Hôm nay,  

Rút Phé Tại Hormuz

03/07/200800:00:00(Xem: 8387)
Hoa Kỳ trong trò chơi nhức tim và bốc lửa giữa Israel với Iran...

Vừa mở hàng trong ngày kinh doanh đầu tiên của tam cá nguyệt thứ ba, hôm mùng một tháng Bảy, thị trường chứng khoán New York đã rớt như cục gạch. Rồi suốt ngày chờn vờn lên xuống tựa ma trơi trước sự hồi hộp của giới quan sát kinh tế.

Suốt tuần qua, giới quan sát đều biết rằng chỉ còn vài hạt bụi nữa thôi, trị giá cổ phiếu Hoa Kỳ sẽ tuột mất 20% so với đỉnh cao của tháng 10 năm ngoái. Con số 20% này có ý nghĩa trên thị trường chứng khoán: cổ phiếu mà mất giá 20% là dấu hiệu chính thức của một trào lưu đảo ngược, từ thăng sẽ thành giáng và kéo dài khá lâu. Với chỉ số kỹ nghệ Dow Jones, khi thấy số dưới 11.330 là tới số.

Trong hoàn cảnh cực kỳ bấp bênh của kinh tế toàn cầu, nếu thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ suy sụp, tình hình sẽ chuyển từ bại thành liệt. Hôm sau, mùng hai tháng Bảy, cơn chấn động tâm lý đã theo vòng trái đất từ Hoa Kỳ lan xa tới Á châu - đang bị điêu đứng vì thương phẩm và dầu thô lên giá - rồi tới Âu châu đang bị vây bủa giữa lạm phát 4%, sự suy trầm của thị trường gia cư và một nguy cơ khủng hoảng còn nguy ngập hơn Mỹ về loại tín dụng thứ cấp sub-prime. Và cơn chấn động lại dội về Mỹ, với chỉ số cổ phiếu trôi lăn vào vùng cấm địa đỏ lòm, trong khi dầu thô mấp mé 144 đồng một thùng. Chưa bao giờ cao thế!

Người ta mới chợt nhớ là hôm Thứ  Hai Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS - một định chế tài chánh quốc tế và cũng là phòng giao hoán giữa các ngân hàng trung ương của thế giới - vừa cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu có thể bị một vụ suy trầm nghiêm trọng.

Yếu tố gây bất ổn nhất cho cả thế giới là dầu thô đã vượt đỉnh cao lịch sử  và càng có vẻ bốc mạnh vì tin tức từ Trung Đông. Chúng ta phải rời khỏi thị trường tài chánh để bước sang chiến trường - sau khi phải lách khỏi eo biển Hormuz. 

Canh bạc Iran-Israel

Ngày 20 tháng Sáu, nhật báo The New York Times tường thuật việc Israel đã có một cuộc thao dượt quy mô với hàng trăm chiến đấu cơ bay lượn trên vùng trời miền Đông của Điạ trung hải và ngoài khơi xứ Hy Lạp. Tờ báo còn nhanh nhẩu hớt lẻo là phi cơ Do Thái đã di chuyển trên một khoảng cách chín trăm cây số, tương đương với khoảng cách giữa Israel và Iran. Hôm sau, nhật báo Times của London mách thêm rằng theo các giới quân sự Do Thái thì đó là một tổng tập dượt cho việc không tập Iran! Như chưa đủ đáng tin, báo chí tiết lộ thêm là Ngũ giác đài của Hoa Kỳ cũng gật gù đồng ý với kết luận đó.

Với độc giả Việt Báo, chuyện Israel có thể tấn công Iran không là điều mới lạ (xin đọc bài "Xì Vương Độc Nhất Láng" trên cột báo này, trong số ra ngày 20 tháng Sáu): các giới chức có thẩm quyền trong và ngoài chính quyền của Thủ tướng Ehud Ormert tại Israel đều nói tới quyết định họ gọi là "bất đắc dĩ" ấy. Lý do là Tehran coi thiên hạ như pha, bất chấp quan điểm của Liên hiệp quốc và sức ép đa phương của Anh, Pháp, Đức để sắp đi qua bước bất khả hồi là chế tạo võ khí hạch tâm, hầu biến Israel thành bình địa.

