Hôm nay,  

Hoa Kỳ Phải Làm Gì Để Phục Hồi Uy Tín Trên Thế Giới?

09/01/200800:00:00(Xem: 10790)

“What America Must Do”. Đó là nhan đề của một bài báo đăng trên Tạp chí Foreign Policy số January/February 2008 (www.foreignpolicy.com) đưa ra ý kiến của 12 nhân vật gồm 4 chủ tịch Viện nghiên cứu, 3 giáo sư đại học, 2 giải Nobel, 1 tác giả, 1 nhà báo và 1 chính khách rằng họ nghĩ vị tân tổng thống Hoa Kỳ đắc cử vào tháng 11/2008 sắp tới phải làm gì để phục hồi uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới. 

** Trần Bình Nam tóm tắt các ý chính **

- Kenneth Rogoff (giáo sư kinh tế đại học Harvard, nguyên kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế- IMF)

Tăng thuế năng lượng

Trong bối cảnh thất bại của Hoa Kỳ đối với chính sách môi trường và giải quyết tranh chấp tại Iraq giáo sư Rogoff chủ trương rằng việc đầu tiên vị tổng thống tương lai phải làm là thuyết phục quốc hội tăng thuế đánh vào xăng nhớt. Tăng thuế xăng ít nhất thêm 2 mỹ kim một gallon, đồng thời với việc tăng thuế năng lượng trong ngành sản xuất. Biện pháp này sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến tiếng nói của Hoa Kỳ trên thế giới, vì từ trước đến nay Hoa Kỳ chỉ nói mà không làm gì để tiết kiệm năng lượng. Hoa Kỳ không thể thuyết phục Ấn độ và Trung quốc thay đổi chính sách đối với khí thải khi hai nước này cần phát triển kinh tế mà Hoa Kỳ chưa tự áp dụng biện pháp cứng rắn để thay đổi. Thay đổi chính sách năng lượng một cách căn bản (để giảm tiêu thụ dầu mỏ) còn là lời nhắn với thế giới rằng Hoa Kỳ sẽ không vì nhu cầu nhiên liệu mà xâm lăng các nước khác.

Việc tăng thuế năng lượng còn giúp Hoa Kỳ giải quyết sự thâm thủng ngân sách đang làm cho đồng mỹ kim mất giá. Thuế năng lượng còn giúp giảm thuế các mặt hàng nhu yếu khác và trợ cấp cho những công dân có thu nhập thấp. Tăng thuế năng lượng sẽ làm cho lãnh vực tư tiết kiệm năng lượng và phát huy sáng kiến tìm tòi các nguồn năng lượng thay thế ngoài dầu mỏ.

Giá xăng cao, Hoa Kỳ giảm mức xài dầu mỏ, giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế sẽ giảm. Các nước sản xuất dầu mỏ – nhất là Venezuela và Liên bang Nga – phải điều chỉnh thái độ của họ đối với các vấn đề trên thế giới. Ngược lại các nước nghèo nhập cảng xăng nhớt sẽ cảm thấy nhẹ nhỏm. Đây là cách tái phân phối tài sản hữu hiệu nhất trên thế giới mà không một chương trình nhân đạo nào có thể làm được. Trên thực tế, vị tổng thống Hoa Kỳ còn có nhiều cách khác, nhưng đây có thể là  cách tốt nhất để thay đổi cái nhìn nghi ngờ của thế giới đối với Hoa Kỳ về cả ba mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Đương nhiên tăng thuế năng lượng sẽ không được lòng dân – ít nhất lúc đầu - và đòi hỏi vị tổng thống Hoa Kỳ phải có đủ can đảm chính trị.

- Reza Aslan (tác giả cuốn sách “No God but God: The Origins Evolution, and Future of Islam” và sắp xuất bản cuốn “How to Win a Cosmic War”)

Giải bỏ mặc cảm thánh chiến

Cách đây mấy năm khi đi thăm Iran, ông Aslan thấy dân Iran tin rằng Hoa Kỳ là một nước thần giáo. Điều này dễ hiểu vì chính tổng thống Bush từng nói đến “thánh chiến” chống “ma quỷ”, do đó không phải thế giới Hồi giáo mà ngay một số nước đồng minh với Hoa Kỳ cũng có cảm tưởng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng sâu đậm bởi các thế lực tôn giáo. Mới đây người ta thấy phái Thiên chúa giáo cực hữu còn muốn mang ảnh hưởng tôn giáo đến các trường quân sự đào tạo sĩ quan Hoa Kỳ.

