Hôm nay,  

Gặp Nhau Những Muộn Màng

01/10/200800:00:00(Xem: 8979)
Người chiến binh năm cũ

Cuối tháng 9 năm nay chúng tôi chuẩn bị hình ảnh cho cuộc Triển lãm của Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Dallas, Texas.

Đầu tháng 10, chương trình tao ngộ của hội gia đình cựu tù nhân chính trị tổ chức vào 3 ngày cuối tuần 3, 4 và 5 tháng 10 năm 2008. Ngoài hình ảnh, tác phẩm và di vật, chúng tôi muốn mang theo chân dung của những người tù chính trị từ California.

Tại sao lại chỉ đem theo chân dung và tiểu sử. Bởi vì những niên trưởng của chúng ta không còn đủ sức khỏe cho một cuộc hành trình xa xôi như vậy. Bà Khúc Minh Thơ đã tổ chức chậm cả 10 năm. Gặp gỡ bây giờ có thể là quá muộn màng. Quý vị hẳn có ý hỏi rằng tại sao lại muộn. Xin trả lời, nhiều vị cao niên đã không còn nữa. Và quý vị thân hữu còn lại trên dưới 80. Người tù cao niên nhất tại San Jose là thi sĩ Hà Thượng Nhân 90 tuổi. Chúng ta có Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và Đề đốc Trần Văn Chơn. Tất cả đều là dân làng San Jose. Tất cả đã già và yếu.

Phần triển lãm của chúng tôi còn có tài liệu về họa sĩ Tạ Tỵ. Ngày xưa ông đã từng in cuốn Đáy Địa ngục tại San Jose. Nay họa sĩ đã trở về và qua đời tại Việt Nam. Từ Úc châu, ông Võ Đại Tôn nằm nhà thương cũng gởi qua tài liệu để triển lãm.

Tất cả từ 70 đến 90 tuổi. Đi tù 'cải tạo' từ 10 đến 16 năm.

Họ là những Người Chiến binh năm cũ, còn có mặt hôm nay. Nhưng ngàn dặm sơn khê, gặp nhau quá muộn màng. Đành phải tham dự bằng hình ảnh, di sản, bút tự và tác phẩm. Họ là những người đặc biệt. Thi sĩ, Nhạc sĩ, Họa sĩ, Nhiếp ảnh gia và Chiến sĩ. Tất cả đều là HO, tù chính trị, tù binh, tù cải tạo. Gọi thế nào thì cũng là những chiến sĩ VNCH.

Một gia đình bình thường

Trong số hành trang triển lãm qua tựa đề 3 giai đoạn của người tù chính trị tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện của một gia đình HO rất bình thường.

Bác Mai Tân hiện đang cư ngụ tại San Jose là một thí dụ cụ thể. Sau chiến tranh Việt Nam, sau cuộc đổi đời, mỗi gia đình Việt Nam là một lịch sử vừa bi thảm, vừa hào hùng. Nhưng gia đình đại úy Tân thì đã có rất nhiều kinh nghiệm. Gần như cả gia đình trải qua tất cả mọi hoàn cảnh. Ông là một thanh niên quê miền Bắc nhập ngũ Bảo chính đoàn, di cư vào Nam. Đi từ Trung sĩ lên đến Đại úy. Gia đình 8 con. Không có trường hợp nào là không trải qua. Bố đi tù 'cải tạo' về, là các con lần lượt vượt biên. Lúc đi 2 đứa, lúc đi một người. Đường bộ, đường biển đủ cả. Thậm chí đứa bé trai 11 tuổi được bố mẹ gọi vào hỏi xem con có muốn đi không ". Con sẽ đi một mình. Nếu đi thoát, các anh con ở San Jose sẽ đón con vào Mỹ. Đứa bé con Ngụy 7 tuổi đã bị ném ra lề đường để tìm đường sống cho gia đình, bây giờ 11 tuổi phải tự quyết định lấy số mệnh đi hay ở, giữa một bên chân trời vô định và một bên khi lớn lên làm nghĩa vụ chiến trường Cam Bốt. Và đứa bé 11 tuổi vượt biên 10 lần đã thành công. Rồi chúng ta thường nghe câu chuyện người cha đi tù về, phải đạp cyclo và mẹ nuôi con, bán thuốc vỉa hè. Chúng tôi đi tìm hình người tù trở về đạp cyclo suốt bao năm nay, nhưng vô vọng. Gia đình ông Tân là những người duy nhất còn giữ được những tấm hình hết sức quý giá. Hình những đứa con ở các trại tỵ nạn khắp Đông nam Á. Hình bố đạp cyclo trọn vẹn 10 năm. Hình mẹ với quầy thuốc lá rất nghèo nàn bên vỉa hè.

