Hôm nay,  

Tuyên Bố Của Đảng Dân Chủ Việt Nam: Hiến Pháp Hiện Hành CHXHCNVN Không Có Giá Trị Pháp Lý

03/12/200700:00:00(Xem: 8251)

- Tầm Quan Trọng Của Hiến Pháp Trong Thể Chế Cộng Hòa

Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là luật pháp tối cao của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp đề ra chính thể của quốc gia. Hiến pháp chính là bản định hướng cho công việc lập pháp và cho việc diễn giải pháp luật. Hiến pháp chỉ định mục đích của Nhà nước, bảo đảm các quyền của công dân và những giới hạn của Nhà nước, đồng thời bảo đảm tính chất ổn định và hợp pháp của Nhà nước.

Do đó, hiến pháp phải được thượng tôn và không thể bị thay đổi thường xuyên hay dễ dàng.

Hiến pháp chỉ có giá trị pháp lý khi được quốc dân chấp thuận và được thông qua theo một thủ tục pháp lý nhất định. Thủ tục này tùy theo qui định ở mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, thủ tục thông qua trong việc sửa đổi hiến pháp, cơ bản là: phải đưa ra toàn dân phúc quyết khi đã được Nghị viện ưng chuẩn. Thủ tục này được qui định tại Điều 70 của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Quyền phúc quyết hiến pháp là nguyên tắc thiết yếu của hiến pháp trong thể chế cộng hòa, là quyền tối thượng của nhân dân.

HIẾN PHÁP NĂM 1946 LÀ HIẾN PHÁP NGUYÊN THỦY, CHÍNH DANH

Năm 1945, với công lao của toàn dân, chủ quyền quốc gia đã thuộc về nhân dân. Do vậy mới có cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm 1946 bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta (Quốc hội khóa I). Đến gần cuối năm 1946, Quốc hội đại diện cho toàn quốc, toàn dân, thông qua bản Hiến pháp đầu tiên. Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp nguyên thủy, chính danh, hợp lòng dân và văn minh thế giới.

Sự chính danh của Hiến pháp năm 1946 cũng được xác nhận bởi các Hiến pháp kế sau. Lời nói đầu của Hiến Pháp 1959 có ghi: "Trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới." Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 có nhắc lại: "Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959." Và lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992 ghi: "Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980." Các trích dẫn đó chứng tỏ các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 đều chính thức thừa nhận Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp nguyên thủy và chính danh của nước ta kể từ đó.

NHỮNG THAY ĐỔI HIẾN PHÁP HỆ TRỌNG MÀ NHÂN DÂN KHÔNG ĐƯỢC PHÚC QUYẾT

Từ năm 1946 đến nay, Việt Nam đã có bốn Hiến pháp. Đó là vào các năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Rõ ràng, Hiến pháp Việt Nam là Hiến pháp bất thường vì liên tục bị thay đổi và dễ dàng bị thay đổi.

Hiến pháp năm 1959 thay đổi chính thể từ 'dân chủ cộng hòa' sang 'dân chủ nhân dân'. Hiến pháp năm 1980 thay đổi tên Nước thành Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tu chính Hiến pháp năm 1992 thay đổi ý nghĩa của Nhà nước từ Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thành Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…  

Các thay đổi trên là những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia, nhân dân phải được quyền phúc quyết. Và quyền này cũng đã được qui định tại Điều 21 và Điều 70 Hiến pháp năm 1946. Thế nhưng không một cuộc trưng cầu dân ý nào được tổ chức trong các lần sửa đổi Hiến pháp. Như vậy, Nhà nước không tôn trọng nhân dân và xem thường các quy tắc Hiến định cơ bản.

HIẾN PHÁP NĂM 1992 KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ

Bản Hiến pháp hiện hành công bố năm 1992, dù đã tu chỉnh năm 2001, nhưng vẫn chưa phải là bản hiến pháp hợp lệ vì những lý do sau :

1. Nhiều điều luật mâu thuẫn, không chuẩn mực trong bản Hiến pháp 1992 đã gây bất ổn định chính trị kéo dài, gây bất công xã hội ngày một gia tăng, khiến chính quyền đã phải lo sợ cho sự sụp đổ của chế độ. Sau đây là vài điều tiêu biểu gây bất bình nghiêm trọng trong xã hội:                                                                          

- Điều 4 Hiến pháp quy định: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…" Không một hiến pháp chuẩn mực nào lại khẳng định quyền lãnh đạo tuyệt đối và vĩnh viễn cho một đảng!  Khẳng định quyền lãnh đạo của đảng CSVN trong Hiến pháp là tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân quy định tại điều 2 Hiến pháp. Quyền lực Nhà nước phải được nhân dân thỏa thuận trao cho thông qua bầu cử tự do và công bằng. Việc khẳng định quyền lãnh đạo đương nhiên của một đảng đồng nghĩa với việc phủ nhận quyền làm chủ của nhân dân. Chủ nghĩa Mác Lênin chỉ là một luồng tư tưởng trong xã hội, quy định quyền lãnh đạo cho đảng CSVN cùng ý thức hệ Mác Lênin trong Điều 4 là chống lại việc thực hiện mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ qui định tại Điều 3 Hiến pháp. Vấn đề này gây chia rẽ trong xã hội, vi phạm chính sách bình đẳng, chống lại nguyên tắc đoàn kết dân tộc. Chưa kể chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị thực tế bác bỏ ngay tại Đức, nguồn gốc của chủ nghĩa Mác, và tại Nga, một thời là thành trì của chủ nghĩa xã hội.