Bảy năm chiến tranh chống khủng bố với những lời lẽ đầy mầu sắc tôn giáo của tòa Bạch Cung đã giúp cho kẻ thù của Hoa Kỳ chất liệu để tuyên truyền rằng cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ chỉ là một cuộc thánh chiến chống Hồi giáo.

Cuộc đấu tranh nào cũng cần lời lẽ để biện minh, nhưng trong một cuộc chiến tranh mà một bên khai thác yếu tố tôn giáo quá khích và bên kia cũng làm vậy thì kết quả thật là bi thảm. Khi tổng thống Bush dùng chữ “crusade” (thánh chiến) để diễn tả cuộc chiến tranh hiện nay, Osama bin Laden không bỏ lỡ cơ hội tuyên bố rằng, “không còn nghi ngờ gì, chính ông Bush đã nói cuộc chiến tranh này là một cuộc thánh chiến”.

Cho nên theo ông Aslan vị tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ có nhiệm vụ - bằng lời nói và bằng hành động - giải tỏa Hoa Kỳ ra khỏi vướng mắc này.

- Philip Stephens (bình luận gia chính trị của tờ Financial Times)

Nâng số thành viên G-8 lên thành G-13

Ông Stephens nghĩ vị tổng thống Hoa Kỳ sắp tới nên đề nghị nâng số quốc gia trong khối các nước có kinh tế mạnh từ 8 lên 13 và tuyên bố yêu sách này trong diễn văn nhậm chức, và rằng Hoa Kỳ chỉ trở lại họp hằng năm của khối khi 5 nước Brazil, Trung quốc, Ấn độ, Mexico và Nam Phi được mời vào khối. Hành động này chứng tỏ với thế giới rằng Hoa Kỳ, lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, thay đổi lối nhìn địa lý chính trị trên thế giới, và có khả năng thay đổi cấu trúc quyền lực của thế giới.

Ông Stephens tin rằng Hoa Kỳ sẽ không phải chờ lâu, và 5 nước đang lên sẽ có cơ hội chen vai thích cánh với các thế lực của thế kỷ 20 để cùng giải quyết các vấn đề chung của thế kỷ 21, như tu sửa các định chế thế giới lỗi thời thành hình sau Thế chiến II như Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (International Monetary Fund), Ngân hàng Thế giới (World Bank), và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Sự thay đổi cấu trúc của các cơ chế thế giới này sẽ làm cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ giảm bớt dù Hoa Kỳ vẫn còn là đệ nhất siêu cường, nhưng sẽ làm cho Hoa Kỳ thu phục được cảm tình của thế giới. Chính sách này giúp Hoa Kỳ tránh được sự điều chỉnh liên tục để cân bằng các trung tâm quyền lực trên thế giới như Hoa Kỳ đã làm đầu thế kỷ 20 đưa đến Thế giới chiến tranh I. Khi các thế lực đang lên có vị trí đúng chỗ trên bàn cờ quốc tế, thế giới sẽ được ổn định hơn.

- Lessica T. Mathews (Chủ tịch Quỷ Carnegie vì Hòa bình thế giới)

Hãy nói chuyện với Syria

Mặc dù Syria không đóng vai trò gì quá quan trọng đối với các vấn đề liên quan đến Iraq, Liban, Iran và Do thái – Palestine, Syria có khả năng làm hỏng mọi giải pháp đối với các quốc gia này vì Syria có biên giới chung với Do thái, Iraq, Liban và vùng đất người Kurds của Thổ Nhĩ Kỳ và có quan hệ tốt với chính phủ Iran. Chúng ta có quyền nghi ngờ tổng thống Bashar al-Assad về những vụ ám sát chính trị ở Liban và tham vọng nguyên tử của ông ta, nhưng về một mặt nào đó Syria có những đóng góp đáng kể tại Trung đông như mở tòa đại sứ tại Baghdad, nhận hơn một triệu người tị nạn Iraq, tham dự hội nghị Annapolis mới đây bàn về một giải pháp hòa bình giữa Do thái và Palestine, và ngăn cản quân khủng bố vượt biên giới vào Iraq.