Sau khi những đứa con đi đường biển, đường bộ đến được San Jose, phái đoàn của ông bà bắt đầu đi theo diện HO. Có cả tấm hình từ giã Tân Sơn Nhứt và tấm hình gặp nhau tại San Francisco. Nhưng chưa hết, gia đình người con lớn đi theo diện đoàn tụ, đến Mỹ sau cùng. Một bức hình toàn gia hết sức đông đảo với 3 thế hệ bước vào thế kỷ 21 đã có mặt đầy đủ mọi người.

Đó là một gia đình Việt Nam bình thường.

Đứa con thuyền nhân 11 tuổi bây giờ đã trở thành một thanh niên làm cho hãng bảo hiểm. Cháu nói với chúng tôi rằng: Bố cháu là dân cyclo đã chuyên nghiệp 10 năm, chứ không phải chỉ vài tháng rồi bỏ cuộc. Nếu không đi HO, có lẽ giờ này bố cháu có thể vẫn còn đạp cyclo. Bác có ai muốn nói chuyện về bảo hiểm giới thiệu cho cháu.

Ôi chiến tranh đã giết đi bao nhiêu thanh niên. Và hậu chiến đau thương đã đưa bao nhiêu chiến binh vào tù, rồi vất những đứa trẻ thơ ra đường bôn ba vì sinh kế. Sau cùng một thế hệ di sản của Việt Nam Cộng Hòa đã tồn tại vươn  lên trên đất lạ, nẩy mầm cho dân tộc tại hải ngoại với tương lai đầy hứa hẹn. Các bạn tôi, ai muốn nói chuyện bảo hiểm xin vui lòng liên lạc với tôi. Sẽ gặp thuyền nhân 11 tuổi.

Chồng tù thì vợ cũng tù

  Nếu chuyện của đại úy Mai Tân có vẻ rất bình thường thì chuyện của ông bà Thiếu tá Luân Hữu Đức lại khá đặc biệt.

Khi người ta là vợ ông Thiếu tá thì thiên hạ gọi là bà Thiếu tá. Nhưng tại Bộ tư lệnh Quân đoàn III Biên Hòa, bà Thiếu tá Luân Hữu Đức lại thực sự là Thiếu tá Nguyễn Bích Phượng, phân đoàn trưởng nữ quân nhân vùng 3 chiến thuật. Vì vậy nên khi Saigon mất, chồng tù thì vợ cũng tù.

Anh Đức sinh quán tại Bình Dương, chị Phượng khai sinh ở Hà Nội. Tình Bắc duyên Nam, cùng vào quân đội, lập gia đình và cùng thăng tiến. May mắn thay, có bà ngoại cao niên, chẳng sợ ai. Hình ảnh của các con trong quân đội cụ cất giữ cẩn thận. Hình sinh viên Thủ Đức của chồng, hình chuẩn úy Phượng ra trường nữ quân nhân. Rồi Đức vào Bình Long anh dũng. Phượng du học Hoa Kỳ. Hình đám cưới, hình vợ chồng trước khi đi tù. Lệnh tập trung cải tạo 15 ngày. Hai vợ chồng trình diện rồi đi tù 2 nơi. Bỏ lại đứa con gái đầu lòng 3 tháng cho mẹ già, nghĩ rằng độ một vài tuần sẽ trở về nuôi con.

Bà mẹ già nuôi cháu nhỏ 5 năm, mẹ Phượng mới được tự do về nhìn thấy mặt con. Lập tức sau ba tháng chuẩn bị, người thiếu phụ gốc Hà Nội, đem con ra Bắc thăm chồng. Tù đủ 10 năm, Đức được trả tự do. Gia đình HO qua Mỹ. Cô gái nhỏ đi Mỹ nay đã nên người. Tốt nghiệp đại học rồi thành hôn với anh chồng bác sĩ. Bà ngoại di cư nay không còn nữa, nhưng cụ đã để lại những hình ảnh gia đình đầy đủ. Một gia đình quân nhân hết sức lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Hình đám cưới của mối tình Nam Bắc ở nhà thờ Đồng Tiến, Sài Gòn. Hình đám cưới của con gái tại Hoa kỳ. Hình chụp khi thăng cấp. Vợ Trung úy thì chồng Đại úy. Rồi chồng lên Thiếu tá, vợ lên Đại úy. Rồi hình Phượng thăng cấp Thiếu tá được gắn cấp bậc tại Quân đoàn III.

Báo cáo qua điện thoại, anh Đức nói rằng, niên trưởng biết không" Dẫn đầu đoàn nữ quân nhân trong phim duyệt binh 73 ở Sài Gòn là thiếu tá Phượng đấy. Còn hình cháu bé mới sanh thì bố mẹ đi tù. Hình cháu 5 tuổi mới gặp lại mẹ, và hình cháu tốt nghiệp, rồi hình đám cưới ở nhà thờ.