Vì vậy, sau khi lên tiếng bắn tin từ tháng Năm, qua ngày sáu tháng Sáu Israel còn tố thêm một nước là mở cuộc thao diễn oanh tạc chiến đấu cơ F16 và F15!

Những người ngoại cuộc như chúng ta đều tin rằng nếu cần dụng binh thì Israel phải bất ngờ ra đòn, theo phép "công kỳ vô bị" là bắn không báo trước, chứ ai lại bắn tin bắn tiếng như vậy! Và suy đoán thêm: có lẽ đây chỉ là đòn hù! Nếu có ngây ngô như Barack Obama vì mới sinh ra trước mùa mưa thì các giáo chủ Tehran cũng nghĩ rằng đấy là một màn tháu cáy, một trò tâm lý chiến của Israel.

Họ nói thẳng ra điều ấy, rồi đi tiền trong canh bạc xì phé này.

Ngày 28 tháng Sáu, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran (RGC) là Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari hăm dọa là sẽ "đóng" eo biển Hormuz. Đây là cuống họng của luồng giao thương quốc tế còn quan trọng hơn eo biển Malacca tại Đông Nam Á, vì là nơi chuyển vận hơn 90% dầu khí xuất cảng từ Vịnh Ba Tư - khoảng 17 triệu thùng một ngày. Với giá dầu lên tới trăm tư, khu vực cung cấp 40% dầu thô của thế giới mà bị nghẽn hoặc bị nổ thì xăng dầu sẽ bốc giá lên trời.

Và kinh tế địa cầu sẽ rơi xuống đất.

Tức là trong khi hai tay kỳ vương đánh phé tại Trung Đông thì cả thế giới lên ruột, và thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ lên xuống tựa cái yo yo! Hôm sau, Thứ Tư mùng hai, bắt đầu đi vào vùng nước đen, trôi vào "bear market", nói theo thuật ngữ chứng phiếu. Chỉ số DJIA mất 166,75 điểm!

Nhưng Hoa Kỳ không thể là vô can như vậy.

Muốn tấn công các căn cứ chế tạo võ khí hạch tâm của Iran, phi cơ Israel phải bay qua không phận Iraq là nơi Hoa Kỳ đang kiểm soát. Mà trong chuyến bay khứ hồi rất xa với hành trang rất nặng như vậy, các chiến đấu cơ Do Thái cần sự tiếp liệu của máy bay chở dầu. Quân lực Hoa Kỳ sẽ bịt tai nhắm mắt... ngó lên trời hay sao mà để Israel mặc nhiên tung hoành như vậy" Chuyện "một đồng một cốt" hay kẻ rút phé người chi tiền tất nhiên phải có. Đấy là kết luận của Tehran.

Vì vậy, đòn phong tỏa eo biển Hormuz cũng là một đòn chống Mỹ!

Yết hầu Hormuz

  Nếu chịu khó liếc trên bản đồ, ta thấy rằng từ trong Vịnh Ba Tư - là nơi các nước Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và United Arab Emirates cùng rửa chân trong dầu - qua Vịnh Oman để ra tới biển Á Rập rồi Ấn Độ dương, tầu bè phải lạch qua một chỗ nghẽn chừng 34 cây số có đầy cù lao.

Nói là rộng 34 cây số (21 dậm), thật ra chỗ nghẽn này mà một dải nước bề ngang chỉ có sáu dậm. Hãy nghĩ đến một xa lộ ba lằn, một lằn ra, một lằn vào, ở giữa là khoảng cách an toàn rộng hai dậm. Và tất cả đều nằm dưới tầm kiểm soát của căn cứ hải quân Bandar Abbas của Iran, chưa nói tới hai căn cứ khác là Bushehr ở trong và Charbahar ở ngoài.

