Hôm nay,  

Sáu Năm Sau - Đế Quốc Tuột Tay

15/09/200700:00:00(Xem: 10082)

Sáu mươi năm sau - Tổng thống Bush sẽ được đánh giá khác...

Trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng thống George W. Bush đạt một thành tích hiếm có, là đụng đáy ở tỷ lệ ủng hộ 22%. Nay tỷ lệ này đã nhích lên một chút, mà vẫn chập chờn ở mức 30%. Dù sao vẫn còn gấp đôi tỷ lệ ủng hộ Quốc hội trong tay đảng Dân chủ.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có một vị tổng thống bị rớt tới đáy 22% đó, là Harry Truman. Ông bị mất lòng dân đến nỗi không dám ra tái tranh cử năm 1952. Ngày nay, lịch sử lại đánh giá Truman là một trong 10 vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ! Dư luận đương thời và phán xét của lịch sử nhiều khi có khác, khác nhau là ở tầm nhìn, ở thời gian.

Cũng vì vậy, nhiều khi ông Bush đã nghĩ tới - và nhắc tới - Harry Truman, với niềm mơ ước là "lịch sử sẽ hiểu ta".

Hãy nhắc lại về Harry Truman.

Ngay giữa Thế chiến II, vào tháng Giêng năm 1945, Harry Truman được cử lên thay Henry Wallace làm Phó Tổng thống cho Franklin Roosevelt, vị Tổng thống vĩ đại của đảng Dân chủ. Chưa đầy ba tháng sau  - 82 ngày - Roosevelt tạ thế, ông lên làm Tổng thống, khi cuộc chiến đang ngã ngũ và nước Mỹ ngổn ngang trăm chuyện bên trong và bên ngoài. Hoàn tất nhiệm kỳ dang dở của Roosevelt từ 1945 đến đầu năm 1949, ông chấm dứt Thế chiến II tại Á châu với quyết định dội bom nguyên tử vào Quang Đảo và Trường Kỳ (Hiroshima và Nagasaki) của Nhật và là kiến trúc sư của hàng loạt cơ chế hậu chiến của thế giới - những cơ chế còn tồn tại đến ngày nay.

Ngược với mọi dự đoán thời đó của dư luận, trước tiên Harry Truman đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 1948, một cách bất ngờ. Nhưng chính quyền của ông lẫn hoàn cảnh của Hoa Kỳ thời đó đang trải qua hàng loạt những vụ khủng hoảng làm Truman mất dần sự ủng hộ của dân chúng. Đấy lại là lúc xảy ra chiến tranh Triều Tiên. Tỷ lệ ủng hộ của ông tuột tới đáy sâu 22% khi ông cách chức một chiến tướng lẫy lừng công trạng trong Thế chiến II và tại Triều Tiên là Douglas McArthur.

So với những vụ xì căng đan của ông Bush và đảng Cộng hoà thời nay, Harry Truman còn gặp tai họa lớn lao gấp bội - mà cột báo này không thể liệt kê hết.

Năm 1952, Truman không dám ra tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ hai... rưỡi (dù có quyền hiến định như vậy), rồi tạ thế trong lãng quên năm 1972. Mãi tới sau này, lịch sử mới công bằng xét lại thành tích của ông, và đánh giá ông là một Tổng thống có tài...

Bây giờ trở lại chuyện ông Bush.

Harry Truman bị sụt tới đất đen chủ yếu là vì an ninh và đối ngoại: sự xuất hiện của Liên bang Xô viết như một cường quốc có võ khí nguyên tử, thắng lợi của đảng Cộng sản tại Hoa Lục, chiến tranh Cao ly như một nỗ lực hỗn hợp Nga Hoa để thách đố Thế giới Tự do, Chiến tranh lạnh, và cả Chiến tranh Đông Dương. Trong khi ấy, chính quyền của ông có đầy điệp viên được Liên Xô phái khiển vào từ lâu, và lên tới vị trí chiến lược của cơ chế lãnh đạo Hoa Kỳ, v.v..