Thế nhưng tổng thống Bush vẫn không chịu nói chuyện với Syria làm cho mối hiềm khích giữa hai quốc gia càng ngày càng tăng (cũng như đối với Cuba và Iran) và ông Mathews nghĩ vị tổng thống tương lai nên nắm lấy bàn tay của Syria. Syria từng tuyên bố rằng sẽ đến bàn thương thuyết với Hoa Kỳ không có điều kiện tiên quyết và đến với tất cả những gì Syria có, kể cả các mối quan hệ hiện hữu của Syria. Điều này có nghĩa Syria sẵn sàng thay đổi quan hệ đối với các nhóm Hamas, Hezbollah và Iran nếu cần.

Chính phủ Bush thường nêu ra hai lý do để không chịu thương thuyết với Syria. Thứ nhất, Syria không xứng đáng với phần thưởng được nói chuyện tay đôi với Hoa Kỳ. Lý do này không ổn vì Hoa Kỳ từng thương thuyết với Lybia và Bắc Hàn thì sao" Lý do thứ hai là các sự khác biệt về quyền lợi giữa hai nước quá lớn, có nói chuyện với nhau cũng không đi tới đâu. Nhưng chưa thử nói chuyện thì làm sao biết" Có ai dám quả quyết Syria đặt quan hệ với Iran trên quan hệ đối với Hoa Kỳ và Âu châu.

Nếu Hoa Kỳ tuyên bố không định tâm lật đổ chế độ của tổng thống Assad thì cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Syria có cơ thành tựu và là một làn gió mát cho Trung đông.

- Yang Jianli (Chủ tịch “Foundation for China” thế kỷ 21. Ông Yang Jianli bị Bắc kinh tố cáo xúi dục công nhân tạo bất ổn xã hội và ngồi tù 5 năm, được trả tự do tháng 4/2007)

Hội chứng Trung quốc

Ông Yang Jianli nói nhiều người cho rằng ảnh hưởng và uy tín Hoa Kỳ đã bị sứt mẻ nhiều, nhưng ông chưa vội kết luận như vậy. Tuy nhiên ông Jianli nghĩ rằng Hoa Kỳ đôi khi “tiền hậu bất nhất”. Hoa Kỳ lập quốc trên các nguyên tắc tôn trọng tự do, dân chủ và các quyền căn bản của con người, nhưng vì quyền lợi trước mắt Hoa Kỳ thường tạm bỏ qua các nguyên tắc cố hữu đó.

Sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989 chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung quốc lúc thế này lúc thế khác. Hôm nay Hoa Kỳ có thể dùng nhân quyền để làm đòn bẩy trong các cuộc thương thuyết mậu dịch với Trung quốc, ngày mai Hoa Kỳ có thể nại ra hàng ngàn lý do để biện minh rằng không nên làm như vậy. Nhiều người cho rằng dùng nhân quyền áp lực Trung quốc chỉ làm cho nhân dân (Trung quốc) ghét Hoa Kỳ. Thực tế, nếu có một thành phần dân chúng Trung quốc không ưa Hoa Kỳ là vì Hoa Kỳ hành động theo quyền lợi mà không theo nguyên tắc. Hoa Kỳ thường nói mà không hành động làm cho nhân dân Trung quốc nghĩ rằng các chính khách và các nhà kinh doanh Hoa Kỳ là những nhà đạo đức giả.

Ông Jianli nói ông không chủ trương không buôn bán với Trung quốc, nhưng ông chán thái độ bất nhất của Hoa Kỳ. Ông nghĩ điều mà vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ cần làm là chứng tỏ rằng chính sách nhân quyền của Hoa Kỳ đối với Trung quốc là điều không thể đổi chác được. Hoa Kỳ cần áp lực Trung quốc tôn trọng nhân quyền trong bất cứ cuộc thương thuyết nào, và tích cực giúp đỡ những người đấu tranh cho dân chủ trong và ngoài nước (Trung quốc) để họ có cơ hội kiến tạo một chế độ dân chủ tại Trung quốc. Hoa Kỳ cần thúc đẩy Trung quốc tổ chức các cuộc bầu cử địa phương (thật ra chính quyền trung ương Trung quốc cũng muốn tổ chức các cuộc bầu cử này để giải quyết nạn tham nhũng và sự lạm dụng quyền lực ở cấp xã huyện, nhưng chưa quyết tâm thực hiện thôi).