Nếu Iran muốn xiết cuống họng Hormuz, dầu thô chỉ có thể chảy thoát qua ống dẫn dầu của Saudi Arabia được chừng 3% mà thôi. Nhưng khí đốt của Qatar và tiểu vương quốc UAE thì hết lối thoát: 18% lượng khí lỏng của thế giới do hai xứ này xuất cảng sẽ bị ngưng trệ.

Các giáo chủ Iran đều biết thế, đã chuẩn bị và thao dượt sẵn sàng. Họ có nhiều loại hoả tiễn có tầm bắn gần xa để cho các tầu dầu hay chiến hạm hộ tống chìm xuống. Họ có các khinh tốc đỉnh để quấy rối đối phương và đã từng sử dụng. Họ còn có ba tiềm thủy đĩnh hạng Kilo mua lại của Nga để trải mìn, phóng thủy lôi và hoả tiễn. Và họ có thể kết hợp cả ba lối tấn công đó.

Nhưng bên kia đường, họ cũng có Đệ ngũ Hạm đội của Hoa Kỳ. Ngay sau khi Tehran hăm dọa là sẽ bóp nghẹt Eo biển Hormuz, Hạm đội Hoa Kỳ lập tức trả lời: vô phương.

Từ đã lâu, mọi căn cứ hoả tiễn, đại bác hay chiến hạm của Iran trong khu vực này đều đã được Hoa Kỳ phát giác, chấm toạ độ và canh chừng. Khi hữu sự, các mục tiêu ấy sẽ bị tiêu diệt, ba tầu ngầm sẽ bị truy lùng và nhân tiện cho viếng thăm Hà Bá. Cả căn cứ Bushehr đầy khả nghi là sẽ có võ khí nguyên tử cũng sẽ bị phá hủy cho tiện việc.

Thuần về quân sự mà nói, Hoa Kỳ có khả năng trả đũa rất nặng và tất nhiên cũng chuẩn bị tình huống này từ nhiều năm rồi, từ khi xảy ra cuộc chiến chống tầu dầu hơn hai chục năm về trước. Tổn thất tất nhiên phải có, nhưng nặng nhất là cho Iran. Có khi sẽ bị phế bỏ võ công trong vùng Vịnh. Khi đó, dại gì mà Israel không thừa cơ áo trắng qua sông mà đánh úp"

Nhưng vấn đề không thuần túy là tiếng nói của bom đạn, vì ngoài chiến trường vẫn còn thị trường. Với dầu thô trên giá trăm tư và năng lượng đang đe dọa kinh tế thế giới, giao tranh tại Eo biển Hormuz mà bùng nổ - dù chỉ có hai ngày là tan - thì thiên hạ vẫn thất điên bát đảo.

Từ Chiến trường vào Thị trường

Ngay sau khi đôi ba bên ra đòn tháu cáy tại yết hầu Hormuz, các nước bán dầu trong vùng Vịnh Ba Tư đã lập tức họp bàn. Dầu thô lên giá, việc làm ăn đang khấm khá, Cộng hoà Hồi giáo Iran bỗng dưng đòi kiểm soát đường chuyển vận hàng hoá và Mỹ đòi trả đũa làm Eo biển Hormuz có khi bốc lửa. Làm sao bây giờ"

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council) thảo luận về những kế hoạch ứng phó với một biến cố dù có xác suất thấp cũng vẫn làm các đại gia dầu khí lên ruột. Chở dầu qua ngả nào đây"

Giá dầu thô được thể lại càng bốc nặng và đạp các thị trường chứng khoán xuống đáy vực.

Tại Hoa Kỳ, thị trường chao đảo là cơ hội cho chính trường đảo theo.

Nếu Israel phải ra đòn tấn công Iran, thời điểm thuận tiện nhất là sau ngày bầu cử mùng bốn tháng 11 và trước ngày Tổng thông tân cử nhậm chức, 20 tháng Giêng năm tới.