George Bush cũng vậy. Nếu Truman bị kéo vào Chiến tranh lạnh, ông Bush là người phải đối phó với một hình thái chiến tranh mới, chiến tranh khủng bố của các xu hướng Hồi giáo cực đoan. Biến cố đánh dấu cuộc chiến đó là vụ khủng bố 9-11, xảy ra khi ông mới nhậm chức chưa đầy tám tháng, và hiển nhiên đã được tổ chức từ trước đó rất lâu, dưới thời Bill Clinton.

Sáu năm sau vụ khủng bố ấy, tức là ngày nay, người ta thấy tình hình ra sao"

Ngay sau vụ khủng bố, người viết bài này đã kết luận, rằng kể từ nay, Hoa Kỳ đã tìm ra lý luận biện minh cho vai trò đế quốc của mình - một đế quốc có từ tâm và thiện chí. Sáu năm sau, dường như đế quốc ấy đã tuột tay và không còn chi phối được tình hình địa cầu như vào đầu năm 2002, khi nước Mỹ được thiện cảm của nhân loại và củng cố tư thế siêu cường độc bá, cột trụ duy nhất có thẩm quyền, của thế giới.

Dư luận cho rằng tất cả là vì vũng lầy Iraq.

Mở đầu cho năm thứ nhì của nhiệm kỳ nhất, tháng Giêng 2002, Tổng thống Bush và Chính quyền của ông đã đảo ngược lập trường khiêm nhượng và cẩn trọng mà ông đã chủ trương khi tranh cử năm 2000.

Ông gia tăng quyền hạn cho chính quyền liên bang, ngược với lập trường giản chánh và thu hẹp sự can thiệp của chính quyền vào đời sống người dân - và gây bội chi ngân sách. Ông mở ra một cuộc chiến "toàn phương vị" (360 độ), đồng loạt tấn công kẻ thù ở mọi nơi, vào cùng một lúc, thay vì tiến hành chiến lược tiệm tiến, từng bước giải quyết từng đối thủ.

Chuyện Iraq nằm trong sự chọn lựa toàn phương vị và đồng loạt ấy, thay vì tập trung vào chiến trường Afghanistan để nhổ cho sạch các cơ sở và căn cứ của khủng bố al-Qaeda.

Trong khi ấy, ông vẫn thi hành đường lối kinh tế tự do và chiến lược giảm thuế, bất chấp tình trạng bội chi ngân sách. Vì sự bành trướng quyền hạn - và công chi - ông làm mất lòng thành phần cử tri bảo thủ về kinh tế, những người muốn thu hẹp vai trò của công quyền trong sinh hoạt kinh tế. Ông bất cần họ, cho tới vụ Katrina mới bị choáng váng.

Nhưng, vào thời đó, nói chung đa số dân Mỹ vẫn ủng hộ chủ trương toàn phương vị và đảng Dân chủ hậu thuẫn quyết định tấn công Iraq vì đấy là chủ trương của họ, được đề ra từ năm 1998, dưới thời Bill Clinton. Theo truyền thống lật lọng cố hữu của đảng này, họ xoay chiều đả kích ông Bush, chỉ vì ông không đạt thành quả tại Iraq, chứ chẳng phải vì ông gian dối như đối lập Dân chủ đã và đang lý luận, với sự phụ hoạ, thậm chí đề xướng của phe phản chiến. Lý luận con buôn của chánh sách đối ngoại Mỹ, không có lời là xoá sổ bầy ra chuyện khác, được đảng Dân chủ mặc nhiên đề xướng. Và vị Tổng thống duy nhất tốt nghiệp về kinh doanh là George W. Bush lại chống! Và mang tiếng là ngoan cố.

Chúng ta chưa rõ - và không thể biết được - rằng nếu Phó Tổng thống Al Gore không dại dột nhích khỏi bóng rợp của Bill Clinton, đả kích người chỉ huy cũ về chuyện đạo đức và mất vài trăm phiếu tại Florida trong cuộc bầu cử năm 2000, Hoa Kỳ sẽ hành xử ra sao dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Al Gore. Nhiều phần là cũng lúng túng và bết bát như vậy, nếu ta xét tới lập trường đầy mâu thuẫn của các ứng viên Dân chủ ngày nay.