Chủ trương dân chủ và nhân quyền có thể tạo ra một số phản ứng bởi các nhà độc tài trên thế giới, nhưng nếu chỉ nói tôn trọng dân chủ và nhân quyền mà không làm gì cả thì sẽ mất sư kính trọng của cộng đồng thế giới.

- Newt Gingrich [Chủ tịch Hạ nghị viện từ 1995 đến 1999, hiện là thành viên chính yếu của AEI (American Enterprise Institute), một cơ sở cực hữu của Hoa Kỳ. Ông là đồng tác giả của cuốn “A Contract With the Earth” xuất bản năm 2007]

Hãy biết lắng nghe

Trong bảy năm qua thế giới có cảm tưởng Hoa Kỳ không muốn nghe ai, và điều này làm suy giảm khả năng lãnh đạo của Hoa Kỳ. Ông Gingrich nói nguyên tắc cố hữu của lãnh đạo (tầm vóc quốc tế hay quốc gia) là biết lắng nghe các quan điểm khác biệt, vì vậy ông chủ trương rằng điều quan trọng nhất của vị tổng thống tương lai là nói với bạn lẫn thù rằng Hoa Kỳ sẽ biết lắng nghe. Vị tổng thống đắc cử, trước ngày nhậm chức nên đi thăm các thủ đô trên thế giới, không phải chỉ là Paris, London, mà là Ankara, Amman, Bắc Kinh và Cairo. Còn nữa, hãy đến thủ đô các nước khác ở Nam Mỹ, Trung Đông, Âu châu và Á châu.

Đi, không phải để chứng tỏ sức mạnh của Hoa Kỳ mà chỉ cần đến để hỏi và nghe họ nói. Hỏi rằng quý vị nghĩ Hoa Kỳ nên làm gì để phục vụ thế giới với sức mạnh kinh tế, quân sự và văn hóa của mình, và trong bốn năm tới họ sẽ làm gì chung với Hoa Kỳ để thực hiện những điều họ muốn.

Nghe, không có nghĩa là đồng ý. Nghe là một hình thức tôn trọng quan điểm của nhau. Chỉ cần biết hỏi và biết nghe nhau thế giới sẽ thông cảm nhau hơn. Và nếu chuyến công du thành công Hoa Kỳ sẽ có cơ hội xây dựng những liên minh lành mạnh để xiển dương quyền lợi chung tạo hòa bình thế giới.

Mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ không thay đổi, nhưng cách thực hiện chiến lược đó thay đổi. Nếu vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ có thể chuyển đổi cảm tưởng hiện nay của thế giới rằng Hoa Kỳ là một siêu cường bị bệnh điếc, thì có cơ may thế giới dân chủ sẽ chấp nhận sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

- Kavita Ramdas (Chủ tịch kiêm giám đốc Global Fund for Women)

Hãy xiển dương thế đứng của người phụ nữ trên toàn thế giới

Bà Ramsas cho rằng bảy năm với một chính sách sai lầm đã làm cho uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới suy giảm trầm trọng, không thể một sớm một chiều thay đổi được, tuy nhiên thế giới vẫn còn ngoãnh nhìn vào Hoa Kỳ với một hy vọng.

Điều Hoa Kỳ cần làm là thay đổi thái độ một cách căn bản, huy động tất cả khả năng của mình để mang lại quyền bình đẳng cho người phụ nữ trên toàn thế giới. Và đó là điều tân tổng thống Hoa Kỳ nên bắt đầu ngay sau khi nhậm chức.

Nhiều người cho rằng còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm trước. Nhưng vấn đề phụ nữ có một ưu tiên cao. Giải quyết vấn đề bình quyền cho phụ nữ sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề trọng đại khác mà thoáng qua chúng ta tưởng rằng không liên hệ với nhau. Trong thập niên qua trong các nước phát triển, số phụ nữ đi làm việc đã giúp nâng mức tăng trưởng trên thế giới nhiều hơn sự đóng góp của Trung quốc. Và trong các nước nghèo sự giáo dục phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nhiều hơn bất cứ một chính sách nào khác. Thống kê cho thấy, trong các nước đang phát triển, cứ một người phụ nữ được học đến cấp 4 thì gia đình của bà ấy sẽ ít con hơn (20%) và số trẻ sơ sinh chết giảm 10%. Và cứ một người phụ nữ học đến cấp 5 thì bà ấy có triển vọng 50% tránh nhiễm vi trùng HIV/AIDS.

