  trên thế giới đến để thiền. Tại Thiền Viện này phần lớn là chư Tăng đang thiền, có một số  nhỏ là Cư Sĩ thôi. Lúc tôi bước vào chánh điện; tôi thấy mấy vị sư đang ngồi thiền, hai vị sư  đang hành thiền. Tôi đứng ngắm khuôn mặt của các vị đang ngồi và ngắm bước chân của các  vị đang hành thiền. Có lẽ thời gian cũng phải ngưng lại vì cái vẻ vô vô trên khuôn mặt của  các vị đang ngồi và cái chẫm-rãi nhẹ-nhàng của những bước chân của các vị đang hành thiền.  "Trời ơi!" nếu mà tôi bước chậm được bằng một phần trăm của các vị đang hành thiền đó thì  chắc tâm hồn tôi sẽ nhẹ-nhàng lắm. Đầu óc tôi đã không tính toán hết cái nọ đến cái kia và  ngay cả trong giấc ngủ nữa.
BÀI HỌC CỦA THIỀN SƯ SAYADAW U PANADITA
Tại mỗi Thiền Viện tôi đều được sư dẫn vào gặp vị trụ-trì của Thiền Viện và thế nào tôi cũng  nghe một vài câu Pháp. Thiền Sư Sayadaw U Pandita năm nay đã 87 tuổi, Ngài trụ-trì ngôi  Thiền Viện cho các chư Tăng và Tu Sĩ ở khắp nơi trên thế giới đến đó tu học. Ngài cũng đã  từng sang Mỹ dạy thiền tại NY rất nhiều lần. Ngài viết rất nhiều sách về thiền. Ngài tăng tôi  cuốn: "In This Very Life". Khi tôi và các vị khác bước chân vào phòng khách, nơi Ngài đang  ngồi, tôi không biết diễn tã ra sao cái sắc diện của Ngài lúc đó rất bình an và tự-tại. Ngài hỏi  tôi: "Con đã thiền chưa"" "Con còn đang bận đi làm, không có thì giờ thiền, con định về hưu  rồi sẽ tập." Ngài nhẹ-nhàng trả lời: "Cái chết có đợi con không vậy"". Tôi chấp tay cảm ơn  Ngài: "Con lãnh hội được điều Thầy muốn dạy". Khi chia tay Thầy khuyên tôi: "Ráng tập  thiền nhé con".
THÁP VÀNG TẠI RANGOON
Nếu đến Miến Điện mà không thăm Tháp Vàng là một thiếu sót lớn-lao. Sư dẫn tôi, cô Maya  và cô Giới Hiền vào thăm tháp. Tháp rất lớn và là một công trình có một không hai của con  người. Tôi không viết về cái vĩ đại của Tháp Vàng hay những cái tỉ-mỉ chi tiết của nó được vì  tôi không đủ chữ để diễn tả. Phải đến tận nơi mới thấy cái tỉ-mỉ cái vĩ đại của nó.
ÚI TRỜI ƠI, TRƠN QUÁ
Khi chúng tôi đến Tháp Vàng thì trời vừa tạnh cơn mưa, chúng tôi phải đi chân không khi  bước qua cổng vào tháp, trên đường lát bằng gạch đóa hoa, "Úi Trời ơi, trơn quá", tôi la lên.  Hai cô sơ bà già đã trên sáu mươi tuổi này trợt chân té bể mông nên hai cô khoác hai tay tôi.  Tôi nói với hai cô: "Đừng có lo, con cứ chỗ mấy viên gạch giao nhau con bước, không sao  đâu". Tôi vừa buột miệng thì tôi trượt chân kéo theo hai cô cúi gập người xuống. May quá,  hai cô còn trẻ có sức ghì tôi lại không có thì hai cô phải đưa tôi vào nhà thương vì bể mông  rồi. Chúng tôi đi xem sơ qua bên ngoài Tháp thôi, rồi phải về vì tối quá.  Vị Sư và hai cô hẹn tôi, sáng mai sẽ đến sớm để cùng tôi ra phi trường. Tôi năn-nỉ là thôi,  nhưng tôi biết các vị đó sẽ đến và quả thực các vị đã đền.
"CHECK IN" Ở PHI TRƯỜNG RANGOON
Thủ tục hải quan lúc ra sân bay cũng nhẹ-nhàng như lúc vào. Khi tôi sắp-sửa đi qua hàng rào  quan thuế tôi nắm lấy tay của hai cô và nhẹ-nhàng nói: "Cám ơn hai cô thật nhiều, không có  hai cô thì làm sao chuyến đi được viên mãn, hai cô ráng nhớ dùm con nhé. Cái chùa không thì  không giữ được đạo pháp lâu dài rộng-rãi được. Cái trường học, cái bệnh xá nho nhỏ bên cạnh ngôi chùa thì đạo pháp sẽ còn mãi".
Tôi quay lưng đi không dám nhìn lại hai vị Ni còn rất trẻ đang tu tập tại Miến Điện. Lòng tôi  thầm cầu chúc cho tinh thần vì đạo của hai cô được vững bền mãi mãi.  Tôi đang ngồi chờ máy bay cất cánh thì một nhân viên an ninh dẫn Sư, đến gặp tôi. Sư nói  "Tôi đến đây lúc 8:30 AM để từ giả cô, mà cô vào rồi nên tôi phải nhờ công an dẫn tôi đi qua  hàng rào an ninh" rồi Sư trao cho tôi chồng sách về Thiền mà tôi thu-thập được ngày hôm  trước và bỏ quên trên taxi, Sư nói: "Hôm qua cô để quên mấy quyển sách trên taxi, sáng nay  người tài xế đem lại cho tôi." Sư nhìn tôi chúc tôi đi may-mắn và nói: "Lần sau sang Miến  Điện nhớ ở lâu hơn Sư sẽ dẫn đi miền Nam của Miến Điện đẹp lắm".