Di sản George W. Bush

Nhưng Bush chứ không phải Gore đã ngồi vào trách vụ lãnh đạo và đang được phê phán nặng nề. Như sau:

Sáu năm sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ chưa tiêu diệt được al-Qaeda và chủ nhà chứa là chế độ Taliban, tại Afghanistan. Osama bin Laden và lãnh tụ Taliban là Mullah Omar vẫn còn sống. Sáu năm sau khi đưa quân vào Afghanistan (ngày 11 tháng 10 năm 2001), Hoa Kỳ chưa làm chủ được, hay ít ra kiểm soát được, tình hình xứ này.

Tại Trung-Nam Á, đồng minh chiến lược của Mỹ là Pakistan cũng vuột khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Pakistan đu dây giữa tàn dư Taliban, các tộc trưởng Hồi giáo trong vùng biên giới tiếp giáp với Afghnistan và các tướng tá theo xu hướng Hồi giáo cực đoan ngay trong hệ thống an ninh và tình báo. Đã vậy, Tổng thống Pervez Musharraf có thể sẽ mất quyền vì tội độc tài, thiếu dân chủ, trong khi một cuộc hành quân hỗn hợp để tiêu diệt Osama bin Laden vẫn chỉ là giấc mơ.

Trong khi cục diện Afghanistan chưa ngã ngũ - Hoa Kỳ khai diễn tiếp chiến dịch Iraq, và cho đến nay chưa kiểm soát được tình hình Iraq. Và chưa đối phó nổi với thách đố của Iran, một cường quốc đã khéo đưa Hoa Kỳ vào hầm bẫy Iraq để nhổ cái gai Saddam Hussein và chế độ Sunni cho họ. 

Trong khi ấy, Liên bang Nga ra khỏi thời kỳ khủng hoảng 1998-2001 với sự xuất hiện của Tổng thống Vladimir Putin. Putin đưa nước Nga trở lại vị trí siêu cường, và dù chưa là toàn cầu như Hoa Kỳ đã có thể thách đố nước Mỹ tại mọi nơi, từ Đông Âu tới Trung Á và trong từng hồ sơ quốc tế, điển hình là đối sách với Iran. Liên bang Nga của Putin đang đẩy lui làn sóng dân chủ tại Ukraine, hăm dọa Georgia, chiếm lại ảnh hưởng tại Trung Á, nơi mà Hoa Kỳ đã có lúc thiết lập căn cứ quân sự để chuẩn bị chiến dịch Iraq.

Bên cạnh Liên bang Nga, Trung Quốc cũng trở thành một cường quốc kinh tế trong nhiệm kỳ Bush - từ 2001 đến nay - và tuần rồi còn vượt qua Canada để trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ sau khi đã là một chủ nợ của Hoa Kỳ. Không chỉ là cường quốc kinh tế, Trung Quốc đang tiến lên vị trí cường quốc quân sự đại dương, với khả năng kỹ thuật vượt bậc trên không gian và trong lãnh vực siêu kỹ thuật điện toán. Bắc Kinh đã xâm nhập hệ thống thông tin điện toán quốc phòng của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và nhiều xứ khác, vậy mà tại Thượng đỉnh APEC vào tuần qua, Tổng thống Bush tránh không nhắc tới.

Vì khó khăn nội bộ - rất nhiều - hơn là vì sự gián chỉ của Mỹ, lãnh đạo Bắc Kinh không trực diện thách đố Hoa Kỳ như Putin của Nga. Nhưng rõ là nước Mỹ bị tuột tay vì không ngăn được ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn thế giới, vào tới tận Trung Nam Mỹ.