- Điều 4 Hiến Pháp vi phạm Luật Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt quyền dân tộc tự quyết quy định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Điều 21) và Công Ước Dân Sự Chính Trị (Điều 1).

- Điều 83 quy định "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCNVN. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp…" Tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội lại là đảng viên đảng CSVN. Như vậy, cùng với Điều 4, Điều 83 tạo cơ sở pháp lý cho chế độ độc đảng toàn trị. Dựa trên hai điều khoản đó, đảng CSVN sử dụng Quốc hội như một công cụ để tự cho mình quyền lực Nhà nước.

- Điều 147 Hiến pháp qui định chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp, với hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Với Quốc hội độc đảng và thủ tục thông qua Hiến pháp đơn giản và dễ dàng như vậy, việc sửa đổi Hiến pháp không khác gì việc thông qua hoặc sửa đổi điều lệ của một đảng phái.

2. Hiến pháp năm 1992 đã không đề cập đến quyền phúc quyết hiến pháp của nhân dân, một quyền cơ bản thiết yếu quy định tại Điều 70 Hiến pháp đầu tiên năm 1946, một thủ tục pháp lý không thể bỏ qua mỗi khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi hiến pháp. Thủ tục phúc quyết cần được hiểu là sự phê chuẩn của nhân dân bằng lá phiếu qua cuộc trưng cầu ý dân. Rõ ràng, thủ tục sửa đổi hiến pháp quy định bởi Quốc hội đầu tiên đã không được các Quốc hội kế tiếp tuân hành khi sửa đổi và thông qua hiến pháp.

Tất cả các vi phạm nêu trên là nghiêm trọng, nhưng vi phạm nghiêm trọng hơn cả là Hiến pháp năm 1992 đã loại bỏ hẳn quyền phúc quyết hiến pháp của nhân dân. Hiến pháp năm 1992 không hề được nhân dân phúc quyết. Đó là cơ sở pháp lý chứng minh bản Hiến pháp 1992 không có giá trị pháp lý.

Tương tự, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980, với sự thiếu sót nghiêm trọng này, cũng không thể được coi là hợp lệ.

Bản tuyên bố này nhằm mục đích nêu lên sự cấp thiết của một bản Hiến pháp mới cho đất nước. Bản công bố được để ngỏ cho sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các trí thức và toàn thể đồng bào.

Hà Nội, ngày 20  tháng 11 năm 2007

TM. Ban Soạn Thảo Trung Ương Đảng Dân Chủ Việt Nam

Giáo sư Hoàng Minh Chính,

Tổng Thư Ký Đảng Dân Chủ Việt Nam

Nguyên Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, Hà Nội

Nơi gửi:

o Chủ tịch QH và các Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

o Toàn thể nhân dân Việt Nam.

o Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu Châu.

o Các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước.    

# # #

Tham Khảo:

Hiến pháp 1992

Điều 2

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN là Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp tri thức. 

Điều 3 

Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân

Điều 4 

Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

Mọi tồ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Điều 83 

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. 

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.  Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Điều 147 

Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

# # #

Hiến pháp 1946

Điều thứ 21

Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều thứ 32 và 70. 

Điều thứ 70

Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:

a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.

b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.

c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Việt Nam là thành viên của LHQ từ năm 1977)

Điều 21:

(1) Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách hoàn toàn tự do.

(2) Mọi người đều có ngang nhau quyền nhận lãnh những trách nhiệm chung của quốc gia của họ.

(3) Ý muốn của nhân dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và nghiêm chỉnh, bằng phiếu kín, qua phương thức phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, hay các phương thức tương đương bảo đảm tự do bầu cử.

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự Và Chính Trị (Việt Nam ký kết tham gia từ năm 1982)

Điều 1:

1) Các dân tộc điều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

2) Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của người dân không thể bị tước đoạt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mấy tuần lễ này, giữa cái vui tưng bừng của Lễ Giáng Sinh, của ngày đầu năm mới 2008, và cũng là những ngày rạo rực đón Tết Con Chuột
Thực tế, nếu chỉ nói hay viết về một chương trình ca vũ nhạc kịch với những giọng ca điêu luyện hay các điệu vũ quyến rũ, và ngay cả màn thoại kịch
Trong những ngày lưu  lạc tha hương, hai tiếng “Quê hương” như một nhắc nhở đêm ngày, những hình ảnh thân thương
Câu hỏi thời thượng trong mùa bầu cử tổng thống hiện nay là: Hillary Clinton (Dân chủ, New York) hay Barack Obama (Dân chủ, Illinois)"
Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mỉnh là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội
Những dịp chuyển sang một năm mới, một thế kỷ mới, một ngàn năm mới, con mắt mỗi người tự nhiên mở rộng tầm nhìn
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai
Khoảng 80 Tăng Ni Cư Sĩ đã họp Đaị Hội Bất Thường tại Quận Cam các ngaỳ cuối tuần qua
Mạng ''Chứng nhân lịch sử'' vừa treo giải ''Lưỡi Vàng'' cho những câu nói hay nhất trong năm con Lợn - Đinh Hợi. Phải là những câu nói xuất sắc
Năm 1991, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, rất nhẹ. Nhưng dư luận nước Mỹ lúc đó đều nghe thấy những hồi chuông báo tử
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.