Tôi cảm ơn Sư vô cùng, theo như lời hai cô Maya và Giới Hiền, chuyến đi của tôi trong hai  ngày qua do Sư lo-lắng và sắp xếp.
CHỨNG TÍCH CỦA TRẬN TYPHOON
Tôi không tìm thấy dấu vết của trận cuồng phong tại ba làng tôi đã đi qua, nếu như tôi không  thấy những ngôi chùa hoặc trường học đổ nát, theo như lời của các cô thì sau trận cuồng  phong hầu hết nhà cửa của dân tại ba làng đã bị sập hoàn-toàn. Nhưng dân làng đã làm lại  rồi, thật ra thì có gì mà không làm lại được. Nhà của dân mà tôi nhìn thấy là một ngôi nhà  mái lợp bằng lá dừa nước; vách cũng bằng lá dừa nước luôn, nhà nào cũng có cửa ra vào và  hai cửa sổ, nhưng không có cánh cửa. Khi đi qua con sông nhỏ để vào làng thứ hai cứu trợ,  chúng tôi có dịp nhìn rõ-ràng cây cối và nhà cửa ven sông. Các cô chỉ cho tôi những cây dừa  nước và hỏi tôi: "Cô có thấy cái gì lạ ở những cây dừa nước này không"" trôi trả lời: "Không,  nhưng sao mỗi cây chỉ có một cái đọt còn non, cùng lắm là hai cái vậy"" Các cô nói: "Sau khi  trận bão tàn phá, các cô có đi cứu trợ thì thấy nhà cửa của dân làng toàn một màu xanh; vì  dân làng ra ven sông chặt lá dừa nước về lợp nhà và dựng vách để có chỗ trú ẩn cho nên nhà  màu xanh." "A" thì ra thế! Mấy cây dừa nước lại là một dấu tích của trận cuồng phong vừa  qua.
XIN LỖI THU NHÉ
Thu là cô bạn của tôi khi tôi học Tiểu Học, chúng tôi mới gặp lại nhau sau 50 năm; khi nghe  tin tôi sẽ đi Miến Điện để cứu trợ, Thu đã gửi tôi 100 đô la và dặn tôi: "Khi sang đến nơi Thọ  nhớ nói là Thu gửi 100 đô la để giúp họ nhé". Xin lỗi Thu, Thọ đã quên hẳn lời Thu dặn. Thật  ra vì chẳng có thì giờ để nói tiền là của ai. Thọ vào đến đó thì bị cuốn hút vào cái cảnh phát  tiền, ngồi xuống là phát tiền thôi. Thọ nghĩ là chẳng ai biết đồng tiền mà họ nhận được là từ  đâu đến cả. Thọ đoán chắc là họ chỉ biết là có một phái đoàn đến cứu trợ thế thôi. À mà Thọ  muốn nói cũng không được vì họ nói tiếng Miến Điện, còn Thọ thì nói tiếng Anh với tiếng  Việt.
MẤY LỜI TÂM SỰ
Tôi không biết viết văn và cũng chưa bao giờ viết văn, hôm nay tôi ngồi đây viết những dòng  chữ này vì nghĩ là cũng có rất nhiều người có tâm trạng như tôi. Rất muốn đi Miến Điện để  giúp đỡ nạn nhân bão lụt xảy ra tháng 5 năm 2008 mà không biết nếu đi thì nó sẽ ra sao"  Mong rằng khi đọc được những dòng chữ này, quí vị nếu còn muốn đi thì chắc-chắn sẽ thực  hiện được. Có bao nhiêu ngôi trường học, có bao nhiêu ngôi chùa bị sụp đổ đang chờ bàn tay  của quý vị giúp đỡ.  Cô Maya và các vị Tăng Ni trẻ Việt Nam đang tu học tại Miến Điện, rất sẵn-sàng sắp-xếp  cho quý vị một chuyến đi rất vui và ý nghĩa.
Quý vị hãy hình-dung ra một chuyến đi như thế này nhé. Mình về thăm quê hương Việt Nam,  rồi bỏ thêm vài trăm nữa mua cái vé máy bay sang Miến Điện, (Nhớ mang theo chút tiền để  cứu trợ). Mình vừa được đi cruise trên sông Miến Điện vừa được đi thăm Tháp Vàng và Thiên  Đường, lại vừa làm được một việc có ý nghĩa: Xây lại một ngôi trường hay một ngôi chùa.  Nếu trong chuyến đi có chừng chục người, chúng ta sẽ mang theo Ipod rồi vặn nhạc lên nghe,  rồi uống trà trong khi con thuyền nhẹ trôi trên sông nước. Rồi nếu vị nào có giọng hát, giọng  ngâm thật hay thì chúng ta sẽ có "Live show". Thật là tuyệt-diệu phải không các bạn" Và nếu  chúng ta đi vào một đêm trăng tròn, thì còn gì đẹp hơn nữa.  Những người Miến Điện nghèo-nàn đang trông chờ sự giúp đỡ của quý vị.
Nguyễn Phương Thọ
Chuyên viên sở Xã Hội về thiếu nhi tại quận Los Angeles. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.