Tại Trung và Nam Mỹ, ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng sút giảm nặng nề. Chánh sách cải tổ chế độ di trú đã không được Mexico hợp tác, đồng minh Colombia của Mỹ bị Quốc hội Dân chủ bỏ rơi, và loại cường quốc hạng bét chứ chưa được hạng ba như Venezuela cũng có thể ngang nhiên thách thức, nhục mạ và chế giễu Hoa Kỳ, với sự cổ võ của nhiều phe nhóm chống Bush ngay trên nước Mỹ.

Ngay tại Trung Đông, Hoa Kỳ đành thả nổi hồ sơ Palestine sau khi ông Bush đề nghị giải pháp thành lập một quốc gia Palestine, sống chung cùng quốc gia kia là Israel. Ngần ấy giải pháp ôn hoà và thực tiễn cho Palestine đều bị phá hoại, không bởi lực lượng khủng bố Hezbollah thì do lực lượng khủng bố Hamas. Cả hai đều có nguồn yểm trợ của các nước chống Mỹ trong khu vực.

Trong cuộc chiến Iraq, Hoa Kỳ ra quân với Nghị quyết của Liên hiệp quốc làm lá chắn. Nhưng đã phải vào một mình và chưa biết sẽ làm sao chia sẻ gánh nặng ổn định và tái thiết cho định chế này. Kế hoạch cải tổ Liên hiệp quốc của Hoa Kỳ thất bại thê thảm vì nhân vật được ông Bush giao phó nhiệm vụ đó là Đại sứ John Bolton đã bị chính Quốc hội Mỹ cắt gân ở nhà - chủ yếu cũng vì lập trường cứng rắn của Bolton và sự suy yếu của Hoa Kỳ tại Iraq.

Hoa Kỳ không thể ảnh hưởng tới Liên hiệp quốc, ngược lại, phải đắn đo hơn mỗi khi cần tới danh xưng quốc tế của tổ chức này. Thí dụ điển hình là hồ sơ võ khí hạch tâm của Iran.

Hai cột trụ của kiến trúc tài chánh quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới do Hoa Kỳ thiết lập sau Thế chiến đang trở thành lỗi thời, không ứng phó được với hoàn cảnh mới và nhiều chuyển động lớn của thị trường - nay thuộc phạm vi quyết định của tư nhân, với sức mạnh kinh tế đáng kể của các nước đang phát triển. Mô hình cải cách để phát triển do Hoa Kỳ đề cao trong khuôn khổ IMF bị thách đố và Ngân hàng Thế giới trở thành hang ổ tham nhũng - như báo cáo tuần qua của ông Paul Volcker đã co thấy.

Volcker là nguyên Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ được Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Paul Wolfowitz mời vào làm tư vấn từ đầu năm nay để nghiên cứu việc giải trừ tham nhũng bên trong định chế này. Bốn tháng sau, Wolfowitz phải từ chức vì tội... tham nhũng, một vụ đánh oan có phối hợp của các nhân viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới, với sự ủng hộ ngầm của nhiều nước Âu châu... đồng minh của Mỹ.

Chỉ vì Wolfowitz dám đụng vào đặc quyền của tổ chức này khi đã mang tội là kiến trúc tư "tân bảo thủ" của chiến lược Iraq, thời còn làm Thứ trưởng Quốc phòng

Nếu Hoa Kỳ là một đế quốc đích thực - có từ tâm hay ác ý chưa biết - thì đã chẳng để thiên hạ sự tuột dần khỏi sự kiểm soát của mình như vậy.

Tổng thống Bush là người bị trách nhiệm nặng nhất trong sự suy sụp uy tín và ảnh hưởng của nước Mỹ vì ông là người đang lãnh đạo và phạm quá nhiều sai lầm. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này.

Lẽ được mất trong tương quan lực lượng

Ngược lại, cái mất của Mỹ có thể là cái được của các đối thủ.

Sáu năm sau vụ 9-11, được nhiều nhất là al-Qaeda vì được tiếng là đã rút chốt cho địa cầu xoay theo hướng khác. Nhưng al-Qeada và Osama bin Laden chưa đạt mục tiêu chiến lược của họ là giật xập hàng loạt chế độ Hồi giáo ôn hoà hay thân Mỹ trên thế giới để lập ra một vương quốc Hồi giáo được cai trị dưới giáo luật của đạo Hồi. Như một Tề thiên Đại thánh, bin Laden đã đại náo thiên cung và làm nên lịch sử.

