Hôm nay,  

Tòa Khâm Sứ: Công An Đánh Người, Giáo Dân Phá Cổng...

26/01/200800:00:00(Xem: 8117)

Giáo dân dựng thánh giá hôm Thứ Sáu.

Bản tin sau đây của thông tấn VietCatholic News.

Trong ngày mừng ĐHY Hà Nội thì tại Tòa Khâm Sứ công an đánh người, giáo dân phá cổng xông vào cứu...

VietCatholic News (Thư Sa´u 25/01/2008 12:43)

Trong ngày mừng ĐHY Hà Nội thì tại Tòa Khâm Sứ công an đánh người, giáo dân phá cổng xông vào cứu...

(Những sự kiện nóng bỏng trong ngày 25 tháng 1 năm 2008)

Ngày hôm nay, 25 tháng 1 năm 2008, tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, đông đảo các giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân trong và ngoài giáo phận đã cử hành Thánh lễ tạ ơn, chúc mừng và cầu nguyện cho Đức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng – nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội nhân dịp mừng thượng thọ 90 tuổi, 60 năm linh mục, 45 năm giám mục, 15 năm hồng y.

Đúng như một số phóng viên đã nhận định từ mấy ngày trước, diễn biến vụ việc đòi lại đất và nhà Tòa Khâm Sứ của giáo phận Hà Nội đã trở nên hết sức căng thẳng và có thể nói, không khí trở nên nóng bỏng hơn rất nhiều bởi nhiều sự kiện làm chấn động dư luận.

Vấn đề tòa Khâm Sứ đã trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, đã có rất nhiều ý kiến xung quanh lộ trình giải quyết vấn đề nhức nhối này. Theo nguồn tin hành lang chúng tôi được biết, nhiều hy vọng chính quyền sẽ trao trả lại cho Giáo Hội tài sản này trước ngày 24 tháng 1, tức trước ngày đại lễ của Đức Hồng y. Cách đây vài ngày, đại diện các cấp chính quyền đã đến chúc tết Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, hai bên đã trao đổi với nhau trong không khí thân thiện và cởi mở, do đó nhiều người càng thêm hy vọng Tòa Khâm Sứ sẽ được trả lại nhanh chóng. Tuy nhiên, ngày 24 trôi qua mà không nhận thấy một động thái tích cực nào từ phía chính quyền về việc này.

Vào chiều ngày 24, UBND quận Hoàn Kiếm còn gửi một công văn khẩn yêu cầu Tòa Tổng Giám Mục phải nghiêm túc thực hiện tiết kiệm, tránh ồn ào tụ tập đông người, tránh mọi hành vi gây mất trật tự an ninh, nhất là trật tự an toàn giao thông. Rất nhiều ý kiến bức xúc xung quanh công văn này, phải chăng chính quyền e ngại và như một biện pháp đánh đòn phủ đầu để không còn những cuộc cầu nguyện đông đảo để đòi lại Tòa Khâm Sứ - một tài sản của Giáo Hội.

Ngày hôm nay, 25 tháng 1. Từ sáng sớm, mặc dù trời rất lạnh và mưa rả rích nhưng không khí như ấm áp, náo nhiệt hẳn lên bởi hàng ngàn người về chúc mừng và cầu nguyện cho Đức Hồng Y nhân ngày kỷ niệm đặc biệt của Ngài. Những đoàn kèn tây cùng với đội cồng chiêng đến từ vùng Hòa Bình, đội trống lớn…càng làm cho không khí ngày lễ thêm sôi nổi hào hứng. Niềm vui tràn ngập tâm hồn, thể hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người.

9h sáng, khoảng 100 linh mục và hàng ngàn giáo dân cùng với đoàn kèn, trống, cồng chiêng đã sắp thành hàng lối theo sau thánh giá nến cao tiến sang trước Tòa Khâm Sứ, cổng vào tòa nhà vẫn bị khóa kín. Hôm nay, chúng tôi nhận thấy có rất đông công an, nhân viên an ninh có mặt, chìm nổi trong đoàn người đông đảo. Phố Nhà Chung vốn nhỏ bé nay lại trở nên chật hẹp hơn bởi đông đảo người tụ họp cầu nguyện. Sau khoảng 15 phút cầu nguyện sốt sắng, đoàn người lại theo hàng ngũ trở về Tòa Tổng Giám Mục để chuẩn bị bước vào Thánh Lễ.

10h sáng, tại Nhà Thở Chính Tòa Hà Nội đã diễn ra Thánh Lễ trọng thể mừng kỷ niệm thượng thọ 90 tuổi, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng y của Đức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng – nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội. Thánh lễ đã diễn ra thật sốt sắng và cảm động với sự chủ tế của Đức Hồng Y Gb Phạm Minh Mẫn – TGM Sài Gòn, cùng đồng tế với Ngài có 16 Giám mục và hàng trăm linh mục, với sự tham dự của khoảng trên 3000 giáo dân. Đức Hồng Y Phaolo Giuse hiện diện cùng hiệp thông trong Thánh Lễ đặc biệt này trong cuộc đời Ngài. Thánh lễ kết thúc vào lúc 11h20.