Phụ nữ tham gia chính trị giúp hoạch định những chính sách cân đối hơn. Thí dụ ở Rwanda, gần một nửa số dân biểu quốc hội là phụ nữ, quốc gia Phi châu này có một chế đổ bảo hiểm sức khỏe khá hoàn hảo. Tại các nước Scandinavia (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch) số phụ nữ hoạt động chính trị đông đảo đã làm cho các nước này đầu tư nhiều tài nguyên vào các chương trình giáo dục và huấn nghệ. Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) sự tham gia chính trị của người phụ nữ giúp giảm bớt nạn tham nhũng.

Bà Kavita Ramsas không ước mong gì hơn vị tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1/2009- 1/2013 sẽ mang thông điệp nam nữ bình quyền đến bất cứ nơi nào thăm viếng hoặc mang ra bàn luận với các nhà lãnh đạo các nước bạn đến viếng Hoa Kỳ.  Nội bộ, tổng thống hãy yêu cầu quý vị thống đốc, thị trưởng quan tâm báo cáo về các chương trình dành cho người phụ nữ. Bà Ramsas không lạc quan nghĩ rằng sau 4 năm Hoa Kỳ có thể chấm dứt tình trạng bất bình đẳng nam nữ trên thế giới, nhưng nếu nỗ lực của Hoa Kỳ làm cho đời sống của hàng triệu người dễ thở hơn thì đó là một trong những điều giúp cải thiện tư thế của Hoa Kỳ trên thế giới.

- Nadine Gordimer (giải thưởng văn chương Nobel năm 1991)

Chấm dứt phong tỏa kinh tế Cuba

Ông Gordimer nói trước mắt có nhiều việc vị tổng thống tới của Hoa Kỳ cần làm, thí dụ đối sách đối với Iraq, Iran, Do Thái – Palestine, độ nóng của khí quyễn… Vì vậy ông Gordiner chọn một đề nghị khiêm nhượng nhất: Hãy chấm dứt phong tỏa kinh tế Cuba!

Tháng 10 năm 2007 Cuba đệ trình Đại hội đồng Liên hiệp quốc dự thảo quyết nghị thứ 16 yêu cầu Liên hiệp quốc chỉ thị Hoa Kỳ chấm dứt phong tỏa kinh tế, thương mãi và  tài chánh đối với Cuba. Sự phong tỏa này làm thiệt thòi cho kinh tế Cuba mỗi năm hằng trăm triệu mỹ kim. Năm 2006 số tổn thất mậu dịch lên đến 1.3 tỉ mỹ kim. Cũng trong năm 2006, 183 quốc gia ủng hộ dự thảo quyết nghị của Cuba, nhưng Hoa Kỳ không thay đổi thái độ.

Nhà văn Gordimer mong ước vị tổng thống tới của Hoa Kỳ duyệt xét lại chính sách đối với Cuba và ra lệnh chấm dứt phong tỏa kinh tế quốc gia này. Hành động này sẽ đóng góp vào việc cải thiện uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới.

- Jorge  I. Dominguer [Phân khoa phó phân khoa Bang giao Quốc tế (International Affairs) đại học Harvard, người giữ mục Bang giao Quốc tế của Tạp chí Foreign Policy]

Hãy tôn trọng nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ

Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ cam kết tôn trọng ý kiến của nhân loại, rằng Hoa Kỳ không chủ trương ý kiến của mình luôn luôn đúng, và Hoa Kỳ tin tưởng tự do không có nghĩa mọi người phải đi cùng một con đường. Một trong những lý do người Anh di dân tại lục địa Hoa Kỳ đứng lên tranh đấu giành độc lập vì hoàng đế nước Anh đã không cho thi hành những luật lệ mang đến phúc lợi cho con dân Anh tại đó.

Giáo sư Dominguez bức xúc khi thấy hôm nay Hoa Kỳ coi thường các tiêu chuẩn mậu dịch, coi thường luật lệ quốc tế và nhân quyền mà Hoa Kỳ thường xuyên kêu gọi các nước khác tôn trọng. Vì vậy giáo sư Dominguez mong đợi vị tổng thống tới của Hoa Kỳ chấm dứt tình trạng hai mặt (double standard) này.

Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã góp phần xây dựng các cơ chế và luật lệ quốc tế. Tuy nhiên trong thập niên qua Hoa Kỳ đã coi thường sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết nạn khí quyễn nóng dần, việc thiết lập tòa án hình luật quốc tế, và Quy chế Geneva về tù binh.

Ngoài việc giúp thành hình các cơ chế quốc tế sau Thế chiến II Hoa Kỳ còn là nước cầm đầu ngọn cờ tự do giao thương. Thế nhưng cũng trong thập niên qua Hoa Kỳ thường tránh thi hành những tiêu chuẩn mậu dịch quốc tế đó. Hoa Kỳ ép các nước nhỏ và yếu cất bỏ hàng rào quan thuế, trong khi Hoa Kỳ vẫn bảo vệ nông dân của mình bằng các chương trình trợ cấp.

Lúc này Hoa Kỳ đang trong quá trình bầu chọn vị tổng thống cho nhiệm kỳ 2009-2012, Hoa Kỳ hẳn không muốn nước nào xía vào sự lựa chọn của nhân dân Hoa Kỳ, vì vậy Hoa Kỳ cũng không nên chỉ bảo dân các nước khác chọn người lãnh đạo của họ. Thái độ này chỉ làm sứt mẻ uy tín Hoa Kỳ. Ông Evo Morales đắc cử tổng thống Bolivia trong cuộc bầu cử năm 2202 một phần vì trước ngày bầu cử đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia công khai tố cáo ông làm cho dân Bolivia bực bội và dồn phiếu cho ông ta.

Tra tấn và trấn nước là những việc làm không thể chấp nhận được đối với một quốc gia từng tố cáo Việt Nam, Bắc hàn đối đãi tàn nhẫn với quân nhân Mỹ. Hoa Kỳ cần chấm dứt việc tra tấn tù binh vì hẳn Hoa Kỳ không muốn thấy công dân mình bị tra tấn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Vị tổng thống tới nên làm bất cứ gì để luật lệ và cơ chế quốc tế được tôn trọng. Phải làm sao để những gì chúng ta mong muốn thế giới làm (hay không nên làm) cũng là những tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta. Giáo sư Dominguez kết luận: Nếu Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ cam kết giữ gìn cái “danh dự linh thiêng” (của Hoa Kỳ) thì nền ngoại giao Hoa Kỳ tối thiểu cũng phải cam kết như vậy.

- Dmitri Trenin (Phó giám đốc Carnegie Moscow Center, tác giả cuốn Getting Russia Right)

Hãy đi Teheran

Ông Dmitri Trenin nói chìa khóa Trung đông nằm ở Teheran, và vị tổng thống tới của Hoa Kỳ nên dùng chiếc chìa khóa đó để mở cửa hòa giải với Trung đông. Cho đến giờ này Hoa Kỳ chưa có một chính sách tích cực đối với Iran, trái lại Hoa Kỳ lớn tiếng tố cáo tham vọng nguyên tử của Iran và rằng Iran đứng sau lưng các tổ chức khủng bố Hamas và Hezbollah. Thật ra Iran ráng chế tạo vũ khí nguyên tử không phải để tự sát bằng vũ khí nguyên tử. Iran có thể chỉ muốn được thế giới công nhận vị trí của mình tại Trung đông và làm những gì cần thiết để đạt mục đích đó dù Hoa Kỳ muốn hay không muốn.

Tân tổng thống Hoa Kỳ cần đánh một đòn ngoại giao ngoạn mục như tổng thống Nixon đã làm cách đây 35 năm khi bay đi Bắc Kinh biến Trung quốc từ thù thành bạn và làm cho Mạc Tư Khoa – đối thủ chính trong trận chiến tranh lạnh - chới với. Tổng thống Hoa Kỳ đến Teheran đưa tay hòa giải sẽ là một đòn chí tử cho al-Qaeda và các thế lực gây rối trong vùng Trung đông và làm cho Iran không thấy cần phải xúc tiến việc chế tạo bom nguyên tử.