Nhưng nhiều phần thì sẽ chết già hay chết bệnh trong hang đá trên núi, chứ không có ngày về Saudi Arabia nhìn xứ sở và đất thánh của mình lọt vào vòng cai trị của Hồi giáo cực đoan và lạc hậu. Bin Laden hoàn tất nhiệm vụ với lịch sử và sẽ đi dần vào hang tối của lịch sử.

Và nhường vị trí chói sáng cho một đối thủ không đội trời chung là các Giáo chủ Shia tại Iran. Đạo Hồi cực đoan không kém nhưng tương đối tiến bộ hơn tại xứ này đã thắng lớn khi cho Hoa Kỳ hít đất tại Iraq. Nhưng thắng lớn mà chưa thể dứt điểm. Thí dụ như chưa thể khuynh đảo Iraq và dồn quân đe dọa đối thủ truyền thống là Saudi Arabia để làm chủ toàn khu vực trải dài từ biên giới Afghanistan về tới Địa trung hải.

Lý do là Hoa Kỳ sẽ rút tay ra khỏi ổ kiến lửa Iraq nhưng vẫn dồn quân bảo vệ khu vực này.

Dồn quân để rút - mà không ra

Đầu năm nay, ông Bush đề nghị chiến lược dồn quân xấn tới, với 15 lữ đoàn gồm 30 ngàn lính. Mục tiêu dồn quân là để sẽ rút sau khi tạo được một số điều kiện an ninh tốt đẹp hơn cho các giải pháp chính trị. Khi nói đến dồn quân - surge - ông Bush hàm ý ngắn hạn để tạo thành quả cho phép rút quân. Đại tướng David H. Petraeus thi hành chiến lược ấy và về báo cáo kết quả vào tuần qua, chỉ nội ba tháng sau khi đã có đủ quân số.

Việc chính trường và đảng Dân chủ đối xử rất tệ với ông - một danh tướng có thực tài - không là mục tiêu bài viết này, nhưng sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Trong khi ấy, trên cái trớn thắng lợi dù rất tương đối của chiến lược dồn quân, hôm Thứ Năm 13, ông Bush lập tức tuyên bố điều ông nói trước từ đầu năm và mọi người đều chờ đợi: sẽ rút chừng năm lữ đoàn - 30.000 quân - từ nay đến tháng Bảy. Tới Giáng sinh thì 5.700 lính đã có thể hồi hương. Quân số Hoa Kỳ tại Iraq sẽ trở lại mức 130 ngàn. Và Hoa Kỳ sẽ còn ở lại đó rất lâu, với năm bảy chục ngàn quân.

Tại biên giới giữa Iraq với Iran - trong vùng đông dân cư nhất - hay ngoài sa mạc hoang vu ở hướng Tây gần biên giới với Syria và Saudi Arabia" Chúng ta chưa biết, mỗi giải pháp lại có sự lợi hại riêng và không là mục tiêu của cột báo này. Nhưng chỉ biết rằng một di sản của George W. Bush là Mỹ sẽ đóng quân tại Trung Đông như đã đóng quân tại Nam Hàn, từ thời... Harry Truman đến nay. Chính ông Bush có nhắc tới điều ấy.

Người kế nhiệm ông Bush làm Tổng thống, ông hay bà nào sẽ dám lấy quyết định rút hết, rút sạch" Rất khó! Và ai sẽ dám lấy quyết định rút quân khỏi Afghanistan"

Lãnh đạo Hoa Kỳ năm nay, năm tới hay qua năm 2009 cho tới rất lâu sau này sẽ nhận lãnh di sản do Osama bin Laden gây ra và George Bush gom lại.

Trong sáu năm qua, Hoa Kỳ tương đối an toàn hơn thời trước - dù không một quốc gia nào có thể tự cho là an toàn trước nạn khủng bố - nhưng tuột tay mất dần ảnh hưởng trên thế giới. Đó là do sai lầm chủ yếu của ông Bush.