Khi đi tù, anh em hỏi Thiếu tá Đức sao vợ con không đi thăm. Vợ tao cũng ở tù, thiếu tá nữ quân nhân. Bà già nuôi cháu nhỏ. Tình Bắc duyên Nam. Cô Phượng từ Hà Nội di cư vào lấy chồng Nam kỳ. Rồi ở tù trong Nam. Anh Đức đi tàu sông Hồng chở tù ra Bắc, thăm quê vợ trên chuyến đi tưởng là vĩnh biệt.

  Bây giờ anh Đức làm thơ, cắt hình dán lên 3 tấm bìa để trình bày lại cuộc đời. Người ta thì 3 hình ảnh, 1 cuộc đời. Ở đây đầy đủ câu chuyện một gia đình mà có đến 2 cuộc đời. Hai tờ giấy ra trại để bên nhau. Bích Phượng, Bắc kỳ, tội Thiếu tá.  Luân Hữu Đức, Nam kỳ, tội Thiếu tá. Cả hai được Cộng sản phê rằng tư tưởng chưa có gì biểu hiệu xấu. Đã được cấp tiền đi đường về trình diện địa phương quản chế.

Ngày nay, tại Hoa Kỳ, quần áo, mũ nón tốt nghiệp cao học của đứa con xếp lại thật ngay ngắn. Bên trên là tờ giấy ra trại của cha mẹ. Giấy ra trại xấu xí lem nhem mầu vàng đất chính là vé đi vào Cõi Tự Do. Tất cả đều đóng khung đem triển lãm.

Những đứa cháu của chiến tranh và biển cả

Chị Hằng ở Milpitas khi được tin chúng tôi làm triển lãm đã có một sáng kiến hết sức đặc biệt. Là cô giáo tình nguyện tại Trường Việt Ngữ Về Nguồn, bèn cho đề tài các em thực tập bằng cách trình bày về gia cảnh trên một Poster. Cho dàn bài chỉ dẫn các em về tìm tòi và lựa chọn hình ảnh. Vào lớp làm tại chỗ trong 2 giờ đồng hồ. 10 tấm poster về cuộc đời của con cháu HO và thuyền nhân đã hoàn tất. Tài liệu triển lãm của thế hệ tương lai. Các em từ 10 đến 15 tuổi. Đây là hình cha, đây là hình mẹ. Cha, trước làm gì"  rồi đi tù, rồi vượt biên. Mẹ làm gì" Vượt biên hay ODP" Gặp nhau ở đâu" Tại sao lại có con ở đây" Rồi hình ảnh ngày nay. Hình ảnh xum họp một nhà. Có đứa dán hình ảnh bố mẹ lúc còn quá trẻ, trông như bạn bè. Có đứa không tìm được hình thì vẽ tranh tượng trưng. Tất cả đều viết bằng Việt ngữ để biểu diễn khả năng học hành và lấy điểm học tập. Toàn chuyện tù đầy, vượt biên đau thương, nhưng mầu sắc sao rực rỡ. Văn chương rất hồn nhiên và thực sự là sáng tác của các em. Chuyện gia đình họ Trần gặp họ Nguyễn. Bố gặp mẹ. Họ Vũ gặp họ Lê.

Nhà nào cũng phản ảnh những cuộc đời khó khăn vất vả, nhưng xem trên poster của các cháu thì cuộc sống được diễn tả rất đẹp đẽ  nhiệm màu. Cuộc đời tù của người cha, nhẹ như gió thoảng. Chuyện vượt biên của mẹ bình thường như đi du lịch. Hỏi cha, cha nói rằng ở tù đói lắm, không có cơm mà ăn. Ở đây thì con lại không chịu ăn cơm. Nhưng con lại mong được ở chỗ không phải ăn cơm. Hỏi mẹ vượt biên có chết không. Mẹ nói rằng vượt biên không chết. Nếu chết thì làm sao có con ở đây. Hỏi bà, thì bà nói khổ lắm con ơi. Rồi bà khóc. Khóc rồi thấy cháu hoảng sợ, bà lại cười. Không có chuyện gì nói thêm nữa. Các cháu dán hình thật đẹp và tô lên đủ mầu. Những poster của quá khứ đau thương trong tác phẩm của đứa nhỏ không có mầu đen. Đầy ánh sáng rực rỡ của một tương lai huy hoàng phía trước.

Chiến tranh, tù đầy, biển cả hãi hùng để lại phía sau thật xa.

Và đó cũng là mục đích của cuộc triển lãm hướng về niềm hy vọng đầy hứa hẹn của thế hệ tương lai.

Giao chỉ - San Jose

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.