Sau lễ giáo dân Hà nội tiến về Tòa Khâm Sứ cầu nguyện...

Sau những lời chúc mừng dành cho Đức Hồng y, đoàn ngũ linh mục, giáo dân đông đảo lại theo hàng lối trang nghiêm có trật tự tiến sang Tòa Khâm Sứ, ai có thể đoán trước được những sự kiện nóng bỏng sẽ diễn ra trong ít phút nữa, quả thực nó nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người hiện diện, Tuy nhiên, cái điều không ngờ đó đã xảy ra và trở nên một bước ngoặt mới trong hành trình đòi lại tài sản Giáo Hội.

11h30, Phố Nhà Chung đã không còn một chỗ trống, xe cộ cũng đã bị chặn lại ở hai đầu để dòng người đông đảo cất lên lời cầu nguyện. Đang khi mọi người cầu nguyện, một vài em nhỏ “trèo” cổng mang hoa vào dâng Đức Mẹ nhưng lập tức bị các nhân viên an ninh trong sân đuổi ra. Không dừng lại ở đó, một chị giáo dân người Mường đến từ vùng Hòa Bình đã can đảm mang hoa vào trong sân để dâng lên Mẹ, có lẽ đã quen với cuộc sống núi rừng nên chị đã nhanh chóng leo qua hàng rào cao để vào. Ngay lập tức, hàng chục nhân viên an ninh, công an nam có nữ có ập đến ra sức đẩy chị ra khỏi sân, họ đẩy nhưng chị cố gắng phân tích cho họ hiểu hành động của chị cũng như không chịu khuất phục. Sau cùng, các nhân viên an ninh đẩy chị ra đến cổng nhỏ vào Tòa Khâm Sứ phía quán phở, họ còn dùng vũ lực đối với chị, đuổi chị ra ngoài va còn dùng tay tát vào mặt chị mấy cái, nhiều người đã bức xúc khi chứng kiến hành động này. Chúng tôi nhận thấy không khí của dòng người đang cầu nguyện đã nóng dần lên, một số thanh niên đã leo lên hàng rào nhưng chưa vào bên trong được, đặc biệt có hai linh mục còn mang áo lễ cũng leo lên. Lúc này, lời qua tiếng lại giữa giáo dân và công an đã trở nên gay gắt.

Giáo dân phá cổng xông vào cứu người thanh niên bị đánh trọng thương thì ra là là luật sư Lê Quốc Quân

11h45. Một anh thanh niên đã dũng cảm bất chấp bạo lực cường quyền đã nhất quyết leo vào bên trong sân tòa Khâm Sứ, mang theo camera, máy ảnh. Ngay lập tức, hàng chục nhân viên an ninh ập đến, họ dùng vũ lực công khai đánh anh trước hàng ngàn người bên ngoài chứng kiến. Anh vẫn kiên cường và cố gắng trụ lại, nhưng rồi họ đã đẩy anh vào bên trong, lối ra ngoài phía quán phở. Ở ngoài phố, dòng người đã bức xúc đến tột độ, nhiều người định trèo vào trong nhưng lập tức bị chặn lại. Không khí trở nên rất căng thẳng.

Đặc biệt, mãi đến mấy phút sau, khi một vài người đang trong quán phở chạy ra cấp báo thì giáo dân mới được biết anh chàng kia đã bị công an giữ lại trong một căn phòng nhỏ ở phía sau quán phở và đang đánh đập anh, những người này nghe tiếng kêu cứu của anh nên ra ngoài cấp báo. Lúc này giáo dân đã hết kiềm chế nổi, họ kéo đến đông đảo trước cánh cổng sắt nhỏ vào sân Tòa Khâm Sứ, la hét yêu cầu công an trả người và lên án công an bắt người, đánh người trái phép.

Sau một hồi thương thảo bất thành, một số người đã phá tung cánh cổng bọc nhôm đó để vào giải cứu anh thanh niên. Tuy vậy, khi vào bên trong, họ còn gặp sự chống trả mạnh mẽ cùng với những lời đe dọa của công an. Trên hệ thống âm thanh của Tòa Giám Mục, một linh mục lớn tiếng nghiêm túc yêu cầu công an “trả người ngay lập tức” và kêu gọi giáo dân hãy kiềm chế nhưng cũng hãy kiên trì đấu tranh hòa bình.