Trách nhiệm chung

Nhưng khi điểm lại từng cái "mất" của Mỹ, người ta cũng phải thấy ra trách nhiệm của đối lập bên đảng Dân chủ, phe phản chiến và đa số truyền thông Hoa Kỳ, vốn thiên tả hơn quần chúng Mỹ nói chung. Các thành phần này chống Bush và có lẽ ghét Bush còn hơn quân khủng bố. Với họ, những gì Hoa Kỳ bị mất đều có nghĩa là Bush mất. Mà chưa chắc là họ lại được. Kể cả trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm tới.

Lãnh đạo mới của Hoa Kỳ, vào tháng Giêng năm 2009, phải bơi ngược dòng để tìm lại những gì đã mất. Nhiều phần sẽ bơi trong dòng nước do ông Bush vạch ra trong sáu năm điêu đứng vừa qua, trước tiên là tại Iraq.

Rồi qua năm thứ nhì, 2010, họ đã phải báo cáo thành tích để chuẩn bị tranh cử hay tái tranh cử vào năm 2012. Khi đó, dù bin Laden có còn hay không, nạn khủng bố vẫn chưa dứt trên toàn thế giới - tuần qua, người ta mới thấy chân rết Thánh chiến đã vào tới Canada, sau khi lập mạng lưới tại Âu châu, từ Anh qua Đức, lên tới Đan Mạch. Và Hoa Kỳ vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến trường kỳ chống lại một hình thái chiến tranh tôn giáo kết hợp mọi sắc thái và phương pháp, từ khủng bố đến du kích, phá hoại, khuynh đảo, tuyên truyền và nổi dậy, v.v...

Khi đó, người ta mới có dịp kiểm lại thành tích của George W. Bush, với nhiều khách quan hơn, và một quy luật lịch sử ít ai nói tới: mọi triều đại đều phải ứng xử với các vấn đề do (các) triều đại trước để lại.

Ông Bush không nặn ra al-Qaeda, Jimmy Carter đã góp phần cho việc đó từ khi yểm trợ Thánh chiến chống Liên Xô tại Afghanistan. Quyết định tháo chạy của Ronald Reagan tại Lebanon là một cám dỗ cho bin Laden, được nuôi dưỡng tiếp từ sự chểnh mảng của Bill Clinton trong tám năm hoà bình chứa đầy chất nổ. Gặp hoàn cảnh bất ngờ ấy - yếu tố bất ngờ là điều đáng phê phán nhất của hệ thống tình báo Mỹ - ông Bush đã ứng phó đầy táo bạo - và rất kém tại Iraq.

Sáu năm sau nữa, dư luận có dịp phán đoán xem người kế nhiệm đã kế thừa di sản Bush có ứng xử khá hơn chăng. Và sáu chục năm sau, 2060 trở đi, lịch sử sẽ có đủ chiều sâu để phê phán Bush trên toàn cảnh. (Qua năm tới, cũng vào mùa này, người ta mới có thể sẽ "tạm" tổng kết về thành tích và di sản nhiều mặt của ông Bush.)

Nhìn từ hiện tại thì sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ tìm ra một định hướng cho vai trò độc bá của mình, là siêu cường toàn cầu duy nhất của thế giới, là một đế quốc có từ tâm và thiện chí. Nhưng cái "trật tự mới" mà Tổng thống George H. Bush (ông Bush cha) hồn nhiên nói tới ngay sau khi Liên xô sụp đổ chỉ là một buổi giao thời ngắn ngủi - những năm "yên bình" của Clinton. Người ưa truyện võ hiệp Kim Dung có thể nghĩ tới "Hội chứng Tiêu Bán Sơn", nỗi ngơ ngác trống trải của ông ta khi thấy cừu thù Mộ Dung Bác đã chết sau mấy chục năm thư hùng.