Không như các nước Trung đông khác lập quốc trong thế kỷ 20, Iran là một nước đã lập quốc lâu đời (chỉ sau Trung quốc), và trong lịch sử dài dằng dặt Iran từng thay đổi chính thể. Hôm nay Iran có nhiều khả năng thay đổi chính thể do các động lực bên trong vì giới trẻ sinh ra sau cuộc cách mạng Hồi giáo của giáo chủ Ruhollah Khomeini (1979) bắt đầu chán chế độ. Nhiều nhà quan sát Nga nhận xét rằng Iran hôm nay giống như Liên bang Xô viết dưới thời Leonid Breznev, nghĩa là đang ở điểm cuối của màn sau cùng. Du khách Hoa Kỳ nhận thấy rằng chính quyền Iran chửi Mỹ nhưng dân chúng Iran thích mọi thứ gì có nhãn hiệu Mỹ giống như xã hội Nga thời Breznev.

Ông Dmitri Trenin tin rằng nếu Hoa Kỳ đưa tay ra với lời hứa hẹn thôi phong tỏa kinh tế, thôi dọa đánh, và công nhận chương trình nguyên tử phục vụ hòa bình của Iran thì Iran sẽ đưa hai tay nắm lấy và xếp lại chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của mình. Nửa thế kỷ trước đây Nikita Khrushchev huênh hoang tuyên bố sẽ “chôn” Hoa Kỳ và đã mang vũ khí nguyên tử đến Cuba sát nách Hoa Kỳ, tổng thống Kennedy vẫn đủ sáng suốt nhận ra rằng để bảo vệ nước Mỹ ông không có đường nào khác hơn là nói chuyện với Mạc Tư Khoa.

Hôm nay Hoa Kỳ cần hành động như vậy dù Iran đang khoác lác. Chờ đến lúc Iran có hỏa tiễn nguyên tử thì quá muộn.

- Fouad Ajima (giáo sư về Trung đông tại School of Advanced International Studies, đại học John Hopkins University)

Hãy tiếp tục con đường của tổng thống Bush

Giáo sư Fouad Ajima nhận xét rằng tổng thống Pháp Jacques Chirac chê Hoa Kỳ đã làm hỏng mọi chuyện tại Trung đông, nhưng người kế nhiệm ông, tổng thống Nicolas Sarkozy tháng 11/2207 vừa qua đã đến Hoa Kỳ và hết lời khen ngợi Hoa Kỳ đã làm những gì có thể làm.

Với nhận xét đó giáo sư Fouad Ajima nghĩ rằng người kế vị tổng thống Bush sẽ thừa kế sự nghiệp của ông, đó là một Âu châu thân thiện với Hoa Kỳ, một Ấn độ và một Trung quốc chỉ muốn gởi con em mình đến thụ huấn tại Hoa Kỳ, những kẻ quá khích mất dần chỗ đứng và hằng triệu người trên thế giới thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thời đại này là một thời đại hòa bình như Hoa Kỳ quan niệm (Pax Americana), một thời đại chống Mỹ một cách giả trá và ngụy tạo, thời đại của những nhà trí thức và học giả giả dối, núp dưới bóng mát Hoa Kỳ để chửi Hoa Kỳ. Giáo sư Fouad Ajima nói các bạn cứ tin rằng sau thời đại huy hoàng này (của Bush) sẽ không có gì tươi đẹp hơn như các bạn trông chờ. Sẽ giống như thời kỳ đen tối sau thời đại La Mã thôi.

Giáo sư Fouad Ajima nói vị tổng thống tương lai không có gì để làm thêm về mặt đối ngoại, và hài hước rằng người ta sẽ tiếp tục than vãn về sức mạnh của Hoa Kỳ, các cuộc thăm dò sẽ nói Karachi và Cairo chán Hoa Kỳ, và trong khi các nguồn thông tin quốc tế nói dư luận khắp nơi chống Mỹ thì hằng triệu người tìm cách đến Mỹ!

Ông Ajima nghĩ rằng chiến dịch “ngoại giao cho tự do” của tổng thống Bush tại Trung đông đã mang đến cho Iraq một trật tự mới, giúp Liban thoát khỏi sự kiềm tỏa của Syria, và dù chưa tạo sự thay đổi lớn lao nào tại Ai Cập và Saudi Arabia cũng là một thông điệp mạnh mẽ rằng tại Trung đông không phải chỉ có độc tài chuyên chế mà còn có triển vọng tự do, và đó là món quà quý báu tổng thống Bush tặng cho người A Rập. Nó nhắc nhở nguyên tắc dân tộc tự quyết của tổng thống Woodrow Wilson. Và cũng như chủ thuyết Wilson, chủ thuyết gieo rắc tự do của tổng thống Bush tại Iraq, Liban và các nơi khác sẽ đến rồi đi, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tồn tại như một giá trị đích thực của Hoa Kỳ. Trên căn bản đó giáo sư Fouad Ajima nhắn với vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ rằng người lãnh đạo nào không tiếp tục đường lối của tổng thống Bush chỉ làm cho Hoa Kỳ co mình lại mà thôi.