Lúc này rất đông người đã kéo vào bên trong sân Tòa Khâm Sứ, một cuộc đụng độ với các công an và nhân viên an ninh đã diễn ra quyết liệt. Sau cùng, biết không thể chống đỡ với sức mạnh của nhiều ngàn giáo dân, công an chịu chùn bước nhưng vẫn còn rất ngoan cố. Mãi lâu sau họ mới chịu thả anh thanh niên, anh bị đánh đập dã man vào bụng vào đầu, theo lời anh kể thì chúng túm tóc đập đầu anh vào tường đến chảy máu tai, dùng vật cứng và chân đập vào bụng anh, một cách hành hung mà theo anh là “chúng cố gắng không để lại thương tích bên ngoài”. Ngay khi được thả, anh đã được đưa đến cầu nguyện với Đức Mẹ Sầu Bi và nhanh chóng được xe Tòa Giám Mục đưa đi cấp cứu. Chúng tô được biết người thanh niên can đảm đó là luật sư Lê Quốc Quân, một người đã từng bị Chính quyền bắt giam vô cớ cách đây ít lâu.

Hàng ngàn giáo dân đã vào bên trong sân Tòa Khâm Sứ tụ họp trước tượng Đức Mẹ. Một số thanh niên đã nhanh chóng phá tan khóa và những tảng bê tông lớn chèn cổng chính để mở toang cánh cổng vào Tòa Khâm Sứ. Không khí trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, công an, cảnh sát đứng kín đường nhưng họ không dám manh động. Đoàn người còn ở bên ngoài phố tràn vào trong sân Tòa Khâm Sứ, mọi người tràn ngập niềm vui và phấn khởi, đồng thời cũng đầy quyết tâm và mạnh mẽ. Những bản nhạc kèn, những nhịp cồng chiêng, nhịp trống rộn ràng vang lên như để ăn mừng chiến thắng đầu tiên, làm rung động cả một vùng Thủ đô.

Dựng Thánh Giá tại Tòa Khâm Sứ

Chưa dừng lại ở đó, giáo dân còn đem dựng lên ở ngay bậc lên tiền sảnh Tòa Khâm Sứ một cây thánh giá lớn, cao chừng 4m, nhanh chóng xây bệ vững chắc. Giáo dân và nhân viên an ninh vẫn có những cuộc đụng độ, tuy vậy nhân viên an ninh cũng dần trốn đi, điều thú vị là một vài giáo dân đã “bắt” được ba nữ nhân viên an ninh (hay công an gì đó) đã đuổi đánh người phụ nữ Mường và anh thanh niên, đang trốn trong nhà vệ sinh, ba cô này cũng bị lãnh nhiều lời lẽ nặng nề và cả bị “ăn đòn” vào buổi chiều.

Thánh giá dựng lên, cổng chính đã mở tung, đoàn giáo dân đông đảo cùng với các Linh mục tiếp tục cầu nguyện và cất lên tiếng nói đòi công lý trong hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Một vài Linh mục đã yêu cầu gặp các cán bộ hữu trách đang bảo vệ Tòa Khâm Sứ để yêu cầu trả lại tài sản là máy quay phim, máy ảnh, điện thoại mà họ đã chiếm giữ trái phép của anh thanh niên trèo tường vào lúc đầu.

Sau khi dùng cơm trưa, đoàn giáo dân đông đảo ấy lại cùng nhau sang Tòa Khâm Sứ, sang nhà của họ. Lúc này chính quyền điều động đến hiện trường rất đông nhân viên an ninh, công an, cảnh sát 113, cảnh sát cơ động với hy vọng dập tắt tinh thần của giáo dân. Dù vậy, trước hàng ngàn giáo dân đấu tranh hòa bình cho công lý, họ cũng chỉ biết đứng yên lặng nhìn. Hàng nghìn giáo dân đã cùng nhau tháo dỡ tất cả 5 cánh cổng trước Tòa Khâm Sứ, xếp vào trong và khóa lại. Như vậy, tất cả các lối vào sân Tòa Khâm Sứ đã được mở rộng. Nhiều cuộc đụng độ căng thẳng mạnh mẽ đã xảy ra giữa công an và giáo dân.

Buổi chiều, vẫn có rất đông bà con giáo dân cầu nguyện và đấu tranh ở hiện trường. Họ đã dựng lên nhiều phông bạt để che nắng mưa và tránh giá rét khi cầu nguyện, chuẩn bị cho một tiến trình mới mà chắc chắn có nhiều khó khăn trắc trở. Điều đặc biệt là có mấy anh làm công tác bảo vệ trong Tòa nhà Khâm Sứ phải lẩn trốn, sau vì quá sợ nên đã đến van xin bà con không trách cứ và mấy anh còn trao cho giáo dân 2 chùm chìa khóa của Tòa Khâm Sứ. Thật là một điều không ai ngờ. Nhiều người nghĩ rằng việc trao lại tòa Khâm Sứ lại diễn ra đơn giản vậy thôi sao, nhưng chắc chắn chặng đường trước mắt còn nhiều truân chuyên, khó khăn hơn. Dù vậy, họ tiếp tục cầu nguyện và cậy trông, phó thác trong tay Chúa và Mẹ Sầu bi.