Thật ra, trật tự ấy của năm 1991 là một mầm hỗn loạn lớn, với sự xuất hiện của nhiều cường quốc hay lực lượng không chấp nhận tư thế độc bá - hay bá quyền - của nước Mỹ. Suy từ nhiều bài học của quá khứ, sự thảm bại của Mỹ tại Việt Nam năm 1975, từ nỗi nhục của Mỹ tại Iran năm 1979, hay sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 sau khi phải rút khỏi chiến trường Afghansitan, al-Qaeda bèn đánh Mỹ làm gương.

Chủ yếu không chỉ vì thù ghét người Mỹ, mà để thuyết phục thế giới Hồi giáo về cái thế tất thắng của mình khi đánh gục ý chí của nước bá quyền còn lại.

Ông Bush và cả đối lập bên đảng Dân chủ đã ứng phó rất kém với nhiều nôn nóng, mà cho tới nay vẫn không minh định được cho đúng kẻ thù. Một vấn đề văn hoá!

Sáu năm sau khi Hoa Kỳ ra quân, danh xưng của một cuộc chiến vẫn chưa được thống nhất và Mỹ còn lẫn lộn về bạn và thù - khi thì là Iran, khi là Saudi Arabia chẳng hạn. Cả hai chế độ đều dung chứa khủng bố, theo hai kiểu Shia và Sunni (Wahhabi của Saudi và bin Laden là một hệ phái của Sunni!) mà đều được đối lập Dân chủ đòi đưa lên cấp đối tác, ngang hàng, như Iran. Hoặc bị nhục mạ như Saudi Arabia. Chưa kể Pakistan, một xứ Hồi giáo duy nhất có võ khí nguyên tử với một lãnh tụ bấp bênh mà vẫn bị đối lập Dân chủ tại Mỹ coi như món đồ trong túi, muốn lấy muốn bỏ lúc nào cũng được!

Đế quốc Mỹ có thể là có từ tâm, nhưng quốc dân thiếu ý chí, và lãnh đạo kém lý trí. Nếu chỉ nhìn trong viễn ảnh sáu năm, tức là ba lần tranh cử lớn nhỏ, thì tuột tay là phải!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo bản tin Anh ngữ của BBC, thành phố Kaesong tại Bắc Hàn là một thành phố nằm sau giới tuyến chiến luỹ phân ranh giữa Bắc Hàn với Nam Hàn
Sang Mỹ ăn nhiều bơ thịt, tạng người trẻ Việt có vẻ cao ráo gồ ghề hẳn ra, hình ảnh cô em Bắc Kỳ nho nhỏ đôi khi cũng nhạt nhòa theo với Nguyễn Tất Nhiên.
Trong danh sách những gì mà bạn cần dự định làm cho ngày lễ, sự chuẩn bị an tòan là việc cần để ý hàng đầu trong danh sách.
Gần đây, trong các mạng nhện i-meo, tự nhiên lại rộ lên phong trào đua nhau ca tụng Các Mác, y như  phong trào "trăm hoa đua không nở" vậy.
Ngày 15/11/2007 Tân hoa xã, cơ quan thông tấn của đảng Cộng sản Trung quốc cho ban hành một Bạch thư bằng Anh ngữ nhan đề
Hôm ấy là ngày Chủ Nhật 25-11-2007 nhằm ngày 16 tháng 10AL năm Đinh Hợi, chúng tôi một nhóm Phật tử tại Orange County
Hội đồng thành phố San Jose tối ngày 20.11.2007 đã biểu quyết thông qua việc đặt tên cho một khu phố
Tập Hợp Thanh Niên Dân chủ (THTNDC), tập hợp những thanh niên có mong muốn góp sức xây dựng một Việt Nam dân chủ và giàu mạnh
Cũng là trò, là thầy - cô cả, song ở giai đoạn tôi học, nó khác! Tất nhiên so với thời kỳ kết thúc chiến tranh tôi tận mắt chứng kiến cảnh thầy trò ở Miền Nam
Khi một biến cố xảy ra mà ngần ấy phe đều thấy mình đúng - và đối phương sai lầm -  người ta tất nhiên phải phân vân về lẽ đúng sai.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.