Nhưng, chưa chắc là Tổng thống đắc cử sẽ ngồi yên chờ đợi, và càng khó đồng ý nếu là Nghị sĩ Obama và ban tham mưu vừa phản chiến của ông. Israel không thể quên là năm 1973, họ bị Egypt tấn công bất ngờ và bị Quốc hội Mỹ cột tay ngăn cản việc tiếp vận. Bị dư luận Hoa Kỳ coi là con chiên ghẻ, Tổng thống Richard Nixon là thần tượng của Do Thái vì đặc cách cho chuyển võ khí đạn dược vào lúc dầu sôi lửa bỏng. Lần này, nếu Obama lại vào phòng bàu dục, coi bộ Israel sẽ khó thở.

Cho nên, thời điểm còn thuận lợi hơn cho việc ra đòn tấn công chính là... lúc này, trong bốn tháng hoang mang trước ngày bầu cử. Và nều giao tranh bùng nổ thì nhiều phần Nghị sĩ John McCain mới là tân tổng thống. Thời chiến mà, dân Mỹ sẽ không dám cho một thứ Jimmy Carter bis vào tòa Bạch Cung. Vì vậy, bỏ bom Iran cũng là cách bỏ phiếu cho McCain!

Nhưng, ráp lại chuyện dầu khí trên thị trường và lá phiếu trên chính trường Mỹ, thì từ mọi nơi người ta đều cân nhắc xem... Saudi Arabia sẽ làm gì.

Theo hệ phái Sunni của Hồi giáo và là đối thủ lâu đời của Iran theo hệ phái Shia, Hoàng gia Saudi muốn những gì" Nhiều lắm: muốn làm ăn thoải mái, muốn ai đó giải trừ ung nhọt Iran, nhưng cũng không muốn dầu thô lên giá khiến kinh tế thế giới suy thoái làm số cầu về dầu khí sẽ giảm. Năm 1997, Đông Á bị khủng hoảng, kinh tế suy trầm làm số cầu về dầu thô giảm mất 10% và dẫn tới sút giảm giá cả tới 75%! Đó là chuyện 10 năm về trước, chứ về lâu về dài, dầu thô mà tăng giá quá đáng, Mỹ sẽ tìm ra giải pháp thay thế, là chuyện đã xảy ra năm 1973. Ngay trước mắt, súng đạn vốn vô tình, con gà đẻ trứng vàng của mình mà bị đạn lạc thỉ đời cũng mất vui.

Nếu chẳng may mà chiến sự bùng nổ, duy nhất có thể bơm thêm dầu thô để cấp cứu thiên hạ chính là xứ Saudi, nhưng dầu Saudi sẽ đi đâu, nếu không được Hoa Kỳ hộ tống"

Suốt mấy ngày qua, người ta đã thảo luận, tranh luận và trao đổi về ngần ấy kịch bản, từ quân sự tại Trung Đông qua chính trị tại Mỹ, từ kinh tế toàn cầu qua an ninh vùng Vịnh. Thị trường vốn không ưa những chuyện linh tinh bất định như vậy nên càng tuột giá mạnh.

Thế rồi, Tehran bỗng dưng quay bài.

Ngày hôm qua, mùng hai tháng Bảy, Ngoại trưởng Manouchehr Mottaki cho biết rằng đã có chuyển hoá trong kế hoạch hạch tâm. Vài tuần nữa Tehran sẽ chính thức trả lời đề nghị của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc - và nước Đức trong nhóm các nước Âu châu phụ trách việc giải tỏa hồ sơ nguyên tử của Iran. Tại New York, Ngoại trưởng Mottaki còn nói thêm rằng Iran sẽ nghiên cứu lời đề nghị của Ngoại trưởng Condoleezza Rice là có thể lập văn phòng trao đổi về quyền lợi giữa hai nước, một bước tiến tới việc mở rộng hành lang đàm phán.

Hàng lang Hormuz bỗng lại khai thông!

Nhưng, Mottaki là Ngoại trưởng trong Nội các của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người khật khùng có quan điểm hiếu chiến. Quyết định tối thượng của Tehran phải xuất phát từ Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei. Quyết định ấy cũng đã có: cùng ngay hôm đó, Cố vấn an ninh của Khamenei là Ali Akbar Velayati bỗng dưng bình luận, rằng hai dân tộc Hoa Kỳ và Iran cần hiểu nhau hơn nữa, và rằng trên nguyên tắc, Tehran thấy đề nghị của Tây phương là có thể chấp nhận được!