Đại diện TGM Hà Nội không tán đồng những quy chụp của Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm

Khoảng 17h chiều, Cha Gioan Lê Trọng Cung, Chánh văn phòng TGM đã tiếp chính quyền cùng với đại diên các cơ quan của quận Hoàn Kiếm vào “làm việc” với Tòa TGM Hà Nội. Theo nguồn tin chúng tôi được biết, đại diên chính quyền, ông chủ tịch UBND Quận đã khăng khăng quy kết việc tổ chức giáo dân tụ tập đông người cầu nguyện ở ngoài nơi thờ tự, tranh chấp đòi lại đất đai là vi phạm pháp luật, rằng có sự chỉ đạo của các chức sắc giáo hội, ông cũng khẳng định “ddất đai là thuộc sở hữu của nhà nước, nhà nước có thể cấp đất cho các tổ chức, các nhân sử dụng lâu dài và ổn định..”. Ông còn tỏ vẻ nghiêm khắc yêu cầu Tòa TGM nhanh chóng hoàn lại nguyên trạng cho khu 42 nhà chung và giải tán các buổi tụ tập cầu nguyện đông người ở đó… Đại diện Tòa Tổng Giám mục, Cha Gioan Lê Trọng Cung đã tỏ ý không tán thành những điều quy chụp của đại diện chính quyền, yêu cầu chính quyền phải nghiêm túc sớm giải quyết trao trả lại cho Giáo Hội khu Tòa Khâm Sứ đó.

Công an và Chủ tịch Quận nói truyện với LM Chánh Văn Phòng TGM

Buổi tối, mấy trăm giáo dân, tu sỹ đã tiếp tục tụ họp cầu nguyện rất sốt sắng và cảm động. Khoảng 21h30, một ông cụ dáng vẻ hớt hải chạy vào báo cho mọi người biết Cụ vừa bị đánh khi cầu nguyện ở đây xong đang trên đường về nhà, theo cụ thì đó là công an hành hung. Mọi người rất bức xúc trước thái độ của những người làm công tác an ninh bảo vệ dân mà lại hành hung một cụ già trên 80 tuổi một mình đi trên đường về nhà, hơn nữa cụ lại bị đánh ngay trước trung tâm bồi dưỡng chính trị Đảng của quận Hoàn Kiếm. Từ trong tòa nhà này, chính quyền còn cho người quay phim cảnh giáo dân bảo vệ cụ già, nhiều người cho rằng việc đánh cụ già là một âm mưu để sách động dân chúng rồi quy cho họ tội làm rối trật tự an ninh để lấy cớ đàn áp các buổi cầu nguyện.

Sau những giờ cầu nguyện sốt sắng, phần lớn giáo dân đã ra về, lúc này ở hiện trường còn mấy chục người tình nguyện ở lại qua đêm ở đây để bảo vệ, đề phòng âm mưu phá hoại của công an và chính quyền. Thật nực cười khi hàng chục anh công an đến yêu cầu những người giáo dân đang túc trực trong sân Tòa Khâm Sứ phải khai báo tạm trú tạm vắng nếu qua đêm ở đây, giọng điệu của họ rất hống hách trịch thượng.Nhiều người phản ứng mạnh mẽ, họ nói “chúng tôi không ngủ, chúng tôi đến đây canh thức cầu nguyện, hơn nữa, đây là nhà của chúng tôi không ai có quyền yêu cầu chúng tôi làm việc đó”. Thật nực cười khi ở chính nhà mình lại phải khai báo tạm trú với chính quyền, hơn nữa, nếu khai báo tạm trú thì trú ở Tòa Khâm Sứ với chủ nhà là ai"...

Giáo dân Thái Hà tiếp tục kéo đến canh thức tại Tòa Khâm Sứ

Giờ đã gần nửa đêm, chúng tôi nhận thấy có một số giáo dân đến từ giáo xứ Thái Hà. Họ nói đến đây cùng hiệp thông cầu nguyện và canh chừng Tòa Khâm Sứ bởi nhiều người nhận định đêm nay ó thể công an và chính quyền sẽ gây “sự biến” gì thì khó có ai mà lường trước được.

Một ngày dần khép lại, lời cầu nguyện vẫn đang vang vọng trên không gian Tòa Khâm Sứ, muôn tâm tình, muôn tấm lòng chung một ý hướng để cho công lý được sớm thực thi. Để kết hành trình một ngày đầy biến động, chúng ta cùng cất lên lời kinh tha thiết:

“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…ddể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm….”

PV VietCatholic

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.