- Desmond Tutu (Tổng giám mục danh dự của Anh giáo, giải thưởng hòa bình Nobel năm 1984)

Hãy cất lời xin lỗi

Trong quá khứ có những chính sách Hoa Kỳ làm người ta khó chịu, thí dụ khi tổng thống Reagan hợp tác với chính phủ kỳ thị Nam Phi, ông tổng giám mục bất mãn nhưng không vì thế ông chống Mỹ. Bằng chứng rõ hơn là sau vụ 911 cả thế giới chia sẽ đau thương một cách chân tình với nhân dân Hoa Kỳ.

Nhưng gần đây thế giới trở nên bi quan do chính sách tự cô lập của Hoa Kỳ. Chính quyền của tổng thống Bush đã không có thái độ hợp tác quốc tế về khí thải nhà kiếng, về sự thiết lập tòa án hình luật quốc tế, trong khi thiết lập nhà tù tại Guantanamo ở Cuba. Và sau cùng là xâm lăng Iraq không có phép của Liên hiệp quốc vi phạm luật quốc tế.

Tổng giám mục Desmond Tutu nói, câu khó nói nhất trong mọi ngôn ngữ là: “Chúng tôi sai lầm. Chúng tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho chúng tôi.” Nhưng mấy chữ đó có sức mạnh hóa giải một tình thế căng thẳng. Không biết vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ có đủ tầm nhìn, sức mạnh tinh thần và sự khiêm nhượng cần thiết để sửa chữa sai lầm không"

Hoa Kỳ có một quá khứ rộng lượng ai cũng cảm phục. Nhân dân Tây Âu không quên chương trình Marshall sau Thế chiến II (giúp họ ra khỏi đói nghèo và đủ sức tự vệ). Lịch sử Hoa Kỳ chứng tỏ rằng Hoa Kỳ đã làm gương cho hằng triệu người lăn xả vào cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và tìm một đời sống tốt đẹp hơn.

Tổng giám mục Desmond Tutu kết luận, nếu siêu cường này đủ uyển chuyển và khiêm nhượng thốt lên lời xin lỗi thì mọi người trên hoàn vũ sẽ ngạc nhiên, nhưng sẽ mĩm cười thoải mái biết rằng mùa Xuân đang ló dạng trên thế giới.

Trần Bình Nam thuật

Jan. 8, 2008

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thế kỷ hiện nay có nhiều biến động. Qua các yếu tố, chính yếu là vật chất, thế giới chúng ta đang sống, ngày càng thu nhỏ lại
Mấy năm trước đây, khi Tổng-Thống Bush lên tiếng kêu gọi toàn cầu tiếp tay chống khủng-bố thì Việt-Nam
Mỗi sáng chủ nhật trong tháng 9, thiền sư sẽ thuyết pháp và tu viện mở cưa" để đại chúng có thể tới nghe
Loạt bài ký sự tham luận về Phong thủy, tử vi số và huyền học của PTTVG Song Lộc (626) 289-8467.
Gần đây thế giới ghi nhận nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Sự tăng trưởng đã làm cho Thái Lan lo ngại
Khi doanh nhân người Mỹ tên Hoan Nguyễn đến Việt Nam cách đây 1 thập niên với những dự án xây dựng một ngôi trường quốc tế
Ngược lại, một cơn chấn động nhỏ ở xứ này lại có thể đảo lộn trật tự xứ khác và gây khủng hoảng toàn cầu trong nhiều năm liền.
Sau các đợt đàn áp những người đấu tranh đòi dân chủ, tự do và đòi đất, đòi nhà, đòi lương bổng công bằng từ đầu năm đến giờ
Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ sẽ diễn ra từ ngày thứ Sáu 24 đến ngày Chủ-nhật 26/8
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.