Cùng ngày hôm đó, tờ báo quốc doanh al Hayat Saudi Arabia loan tin rằng Hoa Kỳ đã đồng ý với Chính quyền Baghdad tại Iraq là sẽ không đòi kiểm soát toàn bộ không phận Iraq nữa! Kiểm soát không phận Iraq cũng là canh chừng việc Iran xâm nhập hay phá hoại, hoặc tao điều kiện cho Israel bay qua tấn công Iran. Khi thương thuyết với Chính quyền Iraq, Hoa Kỳ mặc nhiên đàm phán với Tehran. Và nếu tin tức Saudi là chính xác, thì quả là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran đang có chuyển động...

***

Nếu nhìn lại toàn cảnh, ta thấy Israel đưa đạn lên nòng, Iran đòi khoá họng Hormuz, bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trả lời là "còn lâu", và bộ Ngoại giao thì đề nghị nâng cấp đối thoại về ngoại giao. Cuối cùng thì Tehran trả lời rằng "có thể nói chuyện được", và Mỹ dịu giọng.

Diễn giải cho nôm na, cuộc đấu trí giữa Hoa Kỳ và Iran có vẻ như đang đi vào khúc quanh. Đây là khúc quanh dễ trơn trượt và tai nạn giao thông vẫn có thể xảy ra, và Israel vẫn có thể thấy rằng chưa đủ.

Nhưng, từ thành tích tệ hại của Jimmy Carter năm 1979 khiến Iran đổi đời và dân ngoại giao của Mỹ bị bắt làm con tin trong 444 ngày, lần đầu tiên trong ba chục năm, quan hệ giữa hai nước đang đi vào bước ngoặt. Nếu quan hệ này có cải tiến, tình hình Iraq sẽ càng sớm ổn định và lịch sử sẽ xét lại công trạng của George W. Bush.

Nếu không, Israel sẽ nói dứ mà làm thật và Saudi Arabia sẽ phải bơm thêm dầu để hạ hỏa kinh tế. Từ dưới đất đen trong mấy tháng cuối mà ông Bush vẫn xoay chuyển được cục diện như thế! Đâu phải là dở"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta hiện đang sống trên một hành tinh đã có chiều dài lịch sử hàng triệu năm. Từ ngàn năm trước và cũng có thể là ngàn năm sau…đã có những hiện tượng xảy ra
Trong hai ngày 14 và 15, Cảnh sát Liên bang Nga đã dẹp êm hai vụ biểu tình, trước là tại Moscow, sau là tại St Petersburg. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin
Nhiệm vụ hàng đầu của một đảng có một chủ nghĩa làm định hướng. Bắc kinh cho mình theo Chủ nghĩa Cộng Sản kiểu Trung Quốc
30 tháng Tư, 1975 là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, đây là ngày Quốc hận của mấy mươi triệu đồng bào Miền Nam
Vụ thảm sát sinh viên ở Virginia Tech University đã làm rúng động nước Mỹ. Đây là vụ giết người trong sân trường đại học với tử vong cao
Sau khi đọc bài phỏng vấn bà từ báo Việt Weekly San Jose ngày 12 tháng Tư năm 2007, tôi, một phụ nữ Việt Nam đã từng là thuyền nhân
Vậy mà cũng đã 32 năm rồi đó, thế nhưng thời gian hơn một phần tư thế kỷ cũng không làm sao xóa mờ tận tuyệt những hình ảnh khắc đậm
Nhật Bản chỉ mất 62 năm đã thành một cường quốc trên thế giới và người Nam Triều Tiên (Nam Hàn) mới xây dựng đất nước
Trong mấy ngày liền, người ta bàn tán đến "phát mửa" - ad nauseum - về hung thủ của vụ tàn sát tại Đại học Virginia Tech
Hình ai" Miệng quấn bởi chằn tinh" Có bàn tay sắt đang ghì chặt, Kìm tiếng hô vang giữa pháp đình!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.